Bài 32
HIỆP KHÁCH HÀNH
俠客行
Triệu khách mạn hồ
anh,
趙客縵胡纓,
Ngô câu sương tuyết minh.
吳鉤霜雪明。
Ngân an chiếu bạch
mã,
銀鞍照白馬,
Táp đạp như lưu
tinh.
颯沓如流星。
Thập bộ sát nhất
nhân,
十步殺一人,
Thiên lý bất lưu
hành. 千里不留行。
Sự liễu phất y
khứ, 事了拂衣去,
Thâm tàng thân dữ
danh.
深藏身與名。
Nhàn quá Tín Lăng
ẩm, 閑過信陵飲,
Thoát kiếm tất tiền
hoành. 脫劍膝前橫。
Tương chích (chá) đạm Chu
Hợi, 將炙啖朱亥,
Trì thương khuyến Hầu
Doanh 持觴勸侯嬴。
Tam bôi thổ nhiên
nặc, 三杯吐然諾,
Ngũ nhạc đảo vi
khinh.
五岳倒為輕。
Nhãn hoa nhĩ nhiệt
hậu, 眼花耳熱後,
Ý khí tố nghê
sinh.
意氣素霓生。
Cứu Triệu huy kim
chùy, 救趙揮金鎚,
Hàm Đan tiên chấn
kinh. 邯鄲先震驚。
Thiên thu nhị tráng
sĩ, 千秋二壯士,
Huyên hách Đại Lương
thành.
烜赫大樑城。
Túng tử hiệp cốt hương,
縱死俠骨香,
Bất tàm thế thượng
anh. 不慚世上英。
Thùy năng thư các
hạ, 誰能書閣下,
Bạch thủ Thái Huyền
kinh!
白首太玄經
Lý Bạch 李白
Dịch nghĩa:
Bài ca người khách nghĩa hiệp.
C.1 - 4: Người khách nước Triệu có dải mũ thô mộc, không tô vẽ cầu kỳ. Thanh
đao móc câu làm ở nước Ngô sáng rỡ như tuyết.Yên ngựa bạc soi chiếu con ngựa
trắng. Gió thổi vù vù nhiều lớp chồng lên nhau như những vì sao di chuyển.
C.5 - 8: Trong mười bước có thể sát hại ngay một người nên không cần phải đi xa
ngàn dặm làm gì! Khi việc đã xong, giũ áo ra đi, giấu kín thân thế cùng tên
tuổi.
C.9 -12: Lúc rảnh rang qua chỗ Tín Lăng quân uống rượu. Thanh gươm được rút ra
đặt ngang trên gối. Tín Lăng quân nướng thịt đút mời Chu Hợi rồi cầm chén rượu
rót mời Hầu Doanh.
C.13 -16: Ba chén rượu là để tỏ ý chấp nhận lòng chân thành. Năm ngọn núi cao
lớn vẫn đảo ngược nhẹ nhàng! Mắt (như đã) nở hoa, tai (như) bừng nóng ở phía
sau! Ý chí và khí lực như phát sinh thành vành ngoài của cầu vồng màu tơ sống
trắng.
C.17- 20: Cứu nước Triệu phải vung cây chùy bằng kim loại. Trước hết đã
làm cho thành Hàm Đan nước Triệu phải chấn động, thất kinh! Ngàn thu tiếng tăm
hiển hách của hai vị tráng sĩ lan rộng khắp thành Đại Lương.
C.21- 24: Dầu cho có mất đi, xương cốt của người hiệp nghĩa vẫn còn thơm! Họ
không hổ thẹn là những bậc anh hùng trên đời! Như ai đó kia đầu bạc trắng khi
viết "Thái Huyền Kinh" bên dưới gác sách!
Tạm chuyển lục bát:
BÀI CA NGƯỜI KHÁCH NGHĨA
HIỆP.
Mũ thô khách Triệu dải
xòa,
Sáng như sương tuyết, chói lòa Ngô câu.
Ngựa mang yên bạc trắng phau,
Gió ào lớp lớp như sao
chuyển dời!
Ra tay mười bước giết người,
Cần chi ngàn dặm xa vời ruổi rong!
Ra đi giũ áo : việc xong,
Đem thân giấu kín với cùng tiếng tăm.
Thảnh thơi ghé uống Tín Lăng,
Tuốt gươm đầu gối để nằm trải ngang.
Nướng mời Chu Hợi thịt ăn,
Cầm bầu rót rượu mời chàng Hầu Doanh.
Ba bôi vâng thuận lòng thành,
Lật năm núi lớn nhẹ tênh xem thường!
Mắt hoa, tai đã nóng bừng!
Nẩy sinh ý khí trắng bung móng vồng.
Ra tay cứu Triệu chùy vung,
Hàm Đan trước hết hoảng rung tơi bời.
Ngàn thu tráng sĩ hai người,
Tiếng tăm vang rộng nơi thành Đại Lương.
Chết đi, kẻ hiệp thơm xương!
Không hề thẹn bậc hùng anh trên đời.
Dưới lầu viết sách ai người?!
Thái Huyền kinh ấy bạc phơi mái đầu!
Chú thích:
- hiệp khách 俠客: hiệp có nghĩa là
dùng sức mạnh và lòng trọng nghĩa để giúp đời; khách: người được mời đến, người
được kính nể, tôn trọng.... Hiệp khách là người hào hiệp có hành động nghĩa
khí, anh hùng để giúp đời (tương tự như hiệp sĩ 俠士).
- hành 行: một thể nhạc phủ thời cổ phát triển mạnh
thời nhà Hán, cũng là tên khúc nhạc (như Trường Can Hành 長干行 của Lý Bạch, Cổ Bách Hành 古柏行 của Đỗ Phủ, Tỳ Bà Hành琵琶行 hay Hạo Ca Hành 浩歌行 của Bạch Cư Dị, Trường Ca Hành 長歌行 thời nhà Hán, Sở Kiến Hành 所見行 của Nguyễn Du....); nghĩa khác: bước đi,
trải qua, con đường, hành trang, rời, trôi chảy....
- mạn hồ anh 縵胡纓: giải (dải) mũ đơn giản, không thêu hoa văn
để rủ xuống. Triệu Thái tử (hay Triệu công tử Tín Lăng quân) thường nói: "Những
tráng sĩ mà vua ta tiếp kiến đều đầu bù tóc rối như cỏ bồng, giải mũ của họ mộc
mạc để rủ xuống, khoác chiếc áo ngắn...."(Sách Trang Tử).
- Ngô câu 吳鉤: một loại đao thép có hình dạng uốn cong như
móc câu hoặc liềm hái tương truyền do vua Ngô Hạp Lư làm ra rất sắc bén.
- táp đạp 颯沓: dáng đông đảo rối
bùng lên, ùn lên nhiều.
- tương 將: đem mời, dâng mời
(V.D: Tương tiến tửu 將進酒 của Lý Bạch) giúp đỡ,
nuôi dưỡng, theo, tiến lên, đi mất, và, với, điều ấy, há sao, hoặc là, ắt là,
vừa bên cạnh, nếu như.....
- Chu Hợi 朱亥, Hầu Doanh 侯嬴: hai tráng sĩ được Tín Lăng quân Ngụy Vô Kỵ 魏无忌(?- 243 TCN) thời Chiến Quốc mời làm thượng
khách trong tôn phủ. Vô Kỵ là thái tử con thứ tư của Ngụy Chiêu vương và em
cùng cha khác mẹ của Ngụy An Ly vương.Khi Chiêu vương mất, Ngụy An Ly vương lên
ngôi phong Vô Kỵ làm Tín Lăng quân.Ông là một người rất giàu lòng nghĩa hiệp và
rất coi trọng những con người như thế. Ông đã mời được một ẩn sĩ là Hầu Doanh
là người tráng sĩ hào hiệp và có tài. Họ Hầu đã tiến cử cho Tín Lăng quân một
ẩn sĩ tài giỏi khác làm nghề giết lợn là Chu Hợi ở thành Đại Lương. Năm thứ 20
đời Ngụy An Ly vương, quân nhà Tần vây hãm thành Hàm Đan nước Triệu của người
bạn thân là Bình Nguyên quân cũng là anh rể của mình.Vua Ngụy cho đại tướng
quân Tấn Bỉ đưa quân đi cứu Triệu nhưng do sự đe dọa của Tần sẽ đánh Ngụy nên
vua Triệu do dự không tiến quân. Nóng lòng vì bạn nên Vô Kỵ xin vua Ngụy cho
lệnh tiến công nhưng vua Ngụy không chấp thuận vì sợ oai Tần. Tín Lăng quân nhờ
người chị dâu là vương phi Như Cơ được vua sủng ái. Như Cơ từng chịu ơn Vô Kỵ
để cứu mạng cho cha của phi nên tìm cách lấy binh phù của vua Ngụy rồi đưa Tín
Lăng quân đem đến doanh trại ra lệnh cho Tấn BỈ tiến công.Bỉ nghi ngờ không đón
lệnh. Châu Hợi đi tùy tùng cùng Tín Lăng quân đã vung chùy sắt nặng bốn mươi
cân giết chết Tấn Bi, không để cho cận vệ kịp trở tay! Tín Lăng quân cầm binh
phù và ấn tướng phát lệnh cho quân Ngụy tiến quân nhanh đánh tan quân Tần, giải
cứu thành Hàm Đan và nước Triệu của bạn thân là Bình Nguyên quân. Lý Bạch đã ca
ngợi lòng nghĩa hiệp của những người như Tín Lăng quân, Hầu Doanh, Chu
Hợi....xem họ như những anh hùng đáng quý trọng hơn là những người như Dương
Hùng chỉ làm được chuyện viển vông, không thiết thực.(xem CT c.23,24 bên dưới)
- thương 觴: rót rượu dâng mời
uống, chén uống rượu.
- chích (chá) 炙: nướng thịt. - đạm 啖: đút cho ăn, mời ăn đưa tận miệng chỉ sự trân
trọng, quý mến người khách.
- khuyến 勸: mời mọc (V.D: khuyến
tửu: mời rượu) nghĩa khác: khuyên gắng, khuyên nhủ...
- thổ nhiên 吐然: vui lòng nhận công
việc, tỏ ý thành thật, phơi bày lòng thành
- nặc 諾: chấp nhận, hứa hẹn, đồng ý...
- câu 15, 16: lấy từ thơ của Trương Hoa 張華 (232-300 tự Mậu Tiên 茂先, người Phương Thành, Phạm Dương, Trung Hoa, nay thuộc tỉnh Hà
Bắc), là một nhà chính trị, nhà văn, nhà thư pháp có tiếng đời Tây Tấn. Ông là
cháu 16 đời của Trương Lương 張良 đời Tây Hán, và cháu
14 đời của danh tướng Trương Cửu Linh 張九齡 đời Đường). Thơ Trương Hoa có câu: "Nhĩ nhiệt nhãn
trung hoa" và "Khảng khái tố nghê sinh" (nghĩa là:
Tai bừng nóng, trong mắt nở hoa; khảng khái tỏa ra cầu vồng (nghê) màu trắng
(tố 素: tơ sống màu trắng, không có thực...) khi nói
về hành vi của những tráng sĩ lúc vui say uống rượu.
- tàm 慚: thẹn, xấu hổ, hổ thẹn...
- thùy năng 誰 能: ai đó có tài năng ,ai đó thuận theo...
- câu 23, 24: đề cập đến cuộc đời của Dương Hùng thời Hán Thành Đế. Ông là
người có tiếng về tài văn thơ, được giữ chức Lang trung. Qua thời của Vương
Mãng 王莽 [ 45 TCN tiếm quyền rồi cướp ngôi nhà Hán lập
ra nhà Tân (9-23 SCN) xưng là hoàng đế], ông được giữ chức Hiệu thư làm việc ở
Thiên Lộc Các (sử sách Trung Hoa đều xem Vương Mãng là kẻ làm loạn cướp ngôi
nhà Hán nên không xem nhà Tân của Vương Mãng là chính sử). Ông dành công sức
trong việc soạn Thái Huyền Kinh dựa vào cuốn Kinh Dịch có từ thời Khổng
Tử đến nỗi đầu bạc trắng xóa.Trong triều có biến, ông sợ liên lụy nên
nhảy lầu tự tử nhưng chỉ bị thương nặng... Lý Bạch tỏ rõ sự quý mến, trân trọng
những con người nghĩa hiệp như Chu Hợi, Hầu Doanh hoặc những con người mưu trí
và thức thời như Trương Lương hơn là những kẻ mọt sách, cổ hủ như Dương
Hùng....
Bài 33
HÀNH LỘ NAN (Kỳ nhất) 行路難(其一)
Kim tôn thanh tửu đẩu thập thiên,
金樽清酒斗十千,
Ngọc bàn trân tu trị
vạn tiền.
玉盤珍饈值萬錢。
Đình bôi đầu trợ bất
năng thực,
停杯投箸不能食,
Bạt kiếm tứ cố tâm
mang nhiên . 拔劍四顧心茫然。
Dục độ Hoàng Hà băng
tắc xuyên, 欲度黃河冰塞川,
Tương đăng Thái Hàng tuyết ám thiên. 將登太行雪暗天。
Nhàn lai thùy điếu tọa
khê thượng, 閒來垂釣坐溪上,
Hốt phục thừa chu mộng nhật biên. 忽復乘舟夢日邊。
Hành lộ nan! Hành lộ nan! 行路難,行路難,
Đa kỳ lộ , kim an tại ?
多岐路,今安在。
Trường phong phá lãng hội hữu thì, 長風破浪會有時,
Trực quải vân phàm tế thương hải.
直掛雲帆濟滄海。
Lý Bạch
李白
Dịch nghĩa:
Đường đi khó (bài một).
Chén vàng dùng với rượu trong vắt mỗi đấu giá mười ngàn. Mâm ngọc bày thức
ăn ngon quí hiếm đáng giá bạc vạn. Dừng chén, ném đũa tre không ăn được nữa.
Rồi rút kiếm, nhìn chăm chú bốn hướng mà lòng hoang mang. (c.1-4)
Muốn vượt qua Hoàng Hà nhưng dòng sông đóng băng làm cản trở. Sắp sửa leo lên
dãy Thái Hàng nhưng tuyết (rơi) che khuất bầu trời! Khi rảnh rỗi, thong dong
đến ngồi buông câu ở trên khe suối. Bỗng dưng lại mơ cưỡi chiếc thuyền đến bên
mặt trời. (c.5-8)
Đường đi khó! Đường đi khó! Nhiều nhánh đường nơi ấy nay ở nơi chốn nào!?
Gió lớn, sóng mạnh như ào ạt có khi gặp nhau! Treo cánh buồm mây đi thẳng qua
biển xanh. (c.9-12)
Tạm chuyển lục bát:
ĐƯỜNG ĐI KHÓ (Bài 1)
Chén vàng, giá rượu mười ngàn,
Vạn tiền, mâm ngọc, thức sang xứng rồi!
Chẳng ăn, ném đũa dừng bôi,
Rút gươm bốn hướng trông vời hoang mang.
Muốn qua, băng nghẽn sông Hoàng,
Trời giăng mờ tuyết Thái Hàng toan lên,
Buông câu thong thả khe trên,
Bỗng dưng mộng cưỡi thuyền bên mặt trời.
Đường đi khó lắm! Đường ơi!
Nhiều đường, lắm nhánh nay nơi chốn nào!
Có khi sóng gió gặp nhau,
Treo buồm mây vượt thẳng ào biển xanh.
Chú thích:
- thanh tửu 清酒: rượu trong vắt được lấy từ mẻ đầu tiên làm
từ bằng
loại gạo ngon.
- trị 值: giá trị, xứng đáng, đánh giá, thu góp, nắm giữ....
- tâm mang nhiên 心茫然: hoang mang, không biết gì cả, không rõ
chuyện gì...
- tương 將: sắp, toan, dự tính, giúp đỡ, tiến lên, lớn mạnh, nhận lấy,
bên
cạnh, đem dùng....
- Thái Hàng 太行: tức Thái Hàng Sơn (âm của hành 行 là hàng) là
dãy núi lớn đi qua các tình Hà Nam, Sơn Tây, Sơn Đông, Hà Bắc
(Trung Hoa) trải dài 400 km từ đông bắc đến tây nam. Đỉnh cao nhất
là Tiểu Ngũ Đài
Sơn 小五臺山 (2882m).
- kim an tại 今安在: nay còn nơi đâu, nay ở chốn nào. (an
tại 安在: ở
nơi đâu, bình an, yên lành...)
- tế 濟: vượt qua sông, sang qua, nên, có lợi, xong việc, cứu tế, giúp
đỡ, ngừng nghỉ...
Bài 34
HÀNH LỘ NAN (Kỳ nhị) 行路難(其二)
Đại đạo như thanh thiên, 大道如青天,
Ngã do bất đắc
xuất.
我猶不得出。
Tu trục Trường An xã
trung nhi, 羞逐長安社中兒,
Xích kê bạch cẩu đổ lê
lật.
赤雞白狗賭梨栗。
Đàn kiếm tác ca tấu
khổ thanh, 彈劍作歌奏苦聲,
Duệ cư vương môn bất
xứng tình . 曳裾王門不稱情。.
Hoài Âm thị tỉnh tiếu
Hàn Tín, 淮陰巿井笑韓信,
Hán triều công
khanh kỵ Giả sinh. 漢朝公鄉忌賈生。
Quân bất kiến : 君不見:
Tích thì Yên gia trọng
Quách Ngỗi,
昔時燕家重郭隗,
Ủng trệ chiết tiết vô
hiềm sai . 擁篲折節無嫌猜。
Kịch Tân, Nhạc Nghị
cảm ân phân , 劇辛樂毅感恩分,
Thâu can phẫu đảm hiệu
anh tài , 輸肝剖膽效英才。
Chiêu Vương bạch cốt
oanh mạn thảo, 昭王白骨縈蔓草,
Thùy nhân cánh tảo
Hoàng Kim đài.
誰人更掃黃金臺。
Hành lộ nan! Quy khứ
lai!
行路難,歸去來 .
Lý Bạch 李白
Dịch nghĩa :
Đường đi khó (bài hai)
C.1-4/ Con đường lớn rộng như bầu trời xanh! Ta vẫn còn đây, không thể đi ra
được. Nhục nhã thay (nếu) đi theo bọn trai trẻ vùng Trường An chơi cờ bạc lấy
gà đỏ, chó trắng ăn thua với trái lê, hạt dẻ.
C.5-8/ Vỗ kiếm ca lên với giọng ca đau khổ! Kéo vạt áo nơi cửa vua không thích
hợp với tình cảnh. Người vùng Hoài Âm họp chợ cười nhạo Hàn Tín. Các quan lớn
hàng công khanh của triều đình nhà Hán đều kiêng dè Giả sinh.
C.9-12/ Anh thấy không: trước đây nhà Yên quí trọng Quách
Ngỗi nên ôm chổi, khom người để quét dọn (cho khách mời) không hề ngại ngùng!
Kịch Tân, Nhạc Nghị chia nhau nhận ơn (vua ban).
C.13-16/ Trao gan, mổ mật dâng hiến tài năng của kẻ anh hùng hơn người ! Nắm
xương trắng của Chiêu vương rải quanh đám cỏ bò tràn lan! Ai sẽ là người thêm
vào việc quét dọn nơi đài Hoàng Kim đây?! Đường đi khó lắm thay! Hãy về đi
thôi!
Tạm chuyển lục bát:ĐƯỜNG ĐI KHÓ (Bài hai)
Như trời xanh rộng: con đường,
Ta ra chẳng được, vẫn còn đấy thôi!
Trường An theo trẻ nhục người,
Dẻ, lê cờ bạc chơi ăn chó gà!
Vỗ gươm giọng khổ xướng ca,
Cửa vua kéo áo tình đà hợp không!?
Chợ Hoài, nhạo Tín cười ông,
Giả sinh triều Hán, công khanh kiêng dè.
Bạn ơi có thấy chăng kìa!
Nhà Yên : Quách Ngỗi nể vì thuở nao!
Khom người ôm chổi ngại đâu,
Kịch Tân, Nhạc Nghị chia nhau ơn dày.
Dâng gan, mổ mật trao tài,
Chiêu vương xương trắng vây quanh cỏ tràn!
Ai người quét dọn đài Hoàng,
Hãy quay về lại, đi đường khó khăn!
Chú thích:
- do 猶: còn, vẫn còn, đấy là, giống như, con đường,
dáng ung dung thong thả, còn có thể, dáng tươi cười, mưu chước, con khỉ....
- tu 羞: thẹn, ngượng, nhục nhã, tiến dâng, thức ăn
ngon...
- Trường An xã 長安社: vùng, đất Trường
An: kinh đô nhà Đường thời Lý Bạch. (Xã 社: chỉ một khu vực, một cộng đồng xã hội
cùng chung sống với nhau, hoặc chỉ những người cùng cung sở thích (văn xã, thi
xã...); ngĩa khác chỉ thần đất, thổ địa...)
- đổ lê tật 賭梨栗: cờ bạc ăn thua(đổ)
đổi lấy trái lê, hạt dẻ.
- tấu khổ thanh 奏苦聲: xướng lên bài hát
có âm điệu đau khổ.
- duệ 曳: kéo dẫn, hết sức mỏi mệt.
- cư 裾: vạt áo (âm của cư là cứ: chiếm cứ, xấc
láo, nghênh ngang...).
- xứng 稱: xứng hợp, thích ứng, hợp, vừa vặn, xứng
đáng, cái cân.
- Hoài Âm 淮陰: tên vùng đất Hàn
Tín sinh ra. Nay là huyện Hoài Âm, Giang Tô, T.H.
- thị tỉnh 巿省: tập họp những người buôn bán ở chợ, nơi chợ
họp. Ngày xưa giữa những nơi sinh hoạt, tụ họp của cộng đồng trong thị trấn lớn
nhỏ thường có một cái giếng nước dùng chung cũng là nơi họp chợ quanh đó nên
gọi là "thị tỉnh".
- Hàn Tín 韓信: 229-196 TCN người
đất Hoài Âm nước Sở thời đó. Cha mẹ Tín nhà nghèo lại mất sớm nên từ bé Tín
phải tự lo kiếm sống bằng việc câu cá ở sông khi có khi không. Cuộc sống tạm bợ
như thế nên Tín thường đói. Tín được một bà lão giặt áo bên sông thương tình
cho cơm ăn. Tín nói rằng sau này làm nên sự nghiệp sẽ trả ngàn vàng cho bà. (Về
sau khi làm tướng, Tín đã giữ đúng lời hứa thưởng ngàn vàng và chu cấp cho bà
lão). Bà lão nói rằng chỉ muốn giúp Tín chuyện thiếu ăn chứ đâu mong báo đáp!
Có lúc Hàn Tín người to cao, vác kiếm đi trong chợ bị người hàng thịt thách đấu
kiếm hoặc phải chịu luồn trôn. Tín đã chui qua háng người hàng thịt khiến cả
chợ Hoài Âm cười nhạo nhục nhã.Họ cho Tín là hạng người hèn kém! Năm 209TCN,
Trần Thắng khởi binh chống nhà Tần. Tín theo Hạng Lương nước Sở, có cháu là
Hạng Vũ cho gia nhập quân ngũ nhưng tài năng bị xem thường.Nhiều phen Tín cũng
bày mưu hiến kế nhưng Hạng Vũ không tin dùng. Khi nhà Tần sụp đổ, Lưu Bang bị Hạng
Vũ là người cầm đầu các chư hầu đẩy vào miền đất Thục xa xôi hiểm trở. Vì không
được Sở Hạng vương tin dùng nên Tín bỏ Sở đi theo Lưu Bang với sự tiến cử của
Trương Lương nhưng chỉ được giao cho việc coi kho. Sau đó, Tín trực tiếp ra mắt
hầu chuyện với Đằng vương Hạ Hầu Anh là một tướng giỏi của Lưu Bang. Hầu Anh
hài lòng và tâu lên Hán vương. Lưu Bang cho Tín làm đô úy coi kho lương
thực. Đường vào đất Thục rất gian nan hiểm trở nên nhiều bộ tướng bỏ trốn.Tuy
từng được Trương Lương rồi Tiêu Hà cùng Hạ Hầu Anh tiến cử nhưng Tín thấy mình
không được nắm quân binh trực tiếp chiến đấu và thiếu sự tin dùng nên cũng bỏ
trốn. Tiêu Hà nghe Tín rời Hán không kịp báo với Lưu Bang đuổi theo tìm cách
chiêu dụ Tín quay trở lại. Lưu Bang cứ phân vân, không rõ nguồn cơn khi thấy
Tiêu Hà là một công thần thân cận lại bỏ đi cùng Tín. Hai hôm sau Tiêu Hà và
Tín trở về. Hà nói với Lưu Bang là mình đi tìm cho được người "quốc
sĩ" có tầm nhìn và mưu kế lớn lao để diệt Sở. Nhà vua ở mãi Hán Trung thì
không cần Tín, còn muốn tranh thiên hạ thì ngoài Tín không ai có tài năng cầm
quân giúp cho việc này!. Do Tiêu Hà khẩn cầu tha thiết cùng với sự đề cử của
quân sư Trương Lương từ trước nên Lưu Bang dù chưa tin tưởng lắm nhưng đành
theo lời Tiêu Hà cho lập đàn trai giới phong cho Hàn Tín làm đại tướng quân
trước sự ngạc nhiên của nhiều tướng quân khác. Tín dâng vua sách lược đánh Sở
giành thiên hạ. Dần dà Lưu Bang nhận ra tài năng của Tín như hai công thần Tiêu
Hà và Trương Lương. Nhờ tài cầm quân xuất chúng, Tín đã tiến quân tiêu diệt được
Tam Tần do các vua chư hầu nắm giữ là Ung vương Chương Hàn, Tắc vương Tư Mã
Hân, Địch vương Đổng Ế, chặn đứng sức tiến của quân Hạng vương nước Sở, đánh
tan quân của Ngụy vương Báo phản Hán theo Sở. Các nước chư hầu nhỏ như nước
Triệu, nước Đại... đều do Tín đem quân đánh tan. Do công lao to lớn như thế nên
Hán vương theo lời Tiêu Hà phong cho Tín làm Hoài Âm vương để Tín dốc lòng ra
trận chứ thực tâm rất nghi kỵ. Sau này, nhờ công Tín phối hợp với các cánh quân
khác của Hán vương đã tiêu diệt được đoàn quân uy lực của Hạng Vũ đem thắng lợi
về cho Hán vương Lưu Bang. Nhưng khi kết thúc chuyện tranh giành thiên hạ,
thống nhất đất nước Hán vương giờ là Hán Cao Tổ hoàng đế sợ khả năng của Tín có
thể chống lại mình nên gài bẫy hạ xuống còn chức Hoài Âm hầu cũng như không cho
nắm quân nữa. Về sau, khi Lưu Bang rời kinh thành đi dẹp loạn, Lữ hậu cùng Tiêu
Hà đã bày mưu mời ông vào triều và cho võ sĩ bắt trói giết chết ở gác chuông
trong cung Trường Lạc.
- Giả sinh 賈生 : tức Giả Nghị 賈誼 (201-169 TCN) thường được gọi là thư sinh họ
Giả. Ông là một người học rộng, giỏi từ, phú, nghị luận nên năm hai mươi tuổi
đã là quan bác sĩ trong triều (bác sĩ: người học rộng, kiến thức uyên bác,
nắm rõ nhiều lĩnh vực. Đó là tên chức học quan thời xưa. Nhà Đường có
"Thái học bác sĩ 太學博士", "Thái thường bác sĩ 太常博士", "Thái y bác sĩ 太醫博士... v.v...). Thời Hán Văn đế (trị vì từ 180-157 TCN) trọng hiền tài nên
Giả Nghị dù còn rất trẻ vẫn được đề cử giữ chức Thái Trung đại phu. Do ghen ghét
tài năng của ông vì thường dâng sớ cải cách lên vua nên ông bị các công khanh
trong triều nói xấu về ông với vua trên. Ông bị triều đình đày đi làm Thái phó
cho Trường Sa vương. Trên đường đi đày, khi ngang qua sông Mịch La, ông có làm
bài điếu "Viếng Khuất Nguyên". (Khuất Nguyên người nước
Sở cũng bị triều thần dèm pha phải đi đày nên phẫn chí tự trầm ở Mịch La, một
nhánh của Tương giang).Khi Lương Hoài vương của đất Trường Sa do ngã ngựa chết
đi, Giả Nghị buồn phiền rồi bị bệnh mất lúc mới 32 tuổi.
- tích thì 昔時: lúc trước, hôm trước, trước đây, lâu, ban
đêm....
- Quách Ngỗi 郭隗, Nhạc Nghị樂毅, Kịch Tân 劇辛: Quách
Ngỗi là một lão thần của nước Yên rất giỏi về việc trị quốc lại là người được
nhiều người kính trọng và yêu mến. Nước Tề thời Tề Tuyên vương sai Khuông
Chương tiến đánh nước Yên giết vua cũ là Yên Khoái. Vua đương nhiệm được tiến
cử từ Yên Khoái là Tử Chi tuổi đã cao, khiến triều đình và dân chúng bất mãn.
Nhân đó, nước Tề cử binh đánh chiếm nước Yên. Tề cai trị nước Yên ba năm rất
tàn bạo, sau phải rút về do áp lực của các chư hầu nhà Chu. Triệu Vũ Linh vương
nước Triệu có mối giao hảo tốt với nước Yên nên sai Nhạc Trì sang nước Hàn mời
công tử Chức nước Yên đang làm con tin ở đây đưa về Yên lên ngôi là Yên Chiêu
Tương vương 燕昭襄王 (311 -279 TCN ) tức
Yên Chiêu vương (燕昭王). Chiêu vương có ý
chiêu hiền đãi sĩ để tìm người hiền tài giúp nước và trả thù nước Tề. Trong
triều nhiều người tiến cử một lão thần là Quách Ngỗi. Chiêu vương đến hỏi han
vị lão thần và cho mời về cung tôn làm sư phụ hầu hạ kính cẩn. Theo ý của Quách
Ngỗi và cũng do cách đối xử trọng thị với các hiền tài nên Nhạc Nghị từ nước
Ngụy, Trâu Diễn từ nước Tề, Kịch Tân ở nước Triệu..v..v..nghe tiếng Chiêu vương
nên tìm đến giúp vua nước Yên . Nhạc Nghị được sự tín nhiệm của vua Yên cũng
như vua Triệu Sở, Hàn, Ngụy giao cho ấn tướng hợp quân lại đánh tan quân nước
Tề ở Tế Tây. Quân chư hầu dừng binh chỉ còn quân nước Yên của Nhạc Nghị tiếp
tục đánh đuổi quân Tề chiếm đất, lấy thành đến tận thành Lâm Tri, chỉ còn lại
thành Cử và Tức Mặc(nay thuộc tỉnh Sơn Đông, T.H.). Yên Chiêu vương đích thân
đến thành Lâm Tri phong cho Nhạc Nghị làm Xương Quốc hầu, sau khi chiếm gần hết
thành của Tề. Bọn triều thần tiểu nhân trong triều ghen tài Nhạc Nghị dèm pha
là Nhạc Nghị có ý phản muốn làm Tề vương nên không chịu tiến chiếm hai thành
nhỏ còn lại. Yên Chiêu vương gạt phăng lờì dèm đố kỵ đó và thật sự cũng muốn
phong chức Tề vương nước Tề cho Nghị. Nhạc Nghị rất cảm kích nhưng cương quyết
chối từ.Thắng được quân Tề phần lớn là nhờ tài cầm quân của Á khanh Nhạc Nghị
và mưu kế của các hiền tài.Đồng thời cũng may mắn có được vua trên sáng suốt
trọng hiền tài mới được như thế! Khi Yên Chiêu vương mất (279 TCN), Yên Huệ
vương lên thay. Ngay từ khi còn làm thái tử, Huệ vương vốn đã không thích Nhạc
Nghị. Nhân cơ hội đó, tướng Điền Đan của nước Tề đang ở thành Tức Mặc dùng kế
ly gián nói với Huệ vương là Nhạc Nghị có ý định chiếm cho hết nước Tề để làm
Tề vương như cách dèm pha trước đây của bọn quan tiểu nhân trong triều. Do không
thích Nghị nên Yên Huệ vương cho triệu Nghị từ thành Lâm Tri về Yên. Nghị biết
rằng nếu tuân lệnh về triều có thể bị giết nên theo hướng tây bỏ sang nước
Triệu. Nhạc Nghị không còn nắm quân nên tướng Tề là Điền Đan nhân đó tiến chiếm
nhiều thành trì bị mất. Vua Yên hối hận cho triệu Nhạc Nghị về nhưng Nghị đã từ
chối và phúc đáp một bức thư bằng những lời lẽ chí tình cho thấy lòng tận tụy
đối với tiên vương là Yên Chiêu vương do cách đối đãi của ông ấy với hào kiệt.
Nhạc Nghị về sau mất ở nước Triệu. (xem thêm bài thơ : Cổ phong /Yên Chiêu
duyên Quách Ngỗi 古風/ 燕 昭 延 郭 隗 của Lý Bạch).
- hiệu 效: trao phó, giao cho, dâng hiến, cống hiến
tận tụy...
- oanh 縈: quẩn quanh, vòng quanh, quanh đó...
- mạn thảo 蔓草: loại cỏ thân nhỏ
mọc bò lan.
- cánh 更: âm của canh (sửa đổi, thay thế, trải qua,
ban thưởng, canh /giờ ) là cánh: thêm vào, lại càng thêm)
- Hoàng Kim đài 黃金臺: Yên Chiêu Tương
vương lên ngôi năm 311 TCN, năm sau ông cho xây đài Hoàng Kim là nơi đón tiếp
các bậc hiền tài và được trao tặng vàng. Đài được thường xuyên quét dọn và khi
chào đón hiền tài, đích thân Yên vương sẽ cầm chổi đi trước quét dọn mời khách
để tỏ sự trọng thị người hiền tài được mời. Dưới cái nhìn của Lý Bạch mọi sự
kiện lịch sử tuy còn đó nhưng cũng bị tàn phai theo sự thăng trầm của lịch sử
và thời gian (xem c.14, 15, 16)
*** Xem: "Hành lộ nan( kỳ 3)": Bài 5 đã đăng các tháng trước)
BÀI 35
KÝ VIỄN 寄 遠
Mỹ nhân tại thời, hoa mãn đường,
美人在時花滿堂,
Mỹ nhân khứ hậu, dư
không sàng. 美人去後餘空床。
Sàng trung tú bị quyển
bất tẩm, 床中繡被卷不寢,
Chí kim tam tải văn dư
hương. 至今三載聞餘香。
Hương diệc cánh bất diệc, 香亦竟不滅,
Nhân diệc cánh bất
lai. 人亦竟不來。
Tương tư hoàng diệp
tận, 相思黃葉盡,
Bạch lộ thấp thanh
đài.
白露濕青苔。
Lý Bạch
李白
Dịch nghĩa :
Gửi đến nơi xa.
Lúc còn người đẹp ở nơi đây, nhà luôn đầy hoa. Sau khi người đẹp đã đi rồi chỉ
còn lại chiếc giường trống trơn vắng lặng. Trong giường, chiếc chăn thêu đủ màu
đã cuốn lại không nằm. Đến nay, đã ba năm vẫn ngửi được mùi hương thơm còn
vương lại. Hương thơm không hề mất đi mà người (đẹp đã ra đi) cũng không hề trở
lại! Thương nhớ nhau chẳng thôi dù lá vàng cũng đã (rụng) hết cả và những hạt
sương móc trắng làm ướt đẫm đám rêu xanh.
Tạm chuyển lục bát:GỬI ĐẾN NƠI XA.
Nhà còn người đẹp hoa
đầy,
Người đi giường trống, nơi này vắng tăm.
Chăn thêu cuốn lại không nằm,
Hương thơm còn đó ba năm nay rồi!
Hương thơm vẫn mãi còn thôi,
Chẳng bao giờ đến, người không về nào!
Lá vàng dẫu hết nhớ nhau,
Rêu xanh ướt đẫm trắng màu móc sương.
Chú thích :
- tại thời 在時: lúc ở nơi đây, khi còn ở đó.
- dư không sàng 餘空床: còn lại chiếc giường trống trơn vắng vẻ.
- tú bị 繡被: tú: thêu vào đủ năm màu chính của chỉ
thêu, thêu chỉ có màu; bị: cái mền, cái chăn đắp ấm. Chăn đắp có thêu
đủ màu sắc.
- tẩm 寢: nằm, nghỉ ngơi, lăng tẩm...
- văn 聞: ngửi thấy, nghe thấy, tri thức, truyền cho sự hiểu biết...
- hương 香: mùi thơm, hương vị thơm tho...
- diệc 亦: lại lần nữa, chẳng những, trợ từ...
- cánh 竟: xong, cuối cùng, mà, lại, cùng cực, biên giới (cánh biên)....
- c.7: có sách ghi là "Tương tư hoàng diệp lạc". Chữ
"lạc" 落 có nghĩa là rơi rụng. Ở đây chữ
"tận" 盡 làm cho câu thơ sâu đậm hơn khi nói về nỗi
niềm thương nhớ (dẫu những chiếc lá vàng đã rụng hết cả nhưng lòng thương nhớ
chẳng hề nguôi ngoai).
Saigon, th. 5/2017
Dương Anh Sơn
(Lần đến: Bài 36, 37, 38
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét