THƠ TÔ ĐÔNG PHA - BÀI 16, 17 VÀ 18
Thầy Dương Anh Sơn
Bài 16
BÁT THANH CAM CHÂU, KÝ SÂM LIÊU TỬ八 聲甘州-寄參寥子
Hữu tình phong vạn lý quyển triều lai, 有情風萬里卷潮來,
Vô tình tống triều quy. 無情送潮歸。
Vấn Tiền Đường giang thượng, 問錢塘江上,
Tây Hưng phố khẩu, 西興浦口,
Kỷ độ tà huy? 幾度斜暉?
Bất dụng tư lượng kim cổ, 不用思量今古,
Phủ ngưỡng tích nhân phi! 俯仰昔人非!
Thùy tự Đông Pha lão, 誰似東坡老,
Bạch thủ vong ky. 白首忘機?
Ký thủ Tây Hồ tây bạn. 記取西湖西畔,
Chánh xuân sơn hảo xứ, 正春山好處,
Không thúy yên phi. 空翠煙霏。
Toán thi nhân tương đắc. 算詩人相得,
Như ngã dữ quân hi. 如我與君稀。
Ước tha niên đông hoàn hải đạo. 約他年東還海道,
Nguyện Tạ Công nhã ý mạc tương vi, 願謝公雅意莫相違。
Tây Châu lộ. 西州路,
Bất ưng hồi thủ, 不應回首,
Vị ngã triêm y. 為我沾衣。
Dịch nghĩa:
Có tình thì cơn gió muôn dặm sẽ cuốn các đợt sóng đến!
Không tình,(cơn gió ấy) sẽ đưa con sóng quay trở về.
Thử hỏi rằng trên con sông Tiền Đường hay cửa bến Tây Hưng
đã trải qua bao lần ánh trời chiều nắng nghiêng nghiêng?
Không dùng đến những cách suy nghĩ đắn đo ngày nay
hay xưa trước.
Cúi xuống hay ngẩng đầu: người xưa đã khác, không còn rồi!
Chừng như ông lão Đông Pha
đầu bạc trắng đã quên đi những toan tính, rắc rối trong đời.
Ghi nhớ lấy cảnh bờ tây của Tây Hồ,
giữa mùa xuân chốn núi non đẹp đẽ,
bầu trời xanh biếc, khói tỏa bay bay.
Người làm thơ cùng hợp ý với nhau
Như tôi với bạn rất hiếm hoi.
Ước hẹn năm nào sẽ đi đường biển quay trở lại hướng đông.
Mong muốn Tạ Công có được những ý hay đẹp, chớ xa lìa nó!
Đường đi Tây Châu,
Không nên quay đầu lại,
Vì tôi mà áo sẽ ướt đẫm (lệ rơi)!
Tạm chuyển lục bát:
BÁT THANH CAM CHÂU – GỬI SÂM LIÊU TỬ
Có tình: gió cuốn sóng về,
Dặm ngàn tiễn sóng quay đi: không tình!
Bến Tây Hưng, hỏi sông Tiền:
Trời chiều trải ánh nắng nghiêng bao lần?
Xưa nay toan tính chẳng dùng,
Ngẩng lên, cúi xuống khác cùng người xưa!
Đông Pha già lão chừng như,
Mất đi khôn khéo ,đầu chừ bạc phơ!
Bờ tây nhớ lấy Tây Hồ,
Giữa xuân chốn núi bây giờ tốt tươi.
Khói bay xanh biếc bầu trời,
Làm thơ ý hợp những người cùng nhau.
Như tôi cùng bạn, hiếm sao!
Hẹn rằng đường biển năm nào về đông.
Chớ lìa ý đẹp Tạ Công,
Chớ nên ngoảnh lại trên đường Tây Châu.
Vì tôi áo đẫm lệ trào....!
Chú thích:
** Đây là bài làm theo thể từ của Tô Đông Pha tặng Sâm Liêu Tử tức nhà sư Đạo Tiềm, một người bạn thâm giao ,theo điệu Bát Thanh Cam Châu thời này.
Thể “từ 詞”, một thể loại văn học xuất hiện vào thời nhà Đường Trung Hoa rồi phát triển mạnh vào thời nhà Tống về sau. Những di chỉ ở Đôn Hoàng ,tỉnh Cam Túc đã ghi lại sự ra đời của thể “từ”. Nhưng thời nhà Đường mới thực sự là cái nôi nuôi dưỡng cho thể loại này cùng với sự phát triển của âm nhạc theo phong cách nước Yên tạo ra một thể loại mới cho thơ ca giàu chất âm nhạc thành hình cuối thời nhà Đường và được lưu hành nhiều trong thời nhà Tống Trung Hoa. Luật bằng trắc của “từ” rất chặt chẽ, câu dài có thể mười chữ ,câu ngắn có khi chỉ một chữ đi liền với âm nhạc có lúc gián cách, có lúc liền vần hay vần ôm... Thời Bắc Tống với những người như Tô Thức (Tô Đông Pha) thuộc phái “hào phóng” hay Tân Khí Tật thuộc “phái yêu nước” thời Nam Tống đã sử dụng thể loại này nhằm biểu đạt những suy nghĩ, tình cảm hay phản ảnh hiện thực.... Một số nhà thơ thời này thường làm thể từ theo điệu Bát Thanh Cam
Châu như Liễu Vĩnh 柳永 (khoảng 987-1053), Trình Cai 程垓(?)... v.v... thời Bắc Tống bên Trung Hoa.
Văn học nước ta có Nguyễn Du và một số nhà thơ cũng sử dụng thể “từ” để diễn đạt . Trong tập “Thơ chữ Hán” THANH HIÊN TIỀN HẬU TẬP 清軒前後集 (tập1), Nguyễn Du đã làm hai bài “HÀNH LẠC TỪ” để nói lên những suy nghĩ của mình về nhân thế (bài 1) hoặc về sự vô thường của đời người (bài 2)....
** Bài thơ dịch bằng thể lục bát này buộc phải thu gọn 19 câu của bài từ thành 18 câu lục bát, phá cách ở câu thứ 2 và câu cuối 18.
- Tiền Đường: tức Tiền Đường Giang 钱塘江 là một dòng sông lớn nhất chảy qua thủ phủ tỉnh Chiết Giang là Hàng Châu, Trung Hoa .Nhân vật Thúy Kiều trong truyện Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân bên Trung Hoa và Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du đã tự trầm ở con sông này...
- Tây Hưng 西興: tên một bến thuyền của dòng Tiền Đường ở khu vực Hàng Châu
- kỷ độ 幾度: biết bao nhiêu lần...
- tư lượng 思量: suy nghĩ đắn đo ,thương lượng, lo ngại, ưu tư, nghĩ đến, nhớ nhung tương tư...
- tích nhân 昔人: người xưa trước...
- phi 非: khác đi, không còn, không phải...
- thùy tự 誰似: ai như ,giống như ai đó, chừng như....
- vong ky (cơ) 忘機: quên đi những rắc rối ở đời, quên đi những toan tính...
- ký thủ 記取: ghi nhớ lấy ,ghi lại ,ghi lấy...
- Tây Hồ 西湖: đời nhà Đường ,nhà thơ Bạch Cư Dị được cử làm thứ sử Hàng châu, Chiết Giang ,ông đã cho đắp hai con đê quanh Tây Hồ, là một hồ nước lớnđể giữ nước điều hòa khi thiếu nước mùa khô hạn .Ông đã cho thiết lập một số đập ngăn nước kiểm soát lượng nước đổ ra tránh ngập lụt và trữ nước cho các vùng nông nghiệp khô hạn nhờ vào Tây Hồ. Đồng thời, Bạch Cư Dị cũng cho làm con đường quanh hồ và trồng các hàng liễu dọc đê tạo cảnh quan tươi đẹp
quanh hồ. Khoảng 200 năm sau ,nhà thơ Tô Đông Pha nhà Tống cũng được cử làm thứ sử ở Hàng Châu, ông quan tâm cho nạo vết rêu rong bám vào đáy hồ để nước lưu thông và tiếp nối Bạch Cư Dị cho trồng thêm cây cối ở các con đê hay bờ kênh làm cho cảnh quan của Tây Hồ thêm phần khởi sắc trở nên một danh thắng ở Hàng Châu.
- chánh xuân sơn 正春山: núi non ở giữa mùa xuân. Một số bản lại ghi “chánh mộ sơn 正暮山” nghĩa là: núi non giữa buổi chiều sắp tối . Nhưng nếu là “mộ sơn 暮山” của buổi chiều trong chốn núi non sẽ không thể nào có được “không thúy 空翠”nghĩa là bầu trời (không) màu xanh biếc (thúy) của của ban mai trong trẻo (câu 12)
- hảo xứ 好處: chỗ tươi tốt đẹp đẽ, nơi thời tiết tốt đẹp....
- toán thi nhân 算詩人: sự đoán định, suy nghĩ sự sắp vần chọn câu, chọn chữ ,định liệu của người làm thơ....
- tương đắc 相得: những suy nghĩ hay hành động của hai người hay một nhóm người phù hợp với nhau; lòng dạ, sự ham thích, việc lựa chọn... v.v... phù hợp nhau.
- tha niên 他年: năm khác, năm nào đó...
- nhã ý 雅意: những ý tứ, ý chí hay suy nghĩ thanh cao, tốt đẹp nho nhã. ( Bài thơ này có nhiều bản ghi chữ “nhã chí 雅 誌” nghĩa là những ghi chép, ghi nhớ những việc làm cao đẹp hay những thơ văn trang nhã...)
- mạc tương vi 莫相違: chớ nên (mạc) xa lìa, lãng tránh, chia cách...(tương vi)...
- Tây Châu lộ 西州路: có lẽ là những con đường trên kênh đào, trên các con đê xinh đẹp phía tây của vùng tây Hồ ở Hàng châu?
- triêm y 沾衣: chiếc áo thấm đẫm nước...
Bài 17
HỌA TỬ DO “TỐNG XUÂN” 和子由送春
Mộng lý thanh xuân khả đắc truy! 夢裏青春可得追!
Dục tương thi cú bạn dư huy. 欲將詩句伴餘暉。
Tửu lan bệnh khách duy tư thụy, 酒闌病客惟思睡,
Mật thục hoàng phong diệc lại phi. 蜜熟黃蜂亦懶飛。
Thược dược anh đào câu tảo địa, 芍藥櫻桃俱掃地,
Mấn ti thiền tháp lưỡng vong ky(cơ). 鬢絲禪榻兩忘機。
Bằng quân tá thủ pháp giới quán, 憑君借取法界觀,
Nhất tẩy nhân gian vạn sự phi. ㇐洗人間萬事非。
Dịch nghĩa:
Tuổi xuân xanh chỉ có thể đuổi theo trong giấc mộng! – Muốn cùng với những câu thơ làm bạn bè khi ánh nắng chiều còn sót lại – Cuộc rượu đã sắp tàn, khách đã mệt nhoài chỉ nghĩ đến giấc ngủ thôi! – Mật đã chín tới rồi nhưng con ong vàng đã lười chán việc bay lượn!(c.1-4)
Hoa thược dược và anh đào đều chẳng còn gì trên mặt đất! – Mái tóc
mai đã như tơ trắng và chiếc gường thiền dài : cả hai nên quên đi những suy tính dở dang ở đời. - Nhờ em hãy mượn lấy phép giới quán, - Một lần rửa cho sạch muôn việc, cõi đời đều là KHÔNG cả!(c.5-8)
Tạm chuyển lục bát:
HỌA BÀI THƠ “TIỄN XUÂN” CỦA TỬ DO.
Đuổi theo giấc mộng tuổi xuân,
Chiều tà còn lại bạn cùng câu thơ.
Rượu tàn ,khách mệt ngủ phờ!
Chán bay,mật chín phất phơ ong vàng.
Anh đào,thược dược sạch tăm,
Giường thiền,tóc bạc lỡ làng cả hai.
Em nhờ phép giới quán này,
Là không muôn việc, sạch thay cõi đời!
Chú thích:
** Bài thơ trên được Tô Đông Pha (Tô Thức) khi làm quan ở Mật Châu sáng tác vào khoảng năm 1075 lúc cùng em là Tử Do xướng họa thơ ca.
- Tử Do 子由: là em trai của Tô Thức ,tên là Tô Triệt 蘇轍 ,tự là Tử Do (1039-1112). Tử Do và Tô Thức có cùng cha là Tô Tuân 蘇洵 (1009-1066). Ba người nhà họ Tô là những nhà thơ có tiếng. Tô Tuân và hai con được văn học sử Trung Hoa xếp vào ba trong tám nhà văn lớn (bát đại gia) suốt bảy thế kỷ từ thế kỷ thứ 7 cho đến thế kỷ 13 .... Tô Thức và Tô Triệt ngoài tình anh em cật ruôt lại đối xử với nhau như hai người bạn tri kỷ, thâm giao, tâm đầu ý hợp.
- bạn 伴: bạn bè, những người cùng chung công việc, cùng đeo đuổi những đam mê giống nhau.... Có bản lại dùng chữ “bạn 絆” có nghĩa là ràng buộc, kết dính, trói buộc với nhau, cản trở, gây chướng ngai..... Nhưng nếu dùng từ này hóa ra Tô Đông Pha và Tử Do lại bị câu thơ (thi cú) hay rộng ra là văn chương “ràng buộc” khác với tính tình phóng khoáng, thong dong của hai anh em họTô ??. Thiển nghĩ thi cú hay văn chương mới chính là bạn bè của họ ;cũng như ngoài tình anh em, hai người là bạn thơ phú, văn chương ăn ý cùng nhau
(tương).
- dư huy 餘暉: ánh nắng chiều tà còn sót lại...
- tửu lan 酒闌: cuộc rượu sắp tàn ,sắp chấm dứt, cuộc rượu muộn màng....
- tư thụy 思睡: chỉ nghĩ đến chuyện đi ngủ, chọn giấc ngủ...
- mật thục 蜜熟: mật (loài hoa hay trái cây, mật ong..) đã chín tới.
- diệc lại (lãn) 亦懶 : lại(diệc) lười biếng(lãn) ,lại chán ghét...
- tảo địa 掃地: quét mất dấu ,quét sạch không còn gì ,quét đi mất hết trên mặt đất...
- mấn ti 鬢絲: mái tóc mai hai bên đầu đã thành tơ trắng, đã bạc đầu...
- thiền tháp 禪榻: giường hẹp và dài của các bậc hành thiền, thiền là một trong những pháp môn căn bản của đạo Phật.
- vong ky (cơ) 忘機: quên đi những phiền toái, những rắc rối, những tính toán hay suy tính dở dang....
- bằng 憑: nương dựa, nhờ cậy, tựa vào, bằng cớ....
- tá thủ 借取: vay mượn, chọn lấy, lấy để dùng...
- pháp 法: phương pháp, phép dùng như phương tiện, cách thức, đường lối, nguyên tắc, phép tắc, khuôn phép mẫu mực. Ở đây, Đông Pha cư sĩ (một biệt hiệu của Tô Thức) là người học và hiểu rộng về Phật học (cũng như đạo Lão và Nho giáo) dùng chữ “Pháp” theo tinh thần đạo Phật. Pháp dịch từ tiếng Sanskrit là Dharma hay từ tiếng Pali (nam Phạn) là Dhamma. Trong đạo Phật ,tập hợp ba từ: Phật, Pháp, Tăng được gọi là Tam Bảo (ba ngôi báu) để người học Phật nương theo. Chữ Pháp trong tập hợp này là những lời dạy của đức Phật về lối sống đạo đức , về thiền định , về trí tuệ ,giác ngộ và giải
thoát... v.v... Riêng trong bài thơ này ,họ Tô dùng chữ “Pháp” hiểu như phương pháp để dùng phép “Giới” và “Quán” nhằm thấu rõ đạo lý rốt ráo của nhà Phật: “vạn sự giai không” hay là “vạn sự phi 萬事非” (phi: không, khác, không phải - cùng nghĩa với chữ “vô 無” hay “không 空 ”...)
- giới 界: trong đạo Phật, ”giới” (tiếng pali gọi là Sila) được hiểu là những lời dạy và lời răn của đức Phật để ngăn ngừa nghiệp ác sinh ra từ việc giữ cho thân tâm luôn thanh tịnh,xa rời tham ,sân,si,u mê,lầm lạc trên con đường tu học...
Nói chung,trong đạo Phật, Pháp và Giới đi chung với nhau như là nền tảng cho việc tu học, huân tập bản thân, dẹp bỏ tham sân si... v.v...
- quán 觀: phương pháp quán tưởng hay quán niệm do đức Phật dạy giúp người tu học biết cách suy nghĩ ,quán chiếu thân tâm, quán niệm về thân khẩu ý... v.v...
Bài 18
HOÀI CỰU 懷 舊
Nhân sinh đáo xứ tri hà tự, 人生 到 處 知何似,
Ưng tự phi hồng đạp tuyết nê. 應 似飛 鴻 踏雪泥.
Nê thượng ngẫu nhiên lưu chỉ trảo, 泥上偶 然 留 指爪,
Hồng phi na phục kế đông tây. 鴻飛 那 復 計東西.
Lão tăng dĩ tử thành tân tháp, 老 僧 已 死 成 新 塔,
Hoại bích vô do kiến cựu đề. 壞 壁 無 由見舊 題.
Vãng nhật khi khu hoàn ký phủ, 往日崎嶇 還 記 否,
Lộ trường nhân khốn kiển lư tê. 路 長人困蹇 驢 嘶.
Dịch nghĩa:
Đời người có biết là đi đến chốn nào? – Cho nên tựa như cánh chim hồng giẫm lên tuyết và bùn . – Tình cờ trên đất bùn lưu giữ dấu móng chân chim, - Đàn chim hồng lại bay theo những trù tính về hướng đông hay hướng tây. (c-1-4).
Vị sư già đã mất, tháp mới làm xong, - Tường hư nát khiến cho không thấy bài viết cũ (ghi trên tường). – Ngày đã tàn, đường gập ghềnh vẫn còn nhớ không – Đường còn dài, người mệt mỏi nhọc nhằn, con lừa chân đi khập khiễng chậm chạp kêu vang. (c-5-8).
Tạm chuyển lục bát:
NHỚ CHUYỆN XƯA.
Đời người biết đến chốn nao?
Như hồng ,bùn tuyết dẫm vào dấu chân.
Tình cờ in móng trên bùn,
Hồng theo trù tính bay vùng đông tây.
Sư già mất ,tháp mới xong,
Thơ xưa ,tường nát chẳng trông được gì!
Gập ghềnh ngày hết nhớ chi?
Lừa kêu khập khiểng, người thì gian nan!
Chú thích:
- đáo xứ 到 處: đến một chốn nào đó...
- tri hà tự 知何似: biết gì hơn đâu? (hà: chỗ nào, ở đâu, gì, nào...)
- ưng 應: cho nên, nên thế, phải nên, đáp lời, hòa theo, đối phó, thích
hợp, tiếp nhận, nhận chịu...
- đạp 踏: giẫm, bước đi, giầy xéo, tại chỗ...
- na 那: đó, kia, nào, gì, an nhàn, nhiều, đông đảo....
- phục kế 復 計: trở lại với những trù tính hay mưu kế đã có... Ở đây là những bản năng thiên di của các loài chim hay vịt trời khi mùa lạnh đến sẽ bay về phía nam ,đông hay tây những nơi mà loài này có
thiên tính để chọn nơi ấm áp sẽ bay đến...
- vô do kiến 無 由見: nguyên do không trông thấy...
- cựu đề 舊 題: đề tài cũ, thơ văn cũ....
- khi khu 崎嶇: đường núi gập ghềnh, gồ ghề, lởm chởm...
- hoàn ký phủ 還 記 否: vẫn còn những ghi chép không? (phủ: không, hay không, nếu không, không đồng ý, phủ nhận...)
- nhân khốn 人困: người phải chịu nhọc mệt, gian nan, vất vả...
- kiển 蹇: chân đi tập tễnh, chậm chạp, khập khiễng, vướng mắc...
(Lần đến: Thơ TÔ ĐÔNG PHA - bài 19, 20 và 21)
Dương Anh Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét