Thứ Năm, 2 tháng 7, 2020

Covid-19: Hội Đồng Bảo An Kêu Gọi Ngừng Mọi Xung Đột


Liên Hiệp Quốc kêu gọi ngưng các cuộc xung đột trên thế giới để dỗn nỗ lực chống dịch Covid-19. REUTERS - Khalil Ashawi

Covid-19: HỘI ĐỒNG BẢO AN KÊU GỌI NGỪNG MỌI XUNG ĐỘT
Trọng Thành

Ngày 01/07/2020, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ra nghị quyết kêu gọi ngừng mọi xung đột trên toàn cầu, để tạo điều kiện cho việc tập trung chống đại dịch Covid-19. Đây là đề xuất được tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đưa ra hồi cuối tháng 3/2020, vào lúc đại dịch bắt đầu bùng lên tại châu Âu và một số khu vực khác.

Nghị quyết kêu gọi tất cả các bên tham chiến « ngay lập tức chấm dứt giao tranh, trong vòng ít nhất 90 ngày », để tạo điều kiện cho các cứu trợ nhân đạo. Nghị quyết do Pháp và Tunisia soạn thảo đã được các thành viên Hội Đồng Bảo An thảo luận trong nhiều tháng, chủ yếu nhằm vượt qua bất đồng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Washington không muốn đưa tên của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) vào nội dung bản nghị quyết. Theo AFP, dự thảo nghị quyết đã được toàn thể các thành viên Hội Đồng Bảo An thông qua.

Đại sứ tại Liên Hiệp Quốc của Tunisia đã ca ngợi đây là « một thành quả lịch sử » và nói đến « những tiến bộ phi thường ». Theo đại sứ Kais Kabtani, đây là « lần đầu tiên mà Hội Đồng Bảo An ra một nghị quyết liên quan đến y tế ». Đại sứ Pháp Nicolas de Rivière mong muốn « nghị quyết được thực thi tức khắc ». Trong khi đó, nhiều chuyên gia lo ngại việc thực thi nghị quyết sẽ gặp nhiều trắc trở, sau một thời gian dài Hội Đồng Bảo An bị tê liệt, khiến uy tín của chính bản thân định chế này bị thách thức.

Tổ chức Oxfam, liên minh nhiều hiệp hội chống đói nghèo trên thế giới, đã lên án Hội Đồng Bảo An bị tê liệt đúng vào lúc thế giới cần đến một quyết định hệ trọng. Hồi tuần trước, tổng thư ký Hội Đồng Bảo An khẳng định đề nghị ngừng bắn toàn cầu đã được gần 180 quốc gia và hơn 20 nhóm vũ trang ủng hộ. Tuy nhiên, chính bản thân tổng thư ký Antonio Guterres cũng thừa nhận nghị quyết khó thực thi. Ngay trong thời gian đại dịch, bạo lực tại Yemen hay Libya thậm chí đã gia tăng.

Các quốc gia, trong đó có Yemen đang bị chiến tranh tàn phá, hệ thống y tế nghèo nàn không ứng phó được với dịch bệnh. (Ảnh minh họa. Nguồn: EPA)

Kể từ khi dịch bùng phát, từ ba tháng nay, ngoại trừ một cuộc họp của ngày 09/04, do hai thành viên không thường trực Đức và Estonia chủ trì, Hội Đồng Bảo An về cơ bản là im lặng trước đại dịch đang khiến toàn hành tinh chao đảo.

Trọng Thành - RFI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét