GIỚI THIỆU
Xin hân hạnh giới thiệu đến quý Thầy, Cô, quý Đồng Môn và Thân Hữu
Cuốn tiểu luận của thầy Dương Anh Sơn chia sẻ dưới đây:
Chào Ban Biên Tập,
Như tôi từng đề cập, tôi sẽ lần lượt giới thiệu cuốn tiểu luận: ẢNH HƯỞNG ĐẠO PHẬT TRONG ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH đến các độc giả của NHHN. Tôi gửi đến BBT trước hết là PHẦN GIỚI THIỆU và "VÀI LỜI NHẬN ĐỊNH VÀ GIỚI THIỆU" của cố Giáo Sư TRẦN THÁI ĐỈNH. Xin cám ơn BBT.
Trân trọng,
NHHN
Cụ Tiên Điền đã khai bút bằng mấy câu:
“Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
Lạ gì bỉ sắc tư phong,
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”.
Còn cụ Đồ Chiểu lại mở đầu bằng những câu:
“Trước đèn xem chuyện Tây Minh,
Gẫm cười hai chữ ân tình éo le.
Hỡi ai lẳng lặng mà nghe,
Dữ răn việc trước lành dè thân sau.
Trai thời trung hiếu làm đầu,
Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình”.
Cả hai cụ cùng khai thác hai chữ. Cụ Tiên Điền khai thác hai chữ Tài Mệnh. Cụ Đồ Chiểu lại ngẫm nghĩ về hai chữ Nhân Tình. Liền sau hai câu tiêu đề, mỗi cụ lại cho thấy ý hướng và cách khai thác đề tài. Cụ Tiên Điền muốn gửi vào Truyện Kiều cuộc “bể dâu” mà cụ đã trải qua cùng với “những điều đau đớn” mà cụ đã trông thấy trong cuộc đời của mình. Trong khi đó, cụ Đồ Chiểu, với tâm trạng một nhà giáo, đã muốn nhắn nhủ mọi người “hãy lẳng lặng mà nghe” những điều lành dữ và quả báo của chúng. Và trước khi bước vào nội dung hai cuốn truyện, một sự khác biệt lớn lao đã đập vào mắt người đọc: đó là lối hành văn của hai cụ. Cụ Đồ Chiểu đã sử dụng một lối văn bình dân, vừa dễ đọc, vừa mang nhiều nét của ngôn ngữ địa phương dân dã, như “Qua xem trứng bậu ngây thơ đã đành” (câu 120), “Ta đây nào phải các thầy, Bá vơ bá vất nói nhây không nhằm” (c. 715-716), và “Ca ca sao không nhận đi, Về cho tẩu tẩu để khi xách giầy” (c.2053-2054). Trái lại, lời văn của cụ Nguyễn Du trong Truyện Kiều đầy rẫy những điển cố và những thuật ngữ chữ Hán, một người không có chút vốn Hán học sẽ không hiểu được. Ngay nơi mấy vần thơ đầu của Truyện Kiều, người ta đã gặp câu “Lạ gì bỉ sắc tư phong”, rồi trong suốt Truyện Kiều, người ta luôn gặp những thuật ngữ như “giải cấu”, “trần cấu”, “bố kinh”,…, những người không có chút Hán học sẽ khó mà hiểu được tường tận.
Bây giờ xét về nội dung, chúng ta sẽ dễ thấy thứ triết lý hướng dẫn tư tưởng của cụ Đồ Chiểu. Đó là thứ triết lý bình dân: ở hiền gặp lành. Hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhân. Cho nên cụ Đồ viết: “Gẫm cười hai chữ nhân tình éo le”. Tất cả cuốn Lục Vân Tiên là một chuỗi những chuyện đời hết sức éo le, nhưng vẫn kết thúc một cách may mắn và an lành. Rõ nhất là cuộc đời hai nhân vật chính: Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga. Lục Vân Tiên chí trung chí hiếu, tài đức hơn người, vậy mà lại gặp trăm ngàn gian truân khổ ải: sắp bước vào phòng thi thì được tin mẹ chết, khóc lóc thương mẹ quá thành ra mù, rồi lại bị bạn phản đẩy xuống sông cho chết, được trời cứu sống lại thì lại bị “ông sui gia” thuê người cõng bỏ vào hang cọp… Nhưng trời đã ra tay cứu người hiền lương qua khỏi mọi cơn gian nan. Lục Vân Tiên đã được trời chữa khỏi mù, đi thi đậu trạng nguyên, làm quan đại thần. Kiều Nguyệt Nga cũng gặp trăm ngàn nguy khốn, bị người ta ghen ghét “bắt đem cống Hồ” (cống sang Tàu): cô đã gieo mình xuống sông tự vẫn, để giữ tròn trinh tiết, được trời cứu sống, và sau đó được đoàn tụ với Lục Vân Tiên trong hạnh phúc vinh quang.v.v…
Trong khi cuốn Lục Vân Tiên với 2076 câu thơ mà có tới 6 hồi phân minh, với sinh hoạt đa dạng của cả một xã hội, với nhiều cảnh đời éo le, nhiều loại người khác nhau và đủ chuyện đời khác nhau, thì cuốn Kiều, với 3254 câu thơ, dài gấp rưỡi, lại chỉ cho thấy một nhân vật chính là cô Kiều trên sân khấu, với những cảnh tang thương não nề. Cho nên có người đã nói: tất cả Truyện Kiều chỉ là một tiếng than dài, một tiếng than não nùng và thảm thiết, thương thay cho thân phận cô Kiều và những con người tài hoa mà gian nan suốt cuộc đời…
Chính vì cuốn Truyện Kiều chỉ là một tiếng than dài như thế, cho nên việc tìm hiểu “ảnh hưởng tư tưởng đạo Phật trong Đoạn Trường Tân Thanh” là chuyện khó.
* * * * *
Tác giả tập khảo luận này đã thực hiện công việc nghiên cứu của mình như thế nào?
Trước khi đi vào nội dung tập khảo luận, để xem tác giả giải quyết vấn đề tư tưởng đạo Phật trong Truyện Kiều ra sao, người ta thấy tác giả có 3 điều tốt, khiến người đọc có thể tin vào khả năng nghiên cứu của tác giả.
a. Trước hết, tác giả đã thận trọng tìm hiểu lập trường và những ý kiến của các tác giả tiền bối về vấn đề này. Đó là cách làm cần phải có của những ai muốn thực hiện một khảo luận, dù là một tiểu luận cao học, hay một luận án tiến sĩ. Công việc này, tác giả đã hoàn thành một cách khá tốt, đã trình bày các ý kiến khác nhau của các bậc thầy, và đã biết cách đối đáp một cách lễ độ, nhưng vững vàng.
b. Thứ đến, tác giả đã để nhiều công phu tìm hiểu tư tưởng Phật giáo của cụ Tiên Điền nơi cuộc đời đầy thăng trầm của cụ trong một xã hội đầy tang thương mà cụ đã trải qua: những năm loạn lạc liên miên của thời kỳ Lê mạt, rồi chiến tranh thời Tây Sơn và những năm khởi đầu nhà Nguyễn. Một xã hội chìm đắm trong bất an và đau thương. Chính đại gia đình cụ Tiên Điền cũng tan nát trong những năm loạn ly đó.
Để tìm một lẽ sống, và cụ thể là tìm cho mình một sự giải thoát tâm hồn, cụ đã tâm niệm và tin tưởng đọc các kinh Phật, nhất là kinh Kim Cương. Nhờ kiên trì tụng niệm và suy tư lời Phật dạy, cụ đã đạt tới một thứ giác ngộ:
Ngã độc Kim Cương thiên biến linh 我讀金剛千遍零
Kỳ trung áo chỉ đa bất minh. 其中奧旨多不明
Cập đáo phân kinh thạch đài hạ, 及到分經石臺下
Tài tri vô tự thị chân kinh. 纔知無字是眞經
Tôi đọc kinh Kim Cương cả hơn ngàn lần. Trong đó nhiều điều sâu xa tôi không hiểu. Gặp lúc tới dưới Phân Kinh Thạch Đài, sau cùng tôi mới hiểu kinh không chữ mới là chân kinh).
Và một bài thơ chữ Hán nữa cho thấy cụ thường tâm niệm và nhập định, không bao giờ rời xa thiền:
Mãn cảnh giai không, hà hữu tướng? 滿境皆空何有相
Thử tâm thường định, bất ly thiền. 此心常定不離禪
(Toàn thể cảnh giới đều là không, làm gì có sắc tướng? Lòng này thường xuyên nhập định, không bao giờ xa thiền).
Như thế tác giả cho thấy cụ Tiên Điền đã sống tư tưởng Phật giáo một cách rất sâu xa. Thường người ta chỉ biết cụ là một Nho gia uyên bác và thâm thúy, nay với sự trình bày của tác giả, người ta thấy đồng thời cụ là một tín đồ Phật giáo thuần thành trọn vẹn.
Tư tưởng thấm nhuần Phật giáo của cụ còn được biểu lộ rõ ràng trong bài văn tế “Thập loại chúng sinh” của cụ. Ngay nhan đề này đã là ngôn ngữ nhà Phật, còn nội dung thì “tuy mỗi người một nghiệp khác nhau, nhưng đều bị chi phối bởi những tang thương, những đổi thay và trắc trở, để rồi nhận lấy cái chết thảm thương, oan hồn không siêu thoát được” (tr.81).
Cho nên cụ than rằng:
“Thương thay thập loại chúng sinh,
Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người.
Hương lửa đã không nơi nương tựa,
Hồn mồ côi lần lữa bấy niên.
Còn chi ai khá ai hèn,
Còn chi mà nói kẻ hiền người ngu”.
Trong cảnh đau thương đó, con người chỉ còn biết chạy đến kêu cầu Đức Phật từ bi:
"Tiết đầu thu lập đàn giải thoát,
Nước tĩnh đàn sái hạt dương chi.
Cậy nhờ Đức Phật từ bi,
Giải oan cứu khổ độ về Tây phương”.
Và tác giả cho ta thấy nơi bài văn tế “Thập loại chúng sinh” có những vần thơ giống với nội dung Truyện Kiều sau này, đó là thuyết hồng nhan bạc mệnh:
“Có những kẻ lỡ làng một kiếp,
Liều tuổi xuân buôn nguyệt bán hoa.
Ngẩn ngơ khi trở về già,
Ai chồng con đó biết là cậy ai.
Sống đã chịu một đời phiền não
Thác lại nhờ hớp cháo lá đa.
Đau đớn thay phận đàn bà,
Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu?”
Chúng ta ai lại không biết những câu Kiều sau đây, những vần thơ vang vọng lại những lời than thở trên đây của bài “Thập loại chúng sinh”?
“Đau đớn thay phận đàn bà,
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.
Phũ phàng chi bấy hóa công,
Ngày xanh mòn mỏi má hồng phôi pha.
Sống làm vợ khắp người ta.
Hại thay thác xuống làm ma không chồng”.
Nhưng có một sự khác biệt lớn lao giữa “Thập loại chúng sinh” và Truyện Kiều, đó là trong Truyện Kiều người ta gặp thấy những quan niệm Phật giáo như: nghiệp, kiếp, luân hồi, v.v…, nhưng không thấy những lời cầu khấn Đức Phật, hoặc những lời biểu lộ cái tâm Phật của cụ như trong bài văn tế mà ta đã thấy trên kia và như những câu sau đây:
“Kiếp phù sinh như hình như ảnh,
Có chữ rằng: “Vạn cảnh giai không”.
Ai ơi lấy Phật làm lòng,
Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi”.
Bởi vậy, việc tìm hiểu ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo trong Truyện Kiều là chuyện khó. Tác giả đã có công nghiên cứu cuộc đời thầm nhuần Phật giáo của cụ Tiên Điền, cũng như những vần thơ mang nặng tính Phật giáo của bài văn tế"Thập Loại Chúng Sinh" .Như vậy sẽ giúp nhiều cho tác giả trong việc tìm hiểu tư tưởng Phật giáo trong Truyện Kiều.
c. Điểm tốt thứ ba của tác giả và đó là một điểm son: tác giả đã khai thác và gần đây đã cho ấn hành (lưu hành nội bộ) cuốn “Nguyễn Du, Thơ chữ Hán”, gồm 260 bài, 299 trang. Tiện đây tôi xin nói ngay, tôi quí mến và cảm phục khả năng và lòng say mê của tác giả đã chuyển lục bát nhiều thơ chữ Hán của các thi hào Trung Quốc như: “Thơ Lý Bạch” (102 bài); “Thơ Đỗ Phủ” (153 bài); “Thơ Bạch Cư Dị” (84 bài); “Thơ Vương Duy” (148 bài); Thơ Lý Thương Ẩn” (48 bài) và 104 bài thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi: “Ức Trai thi tập”. Điều này cho thấy tác giả có một khả năng để đi tìm hiểu về một tác phẩm như Đoạn Trường Tân Thanh hay cách thường gọi là Truyện Kiều.
Trở lại việc tác giả đã dày công tìm hiểu và khai thác tư tưởng Phật giáo của cụ Tiên Điền nơi các bài thơ chữ Hán của cụ, chúng ta có thể thấy nếu không đọc qua những vần thơ đó, làm sao biết được cụ đã đọc kinh Kim Cương cả hơn ngàn lần? Làm sao biết được tâm trí cụ thường nhập định và không bao giờ rời xa thiền?
Ngoài bài “Lương Chiêu Minh thái tử Phân kinh thạch đài” (Bắc Hành Tạp Lục), trong đó có câu “Ngã độc Kim Cương thiên biến linh”, và bài “Đề Nhị thanh động”(Thanh Hiên Tiền Hậu Tập) trong đó có hai câu “Mãn cảnh giai không, hà hữu tướng? Thử tâm thường định bất ly thiền”, tác giả còn cho chúng ta thấy tâm thiền của cụ Tiên Điền nơi nhiều bài thơ chữ Hán.
Chẳng hạn cụ đã kết bài “Mộ xuân cảm hứng” bằng hai câu chứng tỏ tâm hồn thoát bụi trần của cụ:
Phù lợi vinh danh chung nhất tán, 浮利榮名终一散
Hà như cập tảo học thần tiên! 何如及早學神仙
(Danh lợi phù vân rốt cục cũng tan hết, chi bằng sớm lo học đạo thần tiên!)
Rồi những thao thức của cụ, ước mong sống cuộc đời ẩn sĩ, cư sĩ:
Hà năng lạc phát qui lâm khứ,
何能落髮歸林去
Ngọa thính tùng phong hưởng bán vân! 臥聼松風響半雲
(Làm sao có thể xuống tóc vào rừng ở. Nằm nghe gió thông reo lưng chừng mây!)
Hơn nữa, cụ còn mơ ước giữ được tâm hồn thanh tao, không vướng bụi trần để có thể tiêu diêu cõi thái sơ:
Vị hữu văn chương sinh nghiệt chướng, 未有文章生孽障
Bất dung trần cấu tạp thanh hư.
不容塵垢雜清虚
Tam lan song hạ ngâm thanh tuyệt,
三蘭窗下吟聲絕
Điểm điểm tinh thần du thái sơ. 點點精神遊太初
(Không có chuyện văn chương sinh nghiệp chướng,
Không để bụi trần lẫn vào cõi thanh hư,
Dưới cửa sổ tam lan tiếng ngâm im bặt,
Dần dần tâm hồn tiêu dao cõi thái sơ)
Đẹp nhất là bài thợ “Đạo ý”: cụ mô tả cái tâm thiền của mình giống như mặt nước giếng, sáng trưng dưới ánh trăng:
Minh nguyệt chiếu cổ
tỉnh, 明月照古井
Tinh thủy vô ba đào,
井水無波濤
Bất bị nhân khiên xả,
不被人牽扯
Thử tâm chung bất dao.
此心终不摇
Túng bị nhân khiên xả,
縱被人牽扯
Nhất dao hoàn phục chỉ,
一摇還復止
Trạm trạm nhất phiến
tâm,
湛湛一片心
Minh nguyệt cổ tỉnh thủy. 明月古井水
(Trăng sáng chiếu giếng xưa,
Nước giếng không có sóng,
Không bị ai khuấy động,
Lòng này không dao động.
Dầu có bị ai khuấy động.
Động một chút rồi lại phục hồi an định,
Lòng này trong suốt một làn,
Trăng sáng và nước giếng xưa).
Càng đọc thêm những bài thơ chữ Hán của cụ Tiên Điền, người ta càng thấy cụ đã sống với giáo lý của Đức Phật, và những tư tưởng Phật giáo đã thường xuyên hiện lộ nơi bài văn của cụ.
Như vậy, nhờ những nghiên cứu về cuộc sống luôn tụng kinh Phật của cụ, và qua những bài thơ chữ Hán của cụ, tác giả đã trình bày cho chúng ta thấy một cụ Nguyễn Du, nho học uyên bác, nhưng lại có một cuộc đời thấm nhuần tư tưởng Phật giáo. Thoạt tiên người ta thấy khó hiểu tại sao thơ văn chữ Hán của cụ không phản ảnh những lời dạy của Đức Khổng, mà lại thấm nhuần giáo lý của Đức Phật? Phải chăng tam cương ngũ thường của Nho giáo chỉ để áp dụng cho những cuộc đời bình ổn, những xã hội thịnh trị, còn đối với những mảnh đời tang thương, những xã hội tan nát vì loạn ly và nghèo khổ, như xã hội cụ Tiên Điền đã sống, con người cảm thấy cần phải chạy đến nương bóng từ bi của Đức Phật, để tìm thấy sự độ trì và con đường giải thoát?
* * * * *
Bây giờ chúng ta đi vào nội dung của khảo luận, xem tác giả giải quyết vấn đề “ảnh hưởng tư tưởng đạo Phật trong Đoạn Trường Tân Thanh” ra làm sao.
Tôi thấy tác giả đặt vấn đề một cách đúng khi mở đầu bằng câu: “Mở đầu cuốn Đoạn Trường Tân Thanh, tiên sinh đã đưa ra hai lý thuyết của đạo Nho và đạo Phật:
Trăm năm trăm cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
Hai câu thơ trên đề cập đến một thuyết mà người Á Đông và đặc biệt người Trung Hoa tin tưởng là thuyết “Thiên mệnh”. Và hai câu thơ kế tiếp đề cập đến nguyên lý căn bản của đạo Phật là nguyên lý “vô thường” (tr.111).
Xin nói ngay: đặt vấn đề như thế là đúng, vì tất cả Truyện Kiều chỉ là để khai thác chủ đề: “Chữ Tài chữ Mệnh khéo là ghét nhau”. Cô Kiều tài sắc hơn người thì càng gặp nhiều nỗi gian truân cay đắng. Đó là thuyết “Hồng nhan bạc mệnh”. Nhưng tôi thấy tác giả đã nói quá khi khẳng định đó là “thuyết thiên mệnh” của đạo Nho và “Nguyên lý vô thường” của đạo Phật. Rất may là ở trang liền sau đó, tác giả đã xác minh “đây chỉ là niềm tin của người bình dân Trung Hoa: Trời già thường ghen ghét những kẻ tài ba” và nếu tìm hiểu kỹ càng…, ta thấy ý niệm Trời rất mơ hồ và bao quát (tr.113-114).
Thật vậy, nếu hiểu chữ Mệnh của câu Kiều kia là “thiên mệnh”, tức thuyết định mệnh, thì sẽ rất khó giải quyết vấn đề đoạn trường của cô Kiều. Hơn nữa hai câu “Trải qua một cuộc bể dâu, Những điều trông thấy mà đau đớn lòng” không có ý nói lên tính “vô thường” của cuộc đời, cho bằng nói lên sự “tang thương” và “đoạn trường” của cuộc đời cô Kiều. Cho nên hai câu này chỉ nhằm nói lên những đau thương do tài mệnh đố kỵ nhau, và như vậy đã làm nên chiếc cầu dẫn xuống hai câu sau: “Lạ gì bỉ sắc tư phong, Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”. Chung qui, “tài mệnh tương đố” không phải là một thuyết của Nho giáo, mà chỉ là một “niềm tin bình dân”, rất bình dân. Không lẽ đạo Nho là đạo kính Thiên mà lại có những tư tưởng và những lời nhục mạ ông Trời như trong Truyện Kiều. Ngay nơi mấy câu đầu tiên, ta thấy Ông Trời gì mà đồi bại thế? Đi đánh ghen với bọn đàn bà có nhan sắc? Rồi ông Trời còn tỏ ra độc ác, lấy việc hành hạ người phụ nữ tài sắc làm điều vui!
“Trời làm chi cực bấy trời?” (câu 659)
“Trăng già độc địa làm sao!” (câu 687)
“Nỗi gan riêng giận trời già” (câu 1069)
“Hóa nhi thật có nỗi lòng!” (câu 1129)
Còn nhiều câu như thế trong Truyện Kiều, cho nên chắc chắn đây không phải quan niệm chính thống về chữ Mệnh trong sách Đại Học mà chỉ là quan niệm rất bình dân của người Trung Hoa.. Bởi vậy tác giả đã vội xác minh lại rằng: “Ý nghĩa thiên mệnh nơi Truyện Kiều qua ngòi bút của Tố Như cần được nhìn một cách khác hơn, chứ không hoàn toàn thuần túy như quan niệm đạo Nho” (tr.116).
Sau khi nhận định chữ Mệnh đây không có nghĩa khắt khe của hai chữ thiên mệnh, nhưng đã chuyển sang một nội dung uyển chuyển hơn như trong các thuật ngữ: bạc mệnh, số mệnh, vận mệnh, mệnh chung, mệnh một,… Nghĩa là nó đã được chuyển sang số mệnh của mỗi người. Đó là cái “tính” trời phú cho mỗi người. Và tác giả vẫn có quyền nhắc tới câu “Thiên mệnh chi vị tính” của sách Đại Học.
Phải công nhận đây là một sự chuyển hướng khá tài tình: vẫn là thiên mệnh, nhưng nó đã hình thành nơi số mệnh của con người và như vậy nó cho ta thấy hướng giải quyết vấn đề. Nghĩa là có trời mà cũng có ta. Địa vị và vai trò của con người trong vũ trụ này không có con người thì còn có nghĩa gì nữa! Cho nên tôi nhớ khi dạy chữ Hán chúng tôi tại Tiểu chủng viện Ninh Cường những năm 1936 – 1940, cụ đồ Thư thường hay nhắc và viết lên bảng câu “Thiên, Địa, Nhân, vị chi tam tài”. Phần cụ Tiên Điền, cụ không quên nhắc bảo ta rằng:
"Sư rằng: Phúc họa đạo Trời,
Cỗi nguồn cũng ở lòng người mà ra
Có trời mà cũng có ta” (2655-2657)
Bởi vậy khi giải quyết vấn đề tương quan giữa thiên mệnh và số mệnh, giữa “tính trời và tính người, tác giả đã viết: “Đau khổ, đoạn trường hay sung sướng, phong trần hoặc thanh cao đều có bàn tay của trời già bày vẽ. Nhưng nếu dừng lại ở đó, và chấp nhận một thứ định mệnh, hóa ra đời người cùng với thân phận của nó đều do mệnh trời sắp xếp. Và nếu chấm dứt ở đó, buông trôi cho định mệnh do hóa như an bài, hóa ra mọi nỗ lực của con người để chiến thắng số mệnh và vượt lên trên số kiếp oái oăm đều là vô ích hay sao? Đây là vấn đề đã được Nguyễn Du giải quyết trong Truyện Kiều. Việc giải quyết này không chỉ một quan niệm Nho giáo là đủ, tiên sinh đã đem vào đó triết lý đạo Phật, mới có được câu trả lời hợp lý hợp tình hơn” (tr.115).
Rồi tác giả đã khéo triển khai chữ tính (vẫn theo hướng “thiên mệnh chi vị tính”). Sau khi nhắc tới câu “Thông minh vốn sẵn tính trời” (c.29), cô Kiều được trời ban cho trí thông minh hơn người, tác giả viết: “Mỗi người sinh ra đều có một số phận, một thân phận khác nhau, có khi đau khổ, có lúc sung sướng, đều do “tính trời mà ra”. Thêm vào đó tự tánh của mỗi người không hoàn toàn do bẩm sinh, hoặc do bản chất tự nhiên. Cũng có thể cái “tính” đã thay đổi do tập thành, nhưng vốn sẵn có một mầm mống do trời ban. Thành thử nàng Kiều trong Đoạn Trường Tân Thanh đã ý thức điều đó khi nói với Kim Trọng: “Rằng quen mất nết đi rồi, Tẻ vui thôi cũng tính trời biết sao!” (tr.116).
Rất tiếc tác giả đã không đi sâu thêm vào việc khai thác hết ý nghĩa của hai chữ “tính” và chữ “nết”. Tác giả đã nói rất đúng khi khẳng định: “Cái tính có thể đã thay đổi do tập thành”. Hồi còn nhỏ, chưa đi học chữ quốc ngữ, và cũng chưa học chữ Hán, tôi thường nghe bọn trẻ con trong làng nghêu ngao “Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Và bởi vì hồi đó,những năm cuối 1920, người ta đã bắt đầu “Tây học” và khinh thường chữ Hán, cho nên người ta thường chế nhạo bọn trẻ học chữ Hán: “Nhân chi sơ là sờ vú mẹ” và “tính bản thiện là biện cơm em”. Không mấy ai biết hai câu tiếp theo của bài học khai tâm chữ Hán hồi đó. Hai câu đó là “Nhân chi sơ, tính bản thiện, Tính tương cận, tập tương viễn”.
Đó! Tính tương cận mà tập thì tương viễn. Tâm lý học Tây phương phân biệt rõ ràng tính khí (tempérament) và tính nết (caractère). Tính khí là bản tính trời phú cho mỗi người, còn tính nết là do tập thành mà có. Và chúng ta biết tập quán là một “bản tính thứ hai” (second nature). Khi nghe Kim Trọng trách yêu: “So chi những bậc tiêu tao, Dột lòng mình cũng nao nao lòng người!”, cô Kiều chữa mình “Rằng quen mất nết đi rồi, tẻ vui thôi cũng tính trời biết sao!”. Và cô hứa: “Lời vàng vâng lĩnh ý cao, Họa dần dần bớt chút nào được không”.
Dần dần có bớt chút nào được chăng? Khó lắm, vì cái nết là bản tính thứ hai của con người ta, nó thay cho cái tính trời cho và là cái tính chi phối con người hiện nay. Tục ngữ ta có câu: “Cái nết đánh chết không chừa”. Cho nên trong cuộc đời bọt nổi hoa trôi của mình, nhiều lần tiếng đàn “đoạn trường” của cô Kiều đã làm nghiêng ngả nhiều đấng anh hùng. Chẳng hạn Tổng đốc Hồ Tôn Hiến, người đã chiến thắng và giết Từ Hải, đã đê mê nghiêng ngả vì tiếng đàn của cô Kiều (xem các câu 1267-2580). Cho nên khi tái hợp với Kim Trọng và được chàng hỏi về “ngón đàn ngày xưa”, nàng đã không còn đổ thừa cho cái “tính trời” như hồi mới gặp nhau. Trái lại, nàng đã thành thật thú nhận:
Nàng rằng: Vì mấy đường tơ,
Làm người cho đến bây giờ mới thôi.
Ăn năn thì sự đã rồi”… (c.3193-3195)
Và sau khi nể lời chàng yêu cầu, nàng
chơi vài bản đàn, rồi vội vàng nói tiếp:
“Nàng rằng vì chút nghề chơi,
Đoạn trường tiếng ấy hại người bấy lâu.
Một phen tri kỷ cùng nhau,
Cuốn dây từ đấy về sau cũng chừa”. (Các câu 3211-3214)
Đau đớn thay và thấm thía thay câu nói trên đây của cô Kiều “Đoạn trường tiếng ấy hại người bấy lâu”. Ai ngờ “vì chút nghề chơi” mà tiếng đàn sầu thương lại gây bao đau thương và đổ vỡ cho cuộc đời cô nàng đến thế.
Bây giờ sau khi đã trình bày cho thấy chữ tính và chữ mệnh gắn liền với nhau thế nào, tác giả có thể dẫn chúng ta vào trung tâm của vấn đề đoạn trường của cô Kiều. Tác giả viết: “Trước hết, nhìn từ nhãn quan Nho giáo thì số mệnh, tức là thân phận nàng Kiều là do trời xanh định đoạt, bên cạnh bản tính cố hữu của chính nàng. Một cách tương hợp, thay vì qui kết số phận của Thúy Kiều hoàn toàn do thiên mệnh, Nguyễn Du đã đưa vào đó những nguyên lý về Nghiệp và Luân hồi, trong đó có luật nhân quả” (tr.126).
Độc giả đôi khi cảm thấy mệt vì những so sánh giữa tư tưởng Nho giáo và tư tưởng Phật giáo. Nhưng phải công nhận đó là một việc làm cần thiết, và tác giả đã làm một cách thỏa đáng. Cần phải làm, vì nên nhớ gốc Truyện Kiều của Nguyễn Du là một truyện Tàu của Thanh Tâm Tài Nhân, nặng về Nho giáo. “Sự khác biệt quan trọng cần phải được lưu ý, chính là tư tưởng Phật giáo mà Nguyễn Du tiên sinh đã đem lồng vào, để tạo nên một sắc thái mới cho “Đoạn Trường Tân Thanh” (tr.92). Ở đây tác giả đã khéo nhận ra sự tương hợp của cặp Tài Mệnh của đạo Nho, và cặp Thân Nghiệp của đạo Phật. Và bởi vì nơi đạo Nho cũng như nơi đạo Phật, chính cái Tâm, tức tâm thành và tâm đạo là cái cải được mệnh trời, cải được thân nghiệp, cho nên tác giả vẽ nên hai sơ đồ:
Tài → Mệnh → Tâm
và
Thân → Nghiệp → Tâm
Và tác giả viết: “Chữ Thân ở đây mang một ý nghĩa sâu rộng hơn chữ Tài”. Đúng thế, chữ Tài chỉ nói lên tài trí của một con người, còn chữ Thân là thân phận, thân nghiệp, là tất cả cuộc đời của một người. Và tác giả viết tiếp: “Nhiều cô gái khi bước vào lầu xanh, đã chấp nhận “cũng liều nhắm mắt đưa chân”, còn Thúy Kiều, nàng đã dám nhìn thẳng vào số kiếp của mình, để “xem con tạo xoay vần đến đâu” (tr.128).
Rồi trong lúc tủi nhục, xót xa, cô Kiều đã hơn người ở chỗ biết suy nghĩ về thân phận của mình:
"Nghĩ thân mà lại ngậm ngùi cho thân” (c.1190)
Và
“Kiếp xưa đã vụng
đường tu,
Kiếp này chẳng
kẻo đền bù mới xuôi.
Dẫu sao bình đã
vỡ rồi,
Lấy thân mà trả nợ đời cho xong”. (c.1195-1198)
Đây chính là cái nút của Truyện Kiều và cũng là chỗ gỡ nút, kết thúc câu truyện, tác giả viết: “Đã có tài ắt phải có mệnh, và nói một cách rộng rãi hơn, đã có Thân ắt phải có Nghiệp. Nghiệp với Thân gắn liền với nhau một cách chặt chẽ theo định luật nhân quả… Giá trị của Đoạn Trường Tân Thanh chính là ở điểm này: nàng Kiều đã biết nhận thức rõ ràng và thân phận con người của mình, đã nhận ra thân nghiệp của mình, đã tỉnh thức trước số mệnh của mình”. Sau đó vài trang, tác giả đã có nhận định rất sâu sắc: “Không những Nghiệp gói tròn lấy ta, hơn nữa còn có thể nói chính ta là Nghiệp, Nghiệp tức là ta. Chính Nghiệp thức ấy là một đặc ân cho con người. Đặc ân ấy bao gồm sự tự do và con người có thể thoát nghiệp”.
Đúng thế, chính ta là Nghiệp. Với khẳng định mạnh mẽ này, tác giả đã nói lên tư tưởng nòng cốt của Phật giáo về thân nghiệp và giải thoát. Con người tạo nên Nghiệp ở mỗi kiếp, và cái Nghiệp này quyết định cho cái Thân ở kiếp sau. Hơn nữa, có thể nói mỗi ngày tháng mình đang sống, con người đang tạo nghiệp cho đời mình và đang tạo cái thân cho kiếp sau. Chính đó là lý do để tác giả khẳng định: con người có thể thoát nghiệp.
Thoát bằng cách nào? Bằng cách tạo một nghiệp mới sao cho cân bằng tội phúc với nghiệp cũ là cái nghiệp mình đang mang nặng. Muốn thế con người phải có cơ duyên, và cơ duyên đó là đau khổ và hoạn nạn trên đường đời. Hoạn nạn bắt ta phải hồi tâm, phải tu tỉnh để hối cải. Cho nên tác giả đã có lý khi viết: “Có hoạn nạn, có khổ đau, tâm thức con người mới mở ra để khai sáng cõi lòng mình, nghĩa là chứng đắc, tỏ ngộ được cái Tâm của lòng mình” (tr.133).
Chúng ta vừa thấy được chữ Tâm như nhìn thấy tất cả một luồng ánh sáng chiếu về vấn đề đoạn trường của cô Kiều. Và chúng ta tưởng như nghe thấy vang lên lời nói của cụ Tiên Điền: “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”.
"Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”. Chính chữ Tâm là lời giải đáp cuối cùng cho câu chuyện đoạn trường của cô Kiều. Trong suốt cuốn Truyện Kiều, người ta không thấy cụ Tiên Điền đưa ra những suy nghĩ và những ý kiến về cuộc đời của cô Kiều. Có vài lần cụ nhắc tới cô Kiều lập am, đi tu (xem các câu 1929-1934), nhưng cụ đã không đưa ra những tư tưởng Phật giáo về thân nghiệp và giải thoát, tuy cụ có dùng miệng sư Tam Hợp để tính sổ cội phúc của cô Kiều, và cho thấy cô Kiều “Túc khiên đã rửa lâng lâng sạch rồi” (c.2688).
Đúng thế, chỉ nơi 12 câu thơ cuối cùng của Truyện Kiều, cụ Nguyễn Du mới đưa ra giải đáp và trình bày đầy đủ tư tưởng của cụ về vấn đề mà chữ Tài và chữ Mệnh đặt ra. Sau khi viết: “Ngẫm hay muôn sự tại trời…” cụ khẳng định lại “chữ Tài chữ Mệnh dồi dào cả hai”. Đồng thời cụ cho thấy “Chữ Tài liền với chữ Tai một vần”. Sau đó cụ dẫn chúng ta vào hai tư tưởng nòng cốt của Phật giáo: “Đã mang lấy nghiệp vào thân, Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa”, bởi vì “Thiện căn ở tại lòng ta, Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”.
Tài không hóa giải được Mệnh mà nhiều khi còn gây thêm một tai ương cho cuộc đời, bởi vì “Chữ Tài liền với chữ Tai một vần”. Cho nên chỉ có một cách hiểu cho đúng và giữ cho vẹn hai chữ Thân Nghiệp: Nghiệp là hành vi của ta, là cuộc đời của ta cùng với tất cả cội phúc mà ta đã tạo nên. Cho nên:
“Đã mang lấy nghiệp vào thân,
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.
Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”.
Thay vì trách trời, hãy than thân trách phận, hãy trách mình và sám hối. Cho nên tác giả ghi nhận ý nghĩa chữ Tâm của cụ Tiên Điền như sau: “Nói “Thiên mệnh”(Nho giáo) hay “Nghiệp lực” (Đạo Phật) đã chi phối cuộc đời của cô Kiều cũng chỉ là cách nói của mỗi tôn giáo, còn thực tại vẫn là thực tại. Và thực tại đó chính là nỗi đoạn trường mà nàng Kiều đã trải qua. Chỉ khi nào cái tâm của cô Kiều đã giác ngộ, sau khi đã sống tận cùng mọi đau khổ của thân phận con người, thì nó mới hòa giải được với các mối tương tranh tài mệnh” (tr.141).
Với câu nói trên, tác giả muốn nhắc tới “khổ đế” trong Tứ Diệu Đế của Phật giáo. Trong khảo luận của mình, đôi khi tác giả có nhắc qua Tứ Diệu Đế, và nơi mấy trang cuối (hai trang 244-245), tác giả như muốn chứng nghiệm Tứ Thánh Đế là con đường giải thoát đoạn trường cho cô Kiều. “Nếu quá trình giải thoát của Phật giáo bắt đầu từ nhận thức về Khổ đế, thì nàng Kiều đã bắt đầu ý thức về sự khổ, sự vô thường của kiếp người” (tr.215). Trước đó, tác giả đã khẳng định rằng: “Cuộc đời Thúy Kiều là một chứng minh và thử thách trước bổn nghiệp. Kẻ nào không chứng nghiệm, không trải qua đau khổ sẽ không bao giờ thoát được chính sự khổ” (tr.132). Đúng như lời sư Tam Hợp đã nói về cuộc đời đau khổ của cô Kiều:
“Làm cho sống đọa thác đầy,
Đoạn trường cho hết kiếp này mới thôi”. (c.2675-2676)
Nhưng với Khổ đế, cô Kiều đã đạt được Tập Thánh Đế, khi nhận ra tẻ vui, thiện ác cũng tại lòng mình:
"Tẻ vui bởi tại lòng này”
Và
“Thiện căn ở tại lòng ta”
Nhờ biết suy nghĩ về thân phận và thân nghiệp của mình, cô Kiều đã đạt tới Diệt Thánh Đế, đã diệt được mọi dục vọng:
“Sự đời đã tắt lửa lòng,
Còn chen vào chốn bụi hồng làm chi.
Dở dang nào có hay gì,
Đã tu, tu trót qua thì, thì thôi” (c.3045-3048)
Như vậy, nhờ sám hối, “sự đời đã tắt lửa lòng”, nhờ đã biết diệt dục, và nhờ công đức trong cuộc đời của mình, cô Kiều đã cởi được nghiệp, đã thoát được đoạn trường, như lời sư Tam Hợp đã nói với ni cô Giác Duyên:
"Xét trong tội nghiệp Thúy Kiều,
Mắc điều tình ái, khỏi điều tà dâm.
Lấy tình thâm trả tình thâm,
Bán mình đã động hiếu tâm đến trời.
Hại một người, cứu một người,
Biết đường khinh trọng, biết lời phải chăng.
Thuở công đức ấy ai bằng,
Túc khiên đã rửa lâng lâng sạch rồi.
Khi nên trời cũng chiều người,
Nhẹ nhàng nợ trước, đền bồi duyên sau”. (c.2681-2690)
Kết thúc mấy lời nhận xét và giới thiệu này, tôi có thể nói: “Khảo luận của tác giả là một tác phẩm có giá trị. Điều đáng khen là đây là công trình nghiên cứu của một người rất trẻ, vì khi thực hiện việc nghiên cứu này (năm 1973), tác giả chỉ là một sinh viên ngoài hai mươi tuổi, mà có lối lập luận khá vững chắc và một cái vốn Hán văn đầy đủ như vậy. Một điều ít thấy hồi đó và hiện nay. Chỉ có một điều tôi thấy không chấp nhận được cái thuyết “tam giáo đồng qui”, được tác giả coi như một sự kiện văn học và nói nhiều lần trong tập biên khảo (tr.110, 160, 175,197). Tôi thì cho đó là một dư luận dân gian, một tin tưởng bình dân. Thật ra đó là một quan niệm chính trị. Nếu tôi không lầm thì quan niệm “đồng nguyên” và “đồng qui” này bắt nguồn từ Hội đồng tứ giáo. Thật ra không phải tìm đọc những nghiên cứu về các tôn giáo Việt Nam của học giả Maurice Durand, của GS Trần Văn Toàn (Pháp) và của GS Ngô Đức Thịnh (Hà Nội), và chỉ cần nhìn vào nguồn gốc và bản chất của ba tôn giáo, người ta cũng thấy ngay chẳng “đồng nguyên” và cũng chẳng “đồng qui” gì hết. Về nguồn gốc thì đạo Nho do Đức Khổng Tử ở Trung Quốc, thế kỷ VI trước C.N; đạo giáo tức đạo Lão , do Lão Tử ở Trung Quốc, cũng thế kỷ VI trước C.N., còn đạo Phật thì do Đức Phật Thích Ca bên Ấn Độ, cuối thế kỷ VI trước C.N. Về tín ngưỡng là phần chủ yếu của mỗi tôn giáo, thì đạo Nho cho rằng “sinh ký tử qui”, chết thì người ta xuống âm phủ sống với tổ tiên, còn Lão giáo thì tin rằng những người hiền đức chết đi sẽ được lên chốn tiên cảnh, cõi Bồng Lai, sống với chư thần chư thánh. Riêng đạo Phật thì tin rằng con người chết sẽ đầu thai vào một trong ngũ đạo luân hồi, trừ khi thành Phật thì vào Nát bàn. Riêng Phật giáo Đại Thừa tin rằng người Phật tử thuần thành sẽ vãng sinh nơi “tịnh thổ”, tức đất Phật, cho nên ở Sài Gòn này, trong số các đám ma Phật giáo, người ta thường thấy các bảng chữ cầu chúc người quá cố “Tây phương thượng lộ”. Vậy cái gọi là “đồng qui” chỉ là cái phần luân lý “ăn ngay ở lành”, giữ cái tâm cho tốt, và như thế không những có thể nói “Tam giáo đồng qui”, mà có thể nói “Vạn giáo đồng qui”.
Ngoài khuyết điểm nhỏ này ra, tôi thấy biên khảo là một tác phẩm hay, có nhiều công phu nghiên cứu. Và tôi xin hân hạnh giới thiệu tác phẩm với quí độc giả.
Sài Gòn, 28.8.2005
TRẦN THÁI ĐỈNH
Nguyên Gs Đại học Văn Khoa Sài Gòn
Nguyên Gs Đại học Văn Khoa Huế
Nguyên Khoa trưởng Đại học Văn Khoa Đà Lạt
(Lần đến xin mời đọc PHẦN DẪN NHẬP)
Dương Anh Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét