Có ai đã từng được dạo phố với cảnh sát Mỹ chưa?
Đó cũng là một điều thú vị bất ngờ trong cuộc đời của tôi vì nhờ đó tôi được hiểu biết nhiều hơn về cảnh sát Mỹ.
Hồi đó tôi làm việc ở hãng điện tử, ca hai từ 3 giờ chiều tới mười một giờ đêm.
Công việc lúc đó rất bận rộn, nhiều khi tôi làm đủ 7 ngày không nghỉ ngơi, và làm thêm giờ, 4 tiếng đồng hồ mỗi ngày vẫn được chấp nhận, nên ông xã tôi cứ phàn nàn rằng có vợ cũng như không.
Vì ông xã làm ca một, rời khỏi nhà từ sáng sớm, buổi chiều ổng về nhà thì tôi đã đi làm, tới khuya tôi mới trở về.
Tuy chung một nhà nhưng chúng tôi thường nói chuyện với nhau hàng ngày qua những mảnh giấy nho nhỏ để ở trên bàn.
Cuộc sống ở Mỹ khi người phụ nữ phải ra ngoài đi làm thì vẫn phải gánh trách nhiệm nặng nề hơn người phối ngẫu vì còn con nhỏ và việc bếp núc dù có được ông chồng rất tốt phụ giúp cho một tay.
Một buổi hoàng hôn đẹp trời thứ bảy, tự nhiên tôi muốn về nhà sớm hơn bốn tiếng cho ông xã mừng.
Mới lái xe cách hãng chừng mười phút, vừa ra tới freeway (xa lộ) một chút thì cả hai bánh xe của tôi bị cán đinh xẹp lép ở phía bên tay trái, tôi phải cố gắng lái xe lết vô nằm trong lằn vàng bên tay phải.
Lòng dạ tôi thiệt là bối rối vì đó là lần đầu tôi bị xẹp bánh xe. Thời đó chưa có phone không dây cầm tay như bây giờ.
Tôi không biết phải làm sao thì may mắn có xe cảnh sát chớp đèn chạy tới đậu phía sau xe của tôi. Viên sĩ quan cảnh sát bước ra khỏi xe tuần tiễu tiến tới chỗ tôi đứng và hỏi tôi:
- Chào bà, xe của bà bị gì vậy? Tôi có thể giúp gì cho bà?
- Thưa ông, xe của tôi đã bị xẹp bánh.
Khi ông ta cúi xuống xem xét thì tôi nói:
- Thưa ông, hãng của tôi ở gần đây, ông có thể đưa tôi tới đó sẽ có người giúp tôi. (Lúc đó tôi chưa biết cảnh sát có thể giúp thay vỏ bánh xe, nên chỉ nghĩ nhờ bạn cùng làm việc giúp đỡ dùm mà thôi).
Viên sĩ quan đồng ý, ông nói đang thi hành nhiệm vụ phải chở mấy người phạm pháp về đồn trước, rồi mới đưa tôi tới hãng sau.
Ông mở cửa xe mời tôi lên băng ghế cuối cùng đang còn trống trơn.
Lên xe, tôi mới biết trong xe có 3 hàng ghế, và có 2 tấm lưới bằng sắt rất dày, ngăn cách các hàng ghế, những tấm lưới này để bảo vệ viên cảnh sát ngồi lái xe ở phía trước.
Trước mặt tôi cũng có một tấm lưới bằng sắt rất dày, có khoảng 3, 4 người ngồi xây lưng về phía tấm lưới, có lẽ họ đều bị còng, tất cả đều im lặng.
Ông cho xe chạy lòng vòng khoảng 15 phút, khi tới đồn cảnh sát ông đưa tôi vô nói sơ về trường hợp của tôi với mấy cảnh sát trực ở đó, chúng tôi gật đầu chào, có lẽ họ thấy tôi lương thiện nên rất vui vẻ. Ông sĩ quan chở tôi lúc nãy gọi phone cho cấp trên trình báo công việc, rồi chúng tôi ra xe.
Trên đường đi chúng tôi nói chuyện rất vui, khi tôi kể hồi còn ở VN ba tôi hồi đó cũng làm cảnh sát thì ông mỉm cười.
Tôi nói:
- Thưa ông, tôi có một vài thắc mắc về cảnh sát Mỹ, ông có thể vui lòng giải thích được không?
- Xin bà cứ hỏi.
- Ở VN thời trước 75 khi cảnh sát có dùng vũ lực cũng chỉ bắn vô chân cảnh cáo mà thôi, không bắn chết hẳn. Tôi đã từng thấy cảnh sát chìm chạy xe gắn máy rượt bắt cướp trên con đường đang lưu thông rất đông đảo mà nhắm bắn trúng ngay bàn chân tên cướp thật đáng nể tài thiện xạ.
Còn tại sao ở Mỹ khi cảnh sát ra tay thường nhắm bắn trúng ngực khoảng 15 phát đạn cho gục ngã mới chở vô nhà thương vậy thưa ông?
Ông sĩ quan cảnh sát trả lời:
- Ở Mỹ súng ống được tự do sử dụng, mỗi ngày trước khi ra ngoài đi làm nhiệm vụ, chúng tôi không biết có được an toàn trở về nhà hay không. Do đó an toàn vẫn là ưu tiên hàng đầu, bắn vô tay hay chân đều không có ý nghĩa gì hết vì bọn phạm tội vẫn có thể dùng súng bắn trả lại dù bị thương ở chân hay tay.
- Thưa ông ngoài nhiệm vụ giữ an ninh trật tự, các ông còn giúp đỡ gì khi người dân cần tới?
- Chúng tôi có thể cứu thương, trợ giúp sanh sản trong trường hợp nguy cấp không kịp đưa tới nhà thương...
- Hay quá! Như vậy cảnh sát Mỹ có nhiệm vụ rất nặng nề vì lúc nào người dân cần cảnh sát cũng có mặt liền, và dân Mỹ được tự do sử dụng súng nên cảnh sát còn gặp nguy hiểm nhiều hơn người lính ở chiến trường vì không dễ phân biệt được bạn-thù, phải không thưa ông?
- Đúng như vậy đó!
Lúc tới hãng, tôi xuống xe và cúi đầu lễ phép cám ơn ông, nhằm lúc đó đang giờ nghỉ, nhiều đồng nghiệp ngạc nhiên và lo lắng khi thấy xe cảnh sát xuất hiện.
Khi xe cảnh sát đã khuất dạng, các bạn xúm lại hỏi thăm mới biết xe tôi bị nằm vạ ngoài freeway.
Vì đang trong giờ làm việc nên các bạn tôi không thể giúp gì được, thay vào đó ông sếp của tôi tình nguyện đi giúp tôi.
Lúc tới chỗ xe của tôi, vì bánh xẹp nằm bên trái nên khi tôi đứng xem ông sếp thay bánh xơ cua, những chiếc xe khác chạy ào ào ngang qua như dông bão khiến tôi rùng mình kinh sợ, nếu chẳng may họ mất tay lái lao vô thì chúng tôi sẽ bị chết dễ như chơi!
Sau này tôi thấy rõ nhiều trường hợp cảnh sát Mỹ đã giúp cho người dân giống như ông sĩ quan cảnh sát đã kể cho tôi nghe dạo ấy.
Có những cảnh sát Mỹ đã tha không bắt những người phụ nữ nghèo không đủ tiền mua thực phẩm cho con (vì họ lấy đại thực phẩm mà không trả tiền), còn dùng tiền túi mua thẻ quà tặng những người phụ nữ túng quẫn đó để giúp họ mua sắm dễ dàng, không bị phạm tội trộm cắp.
Cảnh sát là những người bạn thân thiết của dân lành, nên khi cần có chuyện cần giúp đỡ, người ta đều gọi 911.
Kỷ niệm được ngồi ở xe cảnh sát Mỹ dạo chơi mà không phải ăn bánh còng làm tôi rất thích thú khó quên trong đời.
Tuy nhiên tôi cũng được biết nhiều người thấy cảnh sát là đã sợ muốn khóc thét lên rồi, nên không biết tôi có gan không các bạn?
Nguyet Nga Trinh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét