Tôi vẫn còn nhớ vào giữa năm 2003, chúng tôi gồm nhiều thế hệ CSV Đại Học Văn Khoa Dalat, Ban Triết học, Viện Đại Học Dalat, đã từng theo học môn Triết học Trung Hoa do Thầy Giản Chi giảng dạy từ năm 1964 -1975 đến thăm Thầy trong một ngõ hẻm của khu chung cư Hoàng Diệu, ở đường Hoàng Diệu, Quận Tư, Saigon để mừng Thầy 100 tuổi.
Ở tuổi "bách niên", Thầy Giản Chi với giọng ấm cúng và với một trí nhớ vẫn còn sự minh mẫn, đã cùng chúng tôi ôn lại một vài kỷ niệm trong những năm theo học với Thầy. Có nhiều lúc khi trò chuyện, Thầy cười sang sảng vui vẻ, đọc cho chúng tôi nghe một vài bài thơ đắc ý của thầy. Trong đó có bài: CẢM TÁC NĂM CHÍN MƯƠI TUỔI . Tôi đã cùng các anh chị em ghi lại:
Ô hay cuộc sống như vầy
hả?
Ngó trước, trông sau bóng
hỏi hình.
Một kiếp phù du vờ ấy
xác,
Trăng khoanh huyễn hoặc,
giả là danh.
Được thua, đi ở âu phần
mệnh,
Phú quý vinh hoa lọ giật
giành.
May có duyên thơ khuây
tóc bạc,
Sông xuân gió dịu ,
nguyệt long lanh.
(Giản Chi 26/3/1993)
Tôi đã theo học Thầy suốt hai năm học ở năm thứ 2 và năm thứ 3. Những giảng khóa về triết học Trung Hoa của Thầy Giản Chi và Thầy Lương Kim Định đã cho chúng tôi những hiểu biết về những giá trị nhân bản của Trung Hoa hình thành bởi nhiều nhà tư tưởng lớn lâu đời luôn đề cao tính Thiện, đề cao Nghệ thuật sống cùng nhiều cái hay, cái đẹp trong nền học thuật của họ. Tuy nhiên, nhờ những giờ học về Trung Hoa, chúng tôi cũng hiểu thêm mặt trái của nền văn minh đó do những kẻ cầm quyền xưa nay của họ thao túng luôn đề cao cái Ác, đề cao sự xâm lăng các dân tộc khác và cả cách họ đối xử với chính dân tộc Hán của họ!
..... Ngoài ra, những giờ học của Thầy cùng với Thầy Trần Trọng San đã giúp tôi đâm ra mê say cố gắng trau dồi chữ Hán (dù chúng tôi không học ban Việt Hán). Chúng tôi được học Hán Văn chỉ ở năm thứ nhất và năm thứ hai nhằm có một ít căn bản để có thể hiểu hơn về triết học Trung Hoa. Các vị ân sư ở đại học đã giúp chúng tôi mở rộng sự hiểu biết về triết Tây và triết Đông cùng lúc cho bốn năm học chứ không tách ra hai lĩnh vực này như khuynh hướng một số đại học văn khoa khác.
Nhắc lại vài hồi ức về Thầy Giản Chi nói riêng và các vị ân sư khác nói chung để trân trọng nhân cách và những bài giảng mà các Thầy đã mở cửa giúp tăng tiến sự hiểu biết của chúng tôi, trong đó có môn Triết học Trung Hoa do Thầy Giản Chi giảng dạy. Chúng tôi luôn biết ơn và kính trọng những bậc Thầy như thế. Đó là những người thầy đã ăn sâu trong tim não của chúng tôi và là những dấu ấn tốt đẹp của thời học đại học trước 1975.
Sau đây, xin mượn bài viết của anh Lâm Hữu Tài, ( bạn cùng lớp với anh bạn thân là Nguyễn Anh Khiêm, tác giả cuốn KÝ ỨC SƠ SÀI, NXB Người Việt Books, USA) đã tóm tắt về cuộc đời Thầy Giản Chi:
- Nguyên Giáo Sư
Đại Học Văn Khoa và Đại Học Sư Phạm, Viện Đại Học Saigon.
- Nguyên Giáo Sư Đại
Học Văn Khoa Huế, Viện Đại Học Huế.
- Nguyên Giáo Sư Đại
Học Văn Khoa Dalat, Viện Đại Học Dalat.
VÀI DÒNG TIỂU SỬ G.S Giản Chi Nguyễn Hữu Văn
[Do anh Lâm Hữu Tài, CSV Ban Việt Hán ĐHVK Saigon, 1966-1969 viết]
1- Tiểu sử:
Thầy Giản Chi sinh năm Giáp Thìn (1904), quê làng Yên Quyết (làng Cót), phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội). Thuở nhỏ theo đòi Nho học; đến năm 14 tuổi đỗ khóa sinh, sau đó được vào học trường Bưởi. Thầy tốt nghiệp trường Cao đẳng Công chính Hà Nội, sau khi tốt nghiệp được tuyển làm công chức ngành bưu điện tại Lai Châu, Sơn La, tỉnh Hải Dương. Thầy bắt đầu cộng tác với một số tờ báo tại Hà Nội. Khi Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, thầy đưa gia đình lên miền thượng du tản cư, tạm lánh tại vùng Hoàng Lưu, sông Vàng, Thanh Oai. Năm bốn mươi tuổi, thầy có hai câu thơ nói về quãng đời phiêu bạt của mình: “Dòng đời khôn đổi làm sông rượu, Bừng giấc quan hà lại muốn say” Từ 1940 thầy đã làm thơ đăng báo, nhưng mãi đến năm 1994 mới cho in thành tập “Tấc lòng”. Thầy từng nói: “Duyên làm thơ của tôi bắt nguồn từ cảnh đẹp trên đường Cổ Ngư hồi còn đi học. Nó đeo đuổi tôi mãi đến lúc đầu đã bạc vẫn vương vấn mấy câu: Gió đông mơ dáng hoa đào/Trà Phương Bối đậm nhớ Sao Trên Rừng”. Năm 1954, theo dòng người đi tìm tự do, thầy di cư vào Nam và cư trú tại Sài gòn. Tiếp tục làm công chức, dạy học tại Trường Đại học Sư Phạm Sài gòn, Đại học Văn khoa Sài gòn, Đại học Văn khoa Huế. Đại học Tổng hợp TPHCM (mấy năm đầu sau 30.4.1975). Thầy viết nhiều sách về triết học và văn học cổ Trung Hoa. Thầy kết thân với người bạn tâm giao, cụ Nguyễn Hiến Lê, và cũng là người anh em bạn rễ của thầy. Cả hai vị cộng tác chặt chẽ, cùng viết và dịch nhiều quyển sách có giá trị như “Chiến quốc sách”, “Sử ký Tư Mã Thiên”, “Đại cương triết học Trung Quốc”… Thầy là một lương sư tận tụy, một học giả uyên bác đã cống hiến rất nhiều cho nền học thuật nước nhà. Cụ Nguyễn Hiến Lê có vài lời nhận xét về thầy Giản Chi như sau: “Ông Giản Chi là một nghệ sĩ (…) tính tình hào hoa phong nhã, thích hoa, rượu, nhạc. Thơ ông có giọng lãng mạn của thời đó, nhưng không sướt mướt mà hào hùng”. Sau 30 tháng 4 năm 1975, thầy vẫn ở lại Sài gòn, mặc dù ba người con của thầy khẩn khoản xin rước thầy ra nước ngoài định cư, nhưng thầy đã từ chối. Thầy vẫn tiếp tục ở lại trong nước, viết sách, làm thơ nhưng không còn nhiệt tình như thời gian trước nữa. Đến 14 giờ 55 phút chiều 22 tháng 10 năm 2005, thầy tạ thế tại nhà riêng ở quận 4, thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 102 tuổi. Ngày 26/10/2005, rất nhiều học trò cũ của thầy đến kính viếng thầy tại nhà tang lễ số 25 Lê Quý Đôn và chia buồn với các con của thầy vừa từ nước ngoài về quê báo hiếu.
2- Tác phẩm:
- Cô độc – dịch truyện
Lỗ Tấn (1954)
- Cái đêm hôm ấy (dịch
Somerset Maugham)
- Lỗ Tấn tuyển tập
(1987).
- Tấc lòng (thơ
1993).
- Vương Duy thi tuyển (1992).
* Các tác phẩm soạn chung với Nguyễn Hiến Lê:
- Đại cương triết
học Trung Quốc, thượng và hạ (1965).
- Chiến quốc sách
(1967).
- Sử ký Tư Mã Thiên
(1972).
- Tuân Tử
(1974).
- Hàn Phi Tử (1975).
(Viết bởi Lâm Hữu Tài và các cựu SV ban Việt Hán, khóa 1966-1969)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét