THƠ LÝ BẠCH - BÀI 91, 92, 93 VÀ 94
Thầy Dương Anh Sơn
Bài 91
CỔ PHONG KỲ NHỊ THẬP CỬU 古風 其二十九
Tam quý phân Chiến quốc, 三季分戰國,
Thất hùng thành loạn ma. 七雄成亂麻。
Vương phong hà oán nộ, 王風何怨怒,
Thế đạo chung phân noa. 世道終紛拏。
Chí nhân đỗng huyền tượng, 至人洞玄象,
Cao cử lăng tử hà. 高舉凌紫霞。
Trọng Ni dục phù hải, 仲尼欲浮海,
Ngô tổ chi lưu sa. 吾祖之流沙。
Thánh hiền cộng luân một, 聖賢共淪沒,
Lâm kì hồ đốt ta. 臨歧胡咄嗟。
Lý Bạch 李白
Dịch nghĩa:
Cổ phong bài thứ hai mươi chín.
Đã ba mùa của thời Chiến Quốc gây nên bao sự phân tranh, chia cách. - Bảy nước mạnh đã trở thành hỗn loạn phiền nhiễu (cho dân chúng). Thái độ, phong cách của các ông vua (thời Chiến Quốc) sao lại thù hận và giận dữ như thế ? - Đường đời rốt cuộc dẫn dắt đến nhiều sự tranh chấp rối ren, loạn lạc. (c. 1-4)
Người có lòng nhân và cao thượng sẽ thấu hiểu những cảnh tượng sâu xa huyền bí - Và khi họ ngẩng đầu lên cao (tầm nhìn của họ)sẽ vượt qua ráng trời màu tím. - Trọng Ni mong muốn vượt biển cả (đem đạo đi truyền ở phương xa)! - Tổ tiên của ta đã đi tới dòng nước có cát trôi (của sự biến dời, dịch chuyển, không ổn định...)! (c. 5-8)
Bậc thánh nhân hay hiền nhân đều cùng chung sự chìm đắm tiêu vong. - Sao lại cứ than thở, thương xót khi đi đến chỗ lầm đường! (c. 9-10)
Tạm chuyển lục bát:
CỔ PHONG BÀI THỨ HAI MƯƠI CHÍN.
Ba mùa Chiến Quốc phân tranh,
Mạnh hùng bảy nước thành ra loạn ngầu!
Các vua giận oán vì sao?!
Đường đời rốt cuộc dẫn vào rối tung!
Hiểu sâu cảnh tượng: bậc nhân,
Ngẩng đầu ráng tím vùng trời vượt cao.
Trọng Ni vượt biển mong cầu,
Tổ tiên ta đến chảy ào cát trôi,
Thánh hiền chìm đắm chung rồi!
Vì sao than thở đến nơi lầm đường!
Chú thích:
- phân 分: phân tán, phân chia tranh giành nhau (phân tranh), chia tách ra, cách biệt, phân minh (rõ ràng, minh bạch), chia cắt....
- Chiến quốc & Thất hùng 戰國 &七雄: diễn ra khoảng 500, 475 TCN -221 TCN bên Trung Hoa là sự tranh chấp, giành giật lãnh thổ đất đai, tài nguyên và sự thống lĩnh giữa bảy nước mạnh từng là chư hầu nhà Chu (Thất hùng 七雄 ) là: Hàn 韓, Ngụy 魏, Sở 楚, Tần 秦, Tề 齊, Triệu 趙, Yên 燕. Cuộc chiến kết thúc khi nhà Tần lần lượt dẹp xong sáu nước kia và thống nhất Trung Hoa vào khoảng năm 221 TCN bởi Tần Thủy hoàng.
- loạn ma 亂麻: sự lộn xộn, rối ren không yên và nhiều sự phiền nhiễu gây ra....
- phân noa 紛拏: dẫn dắt trong các chuyện tranh chấp, giành giật nhau...
- chí nhân 至人: người được kính trọng vì đạo cao, đức lớn, rất nhân đức yêu thương con người. Nguyễn Trãi : “Lấy chí nhân để thay cho cường bạo” (Dĩ chí nhân nhi dịch cường bạo 以至仁而易強暴 /Bình Ngô Đại Cáo 平吳大告 - Lấy lòng yêu thương con người để thay cho sự hung bạo)
- đỗng huyền tượng 洞玄象: thấu suốt (đỗng) lẽ sâu xa của những cảnh tượng trong đời hay vũ trụ huyền bí.....
- cao cử 高舉: ngẩng cao đầu...
- lăng tử hà 凌紫霞: vượt qua ráng trời màu tím (tử) của ráng trời (để đi vào chốn cao xa hơn của vũ trụ bao la....)
- Trọng Ni 仲尼: tức Khổng Phu tử 孔夫子, tên thật là Khổng Khâu 孔丘 (hay còn gọi là Khổng Khưu) sinh năm 551 TCN, mất năm 479 TCN thuộc thời đại Xuân Thu. Ông sinh ở ấp Trâu, huyện Xương Bình nước Lỗ (nay thuộc huyện Khúc Bình, Sơn Đông, Trung Hoa). Ông là một nhà tư tưởng lớn với mong mỏi dùng Tam Cương, Ngũ Thường... v.v... để giáo dục vua chúa và dân chúng Trung Hoa thời loạn lạc đi đến một xã hội thái bình và có đạo đức. Khổng tử vẫn thường nêu cao tinh thần học không biết chán, dạy người không biết mệt. Ông nói :“Mặc nhi chí chi, học nhi bất yếm, hối nhân bất quyện, hà hữu ư ngã tai? 默而識之,學而不厭,誨人不倦, 何有 於我哉, Thiên 7: Thuật nhi, Luận Ngữ 論語 " (Trầm lắng ghi nhớ, học không biết chán, dạy người không hề mệt mỏi, sao nó có đủ cho ta không?). Lý Bạch trong bài thơ này đã cho thấy chí nguyện của Khổng tử là mong muốn thấu rõ nhân sinh và muốn vượt qua biển cả để đem đạo truyền cho người khác vì ông đã đi nhiều nước rao giảng đạo làm người nhưng không được các ông vua thời Xuân Thu trọng dụng và thi hành. Khổng tử từng nói: "Đạo bất hành, thừa phu phù ư hải 道不行,乘桴浮于海... Thiên 5 - Công Dã Tràng 公冶長第五" (Đạo của ta không thi hành được, hãy cưỡi bè vượt qua chốn biển khơi...., Thiên 5. 7 - Công Dã Tràng, Luận Ngữ) [1]
- phù hải 浮 海: phù: trôi nổi, muốn hiểu rõ, hơn hẳn, vượt lên, vượt qua, hư ảo, không thật, hão, thuận dòng... Phù hải: vượt qua biển cả.(Xem C.T bên trên: Trọng Ni)
- chi lưu sa 之流沙: đi đến, thuộc về dòng nước tuôn chảy làm trôi cát dung để chỉ sự biến dịch, không bền vững....
- lâm kỳ 臨歧: đi đến nơi, xuống đến chỗ đường rẽ hay sự lầm lẫn (kỳ)...
- cộng luân một 共淪沒: cùng chung nhau chìm đắm ,mai một...
- hồ 胡: người Hồ ở phía tây bắc Trung Hoa. Xa xôi, cái yếm cổ, nào, sao thế, vì sao....
- đốt ta 咄嗟: than thở, thương xót, la mắng, quát tháo, giây lát....
**
[1] dịch giả Đoàn Trung Còn, Tứ Thư (4 tập: Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ (Khổng Tử), Mạnh Tử), NXB Thuận Hóa, 2000, tr. 100 (in lại sách XB trước 1975 của Saigon).
** Các bài Cổ Phong 23, 24 xin xem ở các kỳ trước (CP 23 -B. 54 kỳ tháng 12/2017 ;CP 24 -B. 51 kỳ tháng 9/2017 trên<ninh-hoa.com>hoặc<nguyenhuehaingoai.blogspot.com>
Bài 92
CỔ PHONG KỲ THẬP TAM 古風 其十三
Quân bình kí khí thế, 君平既棄世 ,
Thế diệc khí quân bình. 世亦棄君平。
Quan biến cùng thái dịch, 觀變窮太易 ,
Tham nguyên hóa quần sinh. 探元化群生。
Tịch mịch chuế đạo luận, 寂寞綴道論,
Không liêm bế u tình. 空帘閉幽情。
Sô ngu bất hư lai, 騶虞不虛來 ,
Nhạc trạc hữu thì minh. 鸑鷟有時鳴。
An tri thiên Hán Thượng, 安知天漢上,
Bạch nhật huyền cao danh. 白日懸高名
Hải khách khứ dĩ cửu, 海客去已久,
Thùy nhân trắc trầm minh. 誰人測沈冥。
Lý Bạch 李白
Dịch nghĩa:
Cổ phong bài thứ mười ba.
Vị vua thời thái bình đã bỏ cuộc đời . - Cuộc đời rốt cuộc đã bỏ vị vua thời thái bình yên ổn! - Hãy ngẫm nghĩ xem sự đổi dời,tận cùng là do sự biến dịch lớn lao (của trời đất). - Vậy nên tìm kiếm những nền tảng căn bản để giáo hóa, cải biến loài người. (c.1-4).
Lặng lẽ khâu nối với nhau những sự bàn luận về đạo lý - mà rèm che cửa cao rộng đã che lấp những tình cảm sâu kín trong lòng không bày tỏ ra được! - Người lo liệu ngựa xe lo lắng không đi đến nơi đến chốn! - Con chim phượng hoàng nhỏ có thời đã cất tiếng hót vang. (c.5-8)
Làm sao biết được ông trời đã ở trên đất Hán Thượng, - Mặt trời ban
ngày đã treo cao tiếng tăm rồi. - Người khách ở biển ra đi đã lâu, - Ai là người đo lường được sự chìm đắm và tối tăm đây? (c.9-12)
Tạm chuyển lục bát:
CỔ PHONG BÀI THỨ MƯỜI BA .
Vua thời bình đã lìa đời,
Cuộc đời cũng bỏ vua thời yên vui!
Đổi dời: dịch lớn xét soi,
Kiếm tìm nền gốc dạy người đời thôi!
Lặng thầm nối đạo giúp đời,
Rèm cao che lấp tình vời vợi sâu!
Quan xe lo chẳng tới nao,
Con chim phượng nhỏ hót cao có thời.
Biết đâu đất Hán trên trời,
Ban ngày tăm tiếng cao vời treo kia?
Đã lâu khách biển ra đi,
Đắm chìm mờ mịt ai thì lường cho!
Chú thích:
- quân bình 君平: vị vua của thời thái bình yên vui. Trong lịch sử Trung Hoa, những vị vua thời thượng cổ được xem là những ông vua của thời đại thái bình ,dân chúng được sống no ấm hạnh phúc và là những gương mẫu đạo đức trong việc cai trị cho các vị vua đời sau noi theo. Theo Sử ký Tư Mã Thiên của Trung Hoa, Ngũ Đế bao gồm: Hoàng Đế 黃帝, Chuyên Húc 顓頊, Đế Cốc 帝嚳, Đế Nghiêu 帝堯, Đế Thuấn 帝舜. Đó là những ông vua huyền sử được yêu chuộng do việc cai trị của họ đem lại nhiều lợi ích cho dân chúng nhất là được sống trong thái bình và ấm no. Nhiều sử gia khi nghiên cứu lịch sử Trung Hoa đã cho rằng các vua đó đều do người Trung Hoa tưởng tượng ra. Chỉ có Nghiêu, Thuấn còn có một ít dấu tích nên được xem là hai ông vua thời huyền sử. Trong đó, Nghiêu và Thuấn còn được gọi là Nhị Đế, cùng với Đại Vũ 大禹, người sáng lập ra nhà Hạ có công trị thủy được nhắc đến rất nhiều trong cổ sử Trung Hoa sống trên ba ngàn năm trước C.N. Điều này không có gì chắc chắn cả.
- khí thế 棄世: bỏ mình, bỏ đời, bỏ mạng, liều mình.....
- quan biến 觀變: xem xét, tìm hiểu sự thay đổi, biến dời...
- cùng 窮: rốt cùng, tận cùng, sau cùng, đến cùng, triệt để, sự nghèo
khổ, khốn cùng.....
- thái dịch 太易: sự chuyển vần lớn lao tạo nên biết bao sự đổi dời trong vũ trụ và nhân sinh được đề cập nhiều trong Kinh Dịch 易經. Tác phẩm quan trọng này của người Trung Hoa được cho là sáng tác bởi vị vua trong huyền thoại của họ là Phục Hy 伏羲. Qua thời Đại Vũ nhà Hạ rồi đến nhà Chu sau này, Kinh Dịch được thêm thắt hoặc giản lược bởi các người đời sau. Khổng Tử cũng dành nhiều thời giờ trong đời mình để san định kinh này.
- tham 探: tìm kiếm, dò xét, nghe ngóng, hỏi thăm.....
- không liêm 空帘: không: trống rỗng, bầu trời cao rộng (thái không), vô ích, hão, suông, không thực, nhàn hạ... Liêm: rèm cửa, bức mành tre che cửa... Đây chỉ tấm rèm che cửa rộng lớn của bầu trời.
- u tình 幽情: nỗi lòng sâu kín không bày tỏ ra được...
- sô ngu 騶虞: quan trông coi việc dùng xe ngựa (sô) lo lắng cho công việc (ngu).....
- hư 虛: nơi chốn, chỗ ở, không yên lòng, không kiêu ngạo, tự mãn, không thực, trống rỗng, hão, vơi đi, thiếu.....
- nhạc trạc 鸑鷟: một loài chim phượng hoàng nhỏ.
- an tri 安知: biết đâu được, có chắc đâu, sao biết được....
- câu 9 &10: hai câu thơ này Lý Bạch đề cập đến điều mà người Trung Hoa thời xưa vẫn tin rằng việc làm vua là do trời định và người được chọn do có "chân mệnh đế vương". Lưu Bang khi cùng Hạng Vũ nước Sở giao ước là khi nào ai chiếm đất Quan Trung của Tần trước sẽ được phong vương. Nhờ mưu kế của Trương Lương và các tướng giỏi giúp sức nên Hán Lưu Bang sớm chiếm được Quan Trung (nay thuộc vùng Thiểm Tây, Tứ Xuyên) và được phong là Hán vương đóng đô ở Bá Thượng 霸上 hay còn được gọi là Hán Thượng 漢上 là đất phong của Hán vương Lưu Bang trong vùng Quan Trung. Hán vương sau khi đánh tan Sở Hạng vương, thống nhất Trung Hoa (sau thời Tần Thủy hoàng) lên ngôi hiệu là Hán Cao tổ. Tiếng tăm về một ông vua mới đã nổi lên từ đất Hán Thượng này cũng được Nguyễn Du nói đến khi đi sứ Trung Hoa. Ông đã đến viếng mộ Phạm Tăng vẫn được Hạng Vũ tôn xưng là Á Phụ 亞父 đã nhận xét trong một bài thơ: "Nhãn khan Bá Thượng ngũ vân phù 眼看霸上五雲浮, Cấp cấp phương đồ nhất kích mưu 汲汲方圖一擊謀. Đãn đắc thử tâm vô phụ Sở 但得此心無負楚 ,Bất tri thiên mệnh dĩ quy Lưu 不知天命已歸劉 ...." (Mắt ông đã trông thấy đám mây năm màu nổi lên trên vùng đất Bá Thượng. Thế mà ông vẫn cứ miệt mài một phen toan tính mưu kế đánh bại quân Lưu Bang.
Lòng dạ của ông được một điều là không hề phụ bạc nước Sở. Ông nào có hay mệnh trời đã thuộc về họ Lưu rồi.../ Á Phủ mộ 亞父墓. Trong bài Sở Bá vương mộ 楚霸王墓, Nguyễn Du cũng có thêm nhận xét: " Bá Thượng dĩ thành thiên tử khí 霸上已成天子氣 " (Nơi vùng Bá Thượng đã thành hình cái khí tượng của bậc con trời .....) Xem thêm Bắc Hành Tạp Lục của Nguyễn Du, Bài 94 và 97, D.A.S. chuyển dịch trên <ninh-hoa.com>)
- câu 11: Hải khách khứ dĩ cửu 海客去已久( người khách ở vùng biển đã ra đi từ lâu rồi) có lẽ Lý Bạch muốn nói đến Trương Lương 張良 tức Trương Tử Phòng 張子房 (khoảng 260-188 TCN), là quân sư tài giỏi đã cùng Hàn Tín, Tiêu Hà... giúp Hán Lưu Bang làm nên nghiệp đế. Khi dẹp tan được quân binh của Sở vương Hạng Vũ ,định công trạng xong ,Trương Lương là người am hiểu dịch lý và cũng học theo Phạm Lãi thời xưa [Phạm Lãi 范蠡, tự là Thiếu Bá 少伯, còn gọi là Phạm Bá 范伯, Si Di Tử Bì 鸱夷子皮 hay Đào Chu Công 陶朱公 - là tên của ông. Khi "công thành thân thoái" ông đã đi ẩn trở thành nhà buôn hay thong dong ở hồ Động Đình... Ông đã giúp Việt vương Câu Tiễn đánh tan quân của Ngô Phù Sai bằng kế dâng người đẹp Tây Thi để cho vua nhà Ngô say đắm dẫn đến triều đình suy yếu hầu trả thù mối hận bị bắt năm xưa. Phạm Lãi rất giỏi việc xem tướng người và hiểu dịch lý nên ông đã nhận ra con người của vua Việt Câu Tiễn chỉ cần người giúp mình nhưng không phải là kẻ cùng chung hưởng khi thái bình....] Cho nên ông cũng theo cách ấy để xin Hán Cao tổ đi học đạo thần tiên theo con đường của Xích Tùng Tử và đi về vùng núi Cốc Thành gần Tề giang như ước hẹn với Hoàng Thạch Công,vị tiên nhân đã cho ông cuốn sách về mưu kế binh lược khi đi tránh quan binh nhà Tần ở Hạ Bì. Nhờ cuốn sách này, ông đã bày mưu ,tính kế giúp Hán Lưu Bang làm vua thiên hạ..... Những người có tầm nhìn xa trông rộng như Phạm Lãi hay Trương Lương đều chịu ảnh hưởng của Lão gia vì họ hiểu rõ ý nghĩa lời dạy của Lão Tử: "công toại thân thoái, thiên chi đạo 功 遂 身 退 , 天 之 道, Đạo Đức Kinh, chương IX)(khi công sức đã thành, thân nên lui về, đó là đạo trời). [1]
- trắc 測: lường trước, đo lường, liệu định, trong sạch ....
***
[1] Đạo Đức Kinh, Lão Tử, bản dịch của Nguyễn Duy Cần, tr. 73 NXB Khai Trí, Saigon, ngày 9/10/1961
Bài 93
CỔ PHONG KỲ THẬP LỤC 古風 其十 六
Bảo kiếm song giao long, 寶劍雙蛟龍,
Tuyết hoa chiếu phù dung. 雪花照芙蓉.
Tinh quang xạ thiên địa, 精光射天地,
Lôi đằng bất khả trùng. 雷騰不可沖。
Nhất khứ biệt kim hạp, 一去別金匣,
Phi trầm thất tương tùng (tòng). 飛沉失相從。
Phong Hồ diệt dĩ cửu, 風胡滅已久,
Sở dĩ tiềm kì phong. 所以潛其鋒
Ngô thủy thâm vạn trượng, 吳水深萬丈,
Sở san mạc thiên trùng. 楚山邈千重。
Thư hùng chung bất cách, 雌雄終不隔,
Thần vật hội đương phùng. 神物會當逢。
Lý Bạch 李白
Dịch nghĩa:
Cổ phong bài thứ mười sáu.
Cây gươm báu có (khắc vẽ) một đôi con vật là thuồng luồng và rồng, - Những bông hoa tuyết nhắm vào đóa hoa phù dung. - Ánh sáng trong lành soi sáng trời đất, - Tiếng sấm sét vang to mau lẹ không thể hòa vào nhau! (c.1-4)
Một lần tiễn biệt chiếc cũi vàng ra đi, - sẽ làm bay mất sự mê đắm đi
theo cùng nhau. - Lề lối thói tục của người Hồ đã mất đi từ lâu rồi, - Cho nên làm sao giấu kín khí thế mạnh mẽ được! (c.5-8)
Sông của nước Ngô sâu thẳm muôn trượng! - Núi non nước Sở núi
non lại xa xôi ngàn lần hơn! - Việc tranh nhau hơn thua rốt cùng không tách nhau ra được. - Thần thánh và các loài họp nhau gặp gỡ xứng hợp nhau!(c.9-12)
Tạm chuyển lục bát:
CỔ PHONG BÀI THỨ MƯỜI SÁU.
Giao long gươm báu một đôi,
Phù dung bông tuyết chiếu soi rỡ ràng!
Đất trời soi sáng trong ngần,
Chẳng cùng hòa hợp sấm vang chớp dồn!
Cũi vàng giã biệt một lần,
Bay đi mê đắm theo cùng với nhau.
Thói Hồ tắt ngấm từ lâu!
Cho nên thế mạnh giấu nao đó rồi!
Sông Ngô muôn trượng sâu vời,
Núi non nước Sở xa xôi ngàn lần.
Thắng thua rốt chẳng tách ngăn,
Xứng cùng muôn vật thánh thần gặp nhau.
Chú thích:
- phù dung 芙蓉: tên loài hoa khi nở có nhiều cánh uốn lượn, nhiều màu sắc, thân cây có lá to .Có khi hoa phù dung cũng để chỉ hoa sen. Hoa phùdung là loài hoa thi ca hay nói đến vì "sớm nở tối tàn" chóng vánh...
- tinh quang 精光: trong trẻo, sạch bóng...
- xạ 射: soi sáng, bắn tên từ cung hay nỏ, tìm kiếm, tranh cướp quyền lợi...
- lôi đằng 雷騰: sấm sét dội vang xẹt điện chớp giật khắp bầu trời khi có mưa lớn và hầu như sét không bao giờ xẹt xuống cùng một chỗ....
- trùng 沖: hòa hợp, hòa vui, khỏe mạnh, trống rỗng, sâu xa, vọt lên, xung đột, trút xuống, xông tới....
- kim hạp 金匣: hộp hay tráp đựng đồ có thiếp vàng hay bằng vàng thật. Hạp: cũng để chỉ cái cũi giam người hay để chỉ chốn tù đày. Lý Bạch muốn nói đến một giai đoạn được ân sủng của Đường Huyền Tông ở triều đường nhưng ông xem nơi đây chỉ như là một chiếc cũi vàng giữ người thôi!
- phong Hồ 風胡: phong tục, thói quen của người Hồ. Hồ là tiếng chỉ
chung các bộ tộc như Phiên Ngung, Hung Nô, Đột Quyết... v.v... thường hay đánh phá phía bắc và tây bắc Trung Hoa từ các thời xa xưa trước khi Tần Thủy hoàng thống nhất với khí thế mạnh mẽ, bền bỉ làm cho nhiều triều đại Trung Hoa phải thường xuyên lo lắng đối phó, tiêu hao người và của...
- phong 鋒: mũi nhọn, mũi giáo, khí thế mạnh mẽ....
-mạc 邈: xa xôi, xa tít, coi khinh, vượt lên.
- thư hùng 雌雄: chỉ con mái con trống, tranh giành quyết liệt, sống mái hơn thua dứt khoát ,đánh nhau quyết liệt cho đến khi có kẻ bại trận...
- bất cách 不隔: không ngăn chặn được, không tách ngăn ra được...
- đương phùng 當逢: xứng hợp gặp nhau...
Bài 94
CỔ PHONG KỲ THẬP THẤT 古風 其十七
Kim hoa mục dương nhi, 金華牧羊兒,
Nãi thị tử yên khách. 乃是紫煙客.
Ngã nguyện tòng chi du, 我願從之游,
Vị khứ phát dĩ bạch. 未去發已白。
Bất tri phồn hoa tử, 不知繁華子,
Nhiễu nhiễu hà sở bách. 擾擾何所迫。
Côn Sơn thái quỳnh nhụy, 崑山採瓊蕊,
Khả dĩ luyện tinh phách. 可以煉精魄.
Lý Bạch 李白
Dịch nghĩa:
Cổ phong bài thứ mười bảy
Bông hoa bằng vàng của người chăn dê trẻ, - Đây đúng là người khách của vùng khói mây màu tím! - Ta mong ước cùng đi theo rong chơi - nhưng chưa bắt đầu ra đi mà (đầu) đã bạc trắng! (c.1-4)
Không hiểu được kẻ nơi chốn đông người đô hội, - nhiều sự rối ren
sao lại phải chịu chật chội ở nơi này ! - Núi Côn Lôn đi hái nhụy của những đóa hoa quỳnh, - để có thể luyện ra chất tinh túy mạnh mẽ của (tinh thần) con người! (c.5-8)
Tạm chuyển lục bát:
CỔ PHONG BÀI THỨ MƯỜI BẢY.
Trẻ chăn dê với hoa vàng,
Khói mây màu tím đúng phăng khách rồi!
Nên ta mong được theo chơi,
Chưa đi tóc trắng đã phơi mái đầu!
Kẻ nơi đông đúc hiểu đâu!
Ở sao chật chội, biết bao rối bời!?
Côn Sơn hái nhụy quỳnh thôi!
Luyện cho mạnh mẽ sáng tươi tinh thần.
Chú thích:
- kim hoa 金華: bông hoa làm bằng vàng hoặc bằng các loại kim loại
khác...
- nhi 兒: trẻ em, trẻ nhỏ... Theo quan niệm của Lão Tử, hình ảnh trẻ con là hình ảnh của người đạt đạo đã từ bỏ cái nhìn mơ hồ và những tỳ vết bợn dơ...: " Tải doanh phách bão nhất, năng vô ly hồ? Chuyên khí trí nhu, năng anh nhi hồ? Địch trừ huyền lãm, năng vô tì hồ? 載 營 魄 抱 一 , 能 無 離 乎 ? 專 氣 致 柔 , 能 嬰 兒 乎 ? 滌 除 玄 覽 , 能無 疵 乎 ? (Lão Tử, Đạo Đức kinh, chương X) [1] ( mang hồn phách ôm giữ làm một mối, không làm chia lìa được không? Làm cho khí đem lại sự mềm mại như đứa trẻ nhỏ mới sinh được không? Tẩy trừ cái nhìn mơ hồ xa vời, làm cho không chút tì vết, bợn dơ được không? ).Trong một chươngkhác, Lão Tử cũng nhắc lại rằng con đường giữ đức, đến đạo không được xa lìa đức và cần quay trở về với tâm hồn trẻ thơ như khi mới sinh ra vì cái tâm còn trong trắng, uyên nguyên, chất phác chưa phân định đúng sai, thiện ác, xấu tốt... v.v... chính là lẽ đạo ("... thường đức bất ly, phục quy ư anh nhi 常 德 不 離, 復 歸 於 嬰 兒" (Đạo Đức Kinh, chương XXVIII) [1]. Kinh Phúc Âm hay Tin Mừng của Thiên Chúa giáo cũng ghi lại lời dạy của Jesus: “ Những ai không trở nên trẻ thơ không được vào Nước Trời” (Tin mừng, Mt 18, 3) hay nói khác hơn: Chỉ những ai trở nên như trẻ
thơ mới đến được cửa thiên đường ; cửa thiên đường là cửa vào lẽ đạo có thể vào được như cách của Lão Tử nêu bên trên....
- nãi thị 乃是: đây đúng là, đúng là như thế....
- tử yên khách 紫煙客: người khách của vùng khói mây màu tím (tử)... Đây chỉ những bậc ẩn sĩ hoặc đạo sĩ ở trong những vùng có cảnh sắc mây khói tím đẹp đẽ phù hợp cho việc tu luyện tinh thần. Màu tím là màu của đạo giáo rất thịnh hành thời của Lý Bạch( xem thêm chú thích "tử minh 紫冥 trong bài 95 tiếp theo).
- phát 發: bắt đầu đi, hiện ra, đưa ra, bắn đi, sinh trưởng mở ra, dấy lên, mở đầu.....
- phồn hoa tử 繁華子: kẻ ở nơi chốn đô hội, đông đúc ....
- nhiễu nhiễu 擾擾: rất nhiều sự rối rắm, rối loạn, rối bời, không được yên ổn....
- bách 迫: bức bách, quẫn bách, thúc ép, thúc dục, khốn quẫn, chật
hẹp, chật chội, vội vàng....
- Côn Sơn 崑山: tức là dãy Côn Lôn Sơn 崑崙山 tiếp giáp với cao nguyên Tây Tạng. Đây là nơi ẩn dật được các đạo sĩ thường chọn. Côn Sơn nằm ở tỉnh Giang Tô, phía tây bắc huyện Tùng Giang, Trung Hoa với tên núi là Mã Yên 馬鞍 thường được gọi là núi Côn Lôn.
- nhuy 蕊: tức nhị hay nhụy bông hoa .
- tinh phách 精魄: tinh thần và khí phách của một con người, phần tinh hoa của con người do tu luyện mà có (phách: vía, khí phách mạnh mẽ thể hiện cốt cách một con người; phách cũng chỉ ánh sáng trăng, mặt trăng ngày mồng một gọi là “tử phách 死魄", mặt trăng ngày rằm gọi là “sinh phách 生魄". ...
***
[1] Đạo Đức Kinh, Lão Tử, bản dịch của Nguyễn Duy Cần, tr.75 và tr. 153, NXB Khai Trí ,Saigon,ngày 9/10/1961
(Lần đến: THƠ LÝ BẠCH: bài 95, 96, 97 và 98)
Dương Anh Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét