Thứ Năm, 9 tháng 5, 2024

Đôi Nét Về Nhạc Sĩ Vũ Thành An, Tác Giả Những Bài Không Tên …..


ĐÔI NÉT VỀ NHẠC SĨ VŨ THÀNH AN, TÁC GIẢ NHỮNG BÀI KHÔNG TÊN...
Thái Salem biên tập

Nhạc sĩ Vũ Thành An là một trong những nhạc sĩ đã làm rạng danh bầu trời âm nhạc Việt Nam suốt các thập niên 50, 60 và 70. Ông là là đại diện tiêu biểu cho một thế hệ cầm bút viết tình ca bằng những đứt đoạn con tim, ngang trái và day dứt khôn nguôi.

Nhạc sĩ Vũ Thành An sinh năm 1943 tại Hải Hậu, Nam Định, Bắc Việt. Ông theo gia đình di cư vào Sài Gòn từ 1954. Trong thời kỳ học sinh, ông đã theo học âm nhạc trong lớp học của nhạc sĩ Chung Quân cùng Ngô Thụy Miên và Đức Huy, thêm vào đó ông học lớp Nhất tại trường tiểu học Nguyễn Tri Phương, sau đó là Trung học Hồ Ngọc Cẩn (đệ thất), Chu Văn An (đệ lục), đến trường Trần Lục (đệ tứ) rồi đến trường Nguyễn Trãi (đệ nhị), Trần Hưng Đạo. Trong đó trường Trần Lục là trường đào tạo ra rất nhiều văn nghệ sĩ như giáo sư Đỗ Kim Bảng, Vũ Thành An, nhà thơ Du Tử Lê.

Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên

Trong suốt thời gian trung học ông rất hào hứng tham gia hoạt động văn nghệ trong lớp như các chương trình ca hát, kịch nghệ, thơ văn. Ông sáng tác ca khúc đầu tiên năm 1959 bị thầy là Nhạc Sỹ Chung Quân chê nên không phổ biến nhưng ông vẫn giữ bài đó theo ông bài ấy có âm giai lạ và đặc biệt. Trong thời gian học tại trung học Hưng Ðạo ông bắt đầu có ý tưởng sáng tác nhạc cuả các bài Không Tên Số 2, Không Tên Số 6, Không Tên Số 8.

Cuối năm 1963, nhạc sĩ Vũ Thành An được nhận vào làm phóng viên Đài phát thanh Sài Gòn, sau đó chuyển thành biên tập viên năm 1965 và cùng phòng công tác với thi sĩ Nguyễn Đình Toàn. Ngày đó ông mới ngoài 20, là sinh viên năm nhất khoa Luật. Người yêu ông yêu cầu bạn trai viết tặng mình một bản vì biết ông có tài sáng tác nhạc. Thời gian không lâu sau, Tình khúc thứ nhất ra đời, được kết hợp giữa lời nhạc Vũ Thành An và thơ Nguyễn Đình Toàn. Bài hát nhanh chóng được yêu mến.

Cùng thời gian của Tình khúc thứ nhất, Vũ Thành An đã phổ thơ một phần bài thơ của Nguyễn Đình Toàn sau đó thi sĩ đã viết tiếp theo nét nhạc của Vũ Thành An và cùng hợp soạn ra bài Em đến thăm anh đêm 30, ngoài ra còn bài Khi Em về cùng thời nhưng không được phổ biến, từ đây ông bắt đầu làm chương trình nhạc chủ đề cùng Nguyễn đình toàn.

Năm 1965 nhạc sĩ Vũ Thành An bị chấn động tinh thần mạnh vì cuộc tình gãy đổ, cho nên ông sáng tác Bài không tên cuối cùng, Nhạc sĩ Vũ Thành An kể về hoàn cảnh ra đời bài hát này: Khi mới 21 tuổi, học năm đầu trường Luật, ông để ý cô gái học năm thứ ba, đó cũng là mối tình đầu của ông. Nhưng vì sự thúc đẩy của gia đình, cô ấy phải đi lấy chồng. Sau Bài không tên cuối cùng, ông sáng tác Một lần nào cho tôi gặp lại em để nhớ về người tình cũ.

Ông đi lính năm 1967, đến năm 1968 lại chia xa một cuộc tình nữa, ông đã sáng tác Bài không tên số 2, lúc này ông có cộng tác với Đài phát thanh quân đội làm chương trình Vũ Thành An.

Năm 1969, ông bắt đầu phát hành tập nhạc Những bài không tên. Các tác phẩm của Vũ Thành An rất được yêu thích ở khắp miền Nam khi đó. Người ta có thể nghe hầu hết ở các quán cà phê nhạc của Sài Gòn và các thành phố lớn khác.

Vì thấm đẫm cuộc đời tuổi trẻ với sách vở, nên những sáng tác của ông đều chất chứa rất nhiều triết lý và nhân sinh. “Hồi đó tuổi trẻ nhà nghèo không mua sách được, nên thường đến thư viện hoặc chỗ cho thuê sách, thành ra cho nên là Đông Tây kim cổ gì cũng đọc hết, Thủy Hử, Tam Quốc Chí cũng đọc hết, triết Đông triết Tây gì cũng đọc cho nên cái đó nó đọng lại trong linh hồn của Vũ Thành An” Vũ Thành An chia sẻ.

Theo đó, Bài không tên số 5 ông viết dành cho người vợ cũ. Còn với nhạc phẩm “Đời đá vàng – Bài không tên 40 sáng tác cuối năm 1974, đoạn cuối được viết sau năm 1975 cho đến năm 2002 ông mới chỉnh sửa hoàn chỉnh bài này. Vũ Thành An dành câu “Có một lần mất mát mới thương người đơn độc” cho người vợ hiện tại của ông. “Cho dù đau khổ nhưng mình vẫn quý, vì mình còn tồn tại, mình vượt qua đau khổ để tồn tại.” Ba chữ Đời đá vàng được nhạc sĩ chia sẻ ý nghĩa là sống trên đời là phải có đá có vàng.

Người ta tìm về với nhạc Vũ Thành An không chỉ vì những mối tình đau khổ, dở dang mà còn vì thấy ở đó những hình ảnh về triết lý, về cuộc đời và phận người như “Triệu người quen có mấy người thân/Khi lìa trần có mấy người đưa…” trong Bài không tên số 4 viết cho một người con gái có quá khứ buồn, cô có gia đình và con cái nhưng cuộc sống gia đình đổ vỡ.

Nhạc sĩ Vũ Thành An viết Tình xưa gái Huế – Bài không tên số 13 cuối năm 1969, khi đó ông được đạo diễn Hà Thúc Cần mời quay phim Đất khổ tại Huế, đoàn làm phim có nhiều tài tử nổi tiếng lúc bấy giờ như Trịnh Công Sơn, Lê Thương, Kim Cương,…. ông đã để ý một cô gái người Huế, để kỉ niệm về những gì đáng nhớ, ông viết “Tình xưa gái Huế”

Kim Cương sau khi quay xong bèn giới thiệu với ông bộ phim Chiếc bóng bên đường (xuất bản năm 1973) diễn cùng Kiều Chinh và Thành Được

Bài không tên số 50 được viết khi ông vô tình nghe được một đoạn thơ nhưng không nhớ ở đâu và ai viết “Em bảo anh đi đi, sao anh không đứng lại…”

Sau năm 1975 ông phải học tập cải tạo suốt mười năm dài từ 1975 đến 1985 tại miền Bắc. Ngày 21/3/1981 là biến cố quan trọng nhất trong cuộc đời nhạc sĩ Vũ Thành An khi ông đã rửa tội vào đạo Công giáo, năm 1996 ông theo học thần học và từ đó ông ngưng việc sáng tác tình ca. Theo lời Vũ Thành An, ông bắt đầu sáng tác Thánh ca, Những Bài Nhân Bản trong thời gian cải tạo từ năm 1981.

Ngoài ra sau khi ra hải ngoại năm 1991, Vũ Thành An viết Bài không tên cuối cùng tiếp nối cũng là một phần để an ủi nỗi áy náy với người con gái ngày xưa vì bài không tên cuối cùng vô tình đã làm đau khổ cho người ấy.

Năm 1995 Vũ Thành An đã bỏ hết tất cá mọi đam mê của mình để dâng hiến đời cho Thiên Chúa. Ngày 23/11/2002 ông được phong chức phó tế, ông duy trì làm việc bác ái và mở quỹ từ thiện Teresa nhận đóng góp cho những người già và bệnh tất, phó tế là một chức thành trong giáo hội công giáo ở dưới linh mục, Vũ Thành An được gọi là thầy 6, nhiệm vụ chính là làm việc bác ái, phục vụ bàn thánh. Ông khi xuất hiện trước công chúng thường đeo cổ trắng để chứng tỏ mình là đang đi thực hiện sứ vụ.

Khi ông ngưng sáng tác lúc đó ông viết đến bài 50. Sau 20 năm ngưng sáng tác, riêng bản tình ca tới ngày hôm nay ông có gần 100 bài không tên và gần 20 bài có tên hầu hết các tác phẩm ấy đều được phổ biến sâu rộng trong quần chúng.

Vũ Thành An hiện nay đang quản trị một trang page tên là : Xin Ơn Thiên Đàng  và nhóm cầu nguyện Phó tế Vũ Thành An và Xin ơn thiên đàng có kết hợp với âm nhạc, ông có làm show giới thiệu một số sáng tác cũ và mới của ông cũng nhạc sĩ Tuấn Khanh, Trần Duy Đức, …

Thái Salem biên tập

Nhạc vàng 


Kính mời quý vị thưởng thức 




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét