Thứ Hai, 26 tháng 4, 2021

Boat People, Thảm Kịch Trên Biển Cả


Ile de Lumière, Chiếc tàu đã cứu hàng chục ngàn Thuyền Nhân Việt Nam

BOAT PEOPLE, THẢM KỊCH TRÊN BIỂN CẢ
Từ Thức

Hai biến cố lịch sử trong thế kỷ 20 đã làm thế giới thức tỉnh, vỡ mộng về thiên đường Cộng Sản: bức tường Bá Linh và boat people.

Hàng triệu người VN đã bất chấp hiểm nguy vượt biển tìm đất sống, khi Cộng Sản Bắc Việt chiếm miền Nam tháng Tư 1975. Một phần ba đã bỏ mình trên biển cả, những người khác phải đối phó với cái chết, hải tặc, đói khát... Thảm kịch boat people đã tạo một phong trào tương trợ lớn lao chưa từng thấy tại các nước Tây Phương đối với thuyền nhân VN


CÁI BẮT TAY LỊCH SỬ 

Ile de Lumière (Đảo Ánh Sáng) cũng tạo ra cái bắt tay lịch sử của hai trí thức, triết gia hàng đầu của Pháp: một của phe tả, Jean Paul Sartre, một của phe hữu, Raymond Aron. Và làm lung lay, nếu không tan vỡ, giấc mộng thiên đường XHCN, thế giới đại đồng của cả một lớp trí thức không tưởng.

 

Ile de Lumière ra đời do sáng kiến của Bernard Kouchner, được gọi là French Doctor, vì đã sáng lập Médecins Sans Frontières, tổ chức Bác sĩ Không Biên Giới, đưa các y sĩ Pháp đi giúp đỡ nạn nhân chiến tranh hay thiên tai trên khắp thế giới.

 

Trí thức Pháp thời đó có một ranh giới không ai muốn, hay có can đảm, vượt qua: tả và hữu

 

Sartre và Aron chống nhau kịch liệt. Sartre thiên Cộng, đã từng nói “những người chống Cộng là những con chó” (Tout anticommuniste est un chien). Và không lỡ một cơ hội đả kích, miệt thị Aron.

 

Aron là triết gia, bình luận gia chính trị hiếm hoi đã viết sách, báo không ngừng nghỉ, để vạch trần bộ mặt thực của Cộng Sản, thực chất của chiến tranh VN, và hiểm họa độc tài toàn trị đe dọa thế giới.



Hai địch thủ chính trị tạm quên hiềm khích, bắt tay nhau vì một mục tiêu chung: cứu boat people. Bên trái: Sartre, bên phải, Aron. Đứng giữa là André Glucksmann, triết gia Maoiste sau đó trở thành cây bút chống Cộng tích cực.

 

Đó là một thái độ can đảm hiếm có ở một nước, một thời điểm, thiên tả đồng nghĩa với trí thức. Những người chống Cộng không dám bày tỏ ý kiến của mình, sợ bị coi là phản động (réactionnaire), chưa nói tới chống Cộng kiên trì, với những lập luận sắc bén như Raymond Aron hay Jean François Revel. Câu nói quen thuộc của trí thức thời đó: “Thà lầm lẫn với Sartre còn hơn có lý với Aron “ (Il vaut mieux avoir tort avec Sartre que raison avec Aron). Đó là cái phi lý của tinh thần mù quáng vì ý thức hệ. Sartre được ngưỡng mộ, Aron bị đả kích, chế nhạo, mặc dù với thời gian, người ta thấy, về chính trị, Sartre lầm từ đầu tới cuối, trong khi Aron có lý trên mọi phương diện. Sartre đã mua chuộc những lầm lẫn của mình bằng một thái độ đáng phục: khi tuổi đã cao, gác bỏ tự ái, đã cùng với Aron gõ cửa chính quyền, kêu gọi cứu giúp khẩn cấp các thuyền nhân VN

 

TỪ HẢI HỒNG TỚI ILE DE LUMIÈRE

 

Một ngày gần cuối năm 1979, chuyện khó tin nhưng có thực đã xẩy ra: hai ông lãnh tụ trí thức không đội trời chung, Satre và Aron, ngồi lại với nhau, lên tiếng ủng hô dự án Île de Lumière, kêu gọi dân Pháp mở rộng bàn tay tiếp đón thuyền nhân, nạn nhân của cái mà trước đó những trí thức như Sartre nghĩ là một cuộc giải phóng. Khi quân Khmer Đỏ tiến vào Pnom Penh, tờ báo trí thức thiên tả Le Monde viết: dân chúng chen lấn hai bên đường đón rước.


Bác sĩ Bernard KOUCHNER

Thảm trạng của boat people trên chiếc thuyền Hải Hồng trên màn ảnh truyền hình đã làm họ tỉnh ngủ. 

Hình ảnh lạ hơn nữa là Sartre cùng với Aron vào điện Elysée, yêu cầu tổng thống Giscard d’Estaing đón nhận những thuyền nhân trên lãnh thổ Pháp.

 

Sartre là một trí thức anarchiste, không nhìn nhận nhà cầm quyền, hay những cơ cấu của xã hội trưởng giả, đã từng từ chối giải Nobel Văn chương.

 

Nước Pháp còn là nơi tiếng nói của những trí thức lớn có ảnh hưởng đáng kể. Việc Sartre cùng với Aron vào dinh Tổng thống kêu gọi giúp boat people gây mộ tiếng vang lớn trong dư luận.

 

Tổng thống Giscard d’Estaing chấp thuận, dân chúng vui lòng đón tiếp và tận tình giúp đỡ trên 128. 000 thuyền nhân, chỉ trong những năm đầu, trong đó nhiều người đã được tàu Ile de Lumière cứu vớt ngoài khơi.

 

Nên nhớ lúc đó kinh tế Pháp đang kiệt quệ. Chính phủ Pháp đã quyết định ngưng nhận di dân. Việc đón tiếp, giúp đỡ, cấp giấy cư trú và giấy phép hành nghề dễ dàng cho hàng trăm ngàn boat people đi ngược lại chích sách nhà nước đã được dân Pháp ủng hộ. Hầu như không có một phản ứng tiêu cực nào, tại một xứ chia làm hai; cái gì phe tả cho là tốt, phe hữu cho là xấu. Hay ngược lại.


Thuyền trưởng HERBELIN
 

Là sáng kiến của Bernard Kouchner, dự án Một con tàu cho Việt Nam được sự ủng hộ tích cực của các trí thức tả phái nổi danh như triết gia Michel Foucault, ca sĩ Yves Montand, tài tử Simone Signoret, trước đó chống Mỹ, chống chiến tranh VN.

 

Hình Sarte ngồi họp báo với Aron sau khi gặp Tổng thống Pháp chạy trên trang nhất tất cả các tờ báo lớn nhỏ. Ngồi giữa là André Glucksmann, triết gia thiên tả, maoiste (người tôn thờ Mao), sau vụ này trở thành chống Cộng. Ngày nay, tất cả đều đã qua đời, Sartre, Foucault, Aron, Gluckmann, Signoret, Montand. Bernard Kouchner về hưu. Sau khi tàu Ile de Lumière ngưng hoạt động, Kouchner rời Médecins Sans Frontières, sáng lập và điều hành tổ chức Médecins Du Monde (Y Sĩ Thế Giới), trước khi trở thành Tổng trưởng Ngoại Giao dưới thời Sarkozy.

 

NHÀ THƯƠNG NỔI

 

Ile de Lumière là một chiếc tàu cũ, 1500 tonnes, 90m chiều dài, được sửa cấp tốc, chạy tới đảo Poulo Bidong, ngoài khơi Mã lai, khởi đầu dùng làm nhà thương nổi, với 100 giường, chữa trị cho 20.000 thuyền nhân trên đảo.

 

Thuyền trưởng François Herbelin, 29 tuổi, nói đó là những kỷ niệm sâu đậm nhất trên đời ông. “Tôi rất cảm phục những người Việt rất bình tĩnh, có tổ chức, có tư cách (dignes), quyết tâm ra khỏi đại nạn. Khi mới tới, họ kiệt lực, nhưng hồi phục rất nhanh, nghĩ tới tương lai”.

 

Chín tháng sau, Ile de Lumière bắt đầu sứ mạng mới: ra khơi cứu vớt những thuyền nhân phấn đấu trên biển cả, giữa cái sống và cái chết, giữa mưa bão và hải tặc.

 

Hàng triệu người đã liều mạng vượt biển tìm tự do, với những phương tiện thô sơ gây kinh ngạc cho người Tây phương. Hàng trăm ngàn người bỏ mạng trên biển cả.

 

Ile de Lumière đã cứu hàng chục ngàn người, chở về Poulo Bidong chờ ngày được nhận đi định cư ở Hoa Kỳ, Canada hay Âu Châu.

 

Sau 14 tháng ngược xuôi, Ile de Lumière được thay thế bởi một chiếc tầu mới, Ile de Lumière II. Herbelin thành hôn với một phụ nữ thuyền nhân Việt Nam, trở thành thuyền trưởng một tàu thương mại. Làn sóng vượt biển bớt đi từ 1986, khi VN bắt đầu cởi trói, ít nhất về kinh tế, nhưng chưa bao giờ chấm dứt, mặc dầu ngày nay boat people VN nhường chỗ trên các médias cho thuyền nhân từ các vùng khác.

 

DEVOIR D’INGÉRENCE

 

Ile de Lumière đánh dấu một phong trào tương trợ đáng cảm phục ở Pháp, và sau đó ở các nước Tây Phương. Bernard Kouchner nhân đó đưa ra chủ thuyết “Devoir d’ingérence” (Bổn phận phải can thiệp), theo đó các nước dân chủ Tây phương có bổn phận phải can thiệp, để cứu các nạn nhân, tại những nơi nhân quyền bị chà đạp. Sau đó, các nước Tây phương đã nhân danh nguyên tắc này để đổ bộ can thiệp ở Kosovo.

 

Ile de Lumière cũng đánh dấu sự thức tỉnh của trí thức thiên tả Pháp. Trước đó, từ 1975 tới 1979, Khmer Đỏ thảnh thơi tàn sát ở Cambodge, không ai phản ứng gì. Silence, on tue (xin yên lặng, người ta đang giết người). Người ta bịt tai, bịt mắt, bịt miệng để khỏi nghe, khỏi thấy, khỏi nói tới những sự thực phũ phàng.

 

Người ta không quên câu nói nổi tiếng của Sartre, khi giải thích tại sao ông ta không đề cập đến Goulag và những chà đạp nhân quyền ở Nga Xô Viết: Il ne faut pas désespérer Billancourt. Không nên làm Billancourt tuyệt vọng. Boulogne Billancourt là một ngoại ô của Paris, nơi có trụ sở của hãng xe hơi Renault, tượng trưng cho thợ thuyền Pháp. Không đả động gì tới những tệ hại ở Nga để khỏi làm tuyệt vọng giới thợ thuyền, đang mơ thiên đường XHCN như ông già trong thơ Tố Hữu, ngồi đan rổ mơ nước Nga.

 

Raymond Aron, tác giả cuốn L’Opium Des Intélectuels (Thuốc phiên của trí thức) viết: những trí thức thiên tả là những nhà cách mạng phòng khách, căm ghét xã hội đang sống, một xã hội cho họ một đời sống sung túc và đủ mọi quyền tự do, trong đó có quyền tự do ngôn luận.

 

Sau làn sóng boat people, sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ, phong trào thiên tả đi xuống, đảng Cộng Sản Pháp trước đó là một trong hai chính đảng lớn nhất, làm mưa làm gió ở Pháp, ngày nay trở thành một đảng bỏ túi, với trên 1% phiếu bầu.

 

Từ Thức (Paris, Septembre 2017)

 

Tây Phương đã tận tình giúp đỡ boat people VN. Đổi lại, thuyền nhân VN, bằng máu và nước mắt, đã giúp Tây phương mở mắt trước thực tế của “xã hội chủ nghĩa” theo mô hình Cộng Sản.

 

(tuthuc-paris-blog.com) 

 

RUPERT NEUDECK và tàu CAP ANAMUR

 

Một số đoàn thể VN tại Đức đã xây một tượng đồng để vinh danh và tri ân ông Rupert Neudeck, ân nhân lớn của thuyền nhân VN trong lâu đài Wissem, thành phố Troisdorf.

 

Rupert Neudeck, là một trong những người Đức được kính trọng nhất, đã được trao tặng nhiều giải về nhân quyền. Ông cùng bà, Rachel Neudeck, đã lập “Một con tầu cho VN” và đã cứu ít nhất 10.000 thuyền nhân VN những năm 80.

 

Chiếc thuyền nhỏ, chở 52 thuyền nhân kiệt sức, được tầu Cap Anamur hiện còn trưng bày ở Troisdorf, một thị trấn gần Bonn.


Ông Neudeck

Là ký giả, triết gia, ông Neudeck đã bỏ trọn cuộc đời để cứu giúp những người thiếu may mắn.

 

Ông đã sáng lập tổ chức Cap Anamur, giúp nạn nhân chiến tranh ở Phi Châu, tổ chức Mũ Xanh (Greenhelms) giúp dân chúng ở Trung Đông.

 

Đôi khi được coi như một ông thánh, Rupert Neudeck mất năm 2016, hưởng thụ 77 tuổi. Hiện nay có 4 trường học ở Đức mang tên Rupert Neudeck.

 

Rupert Neudeck cũng là thuyền nhân, khi chữ boat people chưa được dùng để chỉ những người vượt biển tìm tự do. Ông đã theo gia đình trốn khỏi Ba Lan khi còn 6 tuổi để tránh Hồng Quân Nga.



Tượng đồng do Joost Mayer, nghệ sĩ điêu khắc và giảng viên tại đại học nghệ thuật Aachen thực hiện. Dưới tượng ghi câu châm ngôn của thành phố Danzig, ngày nay là Gdansk, Ba Lan, nơi ông sinh ra: “Không táo bạo, cũng chẳng sợ hãi” và một hàng chữ đơn giản: “Robert Neudeck 1939-2016. Do thuyền nhân VN tại Đức xây dựng”.

 

Không liều lĩnh, nhẹ dạ, cũng không sợ hãi, không cúi đầu trước bất cứ bạo lực nào, suốt đời làm hết sức mình để giúp người khác, đó cũng là nhân sinh quan của Rupert Neudeck.

 

Việc vinh danh để bày tỏ lòng tri ơn đối với những nhân vật địa phương đã hết lòng giúp chúng ta trong những bước đầu cực kỳ khó khăn là một thái độ đẹp, một việc rất nên làm. Biết nhớ ơn những ân nhân của mình là dấu hiệu của một dân tộc có văn hóa, của những người tử tế.

 

Việc làm càng có ý nghĩa hơn khi tập đoàn cầm quyền VN dùng mọi áp lực và hành vi côn đồ để xoá bỏ mọi dấu vết của thảm kịch thuyền nhân tại các nước láng giềng.

 

(tuthuc-paris-blog.com) 

 

Cuốn phim về ILE DE LUMIERE và BOAT PEOPLE:

https://www.dailymotion.com/video/x6f5tjt





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét