Thứ Bảy, 24 tháng 4, 2021

Những Ảnh Hưởng Của Trung Hoa... Phần 2, 3

 


NHỮNG ẢNH HƯỞNG CỦA TRUNG HOA ĐỐI VỚI TINH THẦN TỰ CHỦ CỦA ĐẤT NƯỚC VÀ DÂN TỘC VIỆT NAM (tiếp theo)
Thầy Dương Anh Sơn

PHẦN 2

Công cuộc đồng hóa của các thời kỳ Bắc thuộc từ nhà Tần đến Tây Hán, Đông Hán và Đông Ngô.

Căn cứ vào những tư liệu lịch sử có được từ Trung Hoa và trong giới nghiên cứu của phương Tây về những thời kỳ sơ khai của vùng đất này, Gs Kim Định (1) đã cho rằng: ".... Viêm tộc đã có mặt ở khắp nước Trung Hoa cổ đại trước khi các dòng tộc khác tràn vào, nên Viêm tộc kể là chủ đầu tiên" (VLTN, sđd, tr. 53). Viêm tộc chính là cách gọi theo lối cổ chỉ các tộc vùng phía nam trong đó có Bách Việt đã bị các bộ tộc người Hoa đánh chiếm các vùng sinh sống ở trung nguyên, dạt ra các vùng núi non hiểm trở xa xôi. Và khi phải chịu sự sinh sống vùng đất mới hoang sơ này, Viêm tộc đã bị kẻ chiếm đóng phần đất cũ của mình là Hán tộc gọi với những tên có tính cách miệt thị coi thường nhiều mặt như Di (phía Đông), Địch (phía Bắc), Nhung (phía Tây) và Man (phía Nam) và vẫn tiếp tục dòm ngó để có cơ hội sẽ tiếp tục tìm cách xâm chiếm! (gọi là "man di" có nghĩa là dân mọi rợ, hoang dã, thiếu văn minh... ) (VLTN, sđd, tr. 57). (sau này, vua quan của nước Nam khi đã có triều đình vững mạnh do bị nhiễm "thái độ miệt thị" của các vua Trung Hoa cũng đã gọi các tộc vùng biên giới phía tây, tây bắc hay phía nam là "Di Địch" y như cách của người Trung Hoa) (xem ĐVSKTT, sđd, tr.398). Tuy nhiên, Gs Kim Định đã có một nhận xét đáng quan tâm khi xét về nguồn gốc của Viêm tộc và Hán tộc: "... Nhà Tần cũng như nhà Hán và sau này nhà Minh. v.v... thảy đều do Viêm tộc nhưng đã không còn vấn đề chủng tộc mà chỉ có vấn đề hữu đạo và vô đạo...".  Nhà Tần xuất phát từ vùng núi non phía Tây Bắc cũng là gốc gác Nhung Địch nhưng khi bình định được Trung Hoa đã trở thành một đế chế vô đạo, như cách nói của Gs Kim Định (xem thêm, sđd tr. 99). Khi họ trở thành kẻ nắm quyền bính trên muôn dân, họ là kẻ thống trị mà hầu như kẻ thống trị xưa nay đều vô đạo, tàn bạo.... Có thể họ dùng đức, dùng nhân, dùng nghĩa… v.v... để cai trị nhưng cũng chỉ là giả đức, giả nhân, giả nghĩa để bảo vệ sự thống trị của họ mà thôi! Những chế độ ĐỨC TRỊ hay NHÂN TRỊ đích thực xưa nay thật là hiếm! Cho nên, xét một mặt nào đó, công cuộc đồng hóa của Hán tộc đối với Việt tộc thời kỳ Hồng Bàng, Văn Lang cho đến các thời kỳ Bắc thuộc và các giai đoạn sau này thường được các sử gia soạn ĐVSKTT như Lê Văn Hưu hay Ngô Sĩ Liên đánh giá từ cái nhìn nhân bản là tính cách vô đạo và hữu đạo, có đức hay không có đức. Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn thật kỹ việc đi xâm chiếm nước khác rồi tổ chức cai trị dân bản địa dù là dùng cách cai trị nhẹ nhàng, khôn khéo, mềm dẻo, vỗ về họ cho yên ổn không chống đối rốt cùng cũng chỉ là con đường vô đạo mà thôi! Chính sách đồng hóa dù hữu đạo hay vô đạo đối với các thời đại xưa của Hoa tộc đối với dân ta dùng đủ cách thức để đi đến mục đích là biến đổi dân vùng bị xâm chiếm và đất nước của họ thành ra một châu ,quận kiểu Trung Hoa. Đó là cách làm khôn khéo của Triệu Đà, Tích Quang, Nhâm Diên, Sĩ Nhiếp... v.v… hay tàn ác như của Tô Định, Mã Viện, Cao Biền... v.v... khi thực thi chính sách đồng hóa tiên khởi của các triều đại phương Bắc. Đồng thời, việc tìm hiểu các giai đoạn Bắc thuộc với chính sách đồng hóa để thấy rõ hơn "giấc mộng Trung Hoa" ngày nay đi xâm chiếm nước khác trong ý muốn "thống trị thiên hạ" nhất là với dân tộc ta cùng các lân bang chưa bao giờ chấm dứt ! Các chế độ thực dân Anh, Pháp, Hà Lan, Bỉ… v.v... phải đi đến việc giải thực theo trào lưu văn minh, tiến bộ của nhân loại từ thế kỷ trước, nhưng những chính quyền Trung Hoa ở thế kỷ 21 vẫn còn mang nặng đầu óc kiểu phong kiến độc đoán, tàn bạo và lạc hậu! Đó là một loại "dân chủ tập trung kiểu mới" khác biệt với đa số thể chế dân chủ văn minh, tiến bộ xem các lân bang bị họ xâm lược thuở xa xưa là "thuộc địa cũ" của mình nên cách nhìn nhận của họ có cái gì đó rất bất chính, bất lương, vô đạo vì vẫn gian trá thừa cơ cưỡng chiếm hay dùng đủ cách chiếm những vùng đất của dân tộc khác chẳng dính dáng gì đến ngôn ngữ, tôn giáo, văn hóa, phong tục, lãnh thổ... v.v... của họ như nước Tây Tạng, vùng Tân Cương hay biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam... v.v... Xâm lăng, đàn áp, bắt bớ, tù đày, diệt chủng và đồng hóa là những con đường vô đạo của bọn bành trướng phương Bắc đã và đang thi hành. Bản chất ấy đến nay vẫn không hề thay đổi theo sự tiến hóa chung của nhân loại. Nó càng vô đạo, hung hãn, gian trá, xảo ngôn, tinh vi hơn xưa rất nhiều khi họ có được sức mạnh của kinh tế, quân sự cùng những phương tiện khoa học kỹ thuật  có được bằng đủ mọi thủ đoạn, mọi cách thức! Thêm vào đó khái niệm đi "xâm chiếm" không còn đóng khung ở việc đi chiếm đất đai mà còn mở rộng đến việc xâm chiếm trí tuệ, công trình sáng tạo khoa học kỹ thuật, các lãnh vực kinh tế, tài chính... v.v... để làm giàu cho nước mình, rút ngắn thời gian "trỗi dậy" và có đủ sức mạnh dọa nạt thiên hạ! Đó là mối họa rất lớn sắp xảy ra cho nhân loại một khi họ đã có thực lực kinh tế, quân sự, dân đông và quá tham vọng! Nếu các nước theo con đường dân chủ, văn minh, tiến bộ và tự do đích thực trên thế giới không đề phòng hoặc không có sự liên kết để ngăn chặn ngay từ bây giờ thì hiểm họa bị xâm chiếm đủ mọi cách thức sẽ xảy ra trong một thời gian không xa đe dọa nền hòa bình của nhân loại! Từ góc độ nhìn nhận như thế, chúng ta thử nhìn lại những bước đường xâm lăng cùng chính sách đồng hóa và cai trị của phương Bắc đã xảy ra như thế nào và với những hình thức chủ yếu nào trong mười thế kỷ sau khi Văn Lang bị xâm lược.

Nếu phần 1 bên trên, chúng ta đã điểm qua một số nét chính trong những thời kỳ Bắc thuộc theo cách phân chia vẫn được chấp nhận từ khi Trần Trọng Kim cho ra đời Việt Nam Sử Lược thì trong phần 2  tiếp theo này chúng ta sẽ cùng nhau nhìn lại sự hợp lý của việc phân chia các thời kỳ Bắc thuộc. Đồng thời sẽ đi sâu hơn những khía cạnh của chính sách đồng hóa của phương Bắc đối với tinh thần tự chủ người Việt chúng ta trong hơn một ngàn năm trước đây.

Có thể nói rằng cuốn ĐVSK 大越史記 do Lê Văn Hưu 黎文休 biên soạn ra đời thời vua Trần Thái Tông và Trần Thánh Tông rồi được bổ sung và hiệu đính bởi nhóm Ngô Sĩ Liên 吳士 連 và Vũ Quỳnh vào thời vua Lê Thánh Tông (căn cứ vào ĐVSK của LVH và cuốn ĐVSK Tục Biên 大越史記續編 hay còn gọi là Quốc sử biên lục của Phan Phu Tiên 潘孚先 thời Lê Nhân Tông soạn ra) gọi là ĐVSKTT  . Cuốn lịch sử này là nguồn sử liệu chính yếu quí giá cho việc tìm hiểu lịch sử dân tộc ở những giai đoạn thành lập nước Văn Lang phải đối diện với sự dòm ngó và xâm lược liên tục của Trung Hoa. Sau này, bọn giặc Minh xâm lăng Đại Việt, biết bao sách vở, tư liệu quí báu và ít ỏi của dân tộc ta về nhiều lĩnh vực đã bị bọn xâm lược tìm mọi cách thâu tóm và phá hủy. Chính sách cai trị và đồng hóa gắt gao hơn xưa rất nhiều. Nhưng thật may mắn cho nước nhà vì cuốn ĐVSK của LVH vẫn tồn tại nên Ngô Sĩ Liên mới có chỗ dựa để bổ sung. Nếu nó bị quân Minh cướp đi sẽ là một thiệt hại rất lớn cho dân tộc khi muốn tìm hiểu lịch sử của đất nước và tiền nhân!

Cuốn Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim và nhiều nhà sử học khác đều dựa chủ yếu vào ĐVSKTT nhưng việc hệ thống hóa và biên niên của VNSL rất phù hợp với khoa học lịch sử. Ra đời vào năm 1921 trong thời kỳ Pháp thuộc và dưới chế độ quân chủ của triều đình Huế, cuốn sách này là một trong những cuốn lịch sử có giá trị về mặt sử liệu, về cách sắp xếp và tiếp nối các giai đoạn sau từ nhà Hậu Lê đến khi thực dân Pháp thiết lập chính quyền cai trị mang danh xưng là "Bảo hộ" (1897). Cách ghi nhận và bàn luận của tác giả VNSL luôn luôn dựa vào tinh thần tự chủ dân tộc. Đồng thời, dẫu được viết và phát hành trong thời kỳ Pháp thuộc nên phải khéo léo trong việc đưa ra quan điểm của mình, nhưng chúng ta vẫn nhận ra tấm lòng yêu nước sâu sắc của tác giả. Ông cũng như những người luôn nghĩ đến vận nước vẫn mong mỏi: "Nước nào cũng có lúc bĩ rồi lại thái, đó là cái công lệ tuần hoàn của tạo hóa trong thế gian. Từ xưa chưa thấy có nước nào cứ thịnh mãi hay cứ suy mãi........ Sự ước ao mong mỏi như thế là cái nghĩa vụ chung cả chủng loại Việt Nam ta vậy." (sđd, Phần Tổng Kết, tr. 604). Mong sao thời đại của những kẻ vô đạo, đi ngược với con đường văn minh tiến bộ của nhân loại sẽ bị đào thải theo "cái công lệ tuần hoàn", "có lúc bĩ rồi lại thái" như cách suy nghĩ của nhà sử học Trần Trọng Kim để đất nước được vươn lên vững mạnh, đầy đủ bản lĩnh sẽ cùng với nhiều quốc gia khác trên thế giới, đối phó những tham vọng của phương Bắc hầu cho thế giới này được sống trong sự tiến bộ với nền hòa bình bền vững. Chúng ta cũng hy vọng rằng các nhà nghiên cứu sử học với những tìm hiểu của mình sẽ công bố thêm những phát hiện mới mẻ bổ sung những tư liệu lịch sử khoa học khác hơn cho việc tìm hiểu lịch sử dân tộc trong những thời kỳ Văn Lang ngoài ĐVSKTT và VNSL.

1- Thời kỳ sau Văn Lang với việc Hán hóa của triều đại xâm chiếm Triệu Đà (207-137 TCN) nên xem là sự khởi đầu của việc bị Bắc thuộc và đồng hóa.

Khi nhìn lại lịch sử mất nước của thời vua Hùng thứ 18 vào tay Thục Phán, sử gia Lê Văn Hưu đã nhận xét: "Đến vua sau đức kém, lười chính sự, bỏ việc vũ bị không sửa, ham vui tửu sắc, binh nước Thục vừa đến thì quốc thống mất." ( sđd tr. 41). Việc mất nước chính là do sự yếu kém của triều đại Văn Lang khi chỉ biết an hưởng thái bình ngay từ thời các vua Hùng đầu tiên đã không lo đầy đủ việc phòng giặc bên ngoài dòm ngó. Đồng thời, tổ tiên chúng ta thời Văn Lang chưa có kinh nghiệm xây dựng một nhà nước tập trung với hệ thống quyền lực chặt chẽ. Lối cai trị vẫn mang tính địa phương do các tộc trưởng đảm nhận và còn sơ sài trong khi bên Trung Hoa đã thiết lập hệ thống triều đình phong kiến vững vàng, có nề nếp, có nhiều luật lệ được qui định, có sự phát triển của tư tưởng, văn hóa... v.v... đã từ hơn hai ngàn năm trước. Trong phần "Việt Giám Thông Khảo Tổng Luận" (ĐVSKTT, sđd, tr. 39) do Lễ bộ thượng thư Lê Tung soạn thời Lê Túc Tông (1514) có đoạn nhận xét: "Hùng Vương nối nghiệp của Lạc Long, chăm ban đức huệ, để vỗ yên dân, chuyên nghề làm ruộng, chăn tằm, chẳng có can qua chinh chiến.... buộc nút dây mà làm chính trị, dân không gian dối, có thể thấy được phong tục thuần hậu quê mùa.Đó là hình ảnh đơn giản thuần phác trong việc cai trị của triều đại vua Hùng. Thục Phán, theo sử sách cũng là người Âu Việt gần bên đã chiếm Văn Lang sát nhập với cương vực cũ của mình thành nước Âu Lạc cai trị triều đại mới với hai tộc chính là Lạc Việt và Âu Việt với chế độ chính trị vẫn chưa có hệ thống qui củ. Tuy nhiên, Thục Phán  An Dương Vương cai trị dân chúng không để lại tiếng tăm xấu trong lịch sử. Dù Thục Phán có lo phòng bị binh mã, xây Loa Thành nhưng cuối cùng phải chịu thần phục nhà Tần là một nước rất mạnh bên Trung Hoa bấy giờ. Đất Âu Lạc của hai tộc Việt bị chia thành ba quận là Nam Hải (Quảng Đông), Quế Lâm (Quảng Tây ) và Tượng Quận (châu thổ sông Hồng và vùng Nghệ An, Thanh Hóa). Cũng giai đoạn này, các tộc Việt nhân quân lính của Tần phái qua do Đồ Thư chỉ huy không hạp thủy thổ bị bệnh nhiều đã nổi lên giết được Đồ Thư. Bên Trung Hoa, nhà Tần lúc này có các phe phái chống đối nổi lên khắp nơi. Nhân cơ hội đó, Nhâm Ngao là quan úy coi quận Nam Hải có ý muốn đánh lấy Âu Lạc cũ của An Dương Vương. Ngao không kịp thực hiện ý định đó đã bị bệnh nặng nên giao lại cho Triệu Đà đang làm quan úy của nhà Tần ở Nam Hải. Nhờ chuẩn bị binh mã và có đủ thông tin về vũ khí, thành quách, binh lính của An Dương Vương nên Đà đã chiếm được Âu Lạc. Cho nên, nếu xét cho đúng, nước ta thực sự bị phương Bắc cai trị từ giai đoạn Triệu Đà (207-137 TCN) sát nhập Âu Lạc vào quận Nam Hải đặt tên nước mới là Nam Việt với kinh đô là Phiên Ngung (Quảng Châu TQ bây giờ). Nam Việt của Triệu Đà bao gồm các người tộc Lạc Việt, Âu Việt và chắc chắn phải chung sống với các Hoa tộc khác từ quận Nam Hải cũ cũng như từ cuộc di dân hàng vạn người theo lệnh Tần Thủy hoàng "đem những hàng binh phải tội đồ 50 vạn người sang đóng đồn ở Ngũ Lĩnh" (xem ĐVSKTT, sđd tr. 77). Di dân đến vùng xâm chiếm là một trong những chính sách đồng hóa nguy hại cho dân bản địa vì những người đem sang nước ta sẹ đi kèm với văn hóa, phong tục, lễ nghi... v.v..  của nước họ sẽ dễ tác động và làm biến đổi những sinh hoạt với phong hóa vốn có của người dân bản địa bị họ đô hộ. (Hiện nay, chính sách di dân theo hình thức của ngàn năm trước để đồng hóa người Nội Mông, Tây Tạng và Tân Cương như chúng ta đã biết)

Triệu Đà quê ở Chân Định (Hà Bắc, bắc Trung Hoa) là quan nhà Tần cùng Nhâm Ngao được cử sang trấn thủ vùng Nam Hải. Khi Ngao chưa mất, Triệu Đà làm Long Xuyên Lệnh của quận Nam Hải và coi ngó việc di dân người Hoa xuống các vùng Lĩnh Nam. Khi Ngao mất đi, Đà đảm nhiệm chức quan úy của Nam Hải. Cả Nhâm Ngao và Triệu Đà đều mong muốn có giang san riêng nên khi Ngao bệnh sắp mất đã chỉ thị cho Đà: "Nhà Tần sẽ mất nước thôi, nên dùng mưu kế đánh Thục Phán, có thể dựng nước được" ( ĐV SKTT, sđd tr. 78). Việc chiếm Âu Lạc của An Dương Vương, nói như Trần Trọng Kim đã nhận xét: "... Triệu Đà lập ra nước Nam Việt, đem văn minh nước Tàu sang truyền bá phương nam, cho nên từ đó về sau người nước mình đều nhiễm cái văn minh ấy" (sđd, tr. 37). Có thể nói rằng công cuộc Hán hóa lãnh thổ của người Việt khởi đi bởi Triệu Đà. Sử sách Trung Hoa như Nam Việt Liệt Truyện 南越列傳 thời nhà Hán đã ghi rõ về giai đoạn này. Đưa Hoa tộc sống chung với người Việt, dùng cách cai trị của các triều đại phương bắc để điều hành Nam Việt, "lấy thi thư mà biến đổi tục nước "(2) ĐVSKTT, (sđd, tr. 42)... v.v... là những hình thức đồng hóa đầu tiên mà Triệu Đà áp dụng khi chiếm Âu Lạc. Thi thư chỉ những sách dạy phong hóa, tập tục, lễ nghi... của người Hoa cổ sau được Khổng Tử san định, là những cuốn sách nền tảng dạy đạo nghĩa của nho giáo (2). Cho nên, tính chính danh của Triệu Đà vẫn là vấn đề đang tranh cãi khi dùng những phong hóa, lễ nghi và sách vở chính yếu của phương Bắc áp đặt cho dân Nam. Trong khi đó, có nhiều người đã cho rằng người Việt xưa nay đã đi thờ kẻ xâm lăng ngoại bang như Triệu Đà vào hàng tiên tổ có vì công ơn dựng nước là một việc làm cần xem lại và gạt bỏ! Về phía Trung Hoa, khi phân tích lịch sử giai đoạn này với nhiều nguồn tài liệu của thư khố, người Hoa vẫn xác định là Triệu Đà là người có công chiếm Âu Lạc cho Trung Hoa vì danh phận, gốc gác, công lao Hán hóa của ông. Sử Trung Hoa đã ghi nhận năm 214 TCN, nhà Tần sai Triệu Đà mang 50 vạn dân binh xuống vùng Lĩnh Nam mới đánh chiếm được để chung sống và bắt đầu đồng hóa người Việt bằng cách hòa trộn tộc Việt và các người phương Bắc di cư sang. Dẫu cho là Triệu Đà khi đón tiếp sứ giả Hán Cao Đế sang Nam Việt "ngồi xổm mà tiếp Lục Giả" xưng là "Man Di đại trưởng lão phu" (sđd. tr. 84. 89) có chút gì đó bị Việt hóa nhưng cũng chỉ là cách tùy thuận, khôn khéo để dễ bề cai trị thôi! Cho nên việc Triệu Đà Chiếm Âu Lạc từ Thục Phán An Dương Vương phải nên xem đó là  thời kỳ Bắc thuộc lần thứ nhất và là bước đồng hóa chính thức có quy mô đầu tiên của một triều đại phong kiến kiểu Trung Hoa đối với tộc Âu Việt và Lạc Việt. Sau này có thêm những người tự ý di dân xuống phương Nam để định cư (chẳng hạn tổ tiên của Sĩ Nhiếp sẽ cai trị tiếp theo đã có sáu đời sinh sống ở Giao Châu) càng thêm đông đảo người phương Bắc sống trộn lẫn với người Việt. Lê Văn Hưu đã ghi nhận: "Danh sĩ nhà Hán tránh nạn sang nương dựa có hàng trăm người" (sđd tr. 121) giúp cho việc đồng hóa và cai trị nước ta bằng chữ nghĩa, lễ nghi, luật lệ, phong tục... v.v... của phương Bắc thuận tiện hơn. Việc di dân sẽ kèm theo lề lối sinh sống, văn hóa của Hoa tộc, nếu người Việt không có bản lĩnh, sẽ dễ dàng tiếp nhận và mất dần bản sắc riêng của dân tộc mình. Dĩ nhiên, bản sắc và bản lĩnh dân tộc tùy thuộc rất nhiều vào những người có ảnh hưởng nhất định các bộ phận dân tộc như các dòng dõi Lạc hầu, Lạc tướng, các trưởng tộc... v.v... Giới thủ lĩnh các bộ tộc người Việt phải biết chữ Hán để giao tiếp và làm việc với giới cai trị Hoa tộc nhưng rất nhiều người vẫn giữ được tinh thần tự chủ. Đó là bước đầu của sự đối kháng với việc tiêm nhiễm tràn vào từ phương Bắc. Vậy cho nên cái gì của Hán tộc truyền sang nước ta chứa đựng mưu mô xâm lược và đồng hóa hãy nên gửi trả lại cho Hán tộc! Cái gì thực sự cần thiết cho việc giữ nước và vun đắp nhân tài xây dựng cho đất nước vững bền dù là của Hán tộc hay các quốc gia nào văn minh tiến bộ cũng nên gạn lọc, chọn lựa những tinh hoa để bồi đắp cho cái thiếu của nước mình! Một đất nước với dân bản địa là tộc Việt để cho người phương Bắc là Triệu Đà làm vua là chuyện chẳng đặng đừng sao lại được một số sử sách nước nhà ca ngợi ông ta là ông vua tốt chẳng hợp lý chút nào! Cho nên, công lao "khai hóa" của Triệu Đà chẳng qua là áp dụng chính sách đồng hóa theo lối Hoa tộc mà thôi. Một trăm năm Nam Việt được yên ổn (207-111 TCN) dưới thời Triệu Đà cũng chẳng qua là vì dòng họ Triệu Đà trên đất Việt muốn hưởng an vui ở phía nam trong khi bên nhà Tần bắt đầu loạn lạc. Chính sách cai trị của Triệu Đà mềm mỏng hơn đối với người bản xứ để họ không chống đối hầu cho triều đại của Đà và con cháu được yên ổn hưởng sự phú quí của bậc đế vương "sánh ngang với Hán Cao Tổ" (ĐVSKTT) và bờ cõi biệt lập một phương trời ! ĐVSKTT đã nhận xét và ca ngợi rằng: " Đến như các việc sai sứ (sang nhà Hán) thì rất khiêm tốn, Nam Bắc giao hoan, thiên hạ vô sự, hưởng lộc  nước hơn trăm năm, đáng là bậc vua anh hùng tài lược..." (sđd, tr. 42). Rõ ràng tài thao lược của Triệu Đà làm sao cho "thiên hạ vô sự" để hưởng thụ thái bình cùng với dòng họ Hoa tộc của mình. Trừ khi đó là một ông vua thuộc hàng vua Nghiêu, vua Thuấn đức hạnh cao khiết của huyền sử! Ngay như người anh hùng dân tộc vĩ đại là Trần Hưng Đạo cũng xem Triệu Võ Vương (Vũ Vương) tức Triệu Đà là người có công "dựng nước". ĐVSKTT có ghi lại câu chuyện: Hưng Đạo Vương ốm nặng, vua ngự đến thăm, hỏi rằng: "Chẳng may chết, giặc phương Bắc lại xâm lấn thì kế sách ra sao?". Hưng Đạo Vương trả lời: "Ngày xưa Triệu Vũ Đế dựng nước, vua Hán cho quân đánh thì nhân dân dùng kế thanh dã" (ĐVSKTT, sđd, tr. 548). Theo cách nói đó, Hưng Đạo Vương đã cho rằng Triệu Đà đã có công dựng nước! Những ngộ nhận như thế sẽ gây ra sự lầm lẫn khi công nhận kẻ đi xâm chiếm như Triệu Đà đứng vào hàng tiên liệt lập ra nước Nam của chúng ta!! 

Mặt khác, khi đem "thi thư" cùng chữ nghĩa Nho học của Hoa tộc cùng với cách thức cai trị Nam Việt theo lối tổ chức phương Bắc, Triệu Đà chính là kẻ khởi sự cho công cuộc đồng hóa sau này. Chúng ta biết rằng khi nhà Tần thống nhất Trung Hoa đã triệt để cấm đoán Nho học và đã cho đốt sách vở của Nho gia, chôn sống nhiều nhà nho chống đối và đề cao việc dùng hình pháp đế cai trị theo đường lối của Thương Ưởng. Trong khi đó Triệu Đà xưng đế ở phương Nam một mình một cõi và tiếp tục công việc Bắc hóa. Cho đến khi Đà thần phục nhà Đông Hán của Quang Vũ, nhiều nho sĩ phương Bắc qua Lĩnh Nam tiếp tay thêm cho công cuộc Hán hóa của Triệu Đà phát triển. Vậy có thể nói cho phù hợp thực tế là nước Nam Việt của Triệu Vũ Vương là triều đại xây dựng mô hình đồng hóa và khởi đầu cho việc Bắc thuộc lần thứ nhất không phải đợi đến khi dòng họ Triệu bị "Phục Ba tướng quân" Lộ Bác Đức (4) và tùy tướng Dương Bộc của Hán Vũ Đế sai sang tiêu diệt Nam Việt đổi tên là Giao Chỉ Bộ (111 TCN-39 SCN) mới gọi là thời Bắc thuộc (xem thêm TTK, sđd, tr. 47). Dĩ nhiên, mức độ đồng hóa thời nhà Tây Hán của Hán Vũ Đế với tộc Việt xảy ra khắc nghiệt và tàn bạo hơn nhiều! (xem thêm từ ĐVSKT & VNSL và Wikipedia/ Triệu Đà). Cho nên cách đồng hóa của người Hoa thông qua việc cai trị của Triệu Đà có thể tóm tắt vào hai điểm chính:

a- Dùng sách vở, phong tục, tập quán, lễ nghi của phương Bắc áp đặt dân ta phải chung đụng, làm mai một chữ viết cũng như phong hóa, tập tục của cha ông ta đã có từ thời Hồng Bàng, Văn Lang.

b- Cho di dân số lượng đông đảo người phương Bắc (50 vạn người!) trong đó có hạng nho sĩ, những người không có đất canh tác sang đây làm lụng và nhất là các kẻ bị tù tội, lưu đày sống chung với cộng đồng người Việt, lấy vợ Việt, sinh con đẻ cháu tạo điều kiện cho việc Bắc hóa dễ dàng.

Do đó, ĐVSKTT của Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên... v.v... và VNSL của Trần Trọng Kim sau này đều có chung cách nhận xét cho rằng mốc điểm thời kỳ Bắc thuộc lần nhất là từ năm 111 TCN khi quân Lộ Bác Đức sang xâm lược Nam Việt dẹp tan nhà Triệu. Mốc điểm này nên xem lại cho sát thực tế vì Triệu Đà là quan úy phương Bắc sang xâm chiếm nước ta theo lệnh nhà Tần năm 207 TCN, rồi tự xưng đế cai trị nước ta nhân khi bên Tần có loạn [Lê Văn Hưu rồi Ngô Sĩ Liên trong ĐVSKTT dùng từ "Kỷ Thuộc Tây Hán" (sđd, tr. 107), Trần Trọng Kim dùng từ chính xác hơn gọi là "Bắc Thuộc Lần thứ Nhất" (VNSL, sđd, tr. 47) ]. Còn "công ơn" của Triệu Đà nên nhìn nhận theo cách như đã nói bên trên. Khi đọc lại và tìm hiểu lịch sử thời kỳ này, chúng ta đều thấy chính sách cai trị Nam Việt của Triệu Đà không có những đối kháng nào đáng kể vì ít nhiều ông đã lấy "hữu đạo", lấy sự yên vui của trăm họ để cai trị như cách phân tích của Gs Kim Định. Chính vì thế sử thần Ngô Sĩ Liên đã bàn: "Truyện (Trung Dung) có nói: Người có đức lớn thế nào cũng có ngôi, thế nào cũng có danh, thế nào cũng sống lâu. Vũ đế (Triệu Đà) làm gì được như thế? Cũng chỉ vì có đức mà thôi" (sđd tr. 93). Có đức chính là "hữu đạo" vậy! Trước đó, sử thần Lê Văn Hưu nhà Trần cũng từng bàn luận: "... Người làm vua nước Việt sau này, nếu biết bắt chước Vũ Đế (Triệu Đà) mà giữ vững bờ cõi, đặt quân trị nước, giao thiệp với láng giềng, theo đạo, lấy nhân giữ ngôi, thì giữ được bờ cõi dài lâu, người phương Bắc không thể lại ngấp nghé được" (sđd, tr. 93). Làm một ông vua khôn ngoan, lấy nhân giữ ngôi cũng chính là "hữu đạo" vừa giữ được ngôi vua, vừa được thiên hạ thái bình. Đó là con đường đồng hóa tương đối tốt đẹp, khôn khéo nhưng muốn hay không một người Hán tộc cai trị trên muôn dân Việt làm sao không mất đi được tinh thần tự chủ của dân tộc! Vì sao sách sử xưa lại dễ dàng khuyên các vua Việt sau nên bắt chước Triệu Đà là người phương Bắc, kẻ đã dẹp tan An Dương Vương để lấy cơ đồ của Âu Lạc?! Có lẽ thời kỳ này chúng ta chưa có được những thủ lĩnh tài giỏi, đức độ có đủ khả năng để đứng lên khởi nghĩa chống ngoại xâm nên một "ông vua ngoại bang" được các sử thần xưa đánh giá tốt đã thành một mẫu mực làm vua chăng?! Mặt khác ,sử liệu từ thời Triệu Đà (214 TCN) cho đến khi vua Trần Thánh Tông cho soạn tiếp ĐVSKTT cách nhau đã hơn 1500 năm. Cách đánh giá công trạng kẻ cai trị còn lẫn lộn khi xem họ là những tiền nhân gắn bó và thân thiết với dân tộc Việt!

Sau này, các thời kỳ bị lệ thuộc phương Bắc, cũng áp dụng phương cách đó với việc sử dụng tiếng Hán trở thành phổ biến trong mọi giao tiếp nơi phủ đường, đình miếu, chùa chiền, văn bản hành chính... v.v... Chữ Hán và tư tưởng Khổng giáo chính là công cụ đắc lực cho công cuộc đồng hóa của phương Bắc đã du nhập vào Lĩnh Nam manh nha từ trước thời Triệu Đà nhưng đến thời họ Triệu được đẩy mạnh hơn khi sách vở "thi thư" (chữ dùng của ĐVSKTT) (2) của Khổng Tử theo chân những quan lại cai trị và các người Hoa di dân định cư ở Giao Châu được dùng "dạy" và giao tiếp người Việt. Sách Hán Thư 後漢 có nói: "Phàm hữu đạo thuật giai vi nho 凡有道術皆為儒 nghĩa là: Hễ có đạo thuật đều là Nho. Nho học thực sự đã có từ trước thời nhà Hán. Quan lại, danh sĩ phương Bắc qua Lĩnh Nam dạy đạo lý, dạy nghề nghiệp, dạy phong tục lễ nghi... v.v... đều là kẻ xuất thân từ nhà nho cả. Dạy chữ Nho là dạy chữ của Hoa tộc mà sau này gọi là dạy chữ Hán vì nó đã có từ xưa, được lan truyền mạnh mẽ vào thời thuộc Tây Hán và Đông Hán của nhà Hán bên Trung Hoa. Khi Hán Cao Tổ Lưu Bang dẹp được Tần, Sở lên ngôi vua nghe theo lời của các danh sĩ theo phò, đã dùng Nho giáo, Lão giáo hay Mặc giáo giúp củng cố cho quyền lực triều đình. Hán Nho từ thời Đông Hán với Hán Quang Vũ Đế, theo lời khuyên của Đổng Trọng Thư, lấy Nho học làm quốc học chứ không chú trọng các "Bách gia" khác. Nho học với "thi thư" của Khổng Tử trở thành cái học chính yếu, độc tôn cho các đời sau và bắt đầu thịnh lên từ đó. Ngay từ thời Triệu Đà, Nho học đã có mặt và người Việt đã dùng chữ Hán nhưng đọc theo âm Việt. Chính nhờ không học tiếng Hán như là một sinh ngữ nên người Việt vẫn giữ nguyên được tiếng bản xứ. Việc tiếp xúc với chữ Hán làm cho "một phần ba kho ngữ Việt có gốc ở tiếng Tàu" (Phạm Văn Diêu, sđd tr92, 93) giúp cho việc diễn đạt đa dạng và sâu sắc hơn nhưng sử dụng theo cách nói của người Việt. Dẫu sao các tiếng âm Hán Việt cũng làm giàu cho ngôn ngữ Việt trong thực tế. Cái gì hay và giúp cho tiếng Việt thêm phong phú mà không làm mất đi bản sắc và giữ được tinh thần dân tộc thì nên duy trì với sự lựa chọn tỉnh táo. Và với sự hoàn chỉnh của chữ quốc ngữ ngày càng tốt hơn, những từ Hán Việt nào có thể thay thế bằng chữ quốc ngữ vừa sâu sắc hơn vừa nhuần nhuyễn sẽ giúp cho con đường Việt hóa càng mang bản sắc dân tộc đậm đà.

Cũng có các nghiên cứu, tìm tòi của Gs Kim Định cho rằng người Việt cổ và người Hoa cổ đều sử dụng chữ tượng hình mà dân gian quen gọi là chữ Nho. Cho nên về sau hình thành hai con đường Việt Nho và Hán Nho. Giữa văn hóa của Viêm tộc và Hoa tộc cũng có tác động qua lại với nhau (VLTN, sđd tr. 78). Vấn đề này vẫn chưa được rõ ràng vì các chứng cứ lịch sử còn nhiều điều cần bàn luận nhưng thực tế văn hóa Hoa tộc đã tiêm nhiễm vào nước ta từ hai ngàn năm nay khởi đi từ thời Triệu Đà. Do đó, Gs Kim Định đã nêu lên một vấn đề đáng chú ý: "Thí dụ tại sao người Việt vốn chống đối Tàu mà lại không bao giờ chống đối Nho giáo nói chung thì chỉ có thể giải nghĩa bằng giả thiết này là trong tiềm thức tiên tổ vẫn nhớ đó là di sản dân tộc, nếu không thì đâu có chấp nhận Nho giáo sớm thế, dễ thế!" (Vấn đề nguồn gốc Việt Nho, sđd, tr. 67) Nói khác hơn, các tộc Viêm Việt trước thời Hồng Bàng đã sử dụng chữ Nho, đã biết Nho học bao gồm "Bách gia chư tử" khi mà Khổng học chưa chiếm địa vị độc tôn như dưới thời Hán Quang Vũ Đế!

Mặt khác, nhiều nhà nghiên cứu cũng nhận thấy thấy tuy Nho học được dùng như công cụ đồng hóa nhưng khi bình tĩnh và cân nhắc cho kỹ lưỡng, chúng ta vẫn nhận thấy nó vẫn cần thiết. Gs Kim Định cho rằng "... chính Nho giáo mới là căn bổn của nền quốc học Việt Nam, và nhổ bỏ đi tức là cũng nhổ gốc rễ của mình, là bỏ mất những huyết quản tiếp sức sống cho mình" (VLTN, sđd. tr. 157). Sau này, khi thực dân Pháp qua xâm lược nước ta, văn hóa, khoa học kỹ thuật của họ đã tạo một bản sắc mới khi mà Nho giáo làm kềm hãm việc tiếp thu những cái mới của nhân loại. Chúng ta ghét bỏ công cuộc cai trị của thực dân của Pháp nhưng những tinh hoa của tây phương thông qua khoa học, kỹ thuật, văn học, văn minh Pháp vẫn có nhiều vấn đề cần học hỏi để xây dựng đất nước trong thời đại mới ! Công cụ đồng hóa chủ yếu của giặc xâm lược phương Bắc xưa kia hay phương Tây thời cận đại chính là sức mạnh của quân sự, của vũ khí, của lòng tham lam, sự bạo ngược của bọn người xâm lược mà thôi.Riêng giặc xâm lược phương Bắc lại kèm thêm sự thâm hiểm , tàn độc ,dối trá ,hung hãn... v.v... nữa!

2- Đợt đồng hóa thứ hai sau khi nhà Tây Hán đánh chiếm Nam Việt của  Triệu Dương Vương (111 TCN) với Nhâm Diên và Tích Quang

Trước âm mưu đen tối muốn đem nước Nam dâng cho nhà Hán của Triệu Ai Vương và thái hậu Cù thị là người gốc Hoa, tể tướng Lữ Gia và triều thần đem cấm binh giết sứ Hán, Ai Vương và Cù thị rồi tôn Kiến Đức là con trưởng của Minh Vương, có mẹ là người Nam Việt, lên ngôi hiệu là Triệu Dương Vương. Hán Vũ Đế Lưu Triệt đã sai Phục Ba Tướng quân (4) Lộ Bác Đức và Dương Bộc đem năm đạo quân sang đánh chiếm Nam Việt, giết vua tôi nhà Triệu và bắt đầu thiết lập hệ thống cai trị mới với tên gọi nước ta là Giao Chỉ Bộ tương đương một tỉnh của họ với chín quận như cách phân chia bên Trung Hoa. Đất đai của tiên tổ Hồng Bàng bị Triệu Đà chiếm lấy nay rơi tiếp vào tay nhà Tây Hán bao gồm các quận có tên mới: Nam Hải (Quảng Đông), Thương Ngô, Quế Lâm (Uất Lâm cũ, Quảng Tây), Hợp Phố (Tượng Quận cũ, Quảng Đông), Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam (vùng châu thổ sông Hồng trải xuống Nghệ An, Thanh Hóa), Châu Nhai, Đạm Nhĩ (đảo Hải Nam). Vùng sinh sống của hai tộc Âu Việt và Lạc Việt đến thời này đã bị co lại nhiều so với thời trước và sau triều đại Hồng Bàng chủ yếu tập trung vào vùng châu thổ sông Hồng và xuống phía nam đến vùng Nghệ An.

Thuở đầu, Hán Vũ Đế nhà Tây Hán sai Thạch Đái làm thái thú, rồi đến Chu Chương. Khi bên nhà Hán bị loạn Vương Mãng, Giao Châu mục là Đặng Nhượng tự lo binh bị để giữ Giao Châu (hay Giao Chỉ bộ 交趾部). Hán Quang Vũ lấy lại nhà Hán sau khi dẹp loạn Vương Mãng lập nên nhà Đông Hán, phong cho Nhượng, Đỗ Mục, Tích Quang ở hạng tước hầu cả. Sau này có thêm Nhâm Diên được Hán Quang Vũ cử thêm sang làm thái thú Cửu Châu. Hai viên thái thú là Tích Quang và Nhâm Diên được sử sách chú ý hơn hết vì công cuộc đồng hóa có những mặt thiết thực cho người Việt:

- Tích Quang qua làm thái thú quận Giao Chỉ từ thời Hán Bình Đế nhà Tây Hán (1-3 SCN, trước khi loạn Vương Mãng mấy năm). Tích Quang lưu tâm việc dùng lễ nghĩa để dạy dân (ĐNSKTT, sđd tr. 108)
- Nhâm Diên làm thái thú quận Cửu Chân thời Hán Quang Vũ nhà Đông Hán(năm Kiến Vũ) lưu tâm chỉ dạy cho dân chúng thêm về việc trồng trọt, cày cấy cho có thóc gạo để có lương thực mà ăn ngoài nghề phổ biến chính của dân bản địa là săn bắn và chài cá. Ông cũng chỉ cho dân chúng tập tục cưới hỏi khi lập gia đình theo phong tục của Trung Hoa khi những luật lệ ,phong tục của đời sống dân Nam còn sơ sài (xem  Mục 3 bên dưới về cách nhìn nhận của Mã Viện khi nói đến Việt luật)

Đây là hai viên thái thú ít nhiều được dân Nam mến mộ khi dùng đức tức là "hữu đạo" để thu phục lòng người qua việc dạy dân những việc thiết thực. Sử sách chỉ nói đến hai viên thái thú như ĐVSKTT ( trích lại từ Hậu Hán Thư, là sách sử chính yếu của nhà Đông Hán) đã nói rằng: " Phong hóa văn minh của đất Lĩnh Nam bắt đầu từ hai thái thú ấy" (sđd, tr. 109). Điều đó cho thấy, người Trung Hoa thời này lấy làm tự hào vì đã dạy "phong hóa văn minh" cho người Việt. Chín quận chỉ có hai viên thái thú được nhắc tên như những người hiền, số thái thú còn lại chắc là không mấy tốt đẹp và ấn tượng! Nhưng những ai tha thiết đến vận mệnh đất nước và tinh thần tự chủ chắc chắn không mong cầu một hình thức đồng hóa mới như thế! Đó là con đường đồng hóa đã mở rộng ra những gì mà thời Triệu Đà đã đặt nền móng. Gs Lê Mạnh Thát (3) gọi công việc như thế là "trợ hóa", ông giải thích: "... Trợ hóa đây thực chất là để "giúp đỡ cho nền cai trị". Mà nền cai trị này không còn dựa vào "điển huấn của tiền thánh", "pháp luật của Hán gia" nữa..." ( LMT, sđd, tr. 160). Nói khác đi, cách đồng hóa của Tích Quang, Nhâm Diên khôn khéo, uyển chuyển hơn khi cai trị Giao Châu nhưng xét cho cùng cũng chỉ là công việc trợ hóa, trợ giúp linh động cho công việc đồng hóa và cai trị của phương bắc được dễ dàng mà thôi! Cho nên, sử thần Lê Văn Hưu về sau khi bình luận giai đoạn lệ thuộc Đông Hán đã mong muốn: "Xem sử đến thời nước Việt ta không có vua, bị bọn thứ sử người Bắc tham tàn làm khổ...... thường thắp hương khấn trời, xin trời vì nước Việt ta sớm sinh thánh nhân, tự làm đế nước nhà để khỏi người phương Bắc bóc lột" (sđd tr. 119). Ước mong của Lê Văn Hưu thời nhà Trần cho tới ngày nay vẫn còn tính lịch sử vì chỉ có "thánh nhân" người Việt đích thực không bị Hán hóa cách này hay cách khác, là người có tài năng và lòng thương dân, yêu nước thiết tha mới đánh tan được giấc mộng Trung Hoa và làm băng rã chính sách đồng hóa "toàn trị " liên lũy từ xưa đến nay đối với chính dân chúng của họ và nhiều nước chung quanh mà thôi. Nói là họ "đồng hóa ngay chính dân chúng của họ" xưa nay là vì các chính thể từ phong kiến Trung Hoa xưa kia cho đến hiện giờ bản chất thống trị, độc đoán, khắc nghiệt... v.v... đều giống nhau. Dân chúng của họ luôn luôn bị cưỡng chế phải khuôn theo luật pháp do họ định ra khi thay đổi chế độ hay nói khác đi họ "bị đồng hóa theo những chính sách và luật lệ của kẻ cầm quyền đặt ra". Lê Văn Hưu nhìn lại lịch sử thời Bắc thuộc mà ngậm ngùi như thế, còn chúng ta nhìn lại biết bao tình thế xưa nay do Trung Hoa gây ra lại không căm phẫn hay sao!

3- Đợt đồng hóa thứ ba thời Đông Hán mang dấu ấn của Sĩ Nhiếp (187- 226)

Khi Tích Quang và Nhâm Diên sau một thời gian ngắn được trở về phương Bắc, Hán Quang Vũ lại cử Tô Định sang làm thái thú quận Giao Chỉ. Y là kẻ bạo ngược, cai trị hà khắc tàn ác. Y đã ra tay giết Thi Sách chồng của Trưng Trắc, con gái một lạc tướng khiến bà cùng em là Trưng Nhị đứng lên khởi nghĩa đoạt được 65 thành trì, xưng vua đóng đô ở Mê Linh (Phúc Yên) nhưng rồi cũng bị thua trận và tự vẫn nơi dòng sông Hát trước đoàn quân mạnh mẽ của Phục Ba tướng quân (4) Mã Viện. Sau khi dẹp tan được cuộc khởi nghĩa của Hai Bà(43 SCN), Mã Viện cho đúc những trụ đồng đặt ở nhiều nơi. Đồng được thu nạp từ việc bắt dân ta nộp các trống đồng cổ của tiền nhân Việt để đúc trụ. Trên trụ đồng, Mã Viện cho ghi khắc: "Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt 銅 柱 折, 交 趾 滅" Nếu trụ đồng bị gãy đổ, vùng Giao Chỉ sẽ bị diệt vong (ĐVSKTT, kỷ thuộc Đông Hán). Đây là lời răn đe khắc nghiệt đối với tộc Việt chúng ta thể hiện cường quyền của kẻ xâm lược. Gs Lê Mạnh Thát đã mạnh mẽ lên án sự đàn áp khốc liệt khi Mã Viện dẹp được Hai Bà :"Mã Viện..... không những phải vây bắt hàng trăm "cừ soái" đày đi Linh Lăng, thu gom trống đồng để đúc trụ mà còn"điều tấu Việt luật hơn mười việc khác với Hán luật"(sđd, tr83). Từ đó, trải qua các thời vua Hán từ Quang Vũ, Minh đế, Chương Đế, Hòa Đế, Thương Đế, An Đế, Thuận Đế, Xung Đế, Chất Đế, Hàn Đế, Linh Đế, Hiến Đế với 12 đời vua Hán, đất Việt bị sự cai trị theo "Hán luật" và tiêm nhiễm nhiều phong hóa từ nhà Đông Hán phương Bắc mất thêm 195 năm nữa (25-220 SCN). Công việc cai trị của các quan lại nhà Đông Hán không phải bao giờ cũng êm xuôi như thời Triệu Đà. Rất nhiều lần các thứ sử và quan lại nhà Đông Hán ở Lĩnh Nam đã bị dân chúng tạo loạn, nổi lên chống đối do họ áp đặt sưu cao thuế nặng lại bắt đi tìm sản vật quí giá như ngọc trai, vàng bạc, đá quí... v.v... Hệ thống công quyền với những văn thư hành chính, luật lệ, phong tục, chữ viết, tôn giáo... theo đoàn quân cai trị vào đất Việt là những ảnh hưởng của Trung Hoa bước đầu đã xâm nhập trong nhiều sinh hoạt của dân Nam. Ngay cả bộ phận người Việt làm việc cùng với hệ thống cai trị của nhà Hán như Thi Sách và các Lạc Hầu, Lạc Tướng của dân Nam chắc chắn phải học và biết chữ Hán mới có thể giao dịch, làm việc với bọn người cai trị. 

Cuối thời Đông Hán bên T. H, chỉ có Lý Tiến, người bản xứ, đậu mậu tài được cất lên làm thứ sử ở Giao Chỉ. Sau có Lý Cầm, Trương Trọng, Kim Thành... cũng làm quan cho nhà Hán nhưng chỉ cai trị trong nước (TTK, sđd tr. 52). Nhìn cho kỹ, họ cũng chỉ là những tay sai làm cho bọn xâm lược. Chính vì thế, Gs Lê Mạnh Thát (3) đã nhận xét: "Khi người Hán có mặt trên đất Việt thì nhất định có một số người Việt đã Hán hóa" và ông đã thẳng tay phê phán hạng người như Lý Tiến, Lý Cầm... : "... cũng như có một số người Việt đã Hán hóa như Lý Tiến, Lý Cầm đã cầu cạnh xin làm quan với nhà Hán. May mắn là đất nước ta chỉ có một số rất ít những tên như bọn chúng, nếu trọn cả một dân tộc đều như thế thì có phải chúng ta mất nước từ lâu rồi không? Sử ta lại ghi những tên trí thức bán nước cầu vinh này là những người Việt ưu tú vì được Trung Quốc trọng dụng, trong khi đáng lý nếu chúng có một chút quan tâm cho quê hương thì phải biết đứng lên tranh đấu khi đất nước đang bị khổ đau dưới ách thống trị của phương bắc, sao lại có chuyện cúi đầu xin vua Tàu để làm quan, tự đồng hóa mình thành người Tàu như bọn chúng?" (LMT, sđd tr. 291, 292) Đúng như thế, kẻ "tự đồng hóa mình thành người Tàu" theo sự phê phán mạnh mẽ của Gs Lê Mạnh Thát trong các thời kỳ đất nước bị xâm lược kiểu cũ hay kiểu mới đều có. Ngày nay, chắc chắn vẫn còn lắm kẻ bại hoại hơn thế, đội dưới lốt này lốt kia làm tay sai cho kẻ thù muôn đời của dân tộc....

Đó là tác động đồng hóa trên một số nhỏ người Việt cam lòng làm tay chân cho họ như bọn Lý Tiến, Lý Cầm, Trương Trọng... v.v... Và cũng như thời Triệu Đà, tác động đồng hóa phát triển mạnh mẽ hơn cả của nhà Hán là chính sách được thực thi bởi các quan lại do họ cử sang nước ta chẳng hạn trường hợp của Sĩ Nhiếp đã có những ảnh hưởng lâu dài. Cuối đời Đông Hán, nhiều thế lực khác như Ngụy (220-263), Tôn Ngô (222-280) nhân triều đình suy yếu đã nổi lên tranh giành với hai ông vua cuối cùng của nhà Hán (tức Chiêu Liệt đế và Hậu Chủ nhà Thục Hán, 221-238). Bên nước ta, bấy giờ do Sĩ Nhiếp(187-226) làm thái thú Giao Chỉ và Trương Tân làm thứ sử. Nhiếp quê ở nước Lỗ, tổ tiên qua nước ta lánh nạn Vương Mãng đã sáu đời. Sĩ Nhiếp từng qua kinh đô nhà Hán du học và rất chú trọng sách Tả Thị Xuân Thu. Nhiếp đỗ hiếu liêm được làm chức Thượng thư lang. Sau lại đỗ mậu tài được bổ về làm thái thú Giao Chỉ (được cải tên mới là Giao Châu交洲). Khi nói về Sĩ Nhiếp, Lê Văn Hưu đã nhận xét: " Sách Ngô Chí có chép một lá thư của Viên Huy nhà Hán gửi từ Giao Châu cho thượng thư lệnh Tuân Húc năm 207, trong đó có một đoạn như sau: "Sĩ Nhiếp ở Giao Châu đã học vấn sâu rộng lại giỏi chính trị, nên trong buổi đại loạn, vẫn giữ được một quận yên ổn hơn 20 năm, bờ cõi không việc gì, dân vẫn yên nghiệp..." ( ĐVSKTT, sđd, tr123 và NL, sđd, tr. 30). Với bề dày sáu đời sinh sống ở Giao Chỉ, lại gặp khi bên nhà Hán rối ren nên Sĩ Nhiếp cùng quan hiệp trấn Chu Phù không còn là chính quyền nhà Hán mà tự quyền cai quản Giao Chỉ một cách độc lập! Sĩ Nhiếp và các đời cha ông của mình sống ở Giao Châu đã lâu nên hiểu rõ địa lý, dân tình người bản địa. Việc Sĩ Nhiếp "vứt bỏ điển huấn của tiền thánh, bỏ pháp luật của Hán gia" được xem là một hình thái "Việt hóa", tùy thuận và hòa đồng cùng chung sống với những phong tục và tôn giáo của người Việt (xem TTVHPGVN, sđd tr. 159). Vì thế, trước đó khi Trương Tân làm thứ sử "thích việc quỷ thần, thường đội khăn màu đỏ, gảy đàn, đốt hương đọc sách đạo, nói rằng có thể giúp việc giáo hóa" (ĐVSKTT sđd, tr. 124). Tân mất đi, quyền hành giao cho Sĩ Nhiếp với nghi vệ đi theo cũng như Trương Tân: "Khi ra vào thì đánh chuông khánh, uy nghi đủ hết: kèn sáo thổi vang, xe ngựa đầy đường, người Hồ đi sát bánh xe để đốt hương....." (ĐVSKTT, sđd tr. 124). Người Hồ đề cập ở đây và việc đốt hương cho thấy sự có mặt của các sư Phật giáo người Tây vực hay Ấn Độ đã vào nước ta thời đó. Đồng thời, việc tiếp nhận văn hóa bản xứ như tục ngồi xổm, xăm mình, ăn trầu... cũng như văn hóa từ phía tây Giao Chỉ sang ít nhiều cũng cho thấy tinh thần cởi mở của Sĩ Nhiếp. Ngay cả các nhà làm sử nước ta khi nói về Sĩ Nhiếp thì cách nhìn nhận về việc cai trị của ông ta vẫn xem ông là người hữu dụng trong việc dùng lễ nghi để cai trị như cách nghĩ của Lễ bộ Thượng thư Lê Tung kiêm Đông Các Đại học sĩ thời Lê Túc Tông (1514): "Sĩ Vương tập theo phong hóa nước Lỗ, học vấn rộng khắp, khiêm tốn với sĩ phu, đem thi thư để biến đổi tục nước, lấy lễ nhạc để sửa lòng người..." (ĐVSKTT, phần Việt Giám Thông Khảo Tổng Luận, sđd, tr. 43) Dùng Khổng học, dùng thi thư, dùng lễ nhạc để "sửa lòng người" chính là cách đồng hóa quá khôn ngoan và làm cho người viết sử cũng có thể lần lẫn khi nhìn nhận đức hạnh và công lao một người thay mặt triều đại Hoa tộc cai trị xứ Giao Châu! Còn sử thần Ngô Sĩ Liên chắp bút hiệu đính và bổ sung cho ĐVSKTT lại hết sức ca ngợi Sĩ Nhiếp với lời lẽ quá đáng ("... Há chẳng lớn sao") và cho việc các anh hùng hào kiệt đứng lên chống đối là có "tội bất hiếu" với cha già đáng kính cai trị và đồng hóa dân tộc mình: " Nước ta được thông thi thư, tập lễ nhạc làm một nước văn hiến là bắt đầu từ Sĩ vương, công đức ấy không những chỉ ở đương thời mà có thể truyền mãi đời sau, há chẳng lớn sao? Con mà bất hiếu là tội của con thôi!" (sđd tr. 126). Những lệch lạc trong cách bàn luận của người làm sử về cái hay, dở của một con người hay triều đại mà không nhìn rõ bản chất sự việc hay con người quả rất tai hại cho người về sau nếu đọc sử  mà không suy xét đúng sai! Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu như nhà bác học Trương Vĩnh Ký khi tìm hiểu thời kỳ Bắc thuộc có Sĩ Nhiếp cai trị đã đưa một nhận xét đáng lưu tâm: "Sĩ Nhiếp đã du nhập toàn bộ văn học Trung Hoa, cùng đạo lý Khổng Tử, ép buộc dân An Nam phải tiếp nhận làm văn hóa của mình, và cấm dân An Nam dùng thứ chữ viết phiên âm đặc biệt riêng của người An-nam." (5) Như thế, thời kỳ này nước Việt xưa đã hình thành một loại chữ viết riêng nhưng bị nhà cầm quyền từ Triệu Đà cho đến Nhâm Diên, Tích Quang, Sĩ Nhiếp về sau ép buộc dùng chữ Hán kèm theo "Thi Thư" của đạo Nho giáo khiến loại chữ cổ này bị mai một. Một số công trình của Gs Nguyễn Tài Cẩn và cộng sự ở miền Bắc VN mấy chục năm gần đây đã tìm kiếm và công bố một số tự dạng chữ viết cổ của dân tộc Việt có trên trống đồng và nhiều cổ vật tìm kiếm được. Hy vọng sẽ có nhiều công trình khác nữa soi sáng vấn đề này! Ngày nay chữ quốc ngữ ngày càng hoàn thiện nhưng việc nghiên cứu khoa học để xác thực như Trương Vĩnh Ký và nhiều nhà ngôn ngữ học, sử học cho thấy tổ tiên chúng ta thời Hồng Bàng, Văn Lang đã có chữ viết. Đó là một vấn đề mới mẻ cần làm sáng tỏ bằng những công trình khảo cứu chính xác. Đồng thời, việc làm sáng tỏ bằng luận chứng khoa học sẽ là niềm tự hào của chúng ta về nguồn gốc văn hóa, văn minh của Văn Lang. Chính sách đồng hóa của các triều đại Trung hoa đã gây thiệt hại lớn di sản này. Cho nên, cách đồng hóa của những kẻ nho học như Nhâm Diên, Tích Quang, Sĩ Nhiếp rất khôn khéo vừa được lòng dân bản địa, vừa đạt được phần nào trong việc dùng Nho giáo và chữ Hán để đồng hóa làm phai nhạt tinh thần tự chủ của người Việt. Đó là mặt phải và mặt trái của công cuộc đồng hóa trong các giai đoạn Bắc thuộc. Chúng ta có thể mượn lời của ĐVSKTT để tổng kết sơ lược công cuộc đồng hóa của các triều đại phương Bắc từ Triệu Đà đến thời của Đông Ngô gồm hai chính sách cơ bản:    

a- ".... dời những người có tội ở Trung Hoa sang ở lẫn vào các nơi ấy (tức Giao Châu)". 

b"cho học sách ít nhiều, hơi hiểu ngôn ngữ.... do đó trông thấy lễ hóa..." (sđd tr. 129 với lời dịch hơi trúc trắc!)

Về mặt lãnh thổ, thời Sĩ Nhiếp cai quản nước ta với cái tên Giao Chỉ do phương Bắc đặt,  bên Trung Hoa  đang có ba thế lực tranh giành nhau là nhà Ngụy, Thục Hán (Tây Thục) và Đông Ngô (220-280). Đông Ngô gần Giao Chỉ và cũng đang mạnh, muốn chiếm Giao Chỉ nên Sĩ Nhiếp vẫn theo lệ cũ thay vì cống nhà Hán nay quay sang triều cống Đông Ngô để khỏi bị dòm ngó. Khi Nhiếp mất, con là Sĩ Huy tự lên làm thái thú nên bị vua Đông Ngô là Tôn Quyền tức giận sai Đái Lương và Trần Thì sang đánh chiếm giết Sĩ Huy giao Lữ Đại làm thứ sử với danh hiệu Giao Châu mục (kẻ chăn dắt, cai trị Giao Châu). Đất Giao Châu trước được Tôn Quyền chia ra từ Hợp Phố (vùng biển phía nam Phiên Ngung) tính về phía bắc gọi là Quảng Châu, phía nam là Giao Châu, Cửu Chân nay gọi chung là Giao Châu. Phần lãnh thổ Phiên Ngung, Hợp Phố đã bị Trung Hoa thôn tính từ những giai đoạn này. Những người dân Bách Việt bản địa ở đồng bằng Giang Châu với các quận Phiên Ngung, Hợp Phố.... sau nhiều thế kỷ đã bị Hán hóa đã trở thành người Hoa Quảng Châu ; còn người Lạc Việt ở vùng châu thổ sông Hồng tuy bị Bắc thuộc và có sự trà trộn với người di cư từ phía Bắc xuống nhưng chỉ bị tiêm nhiễm ít nhiều văn hóa, phong tục phương Bắc mà thôi chứ chưa bị Hán hóa. Các sử gia xem việc thành lập Quảng Châu với 3 quận tách khỏi Giao Châu thời Ngô Cảnh Đế Tôn Hưu vào năm 264 với mưu tính lâu dài là sáp nhập vùng đất của người Bách Việt thành ra lãnh thổ của Đông Ngô nói riêng và Trung Hoa nói chung. Vùng Quảng Châu gồm các quận như Nam Hải, Thương Ngô, Uất Lâm là vùng có nhiều tộc Bách việt đã bị Hán hóa từ những thời kỳ An Dương vương và cũng thuận tiện cho việc phòng giữ vì là vùng đồng bằng. Còn vùng Giao Châu có nhiều núi non cách trở gồm Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam, việc đồng hóa tuy mạnh mẽ với nhiều đợt nhưng tộc Lạc Việt vẫn giữ được tương đối nguyên vẹn bản sắc của mình và tạo cơ hội cho các đợt vùng lên giành quyền tự chủ sau này.

4- Sự khởi đầu cho thời kỳ tự chủ với cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu và tiến đến thời kỳ nêu cao tinh thần tự chủ của Lý Nam Đế và Triệu Việt Vương

Khi đọc lại lịch sử dân tộc ở những thời kỳ mới xây dựng đất nước và những thời kỳ mất nước phải chịu lệ thuộc phương Bắc, chúng ta không khỏi tự hào khi có những trang sử thời kỳ mất nước vẫn có nhiều anh hùng nêu cao tinh thần tự chủ và độc lập dân tộc. Họ đã không quản ngại hy sinh và bền bĩ đứng lên đấu tranh để tiến đến những thời kỳ tự chủ lâu dài hơn. Tấm gương của những vị anh hùng dân tộc này sẽ mãi mãi soi sáng cho những bước đường giữ nước nhất là trong các giai đoạn đầy khó khăn xưa nay.

4. 1 - Khi Sĩ Nhiếp mất (226), con là Sĩ Huy tự xưng làm thái thú, Tôn Quyền nhà Ngô sai thứ sử Quảng Châu là Lữ Đại đem quân đánh quận Cửu Chân chém chết Sĩ Huy và bắt năm anh em Sĩ Huy về Ngô làm tội. Năm 248, Lục Dận được vua Ngô sai làm thứ sử Giao Châu . Bọn quan lại nhà Ngô là những kẻ tham lam và bạo tàn gây nhiều tổn hại cho dân chúng nên Triệu Ẩu và anh là Triệu Quốc Đạt đứng lên khởi nghĩa. Câu nói tràn đầy hùng khí và kiên cường của bà Triệu Ẩu được dân gian lưu truyền có thể xem là sự khởi đầu cho việc quật khởi và nêu cao tinh thần tự chủ: "Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp đường sóng dữ, chém cá kình lớn ở biển đông, để cứu dân ra khỏi nơi đắm đuối". Đường sóng dữ hay cá kình lớn chính là bọn giặc xâm lược đang thống trị dân nước Nam mà bà và những người có tâm huyết đã "cưỡi cơn gió mạnh" bắt đầu đứng lên. Cuộc khởi nghĩa tuy thất bại nhưng hình ảnh oai phong khi cưỡi voi ra trận và lời nói dũng liệt của bà đã ghi dấu lịch sử như là mốc điểm khơi mào tinh thần tự chủ. Sau cuộc nổi dậy thất bại của anh em Bà Triệu, đất nước lần lượt thay ngôi đổi chủ theo tình hình tranh giành quyền lực bên Trung Hoa từ triều Đông Ngô (năm 227), sang nhà Tấn ( 265). Từ Tấn lại chuyển sang cho Tống (427). Khi nhà Tống hết thời, Giao Châu lại bị chuyển sang cho nước Tề (479), Tề lại chuyển tiếp qua tay nhà Lương (502-540). Suốt 315 năm bị các thế lực bên Trung Hoa tranh giành nhau và nước bị xâm chiếm như Giao Châu nước ta cũng thay đổi theo các biến chuyển đó. Nhưng dù dưới triều đại nào của Trung Hoa trong thời gian này, dân ta vẫn phải chịu những việc đàn áp, sưu cao thuế nặng cung phụng cho bọn cướp nước. Từ sau thời Bà Triệu, ĐVSKTT không đề cập gì đến việc đồng hóa và cai trị của các triều đại này. Nhưng tình hình quân Lâm Ấp ở phía nam thường xuyên quấy phá gây ra bao nỗi đau thương cho Giao Châu phải gánh đủ khó khăn. Đất nước bị lệ thuộc phương Bắc nên bọn Lâm Ấp (tức là Chiêm Thành sau này ) khi mạnh lên có lúc đã đòi triều đình Hán tộc được phép cai quản Giao Châu thay họ! Chẳng hạn như năm "Nhâm Thân (432), Tống Nguyên Gia năm thứ chín, mùa hạ, tháng năm, vua Lâm Ấp là Phạm Dương Mại sai sứ sang cống nước Tống, xin lĩnh Giao Châu..." (ĐVSKTT, sđd, tr. 141). Đất nước bị xâm chiếm nên ngoại bang coi thường ! Mặt khác, do bị Bắc thuộc nên Giao Châu không có binh bị hay hệ thống phòng thủ tốt vì do bọn cai trị phương Bắc nắm hết quyền bính nên mỗi khi bên Trung Hoa có loạn lạc là quân Lâm Ấp lại thừa cơ sang quấy phá.

4. 2- Nối tiếp con đường tự chủ của Bà Triệu, trước sự tham lam, tàn ác của quan lại Lương Vũ Đế (541) và sự quấy phá Giao Châu của quân Lâm Ấp, Lý Bôn hay còn gọi là Lý Bí đã dựng cờ khởi nghĩa đánh đuổi thứ sử Tiêu Tư về nước, chiếm thành Long Biên. Qua năm sau nữa (543), Lý Bôn đã sai tướng Phạm Tu vào vùng Cửu Đức (Hà Tĩnh) đánh đuổi quân Lâm Ấp phải chạy vế nước. Lý Bôn gốc người Hán nhưng qua Giao Châu đã bảy đời nên đã Việt hóa nhiều. Ông thấu hiểu nỗi khổ của người dân bị mất nước sống hòa mình cùng dân Việt nên chúng ta xem ông như con dân đất Việt.

Năm 544, Lý Bôn xưng vua hiệu là Nam Việt Đế 南越帝 sử sách gọi là Lý Nam Đế, đặt tên nước là Vạn Xuân 萬春. Vậy là kể từ khi Thục Phán chiếm Văn Lang, đổi tên nước là Âu Lạc, rồi bị Triệu Đà xâm chiếm đổi thành Nam Việt, trải qua một thời gian khá dài tên nước đã bị mất và trở thành châu quận của phương Bắc, bây giờ mới có được quốc hiệu trong một thời gian ngắn ngủi! Nhưng con đường dành lại quyền tự chủ cũng lắm chông gai. Năm 546, thứ sử Dương Phiêu và tướng Trần Bá Tiên nhà Lương đem quân sang, Lý Nam Đế đương cự không lại nên rút về Khuất Liêu (Hưng Hóa) giao binh quyền cho tả tướng quân Triệu Quang Phục chiếm lĩnh vùng đầm lầy Dạ Trạch (Khoái Châu, Hưng Yên) làm kế đánh địch lâu dài.

Năm 546, Lý Nam Đế mất, Triệu Quang Phục xưng là Triệu Việt Vương. Đánh nhau với quân Trần Bá Tiên lâu ngày bị cạn lương thực mà vẫn chưa phá được quân giặc. Nhân cơ hội bên nhà Lương có biến loạn, Trần Bá Tiên bị triệu về nước nên Triệu Việt Vương đánh đuổi quân giặc lấy lại thành Long Biên. Năm 557, người họ hàng xa của Lý Nam Đế tên là Lý Phật Tử đem quân về đánh Triêu Quang Phục nhưng không lại phải xin giảng hòa nhưng Phật Tử lại âm thầm chuẩn bị đánh Long Biên. Năm 571, Phật Tử bất ngờ đem quân đánh, Triệu Việt Vương thua chạy đến sông Đại Nha tự vẫn. Nhưng năm 602, nhà Tùy đã thống nhất được Trung Hoa đem quân sang đánh, Lý Phật Tử thấy thế mạnh của quân Tùy nên xin hàng. Thời kỳ tự chủ ngắn ngủi của Vạn Xuân lại rơi vào tay giặc xâm lăng thêm 336 năm nữa (603-939). Khi tìm hiểu đế hiệu của Lý Bôn hay rồi đến thời của Triệu Quang Phục, chúng ta thấy rõ tinh thần tự chủ và niềm tự hào làm người Việt phương Nam của hai vị vua tiếp nối tinh thần tự chủ của Bà Triệu : Lý Bôn xưng là Lý Nam Đế, Triệu Quang Phục xưng là Triệu Việt Vương. Từ đó chúng ta thấy rằng việc đồng hóa của Bắc phương đã thất bại khi tinh thần yêu nước vẫn còn mạnh mẽ trong nhiều tầng lớp dân Việt trước những đợt sóng dữ biến nước Nam thành lệ thuộc trên ngàn năm. Có lẽ trong lịch sử thế giới, chưa có nước nào chịu sự đô hộ với nổ lực đồng hóa lâu dài trên một ngàn năm của giặc xâm lược phương Bắc như thế mà vẫn có thể tồn tại ! (Cho nên những cái tên vẫn được nhiều người đời sau không để ý khi dùng nó như Giao Chỉ, An Nam chỉ là những cái tên biểu tượng một thời đất nước ta trở thành châu quận lệ thuộc Trung hoa đầy tủi nhục (với cái tên "Giao Chỉ quận" hay "An Nam Đô hộ phủ"). Nó chỉ nên nhắc đến khi nói về lịch sử chứ không nên dùng như với niềm tự hào mình là người Giao chỉ, mình là người An Nam....)

4. 3- Đợt lệ thuộc lần thứ tư kéo dài 336 năm (603-939) ròng rã từ thời nhà Tùy (589-617), tiếp theo là nhà Đường (618-907) rồi đến đời Ngũ Quí bên Trung Hoa mà trực diện là nhà Nam Hán.

- Khi nhà Tùy sai Lưu Phương sang dụ hàng Lý Phật Tử (602), nhà Tùy đã cai trị nước ta được 27 năm, chủ yếu là đánh quân Lâm Ấp thường sang quấy phá và nhân tiện cướp lấy châu báu của nước này có được do được yên bình lại hay cướp phá các nước chung quanh tích trữ của cải dồi dào.

Năm 618, nhà Tùy bị mất vào tay nhà Đường, thái thú Giao Châu là Khâu Hòa thần phục nhà Đường nên được phong Giao Châu đại tổng quản. Y là một viên quan biên trấn rất giàu có nhờ vào các nước như Lâm ấp và các bộ tộc dâng nạp lễ vật. Bắt đầu từ đây nước ta từ tên Giao Châu thời Đông Hán nay lại bị nhà Đường đổi thành An Nam Đô Hộ Phủ rồi chia thành 12 châu. Trần Trọng Kim đã nhận định về giai đoạn lệ thuộc này: "Từ khi nước ta thuộc về nước Tàu, chỉ có nhà Đường cai trị là nghiệt hơn cả..... những nhà làm sử nước ta sau cứ theo sử Tàu mà chép lại, cho nên mới sơ lược như vậy" (sđd, tr. 66). Tuy sử sách giai đoạn này ghi chép sơ lược nhưng chúng ta cũng thấy bọn quan cai trị nhà Đường cũng tham lam tìm cách vơ vét, bày ra sưu cao thuế nặng nên mới xảy ra các cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan đời Đường Huyền Tôn (722) khiến vua Đường phải sai tướng Dương Tư Húc hợp cùng quan đô hộ mới dẹp được. Khi ghi lại việc này ĐVSKTT đã dùng từ rất sai trái khi viết: "Tướng giặc là Mai Thúc Loan chiếm giữ châu xưng là Hắc Đế....". Một người can đảm vì nghĩa lớn đứng lên vì nước sao lại dùng từ "Tướng giặc". Người viết sử đứng về phe xâm lược hay người dân bị đô hộ?! Và sách sử của Lê Văn Hưu cũng ca ngợi gián tiếp những người gốc quận Cửu Chân học hành theo lối của kẻ cai trị đậu tiến sĩ làm quan và có công lao cho nhà Đường như Khương Công Phụ (sđd, tr. 169). Hạng người này, như cách Gs Lê Mạnh Thát đã nói bên trên, cũng chỉ là kẻ trí thức tiếp tay cho bọn giặc cướp nước mà thôi!

Cũng do lòng tham lam và tàn ác nên năm 791 do việc bắt dân ta đóng góp nặng nề nên hào phú Phùng Hưng đã nổi lên vây phủ đường khiến An Nam Đô Hộ Phủ Cao Chính Bình lo sợ phẫn uất mà chết (sđd, tr. 170). Khi Phùng Hưng mất, con là Phùng An tôn xưng là Bố Cái Đại Vương. Trương Chu rồi Cao Biền, Vũ Hồn làm quan đô hộ Giao Châu cũng bắt dân đắp thành, đóng thuyền rất khổ cực ((sđd, tr. 172, 173). Thời gian này, ngoài bọn giặc xâm lược, dân ta còn chịu sự đánh phá, cướp bóc của quân Lâm Ấp và nhất là quân Nam Chiếu từ phía tây bắc kéo xuống nữa. Sử sách đã ghi lại: "Nam Chiếu hai lần đánh Giao Châu vừa giết, vừa bắt gần 15 vạn người. Lưu hai vạn quân sai Tư Tấn giữ thành Giao Châu của ta..." (sđd, tr. 179). Đất nước bị một cổ hai tròng, vừa với bọn giặc Đường xâm lược lại thêm bọn Lâm Ấp rồi Nam Chiếu quấy phá khiến dân chúng thiệt hại người và của rất lớn. Thời Tùy Đường, Giao Châu bị đô hộ một khoảng thời gian khá dài mất 304 năm ròng (603-906)với tên mới An Nam Đô Hộ Phủ. Sử liệu không đề cập chính sách đồng hóa của phương Bắc với dân ta thời kỳ này nhưng với thời gian cai trị dài như thế, nhà Tùy, nhất là nhà Đường đã mang nhiều sách vở vào nước ta. Thời nhà Đường, nhất là thời Đường Minh Hoàng (Đường Huyền Tông) văn học thịnh trị nên thơ văn nhà Đường do bọn người cai trị mang vào sẽ hấp dẫn các thành phần trí thức đang dần dần biến thành nho sĩ kiểu cách Trung Hoa. Bên cạnh đó, bã vinh hoa, phú quí cũng là một cách thức để những "kẻ sĩ" nước ta làm việc cho bọn người xâm lược. Ba trăm năm lệ thuộc nhà Đường, nước ta chịu ảnh hưởng sâu đậm phong cách nhà Đường về mặt tổ chức triều đình, luật lệ, phát triển nho học, văn học và nhiều loại hình khác.

- Năm 907, nhà Đường mất Giao Châu vào tay nhà Hậu Lương. Rồi Giao Châu lại quay trở lại với nhà Hậu Hán hay còn gọi là Nam Hán (923). Trong khoảng thời gian này, những "kẻ sĩ" có khả năng và tâm huyết như dòng họ Khúc với Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo, Khúc Thừa Mỹ, nhân khi nhà Đường suy tàn, năm dòng họ bên Trung Hoa tranh giành nhau đứng đầu thiên hạ (gồm Hậu Lương, Hậu Tấn, Hậu Chu, Hậu Hán và Hậu Đường), đã đứng ra cha truyền con nối làm thủ lĩnh dân Việt với sự chấp nhận của các thế lực này tùy lúc mạnh yếu. Khi nhà Hậu Hán (Nam Hán) có thực lực để dòm ngó Giao Châu đã đem quân bắt Khúc Thừa Mỹ đưa Lý Khắc Chính và Lý Tiến sang cai trị. Dương Diên Nghệ là tướng của Khúc Hạo trước đây đã nổi lên đánh đuổi được hai viên quan cai trị này xưng làm Tiết độ sứ. Vua Nam Hán ban cho tước vị để chiêu dụ Dương Diên Nghệ (có sách viết là Đình Nghệ) nhưng chỉ được sáu năm đã bị tên Kiều Công Tiện (sách VNSL gọi là Tiện còn ĐVSKTT gọi là Tiễn) giết chết để cướp quyền. Sách sử Trung Hoa như cuốn Ngũ Đại Sử (thời năm triều đại tranh dành quyền lực) cũng phải nhìn nhận rằng: " Vua Hán bảo tả hữu rằng : Dân Giao Chỉ hay làm loạn, chỉ nên ràng buộc thôi"(ĐVSKTT, sđd tr. 189). Dân "Giao Chỉ" chúng ta "hay làm loạn" nghĩa là thường có dịp là đứng lên tìm mọi cách đánh đuổi bọn xâm lược. Đó là ý thức tự chủ, dành lại sự độc lập cho dân tộc khởi phát từ những người anh hùng như Mai Thúc Loan, Phùng Hưng, Dương Diên Nghệ, Ngô Quyền... v. v... "hay làm loạn" vì không thể chấp nhận sự đô hộ của ngoại bang đó thôi !

PHẦN 3

Chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền đã mở ra một giai đoạn mới nêu cao tinh thần tự chủ cho các triều đại về sau.

1- Với ý thức tự chủ như thế, Dương Diên Nghệ đã âm thầm tụ tập được ba ngàn tráng sĩ để mưu tính khôi phục lại đất nước (Xem ĐVSKTT, sđd, tr. 190). Mưu tính của họ Dương bị quan chức cai trị như Lý Tiến biết được đã thông báo cho vua Nam Hán. Diên Nghệ vây bắt Lý Tiến nhưng y trốn thoát chạy về nước. Quan thừa chỉ Trần Bảo được cử sang đánh nhưng bị quân binh Dương Diên Nghệ giết chết. Họ Dương tự xưng là Tiết độ sứ Giao Châu nhưng bị tên Kiều Công Tiện(Tiễn) là nha tướng âm mưu giết Nghệ để dành quyền bính. Nha tướng khác của họ Dương là Ngô Quyền từ Ái Châu đem quân ra đánh Tiện. Vua Nam Hán nhân việc cầu cứu của Tiện đem quân tiến chiếm nước ta. Ngô Quyền nghe quân Nam Hán do vua Hán đích thân ra trận giao cho thái tử Hoằng Thao theo đường thủy đi trước còn vua Hán yểm trợ từ Hải Môn. Ngô Quyền cho quân giết Tiện trừ hậu họa vì sợ nội ứng (938). Hoằng Thao dẫn thủy quân đi vào trận thế trên sông Bạch Đằng do Ngô Quyền chuẩn bị sẵn với cọc gỗ bịt sắt nhọn nhô lên khi nước rút khiến thuyền bè của Thao rối loạn và bị đắm nhiều. Ngô Quyền lúc đó huy động quân lính đi thuyền nhỏ ra đánh khiến quân giặc chết quá nửa, bắt được thái tử Hoằng Thao đem giết đi. Vua Hán nghe tin rụng rời, than khóc và rút lui về Phiên Ngung.

Chiến thắng Bạch Đằng đã mở ra trang sử mới. Năm 939, Ngô Quyền xưng vương tức Ngô Vương đóng đô ở Cổ Loa (Đông Anh, Phúc Yên) và thiết lập triều chính, ấn định sắc phục và quan chức, chỉnh đốn lại công việc điều hành một đất nước trong thời kỳ tự chủ hoàn toàn, sạch bóng quân giặc. Ba trăm năm lệ thuộc nhà Đường, nước ta chịu ảnh hưởng sâu đậm phong cách nhà Đường về mặt tổ chức triều đình, luật lệ, phát triển nho học, văn học, giáo dục và nhiều thứ khác nữa. Riêng về việc tổ chức triều đình đã được Ngô Quyền áp dụng khi xưng vương sau khi chiến thắng quân Nam Hán. Ngô Quyền là nha tướng của Dương Diên Nghệ và cả hai từng gần gũi với hệ thống cai trị của nhà Đường. Khi đánh tan quân Nam Hán, nhờ sự hiểu biết về việc cai trị của phương Bắc nên Ngô Quyền khi lên ngôi vua đã nhanh chóng xây dựng và củng cố hệ thống triều đình. Sử thần Ngô Sĩ Liên đã nhận xét: " Nhà Tiền Ngô nổi lên được, không những là chỉ có công chiến thắng mà thôi, việc đặt trăm quan, chế định triều nghi, phẩm phục có thể thấy được quy mô của đế vương " (ĐVSKTT, sđd, tr 194). Nếu việc cai trị thời vua Hùng nhẹ nhàng đơn giản, " thuần hậu quê mùa "( chữ của LVH, xem phần trên) , qua hơn 1000 năm bị Bắc thuộc chắc chắn người Việt đã học được cách tổ chức điều hành nhà nước từ kẻ cai trị. Đó cũng là sự cần thiết để sau này có những triều đại thịnh trị và vững vàng nhiều mặt như triều Lý, triều Trần, triều Lê mà phần lớn việc tổ chức các mặt của triều đình như binh bị, luật pháp, giáo dục, lễ nghi phải chịu ảnh hưởng của Trung Hoa. Vấn đề chịu những ảnh hưởng tốt và xấu như thế nào lại là một vấn đề khác nữa sẽ bàn về sau. Cho nên, việc giành lại quyền tự chủ đất nước là một việc khó khăn và thuận theo thời thế nhưng nếu không biết cách trị nước sao cho hợp lòng dân và có bài bản sẽ khó xây dựng được được đất nước được thịnh trị, ổn định và hùng cường để sẵn sàng đối phó với ngoại xâm. Tuy thời đại của Ngô Vương ngắn ngủi (939-965) nhưng ông đã đặt được nền tảng việc xây dựng triều đình mà các triều đại sau sẽ nối tiếp vững vàng hơn.

2- Sau khi Ngô Quyền mất đi, Dương Tam Kha đã cướp ngôi từ cháu là Ngô Xương Ngập ( kêu Kha bằng cậu). Loạn 12 sứ quân bắt đầu xảy ra khắp nước. Đinh Bộ Lĩnh theo sứ quân Trần Minh Công và khi Minh Công mất, quyền hành về tay Đinh Bộ Lĩnh.

Chỉ trong vòng một năm, ông đã dẹp được hết các sứ quân khác và lên ngôi hoàng đế hiệu là Đinh Tiên Hoàng, đặt tên nước là Đại Cồ Việt 大𡚝越 , đóng đô ở Hoa Lư. Tuy xưng là hoàng đế nhưng Đinh Bộ Lĩnh phải lĩnh chức phong "Giao Chỉ Quận Vương" của nhà Tống, và chấp nhận triều cống hằng năm để đất nước được yên ổn tạo tiền lệ cho các vua đời sau.

Vua Đinh Bộ Lĩnh đặt tên nước là Đại Cồ Việt cũng mang một ý nghĩa tự hào về sự lớn mạnh của nước Việt [ cồ: (nôm 𡚝) nói theo tiếng nước Nam có nghĩa là sự lớn mạnh, to lớn; gốc tiếng Hán của "cồ" là "cù"瞿 chỉ sự ngơ ngác, kinh ngạc, nhìn gườm gườm, binh khí như cây kích, họ Cù.. ]. Rõ ràng bầu khí yêu nước và niềm tự hào về nước Nam đang lan tỏa từ sau những cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, Bà Triệu... v. v... tạo nên một sức mạnh mới cho các thời đại sau : đó là lòng yêu nước.

3- Trước việc nhà Tống chuẩn bị mang quân sang nước ta, vua Đinh còn trẻ nên
các tướng sĩ đã tôn Thập Đạo tướng quân Lê Hoàn黎桓 lên ngôi, với danh xưng là Đại Hành hoàng đế 大行皇帝 (989) ngang ngữa với hoàng đế Trung Hoa! Cách xưng hiệu như thế cho thấy tinh thần tự chủ rất cao trong giới từng cầm giữ binh quyền như Lê Hoàn. Việc vua Lê Đại Hành đánh tan quân Tống xâm lược, giết được tướng giặc là Hầu Nhân Bảo cũng cho thấy sự lớn mạnh của đội quân bảo vệ đất nước bấy giờ. Nhưng các vua đầu tiên của nước ta cũng thấy rõ thế mạnh và mưu đồ xâm lược của phương Bắc không thể dập tắt được nên phải dùng con đường ngoại giao và triều cống để giữ yên bờ cõi. Vua Đại Hành chấp nhận trên danh nghĩa chức Tiết độ sứ, rồi Tống lại gia phong Nam Bình Vương cho nhà vua chỉ có giá trị về mặt hình thức. Kế tiếp vua Lê Đại Hành đem quân đánh Chiêm Thành, chiếm được kinh thành của họ, buộc họ phải hàng năm triều cống nước ta là một thành tích quân sự lớn lao đối với một nước mới giành quyền tự chủ.... Vững vàng về binh bị, khôn khéo trong ngoại giao và nhất là tự tin vào khả năng chiến thắng được quân địch là một trong những bài học tự cường quan trọng của tiền nhân để giữ gìn độc lập cho đất nước mà các thế hệ sau cần lưu tâm. Các vua tài giỏi thuở đầu tỏ ra không hèn kém trước phương Bắc hơn hẳn đất nước ta nhiều mặt! Một Ngô Quyền lẫm liệt dám bắt sống và chém chết thái tử Nam Hán là Hoằng Thao; một Lê Đại Hành uy dũng phá tan quân Tống, bình định quân Chiêm Thành thường quấy phá là những hình ảnh sáng ngời của thời kỳ tự chủ. Nhờ những nỗ lực đó, dân tộc ta bước sang thời kỳ mới đã có được những triều đại rỡ ràng, những vị vua tài giỏi khiến cho kẻ ngoại xâm phải e dè và đem lại những thành quả tốt đẹp trong việc xây dựng đất nước.

4- Con cháu của vua Lê Đại Hành không được đào luyện trong quân ngũ và trong chiến trận nên thiếu khả năng cầm đầu đất nước lại ham tranh giành ngôi vua và sắc dục (Lê Trung Tông, Lê Long Đỉnh). Những người giúp rập giỏi như tướng Đào Cam Mộc cũng như sư Vạn Hạnh nhận thấy cần phải thay đổi vì dân chúng và quân sĩ oán hận sự tàn ác và ăn chơi vô độ của Lê Long Đỉnh. Các vị ấy cùng triều thần đã ủng hộ Điện Tiền Chỉ huy sứ Lý Công Uẩn 李公蘊 lên làm vua hiệu là Lý Thái Tổ; nhà vua đã thấy ngay việc đầu tiên là phải dời kinh đô từ Hoa Lư về thành Thăng Long vì thuận tiện việc đi lại, đất đai bằng phẳng và rộng hơn cho việc xây dựng thành trì.... Triều nhà Lý với những vị vua như Lý Thái Tổ (1010-1028), Lý Thái Tông (1028-1054), Lý Thánh Tông (1054-1072), Lý Nhân Tông (1072-1127) cầm nắm vận mệnh đất nước trong các thời gian trị vì đều là những vị vua không những sáng suốt, nhân đức mà lại còn giỏi võ bị quen trận mạc cũng như chú tâm chăm lo việc sửa sang nội trị như luật lệ, thủy lợi, mở Quốc Tử Giám để thi cử chọn hiền tài giúp nước, định quan chế, phân định tổ chức quân binh, học tập binh pháp.. v. v... Đồng thời các quan đại thần trong triều như Lê Phụng Hiểu, Lý Đạo Thành, Lý Thường Kiệt, Tôn Đản, Lê Văn Thịnh, Tô Hiến Thành... v. v.. là những người tài giỏi, lo giúp vua gìn giữ xã tắc chống giặc Tống vẫn hay dòm ngó hoặc quân Chiêm Thành cũng như các tộc vùng biên giới sát Lào vẫn thường quấy phá. Vua Lý Thánh Tông cũng đổi tên nước Đại Cồ Việt thành Đại Việt 大越 cho uy nghiêm, văn vẻ và gọn gàng hơn, ông là một vị vua anh minh, thương dân, lo mở mang việc học nhưng lấy khuôn mẫu từ lối học hành của các triều đình phương Bắc. Tuy nhiên điểm nổi bật của các vua nhà Lý thời kỳ đầu là biết giữ gìn sự độc lập và tự chủ của đất nước bằng việc rèn luyện sức mạnh quân sự kinh qua việc "phá Tống, bình Chiêm". Trước đây, khi chưa dành lại được quyền tự chủ đất nước, chuyện đem quân qua nước cai trị mình đánh lại họ là chuyện không thể nào có được. Nhưng với các vị vua như Lê Đại Hành đã đánh bại quân Tống, nhất là Lý Nhân Tông đã cho quân do Lý Thường Kiệt và Tôn Đản cầm đầu tiến đánh Liêm Châu, Khâm Châu (Quảng Đông) và Ung Châu (Quảng Tây) của nhà Tống. Ngoài chuyện bị lệ thuộc phương Bắc, đất nước ta cũng thường xuyên bị quân Chiêm Thành sang cướp phá. Một ngàn năm Bắc thuộc là kèm thêm không biết bao nhiêu lần quân Lâm Ấp (Chiêm Thành) tiến đánh Giao Châu. Nhưng từ đây khi các vua Tiền Lê, Hậu Lý... vững mạnh đã dẹp yên chuyện quấy nhiễu, cướp bóc này. Trang sử thời kỳ tự chủ mở ra với những đợt bình định phương Nam của vua Lê Đại Hành, vua Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông không những dẹp yên phía nam mà lại mở rộng đất đai do Chiêm Thành dâng nạp như châu Địa Lý, châu Ma Linh, châu Bố Chánh (từ Nghệ An xuống đến Hà Tĩnh, Quảng Bình). Nhưng rồi, quân Chiêm Thành các thời kỳ về sau vẫn cứ thường xuyên sang quấy phá nước ta. Một ngàn năm nước ta bị Bắc thuộc, nhưng trong một ngàn năm đó, nước ta lại phải chịu không biết bao nhiêu sự cướp phá của quân Lâm Ấp phía nam hay Nam Chiếu phía tây gây thiệt hai tính mạng và tài sản của dân ta rất lớn. Gây nhân nào là phải gặt quả nấy ! Cho nên, khi nước ta dành lại quyền tự chủ, vua quan giỏi giang, binh lực vững vàng đã tiến đánh Chiêm Thành liên tục trong thời Tiền Lê, thời Hậu Lý để tiêu trừ đi việc thường xuyên quân Chiêm Thành sang quấy phá nước ta. Thời Trần Duệ Tông (1372), Chiêm Thành lại sang quấy nhiễu khiến Duệ Tông đích thân chinh phạt và bị tử trận. Năm 1378 đời vua Trần Phế Đế, nước ta suy nhược, Chế Bồng Nga của Chiêm Thành đem đại quân tiến đánh Thăng Long. Về sau, nhà Hậu Lê dưới thời vua Lê Nhân Tông (1443), Lê Thánh Tông (1470) do sự quấy phá của họ đã tiến đánh Đồ Bàn và vua Lê Thánh Tông năm 1470 đã tiến đánh chiếm hẳn Chiêm Thành lập ra đạo Quảng Nam. Điều đó cho thấy  Lâm Ấp rồi Chiêm Thành đã gây ra biết bao thiệt hại cho nước ta suốt cả ngàn năm Bắc thuộc và kéo dài đến cả thời Hậu Lê nên cuối cùng phải trả giá!

Chuyện nội trị cũng cho thấy những khả năng nhiều mặt của các vị vua thời kỳ này trong công cuộc làm chủ đất nước. Thời nhà Lý những vị vua không những giỏi võ bị mà lại thấm nhuần đạo Phật, hiểu biết việc nội trị nên đã xem việc tổ chức mở trường dạy học hay thi cử chọn hiền tài, phát triển văn học là cần thiết. Đó là một trong những điểm son của thời kỳ nền tự chủ đất nước đã có nề nếp hơn trước. Chuyện học hỏi việc tổ chức triều đình cùng nhiều vấn đề sửa sang việc nước, các vua thời kỳ này phải học hỏi Trung Hoa. Học hỏi vì mình chưa có bề dày lịch sử làm chủ đất nước nên rất cần những kinh nghiệm của họ. Đó là quá trình tất yếu phải đi qua. Với 1000 năm Bắc thuộc rồi phải học hỏi phương Bắc việc sửa sang đất nước, các vua nước ta vẫn giữ được tinh thần độc lập và tự chủ. Sử gia Trần Trọng Kim đã nhận xét về thời kỳ Bắc thuộc này :" Châu ta có một cái nghị lực riêng và cái tính chất riêng để độc lập, chứ không chịu lẫn với nước Tàu... "(VNSL, sđd, tr. 79). Hơn thế nữa, thế giới quan thời các vua Tiền Lê hay Hậu Lý chỉ có một hướng chính là nhìn lên phía Bắc để học hỏi vì có còn nước nào khác bấy giờ gần gũi và có nhiều điều để học tập cho việc trị nước ngoài Trung Hoa lâu đời đâu ! Và chúng ta cũng nên thấy rằng lịch sử Trung Hoa có bề dày khá dài, không tính các đời vua huyền sử như Phục Hi, Thần Nông, Hoàng Đế, Nghiêu, Thuấn (khoảng 2852-2205 TCN), những triều đại đầu tiên của họ như nhà Hạ, nhà Thương Ân, nhà Chu đã trải qua một thời gian khá dài (khoảng 2205-1078 TCN). Từ thời Xuân Thu, Chiến Quốc cho đến đời Tần (770- 221 TCN), chúng ta thấy các triều đại của phương Bắc đã thành hình trước khi có triều đại Văn Lang (khoảng 258 TCN) khoảng 2600 năm ròng rã ! Trung Hoa thực sự đã có một nền văn minh lâu đời nên khi dành được quyền tự chủ, các vua thuở đầu của nước ta phải chấp nhận học những điều cần thiết để trị nước. Cũng chính vì học nhưng " không chịu lẫn với Tàu "(T. T. K) nên mới không bị sức mạnh và nền văn minh của họ đồng hóa và vẫn giữ được bản sắc riêng. Dĩ nhiên, tuy có lựa chọn, gạn lọc nhưng khi học hỏi việc trị nước vẫn có những ảnh hưởng không cần thiết, không thích hợp vẫn bị du nhập từ Trung Hoa làm cho đất nước đôi khi "như một bản sao" mặt này mặt kia về tư tưởng, học thuật, văn hóa, tôn giáo, chính trị, hành chính, binh bị với nhiều chỗ rập khuôn Trung Hoa.

o0o

Nhìn chung, chiến thắng trên sông Bạch Đằng của Ngô Quyền là nguồn cảm hứng to lớn của thời đại tự chủ và công lao "Phá Tống, Bình Chiêm" của Lê Hoàn là một sự khởi đầu tốt đẹp làm nền tảng cho các triều đình như các thời Lý, thời Trần, thời Hậu Lê hay Nguyễn Tây Sơn sau này học hỏi tinh thần tự chủ và bảo vệ đất nước. Một nước Nam đã đứng lên vững vàng trải qua những cơn sóng lớn với khả năng tiến đánh miền nam nước Tống, bình định Chiêm Thành và mở rộng cương vực về phía nam của các vua nhà Lý. Một nước Nam với vua tôi nhà Trần kiên cường đã ba lần phá tan quân xâm lược Mông Cổ mạnh nhất thế giới thời đó của Thành Cát Tư Hãn. Một nước Nam bền bĩ oai hùng với Lê Lợi cùng quần thần mưu trí tài giỏi đã đánh tan quân xâm lược tàn ác của Minh Thành Tổ Chu Đệ cùng những mưu đồ hủy diệt và xóa sổ các thành tựu mọi mặt của nước Nam trong đó có những di sản văn học, văn hóa còn ít ỏi của nước ta. Một Quang Trung hoàng đế của nhà Nguyễn Tây Sơn lẫm liệt phá tan chớp nhoáng quân Thanh xâm lược... v.v... Tinh thần yêu nước và bảo vệ nền tự chủ của các anh hùng qua những giai đoạn này thật to lớn để đất nước được tồn tại. Nhưng ngày nay trước sự mất còn của đất nước, trước kẻ thù phương Bắc quá lớn mạnh đòi hỏi đất nước cần có những con người yêu nước đích thực biết đặt quyền lợi dân tộc và đất nước lên trên hết, dám xả thân vì sự tồn vong của dân tộc và nhất là đủ khôn ngoan để xây dựng một đất nước hùng mạnh có khả năng ngăn chặn sự bành trướng mọi mặt của kẻ thù truyền kiếp. Quả thật đây là một công việc rất đỗi khó khăn mà chỉ có sự hòa hợp dân tộc cùng chung lòng mới mong đoàn kết và xây dựng sức mạnh đối phó với phương Bắc. Hơn 2000 năm sau, vẫn với cách thức đồng hóa như thế đi kèm với việc mang danh nghĩa là đầu tư kinh tế, phương Bắc lại tìm đủ mọi cách để vào nước ta. Với số thặng dư 12, 2 ngàn tỷ đô la Mỹ, [Từ 1978 đến 2018, Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) của Trung Quốc tăng từ 150 tỷ đô la lên 12, 2 ngàn tỷ đô la (dữ liệu của Liên hiệp quốc)-BBC Tiếng Việt ngày 20/12/2018 ] cộng thêm việc sử dụng biện pháp quân sự răn đe, ngoại giao, hăm dọa, đút lót... v.v..., phương pháp xâm chiếm kiểu tằm ăn dâu của họ từng bước đe dọa sự tồn vong của dân tộc chúng ta. Những sự tìm hiểu về chuyện con lai người Hoa rơi rớt qua các dự án lớn nhỏ, việc mua nhà cửa đất đai, việc chi phối về mặt chính trị, việc dùng vũ lực để chiếm biển đảo... v.v... là một chuỗi những sự kiện đi theo con đường đồng hóa có từ xưa nhưng trong những hình thức mới hơn mà thôi. Nếu thuật từ "chủ nghĩa thực dân mới" từng được Bắc Việt và Bắc Kinh sử dụng để nói về việc Mỹ can thiệp vào miền Nam thời chiến tranh vừa qua thì bây giờ phương Bắc đang dùng nó cho con đường "trỗi dậy" đầy mưu mô gian trá của họ. Những gì họ nói kẻ khác bây giờ họ lại sử dụng triệt để hơn thâm độc hơn, tinh vi hơn và cũng tàn bạo hơn (6). "Con đường tơ lụa" là một bẫy nợ sẽ khiến quốc gia nào dính dáng đến TQ và lệ thuộc vào họ .Đó là một kiểu thực dân mới hơn hẳn các kiểu cũ rất nhiều ! Còn một phương án nữa là chính hàng ngũ lãnh đạo Trung Hoa phải thay đổi đi theo con đường "hữu đạo", đi đầu trong việc gìn giữ nền hòa bình cho nhân loại, đề cao "chủ nghĩa "chung sống hòa bình", trả lại tự do và độc lập cho đất nước Tây Tạng, trả lại đất đai và tự do cho người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, tôn trọng sự chọn lựa dân chủ độc lập của Đài Loan, trả lại biển đảo đã cưỡng chiếm và đất đai biên giới của nước ta... v.v... Được như vậy, thế giới sẽ nhìn Trung Hoa thân thiện hơn, một Trung Hoa đàng hoàng tử tế sẽ xứng đáng với nền văn minh khá sớm ở nhiều mặt của họ từng được xem là một trong những cái nôi của nền văn minh nhân loại . Ngược lại ,nhân loại sẽ xem họ là một trong những quốc gia lấy CÁI ÁC để hành xử và họ sẽ là hiểm họa của thế giới này. Cho nên,dầu Trung Hoa có một nền văn minh từ xưa rất phong phú nhưng cứ nhìn cách họ đang hành xử hiện nay thì nền văn minh đó nhất là về mặt học thuật  sẽ bị nhiều quốc gia xa lánh!
 
Chú thích:

(1)- Gs Kim Định tên thật Lương Kim Định(1915-1997) là giáo sư triết học Đông Phương của ĐHVK Saigon, Viện ĐH Dalat, Viện ĐH Vạn Hạnh từ 1958 với chủ trương triết lý Việt Nho và An Vi (xem thêm chi tiết trên TL tham khảo trên Wikipedia).
(2)- Thi thư chữ dùng của ĐVSKTT chỉ Lục Kinh : gồm Kinh Thi 詩經, Kinh Thư 書經, Kinh Lễ 禮經, Kinh Dịch易經, Kinh Nhạc樂經, Kinh Xuân Thu春秋經. (Về sau, thời Tần Thủy Hoàng cho đốt sách, chôn nho nên khi phục hồi, Kinh Nhạc chỉ còn ít ỏi, phải ghép chung với Kinh Lễ nên gọi là Ngũ Kinh五經 là năm cuốn sách căn bản của Nho giáo). Ngoài ra "thi thư" cũng chỉ "Tứ Thư" (Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ, Mạnh Tử ), là bốn cuốn nền tảng dạy đạo nghĩa của Nho giáo. Chín cuốn sách này vẫn thường được gọi là "thi thư".
(3)- Gs Lê Mạnh Thát : tức thiền sư Thích Trí Siêu là Gs Viện Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn, giảng dạy các môn tiếng Sanskrit, lịch sử triết học Ấn Độ, lịch sử Phật giáo Việt Nam; 1975-1984: Giảng dạy tại Viện nghiên cứu Phật học Vạn Hạnh tại Sài Gòn. Từ 1998 đến nay, thầy Thích Trí Siêu là Giáo sư, Phó Viện trưởng rồi Viện trưởng Viện nghiên cứu Phật giáo Việt Nam tại Sài Gòn (xem thêm chi tiết trên BKTT Wikipedia)
(4)- Các vua Trung Hoa thường phong cho viên tướng đi ra biên tái đánh dẹp các bộ tộc bên ngoài là Phục Ba tướng quân伏波 將軍 (nghĩa là tướng quân đi hàng phục những cơn sóng gió) như Lộ Bác Đức thời Hán Vũ đế nhà Tây Hán sang đánh nhà Triệu (111 TCN) và Mã Viện thời Hán Quang Vũ đế thời Đông Hán sang đánh dẹp Hai Bà Trưng (41 SCN).
(5)- Cours d'histoire annamite à l'usage des écoles de la Basse-Cochinchine, Impr. du Gouvernement, Saigon, 1875, tr. 13, Theo tài liệu tác giả bài viết Nguyễn Quang Duy lược dịch gửi đài BBC ngày 6/12/2018 nhan đề : Trương Vĩnh Ký - Nhà giáo dục yêu nước Việt Nam.
(6)- Wikipedia :Chủ nghĩa thực dân mới là thuật ngữ chỉ việc sử dụng chủ nghĩa tư bản, toàn cầu hóa và các công cụ văn hóa để kiểm soát một quốc gia (thường là cựu thuộc địa của các cường quốc châu Âu ở châu Phi hoặc châu Á) thay vì kiểm soát trực tiếp quân sự hoặc chính trị. Việc kiểm soát có thể thông qua kinh tế, văn hóa, ngôn ngữ; bằng cách thúc đẩy nền văn hóa riêng của một nhóm người, ngôn ngữ hoặc các phương tiện truyền thông ở thuộc địa, làm lan tràn các giá trị văn hóa kiểu phương Tây vốn xa lạ (thậm chí độc hại) vào các nước này. Các tập đoàn đa quốc gia thông qua những tác động này sẽ tạo sức ép mở cửa thị trường và thực thi các chính sách có lợi cho họ ở những quốc gia này. Như vậy, mục tiêu cuối cùng của Chủ nghĩa thực dân mới cũng tương tự như chủ nghĩa tư bản, chính là lợi nhuận......

Tài liệu tham khảo (TT):

14/ Trần Trọng Kim, Nho Giáo (quyển Thượng & quyển Hạ), Bộ Giáo Dục & Trung tâm Học Liệu XB, Sài Gòn 1971.
15/ Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, NXB Lá Bối, 1973
16/ Lê Mạnh Thát, Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam (Tập 1, Từ khởi nguyên đến thời Lý Nam đế), NXB Thuận Hóa, Huế 1999.
17/ Kim Định, Vấn Đề Quốc Học, NXB Nguồn Sáng, Saigon 1971
18/ Lê Tắc, An Nam Chí Lược, NXB Hồng Đức, Hà Nội 2016
19/ David Shambaugh, Tương lai Trung Quốc, Nguyễn Đình Huỳnh dịch, NXB Hội Nhà Văn, Hà Nội, 2016

20/ Nguyễn Hiến Lê ,Sử Trung Quốc ,NXB TH , Saigon 2017

Các Trang Web tham khảo (TK) :

10/ www. chungta. com › Tư liệu nguồn & tra cứu : Văn Lang thời Hùng Vương đã từng có chữ viết riêng?
11/ Nguyễn Quang Duy (Melbourne, Aus), Trương Vĩnh Ký- Nhà giáo dục yêu nước Việt Nam, BBC, 6/12/2018. 

(xem tiếp phần 4: Tội ác của nhà Minh Trung Hoa và chính sách đồng hóa triệt để khi xâm lược nước ta 1407-1427)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét