Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2018

Lòng Hiếu Thảo




Hôm nay nhân ngày lễ Cha (Father's Day) tôi xin viết đôi dòng về lòng hiếu thảo của những người con đối với cha mẹ của mình.

Nói gần nói xa chẳng qua nói thật. Dạ thưa! đây cũng chính là chuyện của gia đình chúng tôi, thành thật xin lỗi đã làm phiền đến quí vị phải bỏ nhiều thì giờ vàng ngọc để xem những giòng "tâm sự" này.

Đại gia đình

Nàng dâu Việt Nam

Chúng tôi có 4 người con trai và 1 ái nữ, con trai đầu mất năm 1982 lúc cháu mới 19 tuổi vì tai nạn lao động, đi làm kiếm tiền tiếp tế cho ba trong tù CS. Ba chàng trai còn lại rất hiền lành nhưng tánh tình giống bố nhiều hơn, luôn luôn quan niệm đàn ông phải là gia trưởng trong gia đình "phu xướng phụ tùy" nên anh nào cũng không dám lấy vợ bên đây. Muốn về Việt Nam tìm vợ hiền chân quê. Bởi thế cho nên "lũ trẻ" nhà chúng tôi đều về quê nhà... tìm vợ, rước sang đây hầu "nâng khăn sửa túi" cho các đấng mày râu.

Nhiều người bạn khi nghe tin con chúng tôi về Việt Nam tìm vợ ai cũng bàn ra tán vào đủ điều, can ngăn khuyên nhủ, nói toàn những chuyện khó khăn phức tạp. Nhưng chúng tôi không hề nao lòng, cứ để cho con cái tự do lựa chọn người phối ngẫu của nó. Cuối cùng chàng nào cũng tìm cho mình được ý trung nhân.

Thực ra trong thâm tâm chúng tôi muốn các con về VN thăm gia đình là chính, ông bà nội ngoại hai bên cô dì chú bác. Kế đến là bạn bè hàng xóm, chuyện tìm "ý trung nhân" chỉ là phụ vì lúc đó con trai tôi còn trẻ, chỉ mới ngoài 20. Chúng tôi thấy anh nào cũng có vẻ ham chơi nhiều hơn, chưa hề nghĩ gì về tương lai sự nghiệp.

Người xưa có câu "thành hôn rồi mới thành nhân", "có đầu có mỏ khỏ lấy nhau" nên tôi nghĩ khi lập gia đình rồi con tôi sẽ trưởng thành hơn và... quả đúng như vậy.

Tôi cũng có phần tin dị đoan nên thỉnh thoảng theo mấy chị bạn xem bói toán tử vi. Nghe nói ở San Jose có thầy chiêm tinh gia Huyền Linh Tử nổi tiếng lắm. Mấy chị em rủ nhau đi xem. Mục đích của tôi là đi xem tuổi nào hợp ăn đời ở kiếp vối con trai của mình. Tôi có hơi thất vọng khi nghe thầy phán: con trai của bà hợp với những tuổi..., nhưng tôi nói thực dù tuổi nào thì cháu... cũng dưới quyền của vợ. Nghĩa là bị vợ "nắm quyền". Tôi không lo lắng lắm và thầm nghĩ ai nắm quyền cũng được miễn chúng nó hạnh phúc, thương yêu nhau là tốt rồi. Vả lại, chuyện bói toán chắc gì đã trúng.

Thế mà... y như rằng... "Trời bất dung gian", các cậu con trai "nam tử Hán", "đại trượng phu" oai hùng yêu quí của chúng tôi đều bị vợ nắm quyền ráo trọi. Tôi có phần ngạc nhiên không hiểu các nàng dâu Việt Nam của chúng tôi dùng "xảo thuật" gì mà các cậu con trai "ngoan ngoãn" nghe lời theo răm rắp. Từ ham vui, ham chơi biến thành ngưởi giỏi giang, siêng năng rất mực, cho dù những công việc đó từ trước chưa bao giờ... nghĩ đến...

Không hiểu có phải vì danh tánh của chúng tôi ảnh hưởng nhiều đến vận mạng cuộc sống hay không?! Anh tên Nhượng và tôi tên Phước "nhân nhượng và phước đức". Tích đức cho con nên may mắn gặp được dâu hiền rể thảo chăng. Dù thế nào tôi cũng chỉ im lặng để trong lòng chứ chưa bao giờ nói ra điều này với các con và ngay cả với phu quân của tôi. Tôi nâng niu quí trọng "nó" như một báu vật "dễ vỡ" sợ chạm vào sẽ bị tan tành thành mây khói. Cũng không dám mừng vội, không tin vào mắt mình vì ngày hôm nay được như thế này nhưng ngày mai sẽ ra sao. Hy vọng càng nhiều, nỗi thất vọng sẽ bị "đau" nhiều hơn. Tôi chỉ âm thầm vui mừng trong "bóng tối".

Từ ngày qua Mỹ đến nay đã trên 20 năm chúng tôi chỉ có 1 số nhà và 1 số phone duy nhất, chưa bao giờ thay đổi. Các con tôi lớn lên lần lượt lập gia đình, ra ngoài xây tổ ấm. Riêng chúng tôi vẫn "dậm chân tại chỗ", mặc dù các con hết lời nài nỉ muốn ba má về ở chung để các con được phần nào đền đáp công lao dưỡng dục của cha mẹ nhưng chúng tôi cương quyết từ chối là muốn để cho con cái được tự do. Có trách nhiệm bảo vệ và xây dựng mái ấm gia đình nhỏ bé của mình.

Kỷ niệm 50 năm Thành Hôn

Lòng hiếu thảo

Xin cảm tạ hồng ân Thiên Chúa chở che, ban nhiều ơn lành may mắn nên các con chúng tôi cuộc sống cũng tạm ổn nơi xứ người.

Xin phép được "khoe" với quí vị. Ba  nàng dâu rước từ VN sang và một chú rể ở San Jose hiếu thảo vô cùng. Xin nói một chút về "nàng dâu Việt Nam". Theo phong tục tập quán lễ nghĩa của người phụ nữ Á Đông và VN, các nàng dâu của chúng tôi chưa hề thiếu sót. Mỗi cuối tuần thay phiên nhau từng nhà mời ba mẹ dùng cơm tối, cô con gái ở gần nhà thì tiếp tế thức ăn, trái cây, hoa quả thường xuyên. Thật khó từ chối lòng hiếu thảo của các con.

Mỗi lần đi du lịch xa, đi về Việt Nam thăm bà con hoặc các dịp vui buồn "quan hôn tang tế" trong đại gia đình hai bên nội ngoại (2 họ Đặng và Hoàng), các con cùng nhau góp tiền chung lo.

Mỗi lần tết đến, mấy chị em rủ nhau đi sắm tết cho ba mẹ không thiếu thứ gì. Từ mâm ngũ quả, bông hoa đủ loại ngập tràn trên bàn thờ Thiên Chúa, bàn thờ ông bà và phòng khách, mùi hương lan tỏa thơm ngát.

Trong giây phút này tôi tự nghĩ: Ai "nắm quyền" không còn quan trọng nữa vì các con của chúng tôi từ dâu đến rể đều kính trọng, thương yêu quan tâm hết mực thì còn gì hạnh phúc trân quí hơn nữa phải không thưa quí vị.

Riêng tôi có phần được "ưu đãi" hơn vì tôi không biết lái xe nên chưa bao giờ đi mua sắm một mình. Mấy mẹ con mặc đồ kích thức gần bằng nhau nên thường là các nàng dâu và con gái chọn lựa mua về cho má. Con dâu út có tiệm may nên cũng thường may quần áo cho tôi. Ai ai cũng khen con dâu tôi khéo tay may cho mẹ cái nào cũng đẹp, cũng xuất sắc

Thỉnh thoảng vào những dịp lễ lớn, các nàng dâu cũng đưa tôi đi shopping để lựa cho vừa ý. Nàng dâu trưởng người miềm Nam, tánh tình tự nhiên, xuề xòa thừng nói: "má thích cái nào cứ lấy thoải mái, đừng coi bảng giá nghe má. Coi giá... khó mua lắm. Chuyện đó để tụi con lo". Tôi thì nghĩ khác, tiền của con cũng là tiền của mình. Mặc sao cho tơm tất là được rồi.

Cô dâu út thường đi shopping hơn, có khi đem về một túi lớn cả chục bộ nói với mẹ: "Hôm nay Macys sale nên mua được giá rẻ má à, má mặc thử cái nào không thích con đem đi trả".

Cứ thế đấy, trải qua thời gian khá dài và vẫn còn tiếp tục, các nàng dâu của tôi đã "nắm quyền" luôn cả chuyện hiếu thảo với cha mẹ chồng. Còn phần chúng tôi thì không thể "từ chối" được.

Phần tôi vì không có sức khỏe, không có tài năng gì nên tôi rất tin và thuận theo sự an bài của số phận. Tôi không quan tâm tới chuyện các con tôi ai nắm quyền ai. Thấy chúng rất hạnh phúc, yêu thương nhau hết lòng, trên thuận dưới hòa. Cha ông đã nói:  "Thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn" nên tôi an tâm, chấp nhận "đứng bên lề" cuộc đời của mái ấm gia đình nhỏ bé các con tôi.

Hôm nay nhân ngày lễ Father's Day, tôi viết bài này để thay các con cám ơn người cha mà chúng rất mực kính yêu quí trọng. Tôi muốn an ủi anh, một người cha của đàn con 5 đứa. Bao gian khó giãi dầu nuôi con khôn lớn nên người. Công ơn của cha bằng trời bằng bể. "Sông cạn đá mòn" nhưng cha chưa bao giờ hé môi lên tiếng than vãn lấy nửa lời, chỉ âm thầm lặng lẽ chịu đựng cho dù có vất vả khổ cực đến đâu. Chỉ mong sao cho các con của mình tương lai được tươi sáng tốt đẹp.

Lòng hiếu thảo là truyền thống văn hóa tốt đẹp nhất của dân tộc Việt Nam, là thước đo đạo đức, nhân cách của một con người. Nâng cao lòng hiếu thảo cũng là cách xây dựng một gia đình hạnh phúc tốt đẹp.

Xin kính chúc quý người cha dồi dào sức khỏe, khang an và hạnh phúc trọn vẹn bên đàn con cháu.

Happy Father's Day.

Hoàng Thanh Phước
Ngày lễ Cha 2018


1 nhận xét: