Thứ Năm, 2 tháng 5, 2024

Hạ Viện Hoa Kỳ Thông Qua Dự Luật Về Chủ Nghĩa Bài Do Thái Trong Bối Cảnh Bất Ổn Tại Các Khuôn Viên Trường Đại Học

 

Những người biểu tình ủng hộ Palestine tụ tập bên ngoài khuôn viên Trung tâm Lincoln của Fordham sau khi một nhóm dựng trại bên trong tòa nhà này ở thành phố New York, hôm 01/05/2024. (Ảnh: Spencer Platt/Getty Images)

HẠ VIỆN HOA KỲ THÔNG QUA DỰ LUẬT VỀ CHỦ NGHĨA BÀI DO THÁI TRONG BỐI CẢNH BẤT ỔN TẠI CÁC KHUÔN VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC
Cẩm An lược dịch


Dân biểu Đảng Cộng Hòa Mike Lawler cho biết, dự luật này sẽ quy định ‘rằng quý vị sẽ phải gánh chịu hậu quả nếu có ngôn từ và hành vi bài Do Thái.’ 

Hôm 01/05, Hạ viện đã thông qua một dự luật về chủ nghĩa bài Do Thái trong bối cảnh những cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine leo thang trong các khuôn viên trường đại học trên khắp đất nước.

Dự luật này đã được Hạ viện thông qua trong một cuộc bỏ phiếu mà hầu như lưỡng đảng đều đồng thuận, với 320 phiếu thuận và 91 phiếu chống. 21 dân biểu Đảng Cộng Hòa và 70 dân biểu Đảng Dân Chủ phản đối dự luật. Nhiều dân biểu bỏ phiếu chống đã bày tỏ lo ngại về một tác động khủng khiếp tiềm tàng mà dự luật này có thể gây ra cho quyền tự do ngôn luận vì dự luật có một vài điểm mơ hồ trong cách diễn đạt.

Đạo luật Nhận thức về Chủ nghĩa Bài Do Thái, hiện sẽ được đưa lên Thượng viện để xem xét, sẽ áp dụng Tiêu đề VI của Đạo luật Dân quyền năm 1964 đối với người Do Thái. Tiêu đề VI cấm các tổ chức nhận tiền của người nộp thuế liên bang không được phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc, nguồn gốc quốc gia, hoặc màu da.

Dự luật này, do Dân biểu Mike Lawler (Cộng Hòa-New York) giới thiệu, sẽ yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ áp dụng định nghĩa hiện có của Liên minh Tưởng niệm Holocaust Quốc tế (IHRA) về chủ nghĩa bài Do Thái.

Ông Lawler cho biết ông hy vọng Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (Dân Chủ-New York) sẽ thúc đẩy Thượng viện thông qua dự luật này.

Không rõ cuộc bỏ phiếu ở Thượng viện sẽ diễn ra như thế nào, vì nhiều thượng nghị sĩ tỏ ra kín đáo khi được The Epoch Times hỏi về lập trường của họ đối với dự luật.

Ông Lawler cũng cho rằng làn sóng bài Do Thái gần đây trong các khuôn viên trường đại học một phần là do các nhà quản lý trường học “đã không làm tròn trách nhiệm,” viện dẫn việc người biểu tình tại Đại học Columbia chiếm giữ một tòa nhà hôm 29/04. Tối 30/04, Sở Cảnh sát New York đã được trường đại học cho phép giải tán người biểu tình trong tòa nhà.

Ông Lawler nói với The Epoch Times: “Về cốt lõi, điều này đang chứng minh rằng quý vị sẽ phải gánh chịu hậu quả nếu có ngôn từ và hành vi bài Do Thái.”

Dự luật này được đưa ra trong bối cảnh Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson (Cộng Hòa-Louisiana) công bố những nỗ lực của Hạ viện nhằm trấn áp chủ nghĩa bài Do Thái trong các khuôn viên trường cao đẳng và đại học. Hành động này sẽ gồm có các cuộc điều tra và điều trần của nhiều ủy ban.

Tất cả các nhà lập pháp đã nói chuyện với The Epoch Times hôm 30/04 — ngay cả những người phản đối dự luật này — đều lên án chủ nghĩa bài Do Thái bằng những lời lẽ mạnh mẽ nhất.

Cuộc tranh cãi về dự luật nảy sinh từ lo ngại về định nghĩa của trong dự luật, điều mà một số nhà lập pháp cảm thấy quá mơ hồ hoặc quá dễ bị dùng sai mục đích.

Nhiều người cho biết họ lo ngại những lời chỉ trích đối với nhà nước Israel, hoặc chính phủ của nước này sẽ bị coi là bài Do Thái theo luật mới, mặc dù trang web của IHRA tuyên bố rằng “những lời chỉ trích Israel tương tự như những lời chỉ trích đối với bất kỳ quốc gia nào khác không thể được coi là bài Do Thái.”

Trước những lo ngại này, ông Lawler nói với The Epoch Times rằng “chống chủ nghĩa Phục quốc Do Thái chính là bài Do Thái.”

“Quý vị có thể không đồng tình với các quyết định chính sách của chính phủ Israel; đó là cuộc thảo luận khác biệt,” ông nói rõ. “Nhưng nếu quý vị phản đối Israel là vì đây là một nhà nước Do Thái, thì điều đó bắt nguồn từ chủ nghĩa bài Do Thái; mọi người có thể cố gắng che giấu điều này bao nhiêu tùy thích, nhưng về cốt lõi thì như vậy.”

Dân biểu Mike Lawler (Cộng Hòa-New York) nói trong một cuộc họp báo bên ngoài Đại học Columbia ở thành phố New York, hôm 22/04/2024. (Ảnh: David Dee Delgado/Getty Images)
Dân biểu Mike Lawler (Cộng Hòa-New York) nói trong một cuộc họp báo bên ngoài Đại học Columbia ở thành phố New York, hôm 22/04/2024. (Ảnh: David Dee Delgado/Getty Images)

Giống như hầu hết các dự luật khác, ông Schumer sẽ có tiếng nói cuối cùng về việc liệu dự luật này có được đưa ra sàn Thượng viện để bỏ phiếu hay không.

Vấn đề này đặt ra một câu hỏi hóc búa về chính trị cho Tổng thống Joe Biden và Đảng Dân Chủ.

Bản thân Tổng thống Biden là một người thẳng thắn ủng hộ Israel nhưng có thể cũng đang cân nhắc rằng sự ủng hộ đó sẽ đưa những tổn thất chính trị gì trong bối cảnh các cuộc biểu tình ở trường đại học làm rung chuyển cả nước.

Bởi vì dự luật này là nhằm đáp trả trực tiếp những cuộc biểu tình đó, phần lớn được thúc đẩy bởi những kẻ kích động sinh viên cánh tả — những người có khuynh hướng ủng hộ Tổng thống Biden — nên đối với các nghị sĩ Đảng Dân Chủ thì có nên thông qua dự luật hay không là một vấn đề gai góc.

Cả ông Schumer và Tổng thống Biden đều chưa đưa ra một lập trường rõ ràng nào về dự luật này.

Jackson Richman, Stacy Robinson và Joseph Lord thực hiện

Cẩm An lược dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét