NGUYỄN DU VÀ TÁC PHẨM
MỤC II:
VĂN NGHIỆP CỦA NGUYỄN DU
Sự nghiệp văn chương của Nguyễn Du được đánh dấu qua các tác phẩm Hán văn và được biết đến nhiều hơn cả là các tác phẩm quốc âm còn lan truyền cho đến ngày nay mà Truyện Kiều (tức Đoạn Trường Tân Thanh) là một điển hình.
Đương thời các sĩ phu rất khen phục văn tài lỗi lạc của năm danh sĩ mệnh danh là “An Nam Ngũ Tuyệt” trong đó, Nguyễn Du và cháu là Nguyễn Đạm đã chiếm hai chỗ rồi. (Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện, Tang Thương Ngẫu Lục). Điều đó cũng phản ánh phần nào văn tài và xác định văn nghiệp Tố Như. Tuy nhiên, để có thể hiểu được phần nào văn nghiệp Tố Như, không gì hơn là lần lượt đi tìm hiểu các tác phẩm của ông.
TIẾT 1: TÁC PHẨM HÁN VĂN VÀ ẢNH HƯỞNG ĐẠO PHẬT
A.- TÁC PHẨM HÁN VĂN
Khi tìm hiểu Nguyễn Du, nhất là ĐTTT tức Truyện Kiều, hầu như người ta chỉ chú ý đặc biệt đến các tác phẩm quốc văn mà xao lãng những tác phẩm viết bằng Hán văn của tiên sinh. Điều này một phần là do các tác phẩm chữ Hán ít được phổ biến rộng rãi so với các tác phẩm quốc văn của Tố Như nên chưa được quan tâm đúng mức.
Trong khoảng thời gian 1920 trở về sau, có rất nhiều học giả như các ông: Bùi Kỷ, Lê Thước, Đào Duy Anh, Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh… đã ra công sưu tập được một phần lớn và cho công bố lẻ tẻ đăng rải rác trên các sách báo bấy giờ. Một phần nào đó, chúng ta đều công nhận cố gắng của Phạm Quỳnh khi đề xướng phong trào ca tụng Truyện Kiều. Nhờ thế, một số tác phẩm khác nhau của Nguyễn Du đã được lưu ý và phát hiện vào khoảng năm 1931 trên tạp chí Nam Phong. Đồng thời, trước đó các ông Lê Thước và Phan Sĩ Bàng đã xuất bản vào năm 1924 “Truyện cụ Nguyễn Du”, đến năm 1942, ông Đào Duy Anh cũng cho xuất bản “Nguyễn Du Văn Họa Phổ” [1] và năm 1943 “Khảo luận về Kim Vân Kiều”. Trong những sách xuất bản này, tác giả chỉ công bố một số ít thơ Hán văn mà thôi.
Khoảng thời gian sau này, thỉnh thoảng người ta lại thấy xuất hiện một số thơ chữ Hán của Tố Như đăng rải rác trên các báo bên cạnh những bài thơ đã được công bố từ lâu. Năm 1966, nhà thơ Thi Vũ ở Paris đã sao lục được thêm một số lớn thơ chữ Hán nữa và đã gửi cho nhà thơ Quách Tấn cả thảy 245 bài (“Thanh Hiên thi tập” 75 bài, “Nam Trung tạp ngâm” 40 bài và Bắc Hành tạp lục” 130 bài). Mặc dầu số thơ này chưa phải toàn bộ là thơ chữ Hán của Nguyễn Du, nhưng nhà thơ Quách Tấn cho đến thời gian này (1973) mới chỉ diễn dịch được 104 bài thơ và cho xuất hiện trong số “Tố Như Thi” [2]. Chúng ta chờ đợi những công bố mới, dù ít dù nhiều sẽ là những tài liệu quí báu giúp ít cho việc khảo cứu Nguyễn Du và đặc biệt Đoạn Trường Tân Thanh. Mặt khác, việc hiệu đính của tác phẩm chữ Hán này cũng cần được chú trọng. Chúng ta mong đợi công trình của các bậc túc nho vậy. Trong thời gian này, ngoài Bắc các ông Trương Chính, Nguyễn Thạch Giang cũng có những công trình rất quan trọng.
Thơ chữ Hán của Tố Như tương truyền xuất phát từ ba tập thơ Hán văn:
1/ Thanh Hiên Tiền Hậu Tập (青軒前後集)
2/ Nam Trung Tạp Ngâm (南中雜吟)
3/ Bắc Hành Tạp Lục (北行雜録)
Bên cạnh còn có tập Lê Quý Kỷ Sự (黎季紀事) tương truyền cũng là tác phẩm Hán văn của Nguyễn Du ghi chép những sự việc xảy ra từ cuối đời nhà Lê và trong cuộc đời làm quan của ông. Cho tới ngày nay người ta vẫn chưa biết rõ về tác phẩm thứ tư này, ngoài những thi phẩm chữ Hán kể trên.
Phân tích ba tập thơ chữ Hán, chúng ta nhận thấy Tố Như đã làm ra trong những thời kỳ khác nhau. Đồng thời chân nhận phần nào tâm trạng và tư tưởng của tiên sinh hầu như có thể soi sáng cho Truyện Kiều. Theo đó, chúng ta có thể tạm phân định như sau:
1./- Thanh Hiên Tiền Hậu Tập là những bài thơ làm ra từ trước và trong thời kỳ làm quan. Căn cứ vào việc tìm hiểu và phân tích ý tưởng của bài thơ nơi tập này, người ta thấy rõ Nguyễn Du tiên sinh đã sáng tác qua ba giai đoạn:
- Giai đoạn tha hương nơi đất khách, tiêu dao ở núi Hồng Lĩnh sông Lam (1786-1795).
- Giai đoạn trở về sinh sống ở quê nhà (1796-1802).
- Giai đoạn ra làm quan với nhà Nguyễn (1802-1820).
Tuy nhiên, sự phân định này không có gì là chắc chắn cả; các bài thơ chữ Hán thâu thập rải rác đã được xếp loại dựa vào phần lớn ý tưởng và các địa danh mà tiên sinh đề cập mà thôi. Chúng ta vẫn chưa thấy ai nêu rõ sự kiện này.
Dầu vậy, nhìn một cách tổng quát, chúng ta nhận thấy phần lớn những tư tưởng về đạo, những ý nghĩa về cuộc đời và thiên nhiên, những tình cảm dành cho bạn bè, gia đình và nhất là mối tâm sự chất ngất của tiên sinh hầu như đều nằm ở thi tập này. Mặt khác, ngay tên gọi của thi tập cũng cho thấy phần nào ý nghĩa của các bài thơ bên trong.
2./- Nam Trung Tạp Ngâm là những bài thơ được sáng tác trong thời kỳ làm quan ở kinh đô Huế (1805-1808) và tại Quảng Bình (1809-1812) (vùng đất Nam Trung là địa danh chỉ giang sơn cũ trước kia của nhà Nguyễn nằm từ Hoành Sơn trở vào Nam, Bắc Hà thuộc vua Lê, chúa Trịnh nằm từ Hoành Sơn trở ra).
Phần lớn những bài thơ trong tập Nam Trung được công bố đã phản ánh tâm trạng của tiên sinh nơi chốn quan trường. Tiên sinh cảm thấy như bị giam hãm tù túng trong đời sống đầy sự tranh đua phiền toái này. Do đó tiên sinh đã tỏ vẻ luyến tiếc nhớ nhung về một thời thong dong “nghêu ngao vui thú yên hà” của ngày tháng cũ. Dù muốn dù không, chúng ta cũng phải công nhận rằng thời kỳ làm quan của Nguyễn Du tuy hanh thông, nhưng tiên sinh có vẻ “bất đắc chí” là một điều hẳn nhiên. Những bài thơ trong tập này nếu được xét kỹ sẽ chứng thực sõ điều này.
3./- Bắc Hành Tạp Lục gồm các bài thơ làm trong thời gian đi sứ triều cống Trung Hoa (1813-1815). Sắp xếp theo các địa danh và đầu đề của những bài thơ này, chúng ta sẽ vạch được con đường đi của ông từ kinh đô Phú Xuân cho đến khi sang Tàu và trở về. Đồng thời, con đường đi này cũng thể hiện phần nào tâm thức của tiên sinh biến chuyển theo từng chặn hành trình.
Từ Kinh đô đến thành Thăng Long và qua đến Bắc Kinh chất đầy bao nỗi ưu tư, khắc khoải về cuộc đời. Khi nhiệm vụ hoàn tất, trên đường về ghé đến Nam Kinh và dưới chân “Phân Kinh Thạch Đài”, tiên sinh đã chứng ngộ được diệu nghĩa, giải đáp được nỗi lo nghĩ mà kinh điển và cuộc đời đem lại. Từ đây, cuộc hành trình của tiên sinh đã phần nào thoải mái hơn, tâm thức của tiên sinh cũng đã đổi khác.
B.- ẢNH HƯỞNG TƯ TƯỞNG ĐẠO PHẬT
Như đã trình bày trong các phần trên, chúng ta đã thấy dấu vết đạo Phật trong các thi phẩm của Nguyễn Du tiên sinh khá đặc biệt. Chất liệu của loại đạo Phật này vẫn dựa vào đời sống, dựa vào cảnh vật thiên nhiên, nhưng đã mang một phong vị mới và dưới một lăng kính khác. Việc tìm hiểu về đạo Phật trong các thi phẩm này, phải với một lối nhìn thật cởi mở và đứng đắn người ta mới dễ dàng chấp nhận nó. Đặc chất của loại đạo Phật ấy không còn nguyên vẹn và khô khan của những nguyên lý hay những học thuyết nguyên thủy, nhưng đã biến thái dưới chiều hướng có vẻ pha trộn dấu vết của Lão Trang – hay nói cho đúng hơn – là dấu vết của Thiền. Thiền là gì? Đó là câu hỏi ngàn đời không thể trả lời được nếu không bước vào nguồn suối của nó. Và Nguyễn Du tiên sinh trong hầu hết thi ca Hán văn đã lấy đối tượng của cảnh vật thiên nhiên đổi thay bốn mùa, của trời trăng mây nước hòa với ý nghĩ của mình để tạo thành một loại thơ nhuốm màu sắc đạo giáo. Đây là một thứ “tôn giáo của nghệ sĩ” (The religion of Artist) – nói theo một tác phẩm của Tagore – nên các bài thơ này là một bức tranh thủy mạc chấm phá đôi nét những tâm sự gửi vào trang thơ như một niềm mơ ước trở về cố hương:
“… Hà năng lạc phát quy lâm khứ,
Ngọa thính tùng phong hưởng bán vân”
(Tự thán, Bài 2) [3]
何 能 落 髮 歸 林 去
臥 聼 松 風 響 半 雲
(自 歎 其 二)
Tạm chuyển lục bát:
Làm sao xuống tóc vào rừng,
Nghe thông lộng gió nửa chừng tầng mây
(Than thân – Bài 2)
hoặc:
“… Dao ức gia hương thiên lý ngoại,
Trạch xa, đoạn mã quý đông lân”
(Mạn hứng, Bài 1) [4]
遙 億 家 鄉 千 里 外
澤 車 段 馬 愧 東 鄰
(漫興其一)
Xa nhớ quê hương ngàn dặm, thẹn với người hàng xóm cỡi ngựa đủng đỉnh.
Tạm chuyển lục bát:
Nhớ nhà ngàn dặm xa xôi,
Xóm đông xe ngựa rong chơi thẹn lòng
(Mạn hứng, Bài 1)
hoặc:
“… Vị hữu văn chương sinh nghiệt chướng
Bất dung trần cấu tạp thanh hư
Tam lan song hạ ngâm thanh tuyệt
Điểm điểm tinh thần du thái sơ”
(Ngọa bệnh, Bài 1)
未有 文 章 生 孽 障
不 容 塵 垢 雜 清 虛
三 蘭 窗 下 吟 聲 絶
點 點 精 神 遊 太 初
(臥病其一)
Chưa có chuyện văn chương sinh nghiệt chướng, không để bụi bặm lẫn vào chốn trong sạch. Dưới của sổ có ba khóm lan, bặt tiếng ngâm. Tinh thần dần dần về cõi ban sơ.
Tạm chuyển lục bát:
Chưa hề sinh lụy văn chương
Cõi không trong lắng chẳng vương bụi đời
Bên lan ba khóm ngâm vời ,
Tinh thần dần đến cõi trời ban
sơ.
(Nằm bệnh, Bài 1)
hoặc:
“… Long Vĩ giang đầu ốc nhất gian ,
U cư sầu cực hốt tri hoan
Đạt nhân tâm cảnh quang như nguyệt
Xử sĩ môn tiền thanh giả san…”
(Tạp ngâm, Kỳ nhị)
龍 尾 江 頭 屋 一 閒
幽 居 愁 極 忽 知 歡
達 人 心 境 光 如 月
處 志 門 前 青 者 山
(雜吟 其二)
(Đầu sông Long Vĩ một gian nhà, ở trong nơi vắng vẻ sầu cực độ bỗng thấy vui. Cõi lòng của kẻ đạt nhân sáng như trăng. Trước của ngõ người xử sĩ là sắc núi xanh … ). [5]
Tạm chuyển lục bát:
Đầu sông Long Vĩ một nhà,
Quá buồn ở ẩn chốc đà hân hoan.
“Đạt nhân” lòng sáng như trăng
Trước nhà người ẩn giăng hàng núi xanh.
(Tạp ngâm – Bài 2)
Nhưng có lẽ rõ nhất là bài "Đạo Ý". Chúng ta sẽ thấy quả thật là Tố Như đã thấu hiểu lẽ thiền:
Minh nguyệt chiếu cổ tỉnh,
Tỉnh thủy vô ba đào.
Bất bị nhân khiên xả,
Thử tâm chung bất dao.
Túng bị nhân khiên xả,
Nhất dao hoàn phục chỉ.
Trạm trạm nhất phiến tâm,
Minh nguyệt cổ tỉnh thủy.” [6]
明 月 照 古 井
井 水 無 波 濤
不 被 人 牽 扯
此 心 終 不 搖
縱 被 人 牽 扯
一 搖 還 復 止
湛 湛 一 片 心
明 月 古 井 水
(道意)
Tạm chuyển lục bát:
Giếng xưa trăng sáng soi vào,
Nước kia sóng chỉ gợn trào giếng đây
Chẳng ai trói buộc dắt bày
Không làm lay động lòng này xôn xao
Dẫu ai dẫn dắt đi nào
Lao xao rồi lại trở vào lắng trong
Sâu dày cả một cõi lòng
Giếng xưa vằng vặc sáng vầng trăng soi.
(Nói ý mình)
Thêm vào đó, một số bài thơ khác, chẳng hạn bài “Đề nhị thanh động”, Tố Như tiên sinh đã bày tỏ cõi lòng mình trước vũ trụ thiên nhiên; tâm thức của tiên sinh nơi đây hoàn toàn mang phong khí của đạo thiền, hiểu đạo thiền như là tinh hoa của đạo Phật và trong kích thước của những nhà nghệ sĩ:
ĐỀ NHỊ THANH ĐỘNG
Bàn cổ sơ phân bất ký niên
Sơn trung sinh quật, quật sinh tuyền
Vạn ban thủy thạch thiện đại xảo
Nhất lập càn khôn khai tiểu thiên
Mãn cảnh giai không hà hữu tướng
Thử tâm thường định bất ly thiền
Đại sư vô ý diệc vô tận
Phủ thán thành trung đa biến thiên. [7]
題二青洞
盤 古 初 分 不 記 年
山 中 生 窟 窟 生 泉
萬 般 水 石 擅 大 巧
一 粒 乾 坤 開 小 天
滿 境 皆 空 何 有 相
此 心 常 定 不 離 禪
大 師 無 意 亦 無 盡
俯 嘆 城 中 多 變 遷
Tạm chuyển lục bát:
Trước bàn cổ chẳng nhớ năm,
Hang nằm lòng núi, suối ngầm động sâu.
Lớp lang đá nước khéo sao!
Càn khôn một hạt mở thâu khoảnh trời.
Là không tướng trạng đâu rồi?
Lòng này thường định chẳng rời thiền tâm
Bao la lẽ Phật ý KHÔNG,
Biết bao thay đổi thành trong ngậm ngùi.
(Đề lên ở Nhị Thanh động)
Toàn cảnh đều là không nào đâu là hình tướng? Lòng này thường định không rời Thiền… Ở giữa sự khéo léo của hóa công ra tay xếp đặt cảnh trí vũ trụ, lòng tiên sinh đã nhận thức được tính chất vô thường của sắc tướng xuyên qua sự chứng nghiệm của cái tâm đã luôn định và không rời Thiền.
Nhiều bài thơ chữ Hán khác cũng cho thấy phong vị thiền, nhưng phạm vi tiểu luận nhỏ hẹp không cho phép đào sâu hơn. Dầu vậy, một vài nét phác họa về ảnh hưởng thiền trong thơ chữ Hán của Tố Như đã phần nào cho thấy tâm trí và con người tiên sinh. Vả lại, thơ là để cảm nghiệm nhiều hơn là để phân tích, để trực ngộ hơn là suy diễn dài dòng nên khó có thể trình bày đâu là phong vị thiền. Định nghĩa được sẽ không còn là thiền, sẽ không thấy được ý tứ mà thơ chất chứa. Như Nguyễn Du đã đề cập trong bài thơ trên: "Lòng này thường ĐỊNH vẫn không rời THIỀN" (Thử tâm thường định bất ly thiền). Chất thiền của Tố Như là gì? Có ích gì không khi chúng ta bàn thêm về những gì mà một thi sĩ đã trình bày, nhất là những bài thơ nói về một cõi thanh hư nào đó như một hạnh ngộ. Chỉ những ai uống trà mới cảm nghiệm được hương vị của tách trà như thế nào và chỉ những ai “qua cầu” nhìn lại mới thấu rõ đâu là nỗi đoạn trường mà mình từng trải thôi!
* * * * *
Chúng ta yêu mến và trân trọng Đoạn Trường Tân Thanh (Truyện Kiều) vì rất nhiều cái hay, cái đẹp chứa đựng trong đó, nhất là nghệ thuật tả cảnh, tả tình, cách sử dụng từ ngữ, nghệ thuật phô diễn tư tưởng đạo Phật… đã đạt đến đỉnh cao trong nền thơ ca Việt Nam. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở ĐTTT mà không đi sâu vào “Thơ Chữ Hán” của Nguyễn Du quả là một thiếu sót lớn trong cách nhìn về một tác giả có tầm ảnh hưởng rộng khắp như tiên sinh. Muốn hiểu về con người, tư tưởng và những suy nghĩ của Tố Như, cũng như những bước đường đời của ông, “Thơ Chữ Hán” là một cánh cửa mở ra, soi rõ tài năng và nhân cách lớn của một bậc thi hào. Đi từ Thanh Hiên Tiền Hậu Tập, qua Nam Trung Tạp Ngâm cho đến Bắc Hành Tạp Lục đều chứa đựng những dấu ấn để ta thấy rõ và sâu hơn về Nguyễn Du. Tính cách của một bậc thi hào theo đúng với nghĩa của nó như Tố Như tiên sinh sẽ cho chúng ta thấy được nét tài hoa, sự thâm thúy không kém gì các bậc thi hào như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Vương Duy, Lý Thương Ẩn… v.v... của thơ ca Trung Hoa. Nghệ thuật làm thơ Đường cũng như biết bao tư tưởng về nhân sinh, về đạo Phật và nhất là thân phận con người trong “Thơ Chữ Hán” đã cho thấy một tầm vóc lớn lao của một nhà thơ tài hoa như Nguyễn Du .
Có thể nói rằng, chúng ta đọc “Thơ Chữ Hán” để thấy được, hiểu hơn về nhân cách, tài năng của Nguyễn Du và đọc Truyện Kiều để chân nhận về những nét tài hoa ấy.
[1] Xem Quách Tấn, S.đ.d, trang x. (trang 10)
[2] Xem Quách Tấn, S.đ.d, trang x (trang 10)
[3] Quách Tấn, S.đ.d, tr. 33, 43, 70.
[4] Quách Tấn, S.đ.d, tr. 33, 43, 70.
[5] Quách Tấn, S.đ.d, tr. 75, 79.
[6] Quách Tấn, S.đ.d, tr. 75, 79.
[7] Nguyễn Đăng Thục, S.đ.d, tr. 289-290.
(Lần đến: MỤC II , TIẾT 2: Tác phẩm chữ Nôm và ảnh hưởng tư tưởng đạo Phật)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét