Thứ Năm, 2 tháng 5, 2024

Trung Quốc Chủ Trì Cuộc Đàm Phán Giữa Hamas Và Fatah

 

Một khẩu pháo của quân đội Israel di chuyển tại một vị trí gần biên giới với Dải Gaza ở miền nam Israel vào ngày 3/11/2023. (Ảnh: Jack Guez/AFP/Getty Images)

TRUNG QUỐC CHỦ TRÌ CUỘC ĐÀM PHÁN GIỮA HAMAS VÀ FATAH
Huyền Anh biên dịch 

Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy một kỷ nguyên hợp tác mới giữa các phe phái đối địch của người Palestine thông qua các cuộc đàm phán về con tin với Hamas. Đây được xem là động thái nhằm gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc tại Trung Đông trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt với Hoa Kỳ.

Ngày 30/4, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết đại diện của Fatah và nhóm khủng bố Hamas đã bày tỏ cam kết tìm kiếm giải pháp hòa bình thông qua đối thoại tại các cuộc hòa đàm diễn ra tại Bắc Kinh.

Trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 30/4, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm (Lin Jian) cho biết: “Đại diện của Phong trào Giải phóng Dân tộc Palestine và Nhóm Kháng chiến Hồi giáo tới Bắc Kinh từ vài ngày trước để đối thoại sâu rộng và thẳng thắn. Họ nhất trí tiếp tục tiến trình đối thoại để sớm đạt được sự đoàn kết và thống nhất của người Palestine".

Ông Lâm cho biết hai bên đều ghi nhận những nỗ lực của Bắc Kinh trong việc thúc đẩy thống nhất giữa các nhóm người Palestine và tạo điều kiện cho việc tiếp tục đối thoại.

Trung Quốc đang thúc đẩy tiến trình hòa giải giữa các phe phái đối địch của người Palestine, đồng thời cam kết nỗ lực hơn nữa để "thúc đẩy sự đoàn kết nội bộ của người Palestine và đạt được thỏa thuận về đối thoại hơn nữa".

Hamas, được Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) công nhận là cơ quan chính phủ hợp pháp ở Dải Gaza, bất chấp việc nhóm này bị nhiều quốc gia phương Tây, bao gồm Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu, liệt kê là tổ chức khủng bố.

Trong khi đó, Fatah, trước đây là Phong trào Giải phóng Dân tộc Palestine, là phe lớn nhất của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), được nhiều quốc gia công nhận là đại diện hợp pháp duy nhất của người dân Palestine.

Tuy nhiên, Fatah hiện nay chỉ kiểm soát phần lớn lãnh thổ Palestine tại Bờ Tây, sau khi bị đẩy khỏi Dải Gaza trong cuộc chiến tranh ngắn với Hamas vào năm 2006-2007.

Hai phe phái này hiện không còn công khai xung đột với nhau, nhưng vẫn chưa thể hàn gắn các bất đồng chính trị hay thống nhất dưới một chính quyền chung cho người dân Palestine.

ĐCSTQ đang tích cực đóng vai trò trung gian hòa giải giữa hai nhóm đối lập, trong bối cảnh Bắc Kinh khẳng định vị thế là đối trọng với Hoa Kỳ. Trung Quốc tự xem mình là nhà môi giới quốc tế tiềm năng tại khu vực Trung Đông, nơi ảnh hưởng của Washington suy giảm sau khi rút quân khỏi Afghanistan vào năm 2021.

Năm ngoái, Bắc Kinh đã đóng vai trò chủ chốt trong một sự kiện mang tính đột phá khi tổ chức các cuộc đàm phán giữa Ả Rập Xê Út và Iran, hai cường quốc vốn đối đầu nhau trong nhiều năm. Sau đó, hai bên đã nhất trí khôi phục quan hệ ngoại giao, và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cũng đồng ý gặp gỡ Tổng Bí thư Tập Cận Bình của ĐCSTQ.

ĐCSTQ từ lâu đã theo đuổi chiến lược xây dựng liên minh với các tổ chức, bao gồm cả các nhóm khủng bố ở Trung Đông, như một phần trong nỗ lực mở rộng ảnh hưởng toàn cầu của mình.

"Trung Quốc không hề che giấu tham vọng mở rộng ảnh hưởng trên toàn cầu, bao gồm cả châu Phi, châu Mỹ Latinh và Trung Đông", phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby khẳng định vào thời điểm đó.

"Tuy nhiên, tôi cho rằng cần thận trọng trong việc suy đoán về sự tồn tại của một chiến lược tổng thể nào đó", ông Kirby nói thêm.

Chính quyền Tổng thống Biden hiện đang có cách tiếp cận tích cực đối với các cử chỉ thiện chí của Bắc Kinh. Đồng thời, Washington cũng đang nỗ lực đưa Hamas tới bàn đàm phán về vấn đề con tin với Israel và khuyến khích Tel Aviv giảm leo thang xung đột tại Dải Gaza, nơi chính quyền do Hamas kiểm soát đã ghi nhận số lượng thương vong dân sự cao.

Trong cuộc họp báo ngày 30/4, phát ngôn viên John Kirby cho biết ông không nắm rõ chi tiết về cuộc hội đàm, nhưng ông hoan nghênh vai trò của Bắc Kinh trong việc góp phần ổn định tình hình Trung Đông, đặc biệt là trong mối quan hệ với Iran, quốc gia ủng hộ chính của Hamas.

Ông Kirby nhấn mạnh: "Trung Quốc đã bày tỏ mong muốn gia tăng ảnh hưởng trong khu vực và chấm dứt các cuộc xung đột. Nếu Trung Quốc thực sự nghiêm túc với những nỗ lực này, Hoa Kỳ sẵn sàng cởi mở hợp tác".

Ông Kirby cũng cho biết, việc Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng của mình, bao gồm cả kênh liên lạc trực tiếp với Tehran mà Washington không có, có thể góp phần đảm bảo an ninh và ổn định cho khu vực. Hoa Kỳ hoan nghênh những nỗ lực này vì chúng hướng đến mục tiêu chung.

Về tiến trình đàm phán giải cứu hơn 100 con tin bị bắt giữ trong vụ tấn công của Hamas vào Israel ngày 7/10/2023, ông Kirby bày tỏ lập trường của Hoa Kỳ: "Mỹ sẽ hoan nghênh bất kỳ diễn biến tích cực nào trong cuộc đàm phán giải cứu con tin, ngay cả khi những diễn biến đó có sự tham gia của Trung Quốc".

"Nếu Trung Quốc có thể đóng vai trò thúc đẩy Hamas chấp nhận thỏa thuận và đưa con tin trở về nhà an toàn, đó sẽ là một kết quả tốt đẹp cho tất cả các bên", ông Kirby nói thêm.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét