Thứ Năm, 8 tháng 7, 2021

Nhóm 'Người Việt Ở San Jose', Cầu Nối Giúp Đỡ Cộng Đồng Vô Vị Lợi

 

Những chiếc xe đạp màu hồng, màu xanh, được bàn tay khéo léo ráp và trao tặng mọi người. (Hình: NVSJ cung cấp)

NHÓM 'NGƯỜI VIỆT Ở SAN JOSE', CẦU NỐI GIÚP ĐỠ CỘNG ĐỒNG VÔ VỊ LỢI
Đoan Trang

SAN JOSE, California (NV) – “Người Việt ở San Jose,” một tổ chức bất vụ lợi và cũng là mô hình hoạt động hữu hiệu với quy mô lớn đầu tiên của người Việt nhằm giúp đỡ cộng đồng ở San Jose, California.

Những “người hùng thầm lặng”

Trong những ngày đầu của đại dịch, khi mọi người bị “nhốt” trong nhà để tránh lây bệnh, anh Trần Thanh Minh, trưởng Ban Điều Hành (BĐH) nhóm “Người Việt ở San Jose” (NVSJ) đứng ngồi không yên.

Cảnh “nội bất xuất, ngoại bất nhập,” người bình thường, khỏe mạnh, có “của ăn của để” còn bức bối, huống chi gia đình những người lớn tuổi, người gặp khó khăn, neo đơn, bệnh tật.

Nghĩ vậy, nên anh Minh bèn gọi điện thoại cho anh Nguyễn Đình Huy (cũng trong BĐH NVSJ) để “rủ rê”: “Cộng đồng mình có nhiều gia đình khó khăn lắm, mình mua thực phẩm giúp họ nhe.”

“Vừa nghe tôi đề nghị, anh Huy đồng ý liền,” anh Minh kể lại. “Nhưng vì khi đó nhóm không có quỹ, nên anh Huy và tôi bỏ tiền túi mua thức ăn và nhờ anh em trong Viet.Help đi giao từng nhà.”

Viet.Help là nhóm thiện nguyện thuộc NVSJ, hoạt động đắc lực nhất, đặc biệt trong suốt thời kỳ đại dịch COVID-19.

“Tụi tôi nói với các anh trong nhóm là cứ mua thức ăn đủ phân phối, mọi chuyện để Minh, Huy lo,” anh Huy kể lại. “Đợt đầu hai anh em tôi bỏ ra hơn $2,300.”

Sau đó, anh Minh đưa tin lên trang của nhóm. Mọi người biết, nên có nhiều mạnh thường quân ủng hộ tiền, hoặc thực phẩm. Thế là gần 120 phần thực phẩm được phân phát đi. Trung bình mỗi phần trị giá từ $60 – $100, tùy số thành viên trong gia đình.

Nhóm làm thiện nguyện cho hay, chưa bao giờ họ làm chuyện đi nhận thực phẩm nơi này, rồi đem đến đặt trước nhà từng người, âm thầm lặng lẽ, cứ xong là đi. Lần đầu làm chuyện giúp đời, giúp người, nên anh em ai cũng hào hứng.

NVSJ gọi các thiện nguyện viên này là “những người hùng thầm lặng.”

Nhóm Người Việt ở San Jose trong một buổi đi chơi chung. (Hình: NVSJ cung cấp)

“Ở đâu cần, ở đó có Viet.Help”

Nhưng nhóm Viet.Help của NVSJ không chỉ làm chuyện đi giao thực phẩm.

Kể từ đầu năm 2020 đến nay, nhóm thiện nguyện này còn giúp gom khẩu trang y tế, thứ mà thời gian đầu đại dịch hết sức khan hiếm, đem tặng cho các bệnh viện, phòng khám; thực hiện chương trình “Xe Đạp Ơi,” ráp và tặng gần 40 xe đạp mới cho gia đình khó khăn và người chưa có xe hơi.

Mỗi chiếc xe trị giá $200, tất nhiên là không có tiền công ráp, vì tiền công không tính nổi, bởi nó chứa đựng tình yêu thương của những tấm lòng bác ái. Mà tình yêu thương thì vô giá.

Lúc mọi người thất nghiệp, Viet.Help lập thêm một nhóm nữa với 20 tình nguyện viên, đặt tên là Viet.Help EDD để giúp trả lời thắc mắc và điền đơn miễn phí cho hàng trăm người được nhận tiền trợ cấp của chính phủ.

Trong nhóm, bất cứ ai có chuyện chẳng lành hay gặp nạn, Viet.Help lại tới giúp. Những trường hợp nhà bị cháy, bị ngập lụt, nhóm cử người đến dọn dẹp, đi xin và lắp ráp thiết bị trong nhà như giường, quần áo, microwave, máy giặt, máy sấy,… và các đồ dùng thiết yếu khác. Tất cả chỉ trong vòng một tuần lễ là người gặp nạn có thể trở lại cuộc sống bình thường không thiếu thốn thứ gì.

Trong Viet.Help còn có nhóm Hiệp Sĩ San Jose, chuyên đi giúp người gặp nạn trên đường như nổ lốp, chết máy, hay quên chìa khóa trong xe,… Nhóm Viet.Help và các hiệp sĩ có mặt “trên từng cây số” để giúp người, nên có phương châm “Ở đâu cần, ở đó có Viet.Help”

Nhóm Viet.Help và các hiệp sĩ có mặt “trên từng cây số” để giúp người, nên có phương châm “Ở đâu cần, ở đó có Viet.Help”

Nhóm Good Heart góp tay cùng NVSJ nấu ăn phục vụ cộng đồng. (Hình: NVSJ cung cấp)

Những người “làm công” nhưng “không ăn lương”

Ban Điều Hành của NVSJ đều là những người đang có công ăn việc làm. Thời gian không nhiều để có thể làm hai công việc, trong đó có việc “không lương” ở NVSJ, nhưng theo lời anh Huy: “Muốn có thời gian, là có thời gian.”

Còn anh Minh thì thiệt tình hơn, cho biết: “Ngày chỉ có 24 tiếng, việc thì nhiều, đúng là khó, nhưng mình phải tranh thủ thôi. Có khi tôi vừa ăn vừa bật máy kiểm tra công việc, lúc nghỉ bên này lại làm bên kia, ngủ trễ, dậy sớm là chuyện bình thường.”

Anh Minh nói mùa đại dịch, các anh chỉ ngủ mỗi đêm được vài ba tiếng. Điện thoại réo inh ỏi, tin nhắn lia lịa, các anh phải liên lạc các nơi để điều động người đi nhận thực phẩm, rồi đem giao cho các gia đình.

“Thức ăn, thức uống được nhà hàng Nam Giao, phở Hà Nội, các tiệm nước tặng, phải giao đi ngay để các bác còn có món ngon, nóng hổi mà dùng,” anh Minh kể.

Thấy anh em tận tâm, tận lực, cực khổ, nên hồi Tháng Năm, 2021, một nhóm cá nhân có tên Good Heart tình nguyện gia nhập Viet.Help góp thêm một tay.

Good Heart do chị Monica Nguyễn và một vài thân hữu tự tổ chức. Vào mỗi Thứ Tư và Chủ Nhật hàng tuần, các chị lại nấu thức ăn đem tới cho người kém may mắn trong khu vực công viên St. James và Second Street, downtown thành phố San Jose.

Mỗi lần như thế, Good Heart phục vụ được từ 120 đến 150 phần.

Vào Lễ Phật Đản vừa qua, không cần ai kêu gọi, chị Helen Phạm, là một thành viên trong nhóm NVSJ tự nấu 32 phần cơm chay đem tặng cho người vô gia cư.

Phát xong, chị chụp hình và đưa lên trang facebook của nhóm. Nhiều người thích thú, muốn tham gia, để lại lời nhắn cho chị: “Trên cả tuyệt vời. Lần sau có làm cho mình phụ ít nha.”

“Cứ thế, NVSJ thu hút nhiều người. Đến nay, chúng tôi đã có hơn 38,000 thành viên, ngày càng đông thiện nguyện viên tham gia,” anh Minh cho biết. “Người thì góp công, ai không có thời gian bỏ công sức thì góp ‘của’ như tiền hoặc thực phẩm, hay bất cứ chuyện gì giúp được, là các thành viên đều sẵn lòng.”

Như anh Trung Lâm, một “chuyên gia bất động sản,” mỗi lần mua được căn nhà cũ mà chủ nhà cho hết vật dụng, anh lại “rao” lên mạng, ai muốn lấy gì thì đến lấy.

“Thấy các thành viên chia sẻ với nhau, chúng tôi vui lắm! Chúng tôi ‘đồng hội đồng thuyền’ vì đều là những người làm công, không ‘ăn lương’ mà!,” anh Minh cười, nói.

Nhóm thiện nguyện viên của NVSJ trong chương trình “Xe Đạp Ơi” ráp xe đạp mới tặng người chưa có xe hơi. (Hình: NVSJ cung cấp)

Vô vụ lợi

Nhớ lại thời gian đầu hình thành nhóm NVSJ cách đây hơn sáu năm, anh Minh cho biết, mục đích của nhóm khi thành lập chỉ là để đưa thông tin chính xác cho cộng đồng, vì trên Internet có nhiều tin tức thiếu kiểm chứng, không chính xác.

“Chúng tôi lập nhóm nhằm giúp mọi người được đọc những thông tin đúng đắn, xác thực,” anh Minh nói. “Và vì thế, chúng tôi ‘kiểm duyệt’ rất kỹ nội dung được đăng trên trang của NVSJ.”

Nhóm NVSJ là nơi để mọi người chia sẻ đủ mọi chuyện “trên trời, dưới đất” mà rất hữu dụng. Người biết giúp người chưa biết, chia sẻ kinh nghiệm, chứ không có chuyện đả kích nhau.

Dần dà, thấy được mặt hữu ích của Facebook, nên Ban Điều Hành quyết định mở rộng, lập ra nhiều nhóm nhỏ nhằm giúp đỡ cộng đồng ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Sau sáu năm, hiện nay NVSJ hoạt động như một công ty độc lập, nhưng không có trụ sở, văn phòng, chỉ có ba người điều hành và 11 thành viên phụ trách các hoạt động khác nhau. Trong đó, anh Minh “chủ xị” ở vị trí CEO.

Tiếng lành đồn xa. Nhiều mạnh thường quân tìm đến NVSJ “chọn mặt gửi… tiền” và hàng hóa, thực phẩm.

NVSJ trở thành “chiếc cầu nối” giữa các mạnh thường quân và người cần được giúp đỡ.

Thấy hoạt động ngày càng “nở nồi” nên anh Minh bàn với BĐH “nâng” tầm NVSJ lên thành một tổ chức vô vị lợi (Non-profit Organization).

Anh Minh giải thích: “Vì có dính dáng đến tiền bạc, chi-thu như thế nào, chúng tôi muốn mọi chuyện phải rõ ràng, và ai cũng phải làm đúng trách nhiệm. Làm như thế, các mạnh thường quân khi đóng góp sẽ yên tâm rằng chúng tôi sử dụng đồng tiền đúng tâm nguyện của họ. Đồng tiền mồ hôi nước mắt làm ra, đâu có ai muốn phí phạm, làm chuyện vô bổ, hoặc góp vô mà không biết tiền của mình đi đâu, về đâu.”

Dù làm không lương, nhưng việc “tuyển dụng nhân sự” vào BĐH cũng rất nghiêm chỉnh.

Các bạn trẻ tự viết thiệp để tặng trong mùa Giáng Sinh 2020. (Hình: NVSJ cung cấp)

Chị Tô Kim Dung cho biết hôm phỏng vấn để vào Ban Điều Hành nhóm NVSJ, chị bị “sát hạch” ghê gớm. Chị là thành viên thứ ba trong BĐH NVSJ, phụ trách nhóm tài chính VietFinance.

“Ngay từ đầu chúng tôi đã xác định tất cả phải làm việc trên tinh thần vô vụ lợi. Nếu vô nhóm để vì lợi ích cá nhân là không được. Ai có ý kiến trái chiều, hay ‘chỏi’ quá là… không xong à nha,” anh Minh nói.

“Mưa dầm thấm lâu”

“Lo cho người cao niên, nhưng tụi tôi luôn nghĩ đến thế hệ trẻ, vì cứ trăn trở là sau này tụi mình già đi, thì ai sẽ là người nối gót, giúp đỡ cộng đồng,” anh Minh nói khi chúng tôi hỏi về hướng phát triển lâu dài của NVSJ.

Muốn thế hệ trẻ tiếp nối công việc, các anh phải tìm cách “lôi kéo” và “hấp dẫn” các em.

Chị Tô Kim Dung kể: “Dịp Giáng Sinh năm ngoái, chúng tôi tổ chức tặng quà cho 60 gia đình kém may mắn, hoặc những gia đình mới sang định cư còn ‘lạ nước lạ cái.’ Để gieo mầm yêu thương và tư tưởng giúp đỡ cộng đồng cho các em nhỏ, chúng tôi để các em thiện nguyện viên trẻ tự gói và trao quà. Được làm việc thiện, các em vui lắm.”

Trước đại dịch, nhóm Vietfun và Vietmusic tổ chức được hai kỳ cắm trại cho trẻ em. Hoạt động này sẽ được tái thực hiện khi không còn dịch bệnh.

Chương trình phát học bổng của nhóm Viet.Help EDU cũng là một cách để “đầu tư” cho giới trẻ. Các anh hy vọng 5-10% nhóm trẻ sẽ trở lại giúp cộng đồng trong tương lai.

Ngoài ra, Ban Điều Hành NVSJ còn đang “ấp ủ” những chuyện lớn của năm, mười năm kế tiếp.

“Chúng tôi đang cố gắng để đạt được những mục tiêu lớn hơn, như thành lập trung tâm sinh hoạt của người Việt, hay một nghĩa trang cho người Việt cũng là điều cần làm,” anh Minh thổ lộ.

Thùng thực phẩm được nhóm Viet.Help mua và đặt trước cửa nhà các cư dân ghi danh nhận trong mùa dịch. (Hình: NVSJ cung cấp)

NVSJ cũng sẽ có chương trình “San Jose Sạch & Xanh.” Các nhóm đi dọn rác, dọp dẹp những chỗ dơ trên đường phố San Jose và về lâu dài sẽ cùng với thành phố thực hiện trồng cây xanh. NVSJ còn hướng tới mục tiêu phục vụ cộng đồng các sắc tộc khác, ngoài cộng đồng người Việt.

Còn nhiều chuyện có thể “nói trước bước không tới,” nhưng ngay trước mắt, Ban Điều Hành NVSJ khẳng định sẽ “chuyên nghiệp hóa” các hiệp sĩ, thiện nguyện viên để nâng cao chất lượng phục vụ cộng đồng.

“Chúng tôi quan niệm ‘mưa dầm thấm lâu’ nên cứ làm từ từ. Chúng tôi không lo thiếu ‘lực,’ vì những người có tâm phục vụ trong cộng đồng còn nhiều lắm. Chúng tôi cũng không lo thiếu kinh phí, vì mạnh thường quân ở khắp mọi nơi, luôn sẵn lòng giúp đỡ,” anh Minh nói.

Người chịu trách nhiệm chính trong một “cộng đồng mạng” có xấp xỉ 40,000 thành viên thừa nhận, dù “sống lâu” ở nơi có đông đảo người Việt, nhưng anh không muốn “lên lão làng,” không dám “bước ra cộng đồng” mà chỉ thích “behind the scenes” (đứng sau cánh gà) thúc đẩy mọi người làm chuyện bác ái mà thôi.

“Tôi sống ở San Jose 30 năm, thấy các bậc tiền bối chưa làm được gì nhiều, lại chia hai, ba phe, nên không muốn dẫm lên những bước chân như thế,” anh Minh cho biết.

“Ví dụ, San Jose không có một nghị viên nào là người Việt cả. Chưa có tiếng nói mạnh, thì làm sao cộng đồng mạnh được! Nhưng tôi hy vọng sắp tới sẽ có thay đổi.”

Qua việc làm vô vụ lợi của những tấm lòng trong sáng, những trái tim nhân hậu, chuyên làm việc nghĩa, chúng tôi cũng hy vọng về sự thay đổi, tốt đẹp hơn, trong một tương lai không xa cho cộng đồng không chỉ người Việt ở San Jose. [kn]

Đoan Trang/Người Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét