Phiên tòa xét xử cựu Tổng thống (TT) Donald Trump — phiên tòa hình sự đầu tiên xét xử một cựu tổng thống — đang bước vào giai đoạn then chốt cuối cùng, khi cả bên công tố lẫn bên bào chữa đều đã kết thúc việc tranh luận trước tòa.
Phần cho lời khai đã kết thúc vào sáng thứ Ba (21/05), nhưng người ta có thể cho rằng một số phần quan trọng nhất của vụ án đã diễn ra trong phòng xử án vài giờ sau đó.
Trong một phiên điều trần buổi chiều, các luật sư đã tranh luận về các định nghĩa và việc đưa vào hay loại trừ các thuật ngữ như “ý định,” “âm mưu phạm tội,” “cố ý,” và “chức năng báo chí hợp pháp.”
Các công tố viên lập luận rằng “bất hợp pháp” (unlawful) không có nghĩa là “phạm tội” (criminal), và cựu TT Trump không nhất thiết phải phạm vào một tội nào đó thì mới bị kết tội tham gia vào một âm mưu, và rằng “chứng cớ” (proof) về ý định tham gia vào một âm mưu không cần phải dựa trên tiền lệ. Các luật sư bào chữa cho rằng thậm chí không có đủ dữ kiện thực tế để vụ án này được đưa ra trước một bồi thẩm đoàn.
Thẩm phán Tòa án Tối cao New York Juan Merchan đã bảo lưu phán quyết cho nhiều vấn đề được nêu ra.
Những phán quyết này sẽ xác định liệu vụ án có được đưa ra trước bồi thẩm đoàn hay không, và định hướng cách mà các bồi thẩm viên hiểu vụ án đó nếu có.
Hai bên tranh chấp về cách áp dụng lý thuyết pháp lý mới
Các cáo buộc trong vụ án này có một cấu trúc bất thường, và hầu hết các tranh chấp của bên bào chữa đều liên quan đến việc giải thích luật chứ không phải các vấn đề thực tế trong quá trình lấy lời khai.
Cựu TT Trump bị buộc tội với 34 cáo buộc làm giả hồ sơ kinh doanh mà các công tố viên cho là được thực hiện để che đậy một hành vi phạm tội thứ hai, một hành vi nâng các khinh tội lên thành trọng tội.
Cáo buộc thứ hai đó không được nêu rõ trong bản cáo trạng ban đầu nhưng được nêu trong các tuyên bố mở đầu là “mục đích gây ảnh hưởng đến một cuộc bầu cử,” đề cập đến một đạo luật chống âm mưu thúc đẩy hoặc ngăn cản cuộc bầu cử của một cá nhân. Sau phần tranh luận, thẩm phán đồng ý với các công tố viên rằng thuật ngữ này không cần phải được định nghĩa.
Sau đó, bên bào chữa lập luận rằng phía chính phủ phải nêu lên định nghĩa cho nhóm từ “ý định lừa gạt” (intent to defraud) vì thuật ngữ này liên quan đến cựu TT Trump.
Luật sư bào chữa Emil Bove nói: “Chúng tôi nghĩ rằng phía chính phủ phải có trách nhiệm cung cấp bằng chứng cho thấy cựu Tổng thống Trump đã tìm cách che giấu.”
Các công tố viên cho rằng không cần có chứng cứ vì việc nêu rõ cáo buộc thứ hai thậm chí không cần thiết về mặt pháp lý. Các luật sư bào chữa phản đối việc nói với bồi thẩm đoàn “ngay từ đầu” rằng họ không cần tìm thấy bằng chứng trong khi nghĩa vụ chứng minh là thuộc về bên công tố.
Luật sư bào chữa Todd Blanche đã lập luận rằng luật New York công nhận rằng các cáo buộc âm mưu đòi hỏi phải có yếu tố “cố ý” (willfully), nhưng các công tố viên cho rằng đó phải là “có ý định” (intentionally).
Ông Bove lập luận rằng không có hành vi vi phạm hình sự nào trong bất kỳ hành động như cáo buộc, và các công tố viên cho rằng không nhất thiết phải có vi phạm hình sự.
“Luật bầu cử quy định rằng một hành vi vi phạm Điều 152 xảy ra khi hai người trở lên âm mưu thúc đẩy cuộc tuyển cử của ai đó để nắm giữ chức vụ bằng các biện pháp bất hợp pháp,” ông Colangelo nói. “Các biện pháp bất hợp pháp không có nghĩa là phạm tội, mà có nghĩa là một hành vi vi phạm pháp luật.”
Bồi thẩm đoàn sẽ được hướng dẫn rằng các công tố viên cần cho thấy cựu TT Trump có ý định lừa gạt, mặc dù các luật sư bào chữa gây sức ép là phải có các hướng dẫn nhấn mạnh vào bằng chứng về ý định thực hiện hoặc che giấu một âm mưu phạm tội.
Cựu TT Trump không cho lời khai khi lệnh bịt miệng vẫn còn hiệu lực
Các cuộc tranh luận trong và ngoài phòng xử án đã khác biệt đáng kể, không chỉ vì cựu TT Trump cuối cùng đã không ra làm chứng.
Bên ngoài phòng xử án, cựu TT Trump thường lập luận rằng vụ án được sắp đặt đúng thời điểm để can thiệp bầu cử, buộc tội ông về những hành động đã xảy ra từ năm 2015. Ông khẳng định vụ án này có động cơ chính trị, và trích dẫn một cuốn sách vạch trần mọi chuyện của tác giả Mark Pomerantz, người tuyên bố rằng mình đã từ chức khỏi văn phòng của Biện lý Quận Alvin Bragg khi họ do dự trong việc truy tố cựu tổng thống. Ông cho rằng các công tố viên liên bang và nhiều cơ quan khác nhau đã xem xét các cáo buộc trong vụ án này và từ chối truy tố và ngay cả ông Bragg cũng đã không muốn [truy tố] vụ việc này.
Cựu Tổng thống Donald Trump nói chuyện với giới truyền thông trước khi có mặt tại tòa trong phiên tòa xét xử với cáo buộc che đậy các khoản thanh toán tiền bịt miệng tại Tòa án Hình sự Manhattan ở New York, hôm 07/05/2024. (Ảnh: Curtis Means-Pool/Getty Images)
Trong số các tuyên bố nói trên của ông Trump, không có tuyên bố nào được phép đưa ra trong phòng xử án. Các công tố viên đã nỗ lực ngăn chặn bất kỳ tranh luận nào nói rằng vụ án có động cơ chính trị, nghĩa là ngay cả trong trường hợp cựu TT Trump đứng tại bục nhân chứng, thì ông cũng sẽ phải tuân thủ một cách nói chuyện bị hạn chế hơn so với quyền tự do mà ông đã có khi cho lời khai trong vụ án dân sự vào mùa thu năm ngoái.
Ngay từ đầu vụ án, cựu TT Trump cũng đã chỉ trích ông Cohen và bà Stephanie Clifford, những người đã nhận số tiền 130,000 USD, tình tiết trọng tâm của vụ án này. Tuy nhiên, lệnh bịt miệng đã cấm ông Trump tiếp tục chỉ trích các nhân chứng khi phiên tòa bắt đầu.
Hôm thứ Ba, cựu TT Trump ám đã chỉ rằng ông sẽ có nguy cơ vi phạm lệnh bịt miệng khi lên tiếng nếu thẩm phán đưa ra phán quyết bất lợi cho ông trong các kiến nghị đang chờ giải quyết.
Các luật sư bào chữa đã kháng cáo lệnh bịt miệng này lên Tòa Phúc thẩm New York.
Các công tố viên lập luận rằng bản thân các hồ sơ đã đủ thuyết phục
Tuy rằng ông Cohen thường được coi là nhân chứng nổi bật của bên công tố nhưng phần lớn lời khai của ông là để bảo vệ uy tín của mình, và các công tố viên cho rằng ông chỉ là một nhân tố trong vụ án.
Thay vào đó, bên công tố lập luận rằng bản thân các hồ sơ trong vụ án đã đủ thuyết phục và họ đã nỗ lực đưa ra rất nhiều đoạn ghi âm điện thoại, tin nhắn, thư điện tử, hợp đồng, chi phiếu, và thậm chí cả đoạn trích từ các quyển sách của ông Trump được xuất bản vào những năm 1990. Thật vậy, phần lớn chứng cứ có mục đích ghi vào hồ sơ chứ không phải đưa ra sự am hiểu cá nhân về các tuyên bố hoặc nơi ở của cựu Tổng thống Trump.
Họ mời các nhân chứng từ AT&T, Ngân hàng First Republic, và các công ty xuất bản, nơi khởi đầu của một số hồ sơ và tài liệu nói trên để làm chứng cho tính xác thực của những bằng chứng này.
Ông Michael Cohen, từng là luật sư riêng của cựu Tổng thống Donald Trump, rời khỏi tòa nhà chung cư của mình để tới tòa án ở thành phố New York, hôm 16/05/2024. (Ảnh: Spencer Platt/Getty Images)
Các nhà phân tích và trợ lý luật sư đã làm chứng để đưa ra các bài đăng trên mạng xã hội có bằng chứng cụ thể, các đợt ghi âm điện thoại, và các cuộc liên lạc.
Họ đã triệu tập nhiều trợ lý cũ của ông Trump để nói về thói quen ký chi phiếu và chữ ký của ông.
Bên bào chữa cho rằng vụ án không thể được đưa ra bồi thẩm đoàn
Bên bào chữa đã nộp đơn kháng cáo trong suốt và thậm chí kể từ trước phiên tòa. Một số kiến nghị được đưa lên bộ phận phúc thẩm của Tòa án Tối cao New York (không nên nhầm lẫn với Tòa Phúc thẩm New York, tòa án cấp cao nhất của tiểu bang).
Họ cũng đã đệ trình một kiến nghị bác bỏ vụ án tại tòa sơ thẩm, điều mà Thẩm phán Merchan vẫn chưa ra phán quyết. Trước đó, bên bào chữa cũng đã đề nghị tuyên bố phiên tòa vô hiệu lực nhưng thẩm phán đã bác bỏ kiến nghị này.
Hôm thứ Hai, sau khi bên công tố kết thúc phiên tranh luận, các luật sư bào chữa đã đề nghị tuyên bố phiên tòa vô hiệu lực, và sau đó lập luận rằng thẩm phán nên tuyên bố ông Cohen là không đáng tin cậy.
“Không thể nào tòa án lại dựa vào lời khai của ông Cohen để đưa vụ án này ra trước bồi thẩm đoàn. Nếu không có lời khai của ông ấy thì không có vụ án nào cả,” ông Blanche nói. “Ông ấy đã nhiều lần nói dối, và sáng nay ông ấy đã nói dối. Chúng tôi đã đưa ra bằng chứng không thể chối cãi khi ông ấy làm chứng trực tiếp về một cuộc điện thoại.”
“Vì vậy, ông đang yêu cầu tôi phán xét ông Cohen là không đáng tin cậy về mặt pháp luật,” Thẩm phán Merchan nói.
“Đúng vậy,” ông Blanche nói. “Không nên tiến hành phiên tòa mà ở đó ông ấy cứ tiếp tục nói dối.”
Chiều thứ Ba, hai bên lại tranh luận rằng hồ sơ xét xử thiếu những tình tiết cần thiết để bồi thẩm đoàn nghị án.
“Ông Michael Cohen đã làm chứng và ông ấy không biết gì về việc đó. Ông được hỏi tại sao ông Allen Weisselberg lại tính tổng cộng lên tới 420,000 USD. Ông ấy trả lời: ‘Tôi không biết. Tôi chỉ muốn lấy lại tiền của mình,’” ông Bove nói. “Phía chính phủ đang nói về việc kê khai thuế của ông Cohen. Trump Organization rất minh bạch. Đó không phải là một loại thỏa thuận nào đó nhằm lập hồ sơ giả cho ông Cohen, và ông Cohen không biết gì về việc đó.”
Ông Bove lập luận rằng cũng không có bằng chứng nào cho thấy cựu Tổng thống Trump hoặc Trump Organization đã khấu trừ khoản thanh toán như được đề cập.
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét