Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2019

Một Thoáng Paris

GIỚI THIỆU
Xin hân hạnh giới thiệu đến quý Thầy, Cô, quý Đồng Môn và Thân Hữu
Bút ký MỘT THOÁNG PARIS của CHS Nguyễn Huệ Lê Mỹ Hoa chia sẻ.
Tác giả ghi lại hình ảnh và cảm nghĩ "buồn, vui" của mình trong chuyến du lịch từ Đức đến Paris, thủ đô nước Pháp.
Trân trọng
NHHN





M  Ộ  T    T  H  O  Á  N  G    P  A  R  I  S 

Đến Paris không bằng con đường hạ cánh, mọi thứ đã được chuẩn bị hôm qua.

Một xe đầy ắp thực phẩm cho cuộc hành trình, không quên quần áo tươm tất để chụp những khoảnh khắc đi về. 

Xe phom phom một chặng đường dài gần năm trăm km, dọc đường nắng gió vẫn ghé những nơi để nghỉ ngơi. Bao nhiêu lần đi về, vẫn để lại trong tôi hình ảnh đẹp của những trạm dừng chân khuất trong cánh bìa rừng .

Để đôi mắt được thư thái suốt đường dài trên cao tốc, ra khỏi xe vươn vai hít thở bầu không khí trong lành của rừng cây bên quán.

Những gã lái xe có cả phụ nữ bước ra từ chiếc xe bóng loáng rít một hơi thật dài thả những làn khói trắng vào bầu trời trong xanh, cảm giác họ rất là sảng khoái, lấy lại cân bằng để tiếp tục con đường dài phía trước. 

Dạo một vòng, thức ăn nhanh, một cây xúc xích được hâm nóng, ổ bánh mì tròn gọn nhỏ đủ năng lượng cho đường xa, ly cà phê espresso để tỉnh táo, hay icecream ngon ngọt thoả cơn ghiền, Burger King, Mac Donald, dọc đường có đủ thứ cho bạn lựa chọn. 

Nhưng ấn tượng nhất vẫn là những toillet hiện đại dành cho nam nữ, vô cùng sạch sẽ thơm tho, đằng sau sự bóng loáng ai biết được công việc miệt mài chăm sóc của nhân viên.

Cao hơn cả sự miệt mài là ý thức con người tuyệt đỉnh văn minh mới duy trì được đời sống cao.

Chỉ một tấm gương soi trong suốt, hàng dưới trên gương có đủ thông tin, hình biểu tượng nhỏ, màu đỏ, cho nước nóng, màu xanh nước lạnh, màu trắng xà bông, tất cả đều giản dị chứa trong đó bao điều thông minh. Bạn chỉ cần để tay lên màu mình muốn xử dụng, mọi thứ sẽ như huyền thoại . 

Năm chục cent cho một lần qua cổng tự động, có những nơi không tốn xu nào, như khi đặt chân lên biên giới của nước Pháp hay ở nước Đức bảy chục cent cho một lần và sẽ thối lại năm chục cent, nếu mua đồ dùng của cửa hàng.

Đất nước văn minh, giàu có thế, những bà đầm phong cách vẫn ngồi nhận những đồng tiền từ khách vào toiilet, nơi đó chưa có hệ thống qua cổng hay họ muốn giữ lối thu tiền truyền thống từ thời xưa, một chút gì đó nghiêng mình thán phục. 


Từ xa thấp thoáng đồi Montmartre ẩn hiện qua từng dãy phố. Chào Paris sau nhiều năm quay lại, thấy gần nhưng không hề đi nhanh, tìm nơi đậu xe và cuốc bộ qua mấy con dốc mới chạm ngõ nấc thang, hết bao nhiêu bậc thấm mệt cũng xứng đáng để đứng trên ngọn đồi cao nhất của Paris, và ngắm nhìn ngôi vương cung thánh đường Sacre'-Coeur tuyệt đẹp màu trắng xoá được chạm trỗ, điêu khắc tinh vi, cao ngất ngưỡng giữa bầu trời Tây Âu. 

Giống như tháp Eiffel nhà thờ Sacre’-coeur cũng là biểu tượng của Nước Pháp được xây dựng theo phong cách La mã từ thế kỷ thứ 19. Du khách đến đây còn nhiều hơn tour Eiffel, chỉ sau nhà thờ NOTRE-DAME.

Lòng ngưỡng mộ không rời tác phẩm của người xa xưa vẫn tồn tại qua hàng thế kỷ không nguôi.

PARIS có gì lạ không em???

Nỗi buồn xâm chiếm đến từ hai hàng phố, một Paris nhếch nhác, do dòng người da màu nhập cư trái phép sống lang thang trên vỉa hè, phố xá đông dơ. Gầm cầu, công viên chỗ nào cũng căng lều bạt để qua đêm, ban ngày đi xin tiền, chận những xe hơi dừng đèn đỏ, không ai dám giúp đỡ vì sự nguy hiểm. Họ có thể làm liều khi thiếu thốn mọi người đều thờ ơ, lạnh nhạt trước đời sống vất vưởng chưa có ngày mai của hàng trăm ngàn người đổ bộ vào Châu Âu.

Mối bất hoà vẫn âm ỉ vài năm gần đây trước tuyên bố nhận người nhập cư của bà thủ tướng Đức Angela Merkel. Lòng nhân đạo của bà thể hiện để vuốt ve mối hận đời người từ thuở phát xít tiệt chủng Adolf Hitler, trái chiều với làn sóng phản đối từ các nước Đông Âu. Pháp, Ý cũng không đồng nhất. Ảnh hưởng lo ngại đến nền kinh tế.
Bà Merkel thừa nhận mối bất đồng sâu sắc vẫn tồn tại giữa các nước, chưa đến hồi kết thúc.

Dù muốn dù không dòng người di cư vẫn có mặt khắp Châu Âu, sống rãi rác quanh hè phố tạo nên cảnh quan bất ổn, thiếu an ninh . 


Một Paris lãng mạn chiều sông Seine yên bình nay còn đâu.  Mạng lưới an ninh dày đặc bảo vệ Tour Eiffel, rào chắn quanh tháp bằng gương cao bao bọc, trước khi vào bên trong phải qua cổng an ninh, kiểm soát rất nghiêm ngặt để loại trừ thành phần khủng bố đã mất đi vẻ lịch lãm vốn có từ xa xưa. 

Giòng sông Seine, Khải hoàn môn nơi khơi nguồn cảm hứng cho thi nhân, họa sĩ cũng mang vẻ buồn nhân loại, khi lực lượng cảnh sát ở khắp nơi bảo vệ như thời chinh chiến.

NOTRE DAME hoang tàn sau ngọn lửa định mệnh, biết bao giờ trở lại một Vương Cung Thánh Đường bậc nhất Châu Âu, gần như cả thế giới đều mong mỏi một tác phẩm cổ điển nguyên bản trở về với tên gọi một thời vang bóng.

Được đi xa ôn lại những nơi đã đi qua thời tuổi trẻ, để mỗi lúc một cảm nhận riêng, nhưng lần này gặt hái những băn khoăn... và đồng cảm cho dòng người tị nạn từ Châu Phi, Trung đông, Balkan sống tạm bợ trên vỉa hè, vẫn tràn qua châu âu mỗi ngày. Liệu họ sẽ đi về đâu? Có được hội nhập với xã hội Tây Phương, có công ăn việc làm ổn định, trẻ em được đến trường, an cư lạc nghiệp. 

Như làn sóng người Việt Nam tị nạn cách đây bốn mươi bốn năm về trước. Đã làm nên điều kỳ tích, thành đạt, nỗi tiếng, giàu có, đời sống văn minh ở khắp các châu lục. 


Rời Paris sau một ngày rong ruổi, con đường về nhà không mấy êm ả, mọi lối ra khỏi thủ đô Paris hoa lệ ngày nào bị chận, là nơi tập trung của người tị nạn qua đêm trong những chiếc nhà dù mong manh. Phải đi lòng vòng vất vả mới tìm ra lối khác.

Mùa đông đến tuyết rơi giá lạnh, cái lạnh khắc nghiệt của Châu Âu, phụ nữ trẻ em có thể tồn tại ở ngoài trời như một cuộc dạo chơi mùa hè. 

Lòng mãi bâng khuâng bên ngoài trời quá khuya, giữa mùa hè nhưng về đêm vẫn nghe lành lạnh, đến nhà trời đã gần sáng. 

Ngày rời PARIS em sẽ không quay trở lại...  

Lê Mỹ Hoa 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét