Nhân tháng tưởng niệm 3O. O4. 1975. Mời quý anh chị xem lại những dòng nhựt ký máu và nước mắt của những người từng bước qua giai đoạn lịch sử. Xem để hiểu để cảm nhận sự tàn ác và sự bất nhơn của cộng sản, khi chúng xâm chiếm và cướp đoạt miền Nam. Và những cảnh địa ngục trần gian là đày đọa tù đày giam giữ những quân nhân cán chính miền Nam. Thú tính hơn khi những hiền thê tới thăm chồng đã bị chúng làm nhục và có nhiều người đã tự tử để giữ vẹn sự trung trinh, có người phải gắng gượng để sống trong nhục nhã vì con vì chồng. Ui... biết bao những cảnh tượng đau tới xé lòng mà những cô nhi, góa bụa họ đã chịu đựng trong cái xã hội thú tính tới ghê gợm như vậy. Không bút mực nào có thể kể xiết những nỗi đau tới xé lòng khi đất nước rơi vào tay cộng sản 3O. O4. 1975. Ngày định mạng của một trang sử bi tráng của dân tộc và cả miền Nam Việt Nam.
Tưởng Niệm 3O Tháng Tư: Một Chuyến Đi Thăm Nuôi Chồng.
Qua khỏi khúc đường quẹo, một trạm kiểm soát với tên công an mặc áo vàng ngồi bên trong. Tui giựt mình theo phản xạ tự nhiên - “chết rồi lại gặp công an”, giữ bình tĩnh tui thầm nghĩ - “mình đi thăm nuôi chứ buôn bán gì mà sợ tịch thu”. Tấm bảng nhỏ ghi hàng chữ “Trình giấy tờ tại đây”. Tui bước tới, tên công an nhìn còn rất trẻ tươi cười chào thân mật:
- Chị đi thăm người nhà phải không?
Sự thiệt là tui không có thiện cảm với những người mặc bộ đồ công an, tui đã khổ nhiều với họ rồi, họ không cùng giới tuyến với tui và họ là người đang giam giữ chồng tui. Tui không cười, đưa trình tờ giấy thăm nuôi để ra khỏi chỗ này thiệt nhanh, vì tui dị ứng không muốn nhìn họ. Khi nhìn vào thẻ Chứng minh nhân dân của tui, tên công an mặt hớn hở reo lên:
- Ồ! Quê chị ở Đông Phú - Tiền Hải - Thái Bình, vậy là cùng quê với em. Còn thân mật như là người nhà của tui: “Gia đình thầy mẹ em còn đang ở ngoài ấy, mà chị cùng họ Đinh với em, chả nhẽ chị em mình có họ hàng với nhau.”
Tui lườm thầm trong bụng: “Họ hàng gì với chú mà chú nhận, tui bên Quốc Gia, chú là cộng sản, không thể họ hàng được”. Không muốn mất đi vẻ lịch sự của người miền Nam, tui hơi mỉm cười nói mát:
- Tui người miền Nam còn chú miền Bắc sao mà có họ hàng được.
Tên công an ngẩn người như suy nghĩ câu nói của tui. Cử chỉ vồn vã, nét mặt vui tươi thân thiện của hắn khi biết tui cùng quê cùng họ, làm như trong tui có vết thương đang bị muối xát vào. Cùng mẹ Việt Nam một dòng máu, một màu da, nhưng không cùng lý tưởng. Biết đâu người công an này có họ hàng với tui và cũng có thể những người coi tù là bà con với chồng tui. Với nghiệt cảnh hiện tại, làm sao tránh khỏi anh em cốt nhục tương tàn.
Tui được chỉ đường tới K1 là nơi giam giữ chồng tui, đường vẫn còn dài, tui đến ngồi dưới bóng mát gốc cây bên vệ đường. Phía xa cùng con đường, một người đàn bà đầu đội tay xách như tui còn dẫn theo một bé gái, vừa đi bé gái vừa khóc, người đàn bà rất trẻ, đứa bé gái khoảng tuổi con tui. Hình như bé gái không chịu đi bộ nên người mẹ cúi xuống vừa đỡ con vừa kéo lết giỏ đồ trông khó nhọc lê thê. Có lúc người mẹ bỏ giỏ đồ bên vệ đường, gập lưng xuống để cõng con, một tay đưa ra phía sau đỡ lấy con trên lưng mình còn một tay xách giỏ đồ, dáng xiêu xiêu bước đi nặng nề mỏi mệt giữa trưa nắng như lửa đốt. Đi được vài bước, người mẹ lại xốc đứa con trên lưng để khỏi bị tuột xuống, lưng người mẹ còng hẳn xuống, tay vuốt mồ hôi trên mặt và quay lại vuốt nhè nhẹ vào má đứa bé như thể dỗ đành vỗ về. Người mẹ cõng đứa con tới gốc cây tui đang ngồi, thả con xuống và nhờ tui trông chừng rồi trở lại chỗ cũ xách giỏ đồ còn lại. Cứ như vậy suốt con đường, thay phiên cõng con và xách đồ từng chặng, thiệt vất vả khổ sở. Nếu không cùng hoàn cảnh, không thể nào cảm được cái cảnh đi thăm chồng. Trên thân người đàn bà đó đã chịu bao nỗi khổ trong cuộc sống, giờ đây đang cố gắng gồng giữ niềm yêu thương của mình.
Đứa bé gái trông thiệt xinh xắn, mặt bé đỏ au dưới ánh nắng mặt trời, tóc ướt mồ hôi dính chặt trên vầng trán, mắt bé tròn như hai hòn bi, thơ ngây nhìn tui an tâm không khóc. Tới khi nhìn thấy một người công an gánh hai thùng nước đang tới gần, những giọt nước sóng sánh toát ra ngoài theo nhịp bước, mắt tôi và bé gái đều sáng lên, tui còn chịu đựng được, nhưng bé gái gào khóc lên gọi mẹ vì thấy nước. Người mẹ ngước về phía con lo lắng, chưn bước thiệt nhanh tới con mình, thấy mẹ, đứa bé vừa khóc vừa chỉ về hướng người công an:
- Mẹ! Con muốn uống nước, con khát nước quá mẹ ơi.
Người mẹ liếc nhìn tên công an như thể thấy một hung thần, cúi xuống dỗ con.
- Đừng khóc nữa con, gần tới chỗ cha rồi, tha hồ uống nước con nhé.
Nhưng vì quá khát nước, đứa bé càng khóc to hơn.
- Không! Mẹ ơi con muốn uống nước bây giờ, không có nước con sẽ chết.
Người mẹ không còn biết làm sao dỗ con, đành bứt mấy lá cây rừng, cuốn tròn lại thành cái phễu, đánh bạo đến gần người công an để xin nước cho con mình.
- Xin cán bộ cho con tui tý nước.
Mặt người công an lạnh lùng cau mày gắt lên:
- Chị là vợ của những tên ngụy quân ngụy quyền, là loại phản động phản quốc, được nhà nước khoan hồng cho đi thăm nuôi, mà còn đòi thế nọ thế kia, ở đây không có nước cho các chị.
Người mẹ nhìn về phía con đang gào khóc đòi nước, cố nén tủi nhục, nhẫn nại năn nỉ:
- Không! Tui không xin nước cho tui. Người mẹ chỉ tay về đứa con đang khóc, hầu mong khơi dậy một chút tình người. “Cán bộ nhìn thấy đứa bé đang khóc đàng kia kìa, từ sáng đến giờ nó chưa được uống nước. Cán bộ làm ơn cho tí nước đi cán bộ”. Người mẹ giở cái phễu lá rừng năn nỉ:
- Tui chỉ xin một chút nước đựng trong này thôi, không nhiều đâu cán bộ.
Tên công an đứng bật lên, gánh nước bước đi, trút đổ bao hận thù xuống người mẹ.
- Toàn là thứ phản động, theo đế quốc Mỹ, sống sung sướng quen rồi, nóng một tý mà cũng không chịu được. Chị tưởng tui là đầy tớ gánh nước cho chị hả, đồ thứ phản quốc.
Người mẹ chạy lại ôm chặt con mình, ép nỗi uất đau òa theo tiếng khóc của con. Tiếng khóc hai mẹ con vang trong rừng vắng không làm vơi thù hận của những kẻ không trái tim không tình người.
Ui quê hương tui không còn chiến tranh, không còn nghe tiếng súng mà vẫn còn đè nặng bởi thù hận và khổ đau. Hình ảnh vừa rồi thiệt trái ngược với hình ảnh năm nào của những người lính Sư đoàn 18 Việt Nam Cộng Hòa trong một buổi chiều dừng quân nơi thôn làng tui ở. Họ chỉ có một vài giờ nghỉ chưn mà còn tìm cách giúp đỡ những người dân trong thôn làng, người gánh nước người chẻ củi, cứ thấy công việc nào người dân đang làm là họ xúm lại phụ giúp. Hình ảnh thân thương đầy tình người, gần gũi với đồng bào đã ở mãi trong tim tui.
Con đường đi vòng trên sườn đồi, nhìn xa xa phía dưới, những dãy nhà lợp tôn lẫn lợp lá hiện ra thấp thoáng. Trong lòng tui vừa mừng vừa hồi hộp biết là nơi đó có chồng tui, tự dưng đầu tui quay mòng mòng, chưn tui muốn quỵ xuống. Mãi tận rừng núi hoang vu, hàng hàng lớp lớp nhà tù, đang giam giữ chồng tui và những người sống vì chánh nghĩa, chịu bao nhục hình của bầy thú dữ, nước mắt tui lại chảy, chỉ biết gọi thầm tên anh. Mong rằng anh cảm nhận được tiếng gọi của tui và biết rằng tui đang tới gần anh.
Căn nhà thăm nuôi của K1 nằm bên phải con đường phía dưới chưn đồi, nhìn rất rõ vì cây rừng đã được phá hoang, thỉnh thoảng còn lại ít cây to rải rác. Thấy con đường vòng hơi xa, nóng lòng gặp chồng, tui tìm cách đi lối khác. Tui thả hai giỏ đồ đã được cột chặt lăn xuống theo sườn đồi, còn tui thì cột hai ống quần vào cổ chưn rồi ngồi tụt xuống, vì độ dốc rất cao. Cũng may tui mặc cái quần vải thun dày nên không bị rách, chỉ bị trầy chút da chưn và tay vì vướng vào cành chà.
Tui tới nhà thăm nuôi đã gần chiều, có mấy người cùng chuyến xe tới trước cũng đang ở đó. Nhà thăm nuôi hẹp và dài, được chia ra nhiều ngăn, mái lợp lá, vách đắp bằng đất trộn rơm. Ngăn đầu có một lối ra vào không cánh cửa, ở giữa kê một cái bàn gỗ dài, hai cái ghế dài hai bên, có lẽ là chỗ gặp thân nhơn. Gần lối ra vào, một cái bảng nội qui ghi những điều luật cấm. Những điều luật cấm thì trại tù nào cũng như nhau, nhưng thời gian thăm nuôi thì tui như hụt hẫng với bao mơ ước dự tính trong đầu khi nhìn con số 15 phút thăm gặp. Lòng tôi sôi quặn, trời ơi ba ngày đường xa xôi, lặn lội rừng sâu mà chỉ được gặp chồng có 15 phút thôi sao. Chưa gặp mặt chồng mà nước mắt tui đã ứa bờ mi.
Trước sân nhà thăm nuôi là con suối nhỏ, bên kia con suối, những dãy nhà tù thiệt xa, dù thấy bóng người tù cũng không thể nhận diện được ai vì quá xa. Tui mon men tới gần sát bờ suối, mắt hướng về phía trại tù mong ngóng hình bóng yêu thương của mình qua thần giao cách cảm.
Trời gần nhá nhem tối, thêm được hai chị đi thăm chồng ở K4 và K5 đến tạm ngủ chung với chúng tui cho qua đêm, chờ sáng hôm sau trở lại chỗ cũ để gặp chồng. Chúng tui chẳng ai biết ai, nhưng cùng hoàn cảnh nên dễ thân thiết, ngồi chụm chung lại với nhau nói chuyện. Thiệt là khủng khiếp kinh sợ khi nghe các chị kể chuyện, ngay tại nhà thăm nuôi K1 này, đêm đêm có một bóng ma, hiện lên lơ lửng phía sau nhà, chỗ cây cao nhiều cành lá. Ngôi nhà này vách sau có những cửa sổ không cánh, chấn song bằng những cành tre nhỏ nên có thể nhìn qua lại rất rõ. Tin đồn có một chị đi thăm chồng, không biết vì vấn đề gì đã treo cổ tự tử ngay cây cao phía sau nhà, nên bây giờ hồn chị luẩn quẩn quanh đây, hiện ra với âm thanh rên rỉ khóc than theo tiếng gió vi vu thật rợn người. Trời chưa tối hẳn, tui đã thấy sờ sợ, ngồi chen vào giữa các chị. Có chị quả quyết là chị không tin người đàn bà đó tự tử, trong khi cực khổ đi thăm chồng, đã đến tới nơi sắp gặp được chồng, cớ gì lại tự tử. Có thể người đó tới đây, không có ai cùng thăm nuôi, đêm vắng vẻ bị tụi công an hãm hiếp, rồi giết treo cổ chị trên cây để không chứng cớ và gán cho chị là tự tử. Hai chị thăm nuôi K4 và K5 đều nói cũng nghe tin đồn đó, nên hai chị tìm đến với chúng tui để không bị nguy hại. Phần tui, nếu không nghe được chuyện này, lần đầu tiên tới đây, một mình đêm vắng, có thể cũng như người đàn bà bị treo cổ trên cây kia.
Ngoài sân màn đêm đã bao phủ một màu đen đặc, ếch nhái ngoài bờ suối ì ộp kêu. Đàng xa, có ánh đèn bin đang rọi đi tới nhà thăm nuôi, một chị khều tay nói khẽ, “kiến vàng đang đến” (ý nói Công An). Chờ trời tối, công an mới đến kiểm tra có bao nhiêu người ở đó để phát mùng mền. Tới lượt tui, tên công an cầm súng chỉa thẳng vào tui, sợ trường hợp bất cẩn, tui nói với tên công an:
- Cán bộ làm ơn đưa họng súng qua hướng khác, đừng chỉa vào tui lỡ tay rất nguy hiểm.
Tên công an sừng sộ:
- Vợ tụi ngụy không tin được, phải cảnh giác.
Và họng súng vẫn hướng về phía tui. Tui là người sau cùng vô tới trại, công việc nấu cơm theo thứ tự, tới phiên tui là chót. Ở đây có một cái bếp và một cái nồi móp méo, người này nấu xong giở cơm ra rồi đến người kế tiếp. Cũng có người không nấu cơm, họ mua các loại bánh đưa vào ăn, còn tui tiền bạc eo hẹp, mua được hai lon gạo, nấu ăn đêm nay và ngày hôm sau, cũng may tui còn một quả trứng luộc mua dọc đường chưa kịp ăn.
Nấu cơm xong đã quá nửa đêm, tui giở cơm vào chiếc khăn tay ướt nắm lại cho chắc và chia thành hai nắm, một nắm ăn ngay, còn một nắm dành cho ngày mai. Tui cạo vét những hạt cơm cháy dưới đáy nồi để còn rửa sạch cho người khác nấu. Nhìn những hạt cơm bất chợt lòng tui nhói buốt xót xa. Hình ảnh hai người tù cải tạo hồi chiều đã làm tui rơi nước mắt, ruột co thắt và tim gan như xé ra từng mảnh.
Lúc tui đứng bên bờ suối nhìn sang trại giam. Một chị đưa nồi ra suối rửa, những hạt cơm theo nước trôi, nằm đọng dưới nước lẫn lộn đất cát và sỏi đá. Một người tù cải tạo lao động gần đó, đưa mắt liếc nhanh, chờ cho chị ấy bước hẳn lên bờ, người tù vội vàng bước thiệt nhanh xuống lòng suối, giả bộ cúi xuống rửa mặt, nhanh tay mò nhặt những hạt cơm lẫn chung với đất cát bỏ vội vào miệng của mình. Hình ảnh đó thu nhanh vào mắt tui, vào đáy lòng của tôi. Ui! Thiệt đau khổ dường nào, xót xa dường nào. Trời ơi! Chồng tui cũng như thế sao?
Khi tui ra bìa rừng nhặt mấy nhánh củi khô để nấu cơm, một người tù cải tạo đang chặt cây rừng, mon men lại gần phía tui lấm lét nói nhỏ, ánh mắt như cầu khẩn:
- Chị ơi! Khi nào chị nấu cơm xong, chị đừng đưa nồi ra suối rửa, chị làm ơn giấu cái nồi trong bụi rậm này cho chúng tui chị nhé.
Hai hình ảnh đó làm tui như chết lặng. Trời ơi! Những người tù cải tạo, những con người khốn khổ sao ra nông nỗi này? Sao biến đổi như thế này? Cộng sản quá ti tiện bẩn thỉu, hành hạ người tù bằng cách này.
Hai nắm cơm trắng nằm trong chiếc khăn tay. Tự nhiên hình ảnh chồng tui qua hình ảnh hai người tù cải tạo ấy làm tui chẳng thấy đói. Một nắm tui gói lại cho chồng, một nắm tui bỏ lại trong nồi cùng ít cơm cháy, chờ trời sáng tui giấu vào bụi rậm, không biết người tù nào may mắn được ăn nắm cơm này.
Đặt lưng xuống chiếc giường tre, tui không ngủ được, trằn trọc thao thức đếm từng tiếng chim cú kêu ngoài rừng, đếm từng tiếng gà rừng gáy. Chỉ còn vài giờ đồng hồ là tui được gặp người chồng yêu thương của tui. Thời gian trôi qua chậm lòng tui bồn chồn nôn nao khó diễn tả, bao nhiêu hình ảnh của chồng, bao nhiêu tâm tình muốn nói với chồng đầy ắp trong đầu, không biết sắp xếp câu nào trước câu nào sau, vì chỉ có 15 phút. Mắt cứ mở lớn nhìn trên nóc mùng, từng bầy rệp, họ hàng nhà rệp, phải nói là cả xã hội rệp lớn nhỏ có đủ, vừa ngửi thấy hơi người, thi nhau bò theo hàng theo lớp thiệt nhanh xuống chỗ tui nằm để hút máu, cái mền cũng vậy, rệp bò lổn ngổn lúc nhúc, mùi tanh tanh ngai ngái đến lợm giọng. Bỏ mền ra thì lạnh, cái lạnh của miền núi rừng cao nguyên tê buốt thấu xương, ra ngoài ngồi thì bị muỗi rừng chích, tui đành chịu để rệp hút máu. Nhìn đoàn rệp bò như hội chợ, con no máu bụng căng phồng chậm chạp bò lên nóc mùng, con nào còn thèm thuồng lại bò xuống, cứ như vậy bò lên bò xuống suốt đêm. Tui thương tui bị rệp hút máu, tôi lại đau xót cho đất nước và đồng bào tui, chịu để bị tàn phá rỉa róc đến tận xương tủy.
Trời hừng hừng sáng, tiếng kẻng lanh lảnh phát ra từ trong trại tù, hàng loạt vang dội vào tai tui tới nhức óc, tiếng kẻng báo hiệu những người tù đi làm khổ sai. Mọi người lăng xăng háo hức xếp đồ thăm nuôi gọn gàng chờ gặp người thân, có người sắp đồ để bên cạnh cái bàn như thể chồng mình đang ở đó. Tui cũng nôn nao hồi hộp, mắt hướng về bên kia bờ suối mong ngóng. Từ đàng xa, người công an dẫn những người tù đi tới, tất cả mọi người chúng tui chạy ùa ra đứng cạnh bờ suối, chỉ mong nhìn thấy chồng mình trước, nhưng những người tù đó quẹo ra hướng khác làm muôn người hụt hẫng ngơ ngác. Tui không ngạc nhiên, biết chắc tốp tù đó không có chồng tui, vì họ mắc bộ đồ tù màu xám nhạt, trước ngực và sau lưng đều đeo bảng số, người nào cũng như bộ xương biết đi được khoác lên bộ đồ tù rộng thùng thình, vạt và tay áo phất phơ như hình thằng bù nhìn mà nông dân thường treo ngoài ruộng rẫy để đuổi chim. Thêm hai lớp tù nữa đi qua, họ đi bên kia bờ suối khoảng cách hơi xa, nhưng họ cứ ngoái lại nhìn chúng tui, trông thiệt tội nghiệp. Mặt người nào cũng còm cõi hốc hác. Tui đoán họ là tù hình sự, chắc bị hành hạ tra tấn dữ lắm nên thân xác họ tiều tụy như vậy. Tiếng các bác các chị nhao nhao:
- Đang ra kìa! Đang tới nữa kìa, chắc lần này đúng rồi.
Tui bước ra chỗ khác để nhìn cho rõ, vẫn thấy hai người công an mặc áo màu vàng cầm súng đi chung với tù cải tạo, nhưng tốp này ít người tù hơn. Họ cũng mặc áo tù màu xám có bảng số. Tui nhìn dửng dưng, người tui đang mong đợi là chồng tui, chứ không phải những người tù hình sự đó. Những người tù tới gần bờ suối, người nào cũng hướng về chúng tui, mắt tui nhìn về một người vì người ấy nhìn tui mỉm cười. Tui thấy tội nghiệp vì bộ đồ tù quá rộng phủ lên người đó, còn tóc cắt ngắn gần như trọc nhẵn. Mắt tui vẫn trông theo người đó, tui hơi ngạc nhiên, người đó xa lạ tui không quen tại sao cứ nhìn thẳng vào tui. Quay sang chị bên cạnh, tui chỉ vào người tù đó:
- Chị ơi! Tui không quen người tù đó, mà sao nhìn tui cười.
Chị ta nhìn theo hướng tay tui chỉ:
- Chắc người nhà chị, cười với chị, chứ tui đây sao không cười với tui. Chị ta cười nói đùa:
- Trời ơi! Nhìn thấy chồng mà mặt làm bộ tỉnh queo.
Tui cãi lại: “Chồng tui nhìn đâu như vậy”. Những người tù qua hẳn bên này suối, khoảng cách thiệt gần, cách tui chừng 5 bước. Bỗng mắt tui hoa lên, chưn đứng không vững, bầu trời như sập xuống. Tui mở to mắt nhìn, như không vào mắt mình, tim tui đập mạnh trong lồng ngực. Ôm lấy ngực, cắn chặt môi để không thét thành tiếng, tim tui đau nhói.
Ui! Chồng tui, chồng tui đấy ư! Chồng tui ra nông nỗi này sao? Không lẽ là anh, lúc này tui nhận rõ anh qua ánh mắt. Ánh mắt ngày xưa nhìn tui yêu thương nồng nàn, bây giờ cũng ánh mắt ấy nằm trong một hốc sâu trông thiệt xót xa tới nao lòng. Đôi mắt to tròn đầy cương nghị chỉ còn là hai hố sâu hoắm trên cái đầu lâu được bọc da. Đau xót thương cảm tui nghẹn ngào, nước mắt cuồn cuộn thi nhau chảy. Trời ơi! Hình dạng chồng tui hao mòn biến đổi ra thế này ư. Tui đưa tay bụm chặt lấy miệng để tiếng khóc không thoát ra ngoài, mặt tui dàn dụa nước mắt, tim nhói đau theo nhịp tiếng khóc trong cổ họng. Hình ảnh chồng tui lung linh qua làn nước mắt. Anh nhìn tui đau khổ, đầy nước mắt khô, môi anh khẽ mấp máy:
- Nín đi em, nín đi em. Anh đây! Anh không sao, anh còn sống!
Tui đứng nhìn anh chết sững, Tui biết những dòng nước mắt của tui sẽ làm anh khổ, nhưng tui không thể nào cầm lòng được khi nhìn thấy chồng như thế này. Tui muốn chạy lại ôm chặt lấy anh, ôm lấy hình hài như da bọc xương của anh, san sẻ cho anh chút sinh lực hơi ấm nơi tui. Nhưng tui không làm được, cặp mắt hai tên công an cầm súng trừng trừng nhìn chúng tui như ngầm bảo “không được lại gần những người tù”, chúng tui thiệt gần mà khoảng cách thiệt xa bởi quyền lực.
Sáu người tù đứng theo hàng trước nhà thăm nuôi. Tui chờ tiếng nói của 2 tên công an cho phép gặp gỡ người tù, sẽ chạy đến bên anh, đưa anh vào chỗ nơi tui để sẵn giỏ đồ thăm nuôi. Nhưng tên công an ra lịnh mấy người tù thứ tự theo hàng đứng vào một bên hàng ghế, còn một bên hàng ghế đối diện, tên công an hất mặt lại phía những người đi thăm nuôi.
- Này! Ai là người nhà, chỉ được một người thôi, ngồi phía bên kia người nhà của mình.
Chúng tui lần lượt như một cái máy bước nhanh vào chỗ ngồi đối diện. Những người tù ngồi bất động, xót đau nhìn người thân của mình, kiên nhẫn chờ đợi. Người công an đứng ở đầu bàn hắng dặng, gằn giọng nói:
- Trước khi người nhà tâm sự với nhau, phải tuân theo điều luật, động viên các anh ấy học tập tốt, nhứt là không được khóc làm nản chí học tập các anh ấy. Phải biết là nhà nước cách mạng đánh đuổi Mỹ- Ngụy ra khỏi nước, nhà nước đã khoan hồng cho các anh ấy học tập để không còn theo Mỹ-Ngụy đánh đổ nhà nước, bây giờ đã hòa bình, xã hội chủ nghĩa là xã hội tự do vv…Ui chao, tên công an cứ như con vẹt đọc bài thuộc lòng, những lời tên công an không lọt vào tai chúng tui. Mắt và đầu óc tui chỉ chăm chú vào chồng tui, nước mắt tui vẫn không ngừng rơi.
Trong phòng thăm nuôi im lặng, ngoài tiếng nấc, tiếng sụt sịt nghẹn ngào trong cuống họng và tiếng giảng thuyết lên lớp của tên công an, kéo dài như cố tình quên 15 phút thăm gặp. Những giọt nước mắt của tui như động lực đưa bàn tay anh về phía tui, như muốn vỗ về an ủi mà trước đây mỗi lần tui khóc. Bàn tay anh rướn gần tới bàn tay tui thì ngừng lại, vì tên công an cầm súng tiến gần phía sau lưng tui, ngón tay anh run rẩy như những lóng xương đang động đậy. Lòng tui đau như cắt, chẳng nói được gì ngoài hai hàng nước mắt, tui muốn vươn tới nắm lấy bàn tay xương xẩu của anh, nhưng cặp mắt của tên công an vừa nói vừa liếc nhìn chúng tui. Dưới gầm bàn, tui cảm được bàn chưn chồng tui đang động đậy kiếm bàn chưn tui, trút vội cái dép khỏi chưn tui đưa chưn mình lần mò đặt lên chưn anh, để chồng tui nhận hơi ấm và tình cảm của tui lén lút gửi qua bàn chưn anh. Bàn chưn chồng tui đang lạnh từ từ ấm lên, tui khóc mà cảm được hạnh phúc qua đôi bàn chưn. Cho tới khi tên công an cho phép trao đổi tâm tình, thời gian chỉ còn 5 phút ngắn ngủi, tui chẳng nói được gì với chồng tui, ngoài tiếng nấc nghẹn ngào, gật đầu và lắc đầu theo tiếng hỏi thăm của chồng tui về cha mẹ và hàng loạt người thân mà chồng tui nhớ tới. Hết giờ thăm nuôi.
Tới lúc kiểm tra đồ thăm nuôi, có món mẹ tui cố công làm gửi cho anh và vài món khác không hợp lệ bị gạt ra. Tui hồi hộp nhìn những món đang kiểm tra, tới món mỡ chưng hấp với đường cát trắng, tui nặn óc nghĩ mãi cách qua mặt tên công an, mở gói mỡ ra, những miếng mỡ trong veo bọc với đường cát trắng trông giống như miếng mứt bí, tên công an cầm từng miếng lên ngửi, thắc mắc hỏi tui:
- Cái này là thứ gì?
Tui trả lời nhanh để hắn khỏi nghi ngờ:
- Thưa cán bộ, thứ này là mứt bí, Tết qua lâu rồi sợ bị hư, tui gửi cho chồng tui để ăn Tết muộn ạ.
Như thể tên công an chưa bao giờ nhìn và nghe nói mứt bí, vẫn thắc mắc:
- Mứt bí là cái thứ gì?
Có lẽ người ngoài Bắc không hiểu tiếng người trong Nam. Tôi lại giải nghĩa:
- Mứt này cứ vào dịp Tết, chúng tui lấy quả bí đao cắt lát, ướp với đường phơi khô thành mứt, gọi là mứt bí.
Tui thở phào khi tên công an bỏ miếng mỡ heo vào gói và đẩy về phía chồng tui, anh nhanh tay bỏ vào giỏ của mình, chỉ sợ bị lấy lại. Tên công an giả lả:
- Mất bí đao thì cứ gọi là mất bí đao nói là mứt.. mứt …, ai mà biết.
Vài tiếng cười khúc khích nho nhỏ của mấy người đi thăm nuôi đứng gần đó. Tên công an quay lại gừ lên: - Các chị cười cái gì vậy. Còn nắm cơm, tui gói vào tờ giấy đã nguội ngắt, hắn cầm lên sừng sỏ với tui:
- A! Chị này giỏi thiệt. Dám sỉ nhục cách mạng. Chị tưởng nhà nước chúng tui bỏ đói chồng chị hả, tui bỏ lại hết đồ thăm nuôi của chị bây giờ.
Lúc đó tui run quá, vì thương chồng mà làm hại tới anh. Sợ chồng tui không được nhận những món đồ thăm nuôi, tui định lấy lại nắm cơm và xin lỗi tên công an, nhưng thấy ánh mắt chồng tui nhìn vào nắm cơm. Tui thiệt đau lòng và mắc cỡ cho sự hèn nhát yếu đuối của mình khi phải nói những gì không đúng sự thiệt, giọng tui run run uất ức:
- Thưa cán bộ! Tui biết nhà nước cách mạng khoan hồng cho chồng tui, được đi học tập cải tạo như vậy là tốt, để chồng tui thông suốt đường lối, sống tốt với nhà nước với nhân dân. Còn tui đâu dám sỉ nhục nhà nước, nắm cơm này tui nắm để ăn, còn thừa đã hơn một ngày rồi, nó bắt đầu hơi thiu, bỏ đi thì tiếc. Tui để lại cho chồng tui ăn, nếu không còn ăn được, chồng tui vất đi cũng được mà.
Những lời tui nói làm dịu lòng tên công an, cầm cuốn sổ tay, tên công an gõ vào cạnh bàn, nói.
- Chị hiểu được nhà nước như vậy là tốt, thôi được, cho phép chồng chị lấy nắm cơm thiu này.
Chồng tui chỉ chờ có vậy, cầm vội nắm cơm bỏ vào giỏ và bước nhanh vào hàng đi theo hai tên công an vào lại trại.
Chúng tui nước mắt tiễn đưa những người thân tới bờ suối, ranh giới của chia cách. Những người tù ngoái lại nhìn chúng tui trông rất thương cảm xót xa, không biết có lần sau gặp lại vợ mình, người nhà của mình nữa không?
Muôn người trở vào thu xếp để đi về. Bóng chồng đã khuất hẳn, tui thẫn thờ nán lại bên bờ suối, nhìn về hướng trại giam như để hy vọng còn nhìn thấy anh. Tiếng các chị gọi ơi ới:
- Không gặp lại nữa đâu, đi về đi.
Bước vào nhà thăm nuôi, nhìn từng chỗ vẫn thấy hình ảnh chồng tui, từ chỗ anh đứng xếp hàng, chỗ ngồi vào ghế, lúc anh đứng nhích tới để xếp đồ vào giỏ, từng hình ảnh một hiện lại trong mắt tui. Tui ngồi vào ngay chỗ anh ngồi, tưởng tượng anh còn đang ngồi với tui, tay tui xoa xoa mặt bàn tìm chút hơi ấm còn đọng lại của anh. Nước mắt tui lại trào ra, chỉ là tưởng tượng, mặt bàn trống trải lạnh tanh, hơi lạnh chuyền vào tay thấm tới tim tui, ngơ ngác tui như còn muốn kiếm tìm.
Mặt trời đã lên cao. Tui ra về mà lòng trĩu nặng xót đau, hình ảnh tù tội khốn khổ của chồng luẩn quẩn quanh tui là hành trang yêu thương theo tui suốt cả cuộc đời. Từng bước chưn nặng nề bước trên con đường dốc ven đồi, đầu tui ngoái lại như hồn còn ở giữa núi rừng hoang vu.
Từ xa, nơi ngã ba đường, hình dáng như quen thộc đang tiến vào con đường tui đang đi. Ồ! Thì ra ông cụ cùng chuyến xe sáng hôm qua. Tui đứng lại chờ, dáng ông thất thểu lom khom từng bước chậm chạp, không còn vẻ nhanh nhẹn như hôm qua. Thấy tui ông chỉ hơi nhếch mép, vẫn cái miệng móm mém của ông, tui nhanh nhẩu chào:
- Chào bác! Hai bác cháu mình có duyên gặp lại nhau, sao bác? Con trai bác có khỏe không?
Tui chào hỏi để có chuyện nói chứ cùng cảnh thăm tù, thấy người thân nỗi đau như xé ruột gan. Ông cụ òa lên khóc, tiếng khóc nỉ non ai oán.
- Tui khổ quá cô ơi! Lặn lộn đường xa mong gặp con mà chẳng được gặp.
Tui cầm lấy tay ông lắc lắc, lo sợ!
- Sao vậy bác! Anh ấy bị làm sao?
Như cào vào nỗi đau thương của ông, mếu máo ông càng khóc lớn hơn:
- Tội nghiệp cho con tui, nếu tui đi thăm một tuần trước đây thì đâu đến nỗi này, con tui bị giam vào nhà đá mấy bữa nay rồi cô ơi. Ông khóc hu hu, giọng nghẹn ngào đứt quãng: “ Khổ thân con tui! Sao con khổ vậy, con làm gì nên tội mà họ hành hạ con”!
Nước mắt tui chảy theo nước mắt ông, cùng hoàn cảnh và tâm trạng. Kẻ khổ không gặp được con, người đau nhìn chồng thân xác hao mòn xác xơ. Một già một trẻ chung niềm đau, chậm chạp lê bước trên đường.…
Sau này, những đêm nằm gối đầu trên cánh tay chồng, tui thường nghĩ tới những năm tháng sống trong đen tối khổ đau, những tủi nhục khổ cực mà chồng tui chịu đựng trong nhà tù khổ sai mà Cộng sản gọi là “tập trung cải tạo”. Tui thì thầm hỏi anh nghĩ gì mỗi lần nhìn thấy tui và ngày đó ở trại tù Gia Trung, cảm giác của anh khi bàn chưn tui tìm để trên bàn chưn anh dưới gầm bàn, anh bóp nhè nhẹ bờ vai tui cách âu yếm. Ngày mất nước, anh mất tất cả. Ngày vào tù, coi như anh đã chết. Những lần thấy tui, nhìn tui tàn tạ héo úa, anh rất khổ. Anh bất lực trong hoàn cảnh không thể an ủi xoa dịu tui, anh không khóc được như tui đã khóc, anh dồn nén niềm đau của mình càng làm anh đau hơn. Nhưng anh vẫn nhìn thấy nơi tôi một vùng trời đầy hy vọng, giúp anh thêm niềm tin và nghị lực. Và lần đó, anh không nhận được hơi ấm từ bàn chưn tui, có thể chưn anh và tui khoảng cách hơi xa, nên chưn tui đặt lên bàn chưn người bạn tù ngồi kế bên.. Thôi thì người bạn tù đó cũng cảm được sự an ủi, hạnh phúc nghĩ đó là chưn của vợ mình.
Anh quàng tay ôm chặt lấy tui, như thể bàn tay anh còn quá hẹp, không đủ ôm cả niềm yêu thương hạnh phúc của mình. Còn tui, rúc vào cổ vào ngực anh, hạnh phúc nghe được nhịp tim và hơi ấm, như đang nghe điệu nhạc dịu êm, ru tui vào giấc ngủ trong vòng tay ấm áp của anh, mà trước đây tui thường phập phồng lo sợ tưởng rằng mình không bao giờ còn có những giây phút này.
Hoàng Yến
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét