Thứ Tư, 22 tháng 7, 2020

Nước Lũ Đập Tam Hiệp Vượt Cảnh Báo 12 Mét


Đài truyền hình Đông Phương (Trung Quốc) cho biết, với tốc độ dòng chảy 7.800m³/giây thì sau 30 phút xả lũ, lượng nước được xả có thể lấp đầy Tây Hồ.

Trung Quốc Họp Khẩn: NƯỚC LŨ ĐẬP TAM HIỆP VƯỢT CẢNH BÁO 12 MÉT
Nguyễn Sơn

Chính quyền Trung Quốc đã triệu tập cuộc họp khẩn về công tác phòng chống lũ lụt và cứu trợ thiên tai dưới sự chủ trì của ông Tập Cận Bình.

Do ảnh hưởng bởi đợt mưa mới, lưu lượng nước sông Dương Tử đổ về đập Tam Hiệp đang tăng nhanh. Dự báo đợt lũ thứ 2 trên sông Dương Tử khiến nước chảy vào hồ chứa đập Tam Hiệp đạt 55.000 m3/giây vào tối ngày 17/7.

Trong trận lũ đầu tiên, lưu lượng nước đổ vào hồ chứa đập Tam Hiệp tối đa là 53.000 m³/s, theo truyền thông Trung Quốc.

Ngày 17/7, mực nước trong hồ chứa đập Tam Hiệp tăng đến mức 157,11 mét, vượt quá cảnh báo lũ hơn 12m. Đây cũng là mực nước cao nhất được ghi nhận tại hồ chứa của con đập kể từ đầu mùa lũ năm nay. Đến tối 17/7, hồ chứa của đập Tam Hiệp đã trữ khoảng 7 tỷ mét khối nước.

 Đập Tam Hiệp bắt đầu xả lũ khẩn cấp vào ngày 29/6, gây áp lực rất lớn cho các thành phố ở hạ lưu. (Ảnh: STR / AFP / Getty Images)

Đập Tam Hiệp đầu tháng này đã phải mở cửa xả lũ đầu tiên trong năm nay. Trong khi giới chức Trung Quốc nói đập đã mở 3 cửa xả lũ, các ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc dường như đã mở toàn bộ 9 cửa xả lũ.

Đơn vị phụ trách điều hành dự án đập Tam Hiệp, thông báo nhà máy thủy điện Tam Hiệp đã bắt đầu hoạt động hết công suất 22,5 triệu kW từ ngày 15/7.

Hồ Bà Dương bị vỡ đập, 15 làng xã bị chìm. Xuồng cao tốc chở dân làng giữa nước lũ mênh mông - Ảnh: Tân Hoa Xã

Theo dự báo, từ ngày 17-19/7, lưu vực con sông sẽ đón những trận mưa rất lớn, nước đổ về đập Tam Hiệp sẽ ngày càng nhiều, gây áp lực lớn cho việc kiểm soát lũ.

Chủ tịch Tập Cận Bình họp khẩn

Cùng ngày 17/7, Trung Quốc đã triệu tập cuộc họp khẩn về công tác phòng chống lũ lụt và cứu trợ thiên tai dưới sự chủ trì của ông Tập Cận Bình.

Ông Tập nhấn mạnh, phòng chống và cứu trợ lũ lụt có ảnh hưởng quan trọng đến tính mạng, tài sản người dân cũng như an ninh quốc gia.

Chủ tịch Trung Quốc đánh giá tình hình mưa lớn ở khu vực sông Dương Tử là nghiêm trọng. Ông Tập yêu cầu các cơ quan có liên quan tăng cường phối hợp với người dân nhằm phòng chống lũ lụt một cách có hiệu quả nhất.

Kể từ đầu tháng 6, mực nước hơn 400 con sông ở Trung Quốc đã vượt mức báo động, thậm chí mực nước ở 33 sông vượt kỷ lục trong trận lụt lịch sử năm 1998.

Hiện nay, 2 địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi mưa lũ là Giang Tây và Hồ Bắc.

Nước sông Dương Tử vẫn tiếp tục dâng, dự báo lũ lụt nghiêm trọng hơn nữa

Tại Giang Tây, ngày 17/7, một đoạn đê bị vỡ trên hồ Bà Dương đã được vá xong. Những trận mưa lớn liên tục khiến diện tích mặt hồ mở rộng thêm 25%. Nhiều ngôi làng, đồng ruộng bị nhấn chìm khi xảy ra sự cố vỡ đê.

Ông Xu Yongxiang 45 tuổi cư trú tại làng Liufang thuộc khu vực rìa phía đông của hồ Bà Dương, tỉnh Giang Tây, cho biết, làng ông đã bị mất nước và điện gần 1 tuần, còn lúa và các loại hoa màu khác như bông, ngô, và đậu đã đến lúc được thu hoạch thì nay bị ngập úng trong nước.

Cùng ngày 17/7, Vũ Hán đưa ra báo động đỏ về tình hình mưa lũ. Tính đến 8 giờ sáng 17/7, mực nước sông Dương Tử đoạn chảy ra Vũ Hán đạt 28,32 mét. Từ ngày 18-20/7, dự báo sẽ có những trận mưa cực lớn xảy ra ở Vũ Hán.

Lũ lụt thường xuyên đột kích và nhấn chìm các ngôi làng. Nhiều nơi ở tỉnh Hồ Bắc lụt trong đêm nghi do xả lũ.

Theo báo cáo, 91% con đê ở Vũ Hán được đắp bằng đất. Nếu bị ngâm nước kéo dài, đê bằng đất sẽ trở nên mềm nhũn và dễ vỡ.

Giới chức tỉnh Hồ Bắc phải điều trực thăng chở đá thả xuống khu vực đê vỡ để ngăn nước tràn vào. Các đội hộ đê được phái đi kiểm tra nhiều khu vực, hàng nghìn bao cát được chuẩn bị để đối phó sự cố vỡ đê.

Mưa lớn kéo dài gây lũ lụt tại 26 tỉnh chủ yếu ở phía nam Trung Quốc

Nguyễn Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét