Thứ Sáu, 24 tháng 7, 2020

Nhân Kiệt Đất Phú - Nguyễn Huệ Phú Yên

GIỚI THIỆU
Kính thưa quý Thầy Cô, quý Đồng Môn và Thân Hữu 
Diễn đàn NHHN mới nhận được email của thầy hiệu trưởng Nguyễn Đức Giang. Nội dung như sau:
... Từ nay trở đi sức khỏe không cho phép thầy đi xa.
Thầy sẽ tuần tự gởi cho các em Nguyễn Huệ mấy bài viết có liên hệ trường mình và nơi quê hương một thời không phải là người gốc Phú Yên.
Chúc đại gia đình Nguyễn Huệ khắp mọi nơi an bình.
Thân mến, 
thầy NĐGiang 
Trân trọng
NHHN



NHÂN KIỆT ĐẤT PHÚ - NGUYỄN HUỆ PHÚ YÊN
Thầy Nguyễn Đức Giang                                   

*Yết kiến ông Tổng Giám Đốc Trung Tiểu Học và Bình Dân Giáo Dục.

Bác tùy phái trong phòng đi ra để cánh cửa mở hờ, nói với tôi: ông Tổng chờ thầy. Tôi bước vào phòng, chưa hết ngạc nhiên đã nghe tiếng chào thân thiện: chào anh Giang! Thưa thầy, tôi đáp. Ngạc nhiên, vì vị Tổng Giám Đốc Trung Tiểu Học và Bình Dân Giáo Dục mà tôi phải trình diện theo công điện yêu cầu gởi về trường Cường Đễ, nơi tôi đang phục vụ là giáo sư Nguyễn Văn Trường, nguyên Giám Đốc Học Vụ Khoa Học của Đại Học Sư Phạm (ĐHSP) Huế. Tội không biết mấy về thầy Trường, biết nhiều hơn về thầy Lê Tuyên, Giám Đốc Học Vụ Văn Khoa, vì trong năm thứ ba chúng tôi có học bổ túc văn chương VN với thầy Lê Tuyên, luật đại cương với thầy Phan Văn Thiết, bà Tăng Thị Thành Trai, địa chất với thầy Âu Ngọc Hồ, tâm lý với sư huynh Ferdinand… ngoài những môn chuyên ngành Sử Địa. Những môn học bổ túc không thi lên lớp hay ra trường

Sau lần chào hỏi, vấn an gia đình, thầy Trường cho biết mới rời ĐHSP Huế về Sài Gòn nhận nhiệm vụ mới sau ngày 1-11-1963. Rồi thầy đi thẳng vào vấn đề một cách rất Nam Kỳ: Moa nhận thấy có nhiều trường trung học đệ nhị cấp do các vị cao niên ngạch giáo sư trung học đệ nhất cấp đảm nhiệm chức vụ hiệu trưởng. Bây giờ các trường ĐHSP đã đào tạo giáo sư đệ nhị cấp. Moa sẽ thay thế hiệu trưởng khi có cơ hội thuận tiện. Hiện nay có hai trường khuyết hiệu trưởng, Nguyễn Huệ ở Tuy Hòa, Phú Yên và Trần Quốc Tuấn ở Quảng Ngải, toa chọn một. Tôi đắn đo một lúc, cả hai nơi đều đã đi qua nhưng không rõ mấy tình hình địa phương. Danh xưng của nhân vật trường được vinh dự mang tên, anh hùng áo vải Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ, địa chưa biết có linh hay không nhưng là đất vừa Phú vừa Yên. Tôi chọn trường Nguyễn Huệ, Tuy Hòa tỉnh Phú Yên.

Tôi về Qui Nhơn tường trình tự sự với ông hiệu trưởng Cường Để Tôn Thất Ngạc để trường sắp xếp việc điều hành khi có một giáo sư thuyên chuyển bất ngờ. Khoảng một tuần sau, tôi nhận được sự vụ lệnh bổ nhiệm hiệu trưởng trường Nguyễn Huệ, Tuy Hòa. Trung tuần tháng 12-1963 tôi vào Nguyễn Huệ nhậm chức, thay thế giáo sư Nguyễn Đăng Ngọc nhận nhiệm vụ mới ở Huế. Sau lễ bàn giao, tôi yêu cầu giáo chức ở lại để có đôi lời ra mắt. Rất mừng, tuyệt đại đa số đồng nghiệp đều cùng trang lứa, trong đó có nhiều người gốc Huế. Kể từ đó vừa học vừa làm. Học những thủ tục, nguyên tắc hành hánh, kế toán, nhân viên, học vụ qua những người cộng sự của mình.

Trung Học Nguyễn Huệ có hai cơ sở, Nguyễn Huệ cũ dành cho các lớp đệ nhất cấp, Nguyễn Huệ mới các lớp đệ nhị cấp. Trường nằm trong một tỉnh lị nhỏ, nhưng lại là một trường lớn, tính theo số lớp và tổng số học sinh. Nam nữ học chung. Không như những thị xã khác, có trường nam, trường nữ trung học. Nguyễn Huệ đã lên tới 60 lớp, học sinh trên 3.000. Theo chỉ tiêu Bộ Giáo Dục ấn định, trường trung học nhận tối đa 62% học sinh các lớp năm của những trường tiểu học công lập trong vùng. Nhưng địa phương của Nguyễn Huệ không chỉ Tuy Hòa mà bao gồm cả Tuy An và có thể một phần Hiếu Xương. Quận Tuy An không có trường trung học. Vì thiếu phòng ốc nên Nguyễn Huệ khó đạt được 62% học sinh thi vào đệ thất. Trong tình hình chiến tranh, ngân sách quốc gia dành cho Giáo Dục chỉ 7% nên hoạt động của ngành giáo dục bị hạn chế.

Bấy giờ có một trung đoàn Đại Hàn đóng gần sân bay. Thiếu tá Lee phụ trách dân sự vụ thỉnh thoảng đến thăm trường. Tôi và giáo sư Anh văn Tôn Thất Quế có lần sang đáp lễ. Sự giao hảo đôi bên đã dẫn đến một trận đấu bóng tròn giao hữu giữa Nguyễn Huệ và trung đoàn Đại Hàn. Đại tá trung đoàn trưởng hỏi tôi khi trà nước sau trận đấu giao hữu, rằng trường cần giúp gì như một kỷ niệm lâu dài của đơn vị lưu lại tại Việt Nam.

Tôi đắn do trước khi trả lời, nghĩ đến trường đang thiếu phòng ốc. Một dãy lầu dự tính xây hai tầng, mỗi tầng 4 phòng học, mới chỉ xây được 4 phòng  tầng trệt. Tôi ngỏ ý đề nghị trung đoàn giúp xây tiếp tầng trên. Không nhất thiết xây 4 phòng, được chừng nào hay chừng đó. Đại tá trung đoàn trưởng cho biết sẽ trả lời sau khi hội ý với thiếu tướng tư lệnh sư đoàn Bạch Mã đóng quân tại miền Bắc Khánh Hòa. Tin vui đến nhanh. Thiếu tướng tư lệnh đồng ý cho một toán công binh đến giúp trường. Không những giúp công mà còn cung cấp vật liệu xây dựng. Tôi giao họa đồ thiết kế đã được duyệt cho viên sĩ quan chỉ huy nhóm công binh.

Khởi sự khoảng vào đầu tháng 3-1967, một nhóm binh sĩ mươi lăm người đến trường đúc gạch taplo, họ mang theo cả nước giải khát. Đôi ba ngày trường tặng mỗi người một bao thuốc, nhờ thiếu tá Lee mua rất rẻ ớ câu lạc bộ trung đoàn. Sân trường Nguyễn Huệ phía bện trái biến thành một công trường xây dựng, ngổn ngang nào cát sạn, xi măng, sắt gỗ...

*Chuyến du hành quan sát Chương Trình Tổng Hợp.

Năm 1967 Bộ Giáo Dục có dự hướng cải tổ giáo dục trung học theo chương trình tổng hợp của Hoa Kỳ (comprehensive program). Một phái đoàn giáo chức được cử đi Mỹ 14 tuần quan sát chương trình tổng hợp, 2 tuần tại Đài Loan, từ Đài Bắc đến Cao Hủng. USAID tài trợ cho chuyến du hành này, và viện đại học Ohio hơp đồng với USAID lo việc sắp xếp chương trình.

Thành phần phái đoàn:
- Trưởng phái đoàn ông Đàm Xuân Thiều, giám đốc Nha Trung Học
- Phó, ông Vũ Đức Chang, giám đốc Nha Tư Thục
- Văn Đình Hy, chủ sự phòng Học Vu tại Bộ
- Trần Công Thiện, chủ sự phòng Du Học
- Đặng Văn Thường, chủ sự phòng Khảo Thi, Nha Khảo Thí.
- 10 hiệu trưởng thuộc 4 quân khu và quân khu thủ đô của những trường được chọn làm thí điển chương trình Tổng Hợp:
- Quân Khu 1: Vĩnh Quyền hiệu trưởng trường Gia Hội, Huế, Nguyễn Khoa Phước, hiệu trưởng Trần Quốc Tuấn, Quảng Ngãi.
- Quân Khu 2: Nguyễn Đức Giang hiệu trưởng Nguyễn Huệ Tuy Hòa, Lê Văn Tùng hiệu trưởng trường Banmêthuột.
- Quân Khu 3: Trần Mai Châu hiệu trưởng Hóc Môn, Lê Anh hiệu trưởng trường Dĩ An.
- Quân Khu 4: Lê Văn Oanh, giám học trường Kiến Hòa, Nguyễn Trung Quân hiệu trưởng Phan Thanh Giản Cần Thơ.
- Quân Khu thủ đô: Vũ Đức Thịnh hiệu trưởng Mạc Đỉnh Chi, Mr Bằng hiệu trưởng trường Quận 8.
- hai thông dịch viên.

Chúng tôi đáp xuống phi trường San Francisco, được một đại diện của đại học Ohio đón, chuyển máy bay đi Washington DC. Người này hướng dẫn phái đoàn suốt cuộc du hành quan sát ở Mỹ. Dừng chân ở Washington DC ba bốn ngày chỉ để cho chúng tôi biết thủ đô Hoa Kỳ, sau đó đi Ohio. Tại đây, Ohio University, cơ quan hợp đồng với USAID lo tổ chức và hướng dẫn phái đoàn thuyết trình khá cặn kẽ chương trình quan sát qua 13 tiểu bang. Tại một tiểu bang, chúng tôi quan sát các trường từ thứ hai đến thứ sáu. Thứ bảy thăm viếng di tích lịch sử hay phong cảnh đặc sắc địa phương, chủ nhật di chuyển đến tiểu bang khác.

Chúng tôi sử dụng khoản trợ cấp 23 đô la/ngày để trang trải tiền ăn ở. Có nơi như tại thành phố Albani, thủ phủ của tiểu bang New York, có một số phụ huynh học sinh mời một thành viên trong phái đoàn đến lưu trú với gia đình họ suốt tuần. Phần tôi được ở hai nhà, mỗi nhà ba ngày. Ộng Văn Đình Hy, chủ sự Phòng Học Vụ tại Bộ không nói được tiếng Anh. Tiếng Anh của tôi cà xịch cà đụi nhưng với sự phụ họa của tứ chi, Mỹ/Việt cũng có thể hiểu nhau. Hai anh em chúng tôi ở chung với nhau, mỗi nhà ba ngày.

Ra quân lần đầu ở một trường tại Cleveland. Theo chương trình, sau một ngày tiếp xúc với Ban Giám Hiệu, quan sát các lớp học, tối hôm đó có cuộc gặp gỡ với giáo chức, phụ huynh học sinh và báo chí địa phương. Phụ huynh học sinh đặt những câu hỏi chung chung về hệ thồng giáo dục VN, các loại trường, việc thi cử… Hai vị trưởng và phó phái đoàn thay nhau trả lời những câu hỏi được thông dịch ghi lại chủ điểm bằng tiếng Việt. Các phóng viên đặt câu hỏi cũng theo cách thức đó, thông dịch ghi chủ điểm các câu hỏi. Tôi nghe và hiểu được nội dung những điều họ nêu lên. Khái quát có những điểm:

1. Chiến tranh Việt Nam vì Sài Gòn không thi hành hiệp định Geneve 1954, qui định hai năm sau sẽ có cuộc tổng tuyển cử để thống nhất đất nước.
2. Người VN nghĩ thế nào về quân đội Mỹ tham chiến ở VN.
3. Có sự chia rẽ sâu sắc giữa người theo Đạo Thiên Chúa và Đạo Phật, người Bắc người Nam ở VN sau 1963…
4. Xã hội VN đồi trụy, đĩ điếm…

Hiểu được nội dung các câu hỏi, tôi xin ông trưởng phái đoàn cho phép trả lời, và được chấp thuận. Cầm tờ giấy do thông dịch viên trao tay tóm tắt những câu hỏi được chuyển ra Việt ngữ tôi nghĩ, những phóng viên này thuộc nhóm phản chiến. Trả lời:

1- Hiệp định Geneve ký kết ngày 20-7-1954. Hoa Kỳ và phái đoàn VN không ký vào hiệp định nên có quyền không tuân thủ. Vả lại, theo hiệp định những đơn vị chính qui của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa rút về miền Bắc vỉ tuyến 17 (sông Bến Hải) nhưng thực tế Bắc Việt vẫn ém lại nhiều cán bộ nòng cốt khắp cả Trung và Nam Phần. Họ đã bắt đầu khuấy động, xây dựng cơ sở, tổ chức những nhóm vũ trang càng ngày càng lớn mạnh với sự tiếp tay của Bắc Việt. Tuy quốc hiệu là Việt Nam Nam Dân Chủ Cộng Hòa nhưng thực chất là cộng sản. Ở những nước cộng sản làm gì có tự do cho một cuộc tổng tuyển cử.

Ngày 7-7-1955 (song thất) ông Ngô Đình Diệm từ Hoa Kỳ được Quốc Trưởng Bảo Đại điều về Nam VN làm thủ tướng. Sau này trở thành Tổng Thống qua một cuộc trưng cầu dân ý “xanh bỏ giỏ đỏ bỏ bì” để truất phế cựu hoàng Bảo Đại. Thủ tướng Ngô Đình Diệm đối mặt với vô cùng khó khăn trong việc định cư cho hơn một triệu người di cư từ miền Bắc, không chỉ tín hữu Thiên Chúa Giáo mà kể cả những người có tôn giáo khác, thành viên của những đảng phái chống Việt Minh... Trong khi đó cộng sản ra tay phá hoại. Nhiều nơi đã có những cuộc đụng độ võ trang. Và cường độ chiến tranh tăng dần.

2- Năm 1949 Trung cộng làm chủ lục địa Trung Hoa. Năm 1954 hiệp định Geneve chia đội Việt Nam. Khối cộng sản mở rộng phạm vi ảnh hưởng ở Đông Nam Á, vì có thêm Bắc Việt, tiếp cận biên giới với Trung Hoa. Hoa Kỳ đóng vai “sen đầm quốc tế” e ngại hiệu ứng domino nên tìm cách ngăn chặn. Theo tôi biết, bấy giờ ở Đông Nam Á có một vòng đai chiến lược bao quanh phía Đông Trung Hoa: Đại Hàn với tổng thống Lý Thừa Vãn, Đài Loan với tổng thống Tưởng Giới Thạch, Phi Luật Tân với tổng thống Magsaysay, Nam Dương (đa phần dân số theo Hồi giáo) với tổng thống Sukarno, Việt Nam với tổng thống Ngô Đình Diệm, một tín hữu thuần thành Thiên Chúa Giáo. Nhưng chiến tranh quốc - cộng lại xảy ra ở miền Nam Việt Nam, buộc Mỹ phải đổ quân vào chiến trường này, đánh giặc theo kiểu Mỹ. VN được xem là một tiền đồn chống lại sự bành trướng của cộng sản trong vùng Đông Nam Á.

Sự hiện diện của quân đội Mỹ ở VN đã tạo lợi thế cho Bắc Việt về mặt tuyên truyền quốc tế, rằng Mỹ xâm lăng VN. Đồng thời sự kiện này cũng làm mất chính nghĩa của quân dân VN, chống cộng sản xâm lăng.

Giá như Hoa Kỳ theo yêu sách của tổng thống Ngô Đình Diệm không đưa quân vào trực tiếp tham chiến mà viện trợ đầy đủ để Nam VN tự bảo vệ thì chiến phí và thất thoát nhân mạng Mỹ/Việt có thể giảm thiểu rất nhiều.

3- Tôi xin phép mời các thành viên trong phái đoàn đứng lên khi được hỏi về tôn giáo, gốc gác. Xong tôi nói với cử tọa: Người nói có kẻ nói không, ai tin ai. Quí vị đã thấy trong phái đoàn chúng tôi gồm cả thông dịch viên có 15 người, thuộc đủ thành phần: Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo, người Bắc người Trung người Nam. Qua thực tế đó, quí vị tự trả lời câu hỏi của mình.

4- Hoa Kỳ là một Hiệp Chủng Quốc. Những người đầu tiên đến Bắc Mỹ có gốc gác từ những nước Âu châu, tổ tiên của người Mỹ da trắng. Không nói gì xa, thế chiến thứ hai 1939-1945 kéo dài chỉ sáu năm. Hoa Kỳ đã tham gia và đánh thắng quân Đức Quốc Xã ở Tây Âu. Trở về quê hương sau chiến tranh, lính Mỹ đã khoe khoang chỉ vài ba thỏi chocolat cũng dụ được con gái ở Pháp, Ý hay Đức bán thân. Chiến tranh ở VN kéo dài hơn 20 năm, chưa có chỉ dấu kết thúc, làm sao không phát sinh nhiều tệ đoan xã hội. Đĩ điếm là chuyện đương nhiên có thật, không những thế, còn nhiều tệ nạn khác do chiến tranh gây ra...

Sau 14 tuần qua 13 tiểu bang và Washington DC, phái đoàn dự một buổi họp tổng kết chuyến du hành quan sát với Ohio University tại San Francisco. Buổi họp mang tính hình thức để chia tay. Phái đoàn được thông báo, thời gian ở Mỹ, mỗi người được trợ cấp 23 đô/ngày, ở Đài Loan chỉ 17 đô. Chúng tôi rời Mỹ vào những ngày đầu tháng 7-1967 đi Đài Loan. Trong phái đoàn tôi là người duy nhất đã đi Mỹ một lần vào năm 1962 nên trước đó đã đề nghị lưu lại Tokyo 72 giờ không cần chiếu khán nhập cảnh. 72 giờ ở Tokyo, chạy nhiều hơn đi, cỡi ngựa xem hoa.

Tại Đài Loan cũng như ở Mỹ, phái đoàn được một nhân viên của Bộ Giáo Dục ra đón. Người này hướng dẫn phái đoàn suốt cuộc hành trình trong nước Cộng Hòa Dân Quốc này. Anh rất thông thạo tiếng Anh. Chúng tôi được đưa về trung tâm Đài Bắc, khu vực có khách sạn và nhà hàng trung bình.

Từ Đài Bắc chúng tôi được hướng dẫn theo con đường xuyên đảo quốc dọc theo bờ biển phía Đông từ Đài Bắc đến Cao Hùng, dừng chân mỗi nơi vài ngày thăm viếng các trường Trung Học. Chương trình có vẻ đơn điệu, họp với Ban Giám Hiệu, trao đổi về sự khác biệt giữa hai hệ thống tổ chức giáo dục, thăm lớp... Điều khác biệt là “quân sự hóa học đường”. Học sinh trung học mang quân phục đi học, Ngoài giờ học văn hóa, trường còn đặt nặng chương trình huấn luyện quân sự. Buổi sáng có lễ chào cờ, buổi chiều có lễ hạ cờ, hàng ngũ trang nghiêm. Nhìn cảnh chào cờ và hạ cờ ta có cảm tưởng đây là một quân trường. Lập luận của chính phủ từ thời tổng thống Tưởng Giới Thạch là sẵn sàng tái chiếm lục địa. Tái chiếm lục địa là điều không tưởng, thật ra là phòng xa, chuẩn bị kế hoạch lâu dài đề phòng Trung Cộng tấn công Đài Loan. Người Đài Loan nghĩ rằng, chừng nào hai đào ngoài khơi Phúc Kiến là Kim Môn và Mã Tổ còn trụ vững thì Đài Loan còn ngủ yên.

Chuyến về lại Đài Bắc, ngược theo con đường ven bờ biển ở Miền Tây, không thăm viếng trường nào, chỉ ngoạn cảnh. Tại Đài Bắc, phái đoàn cũng có một buổi gặp mặt lấy lệ với một số viên chức Bộ Giáo Dục, và kết thúc bằng một bữa tiệc chia tạy. Tôi từng nghe người Việt mình ca tụng: Ở nhà Tây, ăn cơm Tàu, lấy vợ Nhật. Nói riêng món “cơm Tàu”, chúng tôi từng có lai rai ở những nhà hàng Tàu trong nuóc, nhưng chưa thấy một bữa tiệc nào lạ lùng, thịnh soạn như hôm nay. Sau lời phi lộ và đáp lễ của chủ khách, nhập tiệc. Thông dịch viên người Hoa hướng dẫn, tiệc gồm có 28 món. Khi đến món cá là kết thúc. Tại chỗ ngồi, mỗi thực khách nhận được một tờ bìa đỏ gấp đôi, hai trang phía trong mỗi trang có những dòng chữ Hán viết hàng theo chiều dọc. Đó là thực đơn, chẳng ai hiểu món gì với món gì.

Sau món xúp vi cá, biết tên theo sự nhận dạng, ba bốn món ăn khác được bày trên một cái bàn nhỏ xoay tròn. Mấy tháng trời ăn đồ ăn Mỹ ớn quá, bây giờ ăn đồ Tàu hợp khẩu vị. Nếu không vì phép lịch sự tối thiểu, để lại chút ít trên dĩa thì đã quét sạch hết. Ăn mãi chẳng thấy món cá. Bỗng bồi bàn bưng lên mỗi bàn một tô sành lớn và thay dĩa bằng chén. Múc ra thấy nước ngọt còn nóng hổi, cái là những loại trái cây cắt nhỏ. Ai cũng tưởng là món tráng miệng. Nhưng không, thông dịch viên giải thich, ăn một chút đồ ngọt cho đỡ ớn, sẽ tiếp tiếp tục những món khác. Đúng vậy, sau vài ba món nữa đến món cá. Mọi người ăn cầm chừng, bụng không còn sức chứa. Ăn uống xong, một tiếp viên nữ phát cho khách khăn nóng. Anh Phước mỉm cười, phán: lạc chiếu! Cô tiếp viên trợn tròn mắt, đứng yên. Một số bà con trong phái đoàn khi biết đi Đài Loan đã học năm bảy tiếng chào hỏi, cám ơn cũng ngạc nhiên, ăn xong rồi sao lại xin ớt. Lạc-chiếu là ớt. Anh Phước biết mình lộn, cười và sửa sai, xê-xị nghĩa là cám ơn.

* Trường Trung Học Tổng Hợp Nguyễn Huệ.

Chúng tôi về đến Việt Nam vào giữa tháng 8-1967. Sau khi yết kiến ông Ủy Viên Giáo Dục (bộ trưởng), giáo sư Nguyễn Văn Trường thời thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ lãnh đạo Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương (thủ tướng), ai về nhiệm sở nấy. Tôi qúa vui mừng với 4 phòng học mới đã cơi lầu với bảng đen có bục, cùng bục cho bàn giáo sư đúng theo khuôn mẫu các phòng học đang sử dụng. Tôi vô cùng ân hận, không có một lời cám ơn về sự giúp đỡ quá nhiệt tình của trung đoàn Đại  Hàn, khi biết họ đã mãn thời gian phục vụ tại Việt Nam và đã hồi hương. Băn khoăn, e người Hàn quốc đánh giá thấp cách ứng xử của người Việt Nam. Người ta đâu có biết tôi vắng mặt hơn bốn tháng.

Tôi tiếp xúc với bác hội trưởng Hội Phụ Huynh Học Sinh (HPHHS) Bùi Phương, đưa đề nghị Hội vận động tài chánh lo bàn ghế cho bốn lớp mới để có thể sử dụng sớm chừng nào hay chừng đó. Tôi thưa với bác Hội Trưởng, việc xây dựng, kiến thiết ở các trường công lập do Bộ Giáo Dục đài thọ ngân khoản. Bây giờ có trình xin ngân khoản cũng phải qua những thủ tục hành chánh, tài chành rườm rà, trong khi trường đang cần phòng học cho chương trình tổng hợp mới được Bộ Giáo Dục chấp thuận. Bác Bùi Phương, cùng hai phụ huynh cao niên khác, nếu tôi nhớ không lầm là bác Hữu Dụng và bác Lê Chí Mãn, hai trong số những thương gia ở địa phương đi vận động. Trong vòng vài tháng, các phòng mới được trang bị bàn ghế cho học sinh và bốn bàn giáo sư.

Nhân đây tôi cần có đôi lời về bác hội trưởng Bùi Phương. Tôi đến Nguyễn Huệ vào giữa tháng 12-1963 và rời Nguyễn Huệ đi Võ Tánh vào tháng 8-1972. Trong thời gian gần 9 năm bác Bùi Phương giữ vai trò Hội Trưởng HPHHS. Việc công, việc tư giữa trường Nguyễn Huệ và gia đình bác hội trưởng có nhiều mối quan hệ, liên kết thật gắn bó.

Hai bác là người miền ngoài, Nghệ An thì phải. Đây là một gia đình rất lễ nghĩa, mẫu mực. Bùi Thị Ngọc Dung, Bùi Thị Ngọc Điệp, Bùi Thị Ngọc Anh là ba ái nữ của gia đình này đang học những năm đệ nhị cấp trường Nguyễn Huệ. Ba thiếu nữ có dung hạnh và khả năng học vấn rất đáng khen. Về sau này tôi biết thêm Ngọc Dung và Ngọc Điệp, Ngọc Anh có một em gái học trường tư thục Bồ Đề (?) và em trai út Bùi Văn Phú, bác sĩ giám Đốc Bệnh Viện Trung Ương Huế.

Tôi không rõ chuyện cô gái út của bác Hội trưởng vì sao học tư thục. Vì một lý do nào đó mà em này không dự kỳ thi vào lớp đệ thất thì chẳng nói làm chi. Còn thi hỏng vào lớp đệ thất Nguyễn Huệ là một điều đáng tiếc. Con ông Hội Trưởng HPHHS có nhiều công lao với trường, em vợ hai giáo sư (hay cựu giáo sư). Ngoài ra tôi còn mời Hội Trưởng HPHHS tham gia vào Hội Đồng Kỷ Luật như một thành viên có quyền bỏ phiếu. Hội Đồng Kỷ Luật gồm hiêu trưởng, tổng giám thị, hai giáo sư đệ nhị cấp, hai giáo sư đệ nhất cấp + hội trưởng HPHHS. Với quan hệ như vậy đối với trường, tôi có thể trình bày tình lý với Hội Đồng Giám Khảo để giải quyết một  trường hợp khá đặc biệt.

Giáo sư Phạm Văn Minh tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sài Gòn ban Văn chương được bổ nhiệm về Nguyễn Huệ. Sau một thời gian dạy học chuyển qua làm quản thủ thư viện Lam Sơn của trường. Minh và Ngọc Anh yêu thương nhau từ thuở thầy trò. Sau khi Ngọc Anh đậu tú tài Minh ngõ ý với hai bác Bùi Phương xin tiến tới hôn nhân. Minh có trọ trong nhà tôi một thời gian. Tôi xem Minh như em. Minh còn một bà mẹ già ít ăn ít nói nên lễ cưới hỏi, vợ chồng tôi đóng vai đại diện nhà trai. Minh đươc đổi về Sài Gòn, hai vợ chồng dắt dìu nhau vào thủ đô lập nghiệp. Cựu giáo sư Trần Viết Ngạc tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Huế, ban Sử Địa kết duyên cùng con gái đầu của bác hội trưởng, Bùi Thị Ngọc Dung. Một sự kiện khá lý thú, em trai của Trần Viết Ngạc là bác sĩ Trần Viết Phồn chiếm được trái tim của Bùi Thị Ngọc Điệp, em kế Ngọc Dung. Nghĩ lại chuyện xưa về quan hệ gắn bó giữa trường Nguyễn Huệ và bác Hội Trưởng HPHHS, tôi càng cảm mến sự tự trọng của bác Bùi Phương, để cho con mình học trường tư thục Bồ Đề trong thị xã.

Hai bác mệnh chung đã lâu, lăng mộ được xây trong phạm vi chùa Sư Nữ ở Cầu Lim, Huế cách lăng mộ ông bà nhạc gia tôi chừng vài trăm thước. Mỗi lần có dịp về Huế, chúng tôi hương hoa viếng lăng mộ cha mẹ, không bao giờ quên  hai bác Bùi Phương.

* Thực thi chương trinh tổng hợp.

Sau chuyến du hành quan sát của tôi, trường Nguyễn Huệ cải danh: Trường Trung Học Tổng Hợp Nguyễn Huệ. Lại thêm những may mắn bất ngờ cho trường. Anh Tôn Thất Hường được bổ nhiệm Trưởng Ty Xã Hội Phú Yên. Nhà riêng của anh ấy nằm bên kia đường, trước nhà tôi. Qua lại với nhau thành thân thiết, nhận ra nhau cùng gốc huyện Phú Lộc, Thừa Thiên và cùng  học trường An Lương Đông (Thường gọi là trường Truồi). Anh học trên tôi một lớp. Anh Hường hỏi tôi một cách tình cờ về sự thay đổi danh xưng của trường. Tôi giải thích qua loa cho có chuyện. Anh cho biết Ty Xã Hội hiện có 20 máy may và 24 máy đánh chữ nằm ụ trong kho. Đây là những máy móc Bộ Xã Hội cung cấp, trù lập các lớp huấn nghiệp, dạy nghề cho giới trẻ càng ngày càng chạy về nững khu an toàn, tránh  giăc giã. Ty Xã Hội quá bận rộn với việc cứu trợ đồng bào chạy giặc, không phương tiện mở các lớp huấn nghệ, Anh ngỏ ý cho trường Nguyễn Huệ mượn 24 máy đánh chữ và 20 máy may. 

Buồn ngủ gặp chiếu manh! Gặp cơ hội thuận lợi bất ngờ, tôi chớp ngay lấy. Một lớp đánh chữ và một lớp may cắt được mở, sau khi được Bộ Giáo Dục chấp thuận đề nghị truyển dụng hai chuyên viên. Nguyễn Huệ có lẽ là trường có hơi hướm tổng hợp đầu tiên trong 10 trường có hiệu trưởng tham gia chuyến du hành quan sát ở Mỹ và Đài Loan. Năm 1970 anh trưởng Ty Xã Hội Tôn Thất Hường đổi về Huế, 1972 tôi đổi vào NhaTrang. Bốn năm năm hai bên không ai nhắc gì đến số máy may, máy đánh chữ. Và tôi cũng chẳng nhớ khi mượn có viết giấy viết tờ gì không. Số máy móc này trở thành tài sản của trường Trung Học Tổng Hợp Nguyễn Huệ cho đến năm 1975.     

Với danh nghĩa tổng hợp, sau một thời gian ngắn trường Nguyễn Huệ và trường BanMêThuột có chung một cố vấn Mỹ, Dr Steele. Thật ra ông cố vấn Mỹ này không giúp đỡ gì mấy cho việc phát triển Chương Trinh Tổng Hợp. Nhưng rất phiền hà cho tôi sau 1975, phải trả lời những tra vấn của cán bộ chấp pháp: Vì sao một trường học lại có cố vấn Mỹ?

* Đất Phú đến dễ khó rời.

Nhân Kiệt, Đất Phú đến dễ khó rời. Đầu năm 1966 tôi vào Sài Gòn chừng vài tuần trước Tết âm lịch. Vừa đến Nha Trung Học tôi gặp ông chủ sự Phòng Nhân viên. Ông chủ sự nói, đang tính đánh công điện khẩn gọi tôi vào trình diện ông Giám Đốc Nha Trung Học. Tôi trình diện ông giám đốc, được biết tin phải yết kiến gần ông Bộ Trưởng. Ông Bộ Trưởng bảo tôi: Anh về sửa soạn đi Đà Nẵng ngay làm hiệu trưởng trường Phan Chu Trinh. Sự vụ lệnh sẽ đến trường sau khi anh về. Tôi trình xin thi hành lệnh sau Tết âm lịch. Ông Bộ Trưởng không đống ý, bảo tôi ra gấp Đà Nẵng nhận nhiệm sở, sau đó trở về Tuy Hòa ăn Tết với gia đinh. Tội tức tốc in lại danh thiếp với chức vụ Hiệu Trưởng Trường Trung Hoc Phan Chu Trinh -  Đà Nẵng.

Về lại Nguyễn Huệ tôi chuẩn bị đi Đà Nẵng nhận nhiệm vụ mới, cử giám học Lê Ngọc Giáng xử lý thường vụ, thông báo cho đồng nghiệp tin tức sẽ rời nhiệm sở, làm thủ tục di chuyển v.v..., tiệc tùng chia tay với đồng nghiệp. Tuy Hòa là thị xã của một tỉnh nhỏ, mỗi khi có Ty Sở trưởng thuyên chuyển đều có tiệc chia tay. Mọi việc đều sẵn sàng, chỉ chờ ngày lên đường. Tôi điện thoại cho thiếu tá Tỉnh Trưởng Trần Văn Hai (cấp bậc hồi đó, về sau thăng chuẩn tướng, tuẫn tiết ngày 30-4-1975) xin phép vợ chồng tôi đến thăm ông bà tại tư dinh sau giờ làm việc. Tôi trình bày tự sự việc thuyên chuyển ra Đà Nẵng. Thiếu tá tỉnh trưởng nói: Nếu anh muốn đi, tôi để anh đi, còn không tôi sẽ can thiệp giữ anh lại. Tôi trả lời, là công chức phải tuân hành lệnh cấp trên, không tự ý muốn đi hay ở lại. Thiếu tá Tỉnh Trưởng góp ý: tình hình Huế, Đà Nẵng rất phức tạp. Anh ra đó phải hết sức cẩn thận. Ai thay anh ở trường Nguyễn Huệ?, ông hỏi. Tôi trình chưa có người thay thế, giám học mới được cử xử lý thường vụ. Thiếu tá tỉnh trưởng có vẻ ngạc nhiên, nhận xét và đưa ra quyết định: Anh đi, trường Nguyễn Huệ cũng thiếu hiệu trưởng. Tại sao Bộ Giáo Dục không bổ nhiệm thẳng một người khác ra Đà Nẵng cho tiện việc cả hai nơi? Tôi sẽ giữ anh lại. Ngày hôm sau Tòa Hành Chánh Phú Yên và trường Nguyễn Huệ nhận được công điện khẩn của bộ Giáo Dục chấp thuận đề nghị của Tỉnh Trưởng Phú Yên. Tôi những tưởng mới hơn vài năm đã hết duyên với đất Phú, ngờ đâu duyên còn thắm đến 6 năm sau.

Đầu năm 1968 Dr Steele đưa Dr Aladize, cố vấn ở Bộ Giáo Dục đến thăm trường Tổng Hợp Nguyễn Huệ, một trường mới được tổng hợp hóa vài bước đầu. Đối với tôi, Dr Aladize là người đã biết qua khóa tu nghiệp Anh Văn bốn tuần cho giáo sư đệ nhị cấp tổ chức tại trường Bùi Thị Xuân, Đà Lạt vào mùa hè 1966. Tôi được cử làm Giám Đốc Điều Hành, tiến sĩ Đào Thị Hợi phụ tá chuyên môn, với ban hướng dẫn gồm tiến sĩ Dương Thanh Bình, ba hay bốn tiến sĩ đệ tam cấp (master) và giáo sư Bùi Dương Chi của trường Trung học Ban-Me-Thuôt. Trong Ban Hướng Dẫn tôi có biết một người là thầy Hoàng Diệm, cựu giáo sư Khải Định sau năm 1945. Dr Aladize cố vấn khóa tu nghiệp, đồng thời xuất chi mọi khoản sở phí liên hệ, chẳng hạn như khách sạn cho Ban Điều Hành, chi phí bất thường, tiền giờ thuyết trình và hướng dẫn, du ngoạn… Trong mấy lần họp đầu tuần tôi nói tiếng Việt, tiến sĩ Đào Thị Hợi dịch ra tiếng Anh cho Dr Aladize, phần còn lại, thảo luận hay đề nghị đều dùng Anh ngữ. Chỗ nào không hiểu tôi hỏi lại bằng tiếng Việt. Khóa tu nghiệp được kết thúc bằng một lễ bế mạc do thứ trưởng Bộ Giáo Dục Trần (hay Nguyễn) Lưu Cung từ Sài Gòn lên chủ tọa.

Qua chuyện trò, Dr Aladize hỏi tôi có muốn sang Mỹ học School Administration không. Tôi nghe rất thích chí, được đi Mỹ học còn gì vui bằng, có cơ hội cải tiến Anh ngữ  múa may của mình. Bàn và thuyết phục “bà bộ trưởng nội vụ”. OK. Tôi thông báo cho Dr Aladize. Sau  một thời gian ngắn tôi được Bộ Giáo Dục cho phép đi Mỹ học, nhưng phải qua ba tháng học Anh Văn bổ túc tại Hội Việt Mỹ. Lại tiệc tùng chia tay trong nội bộ cũng như với các Ty Sở trưởng. Đến khi làm passport, bị Bộ Quốc Phòng bác vì còn trrong hạn tuổi động viên. Lại trở về đất Phú. Tháng 8-1968, cũng đi nhưng không đi Mỹ mà đi Trung Tâm Huấn Luyện Lam Sơn cùng lúc với đồng nghiệp trong Vùng Hai Chiến Thuật. Danh nghĩa là “Khóa Sinh Dự Bị Sĩ Quan”. Thực tế chỉ được huấn luyện quân sự 9 tuần, trở về lại nhiệm sở với cấp bậc binh nhì, 7 năm chưa được vinh thăng binh nhất.

Giữa tháng 8-1972 tôi giã từ Nguyễn Huệ vào Nha Trang nhận nhiệm sở mới ở trường Võ Tánh. Lại tiệc tùng chia tay. Anh Bùi Thế Chương, quản đốc Trung Tâm Tu Nghiệp Công Chức, nơi tổ chức tiệc tiễn chân. Phát biểu: Sự bất quá tam rồi đó nghe. Lần sau nếu có một chuyến ra đi nữa, ông phải đãi anh em Ty Sở  trưởng. Tôi hứa, không những đãi Ty Sở Tưởng mà luôn cả gia đình. Có tiếng cười từ phía thực khách: nói dóc!

Bài viết không có phần kết thúc với dấu ./. (chấm hết). Gần 9 năm ở đất Phú tình nghĩa làm sao đong đầy. Tôi dự tính sẽ viết tiếp, hay ít ra cũng đào xới trí nhớ để tìm lại dấu vết của một miền đất dung thân dài nhất trong đời làm việc.
…………………………………………………………………………………………………………………………….

Nguyễn Đức Giang


Thầy Cô Nguyễn Đức Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét