Mừng 245 năm nước Mỹ độc lập. (www.pixabay.com)
MỪNG 245 NĂM NƯỚC MỸ ĐỘC LẬP NGHĨ VỀ QUYỀN LỰC CỦA NGƯỜI DÂN
Huỳnh Kim Quang
Ngày 4 tháng 7 năm 2021 đánh dấu 245 năm (1776-2021) ngày nước Mỹ tuyên bố độc lập thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Anh dưới triều đại của Hoàng Đế Anh George Đệ Tam.
Ngày này, 4 tháng 7 năm 1776, nước Mỹ đã công bố Bản Tuyên Ngôn Độc Lập mang tính lịch sử không phải riêng cho nước Mỹ mà còn cho cả nhân loại, bởi vì Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Mỹ nói đến các quyền bất khả tương nhượng của con người: bình đẳng, mưu cầu hạnh phúc và quyết định vận mệnh của cơ chế chính quyền hay là quyền của công dân, dân chủ. Đó là di sản giá trị cao cả của nước Mỹ và cũng chính di sản giá trị cao cả này đã làm cho nước Mỹ văn minh tiến bộ và giàu mạnh trong suốt 245 năm qua.
Tuy nhiên, nền dân chủ của nước Mỹ không phải lúc nào cũng hoạt động một cách bình ổn và vững vàng, mà lắm lúc phải đối diện với những phong ba thử thách và khủng hoảng nghiêm trọng. Cụ thể là trong những năm gần đây, nền dân chủ của nước Mỹ gặp nhiều thách thức ảnh hưởng đến sự tồn tại và uy tín của nó. Nhưng, trước hết cũng cần biết qua nguồn gốc và ý nghĩa của nền dân chủ của nhân loại.
Nguồn gốc của nền dân chủ
Dân chủ trong tiếng Anh là “democracy”, bắt nguồn từ chữ Hy Lạp “dēmokratiā” mà trong đó chữ “demos” có nghĩa là “người dân” và chữ “kratos” có nghĩa là “quyền lực” là nói đến hình thức của chính quyền mà trong đó người dân vừa có quyền chọn lựa những nhà lập pháp điều hành, hay quyền quyết định về luật pháp, theo www.en.wikipedia.org. Những người được xem như thành phần của công dân và làm sao quyền hành được chia xẻ hay được đại diện bởi người dân đã thay đổi theo từng thời đại và ở tốc độ khác nhau tại nhiều nước khác nhau, nhưng nói chung những cư dân của các quốc gia thường được bao gồm trong đó. Nền tảng của nền dân chủ gồm tự do hội họp và ngôn luận, sự bình đẳng, tư cách thành viên, sự đồng thuận, bỏ phiếu, quyền sống và quyền thiểu số.
Khái niệm về dân chủ đã thay đổi liên tục qua từng thời đại. Hình thức nguyên thủy của nền dân chủ là dân chủ trực tiếp, mà trong đó người dân đại diện trực tiếp và quyết định về luật pháp. Hình thức thông thường nhất của nền dân chủ ngày nay là nền dân chủ đại diện, mà trong đó người dân chọn các đại diện để thay thế và quyết định về luật pháp, như nền dân chủ nghị viện và tổng thống.
Thuật ngữ dân chủ xuất hiện vào thế kỷ thứ 5 trước tây lịch để chỉ các hệ thống chính trị và sau đó có mặt tại các thành phố của Hy Lạp, đáng chú ý nhất là tại Cổ Thành Nhã Điển (Athens), có nghĩa là “sự cai trị của người dân,” trái ngược với tầng lớp quý tộc (aristokratía), tức là “sự cai trị của giai cấp thượng đẳng.”
Bức tranh được vẽ bởi họa sĩ Philipp Foltz vào thế kỷ thứ 19 mô tả chính trị gia của Thành Nhã Điển là Pericles đang phát biểu trong một tang lễ nổi tiếng trước Hội Đồng. (www.en.wikipedia.org)
Tuy nhiên, nền dân chủ cũng đã xuất hiện một thế kỷ trước đó, tức thế kỷ thứ 6 trước tây lịch, tại thủ đô Vaishali (Xá Vệ) của Liên Minh Vajji -- Vajji Mahajanapada -- tại Ấn Độ, là một trong những điển hình của nhà nước cộng hòa.
Mahājanapadas, bắt nguồn từ tiếng Phạn mà trong đó chữ “maha” là lớn, và chữ “janapada” là quốc gia hay lãnh địa của người dân, gồm 16 vương quốc hay nhà nước cộng hòa đầu sỏ xuất hiện tại miền bắc của Ấn Độ từ thế kỷ thứ 6 qua thế kỷ thứ 4 trước tây lịch. Trong những thế kỷ này thường được xem như là khúc quanh quan trọng trong lịch sử Ấn Độ cổ đại, mà trong đó là sự trỗi dậy của các thành phố lớn sau sự sụp đổ của Nền Văn Minh Thung Lũng Indus. Đó cũng là thời điểm của sự khởi sinh các phong trào sa môn (sramana) của Phật Giáo và Kỳ Na Giáo thách thức với sự chính thống tôn giáo của Thời Đại Vệ Đà.
Thể chế cộng hòa thời Ấn Độ cổ đại cũng được gọi là Gana-Sangha hay Gana-Rajya trong tiếng Phạn. Chữ gaṇa trong tiếng Phạn và tiếng Pali có nghĩa là “bộ tộc.” Nó cũng có thể dùng để chỉ “tổ chức của nhiều người tham dự” hoặc là “bất cứ sự tập họp hay liên minh nào của những người đàn ông được thành lập để nhắm tới các mục tiêu giống nhau,” đều biểu thị cho sự tập họp của một cộng đồng. Chữ sangha trong tiếng Phạm có nghĩa là “liên minh,” “hội,” “đoàn thể” hay “cộng đồng.” Thí dụ, trong Phật Giáo, chữ sangha (chúng) chỉ cho cộng đồng tăng già của chư vị tỳ kheo và tỳ kheo ni. Chính vì điều này, tập thể Tăng Già Phật Giáo từ thời Đức Phật đến nay sinh hoạt theo thể thức “dân chủ” lấy nguyên tắc “yết ma” (karma) làm nền tảng, tức là mọi quyết định của cộng đồng Tăng Già đều tiến hành qua thể thức lấy ý kiến đồng thuận của tập thể, mà ở đây là sự đồng thuận tuyệt đối. Từ ngữ gana sangha có thể hiểu là “sự cai trị bởi cộng đồng bộ tộc.” Trong các kinh điển Phật Giáo sơ thời như Tăng Chi Bộ Kinh theo hệ Nam Truyền và Tăng Nhất A Hàm theo hệ Bắc Truyền thường xuyên nói đến các vương quốc tại Ấn Độ cổ thời, mà trong các kinh điển dùng thuật ngữ này để chỉ sự cai trị theo thể thức nhà nước cộng hòa, ngược với thể thức quân chủ (saamarajya trong tiếng Phạn).
Dù là nền dân chủ đã có mặt rất sớm trong lịch sử nhân loại, khuynh hướng cai trị đất nước theo thể chế quân chủ, quân phiệt, độc tài và chuyên chế cũng đã có mặt khắp nơi, mà còn có chiều hướng lấn át dân chủ trong suốt quá trình lịch sử tồn tại của loài người. Cụ thể nhất là tại một đất nước đã từng có Tuyên Ngôn Độc Lập và Hiến Pháp tôn trọng quyền sống, quyền làm người, và các quyền tự do dân chủ như Hoa Kỳ, nhưng vẫn còn đó những cá nhân lãnh đạo, những khuynh hướng đảng phái cai trị người dân theo thể thức phản dân chủ.
Tình trạng dân chủ xuống dốc ở Mỹ
Trong bản phúc trình thường niên gần đây nhất của Tổ Chức Freedom House về Tự Do Trên Thế Giới được công bố ngày 3 tháng 3 năm 2021, cho thấy rằng nền dân chủ của Hoa Kỳ đã xuống dốc bởi 3 điểm vì các sự kiện trong năm 2020, với tổng số suy giảm của 11 điểm trên thang điểm 100 trong thập niên qua. Các quan ngại chính được nêu bật trong phúc trình đó gồm sự bắt bớ hàng loạt và bạo động chống lại các ký giả tại các cuộc biểu tình, cách chức tổng thanh tra và những vi phạm khác của các chuẩn mực nhằm ngăn chận sự hành hung của cảnh sát, không minh bạch và thông tin sai lệch liên quan đến đại dịch Covid-19, và các nỗ lực của cựu Tổng Thống Trump để đảo ngược quyết định của cử tri Mỹ trong một cuộc bầu cử an ninh nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
Trong bối cảnh toàn cầu, các sút giảm quy mô của Hoa Kỳ đều đáng lưu ý và lo ngại. Dù Hoa Kỳ vẫn là quốc gia Tự Do, nó đã rớt khỏi các bậc thang cao hơn của thể loại đó và hiện xếp hạng cùng với các quốc gia có lịch sử dân chủ kém vững chắc hơn, như Romania, Croatia, và Panama.
Theo bản thông cáo báo chí của Tổ Chức Freedom House, cơ chế chuyên theo dõi sự thực thi dân chủ và những vi phạm nhân quyền có trụ sở tại Hoa Kỳ, được công bố ngày 22 tháng 3 năm 2021, cảnh báo rằng nền dân chủ Mỹ đã xuống dốc một cách đáng kể trong thập niên qua và kêu gọi sự cải tổ khẩn cấp.
Freedom House nêu chi tiết các sự kiện tụt dốc của nền dân chủ Mỹ đề cập đến các biện pháp giải quyết bất công vì kỳ thị chủng tộc, ảnh hưởng lợi ích đặc biệt, và sự phân cực đảng phái nằm trong số những ưu tiên cần quan tâm hàng đầu.
Trong phúc trình đặc biệt của Tổ Chức Freedom House có tên “From Crisis to Reform: A Call to Strengthen America’s Battered Democracy [Từ Khủng Hoảng Tới Cải Tổ: Lời Kêu Gọi Củng Cố Nền Dân Chủ Bị Tổn Hại], mà trong đó xác định 3 vấn đề lâu dài làm suy yếu sức khỏe của hệ thống chính trị Hoa Kỳ: đối xử bất công đối với người da màu, ảnh hưởng quá đà của các lợi ích đặc biệt trong chính trị, và sự phân cực đảng phái.
Phúc trình kết luận rằng 3 vấn đề lớn này kết hợp với nhau tạo ra một vòng lẩn quẩn của sự mất lòng tin và rối loạn chức năng, và rằng sự giải quyết các vấn đề đó với sự khẩn cấp và kiên quyết là quan trọng để phục hồi niềm tin của người dân Mỹ không chỉ trong chính quyền, mà còn trong chính nền dân chủ.
“Nền dân chủ của chúng ta đang bị bất ổn,” theo Michael J. Abramowitz, Chủ Tịch của Tổ Chức Freedom House, cho biết, “và sức mạnh của nền dân chủ Mỹ là quan trọng đối với người dân khắp nơi, không chỉ tại Hoa Kỳ. Quốc Hội và chính phủ Biden phải đặt nó lên thành ưu tiên để củng cố các cơ chế của chúng ta, phục hồi các chuẩn mực dân sự, và duy trì sự cam kết của nền tự do phổ quát mà trong đó đất nước của chúng ta được khai sinh.”
“Tình trạng dân chủ của Hoa Kỳ có ý nghĩa đối với sự tự do và dân chủ trên khắp thế giới,” theo Sarah Repuccie, phó chủ tịch đặc trách nghiên cứu và phân tích của Freedom House, cho biết. “Phong trào dân chủ tại các quốc gia khác trông vào Hoa Kỳ để có cảm hứng và ủng hộ, và các nhà lãnh đạo độc tài chỉ ra một cách sai lầm các vấn đề của nước Mỹ như là bằng chứng kém cỏi vốn có của nền dân chủ và như loại giấy phép cho những lạm quyền của chính họ.”
Mặt khác, trong những tuần lễ gần đây khi cuộc vận động cho cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 năm 2022 đã bắt đầu trên khắp nước Mỹ, nhiều dấu hiệu về cuộc sự xuống dốc của nền dân chủ Mỹ vẫn không hoàn toàn biết mất mà đang có cơ hội tái phát.
Bản tin của hãng thông tấn Mỹ CNN hôm 2 tháng 6 năm 2021 cho biết rằng nền dân chủ Mỹ -- dưới sự tấn công liên tục nhiều mặt từ cựu Tổng Thống Cộng Hòa Donald Trump – đang cho thấy là nó có đủ sức mạnh để tự cứu mình không.
Một tiền đề như thế sẽ được xem là vô lý qua chiều dài lịch sử của nước Mỹ. Nhưng kể từ khi Trump rời nhiệm sở sau khi phá hủy truyền thống chuyển giao quyền lực ôn hòa trong nỗ lực bất thành để đánh cướp cuộc bầu cử năm 2020, nó đã rõ rằng sự nổi dậy của ông ấy là cuộc chiến đấu đầu tiên trong cuộc chiến chính trị lâu dài khi các đồng minh của ông tung ra những tưởng tượng buồn cười về việc ông trở lại nắm quyền để vỗ tay hoan hô và tuyên bố trên mạng.
Bộ máy của các cơ thế Mỹ dường như không tồn tại khi Trump cố gắng nắm quyền một cách bất hợp pháp vẫn đang bị Cộng Hòa thao túng để làm cho đất nước kém dân chủ hơn. Các nỗ lực của Cộng Hòa để chuẩn bị các trận chiến bầu cử đang diễn ra rộng khắp. Từ Georgia, Arizona tới Florida và tại nhiều tiểu bang khác, Cộng Hòa đang vận dụng các nỗ lực bên trong để cắt ngắn giờ bỏ phiếu, chận đứng việc bỏ phiếu sớm và bằng thư và quăng bỏ các lá phiếu hợp pháp – tất cả đều nằm dưới biểu ngữ vì an ninh bầu cử.
Trong khi Trump có thể bị cấm trên Twitter, ông đã gửi đi các tuyên bố hằng ngày chung quanh những lời nói dối và kích động lan truyền trong số những người ủng hộ ông trên truyền thông xã hội.
Và tại Thượng Viện Hoa Kỳ, Cộng Hòa sẽ sử dụng luật cản trở -- mà các nhà chỉ trích xem như là phản đề của nền dân chủ -- để ngăn cản dự luận của Dân Chủ mà tìm cách đánh lại tất cả các nỗ lực đó.
Tổ Chức Freedom House cũng nêu ra các nguyên nhân tạo nên sự xuống dốc lâu dài của nền dân chủ Mỹ.
Các nguyên nhân tạo nên sự xuống dốc của nền dân chủ Mỹ
Trước hết là sự đối xử bất bình đẳng đối với người da màu. Là một quốc gia và một xã hội, Hoa Kỳ đã gặp khó khăn để xóa bỏ quá khứ di sản của chủ nghĩa nô lệ và Jim Crow – luật tiểu bang và liên bang Hoa Kỳ thực hiện việc phân biệt chủng tộc tại Miền Nam nước Mỹ. Trong khi những bước tiến lớn đã được thực hiện trong các lãnh vực xóa bỏ sự phân biệt chính thức và hệ thống hóa các quyền dân sự, sự đối xử không bình đẳng đối người da màu trên thực tế vẫn còn là thách thức rất lớn và thúc bách.
Sự phân biệt đối xử trong hệ thống tư pháp hình sự, từ bạo hành cảnh sát chống người Mỹ Da Đen tới việc giam cầm không cân xứng đối với người da màu, đặc biệt làm tổn hại tới xã hội Hoa Kỳ và niềm tin của người Mỹ vào chính phủ.
Thứ hai là ảnh hưởng của lợi ích đặc biệt trong chính trị. Nguyên nhân lớn của mất niềm tin của công chúng vào chính quyền là ảnh hưởng quá lớn của các lợi ích đặc biệt mạnh mẽ trong chính trị và giới làm chính sách. Phán quyết năm 2010 Citizens United, mà trong đó Tối Cao Pháp Viện đã cho thấy rằng hiến pháp cấm các hạn chế của chính quyền lên việc quảng cáo chính trị bởi những công ty và các pháp nhân khác, làm trầm trọng thêm vấn đề.
Hoa Kỳ vượt trội so với các nước khác về quy mô và khoảng thời gian của các chi tiêu vận động và các nỗ lực gây quỹ đòi hỏi để thúc đẩy chúng. Trong một số nền dân chủ tương tự sử dụng tiền tư nhân có ảnh hưởng hớn như vậy lên bầu không khí chính trị.
Thứ ba là sự phân cực đảng phái. Các phân hóa đảng phái ngày càng sâu hơn đã bóp méo các luận đàm về chính trị và dân sự, khuyến khích chủ nghĩa cực đoan, và dẫn tới việc rối loạn chức năng của chính quyền, thường ngăn cản đất nước giải quyết các vấn đề chung và thúc đẩy lợi ích công cộng.
Những suy yếu trong hệ thống bầu cử của Hoa Kỳ, như việc sắp xếp gian lận của đảng phái, nuôi dưỡng sự phân cực qua việc khuyến khích các lập trường đảng phái triệt để trong các cuộc bầu cử sơ bộ, ràng buộc việc xác định tư cách đảng phái với các đặc tính chủng tộc, và việc phá hoại ý thức về bản sắc dân tộc chung.
Tổ Chức Freedom House trong bản phúc trình nói trên cũng đưa ra các đề nghị về chính sách.
Như một phần của nỗ lực toàn diện để giải quyết việc bất bình đẳng chủng tộc, loại bỏ những rào cản không cần thiết đối với việc bỏ phiếu mà không khuyến khích sự tham gia tối đa và trong một số trường hợp ảnh hưởng không đồng đều những người da màu.
Cắt bỏ ảnh hưởng quá lớn của tiền bạc trong chính trị và giới làm chính sách bằng việc siết chặt và thực thi các luật lệ vận động tài chánh.
Thiết lập các ủy ban phân chia lại địa hạt độc lập tại tất cả 50 tiểu bang để đảo ngược các ảnh hương phân cực của việc sắp xếp gian lận theo đảng phái.
Quyền lực của người dân
Bỏ phiếu chọn người đại diện cho dân để điều hành việc nước là một trong những quyền lực của người dân. (nguồn: https://fortune.com)
Cốt lõi của nền dân chủ nằm ở quyền lực của người dân. Thể chế chính trị điều hành đất nước chỉ là thay dân để làm việc và phục vụ ý muốn của dân. Khi thể chế chính trị điều hành đất nước không đáp ứng được ý muốn của dân thì người dân có quyền thể hiện cái quyền công dân của mình để đòi hỏi thay đổi chính sách hay chế độ. Ở thời đại quân chủ đang thịnh hành tại Trung Hoa ngày xưa mà nhà hiền triết Mạnh Tử đã dám nói rằng, “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” [Dân là quý nhất, thứ đến là đất nước và sau cùng mới tới vua].
Khi người dân còn thể hiện được ý nguyện qua sức mạnh của họ bằng lá phiếu hoặc bằng những cuộc xuống đường thì nền dân chủ vẫn còn đó. Kết quả của cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 vừa qua là bằng chứng cụ thể cho thấy nước Mỹ vẫn còn là đất nước dân chủ dù bị nhiều giao động và tổn hại bởi một số cá nhân lãnh đạo hay tinh thần đảng phái cực đoan.
Trong bản phúc trình nói trên, Chủ Tịch của Tổ Chức Freedom House đã không tuyệt vọng bởi vì ông tin vào quyền lực của người dân ở Mỹ vẫn còn đó khi ông phát biểu:
“Vẫn còn nhiều lý do để hy vọng,” theo Abramowitz. “Dù các nỗ lực nghiêm trọng của cựu tổng thống [Trump] để đảo ngược ước muốn của người dân trong cuộc bầu cử vừa qua, cuối cùng có một cuộc chuyển quyền ôn hòa vào ngày 20 tháng 1 năm 2021. Các cơ chế dân chủ của chúng ta đã đứng vững trước các tấn công liên tục. Mối đe dọa đã qua, nhưng chúng ta đã đối diện với những ngày đen tối trong nền dân chủ của chúng ta trước đây và đã tìm thấy sự phục hồi qua việc quay trở lại hướng tới các giá trị cốt lỗi của chúng ta. Đây là lúc để làm như thế lần nữa.”
Huỳnh Kim Quang - Việt Báo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét