Thứ Năm, 21 tháng 6, 2018

Phượng Buồn




Có tiếng động nơi bậc thềm, tôi xoay người nhìn ra cửa và... bỗng nhiên tim đập mạnh làm tôi choáng váng giây lát, miệng khẽ gọi - Phượng... Phượng! Cô gái dạ nhỏ một tiếng và hỏi lại:

- Chú, à anh... anh gọi em hả?

Tôi ngơ ngác:

- không... không.

Cô gái hơi tròn mắt rồi xoay người để tránh cặp mắt tôi đang ngơ ngác như kẻ mất hồn. Tôi nhìn sững em như bị thôi miên, những hình ảnh của một thời quá khứ xa xăm hiện về trước mặt thật rõ và cũng thật gần. Tôi ước chừng tuổi em chưa tới 30, Phượng của tôi bây giờ cũng đã trên 60 nên không thể nào là em được. Nhưng sao giống quá, khuôn mặt, vóc dáng bên ngoài và cả miệng cười tôi không thể nào biết đích thực ai là em và ai là Phượng của tôi.

Mười ngày phép sau lễ mãn khóa, từ giã gia đình và Phượng để ra đơn vị, mắt Phượng đẫm ướt vì buổi tiễn đưa, tôi dỗ dành:

- Nín đi em, anh hứa sẽ về thăm em khi hè đến, khi những cánh phượng nở thắm trên cành cùng rộn rã tiếng ve kêu.

Nhưng cường độ chiến tranh leo thang, không một người lính nào được phép rời đơn vị, những cánh thư hồng mỗi ngày mỗi thưa vì đường bộ bị cắt đứt bởi những cuộc giao tranh, đường Hỏa Xa gián đoạn hoàn toàn, máy bay thì ưu tiên cho tải thương và tiếp tế. Không biết gia đình Phượng có sao không, chiến cuộc làng quê nơi tôi và Phượng những năm tháng cắp sách đến trường trở nên khốc liệt hơn và chúng tôi mất liên lạc nhau từ đó.

Miên man suy nghĩ tôi quên cô bé, sực nhớ thì không biết cô ấy đang ở đâu. Vừa lúc đó thì cánh cửa phòng chợt mở, cô bé hiện ra như một nàng tiên, mái tóc dài xõa xuống đôi vai ôm trọn khuôn mặt sáng trưng bởi cặp mắt đen như hai hạt nhãn.

Cái miệng cười cười, cặp môi hơi mím lại nghịch ngợm, vài sợi tóc xõa xuống trước mặt, nàng đưa tay vén lên, tôi như hoảng hốt một điều gì đó định kêu lên nhưng kịp chận lại trong cổ họng. Phượng của tôi đây mà, không Phượng thì còn ai nữa, mà sao em trẻ thế này, mà sao em đẹp thế hở Phượng! Miệng lắp bắp tôi gọi tên em nhưng tiếng gọi nghe ú ớ trong cổ. Phượng bước đến... à không, cô gái bước đến nhỏ nhẹ:

- Anh có sao không, có cần em giúp gì không?

Tôi lắp bắp:

- không sao, tôi không sao!

Bước đến tủ lạnh tôi rót đầy một ly nước và uống cạn, hơi lạnh và nước mát làm tôi tỉnh hẳn. Bây giờ tôi mới có dịp kín đáo quan sát cô gái, tôi cố tìm ở em một nét gì đó để đừng giống Phượng của tôi ngày xưa. Nhưng không, Phượng của tôi một trăm lẻ một phần trăm đây mà, cố thu hết bình tĩnh, tôi dò xét:

- Cô... ở đây hả?

- Dạ, em ở đây.

- Nhà này của anh chị Ngọc, Cô là gì?

- Dạ, em là em gái của chị Ngọc.

Thấy tôi ấp úng, cô gái giải thích:

- Em và ba má ở bên tiểu bang Maryland, Chị của em trước kia cũng ở bên đó, từ ngày lấy anh Ngọc nên 2 vợ chồng rủ nhau về đây. Chị tên Hoa, thương em lắm, muốn em về ở chung để có chị, có em.

- Vậy cô mới về đây thôi phải không vì cả năm nay tôi đến nhà anh Ngọc không thấy có Cô, tôi và Ngọc là bạn lính và cũng là bạn tù với nhau. Cô bé cười nhẹ nhưng tim tôi hình như loạn nhịp... giống Phượng quá Phượng ơi, ước gì cô bé này là em! Trong chiến tranh mình thất lạc nhau, ngày ra tù anh với chiếc ba-lô lặn lội tìm em chân trời góc biển trong vô vọng. Bất ngờ được gặp lại em, đúng ra là gặp một người giống em như 2 giọt nước.

- Vợ chồng Ngọc đi chợ sao lâu vậy?

Nghe tôi nói cô bé lên tiếng:

- Đi chợ xong, Chị Hoa ghé tiệm gội đầu, anh chị bảo em về trước vì nhà có khách, té ra anh là... khách!




Cô bé nói xong cười một cách tự nhiên làm người tôi tê cứng, tay cầm ly nước hơi run một chút, vì khi em cười hơi thở của con gái pha lẫn một chút bạc hà của mùi kẹo chewing gum tỏa ra thơm phức. Chính em đây mà Phượng ơi! Mùi tóc em, mùi hương bạc hà từ hơi thở tỏa ra khi anh hôn em nụ hôn đầu tiên của một chiều hè nơi biển vắng.

Có lẽ trạng thái bất thường của tôi làm cô bé chú ý, cô muốn nói gì đó nhưng thôi. Tôi hớp một ngụm nước và hỏi như để những dồn nén trong tôi thoát bớt ra ngoài:

- Xin lỗi, em tên gì?

- Dạ em tên Phượng!

“Ối Trời!”, tôi suýt la lớn, người tôi chao nghiêng chiếc ly cầm trên tay xém chút nữa rơi xuống đất may mà tay kia vịn kịp vào mép bàn nếu không, người tôi có thể khụy xuống. Tôi sững sờ nhìn em không chớp mắt, tim tôi thắt lại như đang bị ai bóp nghẹt. Trán bắt đầu rịn mồ hôi, tôi lẩm bẩm...”Phượng... Phượng nào?”, hình ảnh Phượng ngày xưa của tôi như biến mất trước sự hiện hữu bằng xương bằng thịt của Phượng hôm nay.

Đêm đó tôi đi ngủ sớm, vợ chồng Ngọc tưởng tôi đi đường mệt nên cũng bảo tôi đi ngủ... mai “uống” tiếp, thật tình tôi cũng muốn nán lại để được nhìn thấy Phượng dù chỉ là phút giây. Một mình với không gian yên tĩnh, với hình ảnh Phượng hôm nay tràn ngập trong tim trong trí tôi, trong bóng đêm Phượng như sáng lòa rực rỡ.

Sau ngày gặp cô gái, đúng ra là gặp Phượng, mỗi khi  nghĩ đến Phượng ngày xưa của tôi thì bị hình ảnh Phượng hôm nay che khuất nhạt nhòa! Và, tôi bắt đầu tập làm thơ, sau mỗi lần làm xong tôi đọc lại, với lời lẽ ngô nghê, lạc quẻ không giống thơ gì hết, tôi nhăn mặt và xé bỏ. Và, cứ thế mỗi tuần một lần tôi xuống chơi nhà vợ chồng Ngọc để mong được gặp Phượng để mỗi khi ra về lại ray rứt nhớ thương!

Phượng xem tôi như một người anh, ân cần, chăm sóc nhưng tôi không thể xem Phượng như người em được. 

*Lúc nhọc nhằn nắng cháy, khi đêm vắng quạnh hiu hoặc đôi khi chỉ nhìn một mái tóc dài thoáng xa... cũng đủ làm cho tâm hồn tôi bâng khuâng thương nhớ!

Tuổi của Phượng cộng thêm 38 năm mới bằng tuổi của tôi. Không thể để cho mình đi xa hơn nữa. Giữa năm 2011 tôi quyết định dọn về California.


Phượng buồn!
(về một người mang tên loài hoa)

Từ giã thư sinh đi làm lính trận
Ngăn bước quân thù bảo vệ quê hương
Nhớ về trường xưa với hàng hoa Phượng
Sắc đỏ rụng rơi phủ kín sân trường.

Từ dạo quê hương ngập tràn khói lửa
Súng đạn quân thù xé nát làng quê
Thầy cũ, bạn xưa lên đường lánh nạn
Chinh chiến bao năm tôi vẫn chưa về.


Rồi một hôm quân hành qua phố thị
Một màu tang phủ lấp mái trường xưa
Phượng xác xơ tường vôi loang vết đạn
Áo trắng bây giờ... khuất nẻo trong mưa.

Tiếng ve hát không còn vang trong gió
Phượng cũng buồn... tan tác cánh hoa rơi
Biết tìm đâu tà áo dài năm cũ
Ngửa mặt nhìn trời, thầm gọi... Phượng ơi!

Lê Phi Ô tháng 6 - 2018

Xin mời quý Thầy Cô và quý Anh Chị thưởng thức nhạc phẩm PHƯỢNG BUỒN



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét