GIỞ NÓN TIỄN ĐƯA...!
ĐinhTrực
Một buổi sáng nọ, tôi dẫn cháu đang học lớp Một đi bộ ra tiệm để ăn phở. Trên đường đi đến quán phở quen, bất chợt gặp một đám tang đi ngang qua. Tôi bảo thằng bé ngừng lại, đợi đám tang đi ngang, rồi tôi giở cái nón trên đầu xuống.
Tôi bảo với cháu: “Con giở nón xuống...!".
Thằng bé không hiểu tại sao, nhưng cũng giở cái nón ra khỏi đầu....?
Khi đám tang đã đi qua, tôi đội nón lên đầu, đứa cháu hỏi:
“Tại sao mình phải giở nón ra khỏi đầu vậy ông?”...
Một câu hỏi hay mà tôi rất đang muốn nó hỏi. “À...! là mình tỏ lòng kính trọng người đã chết cũng như chia buồn với tang gia”.
- “Ba ông dạy ông hả?”.
Đứa bé hỏi tiếp.
-"Cô giáo của ông dạy hồi ông lúc nhỏ bằng con”....
-"Ủa, sao cô giáo con không dạy cho tụi con giống như cô giáo ông vậy?”.
Đến đây thì tôi giả vờ không nghe vì có tiếng kèn xe trên đường và cũng đến tiệm phở rồi.
Không chỉ riêng thằng bé lớp Một, rất nhiều người trong thời buổi hiện đại này đã rất ngạc nhiên về điều "lạ lẫm" này.
Thời ấy, những năm 67-68, khi lên lớp Ba, Thầy Cô của lớp nào trong giờ Giáo dục Công dân cũng dạy thế....!
Có hôm trống đánh tan trường về. Trên đường đi, bất chợt gặp đám tang đi ngang. Cả đám mười mấy đứa chúng tôi đều tự động giở nón xuống và cúi cả đầu, có đứa len lén ngó lên và phát hiện vài ba người lớn có râu chòm cũng giở nón cối trắng ra và cúi đầu như đám học trò nhỏ chúng tôi...!
Thế hệ đó..., hôm nay cũng già rồi, tóc có nhiều "muối hơn tiêu". Thỉnh thoảng có dịp vô tình hay hẹn trước, chúng tôi ngồi bên nhau uống café hay bia bọt mà tha hồ chỉ mặt nhau, kể lại những câu chuyện cũ những bài học cuộc sống mà ngày xưa cùng ngồi chung một lớp...
- Cô dạy ra công viên, không được đi trên cỏ, không được khạc nhổ trên đường phố, chốn đông người. Không được hái hoa trong công viên, khi đến sau là phải sắp hàng, không được nói chuyện to tiếng chốn công cộng như rạp hát, chùa chiềng, không được ăn cắp trái cây ven đường, gặp Thầy Cô đi đường thì phải cúi đầu khoang hai tay và Dạ..! Thưa..! Đi đường thấy có chào cờ phải đứng lại, phải đứng nghiêm, thẳng người, nhìn về lá cờ, khi gặp người già cả, kẻ nghèo khó, người mẹ bồng con, người què chống nạng, người khuân vác nặng nề, thì phải giúp xách đồ dùm.....
Rồi đám bạn già lại chuyển sang những trò chơi nghịch ngợm như rủ nhau hái trái mắt mèo trét tri vào ghế của Thầy khi lên học lớp Nhất, ra về cùng nhau cởi áo quần tắm ao, hái trộm xoài của nhà Ông Tư sát trường, đi ngang nhà xịt xịt, sủa sủa chọc cho chó người ta chạy ra rồi ùa chạy, chạy mất luôn cả chiếc dép Nhật (thời đó mấy đứa có cha mẹ kha khá mua cho), còn những thằng đi học chân không thì chạy vô tư....
Những lúc ấy, tôi nhìn thật kỹ gương mặt từng đứa..., tất cả đều giống nhau ở nét già, râu tóc bạc và điềm đạm thật nhiều so với hơn nửa thế kỷ trước...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét