Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2020

EU Trừng Phạt Trung Quốc Vì Luật An Ninh Hồng Kông


ảnh: Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc họp bên lề hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels vào ngày 18/7

EU TRỪNG PHẠT TRUNG QUỐC VÌ LUẬT AN NINH HỒNG KÔNG, HƯỚNG TỚI LẬP TRƯỜNG CỨNG RẮN CỦA HOA KỲ ĐỐI VỚI TRUNG QUỐC
Khánh An dịch

(VNTB) – Brussels hạn chế xuất khẩu thiết bị mà Bắc Kinh có thể sử dụng để đàn áp đồng thời đánh giá lại các thỏa thuận dẫn độ

BRUSSELS, Liên minh châu Âu đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc vì cách xử lý các vấn đề liên quan đến Hồng Kông vào thứ ba, EU có lập trường đối với Bắc Kinh gần giống với lập trường cứng rắn hơn của chính quyền Trump.
Các biện pháp trừng phạt bao gồm hạn chế xuất khẩu các thiết bị mà Trung Quốc có thể sử dụng để đàn áp và đánh giá lại các thỏa thuận dẫn độ sau khi Bắc Kinh áp dụng luật an ninh quốc gia hà khắc lên Hong Kong. Vương quốc Anh, rời EU hồi đầu năm nay, gần đây đã đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông.
Các chính phủ EU sẽ làm việc để cư dân Hồng Kông có thể xin chiếu khán và tị nạn dễ dàng hơn. EU cho biết họ có thể thực hiện các bước tiếp theo vào cuối năm nay.
Trung Quốc đã phản ứng giận dữ với các lệnh trừng phạt, phát ngôn viên của phái đoàn Trung Quốc tại EU nói rằng EU  nên ngừng can thiệp vào các vấn đề Hồng Kông và nội bộ Trung Quốc. Người dân Hồng Kông là những người biết rõ nhất liệu hệ thống “một quốc gia hai chế độ” hiện có hoạt động tốt hay không và “đại đa số” người dân Hong Kong ủng hộ bộ luật này, phát ngôn viên này nói.
“Trung Quốc kiên quyết chống lại các động thái sai trái này và đã có những phản ứng nghiêm túc với phía EU,” người phát ngôn này nói.
Các lệnh trừng phạt của Châu Âu diễn ra cùng ngày khi các quan chức EU và Trung Quốc tổ chức một vòng đàm phán về một thỏa thuận đầu tư đã được thảo luận từ lâu mà khối này hy vọng sẽ giúp các công ty của họ tiếp cận rộng rãi và công bằng hơn vào thị trường rộng lớn này. Các quan chức EU đã nói rằng thái độ miễn cưỡng của Bắc Kinh trong các lĩnh vực đó gây nguy hiểm cho mối quan hệ.
Một tuyên bố của Trung Quốc nói cuộc đàm phán thành công và đôi bên đã đạt được sự đồng thuận về thỏa thuận đầu tư và các chủ đề khác.
Phó chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis cho biết hai bên vẫn cần phải giải quyết các vấn đề gây rắc rối chẳng hạn như quy tắc có qua có lại trong cách đối xử với các công ty của chúng tôi.
EU năm ngoái đã xem Trung Quốc một đối thủ hệ thống và từ đó đã tăng việc sàng lọc các khoản đầu tư của Trung Quốc. Brussels đã cảnh báo Bắc Kinh rằng nếu không có thỏa thuận đầu tư, họ sẽ không ký kết với các hiệp định kinh tế mới.
Các doanh nghiệp châu Âu, đặc biệt là các công ty Đức, dựa vào thị trường Trung Quốc để đạt được mức lợi nhuận và tăng trưởng mong muốn. Do đó, một sự rạn nứt sâu sắc như tình trạng của mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc dường như không thể xảy ra. Các chính phủ châu Âu cũng khác nhau về tư thế đối với Trung Quốc và ngay cả văn phòng EU đặc trách việc chống thông tin giả từ nước ngoài cũng đã gặp nhiều khó khăn trong việc đưa ra một lập trường nhất quán đối với chính sách ngoại giao hung hăng của Trung Quốc.
Nhưng trong một dấu hiệu cho thấy thái độ của EU đối với Trung Quốc đang dịch chuyển gần hơn với quan điểm của Hoa Kỳ, Brussels và Washington gần đây đã bắt đầu các cuộc đàm phán về việc tạo ra một kênh xuyên Đại Tây Dương mới để phối hợp các lập trường đối với vấn đề Trung Quốc. Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell đã đề xuất diễn đàn này vào tháng trước và Ngoại trưởng Mike Pompeo đã nhanh chóng đồng ý.
Một khi chúng tôi tin tưởng rằng có sự hiểu biết chung về mối đe dọa do Đảng Cộng sản Trung Quốc gây ra, thì chúng ta có thể bắt đầu hành động, ông Pompeo nói sau khi tiếp nhận đề xuất của ông Borrell.
Một số quan chức châu Âu lo ngại EU có thể trở thành một công cụ để Hoa Kỳ đưa ra một lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, nhưng hầu hết đều tin rằng Hoa Kỳ và châu Âu chia sẻ mối quan tâm chung về Bắc Kinh, cho dù EU muốn theo đuổi một chính sách riêng để giải quyết các mối quan ngại của mình.
Các cuộc thảo luận về việc tạo ra diễn đàn được Brussels xem như một thử nghiệm về mức độ hợp tác xuyên Đại Tây Dương có thể có về vấn đề Trung Quốc, một phần vì chính quyền Trump đã nhiều lần chỉ trích châu Âu trong ba năm qua và áp thuế đối với các sản phẩm của EU. Người châu Âu nhận thấy sự thừa nhận của Hoa Kỳ rằng Brussels không luôn làm theo yêu cầu của Washington trong vấn đề Trung Quốc là rất quan trọng đối với thành công của diễn đàn.
Các công việc chuẩn bị cho diễn đàn mới đã bắt đầu một cách nghiêm túc vào tuần trước khi Phó Trợ lý Ngoại trưởng Philip Reeker, quan chức hàng đầu của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tại Châu Âu, đến Brussels để nói chuyện với các đối tác EU. Ông Pompeo cho biết ông muốn diễn đàn hoạt động trong tương lai gần.
Người châu Âu muốn tách các vấn đề thương mại với Trung Quốc vàcông nghệ như 5G ra khỏi các cuộc thảo luận xuyên Đại Tây Dương. Họ xem diễn đàn này là nơi cùng nhau phân tích các mối đe dọa do lập trường địa chính trị ngày càng hung hăng Trung Quốc gây ra và phối hợp việc đáp trả, hơn là một liên minh thực sự với một lập trường thống nhất, và cùng hành động.
Trước khi ông Trump nhậm chức vào năm 2017, Washington và Brussels thường xuyên thảo luận về các vấn đề như vậy, các quan chức của cả hai bên cho biết, vì vậy trong một số cách, kênh này sẽ phục hồi các liên lạc bị đình trệ.
Đã rất khó khăn EU mới đạt được sự thay đổi lập trường về Trung Quốc, điều này phản ánh cách tiếp cận đồng thuận khối 27 quốc gia và ảnh hưởng kinh tế quan trọng của nó đối với châu Âu. Các quan chức EU cho biết họ không muốn bị lôi kéo vào cuộc đối đầu toàn cầu đang gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh.
Virus Corona đã  Châu Âu thay đổi nhanh, bắt đầu vài tuần sau khi đại dịch xảy ra vào giữa tháng ba. Chính quyền Trump đã nhanh chóng tập trung đổ lỗi cho Trung Quốc về việc phát tán virus nhưng châu Âu đã không đồng ý với Hoa Kỳ. Trung Quốc quảng bá lập trường của họ rằng nhiều quan chức châu Âu bị các thông tin sai lệch về đại dịch khiến họ thay đổi lập trường.
Vào tháng Tư, bộ phận chính sách đối ngoại của Brussels đã soạn thảo một báo cáo về thông tin giả liên quan đến Trung Quốc. Theo một thông tin nội bộ của EU, Bắc Kinh đã gây sức ép để báo cáo được giảm nhẹ xuống sau khi bị rò rỉ một phần báo cáo.
Sự phản đối xảy ra sau khi có thông tin rằng có khả năng EU tự kiểm duyệt trước áp lực của Trung Quốc khiến Brussels thay đổi lập trường của mình theo hướng cứng rắn hơn. Tháng trước, khối này đã đưa ra một kế hoạch chống lại thông tin giả mà lần đầu tiên ghi rõ tên thủ phạm là Trung Quốc, đánh dấu một sự thay đổi đáng kể.
Vera Jourova, phó chủ tịch ủy ban châu Âu, cơ quan điều hành của khối này, nói rằng, nếu chúng ta có bằng chứng, chúng ta không nên né tránh việc nêu tên và làm cho thủ phạm xấu hổ.
Phái bộ Trung Quốc tại EU cho biết: Trung Quốc luôn phản đối việc tạo ra và phổ biến thông tin giả của các cá nhân hoặc tổ chức. Trung Quốc là nạn nhân của thông tin sai lệch.
Tranh chấp xung quanh báo cáo thông tin giả tháng 4 đã để lộ các quan điểm cạnh tranh nhau trong nội bộ Châu Âu về Trung Quốc. Một số người coi đó là mối đe dọa đối với dân chủ và cần chống đối kiên quyết.
“Chúng ta cứ đòi chơi cờ vua với họ trong khi họ đang đấu quyền anh,” ông Jakub Kalensky, người đã từng làm việc tại Ban Chống Tuyên Truyền của EU và hiện làm tại Phòng Thí Nghiệm Nghiên Cứu Điều Tra Kỹ Thuật Số của Ủy Ban Đại Tây Dương nói.
Những người khác ủng hộ một con đường ít đối đầu hơn nhấn mạnh đối thoại và thúc đẩy lợi ích kinh tế. Nhưng kể từ cuộc tranh chấp tháng Tư, ngay cả những người châu Âu ủng hộ sự cởi mở đã chấp nhận một đường lối cứng rắn hơn.
“Trung Quốc đã hành xử quá đáng. Sự hung hăng của Bắc Kinh đã giúp thuyết phục những người còn do dự,” một quan chức EUnói.
Trong khi nhiều quan chức châu Âu hy vọng vẫn có thể đu dây giữa Washington và Bắc Kinh, ngày càng có nhiều người cảnh báo rằng Trung Quốc, giống như Nga trước đó, đang tận dụng sự cởi mở của châu Âu để mua chuộc các nhà hoạch định chính sách nhằm thúc đẩy lợi ích của họ.
Monika Richter, một nhà phân tích trước đây của Lực lượng đặc nhiệm East Stratcom, người gần đây đã bỏ việc vì cuộc tranh cãi trong việc xử lý các báo cáo về thông tin giả do Trung Quốc phát tán. Chúng tôi gặp nhiều khó khăn khi tập trung quá mức vào việc cho Nga và Trung Quốc một phiên điều trần công bằng.
Khánh An dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét