TÔI ĐI DẠY
Quang Đặng
Hàng năm vào ngày 20/11
mấy người bạn giáo viên hay hỏi tôi có ai chúc mừng không? Thật ra tôi đi dạy
chỉ có ba năm, khoảng thời gian quá ngắn không đủ để ai nhớ và nhớ ai. Thế
nhưng có một số chuyện không hiểu sao lại nhớ rất rõ, có thể do đầu óc hồi đó
còn non trẻ tiếp nhận mọi thứ như “gió vào nhà trống”. Và giờ đây sau mấy mươi năm,
thỉnh thoảng nhớ lại chuyện cũ lại bật cười, cười ha hả hay cười ra nước mắt hổng
biết nữa!
Năm 1977 sau khi tốt
nghiệp trường CĐSP Nha Trang khóa I tôi được đổi về trường cấp I, II xã An Chấn,
huyện Tuy An. Tuy là trường xã nhưng qui tụ toàn các tay hài cự phách của Tuy Hòa
như anh BTP, DTH, ĐHE, thầy NVT. Ngoại trừ thầy hiệu trưởng người Bắc và một số
ít giáo viên người địa phương còn lại đều là dân Tuy Hòa. Vì quen biết nhau nên
mỗi lần hội họp đều chuyện trò, cười đùa rất thoải mái. Ngoài mấy thầy có tính hài
hước, dân Phú Yên hình như ai cũng có chút ít máu tiếu lâm trong người. NQ dạy ở
thôn Phú Lương là nhân vật điển hình.
Có lần liên hoan cuối
năm NQ xin góp vui văn nghệ bài hát có tựa đề “An Chấn Quê Tôi”. Giới thiệu
xong NQ hùng hồn cất tiếng hát: “Hôm nay
ta dìa An Chấn quơ hương ta”, vừa mới nghe câu đầu thầy NVT giơ tay nói lớn:
“Có ý kiến, có ý kiến! xin thầy Q cho biết
tác giả bài hát là ai, hầu nẵm tới giờ tui chưa nghe bài này”. Q ngừng hát,
dõng dạc trả lời: của tui rồi tiếp tục hát với chất giọng tự tin to ồm ồm thiếu
điếu muốn bể tung phòng họp. Hôm đó hội đồng giáo viên cười bò lăn bò càng vì
cái sáng tác tự biên tự diễn phi âm nhạc của nhà giáo kiêm nông dân NQ thôn Phú
Lương.
Bên cạnh những tiếng cười
tự phát như NQ thì người gây cười thâm thúy nhất có lẽ là thầy NVT. Khi hài thầy
không bao giờ cười và luôn giúp chúng tôi gỡ rối các tình huống tréo ngoe. Hồi
đó trường An Chấn cũng như các trường khác trong huyện hay tổ chức những cuộc
diễu hành, cổ động cho các phong trào, ngày lễ lớn. Thường trong những dịp như
thế thầy và trò sắp thành hai hàng, trò đi trước, thầy đi sau vừa đi vừa hô to
các khẩu hiệu quanh mấy con đường làng của xã. Hôm đó mọi việc cũng diễn ra y
như thế, sau khi tốp học sinh cuối cùng rời khỏi cổng trường thì anh DTH hiệu
phó hô to: “Các thầy cô giáo sẵn sàng
chưa? Đề nghị tất cả đi hàng hai!”. Cánh giáo viên hàng ngũ chỉnh tề tính dợm
bước thì thầy NVT đưa tay ngăn lại: “khoan!
Đứng lại! Tụi bay nghe gì không? Nghe gì thầy? Nếu tao nghe không lầm thì cha DTH
biểu tụi mình đi “hàng hai” nghĩa là đi chân chữ bát chứ không phải đi thành
hai hàng”. Đám giáo viên trẻ nhìn nhau ngơ ngác, hổng lẽ…? nào ngờ nhìn
sang bên cạnh thấy hiệu phó DTH đang ôm bụng cười rũ rượi. Đúng là không có gì
qua mắt nổi sư phụ NVT.
Ngoài những tình huống
gây cười khách quan, đám giáo viên trẻ mới ra trường chúng tôi còn bị các cựu
giáo chức xí gạt thường xuyên. Có lần anh BTP chở về trường mấy két nước ngọt. Hôm
sau họp anh nhiệt tình khui ra mời không sót một người nào. Trong những năm
77-78 thì nước ngọt là thứ nước giải khát xa xỉ thành thử các giáo viên đều thắc
mắc hàng ở đâu ra và nhân dịp gì được mời. Anh BTP chẳng những không nói lý do
còn liên tục khuyến khích “ Uống đi mấy em! Cứ uống đi, uống đi, théc méc làm
gì cho mau già”. Năm đó đứa nào cũng 21, 22 tuổi nhưng rất ngây thơ cứ thế vô
tư uống, uống một chai chưa đã còn lấy thêm vài chai đem về nhà trọ để dành uống
từ từ. Đến chừng cuối tháng lãnh lương ai nấy đều tá hỏa vì bị trừ lương. Mặt đứa
nào đứa nấy đang nghệch ra không hiểu tại sao thì thầy NVT lấy tay vỗ đét một
cái vào đùi: “Chết cha, tụi mình bị cha BTP lừa rồi! ”. Đám bồ chao lao nhao:
sao thầy? sao thầy? Nhìn kỹ nè, vừa nói thầy vừa chỉ vào dòng chữ gạch dưới đỏ
chót cuối bảng lương: trừ tiền nước ngọt. Tuy méo mặt vì đồng lương tháng đó bị
teo tóp, bù lại ai nấy được một trận cười thỏa thuê vì trong danh sách trừ
lương có cả thầy NVT, chuyên gia đi xí gạt người khác.
Thế nhưng việc bị ép ăn
uống rồi trừ lương vẫn diễn ra dài dài sau đó. Thường thì cuối tháng trường hay
cử một giáo viên ra Chí Thạnh lãnh lương, không hiểu sao chúng tôi lại “chọn mặt
gởi tiền” cho HVC dân Nha Trang, tay ăn hàng số một. Lần nào lãnh lương xong
HVC cũng theo xe lam vô thẳng Tuy Hòa rồi trở về với một túi đồ ăn hôm thì bánh
bao, hôm thì hột vịt lộn, nem nướng những món ăn vượt quá tiêu chuẩn đồng lương
eo hẹp của nhà giáo lúc bấy giờ. Được cái ngoài tính tình hiền lành HVC còn là
nhà ngoại giao số 1, chuyên săn lùng cá tôm đầu thừa đuôi thẹo của một cơ sở sản
xuất hải sản gần đó giúp chúng tôi cải thiện bữa ăn. Thành thử nhiều lúc tức anh
ách, miệng la ong óng “ai mượn ông mua?” nhưng khi thấy nụ cười hềnh hệch của
HVC lại mũi lòng, tháng sau cử đi lãnh lương tiếp. Rõ khổ!
Ngoại trừ những lúc bị HVC
khoái ăn sang dụ dỗ chứ thực đơn hàng ngày của chúng tôi không chỉ “sáng ăn
khoai” mà cứ lẩn quẩn hết khoai lang luộc, khoai lang lùi rồi lại cháo khoai
lang sang lắm là chè khoai lang (An Chấn là vùng đất rất thích hợp trồng khoai
lang). Nói chung việc ăn uống hồi đó rất đơn giản (muốn cầu kỳ cũng không được
vì tiền đâu), món mặn hàng ngày là một rổ cá mành, loại cá rẻ tiền nhất sau đó ra
quơ quào rau muống, rau mồng tơi trong vườn rồi lén múc vài muỗng nước mắm nhĩ
của chủ nhà trọ đang muối cạnh bếp là xong.
Bên cạnh việc ăn uống thì
việc ở trọ tại địa phương của chúng tôi cũng có nhiều điều đáng nói. Trường An
Chấn tuy nằm tại xã nhưng các giáo viên thường ở nhờ nhà dân hay ở ngay trong trường
tiểu học các thôn gần đó như Phú Quí, Phú Phong, Mỹ Quang. Ban ngày trường vẫn
giảng dạy bình thường, ban đêm chúng tôi kê bàn lại ngủ. Việc đang ngủ bị lọt
xuống đất hay sáng dậy ê ẩm khắp cả người là “chuyện thường ngày ở huyện”, may
mà xương cốt hồi đó chắc khỏe chứ như bây giờ thì e… hèm! Có lần tôi và mấy người
bạn trọ ở trường tiểu học Phú Quí, sát bên cạnh cái đình cùng tên Phú Quí. Ở
nông thôn đình là nơi rất linh thiêng và cũng là nơi buổi tối dân làng hội họp .
Đêm đó đình cũng có cuộc họp và chấm dứt lúc 9 giờ. Cỡ hai giờ sáng tôi và một
người bạn thức dậy đi vệ sinh bất ngờ nghe một tràng âm thanh lúc lớn lúc nhỏ từ
trong đình vang ra. Cả hai đứng tại chỗ, lưỡi ríu lại… tiếng gì… tiếng gì vậy
mày? Tao… tao… cũng hổng biết nữa. Bao nhiêu câu chuyện ma quái đồn thổi trước
đây về ngôi đình không dưng tới tấp trổi dậy trong đầu khiến chúng tôi đã sợ
càng sợ hơn. Tràng âm thanh cứ thế kéo dài được một lúc thì nín bặt và một bóng
đen từ trong đình loạng choạng bước ra. Bóng đen mỗi lúc tiến lại gần thì hồn
vía chúng tôi cũng bay đâu mất. Cả hai đứng sững há hốc miệng ú ớ không thốt
nên lời, rất muốn bỏ chạy mà chạy không được. Khi chỉ cách nhau vài bước chân
bóng đen đột ngột dừng lại, đưa tay dụi mắt hỏi: “Ủa họp xong rồi hả mấy cô?"
Nghe giọng nói quen quen tôi đánh bạo tiến lại gần nhìn cho rõ. Trời đất! Ba thằng
Lành học lớp 6B tôi chủ nhiệm, nhà ở cạnh đình đi họp ngủ quên. Sau lần gặp gỡ
đứng tim đó, mỗi tối trước khi đi ngủ chúng tôi hay ra đình xem còn sót tiếng
ngáy nào không.
Nhưng có một sự cố đến tận
giờ tôi vẫn không thể nào giải thích nổi. Đó là lần tôi trọ ở gần trường cấp
II. Từ sân trường có thể thấy nhà tôi đang trọ. Tôi nhớ đêm ấy không có trăng,
trời tối đen như mực. Sau khi họp xong, mấy anh giáo viên trong tổ văn đưa tôi
về đến tận ngõ. Từ đầu ngõ nhìn vào có thể thấy ánh đèn dầu leo lét trong nhà hắt
ra. Đinh ninh đến đây rồi không thể bị lạc, chia tay các đồng nghiệp tôi xăm
xăm bước vào. Quái lạ, từ đầu ngõ vào đến nhà chỉ có mấy chục mét không hiểu
sao suốt cả buổi tối tôi vẫn chưa vào được trong nhà. Tay giơ cao cây đèn hột vịt
khỏi đầu, tôi nhớ mình cứ đi lòng vòng, lòng vòng mãi giống như lạc vào một trận
đồ bát quái không tìm ra lối đi. Cho đến khi mồ hôi vã ra như tắm, chân vấp phải
bậc thềm xi măng cứng mới biết đã vào đến nhà. Sáng ra nhìn lại chỗ đi lạc hồi
tối, đó là miếng đất trồng sắn nước bên hông nhà trên có mấy ngôi mộ đã cũ. Không
cần tìm hiểu lý do, ngay hôm sau tôi dọn xuống trường tiểu học Mỹ Quang ở chung
với mấy người bạn dù phải đi xa hơn mấy cây số. Thật ra do đầu óc tưởng tượng khá
phong phú cộng thêm thói quen ánh đèn điện của thành phố chứ nông thôn hồi đó
khá an toàn. Ban đêm chúng tôi thường rủ nhau đi họp, coi văn nghệ, xem phim từ
xã này qua xã khác. Có lần còn băng rừng suốt đêm từ An Lĩnh xuống ga Chí Thạnh
cho kịp tàu trong một lần đi lao động.
Nói chung đời sống thiếu
thốn ở nông thôn quả là một thách thức không nhỏ đối với cánh giáo viên thành
phố. Và một trong những thiếu thốn tế nhị nhưng không thể không nói ra là thiếu
nhà vệ sinh. Ở nông thôn nhà vệ sinh hồi đó rất hiếm. Trường học không có, nhà
dân cũng không nên chúng tôi bắt chước dân địa phương cách“ giải quyết nỗi buồn”.
Bãi biển, gò dưa, ruộng lúa khi lâm vào tình thế chẳng đặng đừng nơi nào cũng
có thể là bãi đáp. Buồn cười nhất là lần
dạy ở An Hòa, trường cấp II do Unicep cất rất đẹp nằm trên một ngọn đồi trông
ra đầm Ô Loan khá thơ mộng. Sát bên cạnh trường có một miếng trống cây cối um
tùm đó là nơi gặp gỡ của hội đồng giáo
viên. Tờ mờ sáng hễ thấy thầy cô nào mặc đồ ngủ xăm xăm đi về hướng đầm Ô Loan
là hiểu ngay. Nhiều lúc hành sự xong trên đường về gặp nhau không dám chào, mặt
sượng ngắt giả vờ ngó bâng quơ trên trời như đi dạo thật ra đang ngượng chín
người!
Sinh hoạt thường nhật ở
nông thôn cũng khiến cho các giáo viên thành phố lâm vào những tình huống lỡ
khóc, lỡ cười. Học sinh cấp II hồi đó thường được giáo viên hướng dẫn đi lao động
một buổi trong tuần. Mang tiếng hướng dẫn học sinh chứ bản thân giáo viên cái
cuốc không biết cầm, cỏ không nhổ cứ nhè lúa mà nhổ. Được cái học sinh ở nông
thôn lớn tuổi và rất hiền luôn thông cảm với cô giáo, trường ra chỉ tiêu làm cỏ
hay trồng bắp đám ruộng nào là các em giành làm hết tuy thỉnh thoảng vẫn lấy
tay che miệng cười khúc khích khi thấy cô giáo cầm cái liềm cắt lúa không giống
ai hay té ngã đùi đụi trên bờ ruộng. Bên cạnh việc giảng dạy ở trường phổ thông,
ban đêm chúng tôi còn phải dạy ở các lớp bổ túc, học viên đa số là cán bộ trong
xã. Vì không phải dân địa phương nên chúng tôi không biết rõ ai là cán bộ, ai
là dân thường cứ thế giảng dạy vô tư theo kiểu “điếc không sợ súng”.
Sau một tuần đi dạy, mỗi
chiều thứ bảy chúng tôi lại rủ nhau đạp xe về Tuy Hòa. Sau khi băng qua con đường
đất nối liền chợ Xổm với quốc lộ IA, đến dốc Mít cả bọn xuống xe dắt bộ. Từ trên
đỉnh dốc chúng tôi bắt đầu thả dốc. Xe cộ hồi đó không nhiều như bây giờ nên ai
nấy đều buông tay thắng để tận thưởng cái thú nghe gió phần phật bên tai mát vô
cùng. Đám con gái ngày ấy đứa nào cũng ốm nhom, ốm nhách nên xe cứ bon bon chạy
trước, báo hại mấy thầy theo không kịp la oai oáii: “từ từ thôi mấy em! Chờ qua dới coi chừng tới… tới… tới… Nha Trang bây
giờ!”
Cũng đoạn đường lắm đèo
dốc của Tuy An tôi có một kỷ niệm khó quên. Hôm đó sau khi học bồi dưỡng nghiệp
vụ ở trường bổ túc Phú Tân, tôi và cô em họ dạy ở An Mỹ dắt xe đạp lên đèo Quán
Cau để về An Hòa. Đến giữa đèo thấy đường vắng hai chị em leo lên xe xổ dốc. Mới
chạy được một đoạn thì xe đạp của tôi bị đứt thắng, sau một hồi lạng quạng chiếc
xe lao vun vút xuống đèo. Tay chân run lẩy bẩy, mặt cắt không còn hột máu tôi đinh ninh phen
này chết chắc. May sao có chiếc xe hơi phía sau trờ tới ép chiếc xe đạp của tôi
ngã chúi bên lề đường. Một trong bốn người ngồi trên chiếc xe hơi quen với má
tôi về Tuy Hòa méc lại: “Con chị gan thiệt,
tui thấy nó đi xe đạp xổ dốc vun vút trên đèo Quán Cau!” . Sau cú té nhớ đời
ấy, mỗi lần đi đâu xa tôi cũng đi bằng xe lam, gác lại giấc mộng yêng hùng xe đạp
nửa mùa của mình.
Ba năm đi dạy không nhiều
nhưng để lại dấu ấn sâu đậm trong tôi. Đó là bước chập chững vào đời trước những
đổi thay thời cuộc. Ba năm cũng đủ để tôi làm quen với những cái tên như Sông Cầu,
Chí Thạnh, An Hiệp, An Hòa, An Mỹ, An Chấn, An Xuân. Bên cạnh những thiếu thốn, buồn vui nông thôn ngày ấy còn đọng lại
trong tôi những nghĩ suy. Đó là tấm lòng của người dân địa phương, của đồng
nghiệp, học trò và nhất là sự yên bình của làng quê ngày ấy. Một câu hỏi thường
đặt ra cho những ai từng trải qua giai đoạn khó khăn này là tại sao khi ấy con
người lại đối xử tử tế với nhau?
Ngày nay bức tranh xám
xịt của nông thôn trên các phương tiện thông tin đại chúng hẳn làm cho nhiều
người thất vọng. Thành phố có tệ nạn nào y như rằng nông thôn đều có. Đổ lỗi
cho nghèo khó ư? e rằng không thể đời sống nông thôn bây giờ khác xa nông thôn
40 năm về trước. Câu trả lời xin dành cho những người trẻ tuổi. Bài học đắt giá
nhất của chúng tôi về cái thời nghèo mà không hèn là tình người.
Lâu rồi chưa về chốn
cũ, mong tất cả bình yên ...
QUANG ĐẶNG (12/2017)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét