Hình 2 -- Anh Vàng Đức Sơn cùng với các đồng hương người Hmong tại căn nhà đã thuê sẵn
Khoảng 1 tuần nữa, thêm 1 cặp vợ chồng người Hmong tị nạn ở Thái Lan cũng sẽ đến Minneapolis; 6 thành viên khác trong đại gia đình của họ đang chờ chuyến bay. Từ giờ đến cuối năm, có thể có thêm 3 đến 5 gia đình người Hmong Việt Nam từ Thái Lan cũng sẽ đến Minneapolis.
Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, kêu gọi đồng hương ở hải ngoại hãy giúp đỡ các đồng bào sắp lên đường tái định cư đóng tiền phạt vì bị chính phủ Thái Lan xem là cư trú bất hợp pháp. Nếu không đóng phạt, họ sẽ phải ngồi tù lên đến 40 ngày trước khi được cho phép rời khỏi Thái Lan.
“Chúng tôi kêu gọi những đồng hương đã lập nhóm 5 người, thay vì ngồi không để chờ cơ hội bảo lãnh đồng bào tị nạn theo chương trình Welcome Corps, thì hãy giúp các gia đình sắp lên đường tái định cư đóng tiền phạt, khoảng 600 USD mỗi người lớn,” Ts. Thắng nói. “Đây là cách giúp đồng bào tị nạn ngay và thiết thực.”
Khoảng 60 nhóm 5 người đã liên lạc BPSOS để được hướng dẫn thủ tục bảo lãnh tư nhân theo chương trình Welcome Corps. Tuy nhiên, việc triển khai chương trình này đang bị chậm lại. Phải đến cuối năm nay hoặc đầu sang năm thì Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ mới thông báo thủ tục cho các nhóm như vậy chọn người tị nạn để bảo lãnh.
Cặp vợ chồng sẽ tái định cư đến Minneapolis ngày 25 tháng 9 đã được 4 vị ân nhân giúp đóng tiền phạt: Ông Bà Trịnh Lê Văn ở New Jersey, Bà Minh Orr ở Toronto, Ông Nguyễn Quốc Tuấn ở Florida và TS Phan Quang Trọng ở Texas.
Theo ước lượng của BPSOS, từ giờ đến cuối năm 2024, khoảng phân nửa số 1000 đồng bào đã có quy chế tị nạn ở Thái Lan sẽ lên đường định cư, chưa kể số đồng bào được bảo lãnh theo chương trình tư nhân của Canada hay của Hoa Kỳ.
“Chúng tôi cố đẩy con số được định cư trước cuối năm 2024 lên cao nhất có thể vì kết quả của cuộc tổng tuyển cử tháng 11 năm 2024 ở Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng chính sách định cư tị nạn của quốc gia này,” Ts. Thắng nhận định. “Không ai biết trước tình hình sau đó sẽ xoay chuyển ra sao.”
Theo Ts. Thắng, trong số những đồng bào tị nạn vừa hoặc sắp tái định cư ở nhiều quốc gia có một số người đã được BPSOS hỗ trợ trong công cuộc tranh đấu bảo vệ nhân quyền, đặc biệt quyền tự do tôn giáo. BPSOS đã tạo cơ hội và cung cấp phương tiện để họ tiếp tục cuộc tranh đấu này trên phương diện quốc tế vận.
Chẳng hạn, chỉ một tháng sau khi đặt chân đến Hoa Kỳ, Ông Hoàng Văn Pá và người con trai lớn đã tham gia Hội Nghị Thượng Đỉnh cho Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế do BPSOS đồng tổ chức vào tháng 6 năm 2022 ở thủ đô Hoa Kỳ.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét