Thứ Tư, 21 tháng 7, 2021

Câu Chuyện Sau Ba Mươi Lăm Năm

GIỚI THIỆU

Xin hân hạnh giới thiệu đến quý Thầy, Cô, quý Đồng Môn và Thân Hữu

Tạp bút CÂU CHUYỆN SAU BA MƯƠI LĂM NĂM, tác giả: thầy Dương Anh Sơn chia sẻ.

Chào Ban Biên Tập,

Xin gửi tiếp một tạp bút ghi lại những hình ảnh của Tuy Hòa và tình thầy trò nhân chuyến dự cuộc hội ngộ sau 35 năm, khi khóa học các em rời trường Nguyễn Huệ...... Cám ơn BBT.

Trân trọng

NHHN


Thầy Dương Anh Sơn đứng giữa (hàng dưới)

Tạp Bút - CÂU CHUYỆN SAU BA MƯỚI LĂM NĂM
Thầy Dương Anh Sơn
 

I

Tháng trước đây, tôi nhận cuộc điện thoại từ cô học trò cũ gọi vào Sài Gòn:

- Chào thầy! Em là Thúy học lớp 10 A1 đây. Liên lớp các em sẽ tổ chức họp mặt gặp gỡ sau ba mươi lăm năm rời trường 1981-1984. Kính mời cô thầy ra Tuy Hòa họp mặt cùng chúng em vào ngày 13/7/2019. Chúng em sẽ gửi thư mời thầy cô sau và rất mong gặp lại thầy cô!

- Thầy hứa là sẽ ra tham dự buổi họp mặt liên lớp nếu như khoảng thời gian này thầy không bị kẹt chuyện gì!

Đây một trong những em của lớp 10A1 do tôi làm "chủ nhiệm" niên học 1984 cũng là năm hai vợ chồng tôi quyết định rời nghề dạy học để vào Sài Gòn sinh sống. Con đường dạy học trong thời điểm này rất khó khăn. Riêng tôi, dạy những nội dung của môn văn của chương trình có rất nhiều điều không thích hợp nên hai vợ chồng tôi làm đơn thôi việc vào giữa học kỳ hai. Do không có đủ người dạy nên 45 em học sinh của lớp này phải tách ra đưa vào các lớp cùng khối. Sang năm sau, các lớp A chuyển thành các lớp C.

Thời gian dạy các em chưa trọn một niên khóa nhưng tình cảm các em vẫn còn gắn bó khi có lần gặp các em trong buổi họp mặt toàn thể cựu học sinh PTTH Nguyễn Huệ Tuy Hòa cách đây ba năm. Bây giờ, các em lại tổ chức hội ngộ riêng của liên lớp 12C với 9 lớp trong khối lớp 12 (gồm C +D )

Trước hai ngày họp mặt, ba bốn em lại gọi điện vào Sài Gòn, mời tôi cố gắng ra tham dự. Gặp lúc các đứa cháu bên nước ngoài về thăm nên gia đình rất bận. Tôi đành điện cho các em báo là không ra Tuy Hòa được. May sao, mấy đứa cháu về thăm Sài Gòn như dự tính chỉ ghé chơi 4 ngày rồi sẽ đi Đà Nẵng, Hội An, Huế......

Sáng hôm đưa hai cháu ra ga xe lửa, sẵn dịp tôi mua vé đi Tuy Hòa vào chiều tối hôm đó cho kịp tham dự lễ họp mặt chiều mai. Tất cả loại vé giường nằm hay ghế cứng. ghế mềm đều hết vé! Nhà ga bán cho tôi ghế phụ, nghĩa là ngồi hai đầu toa tàu để đi. Thôi đành biết sao bây giờ! Hình như cuối tuần, các bạn trẻ và gia đình thường về thăm nhà ở Nha Trang, Tuy Hòa, Quy Nhơn từ chiều thứ sáu để chiều chủ nhật vào lại Sài Gòn kịp làm việc sáng thứ hai nên các loại vé đều đã bán hết cả.

Đã lâu lắm rồi tôi không đi xe lửa. Chiều hôm đi ra ga đợi tàu, hình ảnh của một nhà ga lớn như ga Sài Gòn không có gì thay đổi sau hơn bốn mươi năm!! Những năm 1980, do gia đình vợ tôi ở trong này, tôi vẫn thường ra vào Sài Gòn. Hồi ấy, các toa tàu và đầu máy xe lửa của đoàn tàu có tên là Thống Nhất (bây giờ gọi là đoàn tàu SN) mới mua của Ấn Độ và Trung Quốc trông không đẹp lắm nhưng tương đối sạch sẽ. Phương tiện vận tải đường bộ hồi đó còn ít ỏi. Đời sống lại khó khăn nên rất nhiều người đi buôn chuyến chọn xe lửa để chở hàng. Vì thế, người đi xe lửa hầu như chật cứng. Không mua được vé thì nhảy tàu nằm ngồi giữa lối đường đi hay hai đầu tàu. Hàng hóa chất khắp nơi từ dưới các gầm ghế, giá đỡ hoặc hai đầu toa tàu! Tiền tàu xe trả cho tiếp viên rồi xuống ga chung chi một ít là có thể ra ga khỏi cần mua vé!

Bãi biển TP Tuy Hòa chưa được sửa sang nhiều nhưng mặt biển rất trong xanh trong những ngày nắng đẹp

Thời gian này, ga xe lửa Sài Gòn cũng như các nhà ga như Biên Hòa, Mương Mán, Tháp Chàm, Nha Trang, Tuy Hòa... v.v... có sơn phết chút đỉnh cho mới nhưng vẫn còn rất luộm thuộm, nhếch nhác. Chỉ vài năm, tường vôi bong tróc, các ga lại trở về với tường vách cũ kỹ, vôi tường loang lổ. Các nơi dành cho khách ngồi mua vé hay chờ tàu có sửa sang chút đỉnh nhưng chỉ qua năm sau trông bẩn thỉu và cũ mèm. Nếu có thể so sánh được, chúng ta thấy các nhà ga tựa như những nhà kho cũ được sử dụng chứ không ra dáng một ga tàu đàng hoàng đón khách đi và đến như chúng ta vẫn thấy trên các bài báo hay phim ảnh của các nước châu Á khác chứ chưa nói đến các nước châu Âu! Những ai ghé qua sân ga Sài Gòn mới thấy rõ sự tồi tệ của một nhà ga ở thành phố lớn nhất Việt Nam. 

Sân ga lối đi gập ghềnh, nhà gửi xe tạm bợ và làm cho phần trước sân ga trở nên bèo nhèo. Sảnh đón khách đi và đến không được sửa sang trông xấu xí. Có lẽ đây là một trong những nhà ga xấu nhất, tệ nhất ở Việt Nam! Những nhà ga có từ thời Pháp thuộc như Nha Trang, Tháp Chàm giờ đây quá hẹp và cũ mèm. Cũ mèm còn chấp nhận được nhưng rác rưởi linh tinh hai bên đường rail cùng cỏ dại mọc khá nhiều từ phía vào ra có thể thấy khắp nơi. Ý thức gìn giữ vệ sinh của hành khách đi tàu và người coi sóc nhà ga y như nhau nên nhà ga nào cũng giống nhau ở khoản giấy rác, bao ni lông, bao thuốc, chai lọ khắp nơi trông thật nản lòng! Ba mươi lăm năm ga tàu càng lúc càng tệ đang bị bụi thời gian phủ mờ!

Có điều người đi xe lửa (nói theo kiểu trước 75) hay "dùng phương tiện đường sắt" (kiểu nói sau 75) hầu như quen dần những cái dơ, cái xấu xí, bẩn thỉu ngày càng nhiều hơn. Người dân cũng quá mệt mỏi chuyện "quan tâm" của nhà nước với "phương tiện đường sắt vừa cũ vừa mèm như thế bao nhiêu năm rồi! Có nhiều đường cao tốc được xây dựng nhiều ở phía bắc nhưng chuyện phát triển đường sắt bắc nam bị bỏ quên, cả khu vực đồng bằng sông Tiền, sông Hậu cũng chẳng có mấy cao tốc đường bộ ra hồn!! Có lẽ chuyện đầu tư vào ngành đường sắt không ỏ túi được nhiều và dễ dàng bằng đường bộ với khá nhiều trạm BO! Còn chuyện phân bổ ngân sách có sự khác biệt bắc nam ai ai cũng thấy!

Tôi lên tàu toa giường nằm số 9, số ghế trên vé ghi là 9B nghĩa là ngồi ghế phụ của toa số 9. Anh tiếp viên của toa tàu chỉ tôi ra đầu toa tàu phát cho chiếc ghế nhựa để ngồi và nói là: "Nếu có chỗ trống sẽ mời bác vào!"... Nhưng gặp lúc cuối tuần lại gặp kỳ hè học sinh được nghỉ theo gia đình ra tắm biển Quy Nhơn, Tuy Hòa hay Nha Trang rất đông nên toa giường nằm hay ghế ngồi đều không còn chỗ! Tôi hỏi một gia đình đi trên toa giường nằm số 9:

- Gia đình và con cái hai em đi đi đâu vậy?
- Thưa chú, tụi con đưa các cháu đi ra Tuy Hòa tắm biển.
- Sao cháu không tắm biển ở Nha Trang vì biển nơi đây được xem là rất tốt!
- Cháu cũng như bạn bè nhiều người bây giờ thường chọn Tuy Hòa hay Quy Nhơn để nghỉ hè và tắm biển. Nha Trang tuy biển tốt nhưng chúng cháu không ưa tắm bãi biển đầy người Trung Quốc! Bây giờ, đường xá dọc biển ở Tuy Hòa hay Quy Nhơn được mở rộng rất sạch sẽ với nhiều khách sạn. Hai nơi này không tầm cỡ như Nha Trang nhưng khỏi phải thấy mấy anh Tàu xô bồ.....

So với Nha Trang, bãi biển của T.P Qui Nhơn rất sạch đẹp. Nhiều khách sạn đã được xây dựng thu hút nhiều du khách muốn tránh sự ồn ào hỗn tạp của Nha Trang.

Hóa ra xu hướng ghét mấy anh Trung Quốc nơi các lớp trẻ giờ cũng nhiều.....

Đoàn tàu mang ký hiệu SN chuyển bánh rời ga Sài Gòn đúng giờ. Con đường rail đi ra cổng đường sắt đầy cỏ dại, nhà cửa dân chúng san sát, họ tha hồ ném rác rưởi dọc hai bên đường tàu. Đoàn tàu đi qua ga Gò Vấp và Bình Thạnh ra phía Bình Triệu mới thấy được một phần nào con đường xe lửa một chiều cho hai phía ra Bắc vào Nam vẫn cũ kỹ, dơ dáy và còn tệ hơn những năm sau 75..... Các ga lớn như Sài Gòn, Nha Trang đi qua các khu dân cư với nhà cửa chen chúc lổn nhổn, cống rãnh đầy rác đằng sau những con đường nhựa tương đối sạch sẽ phía trước.... Ba mươi lăm năm hầu như không có sự thay đổi nào đối với con đường sắt vào nam ra bắc, nếu không muốn nói là quá tệ hơn trước rất nhiều!

Trên toa giường nằm, tôi gặp hai vợ chồng đồng nghiệp cũ cũng đi ra Tuy Hòa dự buổi họp mặt của cựu học sinh liên lớp 12 C (81-84). Tôi chào anh chị ấy và trở về chiếc ghế nhựa đặt gần cửa lên xuống ngồi ngủ gà ngủ gật. Tàu chạy lâu lâu dừng lại một số ga có đón khách đi và xuống tàu. Tiếng mấu sắt hai toa tàu khi chạy va chạm vào nhau dội vào đầu loảng xoảng. Nhưng đến hơn nửa đêm, tàu chạy đến ga Mương Mán gần Phan Thiết, tôi cũng quen đi!

Ba giờ rưỡi sáng, đoàn tàu vào ga Nha Trang. Đoàn tàu phải chạy theo con đường vòng với nhà dân san sát hai bên rồi vào ga. Con đường tàu một chiều không thể nào "hiện đại" được dù đã hơn bốn mươi năm trôi qua. Nhà nước chẳng ngó ngàng chuyện phát triển "đường sắt"! Năm 1965, Đại Hàn Dân Quốc hay Singapore cũng chỉ bằng Sài Gòn nhưng 1975 họ đã vào top 20 của thế giới về kinh tế. Còn bây giờ, với đường lối cai trị khôn ngoan, họ đã bỏ xa chúng ta một chặng dài.....

Khi đoàn tàu qua hầm Đèo Cả chuẩn bị thêm hơn nửa giờ nữa đến ga Tuy Hòa, tôi rời chiếc ghế nhựa đi vào phòng vệ sinh đầu toa tàu kế bên. Đó là quan cảnh "hãi hùng đáng sợ" của chuyến tàu của thời điểm sau ba mươi lăm năm còn tệ hơn những năm khó khăn 1980 khi tôi thường đi tàu vào Sài Gòn...

II

Các thầy cô đã nghỉ hưu và đại diện các cựu học sinh niên khóa 1981-1984 trên sân khấu

Các em học sinh cũ rất chu đáo trong việc đón tiếp các thầy cô cũ từ Sài Gòn, Nha Trang, Buôn Mê Thuột, Đà Nẵng về Tuy Hòa cũng như các thầy cô sinh sống ở địa phương đợt cùng thời, giờ đã nghỉ hưu tất cả! Ra ga đón các thầy cô có mấy em đại diện. Các em gom các thầy cô về dự rải rác đến một quán cà phê gần trường cũ để hàn huyên. Ba mươi lăm năm nhưng tình thầy trò vẫn nồng ấm. Có lẽ nó là động lực để cho những ai chọn con đường trồng người... ..... 

Những con đường mới rộng rãi phía biển Tuy Hòa cùng nhà cửa rất mới tạo cho nơi đây không khí đầy sức sống. Từ khi thị xã Tuy Hòa của tỉnh Phú Yên cũ tách ra khỏi tỉnh Phú Khánh trở thành thành phố Tuy Hòa, nơi đây đã thay đổi rất nhiều. Tuy nhiên, ngôi trường chúng tôi từng dạy học, phía trước sân trường vẫn mang bộ mặt cũ kỹ. Khi tôi đi ra phía sau trường để xem thử mới thấy không những tường vách cũ kỹ mà còn một màu rêu phong ẩm mốc do không được chăm sóc chu đáo. 

Cách đây ba năm khi được mời tham dự họp mặt của các học sinh cũ, tình trạng ngôi trường vẫn không có gì thay đổi! Tiền đóng góp của phụ huynh không phải là ít nhưng cách sử dụng có lẽ không đúng chỗ để ngôi trường cho ra ngôi trường đào tạo học sinh cần phải xem lại..... 

Biết bao nhiêu việc cần chỉnh sửa để trường lớp cho ngăn nắp trông dễ coi hầu tạo bầu không khí học tập thoải mái cho các em học sinh ít được ban lãnh đạo chú ý. Chuyện này đâu khó khăn để sửa sang bộ mặt ngôi trường đâu.......

Buổi lễ họp mặt được các em học sinh cũ liên lớp 12C tổ chức vào một buổi chiều thứ bảy trời nắng oi bức nhưng các em chuẩn bị khá công phu. Ở lứa tuổi 53, 54, 55 của các em nhưng tôi nhận thấy nhiều em già hẳn ra. Mỗi lớp lên sân khấu chào ra mắt, tôi đều đếm nhẩm. Lớp nhiều cựu học sinh là 34 em, ít là 27 em trong đó có 9 học sinh cũ từ nước ngoài về. Có em là giáo sư toán của một đại học bên Mỹ, có một số em theo gót chúng tôi chọn nghề dạy học, nhiều em là bác sĩ hay kỹ sư, các em khác đều có cuộc sống ổn định ở quê người và quê nhà. Không khí buổi họp mặt của chín lớp 12C năm nay rất thân tình và vui vẻ.

Tôi nghỉ lại khách sạn do các em đặt trước. Sáng hôm sau đi bộ ra tắm biển. Biển Tuy Hòa rất sạch và trong trẻo nhưng phải cẩn thận vì có những chỗ sâu do sóng đẩy dạt cát vào hôm trước, hôm sau lại đánh tan đi ! Buổi trưa các em học sinh cũ lại mời tôi dùng cơm trưa để có dịp ngồi vừa ăn vừa nhắc lại những kỷ niệm cũ và hỏi thăm nhau cuộc sống bây giờ. 

Cùng với các em cựu học sinh khóa 1981-1984

Chuyến ra Tuy Hòa lần này quả là rất vui, bao nhiêu năm tình thầy trò vẫn còn đó. Mỗi em đều có cuộc sống riêng. Có em cuộc sống khá giả nhờ chịu khó làm lụng cực nhọc. Có em cuộc sinh nhai cũng tàm tạm qua ngày. Có em thành đạt trong vai trò công chức nhà nước... Nhưng dù ở vị trí nào tình bạn bè của các em vẫn gắn bó. Tôi rất vui vì các em vẫn biết nghĩ đến và giúp nhau trong cuộc sống. Chỉ mong sao các em vẫn giữ mãi những mối thân tình ấy. Tôi cũng nói với các em thỉnh thoảng ba bốn tháng nên hẹn nhau đi uống cà phê để cho các bạn cùng lớp thêm gắn bó nhau hơn nhất là lứa tuổi các em sẽ thấp thoáng bước đến tuổi về hưu không bao lâu nữa!

Chiều hôm đó, do người đi vào Sài Gòn khá đông nên các em học sinh cũ chỉ mua được cho tôi một vé của toa ghế cứng. Tôi lên ga sớm hơn vì có vợ chồng em học sinh cũ của khóa 1976-1979 là nhà giáo nghỉ hưu, bày bán quán nước sát bên ga Tuy Hòa. Một số em cùng lớp nghe tin tôi sắp vào cũng ghé lên ga ngồi trò chuyện. Em Chí đã kể cho tôi nghe về đứa con nuôi của một bạn gái trong lớp là Hoa. Đó là câu chuyện khá cảm động về đứa con nuôi của em Hoa rất thương yêu, lo lắng cho mẹ nuôi còn hơn máu mủ. Đó là mối duyên ngộ tốt đẹp hiếm có trong cuộc sống [1]. 

Những em học sinh cũ lớp 12 D4 tôi dạy văn và làm "chủ nhiệm" năm 1979 thật gắn bó và luôn sẵn sàng giúp nhau khi có chuyện cần. Năm 1978, vợ tôi đã làm "chủ nhiệm" và dạy môn toán cho các em nên các em rất gắn bó với chúng tôi. Cuộc sống của người đi dạy với những lúc gặp gỡ như thế này với những lớp học sinh cũ hay bạn bè thân thiết cũng cho lại nhiều niềm vui trong cuộc đời. Mọi thứ đều đi qua theo thời gian nhưng tình thầy trò sẽ còn mãi!

Sài Gòn, 13/8/2019

Dương Anh Sơn

[1] Xem truyện ngắn NHÂN LÀNH đã đăng trên NHHN 2 tháng trước đây) 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét