Hình Internet
SAU NGÀY "FATHER'S DAY"
Lê Đức Luận
Tính đến nay, ông Hiền đã định cư ở Mỹ trên hai mươi
lăm năm, theo diện HO. Chúng tôi quen nhau từ khi gia đình ông đến ở cùng một khu
chung cư. Ông hiền như cái tên cha mẹ ông đặt để. Trước năm 1975, vợ ông làm cô
giáo - tốt nghiệp trường Sư phạm Qui nhơn. Ông bà có bốn đứa con trai. Có lẽ đã
quen với lối sống chừng mực và lễ giáo nên bà đã dạy dỗ mấy đứa con đi vào nền
nếp, học hành chăm chỉ và rất lễ phép làm cho mọi người trong chung cư đều quí
mến. Riêng gia đình tôi và gia đình ông Hiền kết thân từ dạo mới quen biết
nhau.
Những ngày đầu định cư ở Mỹ, ai cũng trải qua một
giai đoạn bỡ ngỡ, khó khăn. Gia đình ông bà Hiền không ngoại lệ. Nhưng rồi với
sự cần cù, nhẫn nại và cố vươn lên trên vùng đất mới có nhiều cơ hội, gia đình ông
bà Hiền đã sớm được ổn định. Ông Hiền xin được việc làm ở hãng EG&G
(Perkinelmer), bà vợ xin làm việc bán thời gian (part time) ở tiệm Seven Eleven
(7/11) gần nhà để có thì giờ chăm sóc, dạy bảo mấy đứa con. Ông bà Hiền có cùng
suy nghĩ: “tương lai của các con là tương lai của đời mình”, nên hết lòng “đầu
tư” vào việc học hành cho bọn trẻ.
Tháng ngày trôi qua nhanh chóng, bốn đứa con qua bậc
Trung học dễ dàng với điểm thi SAT khá cao, nên lần lượt vào được các Đại học
khá nổi tiềng ở Hoa Kỳ. Khi bốn đứa con đều tốt nghiệp Đại học thì tuổi đời của
ông bà đã xế bóng. Ông bà mãn nguyện, vui mừng nhìn thấy tương lai tốt đẹp của
các con và bây giờ mới nghĩ đến chuyện an hưởng tuổi già.
Những năm đầu ở Mỹ, chưa quen với những ngày lễ như:
Father’s Day, Mother’s Day, Happy Birthday, Thanksgiving… nên khi thấy người dân
bản xứ hay các đồng hương đã định cư lâu năm tổ chức vui chơi, ăn uống, chúc tụng
và tặng nhau quà cáp … ông Hiền bảo: “phú
quý sinh lễ nghĩa”. Với ông chỉ có những ngày giỗ Ông Bà và ngày Tết Nguyên Đán
là quan trọng.
Nhưng dần dà, ông Hiền nhận thấy những ngày lễ lạt ở
Mỹ đượm nét nhân văn và thực tế. Các con ông lớn lên và hấp thụ nền văn hóa thực
tiễn đó. Ngày Sinh nhật, ngày Lễ Cha (Father’s Day), Lễ Mẹ (Mother’s Day), ông
bà nhận được thiệp chúc mừng với những món quà tặng từ các con, ông bà cảm thấy
ấm lòng. Ngày Lễ Thanksgiving, dù mấy đứa con làm việc ở các Tiểu bang xa cũng
bay về sum họp với gia đình. Bà Hiền học hỏi nấu các món ăn mang ý nghĩa ngày Lễ
Thanksging của người bản xứ: gà tây, bắp luộc, khoai tây nghiền… cho các con
thưởng thức. Đó là những ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời hơn tám mươi năm của
ông Hiền, khi các con chưa lập gia đình và bà Hiền còn mạnh khỏe gắn bó bên ông.
Trong những lúc “trà dư tửu hậu”, các bạn già thường
ngồi tâm sự với nhau - bảo rằng: ông Hiền có phước… nhờ con! Một vài cụ bị con cái bạc đãi – than ngắn thở
dài – ra điều thất vọng... và mong ước có được những ngày đầm ấm như vậy. Ông Hiền khiêm tốn nói: - Được lúc nào hay lúc
đó – con nó cho thứ gì vui thứ đó, tui không hy vọng, mong chờ - “Sẽ không thấy
thất vọng khi mình không nuôi hy vọng”. Ông Hiền quen lối “nhủ mình” và “khuyên
người” với những câu châm ngôn như thế. Ông thích đọc những bài viết của các bậc
cao nhân khuyên “Người già sống sao cho sướng” - lấy đó làm kim chỉ nam - cho tuổi già của mình
được an vui và không phiền lụy đến con cháu.
Ông đắc ý với bài viết: “Ba Có”, “Năm Không” đọc được
trên Internet .
“Ba có” là: Có sức khỏe , có tiền bạc và có bạn bè.
Với bản tính hiền lành, ôn nhu… ông không thiếu bạn
tâm giao. Ông không giàu, nhưng với tiền hưu và tiền dành dụm trong bao năm cần
kiệm đủ để ông bà có cuộc sống thoải mái, không phải nhờ cậy các con về tài chánh.
Còn sức khỏe ông cố giữ nếp sống chừng mực, tập thể dục hằng ngày theo các phương
pháp dưỡng sinh. Ông thường tâm sự với bạn bè: sức khỏe là của trời cho và ông
tin vào số phận của mỗi con người.
“Năm không” là:
- Không bán nhà để đi ở với con.
- Không ở chung với
con mà chỉ ở gần.
- Không lãnh việc trông
cháu thường trực mà chỉ chơi với cháu.
- Không từ chối khi
con cho tiền để tỏ lòng hiếu thảo.
- Không tò mò, hỏi
han để can dự vào cuộc sống riêng tư của các con.
Nhưng than ôi! Tuổi già quá đỗi nhiêu khê - Sống sao
cũng thấy khổ!
Sự đời không lường trước được tương lai. Mấy ai đạt
được hết những điều mơ ước. Ông Hiền cũng không ngoại lệ. Năm bảy mươi lăm tuổi
bà vợ qua đời sau cơn bạo bệnh. Ông Hiền hụt hẫng! Mỗi lần nhớ đến người vợ hiền
trong bao năm gắn bó “đồng cam cộng khổ”, ông thẫn thờ, lang thang trong nghĩa địa,
nơi bà Hiền an nghỉ. Ông cứ lẩm nhẩm mấy câu trong bài thơ “Đôi Dép” của Nguyễn
Trung Kiên như người mất trí.
“…Đôi
dép vô tri khắn khít song hành/ Chẳng thề
nguyền mà không hề giả dối/ Chẳng hứa hẹn mà không hề phản bội/ Lối đi nào cũng
mặt có đôi.
“
Không thể thiếu nhau trên bước đường đời/ Dẫu mỗi chiếc ở một bên phải trái/
Nhưng tôi yêu em ở những điều ngược lại/ Gắn bó nhau vì một lối đi chung.
“Hai
mảnh đời thầm lặng bước song song/ Sẽ dừng lại khi chỉ còn một chiếc/ Chỉ còn một là không còn gì hết/ Nếu
không tìm được chiếc thứ hai kia…
Từ đó, cuộc đời ông Hiền đi vào lối rẽ chênh vênh. Ông
lủi thủi vào ra trong căn nhà đầy ắp những kỷ niệm thân thương. Bất cứ vật gì
trong nhà ông cũng nhìn thấy còn in dấu bàn tay của vợ. Ông luôn luôn tư lự…
Các con thấy vậy, khuyên ông bán căn nhà này, về ở với
bất cứ đứa con nào ông thích, hay luân phiên ở với đứa này năm, ba tháng sang
nhà đứa khác. Bây giờ các con đã lập gia đình, đứa nào cũng có nhà cao cửa rộng,
sẵn sàng đón ông về ở. Bốn đứa con, mỗi đứa ở một Tiểu bang. Chúng nó lên lịch
trình thuyết phục ông: Mùa Xuân xuống hưởng Tết California với thằng con đầu; mùa
Hè sang Thiên đàng hạ giới Hawaii với đứa thứ hai; sang Thu về lại Virginia ngắm
cảnh lá vàng với thằng con út, mùa Đông xuống hưởng nắng ấm Florida với đứa thứ
ba - thế là coi như được đi đổi gió quanh năm. Nhưng ông không chịu ở với đứa nào.
Ông vẫn giữ điều “một” trong cái “Năm không” – Không bán nhà về ở với con.
Người đời thường nói: “Nhà của cha mẹ là nhà của
con nhưng nhà của con không phải nhà của cha mẹ” – đúng là như vậy! Ông Hiền đã
thấy bao cảnh đau lòng khi cha mẹ bán nhà về ở với con, rồi ngậm đắng, nuốt cay
khi thằng rể hay con dâu tỏ thái độ lạnh nhạt bất ưng. Đến lúc không còn chịu đựng
nổi phải xin vào nhà dưỡng lão để có chỗ nương thân, cho qua những ngày cuối đời
trong buồn tủi.
Nhiều lần ông tâm sự với tôi: - Người mình có câu:
“sống có cái nhà, thác có nấm mồ”. Tôi giữ căn nhà để có nơi thờ tự ông bà và bà
nhà tôi. Tôi muốn đặt để bàn thờ nơi nào tùy ý.Tôi có thể mời bạn bè đến chơi lúc
nào cũng được, ở lại bao lâu cũng xong không phải “xin phép” thằng rể, con dâu.
Tôi được: độc lập - tự do… ông ạ!
Nhưng rồi vào một ngày, cách nay mấy năm, từ Viện Dưỡng lão Golden Livingcenter- Sleepy
Hollow thuộc Quận Arlington, ông Hiền gọi tôi chúc mừng Lễ Father’s Day. Mở đầu
ông Hiền cho biết:
- Thằng con út đã gởi tôi vào nhà dưỡng lão này được
hơn tháng. Hôm nay, nhân dịp Father’s Day, người ta ra vào thăm viếng rộn rịp làm
tôi nhớ đến mấy bạn già của chúng ta, nên gọi hỏi thăm và chúc mừng.
- Trời ơi! Vào Nursing Home hơn tháng nay rồi, bây giờ
mới báo cho tôi biết, anh thiệt vô tình. Tôi trách ông Hiền.
- Tôi cũng muốn gọi anh, hỏi ý kiến nhưng thấy con nó
đã quyết như thế, thì phải tuân theo để nó an lòng và không làm khổ chúng nó
nhiều.
- Hồi nào đến gìờ, tôi thấy anh vẫn tự lo cho mình
được, có làm khổ con cháu gì đâu?
- Ối! Tuổi già thay đổi từng ngày anh ơi! Mấy tháng
nay cái xương bàn tọa trở chứng, đi đứng khó khăn, nên thằng út bảo đưa vào viện
dưỡng lão có y tá chăm sóc, giúp đỡ tốt hơn ở nhà. Vậy cũng phải thôi, chứ nó cũng
bề bộn công việc, thì giờ đâu lo cho mình được.
- Bây giờ, sống
trong đó anh thấy thế nào? Tôi hỏi.
- Thì cũng phải chấp nhận thôi – “nhập gia tùy tục” -
phải tuân theo các qui định. Làm sao được tự do bằng ở nhà của mình. Ở nhà nấu
nướng linh tinh, ra vào thoải mái… Ở đây cơm bưng nước rót nhưng nuốt không vô
các món ăn của Mỹ nhưng chắc một thời gian rồi sẽ quen.
- Bây giờ anh thích ăn món gì nào?
- Chỉ thèm tô phở!
Ngày hôm sau tôi rủ một ông bạn nữa cùng đến nhà dưỡng
lão thăm ông. Chúng tôi ghé Phở 75 mua cho ông một tô phở. Buổi sáng hôm ấy trời
thật đẹp, nắng ấm và những chậu hoa trước sân nhà dưỡng lão đương độ thắm tươi,
tưởng chừng như khu nghỉ dưỡng cho khách du lịch. Nhưng khi bước vào bên trong,
một cảnh thê lương hiện ra làm tôi cảm thấy chạnh lòng: Vài ba cụ ngồi trên xe
lăn, những cụ khác ngồi trên ghế mây, một chén “soup” để trên chiếc bàn nhỏ đặt
trước mặt. Các cụ dường như hờ hững với món ăn – có cụ ngoẹo cổ, có cụ cúi đầu
ngủ gục, vài cụ ngơ ngác như vô hồn, có cụ nhìn mông lung ra phía cổng, có vẻ
mong chờ. Cảnh tượng đó gợi lên nỗi niềm thương cảm không diễn tả nên lời.
Chúng tôi đến nơi tiếp khách, nói với người nhân viên
trực –“ Muốn thăm ông Hiền”. Cô ta vui vẻ hường dẫn chúng tôi đến tận phòng ông
Hiền - một căn phòng khá đầy đủ tiện nghi. Vừa trông thấy chúng tôi, ông Hiền nói
như reo:
- Trời ơi! Được các anh đến thăm vui quá! Cả tháng
nay không gặp được ai để nói tiếng Việt cho đã.
- Vậy các cháu chưa đến thăm anh lần nào à? Ông bạn đi
cùng với tôi hỏi.
Một thoáng buồn, nước mắt ứa ra… ông Hiền thấp giọng:
- Thằng út đưa tôi vào đây, làm các thủ tục giấy tờ,
coi như xong công việc. Thỉnh thoảng các con tôi gọi vào hỏi thăm: “Ba có khỏe
không? Có trở ngại và cần gì không?” - Biết chúng nó bận rộn công việc, nên tui
trả lời vẫn khỏe và không cần gì cho chúng nó an tâm. Nhưng sự thực trong lòng
vẫn miên man nỗi nhớ - không nói hết được đâu - chỉ thấy một nỗi buồn man mác và
thèm sự thân tình của bạn bè, sự sum họp của gia đình và cái hương vị của quê hương.
Tôi vừa sửa soạn tô phở vừa nói: “Cái hương vị của
quê hương đây này, thưởng thức đi, kẻo nguội, mất ngon”. Ông Hiền vẫn còn ham nói,
tôi phải dục: “ăn đi cho khỏe rồi nói tiếp”. Nhớ lại những lần đi ăn phở trước đây,
ông Hiền chậm rãi, từ tốn, bao giờ cũng để lại trong tô một ít nước dùng. Hôm
nay thì khác, chỉ thoáng chốc tô phở hết trơn – trông thấy mà thương!
Từ ngày bà Hiền qua đời, các cuộc họp mặt bạn bè không
còn nữa. Mỗi buổi sáng ông lững thững ra nghĩa trang, ngồi bên mộ vợ. Ông bày
ra vài món ăn mà lúc sinh tiền bà ưa thích trên chiếc khay nhỏ. Ông đốt nén hương
rồi nói lẩm nhẩm và ăn vài thứ như có bà cùng ngồi ăn với ông. Khi mặt trời lên
cao, ông lại lững thững ra về. Mùa Đông năm 2015, buổi sáng trên đường tuyết còn
đóng băng, ông vẫn cố ra nghĩa trang với lòng thầm nghĩ: “Bả nằm một mình dưới
tuyết băng lạnh lẽo - tội nghiệp!”. Bước chân xiêu xiêu trên băng tuyết làm ông
té ngã, bể xương chậu, phải vào nằm bệnh viện mấy tháng. Về nhà đi đứng khó khăn,
ông phải chống gậy… đôi khi không tự lo cho mình được phải nhờ đứa con út ở gần
sang giúp. Nhưng nó không thể chăm sóc cho ông lâu dài được, vì nó còn phải lo
cho gia đình và cuộc sống. Thế là chỉ còn con đường “độc đạo”: Vào Viện Dưỡng Lão.
Vào Viện Dưỡng Lão, nếu như ông cứ mơ màng như các cụ
ngoài kia - quên hết sự đời - có lẽ tuổi già của ông không thấy nhiều phiền muộn.
Nhưng trời còn cho ông trí nhớ và sự minh mẫn: Đến ngày giỗ bà Hiền, ông không làm được mâm cơm
cúng vợ - ông ray rứt! Ông gọi mấy đứa con nhắc nhở thì đứa nhớ, đứa quên – ông
buồn! Nhớ thuở thiếu thời, đến ngày giỗ chạp, cha mẹ ông sửa soạn hương đèn,
hoa quả tươm tất, mâm cỗ bày ra những món mà người quá cố ưa thích lúc sinh tiền
và bắt con cháu quỳ lạy, cúng bái ông bà. Sang đây ông vẫn còn giữ nếp – lúc các
con còn nhỏ, ông cũng bắt chúng nó thắp nhang cúng vái ông bà. Bây giờ khôn lớn,
có gia đình riêng, xem ra chúng nó không còn coi trọng việc thờ cúng ông bà. Ông
cảm thấy ngậm ngùi nhưng đành im lặng…
Hơn bốn năm trong nhà dưỡng lão, ông thao thức từng đêm
để đợi chờ tiếng điện thoại reo. Những năm đầu các con ông thường gọi hỏi thăm,
nhưng rồi thưa dần… thưa dần… có khi hằng tháng không có tiếng chuông reo nhưng
ông vẫn đợi. Rồi ông tự nhủ: Đời là thế! Nước mắt có chảy ngược bao giờ! Bốn năm
trong nhà dưỡng lão, ông đã quen với nỗi cô đơn, nhưng ông không quên quá khứ -
ký ức cứ hiện về.
Nhớ thương làm ông sầu muộn. Minh mẫn khiến ông suy tư. Suy tư và sầu muộn
đến mỏi mòn, hao gầy sức khỏe. Có những buổi chiều, ông ngồi trầm tư trên chiếc
ghế đá phía sau nhà dưỡng lão như một pho tượng. Không nói. Không than. Ông nhớ
về quá khứ và mơ đến tương lai: Ngày ông đến Mỹ, cách nay 25 năm với hai bàn
tay trắng. Các con ông còn nhỏ dại. Mỗi buổi sáng vợ ông bới hộp cơm với miếng
thịt kho hay con khô mặn để ăn trưa trong hãng, chiều về mới có bữa cơm ngon,
gia đình sum họp. Gần mười năm như thế, ông không biết cái nhà hàng của Mỹ ra làm
sao? Còn chuyện du lịch coi như xa vời. Quần áo ông mua ở các tiệm bán đồ cũ
chi vài ba đô-la một cái – ông bảo còn tốt chán! Ấy vậy mà vui vì ông có niềm
hy vọng. Bây giờ các con ông đã thành đạt, tính ra ông có 9 đứa cháu nội, ông ước
mong được gặp mặt tất cả chúng nó một lần, trước khi về cõi. Nhưng hy vọng rất
mong manh.
Một lần đến thăm, ông kể tôi nghe như vậy. Ông tâm sự:
“Hơn bốn năm trong nhà dưỡng lão, tôi được các con đến thăm ba lần nhưng không
lần nào đông đủ. Lần đầu tiên, thằng
con cả đến thăm dẫn theo đứa con đầu - thằng cháu đích tôn của tôi. Mấy năm nay
chưa gặp lại, xem ảnh thấy nó lớn đùng, đã lên Trung học được hai năm. Tôi mong
được gặp lại - ôm nó vào lòng. Nhưng chắc nó không hiểu được lòng tôi yêu nó đến
mức nào. Cũng vì yêu quá mức mà mẹ nó “cấm” – không cho thằng con gần gũi với ông
nội. Chuyện thế này: Hôm ấy, tôi ôm thằng cháu nội vào lòng, nó nũng nịu dễ thương
quá, tôi vuốt “chim” nó rồi đưa lên miệng “chắp chắp” làm như đang “nhâm nhi” lạp
xưởng - uống rượu… Con dâu trông thấy: Trố mắt! Ngỡ ngàng! Với người Việt mình
thì đó là chuyện bình thường. Nhà văn Hồ Dzếnh đã viết một đoạn về tình thương của
người cha đối với hai đứa con: … “Cha tôi
thương chúng tôi quá, nên chỉ biết nói: - Quay ‘rô-ti’ hai đứa này lên chắc là
ngon lắm. Yêu đến độ nghĩ đến chuyện ‘ăn’, thì quả cái yêu kia đã là tuyệt độ”...
Nhưng con dâu Mỹ cho là quái đản. Cái văn hóa khác biệt làm cho người ta khó
thông cảm và xa cách nhau. Từ đó tôi sống cô đơn giữa đám con cháu của mình.
Nghe ông kể mà lòng tôi xao xuyến. Tôi cũng tỏ vẻ bất
bình - có bốn đứa con, cha nằm trong viện dưỡng lão hơn bốn năm mà chỉ có ba lần
thăm viếng – sao lại bẽ bàng như vậy? Hiểu ý tôi, ông từ tốn: “Bốn năm mà chỉ có
ba lần gặp gỡ, kể ra như vậy là ít ỏi, nhưng “để dành” ông ạ! Bây giờ chúng nó
cho nhiều, một mai sẽ cạn…”. Ông cố nở nụ cười đại lượng, nhưng các nếp nhăn xếp
nếp quanh cái miệng móm mém làm nụ cười trông như mếu. Rồi những giọt nước ầng ậc
ứa ra trong đôi mắt hom hem. Tôi biết ông đang dấu kín nỗi đau lòng…
Đại dịch Covid-19, làm cho các Viện Dưỡng Lão càng
thêm thê lương vì bị cách ly, cô lập! Nhiều cụ đã lặng lẽ “ra đi”. Lặng lẽ đến
mủi lòng! Khi cái xác kia được đưa đi hỏa thiêu, không khói hương, không người đưa
tiễn. Vậy là xong một cuộc đời xuôi ngược, lo toan … Thế gian vắng bóng một người
- chỉ còn lại một chiếc lọ đựng nắm tro tàn và một tấm thẻ ghi tên dán lên trên
nắp. Nỗi buồn thăm thẳm loãng ra cảnh hắt hiu trong nhà dưỡng lão.
Mùa hè năm nay, sau Lễ Father’s Day, ông Hiền gọi tôi
sang. Ông căn dặn: “Đến nhà chứ đừng vào Viện Dưỡng Lão”. Sáng hôm sau tôi sang
thăm ông, lúc này con cháu đã tụ về đông đủ. Ông Hiền nằm thoi thóp trong phòng,
con cháu đứng chung quanh, nước mắt lưng tròng… Tôi đến bên giường, ông cố lấy
hết sức tàn, nắm lấy tay tôi, thều thào: “Tôi muốn nhắm mắt trong căn nhà thân
yêu này ông ạ. Tôi bảo mấy đứa con đưa tôi về nhà từ mấy hôm nay. Tôi biết không
còn được ở lại cõi trần bao lâu nữa – hình như bà nhà tôi đang lẩn khuất đâu đây
để đón tôi về thế giới bên kia với bả”.
Mấy đứa con òa khóc! Ba ơi! Hãy ở lại với chúng con!
Ba ơi! Đừng đi!
Ông Hiền siết chặt bàn tay tôi, thì thầm:
- Ông thấy chưa, chúng nó đã “để dành” cho tôi những
giọt nước mắt “cốt nhục tình thâm” vào lúc lâm chung. Tôi mãn nguyện ra đi rồi…ông ạ. Buông tay tôi.
Ông đi vào hôn mê…
Tôi xúc động, bùi ngùi sắp vĩnh biệt người bạn tâm
giao. Lòng tôi tự hỏi: “Không biết các con ông có ân hận: “lúc trước đã không
cho cha nhiều hơn” và có còn “để dành” ít
nước mắt để tưởng nhớ người cha suốt cuộc đời hy sinh quên mình cho tương lai
con cháu vào những ngày giỗ sau này?
Tối hôm đó, thằng con trai trưởng của ông Hiền gọi điện
thoại cho tôi - giọng đầy nước mắt: “Ba con đã ‘ra đi’ rồi bác ơi – lúc chín giờ”.
Thế là, từ nay các con ông không còn dịp tổ chức Lễ Father’s Day cho cha – Ông
Hiền vĩnh biệt cuộc đời ở tuổi 82./.
LÊ
ĐỨC LUẬN.
(Tháng7, Năm 2021)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét