Lưu ý của Ban Biên Tập: Mối đe dọa do Đảng Cộng sản Trung Quốc gây ra thông qua việc mua địa ốc ở Hoa Kỳ bằng các tổ chức Trung Quốc là có thật, đặc biệt là khi tài sản được mua có vị trí bên cạnh những cơ sở hạ tầng quan trọng hoặc căn cứ quân sự. Việc ban hành lệnh cấm bán địa ốc cho địch thủ ngoại quốc là hành động cần phải có từ lâu. Những cải tổ hiện đang được trù tính tại Quốc hội và các cơ quan lập pháp tiểu bang trên toàn quốc là những nỗ lực nhằm theo kịp các mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc và các tác nhân độc hại khác. Nếu hiệu chỉnh cho phù hợp, những công cụ này có thể giải quyết những mối đe dọa như vậy trong trong khi bảo vệ được quyền sở hữu tư nhân vốn là nền tảng cho sức mạnh của Hoa Kỳ.
Sau đây là một trích đoạn có chỉnh sửa một chút từ báo cáo mới trên Quỹ Di Sản của ông Bryan Burack, mang tên “Trung Quốc Thâu Tóm Đất Đai: Bán Địa Ốc Của Hoa Kỳ Cho Các Địch Thủ Ngoại Quốc Đe Dọa Đến An Ninh Quốc Gia” (China’s Land Grab: The Sale of U.S. Real Estate to Foreign Adversaries Threatens National Security) phát hành hôm 09/05. Quý vị có thể đọc phiên bản đầy đủ của báo cáo này tại đây.
* * *
Ở cả cấp liên bang và tiểu bang, các nhà lãnh đạo được bầu đang chú ý nhiều hơn đến các mối đe dọa an ninh quốc gia bắt nguồn từ các tài sản địa ốc do người Trung Quốc nắm giữ ở Hoa Kỳ.
Tổng số tài sản địa ốc mà người Trung Quốc nắm giữ ở Hoa Kỳ là chưa rõ và theo luật hiện hành cũng là không thể biết được. Đối với đất nông nghiệp, diện tích do Trung Quốc sở hữu được cho là chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng diện tích đất đai của Hoa Kỳ, nhưng tỷ lệ này đã nhanh chóng tăng lên trong những năm gần đây, cho thấy mối đe dọa ngày càng tăng mà tốt nhất là nên được quản lý ngay bây giờ trước khi việc này trở thành một vấn đề nghiêm trọng.
Cho đến nay, việc đưa tin của các hãng truyền thông và sự giám sát của chính phủ đã tập trung vào một số hình thức và trường hợp mua địa ốc nhất định của người Trung Quốc, do những tác động đến an ninh quốc gia của các giao dịch và tài sản cụ thể này. Ở cấp liên bang, nhiều đề nghị đã được đưa ra tại Quốc hội Hoa Kỳ nhằm nâng cao năng lực của chính phủ trong việc giải quyết các mối đe dọa an ninh quốc gia bắt nguồn từ việc Trung Quốc thâu tóm địa ốc. Ngoài ra, ở cấp tiểu bang, dựa trên những mối lo ngại tương tự, các nhà lập pháp ở nhiều tiểu bang đang tìm cách mở rộng các hạn chế hiện có hoặc thiết lập các hạn chế mới.
Các tiểu bang giới hạn quyền sở hữu đất của ngoại quốc ở Hoa Kỳ
Chú thích: Màu xám—các tiểu bang cho phép ngoại quốc sở hữu đất, màu đỏ nhạt—các tiểu bang giới hạn quyền sở hữu đất của ngoại quốc, Màu đỏ—các tiểu bang hành động chống lại quyền sở hữu đất của ngoại quốc vào năm 2023 và 2024.
Khi Trung Quốc và Hoa Kỳ chìm sâu hơn vào một cuộc Chiến Tranh Lạnh mới, các mối đe dọa an ninh quốc gia liên quan đến những lợi ích về địa ốc này đang ngày càng gia tăng và trở thành tâm điểm một cách rõ rệt hơn.
Bảo vệ quốc gia khỏi những mối đe dọa này đòi hỏi phải có phản ứng hiệu quả từ các cơ quan an ninh quốc gia liên bang cũng như các chính phủ tiểu bang. Việc cấp thiết là các nhà lập pháp tiểu bang và liên bang phải bảo đảm rằng họ có khả năng giám sát, xem xét, và khi cần thiết, cấm các giao dịch về đất nông nghiệp Hoa Kỳ và các tài sản địa ốc khác gây ra mối đe dọa an ninh quốc gia.
Vẫn chưa rõ tổng diện tích đất mà Trung Quốc nắm giữ ở Hoa Kỳ
Trong khi các quan chức Hoa Kỳ thường xem việc Trung Quốc sở hữu đất nông nghiệp là một mối đe dọa, thì những lo ngại về an ninh quốc gia có thể nảy sinh từ sự tham gia của Trung Quốc vào lĩnh vực địa ốc của Hoa Kỳ trên một phạm vi rộng hơn nhiều. Ví dụ, quyền sở hữu của người Trung Quốc đối với bất kỳ địa ốc nào đều có thể là một mối lo ngại nếu tài sản đó có vị trí gần những cơ sở hạ tầng quan trọng, dù có phải là đất nông nghiệp hay không. Vấn đề càng trở nên phức tạp hơn nữa khi những lo ngại về an ninh quốc gia có thể xuất hiện ngay cả đối với những lợi ích không mang tính sở hữu đối với địa ốc—ví dụ: nếu một công ty công nghệ Trung Quốc thuê không gian văn phòng đối diện với Ngũ Giác Đài hoặc giành được quyền sử dụng đất để xây dựng tuabin gió gần một căn cứ quân sự.
Hoa Kỳ hiện không có hệ thống giám sát rộng khắp về quyền sở hữu của người Trung Quốc đối với địa ốc Hoa Kỳ. Quyền sở hữu địa ốc được chính phủ tiểu bang và địa phương giám sát, và ngay cả khi chính phủ liên bang đã thiết lập một hệ thống để thu thập dữ liệu đó, thì sự thân thiện của Hoa Kỳ đối với các công ty vỏ bọc sẽ khiến bất kỳ kết quả thu thập dữ liệu nào trong trường hợp tốt nhất cũng đều là không đầy đủ.
Các lợi ích không mang tính sở hữu, chẳng hạn như hợp đồng thuê, quyền sử dụng đất, giấy phép, và các quyền đối với vùng nước hoặc khoáng sản dưới bề mặt, có thể còn khó phân biệt hơn.
Có thể nhìn ra một số manh mối từ đầu tư trực tiếp ngoại quốc của Trung Quốc vào Hoa Kỳ. Mặc dù đầu tư trực tiếp ngoại quốc từ Trung Quốc đã giảm nhanh chóng từ mức cao 46 tỷ USD hồi năm 2016, các tổ chức chức của Trung Quốc đã vẫn chi gần 700 triệu USD để mua lại các công ty Hoa Kỳ trong năm 2021.
Xét đến việc các công ty Trung Quốc đã chi hơn 100 tỷ USD để mua lại các công ty Hoa Kỳ kể từ năm 2010, với nhiều công ty trong số đó sẽ sở hữu địa ốc, có vẻ như chắc chắn rằng các công ty Trung Quốc kiểm soát một lượng đáng kể tài sản địa ốc ở Hoa Kỳ. Ví dụ, Hiệp hội Môi giới Địa ốc Quốc gia (NAR) báo cáo rằng trong năm 2020, “Người mua Trung Quốc là những người ngoại quốc mua địa ốc thương mại nhiều nhất ở Hoa Kỳ.”
Về mặt lý thuyết, nhiều giao dịch trong số này sẽ phải chịu sự cân nhắc về an ninh quốc gia từ Ủy ban Đầu tư Ngoại quốc tại Hoa Kỳ (CFIUS). Ủy ban này có thể xem xét các giao dịch về các loại tài sản địa ốc cụ thể, cũng như một số giao dịch thâu tóm và đầu tư vào các công ty Hoa Kỳ có khả năng nắm giữ địa ốc—giả định rằng các bên tuân thủ nghĩa vụ pháp lý trong việc công bố thông tin giao dịch.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp nổi bật được thảo luận, ủy ban này đã không giải quyết, hoặc thậm chí đã chấp thuận các giao dịch địa ốc có mối lo ngại rõ ràng về an ninh quốc gia, buộc các chính phủ tiểu bang và địa phương phải áp dụng các hạn chế của riêng họ. Hồ sơ theo dõi của Ủy ban Đầu tư Ngoại quốc cho thấy cả sự thất bại trong việc buộc các cơ quan có thẩm quyền thực thi một cách thỏa đáng [các biện pháp về an ninh quốc gia], đồng thời những thiếu sót của các cơ quan này đang cản trở Ủy ban thực hiện các biện pháp an ninh quốc gia quan trọng.
Với thành tích như vậy, có vẻ như các quan chức đương nhiệm của ủy ban không có đủ tầm nhìn về lợi ích địa ốc của Trung Quốc tại Hoa Kỳ.
Mời quý vị đọc phần còn lại của báo cáo tại đây.
In lại dưới sự cho phép của The Daily Signal, một ấn phẩm của Quỹ Di Sản
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét