NHỮNG CÁNH HẠC
Lê Nguyễn Hằng
Hôm đó, cách đây khoảng
tám năm, tôi đang đứng giữa chợ, phân vân chưa biết mua thứ gì để nấu thêm một
món chay cho bữa ăn tối, cuối cùng tôi quyết định sẽ làm đậu rán chấm tương Cự
Đà.
Vừa đưa tay ra chọn miếng
đậu hủ còn nóng hổi thì có người vỗ vai:
-
Hằng đấy à, lâu quá mới gặp.
Thì ra là Ngà, chị bạn
đã quen hơn bốn chục năm, từ thuở làm chung sở ở Saigon. Chúng tôi rủ nhau qua
tiệm bên cạnh vừa ăn chè vừa báo cáo cho nhau những gì xảy ra trong suốt năm
qua.
Tôi vừa mới về hưu được
hai tuần, còn Ngà cũng đã nghỉ làm khoảng mười tháng và đang học nhạc với một
ông thầy người Việt. Nghe thế tôi mừng quá, vội hỏi chi tiết để cùng đi học cho
vui.
Ngay hôm sau, tôi gọi
điện thoại ghi tên vào lớp học nhạc. Đã mấy chục năm quên bẵng chuyện sách vở nhà
trường, bây giờ, ngày đầu tiên đi học vào một sáng đầu thu, cầm mấy quyển sách
nhạc trong tay, tôi bỗng có cảm giác lâng lâng như ông Thanh Tịnh:
“Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh… hôm nay tôi đi học.”
“Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh… hôm nay tôi đi học.”
Đến nơi, Thầy đón tôi ở
cửa ngang hông đi vào một căn phòng nối sau nhà chứa xe ngó ra vườn. Tôi nhìn
quanh, trong lớp chỉ vỏn vẹn có mấy cái đàn keyboard cho học trò tập. Tôi nhủ
thầm, thì mình cũng chỉ cần thế thôi, chứ lính mới tò te mà nhìn thấy mấy thứ nặng
ký lại lạnh cẳng bỏ cuộc thì phí công toi.
Thầy tuổi trung niên, cỡ
trên dưới năm mươi, chỉ bảo chậm rãi, kỹ càng tùy theo mức hiểu biết về âm nhạc
và khả năng tiếp nhận của học trò nên tôi cũng không đến nỗi khớp lắm.
Thuở nhỏ tôi rất thích
đàn hát, nhưng sinh ra trong một gia đình công chức bậc trung lại đông con, nên
tài chánh không cho phép và ngoài giờ đi học tôi còn phải phụ với Mẹ đi chợ, nấu
ăn và chăm sóc năm đứa em nhỏ vì chị tôi đã đi lấy chồng nên ước muốn của tôi đành
gửi gió cho mây ngàn bay.
Khi sang Mỹ, có đủ điều
kiện tài chánh thì lại bận bịu đi làm đầu tắt mặt tối và lo cho gia đình riêng.
Sáng sớm thức dậy cho ba đứa con ăn sáng, chở chúng đến trường, rồi phóng xe
trên xa lộ đến sở làm, hai giờ chiều chạy đến trường đón chúng bỏ vào nhà rồi
trở lại sở làm việc tiếp đến sáu giờ mới về lo cơm tối. Khi con lớn tí nữa,
chúng tự đón xe buýt của trường đi học là lúc công việc làm của tôi đòi hỏi nhiều
cố gắng và công sức hơn nên vẫn không có thì giờ.
Tôi đi làm miệt mài,
hăng say hơn ba chục năm, các bạn tôi không ai tin rằng có một ngày tôi đành đoạn
dứt áo nghỉ việc về hưu để “ăn không ngồi rồi”, nhưng riêng tôi, tôi biết chắc
rằng dù hằng ngày không còn sáng vác ô đi tối vác về, tôi cũng sẽ chẳng bao giờ
ngồi không. Tôi sẽ chấp nhận sự vô thường như một lẽ đương nhiên của cuộc đời
và sẽ sống lạc quan, bận rộn. Một điều chắc chắn là tôi sẽ không bao giờ phí phạm
những ngày tháng “bonus”, phần thưởng trời cho và nhất là vì còn có rất nhiều
việc ngày xưa tôi ao ước muốn làm mà không được.
Bây giờ các con đã có
gia đình ra ở riêng, chỉ còn hai vợ chồng già, nhân lúc về hưu có thì giờ rảnh,
đi học đàn là điều tuyệt vời.
Nhưng được cái này thì
mất cái kia. Lúc có cơ hội và điều kiện thì đầu óc bắt đầu chậm chạp, khó nhớ lại
mau quên nên tôi chọn học đàn keyboard, dễ hơn piano.
Mỗi tuần đến lớp tập một
tiếng còn dành thì giờ thực hành ở nhà. Mới đầu phải học thuộc những cái nút
trên mặt bàn phím để biết cách xử dụng cây đàn. Giời ạ! chỉ có bẩy nốt nhạc thôi,
mà sao bàn tay năm ngón không kiêu sa của tôi cứ cuống quít cả lên. Ngày xưa là
“đô rê mi pha son la si”, bây giờ thành “a, b, c, d, e, f, g”, điệu slow rock,
boston, tango… rồi nhịp nhanh nhịp chậm, tông thấp tông cao, mấy ngón tay gầy
guộc cứng đầu cứ chạy loạn xạ lên thôi. Khi xử dụng những ngón tay phải thì những
ngón bên trái chạy lạc sang đến xứ… Congo.
Vài tháng sau chúng mới
bắt đầu mềm mại nghe lời một tí. Mặc dù chưa nhuần nhuyễn lắm, nhưng tay phải bấm
nốt, tay trái bấm hợp âm chỉ chậm… như rùa thôi chứ không còn ngoan cố chạy
lung tung vô kỷ luật nữa.
Một thời gian, khi thấy
học trò đã có nền nếp, thầy soạn hòa âm cho chúng tôi tập hát. Dưới sự hướng dẫn
của thầy, học trò cứ hát tự nhiên chứ không theo một lớp thanh nhạc nào, miễn
là đúng nốt, đúng nhịp và đúng tông. Thầy bảo hát hay không bằng hay hát và hát
mãi thì sẽ có ngày… nghe lọt lỗ tai mà.
Rồi thầy thâu đĩa ngay
trong phòng học đàn trống trải nên âm thanh rất loãng nhưng vì thầy mới đến Mỹ
định cư nên khả năng lúc đầu chỉ có thế. Ít lâu sau, thầy nhờ một học trò mua
ván che một ô vuông nho nhỏ trong góc phòng, vừa đủ chỗ cho một người đứng với
cái máy vi âm (microphone) và giá nhạc, làm thành phòng thâu âm “cây nhà lá vườn”.
Nhờ cái “ô vuông bít bùng” này mà tiếng hát nghe ấm áp hơn. Những người nào hát
“nghe được”, thầy cho phát ra trên làn sóng radio địa phương ngày cuối tuần. Mấy
lão già chúng tôi hào hứng vô cùng dù chỉ là… ca sĩ miệt vườn.
Mỗi ba tháng, thầy tổ
chức “Hát Cho Nhau Nghe” trong đám học trò của thầy, thời gian này cũng giữ cho
Ngà và tôi rất bận rộn tập tành, bàn thảo với nhau, rồi cùng nhau tìm tòi những
bản nhạc mình thích để tập hát. Những hoạt động này đã giúp chúng tôi lúc nào
cũng cảm thấy tươi vui trẻ khỏe.
Vậy mà tuổi già có tha
cho ai bao giờ. Thời gian đã tàn nhẫn làm giọng ca “mới nở” chưa nổi danh bây
giờ đã trở thành… ống bơ rỉ, tôi ngồi nghe lại mấy đĩa thâu ngày đó mà lòng thấy…
ngậm ngùi!
Khoảng hai năm thì Ngà
và tôi cùng thôi học, không phải là đã giỏi hay đủ chữ nghĩa rồi nhưng mục đích
của chúng tôi là chỉ học những điều căn bản để tự đàn và hát cho đúng nhạc,
đúng nốt những bài mình thích mà thôi.
Cũng như bao nhiêu… cụ
lớn tuổi khác, Ngà và tôi xin làm hội viên một Trung Tâm Cao Niên gần nhà để theo
tập mấy lớp Tài Chi và Line Dance. Ngoài một người trong nhóm viết văn tên Mai,
chúng tôi còn có vài người bạn Việt Nam, thân nhất là Hồng và Quỳnh. Nhờ chúng tôi
đều có cùng sở thích nên rất tâm đầu ý hiệp, đi đâu cũng có nhau.
Tôi thường ỉ ôi với các
bạn là sao năm đứa mình không gặp nhau nửa… thế kỷ trước đây để được gọi là
“ngũ long công chúa”, nghe trẻ trung và văn chương chữ nghĩa, để bây giờ bị gọi
là “năm lão bà bà”, nghe sao… già ngắt đến tủi thân!
Là trung tâm cao niên
nên phần lớn người tham dự tuổi đều “quá đát” rồi, do vậy thường không uốn người
đúng theo một số điệu Yuanchi, bà giáo cũng thông cảm bỏ qua. Có những ngày tứ
chi bải hoải, chúng tôi cũng nhớ nhau và ráng đến lớp, múa may một tí là cảm thấy
lên tinh thần ngay. Trong lúc tập, nhiều khi cái bộ óc mòn mỏi và tay chân khô
cứng đã khiến chúng tôi khó thuộc bài nên đôi lúc làm sai, nhưng cứ an ủi nhau,
bọn mình chỉ cần múa chân múa tay cho máu lưu thông thôi, chứ có làm để đi thi
đâu mà sợ, thế mà cũng có lần chúng tôi phải đi “trình diễn”, mắt cứ dán chăm
chăm vào bà giáo để làm theo cho đúng. Mô Phật, rồi cũng xong.
Không những dạy học tự
nguyện không lương mà các bà giáo còn thường đem theo bánh kẹo thức ăn “dỗ ngọt”
và “an ủi” đám học trò vụng về cũng… già không thua gì bà giáo. Để tỏ lòng tôn
sư trọng đạo, tôi thường đem biếu bà một ít trái cây hái ngoài vườn như chanh, lê,
táo tàu, lô quật, mùa nào thức nấy.
Thỉnh thoảng trung tâm
lại tổ chức đi thăm thắng cảnh, chúng tôi cũng hăng hái ghi tên, khi thì đi San
Francisco, lúc vãng cảnh chùa Nhật hay khu Big Basin... Chúng tôi ríu rít tung tăng
như bầy sẻ nhỏ trong vườn hoa đầy màu sắc, ngồi trên bãi cỏ xanh mướt hay leo
lên cầu tạo dáng chụp hình như thuở còn đi học.
Mỗi năm họ tổ chức đôi
lần đi sòng bài của người da đỏ, “ngũ bà bà” cũng ghi tên. Chúng tôi toàn là
dân “mán sá” nên chọn chỗ ngồi gần nhau, vừa bàn tán vừa kéo máy “slot machine”
mà không phải nghĩ ngợi suy tính gì. Thứ máy một xu, nên có “cháy túi” cũng chỉ
thua hai, ba chục, thành ra câu “cờ bạc là bác thằng bần” chẳng làm nhụt chí nữ
nhi.
Nhưng
đánh bạc thì ít mà tán dóc thì nhiều. Đây là dịp cho chúng tôi đi giải trí, ngồi
chung xe buýt mấy tiếng đồng hồ vừa nhâm nhi bánh trái vừa tâm sự vụn. Bữa ăn
trưa chúng tôi san sẻ cho nhau từng viên kẹo, từng múi quít, lúc nào Ngà với
tôi cũng mua chung một phần ăn rồi chia đôi, thế là vui quá rồi. Bốn tiếng sau
chúng tôi ra về trong lòng hân hoan bất kể thua hay thắng.
Một ngày nọ, chúng tôi
bỗng thấy gió thôi bay phất phơ những sợi tóc thề đã một thời dầy mịn, bóng bẩy
thả gió lê thê, từng làm các anh học trò đi theo sau ngẩn ngơ, bây giờ chỉ còn
là những sợi mong manh yếu ớt, chúng tôi hè nhau đi mua tóc giả, đứa này đội
lên thử, đứa kia ngắm nghía rồi trầm trồ hoặc lắc đầu xua tay, cứ như lũ con
nít đang đi mua bánh kẹo hay đồ chơi. Nhờ những giây phút trẻ con như vậy mà
chúng tôi thấy đời thật đáng yêu.
Chúng tôi cũng hay đến
chùa làm công quả, thường thì phụ việc trong bếp như chiên đậu hủ, cuốn chả giò,
làm bánh cam. Chị toán trưởng chỉ cho chúng tôi cách lăn mè sao cho che kín đều
bột bánh, gói chả giò như thế nào để vỏ bánh không bị rách và cái nào cũng bằng
y nhau. Chúng tôi đã học được rất nhiều từ những kinh nghiệm lâu năm của các chị.
Khi cần, chúng tôi phụ rửa chén bát. Những việc nhẹ nhàng không đòi hỏi nhiều sức
lực này khiến chúng tôi rất mừng là mình còn hữu dụng.
Có vài cụ lưng đã còng,
đứng lên ngồi xuống khó khăn mà vẫn không chịu ở nhà nghỉ ngơi, cụ bảo, “Cuối
tuần con trai mới rảnh rỗi chở đến chùa, chiều nó lại tới đón về. Ở nhà một
mình buồn nẫu ruột, con lúc nào cũng bận rộn, các cháu nội ngoại đều có việc của
chúng nó. Nếu tự đi được thì tôi đã lại chùa hàng ngày. Đến đây vừa đọc kinh lễ
Phật, vừa được làm công quả giúp cho chùa, được tích phước lại gặp nhiều các
anh các chị nên tôi vui lắm quên cả ốm đau, chứ ở nhà là nó nhức chỗ nọ, mỏi chỗ
kia.”
Hình ảnh một cụ già rất
đời thường này, với nụ cười móm mém, bàn tay đầy tàn nhang và gân xanh cùng một
tấm lòng yêu tha nhân làm tôi xao xuyến và thán phục nên tôi theo gương cụ, tiếp
tục đi làm thiện nguyện đều đều.
Những lần đi làm công
quả gặp các cụ, tôi lại chạnh nghĩ đến mẹ mình. Tôi còn nhớ có một lần về Saigon
thăm Mẹ tôi đang nằm nhà thương, gặp được con gái, bà vui quá nên khỏi bệnh. Mừng
Mẹ qua được cơn nguy hiểm, tôi mời Mẹ đi Hà Nội chơi, nhân thể cho tôi được một
lần lạy bàn thờ tổ tiên ngày Tết và gặp bà con nội ngoại.
Đến thăm các chú, bác
trong họ, Mẹ tôi mặc áo dài nhung màu hạt dẻ, tóc vấn khăn nhung màu nâu đậm,
trên cổ là một sợi dây chuyền vàng có tượng Phật Bà Quan Âm, tay đeo một vòng cẩm
thạch lên nước ngọc xanh biếc. Ngày ấy bà đã lớn tuổi mà còn ăn mặc điệu đà
đúng cung cách của một người phụ nữ Hà Nội xưa…
Hằng
năm, cứ ngày mồng hai Tết là chúng tôi “năm nữ thí chủ” cùng đi chùa, cả chùa gần
lẫn chùa xa, có khi đi đến bẩy tám cái vì San Jose nổi tiếng là có nhiều chùa.
Tuy tuổi đã phải đếm nhiều vòng trên các đầu ngón tay, chúng tôi cũng vẫn lả lướt
trong những bộ áo dài màu sắc trang nhã nhưng không kém phần lộng lẫy cho hợp với
ba ngày Tết. Đến chùa được ăn cơm chay còn được hưởng lộc, thầy phát cho mỗi
người một phong bao mừng tuổi màu đỏ thường có 25 hoặc 50 xu và một quả quít,
có chùa sang hơn, cho cả 1 đồng và một cành hoa lan.
Chiều về ghé nhà tôi ăn
Tết, cũng những món sặc mùi Tết như bánh chưng, dưa món, dưa hành, chả giò, thịt
heo kho trứng ăn với dưa giá, gà luộc và canh miến, cá salmon kho ăn với dưa cải
chua, canh măng chân giò. Năm nay lại có thêm hai món rặt bắc kỳ là thịt đông
và chè hoa cau ăn với xôi vò. Cả ngày ăn chay, bây giờ chúng tôi xin phép ngả mặn.
Ăn xong thì chúc nhau
và mở quà mừng tuổi. Hồng là người lúc nào cũng nhiều sáng kiến, nhất là Hồng
đã đặt cả con tim vào việc lựa những món thích đáng cho mọi người, vì thế năm
bà già cũng cướp quà của nhau chí chóe, rồi đến màn văn nghệ, tưng bừng náo nhiệt
đủ món.
Tôi thường mua vé số tặng
các bạn đầu năm lấy hên. Để chắc ăn, tôi gửi ông thần tài một danh sách đầy đủ
tên họ, địa chỉ nhà, email và số điện thoại di động của cả năm đứa, nhưng chả
biết ông thần tài bao nhiêu tuổi mà ngài… đãng trí quá, cứ gõ nhầm cửa nhà người
khác.
Khi các bạn ra về, tôi
tặng mỗi người một ít trái cây và một hũ dưa món, chính tay tôi làm, để ăn bánh
chưng ngày Tết. Riêng Mai, cô em út trong nhóm đã có công lái xe đường xá xa
xôi từ San Francisco xuống đi du xuân với các chị già nên tôi đã tặng thêm một
tô canh măng chân giò, một lát cá salmon kho và một hũ dưa cải chua. Người ta
thường bảo, giá trị của món quà nằm trong chính tấm lòng của người trao tặng.
Chưa hết, năm đứa chúng
tôi cũng đi nghe nhạc thính phòng và không bao giờ bỏ sót tham dự những buổi
văn nghệ “Thank You America” và “Cám Ơn Anh, Người Thương Binh VNCH” để tỏ lòng
biết ơn đất nước Hoa Kỳ và các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa của chúng ta, những
người đã hy sinh xương máu cho quê hương, đất nước. “Năm bà già trầu” cùng mạnh
dạn dương cao lá cờ vàng ba sọc đỏ và hô to khẩu hiệu mà nước mắt rưng rưng.
Mong rằng sự hiện diện và đóng góp nhỏ nhoi của chúng tôi xoa dịu phần nào những
vết thương trên da thịt và trong trái tim của các anh chiến sĩ mà chúng tôi hằng
yêu mến và ngưỡng mộ từ lúc còn thanh xuân.
Năm 2014, tình cờ một
người bạn thuở tiểu học và trung học ở Tuy Hòa tìm ra tôi trên blog của trường
học sau hơn bốn mươi năm mất liên lạc. Bạn cho biết đang đăng bài trên Việt Báo
nên rủ tôi viết. Tôi bảo:
-
Bạn biết tôi là dân ban toán thì văn của
tôi chắc chắn “khô như ngói”, người ta đọc xong sẽ la làng trách tôi làm họ nhức
đầu, đừng có xúi dại.
Năm lần bẩy lượt nghe lời
khuyến khích, tôi cũng xuôi tai nên liều viết mấy bài, thế mà không ngờ ngay
năm đó, trời xui đất khiến, tôi lại trúng Giải Danh Dự! Tôi vui mừng sẵn đà viết
tiếp, đến năm 2017, ngôi sao may mắn lại đem đến cho tôi một giải cao hơn.
Không đi ra quán cà phê
như các ông, cứ vài tháng, năm phụ nữ chúng tôi lại tổ chức cùng ăn trưa một lần
cho có thì giờ bàn tán, nào là ăn uống thứ gì và kiêng cữ ra sao cho tấm thân
già nua ọp ẹp được nhờ. Rồi cùng nhau chia sẻ những niềm vui cũng như muộn phiền,
cùng nghiền ngẫm chuyện đời để học hỏi lẫn nhau.
Chúng tôi cùng đồng ý
không tham dự vào cuộc sống riêng tư của các con, cháu; nếu rủi mai này ông chồng
già có bỏ đi trước thì nhất định sẽ sống một mình, gần bạn gần bè để khi tối lửa
tắt đèn còn ới nhau nhờ vả.
Khi không còn tự lo được
cho thân mình thì sẽ tự động vào viện dưỡng lão khỏi làm phiền con cháu, chúng
có thương thỉnh thoảng ghé thăm là phần phước của mình, còn nếu chúng vì bận rộn
cơm áo gạo tiền không nhìn nhõ đến thì cũng chẳng tủi thân vì nước mắt chẩy xuôi
mà.
Nhờ may mắn có các con ở
gần, nên niềm vui của tôi là cuối tuần nào cũng bận rộn nấu nướng chờ các con
cháu về quây quần ăn bữa cơm tối đông đủ gia đình và khi nào cũng nấu thêm vài
món cho các con đem về. Tôi hy vọng sự gặp gỡ thường xuyên sẽ khiến cho các
cháu nhỏ biết được lề lối sống và tình gia đình gắn bó của người Việt Nam, như
vậy chúng sẽ thân thiết với ông bà và hai bên nội ngoại hơn.
Dù đã lớn tuổi chúng
tôi cũng tìm được cho mình những niềm vui hợp với tuổi tác và hoàn cảnh chứ
không muốn ngồi nhìn những mùa thu đi mà buồn bã nghe ngóng những lóng xương tê
nhức, bực bội vì cái đầu óc chậm chạp hay quên, rồi than vãn làm khổ chồng, con
và người chung quanh.
Cũng không để những
chuyện lủng củng khác biệt thế hệ và văn hóa với con cháu làm mình u uẩn ưu phiền.
Chúng tôi cũng không muốn ngồi nhớ đến ngày xưa má đỏ môi hồng mà tiếc cho thời
xuân sắc đã qua, và càng không muốn lúc nào cũng phải nghiêm nghị, khó đăm đăm,
đóng vai mẹ chồng, mẹ vợ, bà nội, bà ngoại, cho đời mất vui.
Bây giờ tuy năm đứa tôi
đã qua cái tuổi pha sữa, thay tã cho các cháu nội ngoại rồi, nhưng lúc nào cũng
vẫn ở trong tình trạng “standby” để sẵn sàng lái xe đến trường đưa đón cháu khi
ba má nó bận việc hoặc trông đứa cháu này cho con gái chở đứa kia đi nha sĩ hay
họp nhóm phụ huynh…
Chúng tôi sống nương tựa
vào nhau trong tình bạn thân thiết và thường bảo nhau, sáng thức dậy nếu mấy
ngón tay có làm reo không chịu nhúc nhích, bả vai có kêu răng rắc hay đầu gối
có đình công thì chỉ là chuyện thường tình, cứ mạnh dạn thẳng người đứng lên
hát câu chào cờ “Này công dân ơi, đứng
lên đáp lời sông núi” rồi đi làm những việc hữu ích cho đầu óc và thân thể.
Cứ như thế, chúng tôi
năm đứa, những cánh hạc già đã quẳng gánh lo đi mà vui sống, đã đem quá khứ và
trầm luân của cuộc đời bỏ lại đằng sau lưng và hạnh phúc với niềm vui chứa chan
trong hiện tại vì bạn ơi, tương lai chỉ còn đếm từng ngày, nên mỗi sáng còn thức
dậy bình yên vươn vai hít thở khí trời là thêm một ngày cám ơn Trời Phật, Thượng
Đế, còn cho tồn tại, vậy thì cứ cười nhiều để thâu nạp thêm những liều thuốc bổ
thiên nhiên, các bạn tôi ơi!
Lê Nguyễn Hằng
Xuân 2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét