Thứ Bảy, 6 tháng 7, 2019

Kỷ Niệm Về Sơn Định Và Ngân Điền

GIỚI THIỆU
Trích email của thầy Trần Công Tín:
"Anh Nhượng thân mến
Tôi gởi tiếp anh phần 2 bài hồi ký của tôi với nhan đề là
Những tháng ngày gian khó (Sơn Định và Ngân Điền). Bài có 4 phần anh tùy nghi sử dụng".
Trân trọng
NHHN



Những Tháng Ngày Gian Khó (tiếp theo)
KỶ NIỆM VỀ SƠN ĐỊNH VÀ NGÂN ĐIỀN
Thầy Trần Công Tín

Phần một: Mười mấy tháng cải tạo.

Lời dẫn nhập: Nói về tù đày, người ta nghĩ ngay đến: gông cùm, tra tấn, hành hạ, roi vọt, chửi bới, nhục mạ, bỏ đói... Nhưng bàn tay có ngón dài ngón ngắn, không phải trại tù nào cũng như nhau. Ở đây tôi muốn nói đến trại 53 Phú Yên (nơi tôi học tập gần 15 tháng. Từ tháng 7 năm 1975 đến tháng 11-1976). Trong suốt thời gian ở đó tôi không hề thấy những điều kể trên  mà chỉ có  la rầy, phê bình, giáo dục và kiểm điểm… Còn về đời sống thì có thiếu thốn, bệnh tật, mất tự do, nhớ nhà, buồn tủi…, Vậy thôi...

Xin mời đọc:
- Tháng 7-1975: Kết thúc năm học ở trường Nguyễn Huệ, chúng tôi (những sĩ quan biệt phái) được lệnh tập trung học tập cải tạo. Chúng tôi nghĩ mình chẳng có tội gì nặng sẽ học chừng vài tháng là về dạy lại vì trường còn thiếu giáo viên rất nhiều. Nào ngờ kéo dài hơn 1 năm và còn bị “tháo giày” vì địa phương tôi không nghĩ thông thoáng về hai chữ "biệt phái" như vài địa phương khác.

Ở đây cần giải thích đôi điều về hai chữ “biệt phái” và qui chế tổ chức quân đội miền Nam.
- Lính thực thụ: Họ phục vụ trong quân ngũ, mặc áo lính và lãnh lương lính. Họ có thể làm ở văn phòng hoặc ra tác chiến.
- Lính biệt phái (thường là sĩ quan): Họ tuy mang danh sĩ quan nhưng lại không phục vụ trong quân ngũ mà cho qua (biệt phái) cơ quan dân sự làm việc (hưởng qui chế của dân sự và mặc áo quần dân sự). Họ có thể là chuyên viên, ty trưởng, trưởng phòng, giám đốc, giáo sư... giống như các đồng nghiệp khácvà chẳng có gì ghê gớm cả (nghĩa là không phải của CIA gài vào cơ quan dân sự để dò xét, kềm kẹp này nọ). Trên Trại 53, một cán bộ quản giáo đã nói thẳng với chúng tôi: các anh là CIA gài vào, thành ra cần phải tập trung để “tìm hiểu”. Đây là tùy cách nhận định của từng địa phường: có nơi thông hiểu nên giáo chức biệt phái không bị đi cải tạo có nơi thì nghĩ khác nên mới ra cơ sự oan uổng (họ nghĩ biệt phái là phái đến để làm một nhiệm vụ đặc biệt có thể là tình báo, gián điệp...).

Năm 1968 có luật tổng động viên nhưng đặc cách cho các thầy giáo được học 9 tuần rồi về dạy lại (gọi là lính 9 tuần hoặc dự bị sĩ quan). Những người này thực ra cũng là một dạng “biệt phái” nhưng không mang danh xưng đó nên khắp nước họ đều “vô tội” và vẫn được sử dụng cho đến khi về hưu. Rất nhiều bạn tôi ở vào dạng này. Riêng tôi thì lại có một luật oái oăm là những người sinh năm 1943 và 1944 phải đi học tiếp (6 tháng nữa) để thành sĩ quan rồi lại phục vụ thêm 15 tháng ở đơn vị (tổng cọng là 2 năm) trong quân đội mới được về dạy lại.

Đời người có những oái oăm như thế này: Tháng 10-1968 cùng với 25 giáo sư trường Nguyễn Huệ Tuy Hòa và hơn 200 giáo chức khác ở khắp 11 tỉnh miền Trung, tôi vào quân trường Lam Sơn (ở Khánh Hòa) để được huấn luyện quân sự. Thế rồi, sau 9 tuần, hầu hết đều trở về trường duy chỉ có 10 người (sinh năm 1943 và 1944) là vào quân trường Đồng Đế để tiếp tục học… trở thành sĩ quan. Rồi vì thế mà có những hệ lụy trớ trêu sau này.Thật oan ơi ông Địa!

Chống tay ngồi gẫm sự đời
Muốn kêu một tiếng cho dài kẻo căm!

- Đầu tiên chúng tôi ở Sơn Định, một vùng lam sơn chướng khí, rất nhiều người bị sốt rét và có người ở thể nặng gọi là sốt rét ác tính. Thuốc Quinine chẳng ăn thua chi phải dùng thuốc của Mỹ (Fansida rất đắt tiền) mới chữa lành được. Cho nên thân nhân gọi nơi ấy là thung lũng Fansida. Biết như vậy, nên trước khi đi, chúng tôi ai nấy đều mua sẵn độ 6 viên để phòng hờ (chỉ cần uống 2 viên là công hiệu ngay). May mắn là sau này tôi bị sốt rét nhưng chưa phải dùng đến (chỉ dùng thuốc thông thường của trại phát mà thôi) và khi được tha vẫn còn y nguyên 6 viên, đem về bán lại cho các người buôn thuốc Tây ở chợ (hồi đó chưa có nhà thuốc Tây chính thức) cũng có khá tiền.

- Khi chúng tôi lên đến nơi thì đã thấy 1 số sĩ quan được tập trung ở đó rồi. Đây là những người ra trình diện (đầu thú) khoảng đầu tháng 4-1975 được mệnh danh là Tù tàn binh (tàn chứ không phải hàng vì có chiến đấu đâu mà hàng?) và chúng tôi lên sau này cũng thuộc loại đó. Những tỉnh khác thì gọi là Trại cải tạo còn ở đây thì nói rõ như thế .
- Sơn Định chỉ là một nơi tập trung, giữ các người đầu thú và chia làm 3 trại (với các nhà tranh đơn sơ, trống trải): trại ngoài cùng gồm những Đại úy, trại giữa gồm những Trung úy và trại sau cùng gồm những Thiếu và Chuẩn Úy. Thành thật mà nói, ở đó chúng tôi chỉ ở không suốt ngày (và thường nghĩ ngợi lo lắng cho tương lai, sinh kế, gia đình, vợ con) Lương thực vì còn các kho gạo dự trữ trong rừng nay không dùng đến nên phát cho các tù binh khá đầy đủ. Tóm lại giai đoạn này không thiếu hụt nhưng vì lo lắng nên ít ai muốn ăn và vì không thích hợp với phong thổ nên đa số đều sụt cân, một số lâm bệnh sốt rét.

- Sau gần 1 tháng ở Sơn Định, chúng tôi được chuyển về Tổng trại tù binh 5 ở Ngân Điển (đường lên Sơn Hòa), 1 vùng tương đối trong lành nghĩa là ít có vi trùng sốt rét. Tuy nhiên vì nhiều người đã mang trong mình bệnh sốt rét nên sẽ lây lan từ người có bệnh sang người không bệnh. Do đó về đây vẫn có tình trạng sốt rét nhưng không dữ dội như ở Sơn Định.

- Tổng trại có 4 trại: 51, 52, 53 và 54. Chúng tôi (chừng 400 người bao gồm cả Đại ,Trung, Thiếu và Chuẩn úy) được phân về trại 53, một trại hiền hòa dễ chịu nhất.

- Về đây mới bắt đầu tổ chức khá qui mô:
1) Tổ chức sinh hoạt
a)- Huy động toàn thể tù nhân đi đốn cây, cắt tranh, bứt mây... về để xây 1 Hội trường khá lớn làm nơi hội họp đủ 400 người. Tôi nhớ tối hôm đó, khi Hội trường hoàn thành, ông chỉ huy lần đầu tiên tập họp hết toàn thể tù binh để giảng giải về chính sách của nhà nước. Đại khái có mấy điểm chính sau:
- Khoan hồng, nhân đạo đối với những người biết ăn năn hối cải.
- Cương quyết trừng trị những thành phần ngoan cố, không chịu nhận tội.
- Những ai lao động tốt, học tập tốt sẽ được về ngay.
- Muốn vậy thì phải tự giác thành khẩn kiểm điểm những tội lỗi của mình.
Tất cả những người vào đây đều có tội: anh Công chánh, anh cầu đường (anh xây cầu cho Mỹ Ngụy để chống phá cách mạng), anh  thầy giáo (anh dạy toàn những tác phẩm phản cách mạng nếu không thì cũng ủy mị thêm vào đó anh không chịu chỉ cho học sinh con đường sáng để noi theo mà lại để chúng nhập ngũ... phá hoại cách mạng), anh bác sĩ (anh chữa cho binh lính ngụy để chúng mạnh khỏe ngõ hầu đàn áp cách mạng).
Nghe xong bài giáo huấn đó, những anh tự cho mình vô tội (bác sĩ, kỹ sư, thầy giáo...) đều ỉu xìu buồn bã hết sức.
Thế là sau này cứ theo hướng đó mà làm bài thu hoạch, phát biểu ý kiến và tự hứa này nọ…

b)- Phân biệt khu cán bộ, cảnh vệ và tù bình

c)- Có trạm gác hẳn hoi.

d)- Bếp ăn tập thể (do 1 nhóm tù có sức vóc và khéo nấu nướng đảm trách), Những người ở đó khá tự do vì chỉ lo nấu ăn thôi và luôn luôn... no (đánh chết đầu bếp cũng no). Nhưng phải công nhận làm ở đó rât vất vả. Phải lo cho 400 người ăn mà chỉ có 5 người phục vụ thì phải giỏi lắm mới hoàn thành công việc.

e)- Trạm y tế: Do 1 y tá (cũng là 1 tù nhân) trông coi để khám bệnh, phát thuốc (khá thiếu thốn) cho tù nhân đồng thời cho tù nhân được nghỉ lao động. Mỗi buổi chiều, tù nhân xuống báo cáo với y tá là mình bệnh và được cho nghỉ ngày mai. Thành thật mà nói cũng dễ dãi, đôi lúc số bệnh nhân (nghỉ lao động) lên đến 2,3 chục người, mà cán bộ quản giáo không nói gì. Chính tôi nhiều lúc chỉ bệnh sơ sơ mà cũng được nghỉ đến vài ngày. Tù nhân nào bệnh nặng thì được chuyển về phòng khám bệnh của tổng trại.

f)- Lập xưởng rèn, mộc để sửa chữa những nông cụ. Ai làm ở đây khá thong thả, tự giác nhưng phải có tài thủ công.

g)- Trại canh tác (trồng rau, bí, bầu...) để cải thiện đời sống tù binh. Những người ở đây đều sức vóc và tự do. Họ được giao một mảnh đất khá rộng ở ngoài trại và tự do canh tác, tự do lao động, tự do nghỉ ngơi với điều kiện mỗi ngày phải cấp cho đươc mấy trăm kg rau quả cho cán bộ và tù binh. Chỗ này no nhất, vì họ được lãnh phần gạo cả tuần để tự nấu ăn lấy: Mới đầu cũng như các tù nhân khác được 8kg/tháng sau chỉ còn 5kg thôi. Nhưng họ được trồng thêm rau , xà lách, bầu,bí để cải thiện bữa ăn nên cũng dư gạo chút ít đãi anh em. Từ tháng 4-1976 là bắt đầu giai đoạn thiếu hụt của trại (vì các kho gạo dự trữ trong rừng đã hết gạo ngoài dân cũng khan hiếm), phải ăn độn khoai, sắn, rau rừng… mà vẫn đói. Mọi người không còn ăn chung nữa mà phải chia ra từng phần cá nhân (cử người xuống nhà bếp lãnh phần cho cả tổ  rồi đem về cân đong đo đếm chính xác từng vá, từng muỗng phát cho anh em). Nhỏ con như tôi mà cũng cảm thấy hơi thiếu thốn còn  anh to con  thì  khỏi phải nói... Do đó  trại cho người nhà tiếp tế bao nhiêu tùy thích không hạn chế. Những anh khá giả và quê ở Tuy Hòa thì tương đối ấm no còn  những người xa nhà như tôi thì đành ôm bụng nhịn thèm. Nhưng cũng khá khen là không có nạn trộm cắp. Thức ăn khô đựng trong ba-lô và để khơi khơi trên dàn tre. Thế mà chẳng mất mát gì cả.

Tôi còn nhớ hôm Chủ nhật đó, những tù binh Tuy Hòa thì lo tiếp thân nhân còn tôi chẳng biết làm gì. Anh bạn ở trại canh tác (người Nam) rủ tôi ra chơi, tôi hỏi: có cơm ăn không? Anh ta bảo có, thế là tôi được ăn một bữa no nê (cơm + rau + bầu + bí) thật là 1 đại tiệc nhớ đời.

2) Đối xử với tù nhân:
Cha chả! Cái này mới khó viết đây, thế nào cũng có người không vừa lòng. Nhưng tôi xin trình bày đúng sự thật những gì mà tôi chứng kiến còn ai nghĩ sao thì tùy. Những người ở trại 53 sẽ minh chứng điều ấy.
- Xưng hô giữa cán bộ và tù nhân đều xưng tôi và gọi anh, chưa bào giờ chửi bới này nọ.
- Ban chỉ huy đã dặn các tù nhân không được gọi nhau bằng chức tước cũ mà chỉ anh – tôi. Duy có chức tước Thầy thì dù mọi người gọi tôi như thế nhưng cán bộ cũng không nói gì. Quan niệm “tôn sư trọng đạo“ vẫn còn đấy chứ! Nhiều khi ngay trước mặt cán bộ mà anh tổ trưởng (quen miệng) báo cáo ông thầy Tín làm khu vực đó! Mà ông cán bộ chẳng la rầy gì hết (chứ lỡ miệng nói ông Đại úy X, hay ty trưởng N. thì chết ngay).
- Chỉ có la rầy chứ không hề đập đánh hoặc truất phần ăn. Nhà văn Mang Viên Long (ở cùng trại 53 nhưng khác láng) trong 1 hồi ký (đã xuất bản) có viết là tôi bị đánh bằng roi vì đi  chậm trong lúc khiêng hàng. Làm gì có chuyện đó và tôi đã điện thoại cho anh ta đính chính. Xin trích dẫn đoạn văn của Mang Viên Long (trong tác phẩm” Như áng mây trôi”).

Trong một lần chúng tôi được phân công lên thị trấn Củng Sơn cách xa trại khoảng mười cây số để cõng gạo và mì củ. Phải di chuyển trong mưa to, đường trơn trợt, gồ ghề, nên quả thật là khó khăn cho những anh em sức yếu, đang bị đau, hay chưa quen cõng mười lăm ký trên vai đường trường không được nghỉ. Trong chuyến trở về, dầu tôi đang bị sưng ở đàu gối chân phải, nhưng phải gắng đi sao cho không lọt vào người cuối của đoàn. Tôi đi trước vài ba anh em. Được nửa đường về, tôi bỗng nghe tiếng roi quất, cùng tiếng la hét của người vệ binh theo canh giữ: “Đi mau lến!” Ngoái nhìn lại, tôi thấy người bạn nhỏ con, hơi lùn, đang vất vả lê bước trên con đường trơn, lây lội - nghĩ đó là Tín-lùn, người bạn đồng nghiệp của tôi dạy văn ở trường Nguyễn Huệ, cũng vừa ra trường đại học sư phạm Huế vài năm. Cậu nầy nổi tiếng là “công tử bột”, vì chẳng có chút kinh nghiệm gì về lao động, vóc dáng lại nhỏ thấp, nên luôn bị ghi tên là “không đủ chỉ tiêu”. Tiếng mấy người đàn bà đang đi cùng đường, một bên lề, vang lên: “Sao đánh ngưởi ta vậy? Để ổng đi từ từ chứ?”. 

- Cơm là 1 thứ rất quí giá nên dù bệnh nhưng đa số ai cũng đăng ký ăn cơm chứ không ăn cháo (ít tốn gạo hơn). Có lần thấy số bệnh nhân đông quá (vì cứ khai bệnh là cho nghỉ thôi) cán bộ quản giáo dọa nếu đau thì phải ăn cháo. Dọa thế nhưng chưa thấy thi hành.
- Trong những tù binh, tôi là người yếu sức nhất và vụng về nhất. Nhưng muốn được mọi người công nhận điều đó tôi cũng phải bị nhiều rầy la và phê bình đủ thứ. Đến khi họ thấy thực sự tôi yếu (qua những lần đi đứng liêu xiêu, thở hổn hển, lê từng bước...) họ mới thông cảm và tôi được khá nhiều ưu đãi:
- Hai người cùng khiêng một cây thì theo lẽ công bằng sẽ thay phiên nhau để lúc thì khiêng đầu gốc (rất nặng) khi thì khiêng đầu ngọn (rất nhẹ). Thế nhưng ai khiêng chung với tôi thì anh ta phải khiêng đầu gốc suốt quãng đường đi. Do đó khi nào hết người để bắt cặp họ mới chọn tôi 1 cách miễn cưỡng.
- Hai người khiêng thùng hàng thì không đặt thùng hàng ngay chính giữa đòn gánh mà xích tuốt phía anh ta. Vậy đó, nên ai cũng sợ làm chung với tôi.
- Những món hàng rời (như đậu xanh, bí, bầu...) chia được cho từng cá nhân mang vác thì phải chia cho tôi ít hơn các người khác nếu không thì chậm trễ cả đoàn không về sớm được để tắm rửa nghỉ ngơi. Vì  khi về phải tập hợp lại đầy đủ, điểm danh mới vào trại mà bắt tôi khuân vác ngang với người ta thì cả giờ sau tôi mới lò dò đến kịp. Cán bộ áp tải biết vậy nên đôi lúc bảo tổ trưởng chia cho tôi ít hơn để tất cả chóng hoàn thành công việc. Họ chẳng đánh đập chi.

Tóm lại  khi đi lao động thì mọi người đều “sợ“ tôi nhưng những lúc mưa gió, không lao động ngoài trời được thì cán bộ cho làm những việc nhẹ nhàng trong nhà, quây quần làm chung với nhau  không cần chỉ tiêu (như lột đậu phụng, gỡ bắp ra thành hạt để nấu chung với cơm) thì họ lại muốn ngồi gần tôi để nghe tôi kể chuyện Tam quốc, Thủy Hử, Hán Sở tranh hùng...rất hay. Có người bảo: Đó còn tránh thầy Tín nữa đi.   
   
Phần 2: Kỉ niệm về những ngày cải tạo
Nói chung thì ở trại 53 khá dễ thở tuy nhiên “nhất nhật tại tù ,thiên thu tại ngoại”làm sao mà không buồn khổ cho được? Dù không bị chửi bới sỉ nhục nhưng chuyện la rầy thì thường có. Nhất là đối với tôi ,chẳng khi nào đạt chỉ tiêu .Còn ưu ái chẳng qua là bất đắc dĩ,vì nếu không thì họ cũng bị ảnh hưởng(về trễ không được nghỉ ngơi) nên nhận ưu ái mà tôi cũng buồn tủi giống như kẻ ăn mày được bố thí. Rồi công việc nặng  nhọc, rồi ăn uống thiếu thốn, rồi bệnh sốt rét hành hạ rồi nhớ nhà,nhớ quãng thời gian ngày trước... Chua xót ngậm ngùi...

Sau đây là 1 vài kỉ niệm không thể nào quên:

1) Ở Sơn Định:
Tôi  được phân về trại 3 (trại của Thiếu và Chuẩn úy), ở đó tôi nghe kể có một anh đang lâm bệnh nặng (người Huế) đang được điều trị tại trạm y tế. Vài ngày sau được tin anh ta mất. Vì hôm đó tổ tôi trực nên được phân công ra đó để chôn anh ta (tôi thì chẳng làm gì được chỉ đi theo vậy thôi). Quang cảnh mới thảm nảo làm sao; xác anh ta được quấn trong chiếc mềm, trên đầu chỗ nằm có thắp mấy nén hương, lạnh lẽo, ảm đạm. Ông cán bộ bảo chúng tôi đốn một số cây sậy và một ít dây rừng rồi bện lại thành tấm vạc để bó xác anh ta và khiêng đi chôn ở một đồi vắng gần đó. Tôi cầm bó hương đi trước phía sau là 2 tù binh khiêng xác. Đến nơi, họ đào 1 hố nông nông (vì đất núi rất cứng) để bỏ xác xuống rồi lấp đất lại, un lên. Cắm vài nén  hương, lâm râm khấn vái, sau đó anh tổ trưởng kiếm miếng gỗ khắc vài chữ chôn ở đầu mộ (tạm gọi là bia). Gió chiều thổi hiu hắt, lau sậy kêu xào xạc… Thật buồn, đúng là:

Đau đớn nhẽ không hương không khói
Hồn ngẩn ngơ dòng suối rừng sim
..........................................................
Vội vàng liệm sấp chôn nghiêng
Anh em thiên hạ, láng giềng người dưng
Nguyễn Du (Văn tế thập loại chúng sinh)

Và chúng tôi nghĩ thầm:

Thấy người nằm đó, biết sau thế nào?
Nguyễn Du (Kiều)

Thật chua xót!

2) Ở Ngân Điền:
a) Trại làm mấy kho khá lớn để đựng bắp trái + đậu phụng + đậu xanh (do tù nhân thu hoạch) và mỗi khi mưa gió không đi ra ngoài lao động được thì cho anh em chúng tôi quay quần lại ngồi chung quanh một cái nia rất to và lột đậu phụng hoặc lảy bắp (gỡ các hạt bắp ra khỏi cùi). Công việc khá nhàn nhã và không có chỉ tiêu gì cả, cứ ngồi vừa chuyện trò vừa làm việc. Lúc đó ai cũng thích ngồi gần tôi để nghe kể chuyên Tàu (chuyện này thì được phép kể còn các tiểu thuyết thì bị cấm triệt vì cho là đồi trụy). Không khí thân tình quên đi thân phận tù đày.

b) Vì độc thân, ở một mình nên khi đi học tập bao nhiêu tiền để dành tôi đều mang theo hết (có trên 50 ngàn tiền VNCH, vượt trội tất cả mọi người). Vào trại cũng chẳng cán bộ nào lục soát và khi đi ra ngoài đường cái (để khiêng hàng) họ cho phép tôi mua 1 chút ít đường (vì lao động nặng nên thèm đường dễ sợ) để bồi dưỡng. Đến khi đổi tiền (500 đồng VNCH thành 1 đồng tiền mới), họ mới lấy hết tiền của tôi để  đổi giùm sau đó họ có đưa lại cho tôi 40 đồng tiền mới (tức là 20 ngàn VNCH) theo qui đinh chung ngoài xã hội. Tiền còn lại họ bảo sẽ đổi tiếp cho tôi khi có lệnh. Mấy tháng trôi qua, họ không nói gì mà tôi cũng không dám hỏi. Thế rồi ngày được thả họ đưa giấy tờ cho tôi xem là họ đã giữ của tôi những gì (cây viết máy, cây đèn bấm và 30 ngàn VNCH tức là 60 đồng tiền mới). Họ trao trả đầy đủ. Cũng là 1 kỉ niệm khó quên. Nhờ đó tôi mới có tiền mua vé xe về Huế và chi tiêu hơn 1 tháng. 

c) Trưa hôm đó, cán bộ tập trung chừng 30 người bảo chuẩn bị đòn gánh và bao tải để ra ngoài tỉnh lộ khiêng hàng (đón xe từ Tuy Hòa lên). Tình cờ tôi gặp 1 cô học trò ngồi trên xe và tôi đã diễn tả buổi hội ngộ đó như sau (đã đăng ở Diễn đàn Nguyễn Huệ hải ngoại)

Đôi mắt người Tuy Hòa Hoài Cố Nhân (Gởi người thiếu nữ chỉ gặp thoáng qua)

Từ lúc ngồi trên ghế nhà trường đến khi ra giảng dạy, tôi đã tiếp xúc, trò chuyện, quen biết khá nhiều thiếu nữ, trong đó cũng có vài người đẹp, tuy thế người để lại cho tôi ấn tượng mạnh mẽ nhất, khiến cho tôi bồi hồi cảm xúc đến tận bây giờ nghĩa là gần 40 năm sau lại là ánh mắt 1 thiếu nữ không tên tuổi ngồi trên chiếc xe đò từ thành phố Tuy Hòa lên Sơn Hòa. Ôi! Ánh mắt mới dịu dàng, đằm thắm, chứa biết bao thông cảm, thương yêu, xót xa làm sao! Ánh mắt tuyệt vời! Ánh mắt thần tiên!

Hồi đó, tôi là tù binh học tập cải tạo ở trại 53, 1 trại hẻo lánh, xa dân cư, cách tỉnh lộ khoảng 7 km. Chúng tôi cùng nhau khai thác rừng, làm rẫy, trồng lúa, ngô, khoai, ở chung với nhau, họa hoằn lắm mới về tổng trại ở ngoài đường cái hoặc ra chợ Sơn Hòa mua hàng dưới sựáp tải của bảo vệ. Khi đi, cán bộ đã tập hợp chúng tôi lại và dặn dò: không được trò chuyện, tiếp xúc với dân chúng, tuyệt đối im lặng, nếu bất tuân sẽ chịu kỷ luật thích đáng.

Trưa hôm đó, cán bộ tập họp khoảng 30 anh em chúng tôi lại và bảo chuẩn bị đòn gánh, bao tải, ra ngoài tỉnh lộ chờ xe đò đi ngang qua để khiêng hàng vào. Bạn bè tôi là dân địa phương, hàng tháng được thân nhân bới xách, cung cấp áo quần, dày dép nên trông họ khá tươm tất. Còn riêng tôi, không có ai thăm viếng, chỉ nhận lãnh 2 bộ áo quần 1 năm theo tiêu chuẩn, lại lao động nặng, vướng phải gai góc, y phục rách tươm, vá chằng chịt, trông chẳng ra hình thù gì cả! Rồi vì ăn uống cực khổ, lại mắc bệnh sốt rét nên tôi trông rất tiều tụy, thảm não. Thêm vào đó tôi lại nhỏ con, thấp bé, trông chẳng giống ai.
Với bộ dạng như vậy mà ra gặp người thành phố thì thật là đáng buồn, nhất là gặp người quen, học trò cũ lại càng khó coi:

Xưa sao phong gấm rũ là
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường 
Mặt sao dày gió dạn sương
Thân sao bướm chán, ong chường bấy thân

Bởi thế, khi xe đò dừng bánh, tôi cố hết sức núp bóng sau các anh bạn để tránh phải xuất đầu lộ diện quá sớm. Nhưng rồi cũng đến phiên mình. Lúc đó, 1 cô thiếu nữ ngồi cạnh cửa sổ xe, mắt đen lánh, tròn xoe, đăm đăm nhìn tôi không nói. Cô cứ nhìn, nhìn mãi và mắt long lanh ngấn lệ. Ôi! Ánh mắt thông cảm, xót xa, trìu mến, thương yêu! Cô không nói mà cứ nhìn: Nhìn tôi khó nhọc đỡ hàng từ nóc xe xuống, nhìn tôi loay hoay cột đồ, nhìn tôi oằn người nhấc thử gánh hàng… và 2 giọt nước mắt từ từ lăn dọc theo sống mũi cô. Đến khi tất cả thực phẩm đã chia đều cho tất cả anh em chúng tôi, ông cán bộ ra lệnh khởi hành và xe ô tô cũng chuyển bánh đi tiếp lên Sơn Hòa, cô thiếu nữ ấy, nàng tiên hiền dịu kia mới hé môi thầm thì: “Em kính chào thầy ạ!”. Trời ơi! Cảm động biết mấy! Hoàn cảnh thầy trò gặp nhau sao mà éo le, mà phũ phàng, mà cay đắng!

Suốt đêm đó, tôi không ngủ được, cứ nghĩ đến ánh mắt dịu dàng của cô gái. Chắc cô không đẹp như các giai nhân mà tôi đã gặp nhưng trong hoàn cảnh ấy sao tôi thấy cô tựa Hằng Nga giáng trần, Tây Thi tái thế, lại thêm nét dịu dàng của nàng tiên.
Bây giờ ước gì tôi được gặp cô ấy để nói lên tất cả nỗi lòng của mình thì sung sướng biết bao nhiêu. Nhưng than ôi:              

Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

Phần 3: Chuyện ở trại cải tạo
1) Chuyện anh Trường: Như tôi đã nói ở trên, ở trại tù binh 53 (Ngân Điền Phú yên) không có chuyện đánh đập, sỉ nhục tuy nhiên họ có những câu nói nhẹ nhàng nhưng làm tù binh “lạnh người”: ”Anh chưa thành khẩn khai báo vậy anh về viết lại” “… Đây là lần thứ hai, tôi thấy anh vẫn còn ngoan cố quanh co chối tội, nếu vậy khó lòng được hưởng sự khoan hồng” ...”Lần này vẫn chưa đạt yêu cầu, nếu vậy tôi đành phải xếp hồ sơ anh lại không thể chuyển lên trên để xin cúu xét tha về được”… Đã nói vậy thì cố mà khai báo thêm (tưởng tượng cũng được) để được ân xá.

Có phải vì chứng minh cho điều đó không mà anh Trường (trung úy Biệt động quân) được tha về khá sớm (trước cả tôi). Quân đội Saigon có nhiều binh chủng nhưng Biệt động quân là thứ thiện chiến hơn cả. Họ không ở 1chỗ nhất định mà được điều động khắp nơi để "cứu nguy” nay Quảng Trị, mai Bình Long… Chiến trận nơi nào ác liệt nhất là có họ. Bởi thế họ được o bế lắm và ngang tàng chẳng sợ gì quân cảnh (đội cảnh sát giữ kỉ luật trong quân đội). Mỗi lần nghỉ phép, về thành phố họ hơi phá phách và phải gọi quân cảnh biệt động quân mới trị được họ.

Anh Trường (người Nam) to cao, vui tính, tốt bụng và lao động rất giỏi: chỉ tiêu 3 cây tre, anh làm 1 loáng đã xong và chui vô bụi nằm nghỉ, bứt tranh cũng vây, lúc nào cũng thảnh thơi mà kế hoạch đều hoàn thành tốt đẹp. Nếu được làm chung với anh, tôi được anh giúp đỡ khá nhiều với tinh thần cởi mở thân thiện: tre anh đốn dư đến 1, 2 cây để đó cho tôi, tranh anh cắt hàng đống vượt chi tiêu để đó, tôi chỉ lượm bó lại.

Anh cũng như tôi không ai thăm viếng nhưng anh chẳng buồn tủi gì hết và biết mình là thứ dữ nên anh nghĩ mình còn lâu mới được về, anh bảo: khi nào mấy ông về hết thì đến lượt tôi. Nên dù lao động rất giỏi nhưng anh không bon chen những danh hiệu hão huyền (được bình xét mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng) như xuất sắc, giỏi... tuy vậy anh vẫn được các danh hiệu đó vì lúc nào cũng vượt chỉ tiêu.

Tôi nhớ buổi sáng Chủ nhật hôm đó, anh lán trưởng (người đại diện cho 40 người trong lán tức trong ngôi nhà tranh mà tù binh ở chung với nhau) đi họp về và tập họp anh em lại để ghi cụ thể những việc làm của mình trong thời gian phục vụ cho chế độ cũ.

Có những câu hỏi như: Hành quân mấy lần? Đốt phá mấy làng? Giết mấy cách mang? Anh nào cũng quanh co này nọ hoặc khai ít lại riêng anh Trường thì thản nhiên, cười xề xề và nói đúng sự thật:
- Hành quân liên miên hết trận này đến trận khác làm sao mà nhớ bao nhiêu.
- Nhưng ở đây họ bắt ghi con số, vậy bao nhiêu?
- Mấy cũng được
- 40 hí!
- Được
Còn  chinh chiến, tấn công thì phải đốt phá chứ, ai nhớ cho xuể
- 20 làng hí!
- Được,
Còn đánh nhau thì phải có người chết chứ, ai biết là giết bao nhiêu?
- 15  hí!
- Được
Ai thấy anh ta khai cũng phì cười, thế mà chỉ học có 8 tháng anh đã được thả về  trước sự ngạc nhiên của mọi người.
2) Một buổi lao động của tôi: Chiều hôm đó, hai anh cảnh vệ dẫn đám tù binh gánh tranh trở về. Một anh đi trước với toán đi nhanh và đã vào trại nghỉ ngơi, anh đi sau chỉ áp tải có mình tôi ì à ì ạch, đi một chút lại xin nghỉ. Anh cũng bằng lòng chẳng càu nhàu la mắng gì hết. Đến lúc đã thấy cổng trại rồi, anh bảo đi nhanh đừng nghỉ nữa, tôi bảo cho tôi nghỉ lần cuối rồi sẽ đi một mạch. Nào ngờ đi được 100m tôi lại vấp té, anh cười quá và bảo thôi nghỉ đi. Thế là anh ta và tôi về sau toán trước cả tiếng đồng hồ.
3) Các cán bộ quản giáo:
a) Ở trại, ban lãnh đao có chỉ huy trưởng, chỉ huy phó, chính trị tiểu đoàn, các cán bộ quản giáo (thườnglà sĩ quan) và các cảnh vệ (lính trơn). Theo nội qui thì tù nhân khi gặp các cán bộ quản giáo trở lên thì phải đứng nghiêm, dở mũ và hô to: xin chào cán bộ. Thế nhưng anh em chúng tôi đâu có phân biệt ai là cán bộ, ai là cảnh vệ nên cứ thấy ông bộ đội nào cũng chào cho chắc ăn. Có mấy chú bộ đội trẻ mới nhập ngũ hưởng được vinh dự đó nên hãnh diện lắm vì đôi khi gặp cả đoàn vài chục tù nhân thì tất cả đều đứng nghiêm, hô to rập ràng… long trọng ghê!
b) Cán bộ và cảnh vệ thì nhiều mà có ai nói tên cho biết đâu, nên tù nhân phải đặt cho họ biệt danh để dễ phận biệt. Do đó có các tên sau:
- Ông Được: vì khi báo cáo cho ông điều gì thì bao giờ ông cũng nói: được
- Ông “năm cân lạc bóc”: Hôm nọ, tù nhân gánh đậu phụng lột rồi ở tổng kho về, Nếu ăn chút chút thì không sao nhưng anh nào cũng ăn quá lố do đó về trại thấy thiếu hụt trầm trọng, ôngcán bộ giận quá la rầy dữ dội và bảo: anh nào ăn thì tự giác ra đây, tôi cho ăn luôn 5 cân lạc bóc (nghĩa là 5kg đậu phụng lột vỏ rồi). La rầy thế thôi chứ chẳng đập đánh chi và cũng cho về ăn cơm như thường.
- Ông Trời Con: Anh ta chừng 19 tuổi, mới vào lính và hay bắt bẻ hạch sách la rầy tù nhân. Những người khác, khi ra đến chỗ làm thì bỏ mặc tù nhân ở đó, tự giác làm việc rồi tìm bụi cây núp nắng riêng anh ta thì đi sát bên tù nhân xem thử họ làm ra sao và la nạt ỏm tỏi. Tôi rất sợ khi bị anh ta dẫn đi vì anh cứ đứng sau lưng tôi và la mắng hoài.
Ông Phât: Anh này rất hiền không khi nào la rầy ai cả (dù họ không đạt chỉ tiêu) đặc biêt anh cho nghỉ giải lao thoải mái đến nỗi toán trưởng thấy sốt ruột phải tới xin lệnh để đi làm vì nghỉ quá lâu (bình thường là 10p nhưng anh ta cho nghỉ đến 40p mà chẳng nói gì). Nếu phải đi xuống Sơn Hòa hoặc ra ngoài tỉnh lộ thì anh cho phép vào các quán để mua hàng tự do.
………………………………………………………………………
c) Chuyện lao động: Buổi trưa hôm đó, khi tập họp đi làm (theo sự phân công từ đêm qua) thì ông cán bộ đến bảo: chuồng heo bên cán bô bị hư cần sửa lai, việc này rất dễ chỉ cần 2 người nhưng tôi cho 4 người, làm xong được nghỉ. Thế là 4 anh hăm hở bước ra. Sau mới hiểu là chẳng ai biết lợp tranh cả nên không hoàn thành được công viêc. Tối đó anh lán trưởng đi họp về nói cán bộ phê bình có một chuyện đơn giản thế mà làm không xong, trưa mai 4 anh ấy không được nghỉ mà qua bên trại cán bộ để khắc phục. Thế là trưa đó, 4 anh rủ nhau đi  nhưng vẫn  không thành công, cán bộ lại than phiền và bảo trưa sau phải làm tiếp. Bốn anh ngán quá phải xuống cầu cứu anh Ngô Càng Phương (em của thầy Ngô Liên Phương). Anh này khéo tay vô cùng làm gì cũng tốt .Anh qua giúp chừng 1 tiếng và thành công tốt đẹp, cán bộ không còn phê bình nữa và còn bảo: có gì đâu nào, chỉ thiếu thiện chí thôi.
d) Chuyện học chính sách (học chữ): Cách quãng sau 1 tháng lao động chân tay thì chúng tôi lại tập trung tại hội trường để học chính trị vài ngày (có tất cả 8 bài) sau đó phân chia về tổ (chừng 20 người) để thảo luận và làm bản thu hoạch (liên hệ thực tế, thành khẩn khai báo những tội lỗi của mình và nói lên quyết tâm của mình sẽ đi theo con đường sáng, từ bỏ những tư tưởng sai lầm cũ) Mỗi tổ như vậy có 1cán bộ quản giáo trông coi và kiểm tra sự hiểu biết của các tù nhân . Tôi rất thích những buổi học này vì khỏi lao động nhưng ông bạn tôi (tuổi ngoài 40, sĩ quan đặc biệt nghĩa là cấp bậc hạ sĩ quan nhưng nhờ có công trạng nên tuy không có bằng cấp vẫn cho đi học sĩ quan ở Đồng Đế) lại sợ lắm vì trình độ văn hóa rất thấp không trả lời được các câu hỏi cũng như làm bản thu hoach. Do đó mỗi lần nghe đi học chính sách là anh rét run (giống như tôi đi chặt tre vậy). Ông ta phải nhờ tôi chỉ vẻ từng chút một.
Có một anh trong tổ, chừng 22 tuổi, người thấp mập, chắc chắn, phát biểu rất hùng hồn to tiếng khi nào cũng có câu “Giờ đây tôi đã  được cách mạng mở đường chỉ lối, đã cho tôi uống dòng nước ngọt mát, trong lành, tôi cương quyết không bao giờ đi lại con đường cũ nữa” Anh đó học chừng 10 tháng thì được về.
Phần 4: Ân xá
- Tháng 10-1975: Có lệnh chuẩn bị thủ tuc cho những thương phế binh VNCH (những người này thuộc diện không học tập nhưng 1 số địa phương đã đưa lầm lên) và các giáo chức biệt phái được về. Chúng tôi (chửng 30 người) trong trại rất vui mừng. Nào ngờ sau đó được biết Ty giáo dục đã giải quyết tốt đẹp vấn đề thiếu hụt nhân sự nên chúng tôi khỏi về.
 - Thôi thế là số mệnh đã an bài, chờ đến lượt mình thôi. Từ đợt đầu tháng 11-1975 đến tháng 11-1976 (đợt tôi được tha) có cả thảy 7 lần ân xá. Trừ đợt đầu (thương phế binh) còn các đợt sau đều có tính cách may rủi hên xui chứ thật ra chẳng ai học giỏi hơn ai mà cũng chẳng ai nhẹ tội hơn ai.
- Tháng 11-1976 (khi tôi sắp sửa về) thì trại khá trống vắng, lúc sơ khởi là 400 nay chỉ còn chưa đầy 200. Các lán (nhà tranh để ở) đều thưa người, có lán chỉ còn mươi người thôi. Không khí lao động uể oải, phó mặc cho số mệnh.
- Buổi sáng hôm đó, như thường lệ, anh tổ trưởng đi lãnh dụng cụ (cuốc hoặc dao, rựa...) bên khu cán bộ về phát cho anh em. Một lúc sau, anh ta tay không chạy vội về, bảo mọi người tập trung để nghe danh sách được tha. Mọi người rất hồi hộp, chờ nghe tên (đợt này chừng 15 người trong đó có tôi). Thế là những người được về chia tay với người ở lại trong sự thông cảm sâu xa.
Ai ở lại thì tiếp tục đi lao động, ai được về thì chuẩn bị hành trang.
Ông cán bộ xuống nói vài lời dặn dò, cấp phát cho chúng tôi một ít tiền lộ phí (ai ở xa thì nhiều hơn những người ở gần) riêng tôi thì còn được lãnh tiền đem theo mà trại đã giữ lại trong đợt đổi tiền (30 ngàn VNCH tức là 60 đồng tiền mới).
Ông cũng hỏi: ai khiếu nại gì không để giải quyết? Nhưng chẳng có ai cả và chừng 11 giờ thì chúng tôi rời khỏi trại về quê hương để làm một người mới.
Lần đầu tiên, sau hơn 15 tháng, chúng tôi đi đường mà không có người áp tái. Thảnh thơi, tự do… Vui sướng.
Trần Công Tín 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét