Thứ Tư, 21 tháng 4, 2021

Một Đời Người

GIỚI THIỆU

Kính thưa quý Thầy, Cô, quý Đồng Môn và Thân hữu,

Thời gian trôi đi thật nhanh; Kể từ tháng Tư năm 1975 - mặc dù đã qua 46 năm nhưng người dân miền Nam Việt Nam vẫn không thể nào quên được hậu quả đau thương của cuộc "đổi đời" oan nghiệt này. 

Xin hân hạnh giới thiệu đến quý vị bài viết MỘT ĐỜI NGƯỜI của thầy Dương Anh Sơn, cựu giáo sư văn trường Nguyễn Huệ Tuy Hòa;  viết để tưởng nhớ người bạn là Thầy Nguyễn Văn Xô, cựu giáo sư Triết trung học Đơn Dương Đà Lạt, tác giả tập thơ Như Áng Mây Trôi. Bài viết rất hay, đặc sắc. 

Xin đốt nén nhang thơm để tưởng nhớ người quá cố.

Trân trọng

NHHN




MỘT ĐỜI NGƯỜI 
Thầy Dương Anh Sơn

Để tưởng nhớ bạn  NGUYỄN VĂN XÔ (tác giả tập thơ NHƯ ÁNG MÂY TRÔI, với bút danh NGỖ XUYÊN, cựu giáo sư triết Trung Học Đơn Dương Đà Lạt)

I

Xô là một chàng trai hơi gầy và đủ cao so với tầm vóc bạn bè. Hắn học cùng ban Triết với tôi ở Đại Học Văn khoa, Viện Đại Học Đà Lạt. Tôi chỉ biết hắn khi học cùng năm thứ hai và cũng không thân lắm. Từ năm thứ nhất với khoảng sáu mươi người ghi danh, giờ chỉ còn khoảng hai mươi lăm người được lên năm thứ hai. Nhờ sĩ số ít hơn nên tôi và các đồng môn mới dễ dàng làm quen với nhau. Tôi thường nói chuyện và trao đổi chuyện học với Bảo, Hoàng, Quang, Phương, Hường, soeur Hạnh Hương và rất ít khi với Xô. Trong lớp, Xô cũng không có gì nổi bật lắm khi thảo luận bài vở. Nhưng kết quả kỳ thi cuối năm hắn thường nằm ở vị thứ hàng đầu trong lớp. Hồi đó, đạt điểm Bình Thứ của ban Triết cuối năm học là thuộc loại "ngon" rồi. (Hạng Ưu, Bình trên Bình Thứ và Thứ là cách xếp kết quả trong các kỳ thi Tú tài và ở Đại học.). Qua năm thứ ba, sĩ số đạt điểm học tiếp năm cuối chỉ còn hai mươi người.

Hắn cũng chỉ là cái bóng mờ cho đến kỳ thi cuối năm ba lại đứng đầu lớp! Đó là sự vững vàng của việc học hành. Trong năm thứ ba này, tôi thân hơn với các bạn cùng lớp. Tôi thân với Hoàng vì cách sống "du đảng" của hắn. Với soeur Hương vì sự chăm chỉ, chịu khó tìm tòi học tập, dù là một nữ tu Công giáo vẫn xin gặp mặt sư cô tu khổ hạnh trong các cốc đơn giản trên lưng đồi chùa Trại Hầm Dalat để học phương pháp thiền và tìm hiểu những tư tưởng đạo Phật. Với Phương, Hường, Bảo, Quang, thầy Hiền, Sự, Lợi...  có thể nói chuyện bông phèn đủ thứ. Và có nhiều bạn ghi danh học nhưng vì đang làm việc như giáo chức, quân đội, tu sĩ nên không thể đi học thường xuyên chỉ lấy cours, mượn bạn chép lại và kỳ thi có mặt làm bài tốt là đậu. Người thầy tôn trọng người học và người học kính phục tư cách cùng sự uyên bác của người dạy. Chúng tôi hân hạnh được thụ giáo với các giáo sư đáng kính có tiếng về triết tây, triết đông, hán văn, văn học Việt Nam.... ở miền Nam như thầy Trần Thái Đỉnh, thầy Lê Thành Trị, thầy Giản Chi, thầy Lương Kim Định, thầy Cao Hữu Hoành, thầy Trần Trọng San, thầy Nguyễn Khắc Dương, thầy Phạm Văn Diêu, thầy Thiện Cẩm, thầy Bửu Lịch, thầy Nguyễn Văn Hòa, thầy Nguyễn Đình Hoan. v. v... Bên Sư Phạm, các thầy có tiếng như sư huynh Nghiêm, thầy Nguyễn Quý Bổng, sư huynh Mai Tâm. v. v.. cũng là những người thầy đã dạy và trang bị cho chúng tôi những kiến thức giáo dục và sư phạm mới mẻ của Âu Mỹ mà các thầy đã học hỏi. Được học tập trong một môi trường thuận lợi như thế nên chúng tôi khá vững vàng với những gì mà nhà trường gieo trồng. Tinh thần tự học và tự chủ thời đại học đã là con đường sáng lạn sẽ giúp cho người học có đủ năng lực để góp phần xây dựng đất nước. Bước sang năm thứ tư cuối cùng chúng tôi nổ lực rất nhiều để hoàn thành chương trình cử nhân. Và Xô lại dẫn đầu ban triết năm cuối cùng với hạng Bình Thứ. Chúng tôi ra trường với văn bằng Cử nhân Giáo khoa Triết. Và Xô là thủ khoa ban Triết của bốn năm học. Còn tôi học song song thêm được văn bằng Cử nhân Sư phạm ban Triết theo chương trình mới của Mỹ... Bên Văn Khoa ban Triết chỉ còn mười lăm người ra trường với Xô dẫn đầu. Các ban khác sĩ số ra trường mỗi lớp cũng chỉ từ mười lăm đến hai mươi người! Chúng tôi đều nể phục sức học của hắn. Đúng ra, khi hoàn tất đại học, với kết quả đạt được ở năm cuối, hắn đã được thầy Khoa trưởng giới thiệu với Viện Trưởng cho hắn vào chân giáo sư phụ khảo tức là trợ lý giáo sư chính phụ giảng cho các năm đầu. Vì một lý do nào đó hắn không được chọn và cùng tôi chung một danh sách dài được Bộ Giáo Dục miền Nam bổ nhiệm làm giáo sư khế ước đệ nhị cấp chỉ số 470 với nhiệm sở là Trung học Đơn Dương, tỉnh Tuyên Đức Tôi và người bạn thủ khoa Việt Văn là Bảo Dũng về Trung học Ninh Hòa, Khánh Hòa. Các trường Đại học Sư phạm công lập ở Huế, Sài Gòn hay Cần Thơ được chọn nhiệm sở theo thứ hạng cao thấp một cách công bằng và cân đối. Xô và các bạn đồng môn của Dalat chọn nghề dạy học được rải khắp từ cao nguyên và duyên hải trung phần theo nhu cầu của Bộ Giáo dục. Và chúng tôi chỉ được thực thi những kiến thức từ đại học cho ước vọng đào tạo thế hệ trẻ chưa đầy hai niên khóa!! (sau 75, một số SV hoặc CSV của Đại học Sư phạm di tản qua Mỹ, văn bằng Cử nhân Sư phạm của Viện ĐH Dalat được các cơ quan giáo dục Mỹ xếp tương đương với Cử Nhân Giáo dục của Mỹ và chỉ học thêm mấy tháng để cập nhật hệ thống giáo dục Mỹ. Dĩ nhiên phải thông thạo Anh ngữ. Một vài bạn cũ học tám tháng thi xong được cấp bằng MA để đi dạy. Trong khi nhiều giáo chức có bằng Tốt nghiệp Sư phạm của ĐHSP công của miền Nam phải học lại những tín chỉ mới của Mỹ. Đậu xong mới chính thức được cấp văn bằng Cử nhân Giáo dục của Mỹ)

II

Biến cố 75 đã làm đảo lộn nhiều thứ cho người miền Nam. Môn Triết trước đây được xem là nền tảng giúp các học sinh lớp 12 chuẩn bị vào đại học hay bước vào đời biết lý luận cho đúng, suy nghĩ sao cho có tính nhân bản, tinh thần tự chủ, sống sao cho có đạo đức, lương tâm, trách nhiệm. v.v... Bấy giờ được xem là môn học "phản động" trong khi những gì họ làm mới chính danh như thế! Vả lại họ chỉ biết một chấm nhỏ của mặt trăng chứ không hề biết phía trên, phía dưới hay mặt sau của con trăng! Những người dạy Triết như hầu như được cho nghỉ dạy hoặc "may mắn" xuống dạy cấp hai các môn như sử địa, anh văn. Hoặc như tôi may mắn gặp ông Trưởng phòng tổ chức Sở Giáo dục từng học trường tây trước khi đi theo CS tập kết ra Bắc nên hiểu Triết học là môn học như thế nào rồi nên đã ký giấy bổ tôi ra Tuy Hòa dạy Trường PT Nguyễn Huệ... Trước sự đổi thay và Xô cũng phải đổi đời, hắn bị buộc thôi dạy! Thực ra, hắn chẳng hề tha thiết và bon chen vào nền giáo dục phương Bắc cà trật cà đụi... Hắn lặng lẽ lui về tìm mảnh đất nhỏ trồng rau cải, làm thợ may ở Đơn Dương cho qua ngày. Vì việc kiếm cơm quá khó khăn, ba đứa con của hắn chỉ ráng học đến lớp mười. Vả lại, hắn cũng chẳng thấy cái hay ho nào từ nền giáo dục ba phải, lộn lạo, vá víu của người lạ. Gần mười năm, hắn phải vất vả đủ cách kiếm cơm lo cho cha già và con nhỏ nhưng chẳng nên cơm cháo gì. Xô thu xếp gửi con lại cho cha già và xuống Sài Gòn tìm cách sinh sống khác. Người vợ của hắn cũng là một cựu sinh viên Khoa Chính trị Kinh doanh Viện ĐH Đà Lạt người nhỏ nhắn dễ thương từng là con nhà khá giả ở Saigon cũng phải bươn chải làm đủ chuyện để kiếm sống. Chặng đường 75 là chặng đường "đổi đời" của biết bao gia đình người miền Nam. Họ phải sống trong bầu khí lạ lẫm, dọa dẫm, kiêng dè với những gì người lạ mang đến. Đó là di sản của sự ngu dốt, lạc hậu, thối nát đã làm đất nước chậm chân gần nửa thế kỷ, chạy lòng vòng không theo kịp nhiều nước chung quanh. Kẻ chiến thắng do sự sắp đặt của bọn phương Bắc và Mỹ không có tinh thần dân tộc và khoan dung đối với những người lính hay các công chức miền Nam như người Mỹ và hành xử với nước Nhật thua trận!  Biết làm sao bây giờ?!. Người vợ của hắn vất vả cho cuộc sống rồi cũng ra đi vì bạo bệnh. Con cái ba đứa phải sớm tự lập. Chuyện học hành của con cái đành bỏ qua bên. Bế tắc quá, Xô được bạn bè giúp sắm ít đồ nghề khâu vá giày dép và một chỗ ngồi nhỏ ở chợ Trần Hữu Trang quận Phú nhuận bày cái bàn cũ kỹ nhận sửa giày dép kiếm cơm! Những ngày nắng chang chang hắn mặt mũi đầm đìa mồ hôi phạch áo, trần lưng khâu chiếc giày này, dán keo chiếc dẹp nọ. Những buổi chợ mưa dầm dề, hắn co ro dưới tán dù cũ ráng khâu cho kịp giầy dép đã hẹn khách. Chiều chiều, hắn cùng vài người bạn sầu đời nhâm nhi vài chai rượu cho vơi buồn. Càng uống, càng buồn. Buồn cho thế sự, buồn cho mình hắn ngâm nga trong những ngày mới ra chợ khâu giầy dép năm 1991:

Thôi cũng đành đem thân tàn bỏ chợ
Hào quang xưa phai nhạt cõi ta bà
Vay của đời biết bao nhiêu là nợ
Tim óc giờ rao bán giữa phồn hoa
(Thương thân - Như áng mây trôi, tr. 5)

Xô và biết bao người phải đi trên những con đường chẳng định hướng. Hắn bị buộc phải trôi theo dòng đời:

Làm chi? Ta biết làm chi nhỉ?
Tám hướng mười phương bão loạn cuồng
Về đâu? Ta biết về đâu nhỉ?
Nhạt phèo nhân thế - chút men suông!
(Bất định, sdđd, tr. 11)

Chiều chiều, khi rảnh việc, hắn cùng bạn bè ngồi quanh sạp nhỏ làm giầy uống vài chai rượu đế tiêu sầu! Cuộc đời đang nghiêng và hắn cũng nghiêng ngửa theo vận đời, vận nước:

Nghiêng hàng nghìn chai rượu
Chưa đủ một chén sầu
Nghiêng cả trăm bài thơ
Chưa vừa một nỗi nhớ
Nghiêng cạn trái tim buồn
Thấy ròng ròng lệ nhỏ
Nghiêng sạch đời đau khổ
Còn nấm mồ quạnh hiu
(Nghiêng, sđd, tr. 10)

Những cuộc nhậu li bì lúc chiều hôm, những ngày nắng ngày mưa giữa chợ theo hắn buông xuôi cho ngày tàn tháng lụn và cũng làm cho sức khỏe hắn lụi tàn dần! Người vợ một độ nào yêu thương cũng ra đi sang thế giới khác! Giữa chợ đời, hắn được an ủi bởi có người chịu mê thơ hắn và chịu làm tình nhân hủ hỉ, tâm sự cuộc nhân sinh cùng hắn!:

..... Em là ma là quỷ hay là tiên
     Sao độc ác mà dịu hiền đến thế!
     Dìm đời anh trong bể mộng Vô Thường
     Giết lòng anh rồi nhỏ lệ tiếc thương
     Dựng bia mộ cho mối tình oan nghiệt!....
(Mùa luyện ngục, sđd tr. 24)

Hắn đắm chìm giữa những giọt mồ hôi tươm đầy người khi cặm cụi khâu giầy. Hắn lại đắm chìm giữa những cuộc rượu kéo dài khuya khoắt. Hắn đắm chìm trong mối tình "văn nghệ" da diết và bỏ quên hình bóng người vợ đã rời xa cõi tạm. Đối với hắn cuộc đời chỉ là "giấc mơ lộn ngược" và "đi dây làm xiếc":

Đêm xéo nát những giấc mơ lộn ngược
Đóng nỗi buồn lên thập giá bi ai 
Hay gì đâu trò đi dây làm xiếc
Giữ thăng bằng giữa Quá khứ -Tương lai
(Làm xiếc. sđd ,tr. 175)  

Xã hội sang trang. Cuộc đời điên đảo. Cách nhìn đời của hắn xoáy sâu vào bản mệnh của sự sống và cái chết, của cuộc tình:

Có cái chết dềnh dàng quá thể
Cứ rõ dần, theo thời khắc, rõ dần thêm
Tự lúc nào hoa bắt đầu héo úa
Tình yêu phai và anh chết trong em?
Có cái chết nhanh hơn đột quị
Đang chói lòa, vụt tắt ánh sao băng
Vẫn đinh ninh suốt một đời chung thủy
Phút không ngờ, em phản bội tình anh.
Có cái chết không hẳn là đã hết
Cuộc hóa sinh chỉ đổi dạng thay hình
Ngôn ngữ chết cho ý nghĩa khai sinh
Tia nắng chết để bóng râm thành tựu
Nốt nhạc chết và làm nên giai điệu
Hờ hững chết đi, yêu mến viên thàn
Ái ân còn, sao em lại mất anh ?
(Chết, sđd, tr. 94)

Và y như lời thơ của hắn, hắn đã chết đột quị trên tay tình nhân. Và "ái ân còn, sao em lại mất anh?". Thầy Lê Quang Phách từng là phụ tá giám học của Trung Học Ninh Hòa và cũng là người yêu thơ rất thích bài thơ này. Thầy đã chóng thuộc bài thơ khi đi trên tàu lửa từ Sài Gòn về Nha Trang!

Bạn bè rất cám cảnh cho cuộc sống của Xô. Biết làm sao bây giờ!. Hắn cũng như biết bao người có chọn lựa cuộc đời như thế đâu! Thời cuộc biến dời, trật tự xã hội cũ bị phá tanh banh, cái họ đem dí vào cho thiên hạ chẳng có gì hay ho! Hắn chán chường chẳng muốn ngó ngàng chuyện đổi thay. Lịch sử chỉ còn là tro than có cơi lên, mồi thêm củi cũng vẫn lụi tàn. Thôi cứ mặc kệ hắn!:

Người ta dùng các vương triều để đo lịch sử
Mong học khôn từ quá khứ tro tàn
Trước cái đã qua tôi nghiêng mình lịch sự
Đầu tôi chật rồi, những xác của tro than
Làm ơn để tôi yên ổn nhẹ nhàng
Bước thanh thản mênh mang phía trước
Khỏi mất công ngoái nhìn cảnh giác phía sau lưng
Đừng ngại ngùng, nếu muốn gửi hành trang
Tôi sẽ nhận, hân hoan không tính cước
Xin máng giùm trước ngực, chỗ trái tim!
(Một cách lên đườngsđd, tr. 157)  

Hắn đã chọn sự yên ổn trong những cơn say, hắn đã được thanh thản trong cuộc tình với cô gái Châu Đốc yêu hắn tha thiết và đã chia ngọt xẻ bùi với hắn. Và thực sự hắn có được yên ổn không, có được sự thanh thản không, hay chỉ còn lại vết thương lòng "ráo máu"?!:

Tuổi em từ độ theo người
Bỏ quên mắt khóc môi cười anh mang
Giờ anh còn trái tim khan
Vết thương ráo máu chưa tàn khát khao
(Thất tình, sđd, tr. 180)

Người vợ của hắn không phụ hắn! Cuộc đổi đời đã làm cho hắn phải phụ người. Giữa lúc thời thế thay đổi loạn xà ngầu, hắn rời sân chơi chọn làm người thợ khâu giày dép bên lề chợ. Đó cũng là cách chơi ngông cứ mặc cho ai quay cuồng, mặc cho ai đó leo đầu cưỡi cổ thiên hạ, xem thiên hạ như cỏ rác! Và cứ để cho ai có điều kiện tìm cái sống trong cái chết bỏ xứ tha hương đi tìm tự do! Tình yêu của hắn giữa chợ đời là thứ tình yêu "du kích" rồi dần dần đậm đà, da diết, gắn bó cho đến giây phút cuối hắn ra đi nhẹ nhàng. Con cái của hắn không xem đó là mối tình "du kích" mà nâng cấp lên hạng "chính quy"! Thì thôi! Có chọn lựa nào là đúng là sai trong đêm trường điên đảo này đâu?!. Hắn đã định nghĩa tình yêu theo suy nghĩ của mình:

Ai chẳng biết nghĩa trái yêu là hận
Mà cứ yêu, cứ hận cứ điên cuồng
Cứ dại khờ, say đắm nhớ mong luôn
Chấp tất cả Thiên đường hay Địa ngục!
Đời vốn giả nhưng yêu thì rất thực
Yêu là yêu! Và chỉ để mà yêu!
Ôi hồn nhiên giản dị biết bao nhiêu! 
Mãi đến tuổi xế chiều anh mới hiểu!
(Nghĩa của tình yêu, sđd, tr. 65)

Hắn đã tự hỏi mình và hỏi tình nhân về cái duyên và sự lựa chọn tìm đến với nhau giữa một khách đi sửa giày và anh chàng trung niên già ngồi khâu vá giày dép bên lề chợ: 

Em đã đến cuối đời anh, rất muộn
Thấy tan hoang bừa bộn xác tình khô
Em có hối gì không khi đã chọn
Làm đài hoa nghiêng đón bướm giang hồ?
Anh đã cắm lưỡi dao tình sắc nhọn
Giữa đời em đau đớn đến đê mê
Cánh bướm anh đập nát cả trăng thề
Phủ hương phấn che cả trời uất hận
Sao lại hối?! Đã yêu thì chẳng muộn!
(Hỏi em, sđd, tr. 70) 

Em đã đến cuối đời anh, rất muộn! Lúc ấy hắn khoảng trên năm mươi và mất đi lúc tuổi năm mươi lăm như một lời tiên tri về bản mệnh! Thông thường "bướm giang hồ" dùng để ám chỉ những thân phận nữ giới buộc phải vào lầu xanh! Còn hắn lại tự nhận như thế để bay lượn giữa cuộc đổi thay một cách tự tại, tự do cứ để thiên hạ ai nắm quyền thì cứ làm, ai làm dân đen thì cứ làm. Trong hắn vẫn còn đó bầu trời tự do và cõi mộng!!

Dẫu từ giã nghề làm thầy rao giảng "Những phương trời viễn mộng" (Tên đầy đủ của tác phẩm "Tô Đông Pha và những phương trời viễn mộng" của Thầy Tuệ Sĩ), nhưng khi về Đơn Dương thăm cha già đi ngang qua trường cũ, hắn không khỏi chạnh lòng:

Thầy ghé trường xưa nhớ các em
Đất đỏ còn in mấy bậc thềm 
Hàng cây trắc bá xanh hoang phế
Loang lổ tường vôi rạn dấu chim
Ngói cũ thầm đau ngủ dưới rêu
Một hồi chim én thất thanh kêu
(Ngạc nhiên thấy bóng ông thầy cũ
Lạc bước buồn thiu giữa nắng chiều)
Thầy thấy thầy đang giữa hành lang
Các em áo trắng xếp hai hàng
Hồn nhiên, tinh khiết, thơ ngây quá
Một nỗi gì hơn cả dịu dàng...
Thời gian! Thầy rất ghét thời gian!
Thầy chắc các em cũng ngỡ ngàng...
Về đâu tình giấy thơm mùi mực?
Về đâu hồn sách vở mênh mang?
Bây giờ trời tím bóng hoàng hôn
Thầy mang dĩ vãng nặng bên hồn
Các em khuất nẻo đời trăm ngả
Thầy bỗng hình như có nỗi buồn
(Qua trường cũ nhớ các em, sđd, tr. 152 - tháng 6. 1992)

Bài thơ của hắn tràn đầy niềm xúc cảm của người từng đứng trên bục giảng. Và đó là hình ảnh rất thực, rất gần gũi với biết bao người đã từng đi qua những trường lớp một thời nào như thế.

Hình ảnh "Lạc bước buồn thiu giữa nắng chiều " nghe xa vắng, nặng trĩu nỗi buồn. Có ai mà không nhớ những gì mà mình đã gắn bó giờ đây đã "thầm đau ngủ dưới rêu". Tôi cũng từng bồi hồi khi đọc bài thơ của một nữ sinh cũ trong đó có đoạn:

   "Hôm nay qua trường cũ
     Lặng nhìn lớp học xưa
    Vân vê cành phượng đỏ
    Buồn thương nói sao vừa
... Hôm nay qua trường cũ
    Không còn bóng thầy yêu
    Bạn cũ tôi đâu rồi?
    Sao cõi lòng rưng rưng.
    Hôm nay thăm trường cũ
    Nghe nuối tiếc ngập tràn
    Biết tìm đâu ngày thơ
    Ngày hồng sao chóng quá.  
    Hôm nay qua trường cũ
    Tôi tìm trong dư âm
    Vang vang bao kỷ niệm
    Ôi! Thương nhớ vô ngần
(Qua trường cũ, Trần thị Minh Nguyệt và Nguyễn Thị Bích Nga, 12 C TH Ninh Hòa, Khánh Hòa, 1974-1975)

Nỗi buồn của người từng làm thầy và nỗi buồn của cô nữ sinh cũ cùng chung một mẫu số là nỗi buồn trĩu nặng không thể nguôi ngoai khi tìm về kỷ niệm... Mỗi chúng ta chắc chắn sẽ đồng cảm với những nỗi buồn như thế. Biết bao nhiêu cái đẹp cũng phôi phai, bao nhiêu lá trắc bá và phượng vĩ cũng trút lá bao mùa nhưng vẫn còn đọng mãi trong tâm khảm của chúng ta. Xô và Minh Nguyệt cùng Bích Nga trong vai thầy và vai học trò đều chung nhau nỗi niềm thời thế, chung nhau nỗi nhớ về một thời đã mất. "Qua trường cũ... " để nhớ các em học sinh cũ và "Qua trường cũ" để "lặng nhìn lớp học". Rõ ràng ngôi trường cũ có một giá trị thật đặc biệt và sâu sắc trước đổi thay trong mỗi chúng ta!

Nhưng rồi hắn lại phải về lại Sài Gòn lăn lưng tiếp tục cuộc sống. Hắn trăn trở giữa thực và mộng, giữa cơm áo và thơ ca:

Có gì chung giữa thơ ca, cơm áo
Đầy nửa trang thơ, vơi nửa bát cơm?
Có gì chung giữa Tình Yêu, Giông Bão
Nghiêng nhẹ trái tim, chao đảo nhân gian?
Có gì chung giữa Khổ Đau, Sáng Tạo
Chết điếng tâm hồn, cân não hồi sinh?
(Thắc mắc, sđd tr.152, th. 6-1992)

Giữa thơ ca và áo cơm, giữa sáng tạo và khổ đau đều là những cặp bài trùng tương tác với nhau. Từ sự mệt nhoài của áo cơm hay khổ đau mới nẩy sinh ra thơ ca và sự sáng tạo. Hắn lơ mơ giữa thực và mộng:

... Tấp vào đâu, lỡ dỡ mộng cơ đồ
    Có chút tình anh em cho làm vốn liếng
    Máu đỏ đen thua sạch ván bài to
    Xó chợ nhỏ xếp hàng tìm chỗ đứng
    Kiếm chén cơm vất vưởng nửa hồn thơ
... Chỉ còn thơ! Riêng chỉ một mình thơ
   Ru anh ngủ giữa đôi bờ Mộng-Ảo!
  (Ngủ giữa đôi bờ, sđd, tr. 158)

Những dự tính của một đời người phải vất bỏ để làm người thợ khâu giày dép giữa chợ đời. Một người từng là người học hành giỏi giang, từng làm người đi dạy phải lăn lộn để kiếm sống vất vả. Cuộc đổi đời thấm đẫm bao đau đớn trong tâm trí bao nhiêu người và trong lòng hắn. Nếu không có nàng thơ vực dậy và xoa dịu nỗi đau, đời của Xô sẽ toàn là một màu đen vây bủa:

... Lúc chán chường muốn làm thương lái
    bến Tầm Dương
   Mua kỹ nữ, bỏ tỳ bà, quên bóng trăng suông
   Không cần lệ chứa chan lòng Tư Mã
   Muối hay đất cũng tan trong biển cả
   Anh hay em dẫu đã chẻ thành hai
   Sầu một mối-Cuộc đời, chung nỗi chết
(Sầu một mối , sđd, tr.171, 3/1992)

Có nàng thơ để an ủi nhưng "Khi tỉnh rượu lúc tàn canh, nghĩ mình mình lại thương mình xót xa" (câu 1233, 1234 Truyện Kiều, Nguyễn Du). Hắn trầm ngâm về thời thế, về đời mình và ám ảnh về "nỗi chết". Kẻ sống như đã chết. Thời thế đưa đẩy hắn làm anh thợ khâu giày dép giữa chợ nhưng hắn cứ ray rứt, tự trách mình đã "lỡ tay" làm rơi mất tương lai, rớt mất ngày mai trong "đáy huyệt":

... Anh đâu muốn làm anh chàng tư lự
    Ngắm bóng mình rồi tự nhủ buồn thay!
    Những khi sầu váng vất những cơn say
    Anh muốn gào to: tôi chỉ lỡ tay
    Làm rớt ngày mai trong đáy huyệt!
   (Tự tình, sđd, tr. 85)

Trách ai bây giờ. Có lẽ nên trách cuộc đời hay là trách hắn?! 

III

Một buổi sáng cuối năm Bính Tuất, tôi và các bạn thân nhận được tin hắn mới ra đi lúc bốn rưỡi sáng (17/12/2006). Người tình tên Trúc Oanh của hắn kể lại là cứ tưởng hắn ngủ say trên tay mình. Ai dè đó là cơn đột quị như hắn đã dự đoán!. Thật là một sự ra đi nhẹ nhàng như mơ ước của hắn! Hắn đã để lại 169 bài thơ thu thập từ những tờ giấy vụn hay từ vỏ giấy bạc bên trong gói thuốc lá. Bạn bè tạm đặt là NHƯ ÁNG MÂY TRÔI và in lưu hành nội bộ làm kỷ niệm. Những bài thơ của Xô là những lời tự tình, những cảm xúc về thân phận hay những rộn ràng của tình yêu. Hắn đã tìm thấy trong khe ngách của cuộc sống áo cơm ràng buộc để thấy mình tồn tại và ham sống hơn. Nhưng nhìn lại cuộc đời, hắn thấy tởm lợm trước thực trạng xã hội. Một xã hội suy đồi, con người càng lúc càng nẩy sinh những thú tính, càng lúc càng ma quỉ chẳng còn nhân dạng. Hắn có khi cũng muốn chửi đổng khi cứ sáng ra là nghe, là thấy bao cảnh trái tai gai mắt, bao cảnh đi xuống của đạo đức làm người! Hắn viết: "Nên trông chúng bất thành nhân dạng, Tệ hơn đồ chó đẻ, em ơi! ":

Anh từng viết những bài thơ xé lòng
(Nhiều mảnh lòng cần để xé chia nhau)
Anh đâu biết cuộc đời còn những kẻ
Chỉ đáng nghe những bài thơ chó đẻ
Tim chúng toàn những mụt ghẻ thối tha
Bụng lúc nhúc những mưu ma chước quỷ
Miệng trét đầy những xảo ngữ lộng ngôn!
Chúng hôi tanh, nhớp nhúa đến buồn nôn
Chúng làm anh vấy bẩn cả tâm hồn
Anh phải viết những bài thơ chó đẻ
Lôi chúng khỏi vũng máu dơ nhầy nhụa
Để may ra chúng có nửa dáng người
Còn nửa kia! Ôi lạy Chúa tôi!
Của đáng tội: nửa đười ươi, nửa ngợm
Nên trông chúng bất thành nhân dạng
Tệ hơn đồ chó đẻ, em ơi!
(Bài thơ chó đẻ, sđd, tr. 46)

Cuộc sống càng lúc càng tệ mạt nên từ chán chường, buồn nôn (Cái buồn nôn thật sự chứ không ngồi trong "tháp ngà" để buồn nôn theo kiểu J. P. Sartre, nhà triết học hiện sinh Pháp), hắn từ trong tâm tưởng đã chán sống. Hắn đã tiên tri về cái chết của mình trong bài thơ CHẾT đã đề cập. Hắn giã từ cuộc đời chẳng ra chi! Cả trăm bài thơ có sức tác động vào tâm trí người đọc và giúp ta hình dung được về một xã hội chẳng có tương lai tươi đẹp mà chỉ là một thứ bát nháo với đủ loại chó nhảy bàn độc. Hắn đã trực nhận về sự sống và cái chết:

... Nhát búa đam mê đập vỡ tan hoang quá khứ
    Tung nỗi buồn đến tận vũng trăng sao
    Tim mệt lã tím bầm giòng máu ứ
    Rửa niềm đau trong huyết quản luân lưu
    Sầu tử biệt đã đành cao chất ngất
    Chẳng đau bằng chua chát nỗi sinh ly
    Ngày tháng còn mà lòng yêu đã mất
    Nghiến hồn ta rệu rã cõi âm ty.
   (Đoản khúc sầu, sđd, tr.181, 7/1992)

***

Nhà thơ Trần Dzạ Lữ khi Xô còn sinh thời đã vẽ cho chúng ta hình ảnh chân thực về hắn:

THƠ TẶNG NGƯỜI THỢ GIÀY
(Tặng Nguyễn Văn Xô)

Nắng chực lò qua vai
Mưa chực chờ chụp xuống
Lỡ thành người thợ giày
Anh vẫn ngồi khâu mộng...
Anh ngồi đây với bóng
Bỏ quá khứ sau lưng
Xa rồi thời dạy học
Chuyện áo cơm rất gần
Cuộc tình sầu xe bon
Đoạn trường qua tóc trắng
Giang hồ nhớ quê hương
Ngồi một mình muốn khóc
Người thợ giày cô độc
Ngồi khâu trái tim mình
Giữa chợ đời đông đúc
Treo lòng mình buồn tênh!
(Trích Hát dạo bên trời, thơ Trần Dzạ Lữ, NXB Trẻ, Sài Gòn, 1995)

Những bạn bè có nhiều cách nhìn khác nhau về hắn. Anh Lương Viết Khiêm xem sự ra đi thanh thản của hắn chỉ NHẸ NHƯ ÁNG MÂY TRÔI. Hắn đã đi qua "cuộc trăm năm", "ra khỏi cuộc đời" chẳng còn vướng bận gì nữa:

Bước ra khỏi cuộc đời
Nhẹ như áng mây trôi
Chuyện thế gian gác lại
Cuộc trăm năm xong rồi
(Vĩnh biệt bạn Nguyễn Văn Xô, 12/2006)

Có người bạn cựu sinh viên Đ. H. Văn Khoa Đà Lạt có cái nhìn khác hơn về cuộc đời của Xô. Anh cho rằng hắn đã nợ cuộc đời và có thể (biết đâu được !) hắn vẫn chưa xong nợ nghĩa là phải trả trong một kiếp lai sinh nào khác?!:

NHỮNG TƯỞNG

Nợ đời tưởng đã xong
Mặc cho ai gồng gánh
Đến, đâu cứ phải tội
Về, nào đã là xong

(Đinh Quang Diêm, cựu giáo sư Trung học Trần Hưng Đạo Đà Lạt và cựu" giáo viên" trung học Lê Hồng Phong, Saigon)

Nhưng đau đớn nhất vẫn là người tình của hắn. Quảng đời còn lại dẫu gì Trúc Oanh cũng đội nắng đội mưa cùng hắn ngồi dưới tán dù phụ khâu giày vá dép, chia sẻ những bài thơ hắn vội làm khi dừng tay, chia sẻ chín mét vuông căn nhà cũ kỹ mục nát trong một ngõ hẻm Lê Văn Sĩ, Phú Nhuận. Cô ấy ban đầu những tưởng chỉ hắn ngủ mê:

TIỄN BIỆT TÌNH QUÂN 

Biệt ly đâu mà khóc
Gối tay em ngủ mê
Bỏ trầm luân ô trọc
Chờ nhau nhé! Cõi về!

Chỉ khi trống vắng quạnh quẽ, Trúc Oanh mới cảm nhận thực sự việc ra đi của "tình quân":

NHỚ NGƯỜI

Khi ta khóc trong mưa
Nước mưa hay nước mắt?!
Quay quắt nhớ người xưa,
Khói nhang buồn hiu hắt!

Mối tình muộn màng của hắn và người tình nếu kiếp sau còn duyên nợ sẽ tìm đến nhau. Và Trúc Oanh đã khấn nguyện: "Chờ nhau nhé! Cõi về". Cầu cho nguyện ước này sẽ viên thành!

***

Đời người dù ở bất cứ hoàn cảnh nào đều có những cái riêng của nó. Có người sống trôi xuôi theo bản năng. Có người nhìn thấy mình trong dòng đời đang chảy. Và có người như hắn thấu rõ sự biến dịch của dòng sống. Nhưng hắn làm sao cưỡng được cơn cuồng phong, cuồng nghịch của vận mệnh đất nước đây?! Không riêng gì hắn, biết bao người ở miền Nam phải gánh chịu đủ cách, đủ kiểu cơn bạo hành của thời thế. Sự chọn lựa con đường cơm áo là con đường bế tắc, chẳng đặng đừng! Và mỗi con đường dành cho mỗi người đều có cái nghiệp của nó. Làm thế nào để thoát nghiệp? Hãy hỏi thăm nàng Thúy Kiều của Nguyễn Du. Có lẽ, Xô đã buông xuôi theo nghiệp, theo dòng đời để mặc cho số phận nổi trôi!... Quả thật, nếu không có niềm vui khi làm thơ để bày tỏ nỗi lòng thì có lẽ hắn sống như đã chết. Bạn bè chúng ta chớ nên gọi hắn là nhà thơ, là thi sĩ gì đó. Những cái tên đó đều là hư danh, đều rỗng tuếch! Khi đang sống,  hắn đã nhìn linh cảm cõi về dưới mộ phần:

... Co ro lạnh dưới mộ phần
    Hồn tôi lá mục chẳng cần đầu thai
    Chẳng hờn ai, chẳng giận ai
    Coi như cơn gió qua đây tình cờ.
    (Lá rụng ngày xuân, sđd, tr. 183)

Nguyễn Văn Xô đã sống như thơ của hắn và buộc phải chọn cách sống "làm bướm giang hồ " trước vật đổi sao dời. Thôi hãy cầu cho hắn sẽ thay đổi được nghiệp trong kiếp sau.

Dương Anh Sơn 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét