ĐÒN THUẾ CỦA ÔNG TRUMP GIÁNG VÀO NỖ LỰC TĂNG TRƯỞNG GDP CỦA VIỆT
Jonathan Head
* Đứng đầu danh sách là Việt Nam và Campuchia, hai trong số những quốc gia bị áp mức thuế suất cao nhất lần lượt là 46% và 49%.
* Xếp sau đó là Thái Lan 36%, Indonesia 32% và Malaysia 24%. Trong khi đó, Philippines chịu mức thuế 17% và với Singapore là 10%.
Đây là một đòn nặng nề giáng vào một khu vực phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu.
Sự phát triển kinh tế đáng ngưỡng mộ của các nước ở khu vực này trong ba thập kỷ qua phần lớn là nhờ vào thành công từ việc xuất khẩu hàng hóa ra thế giới, đặc biệt là sang thị trường Mỹ.
Xuất khẩu sang Mỹ chiếm khoảng 30% GDP của Việt Nam và chiếm 25% vào GDP của Campuchia.
Câu chuyện tăng trưởng này giờ đây đang bị đe dọa bởi các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt của Washington.
Tác động lâu dài của các mức thuế quan này, giả sử vẫn được duy trì, sẽ khác nhau tùy theo quốc gia, nhưng chắc chắn sẽ đặt ra những thách thức lớn đối với các nước, đặc biệt là Việt Nam, Thái Lan và Campuchia.
Chiến dịch "ngoại giao cây tre" của Việt Nam – nỗ lực duy trì hợp tác với tất cả các nước và cân bằng quan hệ giữa Trung cộng và Hoa Kỳ – giờ đây sẽ bị thử thách.
Dưới sự lãnh đạo của tân Tổng Bí thư Tô Lâm, Việt Nam đã bắt tay vào một kế hoạch đầy tham vọng, nhằm xây dựng Việt Nam trở thành một nền kinh tế thu nhập cao, dựa trên tri thức và công nghệ vào năm 2045.
Việc đẩy mạnh xuất khẩu sang Hoa Kỳ - vốn đã là thị trường lớn nhất của Việt Nam - là trọng tâm của kế hoạch này.
Đó cũng là lý do chính khiến Việt Nam đồng ý nâng mối quan hệ với Mỹ lên mức cao nhất - Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2023.
Đảng Cộng sản, vốn không chấp nhận bất đồng chính kiến và không có phe đối lập chính thức, phụ thuộc vào các cam kết kinh tế của mình để có được tính chính danh. Nhiều nhà kinh tế đã coi những cam kết này là quá tham vọng, giờ đây sẽ còn khó thực hiện hơn nữa.
Kinh tế Thái Lan tuy ít phụ thuộc vào xuất khẩu sang Mỹ hơn Việt Nam – chỉ chiếm dưới 10% GDP – nhưng lại đang trong tình trạng tồi tệ hơn, với hiệu suất tăng trưởng trì trệ suốt hơn một thập kỷ qua.
Chính phủ Thái Lan đang cố gắng tìm cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, gần đây nhất là nỗ lực hợp pháp hóa cờ bạc dù đã thất bại. Giờ đây, các mức thuế mới từ Mỹ lại trở thành một đòn giáng kinh tế nữa mà Thái Lan khó lòng chống đỡ.
Còn đối với Campuchia, thuế quan có lẽ là đòn đe dọa chính trị lớn nhất trong khu vực.
Chính phủ của ông Hun Manet – người kế nhiệm cha mình, Hun Sen, cách đây hai năm – vẫn giữ nguyên tính chất độc đoán, nhưng đang ở thế rất dễ bị tổn thương.
Để duy trì quyền lực cho gia tộc Hun, chính quyền ông Manet đã phải nhượng bộ các phe nhóm đối lập bằng cách trao đặc quyền kinh tế như độc quyền kinh doanh hay nhượng đất, dẫn đến tình trạng các dự án bất động sản bị dư thừa, hiện không bán được, cùng với đó là làn sóng bất mãn vì bị thu hồi đất.
Ngành may mặc - sử dụng tới 750.000 lao động – từ lâu đã là một van quan trọng cho an sinh xã hội, mang lại thu nhập ổn định cho những người nghèo nhất ở Campuchia. Hàng ngàn việc làm trong ngành này có thể sẽ biến mất vì mức thuế mới từ Tổng thống Trump.
Không giống như Trung cộng, nước đã đáp trả Mỹ bằng các khoản thuế tương ứng, thông điệp chính thức từ các lãnh đạo ở Đông Nam Á là đừng hoảng, đừng trả đũa, mà hãy đàm phán.
Việt Nam đã cử Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc tới Washington để thỏa thuận về thuế, đồng thời đề nghị xoá bỏ toàn bộ thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ. Thái Lan cũng có kế hoạch cử Bộ trưởng Tài chính sang Mỹ với lời đề nghị tương tự, sẵn sàng giảm thuế và mua thêm nhiều mặt hàng của Mỹ như thực phẩm và máy bay.
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cũng sẽ tới Washington, dù tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ chỉ chiếm 11% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này – thấp hơn một số nước láng giềng nên mức độ ảnh hưởng cũng nhẹ hơn.
Tuy nhiên, chính quyền Trump dường như không thực sự muốn thỏa hiệp.
Peter Navarro, cố vấn cấp cao của Tổng thống Trump về thương mại và sản xuất, đồng thời là một trong những kiến trúc sư chính sách thuế mới, phát biểu trong các cuộc phỏng vấn hôm thứ Hai rằng đề xuất xoá bỏ thuế của Việt Nam là "vô nghĩa", vì điều đó không giải quyết được tình trạng thâm hụt thương mại khi mà Việt Nam bán 15 đô la hàng cho Mỹ thì chỉ mua lại có 1 đô la.
Ông cáo buộc Việt Nam duy trì nhiều rào cản phi thuế quan đối với hàng nhập khẩu của Hoa Kỳ và cho biết một phần ba tổng lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ thực chất là sản phẩm của Trung cộng và Trung cộng dùng Việt Nam làm điểm trung chuyển để né thuế.
Tỷ lệ hàng hóa trung chuyển hoặc sản xuất tại Việt Nam để né thuế Mỹ áp lên Trung cộng thực chất rất khó đánh giá chính xác, nhưng các nghiên cứu thương mại chi tiết cho thấy con số này dao động trong khoảng 7% đến 16%, chứ không phải một phần ba như Navarro tuyên bố.
Cũng như Việt Nam, chính phủ Campuchia đã kêu gọi Mỹ hoãn áp thuế trong thời gian cố gắng đàm phán.
Phòng Thương mại Mỹ ở Campuchia đã kêu gọi bỏ mức thuế nhập khẩu 49%, chỉ ra rằng ngành may mặc của nước này, vốn sử dụng lao động nhiều nhất, sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, tuy nhiên, không có mức thuế quan nào, dù cao bao nhiêu đi chăng nữa, sẽ giúp đưa khâu sản xuất áo quần và giày dép trở lại Mỹ.
Có lẽ mức thuế ngược đời nhất là mức 44% áp lên Myanmar – một quốc gia đang chìm trong nội chiến và gần như không có khả năng nhập khẩu thêm hàng hóa Mỹ.
Xuất khẩu qua Mỹ chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong GDP của Myanmar – chưa đến 1%.
Tuy nhiên, tương tự Campuchia, xuất khẩu của Myanmar, chủ yếu là may mặc, là một trong số ít ngành mang lại thu nhập ổn định cho các gia đình nghèo ở các thành phố.
Trớ trêu thay, cho đến gần đây, ông Trump lại là một gương mặt được yêu mến trong khu vực.
Tại Việt Nam, ông từng được đông đảo người ca ngợi vì cách tiếp cận chính sách đối ngoại cứng rắn và thực dụng.
Ở Campuchia, cựu Thủ tướng Hun Sen - người vẫn thực sự đang nắm giữ quyền lực - từ lâu đã tìm cách xây dựng mối quan hệ cá nhân thân cận với vị tổng thống Mỹ này, từng tự hào khoe ảnh "tự sướng" cùng ông Trump trong lần gặp đầu tiên vào năm 2017.
Chỉ mới tháng trước, Campuchia còn ca ngợi ông Trump vì đã đóng cửa hai cơ quan truyền thông Mỹ là Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) và Đài Á Châu Tự Do (RFA) – những kênh thường đưa tin về quan điểm của các nhà bất đồng chính kiến Campuchia.
Vậy mà giờ đây, Campuchia - cũng như nhiều nước láng giềng - lại trở thành một trong số những nước đang phải xếp hàng để cầu xin ông Trump nới lỏng gánh nặng thuế quan.
Jonathan Head
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét