Một báo cáo mới cho thấy quỹ ủy thác chính của hệ thống An sinh Xã hội sẽ cạn kiệt vào năm 2035 — muộn hơn một năm so với một ước tính trước đó, mặc dù vẫn còn đó những lo ngại về khả năng thanh toán của quỹ này.
Hôm 06/05, Hội đồng Quản trị An sinh Xã hội đã công bố báo cáo thường niên dự báo rằng các dự án mà quỹ ủy thác An sinh Xã hội, bao gồm dự trữ tài sản kết hợp của Quỹ ủy thác Bảo hiểm Người già và Người sống sót (OASI) và Quỹ ủy thác Bảo hiểm Khuyết tật (DI) liên bang, sẽ trở nên “cạn kiệt” vào năm 2035.
Vào thời điểm mà quỹ kết hợp này cạn kiệt, thì Sở An sinh Xã hội sẽ chỉ có thể chi trả 83% phúc lợi theo lịch trình.
Trong một tờ thông tin, Bộ Ngân khố cho biết sự cải thiện về tài chính dài hạn của quỹ An sinh Xã hội chủ yếu là nhờ việc điều chỉnh tăng năng suất lao động trong thời kỳ dự báo dựa trên tăng trưởng kinh tế mạnh hơn, kết hợp với một tỷ lệ giả định thấp hơn về số lượng lao động bị khuyết tật lâu dài.
Ủy viên An sinh Xã hội Martin O’Malley cho biết trong một tuyên bố rằng, việc ngày phá sản dự kiến của quỹ được trì hoãn sang thêm một năm là tin tốt cho hàng triệu người Mỹ phụ thuộc vào tiền An sinh Xã hội. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng nguy cơ thiếu hụt tiền vẫn là rất lớn trừ phi Quốc hội có hành động để mở rộng hoạt động của quỹ này.
Ông nói: “Việc loại bỏ tình trạng thiếu hụt sẽ mang lại sự an tâm cho hơn 70 triệu người thụ hưởng An sinh Xã hội, 180 triệu người lao động cùng thân nhân đang đóng góp cho quỹ An sinh Xã hội, và cả nước.”
Quốc hội có thể khắc phục tình trạng thiếu hụt bằng cách tăng doanh thu, giảm phúc lợi, hoặc kết hợp giữa cả hai biện pháp này.
Một lực lượng đặc nhiệm của Đảng Cộng Hòa gần đây đã đề xướng một giải pháp liên quan đến việc tăng tuổi về hưu để tính đến việc tuổi thọ đã tăng đồng thời giảm các phúc lợi phụ trợ cho những người có thu nhập cao.
Báo cáo thường niên năm ngoái của Hội đồng Quản trị An sinh Xã hội dự kiến rằng quỹ ủy thác An sinh Xã hội sẽ cạn kiệt vào năm 2034. Các ước tính này có thể được sửa đổi trong mỗi báo cáo thường niên dựa trên tình hình hoạt động của nền kinh tế và số tiền người dân đóng góp vào quỹ An sinh Xã hội.
Báo cáo mới nhất cũng đã công bố sự lùi lại 5 năm đối với ngày cạn kiệt tiền của quỹ uỷ thác bảo hiểm bệnh viện Medicare. Ngày mất khả năng thanh toán của Quỹ Ủy thác Bảo hiểm Bệnh viện Medicare đã được đẩy lùi sang năm 2036, một phần nhờ thu nhập cao hơn từ thuế tiền lương và chi phí năm ngoái thấp hơn dự kiến.
Hôm 06/05 trong một tuyên bố phản ứng với báo cáo này, Tổng thống Joe Biden đã đề nghị tăng thuế đối với những người Mỹ giàu có hơn để kéo dài khả năng thanh toán cho quỹ.
Tổng thống nói: “Tôi cam kết kéo dài khả năng thanh toán cho quỹ An sinh Xã hội bằng cách yêu cầu những người Mỹ có thu nhập cao nhất trả phần công bằng của họ, mà không làm cắt giảm phúc lợi hoặc tư nhân hóa quỹ An sinh Xã hội.”
Đâu là giải pháp khắc phục?
Đảng Dân Chủ đã đề nghị củng cố tài chính cho quỹ bằng cách yêu cầu những người Mỹ giàu có hơn trả thuế tiền lương nhiều hơn. Thuế suất của thuế An sinh Xã hội hiện đang bị giới hạn ở mức 6.2% trong số 168,600 USD đầu tiên của tiền lương nhân viên.
Một kế hoạch do Thượng nghị sĩ Bernie Sanders (Độc lập-Vermont), Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren (Dân Chủ-Massachusett), cùng các Dân biểu Jan Schakowsky (Dân Chủ-Illinois) và Val Hoyle (Dân Chủ-Oregon) đề xướng vào năm 2023, đã đề nghị tăng thuế tiền lương lên 7% cho những người có thu nhập cao nhất. Biện pháp này sẽ giúp quỹ OASI duy trì khả năng thanh toán cho đến năm 2096.
Cùng với những điều khoản khác, kế hoạch tên là Đạo luật Mở rộng An sinh Xã hội này sẽ kêu gọi áp dụng thuế tiền lương cho tất cả các khoản thu nhập trên 250,000 USD mỗi năm.
Quỹ Di Sản, một tổ chức tư vấn theo phái bảo tồn truyền thống chỉ trích đề xướng này, ước tính rằng Đạo luật Mở rộng An sinh Xã hội sẽ áp đặt tổng cộng 33.8 ngàn tỷ USD tiền thuế mới, làm tăng thêm căng thẳng cho người lao động và gia đình, đồng thời gây ra “thiệt hại đáng kể về kinh tế.”
Một số thành viên Đảng Cộng Hòa đã đề xướng những điều chỉnh đối với các tiêu chí đủ điều kiện được hưởng và tư nhân hóa một số bộ phận của quỹ An sinh Xã hội.
Trong một cuộc phỏng vấn với Daily Herald hồi tháng 10/2022, Thượng nghị sĩ Mike Lee (Cộng Hòa-Utah) cho biết rằng, sau khi giúp cho quỹ An sinh Xã hội duy trì khả năng thanh toán, các nhà lập pháp nên xem xét có nên chuyển một phần các khoản thanh toán An sinh Xã hội vào tài khoản cá nhân hay không.
Những người ủng hộ đã lập luận rằng đề xướng này giới thiệu một giải pháp thiết thực cho một vấn đề cấp bách, trong khi những người phản đối cho rằng thật liều lĩnh khi để tiền thuế phải đối mặt với rủi ro cao liên quan đến các khoản đầu tư mang lại lợi nhuận cao hơn như cổ phiếu.
Đề nghị của lực lượng đặc nhiệm Đảng Cộng Hòa
Hồi tháng Ba, một lực lượng đặc nhiệm của Đảng Cộng Hòa là nhóm theo phái bảo tồn truyền thống lớn nhất tại Hạ viện đã giới thiệu đề xướng cải tổ quỹ An sinh Xã hội và ngăn chặn tình trạng mất khả năng thanh toán của quỹ này.
Ủy ban Nghiên cứu Đảng Cộng hòa (RSC) cho biết trong đề xướng của họ rằng về căn bản có ba cách để giải quyết vấn đề quỹ An sinh Xã hội mất khả năng thanh toán.
Một biện pháp khắc phục khả thi là chuyển tiền từ quỹ chung được tài trợ bằng nợ, một biện pháp mà RSC cho rằng không bền vững vì gắn với những khoản chi tiêu thâm hụt to lớn, khiến người đóng thuế phải gánh khoản nợ hơn 200 ngàn tỷ USD cho đến năm 2096, và đó là còn chưa kể lãi suất.
Một lựa chọn khác thường được những người thuộc phe cánh tả đề xướng là tăng thuế. Đảng Dân Chủ đã đề nghị nâng ngưỡng giới hạn về mức thu nhập chịu thuế tiền lương, hiện đang được giới hạn ở mức 168,600 USD.
Kế hoạch chi tiết của RSC lập luận chống lại cách tiếp cận này, cho rằng việc áp dụng thuế tiền lương cho tất cả các khoản thu nhập sẽ không chỉ dẫn đến mức tăng thuế lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, mà còn không giúp quỹ An sinh Xã hội duy trì được khả năng thanh toán trong khi loại bỏ việc làm.
Trong khi lực lượng đặc nhiệm của Đảng Cộng Hòa xem xét một số giải pháp khả thi, thì lực lượng này cũng đề nghị thực hiện kết hợp những thay đổi nhỏ trong công thức tính số tiền bảo hiểm chính, thực hiện “điều chỉnh vừa phải” đối với tuổi về hưu, cũng như hạn chế và loại bỏ dần các phúc lợi phụ trợ cho người có thu nhập cao.
Bản kế hoạch chi tiết nêu rõ rằng đề xướng này “không cắt giảm hoặc trì hoãn phúc lợi hưu trí cho bất kỳ người cao niên nào đang nghỉ hưu hoặc sắp về hưu.”
Tài liệu nêu, “Ngoài ra, Ngân sách của RSC sẽ thúc đẩy khả năng thanh toán của quỹ uỷ thác bằng cách tăng doanh thu từ thuế tiền lương thông qua cải tổ thuế có lợi cho tăng trưởng, chính sách năng lượng có lợi cho tăng trưởng giúp tăng lương, các yêu cầu làm việc [thì mới được nhận phúc lợi] để chuyển người Mỹ từ nhận phúc lợi sang làm việc, và cải tổ quy định giúp tăng trưởng kinh tế.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét