NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ TÌNH TRẠNG VÀ NHU CẦU CỦA NGƯỜI TỴ NẠN Ở THÁI LAN ĐỂ GIÚP HỌ MÔT CÁCH HIỆU QUẢ
Ts Nguyễn Đình Thắng
* Trả lời chung các câu hỏi thường có
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 31 tháng 10, 2021
Tình trạng của người Việt tị nạn ở Thái Lan hiện nay khác nhiều so với thời kỳ thuyền nhân trước kia. Phần lớn người Việt ở hải ngoại và ngay cả nhiều người trong cuộc vì không biết rõ nên dễ ngộ nhận và bị hoả mù. Để tránh ngộ nhận, chỉ cần nắm bắt 5 điều cốt lõi dưới đây.
1- Ở Thái Lan hiện không có trại tị nạn (ngoại trừ các trại cho dân Miến Điện, sát biên giới Miến Điện). Người đang xin tị nạn hoặc đã có quy chế tị nạn đều sống lẫn lộn với người dân Thái Lan ở các thành thị nên được mệnh danh là “tị nạn thành thị” (urban refugees). Họ sống bấp bênh và phải tự bươn chải.
2- Chỉ những ai đã được Cao Uỷ Tị Nạn LHQ (UNHCR) công nhận tư cách tị nạn thì mới được gọi là “người tị nạn” (refugees). Những người đang xin nhưng chưa được công nhận tư cách tị nạn thì được gọi là “người xin tị nạn” (asylum seekers). Những ai đã hoàn toàn bị phủ nhận tư cách tị nạn, tức bị đóng hồ sơ, thì được gọi là “người không là tị nạn” (non-refugees). Chúng tôi gọi chung cả 3 thành phần là “đào tị”.
3- UNHCR chỉ giới thiệu định cư những người đã được công nhận tư cách tị nạn (refugees). Người “không là tị nạn” hoặc sống lẩn lút ở Thái Lan hoặc phải hồi hương.
4- Các quốc gia nhận định cư tị nạn chỉ cứu xét các hồ sơ tị nạn do UNHCR giới thiệu, bất luận theo chương trình chính phủ hay tư nhân bảo lãnh. Không có ngoại lệ.
5- Thái Lan xem mọi người đào tị là di dân bất hợp pháp. Họ có thể bắt bất cứ lúc nào. Tuy ít khi xảy ra, chính phủ Thái Lan cũng đã trục xuất người đào tị về nguyên quán.
Ts. Nguyễn Đình Thắng tiếp xúc nhóm người xin tị nạn từ Giáo Xứ Cồn Dầu chạy sang Thái Lan, tháng 7 năm 2010
* Vai trò của BPSOS
Được UNHCR cứu xét tư cách tị nạn là nhu cầu cấp thiết của những người xin tị nạn. Đây là cửa ải đầu tiên, mang tính sinh tử. Nếu không có quy chế tị nạn thì không thể đi định cư. Nếu không có sự hỗ trợ pháp lý của luật sư có kinh nghiệm, triển vọng được công nhận tư cách tị nạn sẽ rất thấp.
Rất tiếc, từ hơn chục năm qua chỉ có 2 văn phòng pháp lý phục vụ người đào tị ở Thái Lan, hiện có 7,000 – 8,000 đến từ nhiều quốc gia. Một văn phòng do BPSOS thành lập và tài trợ, được biết đến dưới tên Center for Asylum Protection (CAP). Văn phòng kia do tổ chức Asylum Access ở Oakton, California, thành lập và tài trợ, được biết đến dưới tên Asylum Access Thailand (AAT). Khoảng 80% người Việt nhận sự hỗ trờ từ CAP.
Từ 2008 đến giờ, CAP đã hỗ trợ pháp lý cho khoảng 2,000 người xin tị nạn, tuyệt đại đa số là người Việt nhưng cũng có một số đến từ Pakistan, Trung Quốc, Campuchia, v.v. Có đôi khi luật sư của CAP đã đến Malaysia và Indonesia để hỗ trợ pháp lý cho đồng bào xin tị nạn tại 2 quốc gia này.
Trong số người Việt được CAP hỗ trợ pháp lý, khoảng 1,550 đã được UNHCR công nhận tư cách tị nạn và khoảng 800 đã định cư ở Hoa Kỳ, Canada, Úc, Thuỵ Điển, Na Uy, Đan Mạch, Pháp… Ở Thái Lan hiện nay còn khoảng 750 đồng bào đã có quy chế tị nạn, đang chờ định cư, và khoảng 850 đồng bào đang xin tị nạn hoặc đã bị đóng hồ sơ.
Cả 2 văn phòng CAP và AAT đều trợ giúp miễn phí cho người xin tị nạn. BPSOS gây quỹ trong cộng đồng để tài trợ văn phòng CAP và chính anh chị em trong BPSOS tự bỏ tiền túi bù thêm khi thiếu hụt.
Những cựu thuyền nhân hồi hương quay lại Thái Lan
UNHCR xem những người này y như những người đến Thái Lan xin tị nạn lần đầu. Nghĩa là họ phải qua cuộc phỏng vấn với UNHCR và chỉ những ai được công nhận tư cách tị nạn thì mới được giới thiệu đinh cư tị nạn.
Trong số các hồ sơ được CAP hỗ trợ pháp lý có một chục trường hợp cựu thuyền nhân trở lại Thái Lan sau khi hồi hương; 8 hồ sơ đã được công nhận tư cách tị nạn. Một số đã định cư ở Hoa Kỳ và Úc. Số còn lại đang ở Thái Lan, chờ UNHCR giới thiệu đến các quốc gia nhận định cư.
Có một số trường hợp cựu thuyền nhân hồi hương, sau quay lại Thái Lan và được định cư trong chương trình bảo lãnh tư nhân mà Liên Hội Người Việt Canada (Vietnamese Canadian Federation) ký với chính phủ Canada. Như thế, họ đã qua mặt Thái Lan, UNHCR và chính phủ Canada. Chương trình định cư kể trên là định cư nhân đạo, chứ không phải định cư tị nạn, và chỉ dành cho những cựu thuyền nhân không có quy chế tị nạn và chưa hề hồi hương.
Hiện còn khoảng hơn 20 hồ sơ cựu thuyền nhân loại này ở Thái Lan. Từ lâu, BPSOS đã bắn tiếng đến họ hãy sớm ghi danh xin quy chế tị nạn với UNHCR. Tiếc là lời nhắn nhủ này đã không đến được tất cả mọi người trong số họ.
Hội ngộ các đồng bào tị nạn thuộc Giáo Xứ Cồn Dầu sau khi định cư tại Hoa Kỳ, tháng 2 năm 2008
* Có cần vận động hồ sơ để được định cư tị nạn?
Không cần và không thể.
UNHCR làm tốt công việc giới thiệu hồ sơ tị nạn đến các quốc gia nhận định cư. Điểm bế tắc là có quá ít chỗ định cư tị nạn. Hoa Kỳ, quốc gia nhận định cư tị nạn nhiều nhất, đã giảm đỉnh số định cư tị nạn trong những năm gần đây.
Để tháo gỡ bế tắc này, từ cuối năm 2020, BPSOS cùng với nhiều tổ chức Hoa Kỳ vận động tăng đỉnh số. Tổng Thống Biden đã công bố đỉnh số là 125,000 cho năm 2022; bước kế tiếp là vận động Quốc Hội cấp ngân sách tưong xứng.
Trong một số trường hợp đặc biệt, luật sư của CAP đôn đốc (chứ không phải vận động) cho các hồ sơ đáp ứng tiêu chuẩn của UNHCR để được giới thiệu ưu tiên: người bị nguy hiểm cận kề, người bị bệnh nặng hay bệnh mãn tính, người già neo đơn, mẹ đơn hành, gia đình đông con.
Nếu có ai tuyên bố lập danh sách cá nhân để vận động với Quốc Hội hoặc Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho việc định cư, thì đó là do không hiểu thể thức định tị nạn: Hoa Kỳ (và tất cả các quốc gia nhận định cư) chỉ cứu xét hồ sơ do UNHCR giới thiệu. Là quốc gia thành viên của LHQ, họ không bao giờ qua mặt UNHCR.
* Có cần vận động chương trình tư nhân bảo lãnh tị nạn ở Hoa Kỳ?
Không cần vì mọi chuyện đã xong.
Khi bắt đầu vận động nâng đỉnh số định cư tị nạn thì chúng tôi cùng lúc vận động mở lại chương trình định cư tị nạn theo diện bảo lãnh tư nhân.
Đầu tháng 2, Tổng Thống Biden quyết định mở chương trình bảo lãnh tư nhân như vậy. Xem: https://www.cato.org/ blog/biden-tells-state- department-launch-private- refugee-sponsorship
Tháng 9, Bộ Ngoại Giao báo cáo Quốc Hội về chương trình này, được mệnh danh là diện P4, viết tắt của Priority 4 (Ưu Tiên 4). Xem: https://www.state.gov/ report-to-congress-on- proposed-refugee-admissions- for-fiscal-year-2022/
Ngày 25 tháng 10, Tổng Thống Biden tuyên bố bắt đầu thí điểm diện P4 với những người tị nạn Afghanistan. Xem: https://www.rollcall.com/ 2021/10/25/us-will-allow- private-sponsors-to-help- afghan-refugee-resettlement/
Thực ra, Hoa Kỳ đã có chương trình bảo lãnh tư nhân người tị nạn từ năm 1987 đến năm 1995. Chương trình bị đóng sau khi trong 2 năm liền, 1994 và 1995, không tư nhân nào nhận bảo lãnh người tị nạn.
Biểu đồ định cư theo diện bảo lãnh tư nhân vào Hoa Kỳ
* Hoa Kỳ có loại trừ người Việt khỏi chương trình định cư tị nạn?
Thông tin của đài RFA, rằng từ năm 2008 Hoa Kỳ không xem người Việt thuộc thành phần xứng đáng để định cư tị nạn, là tin thất thiệt. RFA có cải chính nhưng lại đổ thừa cho một giới chức Hoa Kỳ đã nói vậy. Tôi đã liên lạc tất cả các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ được nhắc đến trong bản tin của RFA. Họ ngạc nhiên và lấy làm tiếc về cách đưa tin của RFA. Xem: https://www.rfa.org/ vietnamese/in_depth/ advocating-for-the-us- government-to-accept- vietnamese-refugees-in- thailand-08302021153442.html
Chắc chắn không một giới chức Hoa Kỳ nào nói điều này vì nó ngược với thực tế. Từ năm 2008 đến 2020, Hoa Kỳ đã nhận định cư khoảng 1,100 người Việt tị nạn từ Thái Lan. Trong đó khoảng 800 là những người đã được sự hỗ trợ pháp lý của CAP. Bởi vậy, tôi khẳng định tin của RFA là tin thất thiệt và càng thất thiệt sau khi đính chính.
Ai muốn tự phối kiểm thì có thể truy tìm thống kê của UNHCR về số người tị nạn được định cư liệt kê theo quốc gia nguyên quán, quốc gia tiếp nhận, và năm: https://www.unhcr.org/ refugee-statistics/download/? url=e9ctLQ
* Chương trình bảo lãnh tư nhân người tị nạn của Canada
Canada đứng thứ 2, sau Hoa Kỳ, về định cư người tị nạn ở Thái Lan. Canada có 2 chương trình định cư tị nạn: chính phủ bảo lãnh và tư nhân bảo lãnh.
Từ năm 1978, chương trình bảo lãnh tư nhân đã định cư 225,000 trong tổng sô 770,000 người tị nạn vào Canada. Nhiều người Việt tị nạn được tư nhân bảo lãnh vào Canada. Trong biểu đồ dưới đây, màu tím là số người tị nạn định cư vào Canada theo diện bảo lãnh tư nhân. Mầu xanh dương là số người được chính phủ bảo lãnh.
Nguồn: https://www. migrationpolicy.org/article/ canada-private-sponsorship- model-refugee-resettlement
Có nhiều tổ chức phi chính phủ, nhất là các tổ chức tôn giáo, tham gia chương trình bảo lãnh tư nhân. Chính phủ Canada ấn định đỉnh số cho chương trình này là tổng cộng 67,500 cho 3 năm 2021-2023. Xem: https://www.canada.ca/en/ immigration-refugees- citizenship/corporate/mandate/ policies-operational- instructions-agreements/ timely-protection-privately- sponsored-refugees.html
* Cách tối ưu để giúp đồng bào đào tị ở Thái Lan
Chúng tôi tập trung vào việc trợ giúp pháp lý cho đồng bào vượt qua cửa ải đầu tiên: xin UNHCR công nhận tư cách tị nạn. Với họ, đây là cửa ải sinh – tử vì họ chỉ có tương lai nếu được UNHCR công nhân tư cách tị nạn. Lúc ấy, họ mới có cơ hội định cư. Với mức nhận định cư vào Hoa Kỳ tăng mạnh và Canada vẫn ở hạng hai, triển vọng định cư của người tị nạn tăng lên đáng kể.
Tại cửa ải định cư, chúng tôi theo dõi và đôn đốc UNHCR ưu tiên giới thiệu các hồ sơ trong hoàn cảnh đặc biệt, hoặc thỉnh thoảng bổ sung thông tin cho hồ sơ đã được UNHCR giới thiệu với quốc gia nhận định cư.
Đó là cách hiệu quả nhất để giúp đồng bào đang xin tị nạn hoặc đang chờ định cư. Nó thể hiện tinh thần trách nhiệm khi sử dụng nguồn tài chính do đồng hương ở hải ngoại đóng góp.
* Thông tin liên quan
Tổng Thống Hoa Kỳ công bố đỉnh số 125,000 chỗ định cư tị nạn cho tài khoá 2022: https://machsongmedia.org/ vietnam/bao-ve-nguoi-ti-nan/ 1757-tong-thong-hoa-ky-cong- bo-dinh-so-125000-cho-dinh-cu- ti-nan-cho-tai-khoa-2022.html
Cập nhật về triển vọng định cư cho người Việt tị nạn ở Thái Lan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét