Hôm 20/04, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua dự luật viện trợ quân sự ngoại quốc với tổng trị giá 95 tỷ USD, trong đó 60.9 tỷ USD dành riêng cho Ukraine. Viện trợ quân sự của Hoa Kỳ dành cho Ukraine đã bị đình trệ kể từ tháng Mười Hai năm ngoái (2023), trong thời gian đó Nga đã giành được lợi thế về mặt quân sự. Sự thay đổi này là do Ukraine đang phải đối mặt với tình trạng thiếu vũ khí và đạn dược. Với gói viện trợ lớn vũ khí và đạn dược mới của Hoa Kỳ, liệu cán cân cuộc chiến Nga-Ukraine có thay đổi về căn bản hay không? Mức độ đe dọa của Nga đối với châu Âu? Tại sao Hoa Kỳ ưu tiên khu vực châu Á-Thái Bình Dương hơn châu Âu?
Liệu gói viện trợ 60.9 tỷ USD cho Ukraine có thay đổi được quỹ đạo của cuộc chiến?
Trò chuyện trên chương trình “Pinnacle View” của NTD, nhà sản xuất độc lập Lý Quân (Li Jun) đã nhấn mạnh thế phòng thủ khó khăn của Ukraine.
Ông Lý giải thích: “Cuộc tấn công toàn diện được dự trù vào mùa hè năm ngoái [của quân đội Ukraine] đã không đạt được kỳ vọng do sự chậm trễ trong việc chuyển giao thiết bị quân sự từ châu Âu, ngăn cản một cuộc tấn công toàn diện. Vấn đề then chốt hiện nay là đạn dược, với việc Nga vượt trội hơn Ukraine với tỷ lệ 10:1. Với sự trợ giúp của Trung Quốc trong việc xây dựng lại ngành công nghiệp quân sự, Nga có nguồn nhân lực, đạn dược, và phi cơ không người lái dồi dào, dẫn đến những thay đổi chiến thuật đáng kể. Các chuyên gia quân sự từ Hoa Kỳ và châu Âu cảnh báo về khả năng sụp đổ của quân đội Ukraine, nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của tình hình này.”
“Một số đợt vũ khí đã đến Ukraine sau khi Tổng thống Biden ký dự luật viện trợ. Một đoạn video hôm 01/05 cho thấy quân đội Ukraine bắn một số lượng lớn đạn pháo, báo hiệu rằng sự căng thẳng lâu nay đã giảm bớt và là một minh chứng cho đối thủ thấy họ vừa được cung cấp đạn dược.”
Theo ông Lý, Hoa Kỳ đã cung cấp Hệ thống Hỏa tiễn Chiến thuật của Quân đội với tầm bắn 300 km (186 dặm), có khả năng tấn công tất cả các căn cứ quân sự của Nga ở Ukraine, do đó ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động tiếp vận của Nga. Diễn biến này khiến Nga khó có thể tiến hành một cuộc tấn công ác liệt khác. Ngoài ra, sự xuất hiện sắp tới của các tiêm kích cơ F-16 có thể mang lại cho Ukraine một số ưu thế trên không, có khả năng dẫn đến bế tắc chiến sự khi các cuộc tấn công quy mô lớn từ hai phía khó có thể xảy ra.
“Truyền thông Nga đưa tin cơ quan tình báo của họ đã thu thập thông tin cho thấy nếu tuyến phòng thủ của Ukraine sụp đổ, thì Pháp sẽ khai triển ngay 2,000 quân nhân. Điều này phù hợp với những tuyên bố gần đây của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, khẳng định chiến thắng của Nga là không thể chấp nhận được. Ông nhấn mạnh rằng một chiến thắng của Nga, bất chấp viện trợ đáng kể của châu Âu cho Ukraine, sẽ hủy hoại uy tín và danh tiếng phòng thủ của châu Âu. Ông tin rằng với tư cách là cường quốc phòng thủ mạnh nhất châu Âu, Pháp phải bảo đảm rằng Nga không giành chiến thắng trong cuộc chiến này,” ông Lý cho biết thêm.
Thời điểm quyết định cho các liên minh toàn cầu
Ông Cao Chính Phác (Kao Cheng-Pu), tiến sĩ tại Đại học Quốc phòng Đài Loan, nhấn mạnh trên Pinnacle View rằng cuộc chiến Nga-Ukraine đang trở thành một cuộc xung đột then chốt phân định hai phe lớn trên toàn cầu. Một bên, dẫn đầu là Hoa Kỳ và NATO, đối lập hoàn toàn với một khối gồm các quốc gia Trung Quốc, Nga, Iran, và Bắc Hàn, nghiêng về các chế độ độc tài.
“Mặc dù thế giới phương Tây và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chưa cắt đứt hoàn toàn liên hệ, nhưng những diễn biến toàn cầu gần đây cho thấy cuộc chiến Nga-Ukraine đang dần buộc các nước phải chọn phe. Nga đã sử dụng phi cơ không người lái do Iran sản xuất và đạn dược do Bắc Hàn sản xuất,” ông Cao nói.
Bà Quách Quân (Guo Jun), tổng biên tập ấn bản Hồng Kông của The Epoch Times, nhấn mạnh trong chương trình này rằng cuộc chiến Nga-Ukraine mang tính đại diện cao, với việc các cường quốc tích cực can thiệp và lựa chọn đứng về bên nào.
“Trong lịch sử, Trung Quốc đã liên kết với các đồng minh giành chiến thắng trong thế kỷ qua. Trung Quốc đứng về phía những bên chiến thắng trong cả Đệ nhất Thế chiến và Đệ nhị Thế chiến. Trong Chiến tranh Lạnh, ban đầu ĐCSTQ đứng về phía Liên Xô nhưng sau đó chuyển sang bắt tay với phương Tây vốn là bên đã giành chiến thắng cuối cùng. Hiện tại, thế giới lại đang hình thành các liên minh đối lập, trong đó ĐCSTQ đứng về phía Nga để đối đầu với châu Âu và Hoa Kỳ,” bà Quách giải thích thêm.
Bà cho hay: “Kể từ khi chiến tranh Nga-Ukraine bùng nổ, Hoa Kỳ đã không tăng mạnh hiện diện quân sự ở châu Âu mà thay vào đó tập trung vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nếu cuộc đối đầu này tiếp tục và leo thang, nó có thể quyết định quỹ đạo của Trung Quốc trong một trăm năm tới. Những thay đổi đáng kể có thể xảy ra nếu ĐCSTQ đột ngột sụp đổ trong giai đoạn này.”
Ông Thạch Sơn (Shi Shan), người dẫn chương trình “Pinnacle View” kiêm biên tập viên cao cấp của ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times, đã lưu ý một số diễn biến đáng chú ý kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraine.
“Hoa Kỳ đang tăng cường các đợt khai triển quân sự quan trọng, không phải ở châu Âu mà ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Xu hướng này ngày càng trở nên rõ rệt. Hoa Kỳ và NATO đã liên tục thông báo với ĐCSTQ rằng nước này không thể duy trì quan hệ với châu Âu trong khi ủng hộ việc Nga xâm chiếm Ukraine. Trong chuyến thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Blinken, vấn đề hàng đầu là sự hỗ trợ của ĐCSTQ dành cho Nga, trong đó có sự hỗ trợ về kinh tế và quân sự ở quy mô công nghiệp,” ông Thạch nói.
Ông Cao nhận xét thêm rằng các nước châu Âu đã và đang chủ động nâng cao năng lực quân sự kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraine. Các cường quốc quân sự truyền thống ở châu Âu như Anh quốc, Pháp, vốn cũng là trụ cột chính của NATO đều sở hữu sức mạnh đáng kể. Ông tin rằng Hoa Kỳ có thể nhận thấy nhu cầu quốc phòng của châu Âu chủ yếu là cần trợ giúp về đạn dược và tin tưởng rằng các nước Âu Châu có thể giải quyết phần còn lại.
“Tuy nhiên, Hoa Kỳ có mối lo ngại cấp bách hơn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nơi các đồng minh của họ gồm Nhật Bản, Nam Hàn và Philippines, trong đó Đài Loan có khả năng trở thành đồng minh thứ tư. Những đồng minh này tương đối nhỏ so với Trung Quốc, và sức mạnh quân sự tổng thể của họ không đủ. Vì vậy, Hoa Kỳ cần tập trung nhiều hơn vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương để trợ giúp các đồng minh này chống lại ĐCSTQ,” ông Cao cho hay.
Mức độ đe dọa của Nga đáng lo ngại đến mức nào?
Bà Quách giải thích rằng mối đe dọa của Nga đối với châu Âu có nguồn gốc sâu xa trong lịch sử. Từ trước tới nay, trong khi Trung Quốc phải đối mặt với các mối đe dọa chủ yếu từ phía bắc thì châu Âu lại phải đối mặt với các cuộc xâm lược từ phía đông. Các mối đe dọa này gồm các cuộc xâm lược man rợ của Rome, các cuộc xâm lược của người Mông Cổ, và Đế chế Ottoman, tất cả đều qua vùng Kavkaz. Do đó, sự cảnh giác của châu Âu đối với Nga là có cơ sở lịch sử. Khi Nga mở rộng nhanh chóng, giành danh hiệu “sa hoàng xâm chiếm đất đai,” nước này đã phát triển từ một quốc gia nhỏ thành một đế chế rộng lớn với diện tích hơn 10 triệu km2 (3.8 triệu dặm vuông), khiến châu Âu ngày càng cảnh giác.
“Từ một quan điểm thực tế, châu Âu chưa từng trải qua chiến tranh giữa các quốc gia kể từ Đệ nhị Thế chiến. Xung đột Nga-Ukraine đánh dấu cuộc chiến giữa các quốc gia quy mô lớn đầu tiên ở châu Âu kể từ đó. Việc Nga xâm chiếm một quốc gia có chủ quyền đã có tác động tâm lý đáng kể đến châu Âu, đặc biệt khi nhiều quốc gia trong số hơn 20 quốc gia EU có quy mô tương đối nhỏ. Việc Nga dựa vào vũ lực để giải quyết tranh chấp là một mối đe dọa lớn đối với các quốc gia nhỏ hơn này,” bà nói.
Bà Quách lưu ý rằng chiến tranh hiện đại phụ thuộc rất nhiều vào tiếp vận, vũ khí, và sức mạnh kinh tế. Khi Nga xâm chiếm Ukraine vào năm 2022, Hoa Kỳ đã đáp lại bằng một dự luật viện trợ trị giá khoảng 46 tỷ USD, và châu Âu đóng góp khoảng 20 tỷ USD, làm thay đổi cán cân cuộc chiến.
Tuy nhiên, viện trợ vũ khí của Hoa Kỳ đã bị đình trệ vào cuối năm ngoái do ngân quỹ cạn kiệt, và Hạ viện Hoa Kỳ đã trì hoãn thông qua dự luật viện trợ mới, ảnh hưởng đáng kể đến cuộc chiến. Dự luật gần đây được thông qua bao gồm 60.9 tỷ USD viện trợ cho Ukraine, với các loại vũ khí tân tiến hơn, gồm vũ khí nhỏ, xe tăng, bệ phóng phi đạn, hỏa tiễn tầm ngắn, hệ thống phòng không, và chiến đấu cơ.
Hoa Kỳ tận dụng chiến lược của mình
Bà Quách tin rằng cả Hoa Kỳ lẫn châu Âu đều không muốn chiến tranh leo thang hoặc NATO và Hoa Kỳ can dự trực tiếp với Nga. Vì vậy, vũ khí cung cấp cho Ukraine bị hạn chế và không thể sử dụng để tấn công đất Nga. Có sự ngầm hiểu giữa Nga và NATO nhằm tránh leo thang chiến tranh, phần nào giải thích cho việc châu Âu giảm mạnh viện trợ cho Ukraine vào nửa cuối năm ngoái.
“Hoa Kỳ không muốn chiến tranh kết thúc nhanh chóng. Cuộc xung đột kéo dài mang lại lợi ích cho Hoa Kỳ trên hai phương diện chính: cuộc chiến này khiến châu Âu chịu áp lực, cản trở những nỗ lực như nỗ lực thúc đẩy quyền tự chủ chiến lược khỏi Hoa Kỳ của ông Macron, và gây căng thẳng về mặt kinh tế cho Nga. Đối với Hoa Kỳ, việc chi 100–200 tỷ USD để làm suy yếu nền kinh tế và ảnh hưởng của Nga trên toàn cầu là có lợi,” bà Quách giải thích.
Ông Thạch đã so sánh điều này với các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan, khiến Hoa Kỳ thiệt hại hơn một ngàn tỷ dollar trong nhiều năm. Ngược lại, việc làm suy yếu một cường quốc như Nga chỉ với vài trăm tỷ USD là tương đối rẻ đối với Hoa Kỳ.
“Một số tờ báo và phương tiện truyền thông Mỹ đã phỏng vấn các cựu chuyên gia quân sự Hoa Kỳ. Các chuyên gia này tin rằng mặc dù cuộc xâm lược Ukraine của Nga có tác động to lớn về tâm lý, văn hóa, và địa chính trị đối với châu Âu, tuy nhiên cuộc chiến không gây ra mối đe dọa quân sự đáng kể. Họ cho rằng nếu Nga phải chật vật trong cuộc chiến với Ukraine thì nước này khó có thể thành công trước các quốc gia khác, ngay cả những nước nhỏ hơn như Thụy Điển hay Phần Lan, chứ chưa nói đến Đức hay Pháp,” ông Thạch nói thêm.
“Vì vậy, họ không quá lo lắng. Họ tin rằng với đầy đủ vũ khí và sự trợ giúp về huấn luyện, thì Nga không phải là mối đe dọa to lớn gì. Khi viện trợ của Hoa Kỳ, NATO, và châu Âu đến Ukraine, diễn biến trên chiến trường có thể sẽ thay đổi đáng kể.”
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét