"Xin gửi tiếp Mục II: Các tác phẩm chữ Nôm và ảnh hưởng đạo Phật... Chúc toàn thể BBT và các anh chị em CHS Nguyễn Huệ Hải Ngoại luôn đoàn kết vững vàng .Thân chào."
PHẦN MỘT - VỀ NGUYỄN DU
CHƯƠNG I
NGUYỄN DU VÀ TÁC PHẨM
MỤC II:
VĂN NGHIỆP CỦA NGUYỄN DU
TIẾT 2: TÁC PHẨM CHỮ NÔM VÀ ẢNH HƯỞNG TƯ TƯỞNG ĐẠO PHẬT
Cũng như các tác phẩm chữ Hán của Nguyễn Du, các tác phẩm chữ Nôm của tiên sinh có lẽ cũng rất nhiều, song đã thất lạc, tản mác chưa tìm lại đủ. Đại để người ta chỉ công nhận những tác phẩm chữ Nôm sau đây là của Nguyễn Du mà thôi:
1. Thác Lời Trai Phường Nón
2. Văn Tế Sống Trường Lưu Nhi Nữ
3. Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh (tức Chiêu Hồn Ca)
4. Đoạn Trường Tân
Thanh (tức Truyện Kiều)
Một vài phát hiện gần
đây trên báo Văn Học (số phát hành ngày 10.11.74) về một bài thơ Nôm của Tố Như
là bài “Tiều phu khổ khiếu ca” không có gì chắc chắn và xác thực cả. Vả lại,
đây là một bài thơ sao lục lại nên chúng ta hãy chờ đợi một thời gian sau khi
nó đã được nhiều nhà nghiên cứu xác minh công nhận.
Những bài thơ Nôm hoặc
những bài văn tế rải rác của Nguyễn Du phần lớn làm lúc còn tuổi thanh niên nên
văn từ có vẻ non nớt và chưa được tinh thuần. Tuy nhiên, nó đã đánh dấu một
giai đoạn tình cảm của Tố Như.
1./- THÁC LỜI TRAI
PHƯỜNG NÓN (48 câu): Đây là
một bài thơ Nguyễn Du làm trả lời bài thơ của một cô gái làng Trường Lưu đã
nhờ một số anh em làng
này làm hộ để trách Nguyễn Du hờ hững với cô ta. Lời thơ rất bình dân và thực
tế đã phát lộ con người trẻ Nguyễn Du rất giản dị và gần gũi với đời sống thôn
quê.
2./- VĂN TẾ SỐNG TRƯỜNG
LƯU NHI NỮ (gồm 98 câu): Là
bài văn tế trách khéo hai nàng con gái Trường Lưu (làng kế bên làng Tiên Điền)
đã bỏ mình (Nguyễn Du) đi lấy chồng [1]. Lời
văn rất dí dỏm và có vẻ đùa cợt. Bài văn tế sống này cũng như bài trên cũng chỉ
đánh dấu một đoạn phong tình của chàng trai trẻ Nguyễn Du mà thôi.
3./- VĂN TẾ THẬP
LOẠI CHÚNG SINH: Thường vẫn được
gọi là “Chiêu Hồn Ca”[2], là một tác phẩm được viết bằng chữ Nôm theo
thể song thất lục bát và gồm
có 184 câu. Cho đến nay, về thời điểm sáng tác, người ta vẫn chưa thể xác định
rõ “Chiêu Hồn Ca” được Nguyễn Du tiên sinh hoàn thành vào khoảng thời gian nào
trong cuộc đời. Thêm vào đó, người ta cũng không biết rõ lý do nào tiên sinh
khiến tiên sinh cho ra đời một áng văn chương mang
tính chất bình dân đó. Chỉ biết rằng bài văn tế này được lưu truyền và sử dụng
trong giới thầy cúng hoặc trong các lễ trai đàn chẩn tế tại các chùa chiền,
nhất là trong “tiết tháng bảy” vào ngày rằm. Thường cứ mỗi năm đến rằm tháng
bảy, các chùa chiền nước ta thường có những buổi lễ cúng tế trai đàn, gọi là lễ
“xá tội vong nhân, hay còn được gọi là lễ “Vu Lan” (Ullambhana) để cầu nguyện cho vong hồn người chết sớm được về miền Tây
phương cực lạc của Phật A Di Đà. Có lẽ rằng cám cảnh trước bao nhiêu sự thay
đổi tang thương, bao nhiêu cái chết tức tưởi của một xã hội loạn lạc, giặc giã
nhiễu nhương, tranh quyền, đoạt lợi xảy ra khắp nơi sinh cảnh chém giết, đổi
thay đã khiến tiên sinh viết lên bài này. Phải “trải qua một cuộc bể dâu, những
điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Tố Như mới có thể xuất nguồn cảm hứng để viết
ra “Chiêu Hồn Ca”, cũng như soạn truyện Đoạn Trường Tân Thanh. Nói khác hơn,
kinh nghiệm đau thương trước những bãi biển nương dâu, loạn lạc của thời kỳ các nhà Lê, Trịnh, Nguyễn,
Tây Sơn đang tranh chấp quyền hành đã là động lực thúc đẩy việc cho ra đời tác
phẩm bất hủ này. Nhưng kinh nghiệm về sự khổ đau nơi cuộc sống cũng chính là cơ
hội để tiên sinh một lần nhìn lại và tìm thấy nguyên nhân của sự khổ đau, của
sự vô thường nơi con người và cuộc đời (tương tự như giai đoạn khổ đế rồi tập đế của nhà Phật). Do đó, việc tìm đến với Phật giáo,
thấm nhuần nguồn suối của đạo giác ngộ, chứng nghiệm được ít nhiều căn cội của
lẽ sống đã là chất liệu thiết cần để viết bài “Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh”.
Mặt khác, chúng ta cũng
nhận thấy rằng giữa “Chiêu Hồn Ca” và “Đoạn Trường Tân Thanh” đã có nhiều điểm
tương hợp với những ý tưởng, những thuật ngữ mang màu sắc Phật giáo trên quan
niệm bình dân, cũng như trên quan điểm thiền đạo. Những phần sau đây, chúng ta
sẽ xét đến “Chiêu Hồn Ca” qua hai tiêu điểm: ảnh hưởng tư tưởng đạo Phật trong
“Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh”, sự tương hợp giữa tư tưởng đạo Phật trong “Chiêu
Hồn Ca” và “Đoạn Trường Tân Thanh”.
3A.- Ảnh hưởng tư tưởng
đạo Phật trong “Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh”
Như đã trình bày, nguyên
nhân thúc đẩy để Tố Như tiên sinh cho ra đời bài văn tế này chắc là cám cảnh
trước bao nhiêu thay đổi trước thời kỳ Lê mạt, Trịnh – Nguyễn phân tranh, Tây
Sơn quật khởi cho đến thời Nguyễn sơ là những thời kỳ xảy ra bao nhiêu sự chém
giết, mưu toan tranh quyền đoạt lợi, gây ra những cảnh thê thảm người mất của
tan khôn xiết. Bên cạnh đó, kinh nghiệm của tiên sinh trước sự vô thường của
cuộc đời hòa lẫn với kinh nghiệm của chính tiên sinh đã từng trải là điều quan
yếu để phác họa cảnh tang thương này.
3A.-1 Trước hết, đối tượng mà bài văn tế hướng
đến như nhan đề mệnh danh là “Thập loại chúng sinh”, nghĩa là mười loại sinh
vật theo nhà Phật, vẫn còn biến chuyển của nghiệp, dù là nghiệp thành Phật đi
chăng nữa. Phật giáo thường chủ trương tất cả chúng sinh đều có Phật tính và
đều có khả năng thành Phật, dầu vậy, tùy theo chỗ mê ngộ cao thấp khác nhau, Phật
giáo chia thành 10 loại chúng sinh, hay còn được gọi là Pháp giới:
1. Phật (bậc đã giác ngộ hoàn toàn)
2. Bồ tát (bậc giác ngộ còn thấp hơn Phật)
3. Duyên giác (bậc giác ngộ còn thấp hơn Bồ tát)
4. Thanh văn (bậc giác ngộ ưu hưởng niết bàn, có thể tương đương với Duyên giác, song trí tuệ còn thấp kém)
5. Thiên (trời)
6. Nhân (người)
7. A tu la (quỉ thần)
8. Địa ngục (chúng sinh ở cõi địa ngục đầy sự đau khổ)
9. Ngạ quỉ (ma đói)
10. Súc sinh (các loại súc vật)
Tuy nhiên, trong bài văn tế này, đối tượng được Tố Như hướng
đến là con người lúc còn sống cũng như khi đã chết:
…“Cõi dương còn thế, nữa là cõi âm” (câu 8)
Và một khi con người đã chết, hồn phách không được giải thoát sẽ vất vưởng đơn chiếc trong cõi “trường dạ” “u minh”. Thêm vào đó, cái chết đến với tất cả mọi người không phân biệt thấp hèn, sang quí, ngu hoặc trí, nếu không được tái sinh vào kiếp khác sẽ vẫn còn “lênh đênh quê người”.
Thương thay thập loại chúng sinh (câu 11-16)
Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người
Hương lửa đã không nơi nương tựa,
Hồn mồ côi lần lữa bấy niên
Còn chi ai khá ai hèn,
Tiết đầu thu lập đàn giải thoát, (câu 17-20)
Nước tĩnh đàn sái hạt dương chi,
Mượn nhờ đức Phật từ bi,
Giải oan cứu khổ, độ về Tây phương. (câu 23)
Thực ra, đạo Phật ít chú trọng về “hồn”, hiểu “hồn” như là một
thực tại còn lại sau khi đã khuất. Trước những câu hỏi về “hồn” (như
Vacchagotta và Màlunikyaputta), đức Phật luôn giữ thái độ im lặng hoàn
toàn [3].
Thành thử, sau này các người tin Phật đã suy diễn thái độ im lặng đó để cho
rằng con người sau khi chết, vong hồn nếu chưa được đầu thai, tái sinh vào kiếp
khác sẽ còn đó hoặc đọa đày vào địa ngục như trong quan điểm của giới bình dân.
Đối tượng của bài văn tế nhắm đến tuy là cầu kinh giải thoát cho những oan hồn
đã khuất còn vất vưởng, nhưng lại còn có mục đích sâu xa hơn hướng đến
người còn sống, thức tỉnh tâm hồn của họ đang mải miết chốn u mê:
Nhờ phép Phật uy linh dõng mãnh, (câu 165-166)
Trong giấc mê khua tỉnh chiêm bao
Tố Như tiên sinh là con người đã thấm nhuần sâu đậm tư tưởng và con đường của đạo Phật chắc chắn không thể nào hướng bài văn tế đến những vong hồn kẻ chết theo quan điểm bình dân được. Hoặc giả, tiên sinh chỉ mượn quan điểm Phật giáo bình dân về việc thờ cúng các cô hồn chưa được siêu thoát xem như một thứ phương tiện, tùy duyên hóa độ đúng theo tinh thần khế cơ, khế hợp của đạo Phật trong việc khai mở tâm hồn của lớp bình dân mà thôi. Thêm vào đó, việc Phật giáo tổ chức các lễ trai đàn cúng kiến các vong hồn thực ra không đúng với con đường của đức Phật chủ trương, song các phương tiện phù hợp với lớp bình dân, như thờ cúng kẻ đã khuất sẽ là thứ phương tiện để tỉnh thức họ một cách gần gũi hơn. Cúng kiến người chết chỉ là cách thức làm yên lòng kẻ còn sống, hầu dần dần đưa họ đến con đường chân chính (chính đạo). Trên chiều hướng ấy, Nguyễn Du đã vẽ lại những hình ảnh đau thương của kiếp người với bao nhiêu sự tranh chấp, bao nhiêu mưu toan lừa đảo, bao nhiêu sự sắp đặt danh lợi, bao nhiêu nỗi nhọc nhằn gian lao…để rồi tất cả trả về cho cát bụi, đôi tay buông xuôi, chỉ còn lại nấm cỏ khâu đầu sông bãi nọ. Tất cả đều vô thường, tất cả đều là không, từ không mà có và từ có mà đi.
Kiếp phù sinh như hình như ảnh (câu 169-170)
Có chữ rằng “vạn cảnh giai không”
Bên trong cái vỏ có tính cách bình dân đó, Tố Như đã lồng vào các quan niệm có tính cách tri thức, thể hiện đúng đắn tinh thần nhà Phật hơn. Mỗi người đều chứng đắc được cái tâm, tức là thấy được Phật tính (tức tâm tức Phật 即心即佛) nằm ở cõi lòng của mình sẽ đạt đến cảnh giới giải thoát khỏi vòng luân hồi, tái sinh:
Ai ơi lấy Phật làm lòng (câu 171-172)
Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi
Chữ “ai ai” (có bản viết là “ai ơi”) nhắm đến đối tượng chính yếu
là con người, người chết cũng như kẻ sống. Thành thử, xét một cách chung, tuy
đối tượng của bài văn tế là nhắm đến việc giải oan cho những oan hồn uổng tử,
song cũng nhằm khuyến dụ và thức tỉnh những người còn sống nữa.
3A-2. Thứ đến, Nguyễn Du tiên sinh cũng đưa ra nhiều chi tiết trình bày cuộc đời của những kiếp người khác nhau. Đại để, trừ đoạn đầu (1-12) và đoạn cuối (137-184), chúng ta có thể phân thành 14 tiểu đoạn phác họa về người đời và đời người:
1. Câu 22-32:
Cũng có kẻ tính đường kiêu hãnh …
Mà cô hồn biết bao giờ
cho tan.
2. Câu 33-44:
Cũng có kẻ màn lan trướng huệ …
Càng năm càng héo, một đêm một dài.
3. Câu 45-56: Kìa những kẻ lâu đài phượng các …
Nặng oan khôn lẽ tìm
đường hóa sinh.
4. Câu 57-68: Kìa những kẻ bài binh bố trận …
Nào đâu điếu tế nào đâu chưng thường.
5. Câu 69-80:
Cũng
có kẻ tính đường trí phú …
Tuần hương giọt nước biết tìm vào đâu.
6. Câu 81-92: Cũng có kẻ rắp cầu chữ quý …
Gió trăng hiu hắt, lửa hương lạnh lùng.
7. Câu 93-96: Cũng có kẻ ra vào sông bể …
Đem thân chôn giấp vào lòng kình nghê
8. Câu 97-100: Cũng có kẻ đi về buôn bán …
Hồn đường phách xá lạc
loài nơi nao.
9. Câu 101-108: Cũng có kẻ mắc
vào khóa lính …
Tiếng oan
văng vẳng tới trời càng thương
10. Câu 109-116: Cũng có kẻ lỡ làng một kiếp …
Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu
11. Câu 117-120:
Cũng có kẻ nằm đầu gối
đất …
Sống nhờ hàng xứ,
chết vùi đường quan.
12. Câu 121-124:
Cũng có kẻ
mắc đoàn tù rạc …
Kiếp nào cởi được oan tình ấy đi.
13. Câu 125-128: Kìa những kẻ tiểu nhi tấm bé …
U ơ tiếng khóc thiết tha nỗi lòng.
14. Câu 129-136: Kìa những kẻ chìm sông lạc lối…
Có người sa sẩy, có người khốn thương …
Mỗi một tiểu đoạn trên biểu trưng cho một thân phận con người, và cũng chính mỗi đoạn trên cho thấy trạng huống đau thương của kiếp người, dù sang hèn, lầu cao cửa rộng hay đầu đường xó chợ, bãi bể hay góc núi... rốt cùng “mỗi người một nghiệp khác nhau” (câu 139) nhưng đều bị chi phối bởi sự tang thương, đổi thay, trắc trở để rồi nhận lấy cái chết thảm thương, oan hồn không siêu thoát được. Tất cả những hình ảnh khổ đau đầy rẫy cảnh bể nương dâu đó, Tố Như đã thu tóm lại trong câu:
“Kiếp phù sinh như hình như ảnh, (câu 169-170)
Có chữ rằng “vạn cảnh giai không”.
Nói khác đi, tất cả những hoàn cảnh ấy đã trình bày những khía cạnh vô thường như quan niệm của nhà Phật nơi mỗi kiếp người. Đời người như trong bài văn tế phác họa cũng chính là quan niệm về Khổ đế (Dukkha) của đạo Phật: Sinh, Lão, Bệnh, Tử là Khổ, vì vẫn còn trong vòng sinh hóa của luật vô thường. Còn Vô Thường là còn khổ đau, vì vẫn còn trong chốn u mê, vô minh của kiếp người (nhân giới).
3A-3. Mặt khác, chúng ta rất đồng ý với nhiều nhà phê bình khi họ cho rằng bài “Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh” đã phản ánh toàn vẹn thời kỳ tang tóc, ly loạn từ đời Lê mạt đến thời Nguyễn sơ, mà Tố Như tiên sinh đã từng sống, từng trải qua và chứng kiến. Điều này phải chăng đã được tiên sinh biểu lộ trong câu thơ mở đầu Truyện Kiều:
"Trăm năm trong cõi người ta… (câu 1)
Và
Trải qua một cuộc bể
dâu, (câu 3)
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng (câu 4)
“Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh” hay “Chiêu Hồn Ca” của Nguyễn Du hơn bất cứ tác phẩm nào khác của tiên sinh đã biểu lộ rõ rệt tinh thần Từ Bi của nhà Phật. Tâm hồn cảm xúc chân thành của một thi sĩ hòa với cảm quan đạo Phật đã khiến tiên sinh có những lời lẽ thống thiết, thương xót thân phận làm người. Và lồng trong những ngôn từ đó, tấm lòng từ bi của tiên sinh được thể hiện và những lời lẽ, những hình ảnh đưa ra ngầm chứa sự khuyên răn, muốn ra tay tế độ, thức tỉnh kẻ còn sống u mê bằng hình thức văn tế dành cho kẻ chết vậy.
Ngoài ra, trong một loạt bài đăng trên “Văn Hóa Nguyệt San” (số 54, 55, 56 – 1960) Giáo sư Phạm Văn Diêu đã cho rằng các yếu tố Phật giáo chỉ là thứ yếu trong bài “Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh” khi ông viết:
“Nhưng chung qui, trong bài văn có bao nhiêu yếu tố Phật giáo thì đó không phải là trọng tâm hứng thú của cả bài ca, mà trái lại phần quyến rũ, phần tinh ba của văn chương Chiêu Hồn Ca là cảm nghĩ về tình trạng chiến loạn liên miên, nỗi đau khổ bi thương kinh niên của bao lớp người trong xã hội Lê mạt – Nguyễn sơ lên tiếng hát ai oán não nùng, cũng là cái nguồn thương vô bờ bến của thi nhân chen pha trong khí vị của mùi thiền từ bi … Nói cách khác, Nguyễn Du làm Chiêu Hồn Ca không phải do niềm tin Phật giáo, mà Chiêu Hồn Ca xét trong cốt tủy lại là sản phẩm của một thời đại đau khổ là thời cuối Lê đầu Nguyễn!” [4]
Theo thiển ý, yếu tố Phật giáo trong “Chiêu Hồn Ca” mà Nguyễn Du đưa vào, thật ra là yếu tố quan yếu chứ không phải là “thứ yếu” hoặc “không phải do niềm tin Phật giáo” như Giáo sư Phạm Văn Diêu đã viết. Xét bài văn tế một cách rộng rãi hơn, dù nó chỉ phản ánh trạng huống đau thương của thời loạn ly từ Lê mạt đến Nguyễn sơ, song đau thương với bao sự đổi thay cũng chính là kinh nghiệm về sự khổ mà Nguyễn Du chứng ngộ được. Nói khác đi, đau khổ hay tang thương, nếu xét rộng ra, lại là những trạng huống mà Tố Như tiên sinh đã rút tỉa, dung hợp giữa kinh nghiệm sống với quan niệm về sự khổ đau nơi thời kỳ này và yếu tố Phật giáo là một không thể chia cách, khu biệt ra cái nào là chính, cái nào là phụ được. Đạo không thể xa đời và đời không thể không cần đến đạo, phủ nhận niềm tin Phật giáo nơi Nguyễn Du tiên sinh tức là phủ nhận cuộc đời. Bất cứ ai thấm nhuần tư tưởng đạo Phật đều có thể xác nhận điều đó, vì nền tảng căn bản của đạo Phật được đặt trên quan niệm Khổ đế. Vả lại nếu đọc các thơ văn chữ Hán, cũng như xét kỹ Đoạn Trường Tân Thanh, chúng ta lại càng chân nhận niềm tin tưởng nơi đạo Phật của Nguyễn Du. Ở đó, quan niệm hoặc niềm tin của tiên sinh nơi đạo Phật không phải là niềm tin một cách sơ sài hoặc giản dị theo lối bình dân, nhưng lại chất chứa một tâm thiền mà chỉ dưới lối nhìn cởi mở và bao quát chúng ta mới dễ dàng nhận thấy được.
3B.- Văn Tế Thập Loại
Chúng Sinh và Đoạn Trường Tân Thanh:
Giữa Chiêu Hồn Ca và Đoạn Trường Tân Thanh cũng có ít nhiều điểm tương đồng, nhất là trong những quan niệm của đạo Phật về kiếp nhân sinh. Nếu Chiêu Hồn Ca xét ra bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau của đời người và người đời, thì Đoạn Trường Tân Thanh lại nhằm khai triển một số ít trong những khía cạnh đó.
3B-1. Trước hết, chúng ta nhận thấy rằng trong Chiêu Hồn Ca, Tố Như đã nói đến nghiệp kiếp của những khách má hồng (c. 109-166):
“Cũng có kẻ lỡ làng
một kiếp
Liều tuổi xanh, buôn
nguyệt bán hoa
Ngẩn ngơ khi trở về già
Ai chồng con đó, biết là
cậy ai
Sống đã chịu một đời
phiền não
Thác lại nhờ hớp cháo lá
đa
Đau đớn thay phận đàn bà
Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu”.
Và một cách tương tự trong Đoạn Trường Tân Thanh chúng ta cũng thấy phảng phất ý tưởng này khi tiên sinh viết về thân phận của “người phượng chạ loan chung” là Đạm Tiên:
“Phận hồng nhan có
mong manh (c. 65)
Nửa chừng xuân thoắt gãy
cành thiên hương”
Hoặc:
....... “Vùi nông một
nấm mặc dầu cỏ hoa (c.78)
Trải bao thỏ lặn ác tà
Ấy mồ vô chủ ai mà viếng
thăm !”
Hoặc là:
“Đau đớn thay phận
đàn bà, (câu 83)
Lời rằng bạc mệnh cũng
là lời chung
Phũ phàng chi bấy hóa
công,
Ngày xanh mòn mỏi má
hồng phôi pha.
Sống làm vợ khắp người
ta,
Hại thay thác xuống làm
ma không chồng.
Nào người phượng chạ
loan chung,
Nào người tích lục, tham
hồng là ai.
Đã không kẻ đoái người
hoài …”
Khi hạ bút viết “Đau đớn thay phận đàn bà ” trong Chiêu Hồn Ca và Đoạn Trường Tân Thanh, cũng như khi phác họa cuộc đời của kẻ “làm vợ khắp người ta” nói một cách riêng, Nguyễn Du đã ít nhiều đề cập đến điều mà đạo Phật gọi là Nghiệp hoặc Kiếp dành cho đàn bà, nhất là người ấy lại “nổi danh tài sắc một thì”. Đó cũng chính là chủ đề mà Tố Như viết về thuyết “tài mệnh tương đố” trong Đoạn Trường Tân Thanh sẽ được chúng ta xét kỹ hơn về sau.
3B-2. Tiếp đến, Tố Như tiên sinh đã viết những lời khuyến tu trong Chiêu Hồn Ca:
“Ai lấy Phật làm
lòng (câu 171-172)
Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi”
Đó cũng là cách biểu lộ giống như tiên sinh viết trong Đoạn Trường Tân Thanh khuyên lấy cõi lòng (Tâm) làm nguồn cội để tu tập. Tâm tức Phật, Phật tức tâm, hoặc tức tâm tức Phật. “Tâm tức tánh”, “ngoài tâm, rốt không có Phật nào khác”, Tự tâm là Phật” [5]:
“Cội nguồn cũng ở
lòng người mà ra” (c. 2656)
hoặc:
“Thiện căn ở tại lòng
ta, (c.3251)
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài."
Nhìn một cách tổng quát
giữa Chiêu Hồn Ca và Đoạn Trường Tân Thanh đều được xây dựng trên những yếu tố,
những chất liệu, thuật ngữ rút tỉa từ đạo Phật bằng chính kinh nghiệm “trải
qua”, kinh nghiệm sống của Nguyễn Du tiên sinh. Nàng Kiều trong Đoạn Trường Tân
Thanh là một biểu tượng với nhiều khía cạnh khác nhau về thân phận con người
của bài văn tế này. Tâm thức và kinh nghiệm của tiên sinh trong Đoạn
Trường Tân Thanh và Chiêu Hồn Ca rốt cùng cũng chỉ là một, vì rằng cả hai đều
nhắc nhở chúng ta thức tỉnh quay về với cội nguồn của mọi khổ đau là chữ Tâm
nơi cõi lòng mỗi người mà thôi.
Tóm lại, bài Văn Tế Thập
Loại chúng Sinh đã có một giá trị thật đặc biệt. Kinh nghiệm mà Tố Như tiên
sinh chân nhận được từ cuộc đời xuyên qua bài văn tế là một bài học thiết cần
cho sự đào luyện con người của tiên sinh. Vấn đề thời điểm sáng tác trước hoặc
sau Đoạn Trường Tân Thanh không quan hệ, điều trọng yếu là tiên sinh đã viết
tất cả hai tác phẩm bất hủ ấy bằng cả kinh nghiệm bản thân với cuộc sống. Và
kinh nghiệm đó cũng chính là thứ kinh nghiệm mà đạo Phật, nói một cách chung và
Thiền đạo, nói một cách riêng, đòi hỏi phải từng trải.
Dương Anh Sơn
[1] Lãng Nhân, Giai thoại làng nho toàn tập, Nam Chi Tùng Thư, 1966, trang 241-259, Sài Gòn.
[2] Nguyễn Du , Chiêu Hồn Thập Loại Chúng Sinh , Đàm Quang Thiện hiệu chú , Nam Chi Tùng Thư, 1965 , Sài Gòn
[3] Rahula, Con đường thoát khổ, bản dịch Thích Nữ Trí Hải, Sài Gòn, Đại học Vạn Hạnh XB, 1968, trang 93, 94 và 95.
[4] Phạm Văn Diêu, Một phương diện của thiên tài Nguyễn Du, Văn tế thập loại chúng sinh, Văn Hóa Nguyệt San số 54/9 – 1960, Sài Gòn tr. 1035.
[5] Bồ Đề Đạt Ma, Sáu cửa vào động thiếu thất. Bản dịch Trúc Thiên, Sài Gòn, An Tiêm x.b. 1971, tr. 122.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét