Thứ Tư, 14 tháng 4, 2021

Những Ảnh Hưởng Của Trung Hoa Đối Với Tinh Thần Tự Chủ Của Đất Nước Và Dân Tộc Việt Nam

GIỚI THIỆU

Kính thưa quý Thầy, Cô, quý Đồng Môn và Thân Hữu

Xin hân hạnh giới thiệu đến quý vị tiểu phẩm NHỮNG ẢNH HƯỞNG CỦA TRUNG HOA ĐỐI VỚI TINH THẦN TỰ CHỦ CỦA ĐẤT NƯỚC VÀ DÂN TỘC VIỆT NAM. Tác giả: Thầy Dương Anh Sơn, cựu giáo sư việt văn trung học Nguyễn Huệ Tuy Hòa, Phú Yên. Nhận định sâu sắc, kiến thức rộng, biên khảo công phu. Đây là một tài liệu văn học sử rất hay, rất giá trị.

"Chào Ban Biên Tập, 

Bữa nay, tôi xin gửi đến BBT những trang viết, đúng hơn là một tiểu luận về chính trị, lịch sử, văn hóa  của VN để tìm hiểu xem nước ta đã chịu ảnh hưởng của Trung Hoa như thế nào trong suốt hơn ngàn năm nay. Đồng thời đặt ra những suy nghĩ về hiểm họa trước mắt của một Trung Quốc Cộng Sản giàu lên nhờ sự "tiếp tay" của mấy đời Tổng thống Mỹ. Một khi họ giàu có rồi, việc sắm sanh vũ khí, dùng tiền bạc, mưu mô thâm hiểm... để đe dọa thế giới. Việc "trỗi dậy" của họ không phải là việc để "chung tay xây dựng hòa bình" mà là hiểm họa thống trị thế giới trong một tương lai không xa...

Chắc chắn cái nhìn của tôi chủ quan và còn nhiều thiếu sót. Bài viết chỉ nhằm thắp lên những đóm lửa nhỏ bé để cùng những đóm lửa khác vạch trần tham vọng bành trướng của phương Bắc. Bài viết chỉ nhắm góp thêm một lời cảnh báo về sự sống còn của đất nước và dân tộc chúng ta trước sự lớn mạnh hung hãn, tàn bạo, dối trá của kẻ thù phương Bắc này. TQ khộng những đe dọa "láng giềng" mà còn là mối hiểm họa cho nhân loại. Dù làm gì, ở đâu tôi vẫn nghĩ những con dân Việt Nam thiết tha với vận nước sẽ cùng nhau trong phương tiện của mình cố gắng đối phó vời cơn bão hung dữ đang càng ngày càng mạnh lên. Cả thế giới còn lại nếu không có phương cách đối phó hiệu quả, không chóng thì chày, gã khổng lồ bánh trướng này sẽ nuốt chửng và chi phối nhân loại. Giờ đây ai cũng thấy rõ hơn chính sách đồng hóa, diệt chủng vô cùng tàn độc của họ đối với các dân tộc Nội Mông, Tây Tạng và Tân Cương. Cũng chính sách đồng hóa đó trong hơn ngàn năm đối phó sự xâm lăng của phương Bắc, dân tộc của chúng ta vẫn không bị đồng hóa. Tuy nhiên những ảnh hưởng khị bị lệ thuộc về văn hóa, văn chương, chữ viết v.v... do phương Bắc đem đến là điều không thể tránh khỏi. Từ đó cần thiết phải gạn lọc để giữ vững truyền thống đích thực của dân tộc, gạt sang bên những yếu tố ngoại lai âm thầm mang theo chính sách đồng hóa cả ngàn năm nay.... Xin chào BBT. DAS.VN""

Trân trọng

NHHN


Hình minh họa - Internet

NHỮNG ẢNH HƯỞNG CỦA TRUNG HOA ĐỐI VỚI TINH THẦN TỰ CHỦ CỦA ĐẤT NƯỚC VÀ DÂN TỘC VIỆT NAM
Thầy Dương Anh Sơn

DẪN NHẬP           

Trong "Lời tựa" cuốn Việt Nam Sử Lược của học giả Trần Trọng Kim, ông đã có một nhận định rất sâu sắc cho việc tìm hiểu lịch sử: "Sử sách không những là chỉ ghi chép những công việc đã qua mà thôi, nhưng lại phải suy xét việc gốc ngọn, tìm tòi cái căn nguyên những công việc của người ta đã làm để hiểu cho rõ những vận hội trị loạn của một nước, những trình độ tiến hóa của một dân tộc." (tr. 7, sđd). Do đó, việc tìm hiểu về những ảnh hưởng của nước Trung Hoa đã tác động đến tinh thần tự chủ của dân tộc Việt trong hơn một ngàn năm bị xâm lược qua các giai đoạn lịch sử sau chỉ là một cố gắng để nêu ra các ảnh hưởng tiêu cực do Trung Hoa gây ra! Đồng thời, qua đó để chúng ta thấy rõ hơn những tác động từ Trung Hoa xưa và nay đối với những lĩnh vực chính trị, văn học, văn hóa giáo dục, kinh tế, tôn giáo, phong tục tập quán v.v... của nước ta. Mặt khác, tìm hiểu xem những ảnh hưởng ấy để thấy rõ những trở lực đã góp một phần không nhỏ cùng với các thế lực mù quáng độc đoán khác làm kềm hãm sự phát triển của đất nước như thế nào. Cái họa từ phương Bắc mà đất nước chúng ta đã và đang phải đối phó là một bài toán rất khó khăn nhưng chắc chắn không phải là bế tắc khi đất nước và tổ tiên chúng ta đã có một bề dày lịch sử chống quân xâm lược phương Bắc để gìn giữ giống nòi và bờ cõi. Lòng yêu nước là một sức mạnh quan trọng để giữ nước của cha ông ta từ xưa đến nay. Một khi lòng yêu nước bị kềm hãm và làm cho tiêu mòn vì sự hèn hạ hay nhu nhược của kẻ cầm quyền sẽ là một yếu tố quan trọng dẫn đến cái họa mất nước mà cha ông ta đã ra sức bồi đắp và gìn giữ hơn hai nghìn năm nay. Khi một đất nước, một dân tộc không giữ gìn được tinh thần tự chủ, không xây dựng được một chính thể thực sự tốt đẹp trên tinh thần nhân bản và dân tộc, không có đường hướng và trách nhiệm rõ ràng để bảo vệ tổ quốc cũng như tương lai tốt đẹp của dân tộc tất sẽ dẫn đến con đường suy vong, lệ thuộc bọn bành trướng như những thời kỳ xa xưa của một ngàn năm bị đô hộ trong một cách thế khác! Chưa bao giờ việc nêu cao tinh thần tự chủ, tránh xa những ảnh hưởng tiêu cực các mặt do yếu tố Trung Hoa tác động lại cấp thiết trong thời đại hiện nay đối với nước ta! Việc điểm qua các giai đoạn lịch sử bên dưới là để chúng ta có cái nhìn tổng thể về quá trình dựng nước và giữ nước của ông cha ta trước sự xâm lấn và ảnh hưởng nhiều mặt cả tốt lẫn xấu của phương Bắc làm cản trở tinh thần tự chủ của dân tộc. 

PHẦN I 

Khái quát các thời kỳ đầu tiên của lịch sử đất nước bị Trung Hoa xâm lược.

I. Mối liên hệ xa xưa giữa nguồn gốc của nước Việt với Trung Hoa và sự ra đời của nước Văn Lang.

Theo truyền thuyết vẫn được nhiều nhà nghiên cứu sử học đề cập và chúng ta từng được học hỏi qua trường lớp, lịch sử của đất nước Việt Nam chúng ta khởi thủy qua huyền sử đã kể các câu chuyện về vua Đế Minh cháu ba đời của vua Thần Nông đi tuần thú phương nam đến vùng Ngũ Lĩnh (tức tỉnh Hồ Nam của Trung Hoa ngày nay) gặp một nàng tiên nữ trên núi sánh duyên vợ chồng sinh ra một người con tên là Lộc Tục 祿續. Khi Đế Minh làm vua đã lâu, nhường ngôi cho con trai trưởng là Đế Ly 帝釐 (hay còn gọi là Đế Nghi) làm vua phương bắc và con thứ Lộc Tục được phong làm vua phương nam tức là Kinh Dương vương đặt tên nước là Xích Quỷ được các nhà viết sử xưa nay cho đó là nguồn gốc mở đầu cho thời đại Hồng Bàng 鴻龐 về sau( khoảng 2879-258 TCN). Vùng đất đầu tiên của người Việt xưa giáp với hồ Động Đình (Hồ Nam, T. H) về phía bắc, châu thổ sông Hồng ở phía nam, vùng Ba Thục (tứ Xuyên, T. H ) ở phía tây và biển Đông ở phía đông. Kinh Dương vương lấy con gái Động Đình Quân là Long Nữ sinh ra Sùng Lãm 崇纜 nối ngôi vua tức là Lạc Long quân 貉龍 . Lạc Long quân sai con sang phía nam trấn nhậm và làm vua một vùng châu thổ sông Hồng trải dài từ xứ Bạch Hạc, [ Vĩnh Yên xuống đến vùng đất Việt Thường nay là Quảng Bình, Quảng trị (xem Trần Trọng Kim, VNSL, sđd, tr. 23, 24, ĐVSKTT, sđd, tr. 64, 65, 66)] xưng là Hùng vương, đặt tên nước là Văn Lang. Như thế theo huyền sử, những người thực sự và chính danh cai trị nước ta thuộc dòng dõi của các vua Hùng là con cháu của Lạc Long Quân, là cháu nội của Kinh Dương vương (anh em cùng cha với Đế Nghi làm vua phương bắc)! Về mặt huyền sử, phương bắc và phương nam ít nhiều có chung nguồn gốc với các bộ tộc con cháu vua Thần Nông sống trên vùng đất Trung Hoa xưa. Đây chỉ là huyền sử nghĩa là những câu chuyện lịch sử còn nhiều nghi vấn và thiếu sự chính xác vẫn đang được các nhà nghiên cứu lịch sử tìm kiếm để đưa ra ánh sáng với những luận chứng khoa học lịch sử! Khoảng cách từ khi lập nước Văn Lang cộng với cả ngàn năm Bắc thuộc cho đến khi cuốn Đại Việt Sử Ký 大越史記 của Lê Văn Hưu phụng mệnh vua Trần Thái tông (viết vào thế kỷ 13 SCN) đã qua đi xấp xỉ 1500 năm. Kế tiếp Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của nhóm Ngô Sĩ Liên (viết vào thời Lê Thánh Tôn 1460-1497) dựa trên ĐVSK của Lê Văn Hưu và tập Đại Việt Sử Ký Tục Biên大越史記續編 của Phan Phu Tiên nên chắc chắn rằng nguồn sử liệu không được chính xác vì chỉ căn cứ trên huyền sử rất mịt mờ! Những tìm kiếm khác như của nhà nghiên cứu Trần Trọng Kim, của Gs Kim Định và nhiều học giả khác về sau dựa trên các tài liệu của Trung Hoa và Tây phương ít nhiều đã soi sáng được những vấn đề của huyền sử đã đề cập dựa trên văn học dân gian, hay trên các di tích còn ghi lại một số dấu vết mờ nhạt về thuở bình minh của dân tộc. Chính vì thế nên Vũ Quỳnh 武瓊 (1453-1516, tác giả Đại Việt Thông Giám 大越 ) khi đề tựa cho bản hiệu đính của Lĩnh Nam Chích Quái 嶺南摭怪 (LNCQ) do Trần Thế Pháp biên soạn đã viết: "Nhưng nước Việt ta, tự cổ vốn là đất hoang, cho nên những chuyện ghi chép được rất sơ lược. Nước ta khởi đầu từ Hùng vương đã khá văn minh. Qua Triệu, Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần đến nay đã có quy mô, cho nên việc ghi chép sử được tường tận hơn" (sđd, tr. 30).

2. Vùng lãnh thổ và sự xâm lấn của Hoa tộc trong thời kỳ lập nước Văn Lang.

Trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (ĐVSKTT) 大越史記全書 (Ngoại kỉ 外紀, quyển 1, Hồng Bàng thị kỉ  鴻厖氏紀) những cương vực và tên gọi 15 bộ của nước Văn Lang được chép gần như tương tự với Lĩnh Nam Chích Quái của Trần Thế Pháp (không rõ năm sinh, được Vũ Quỳnh và Kiều Phú hiệu đính vào thời vua Lê Thánh Tông (1470-1497, năm Hồng Đức thứ 23, sđd tr. 32). Văn Lang bộ 文郎部 là nơi vua Hùng Vương đóng đô gồm có mười lăm bộ hay vùng lãnh thổ, còn gọi là quận (theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư) bao gồm: 1. Giao Chỉ 交趾, 2. Chu Diên 朱鳶, 3. Vũ Ninh 武寧, 4. Phúc Lộc 福祿, 5. Việt Thường 越裳, 6. Ninh Hải 寧海, 7. Dương Tuyền陽泉, 8. Lục Hải 陸海, 9. Vũ Định 武定, 10. Hoài Hoan 懷驩, 11. Cửu Chân 九真, 12. Bình Văn 平文, 13. Tân Hưng 新興, 14. Cửu Đức 九德 và 15. Văn Lang 文郎 (sđd, tr. 67). Ngày nay, phần lớn các vùng đất này đã bị phương bắc thôn tính lần lượt qua ba lần Bắc thuộc. Nước Việt xưa thời Triệu Đà cai trị chỉ còn giữ được vùng Giao Chỉ và Cửu Chân tức Văn Lang thời vua Hùng. Chúng ta có thể xem từ một bản đồ do Wikipedia cung cấp phác họa sơ lược vùng đất của Viêm tộc hay Việt tộc trong nhóm Bách Việt đã dần dần mất đi trong quá trình xâm lược dần dà của người Hán tộc:

Wikipedia: Phỏng ước lãnh thổ hai nước Văn Lang (màu vàng) của các vua Hùng và xứ Nam Cương (màu xanh lục) của Thục Phán, sau này hợp nhất thành nước Âu Lạc vào khoảng thế kỷ 3 TCN. 

Bản đồ dưới đây phác thảo nước Nam Việt thời Triệu Đà (207-137 TCN) với phía Tây giáp Dạ Lang và Câu Đinh, phía Đông giáp Mân Việt, phía Nam giáp với dãy Hoành Sơn, phía Bắc giáp vùng Trường Sa nhà Hán. Toàn thể vùng Bách Việt xưa đã vùng Quế Lâm và Nam Hải đã rơi vào tay các triều đại Hoa tộc. (theo bản đồ của Wikipedia)
 
Wikipedia: Phỏng ước lãnh thổ hai nước Văn Lang (màu vàng) của các vua Hùng và xứ Nam Cương (màu xanh lục) của Thục Phán, sau này hợp nhất thành nước Âu Lạc vào khoảng thế kỷ 3 TCN.

Bản đồ nước Văn Lang (màu vàng) 

Bản đồ dưới đây phác thảo nước Nam Việt thời Triệu Đà (207-137 TCN) với phía Tây giáp Dạ Lang và Câu Đinh, phía Đông giáp Mân Việt, phía Nam giáp với dãy Hoành Sơn, phía Bắc giáp vùng Trường Sa nhà Hán. Toàn thể vùng Bách Việt xưa đã vùng Quế Lâm và Nam Hải đã rơi vào tay các triều đại Hoa tộc. (theo bản đồ của Wikipedia).  Phỏng ước lãnh thổ hai nước Văn Lang (màu vàng) của các vua Hùng và xứ Nam Cương (màu xanh lục) của Thục Phán, sau này hợp nhất thành nước Âu Lạc vào khoảng thế kỷ 3 TCN.

Bản đồ dưới đây phác thảo nước Nam Việt thời Triệu Đà (207-137 TCN) với phía Tây giáp Dạ Lang và Câu Đinh, phía Đông giáp Mân Việt, phía Nam giáp với dãy Hoành Sơn, phía Bắc giáp vùng Trường Sa nhà Hán. Toàn thể vùng Bách Việt xưa đã vùng Quế Lâm và Nam Hải đã rơi vào tay các triều đại Hoa tộc. (theo bản đồ của Wikipedia):

Thực ra, vùng cư ngụ của các tộc Bách Việt trải rộng lên phía đông nam Trung Hoa quanh thành Phiên Ngung ở quận Nam Hải, quận Quế Lâm, Tượng quận… bây giờ là vùng Quảng Đông, Quảng Tây của Trung Hoa. Gs Kim Định căn cứ vào những di tích khảo cổ các địa điểm khai quật trống đồng Đông Sơn đã cho rằng: "Trước nhất là khu vực của trống đồng Đông Sơn rất rộng nó gồm ít nhất là Hoa Nam, miền sông Hoài, Chiết Giang… nó rộng tương đương bờ cõi nước Văn Lang" (VLTN, sđd tr. 69). Trống đồng Đông Sơn, Ngọc Lũ gắn liền nền văn hóa Viêm Việt với những biểu tượng riêng biệt là hình con chim Lạc hay họa tiết mặt trời ở giữa mặt trên của trống khác hẳn với các loại trống đồng của các vùng lãnh thổ khác (Viêm Việt là cách gọi người Việt cổ của Gs Kim Định). Nó đã chỉ ra những vùng của người tiền Văn Lang sinh sống phần lớn ở Phiên Ngung (Quảng Đông, Quảng Tây) miền đông nam Trung Hoa. Chính vì vậy nên khi cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng (40-43) sau này bị dập tắt, theo Hậu Hán thư (後漢書, chính sử của Trung Hoa), tướng nhà Hán là Mã Viện đã cho thu thập và nấu chảy trống đồng vì nó đánh dấu khu vực sinh sống của người Văn Lang và là biểu tượng uy quyền của các thủ lĩnh địa phương. Điều đó cũng cho thấy ý nghĩa địa lý và chính trị của trống đồng Đông Sơn trong việc tìm hiểu vùng lãnh thổ và cổ vật xác định gốc gác người Việt cổ.

Như thế, những nghiên cứu của nhiều học giả đã cho thấy về mặt huyền sử, phương bắc và phương nam có một mối liên hệ mật thiết về nguồn gốc và có nền văn hóa qua lại với nhau từ xa xưa nhưng khi nước Xích Quỷ, tiền thân của nước Văn lang ra đời do tránh sự xâm lấn của Hoa tộc, đã tụ họp nhiều dòng tộc Viêm Việt gọi chung là Bách Việt chiếm một vùng đất rộng lớn ở vùng Hồ Quảng (tức Quảng Đông, Quảng Tây và Hồ Nam của Trung Hoa bây giờ). Theo Gs Kim Định (1915-1997), nước Xích Quỷ tiền thân của nước Văn Lang của chúng ta gồm ba hệ: 

"Hệ Âu Việt (Thái) ở Tứ Xuyên, Quí Châu, Vân Nam, Miến Điện. Hệ Miêu Việt ở giữa các tỉnh Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tây. Hệ Lạc Việt ở Chiết Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây, Bắc Việt, Trung Việt. Thời đại Phong Châu: lập ra Văn Lang tiếp đến là Hán thuộc "(xem Kim Định, Việt Lý Tố Nguyên, tr. 63, tr. 78, sđd bên dưới). Hiện nay ở các vùng này nằm bên Trung Hoa nhất là vùng Quảng Đông, Quảng Tây… vẫn còn có một số người của bộ tộc gốc Việt vẫn giữ được những sinh hoạt tựa như người Việt chúng ta ngày nay (xem trang mạng tham khảo wtk 7). Từ khi các bộ tộc Bách Việt với các vùng đất sinh sống dần dà bị người Hán xâm chiếm và tiến hành đồng hóa như cách thức đã làm với các tộc người Hoa của phương bắc không phải là người gốc Hán! Một vài bộ tộc như Âu Việt, Lạc Việt, Miêu Việt dù bị tiêu mòn do sự đàn áp và đồng hóa của người Hán phương bắc đã tìm cách xuống định cư vùng châu thổ sông Hồng ở phía nam và lập ra nước Văn Lang文郎 với 18 đời vua Hùng vương 雄雄 đóng đô ở Phong Châu 峰州 (huyện Bạch Hạc, Vĩnh Yên, VN). Những sách sử của người Hán còn lại cũng đã đề cập đến tộc Việt được biết đến qua câu chuyện của Việt Vương Câu Tiễn 越王勾踐 (496 TCN - 465 TCN). Điều này có thể làm rõ phần nào sự có mặt của bộ tộc Việt giữa nhiều bộ tộc khác xa xưa cùng sinh sống trên vùng đất Trung Hoa cổ đã dần dần bị các tộc người Hoa nhất là tộc Hán xâm lấn ! Một bộ phận của tộc Bách Việt còn giữ được tinh thần độc lập, tự chủ phải xa lánh về phía nam để tránh bị cưỡng bách đồng hóa mà chúng ta sẽ mở rộng trong những phần sau. Bài học trước mắt trong thế kỷ này mà chúng ta đều thấy rõ ràng khi Hoa tộc đã "nhân danh nước Trung Hoa vĩ đại" tìm mọi cách vô cùng khốc liệt, tàn bạo, vô nhân đạo để diệt chủng hoặc đồng hóa người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ của Tân Cương ,Nội Mông hiện thời chắc chắn hơn hẳn cách thức đồng hóa của tiền nhân nước họ ở điểm tàn độc ,phi nhân tính không kém gì  Fasciste Đức thời thế chiến thứ 2

3. Tính chính danh của hai triều đại Thục Phán An Dương Vương và Triệu Đà (Triệu Vũ Vương) sau thời Văn Lang.

Những thời kỳ tiếp theo sau thời Văn Lang nên lưu ý là đất nước vẫn bị các triều đại bên ngoài như nhà Thục (257-207 TCN) là nước nhỏ nằm gần nước Văn lang (theo Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục 欽定越史通鑑綱目, chính sử triều Nguyễn) do Thục Phán cầm đầu đã đánh tan quân Hùng Vương thứ 18 chiếm ngôi xưng là An Dương vương đặt tên nước là Âu Lạc bao gồm nước Thục cũ (không phải là vùng Ba Thục thuộc tỉnh Tứ Xuyên đã thuộc nhà Tần ) và Văn Lang, đóng đô ở Phong Khê. Truyền thuyết của người Tày ở Cao Bằng nói rằng Thục Phán là vua vùng Nam Cương bao gồm Cao Bằng và Quảng Tây T.H. nằm kề bên nước Văn Lang (Theo Lê Thành Khôi, sđd tr. 74). Các nghiên cứu đã cho rằng Thục Phán là người thuộc tộc Âu Việt của Bách Việt nên mới ghép tên nước thành Âu Lạc. Nhưng rõ ràng Thục Phán không phải là người chính gốc Việt thuộc nước Văn Lang của vua Hùng! Năm 214 TCN, nhà Tần đã cho quân đánh vùng đất Viêm Việt khiến An Dương vương phải thần phục. Thời nhà Tần, Tần Thủy Hoàng (218 TCN) đã sai Nhâm Ngao cùng Triệu Đà đến cai trị vùng Lĩnh Nam. Nhâm Ngao làm Quận úy quận Nam Hải. Khi Nhâm Ngao bệnh sắp mất đã giao chức úy cho Triệu Đà. Khi nhà Tần suy yếu, Đà tách ra hùng cứ một phương tìm cách đánh chiếm Âu Lạc của An Dương Vương nhưng thất bại bèn  dùng mưu kế nội gián (chuyện Mị Châu, Trọng Thủy) chiếm được vùng phía dưới quận Nam Hải 南海 (Quảng Đông, Quảng Châu bây giờ) và Tượng Quận (Bắc Việt Nam) của Thục Vương Phán tức An Dương Vương. Triệu Đà khi đánh tan An Dương Vương xưng là Triệu Vũ Đế đã sát nhập nước Âu Lạc vào quận Nam Hải đặt tên là nước Nam Việt đóng đô ở Phiên Ngung gần thành Quảng Châu. Triệu Đà là người Hán tộc nên khi vua Hán Văn Đế khuyên Đà về hàng, Đà chấp thuận ngay vì cũng rất sợ thế lực nhà Hán nên tự hạ xuống chỉ xưng vương!

Và một điều cần làm rõ là An Dương Vương và Triệu Vũ Vương chẳng qua cũng là kẻ cai trị xâm lược từ bên ngoài hoặc có gốc gác Hoa tộc không phải là dòng giống Lạc Việt. Chúng ta ngày nay không cần phải tôn thờ và ghi nhớ ơn công lao của họ!! Tuy nhiên các câu chuyện dân gian được tái hiện trong sử sách về sau đều ghi nhận dù là ngoại tộc nhưng An Dương Vương Thục Phán (257-207 TCN) hay Triệu Vũ Vương Triệu Đà (207-111 TCN) khi cai trị vùng đất cũ của các vua Hùng không mấy khắc nghiệt và bạo tàn như các thời về sau khi nước ta bị đô hộ bởi nhà Tần, nhà Hán, nhà Tùy, nhà Đường... sau này. Một phần nào đó An Dương Vương Thục Phán cũng có lối sống giản dị của các dân tộc Việt thời này. Mặt khác, cách đối xử của các triều đại Hoa tộc ở trung nguyên vẫn xem An Dương Vương hay Triệu Vũ Vương như là các dân "di địch" dù họ gốc gác không phải tộc Lạc Việt nhưng vì sống gần gũi với những người các nước biên trấn xa xôi mà hệ thống quyền hành của Hoa tộc chưa thực sự bước chân đến như các thời kỳ bị đô hộ và tìm cách đồng hóa người "man di mọi rợ "nước ta về sau! Cũng chính vì sống gần gũi với dân bản địa là người Việt nên ít nhiều nhà cầm quyền của An Dương Vương và Triệu Vũ Vương cũng dần dà hòa nhập với phong tục tập quán của người Việt. Hòa nhập chứ chưa phải là bị đồng hóa vì họ vẫn duy trì đường lối cai trị theo những mẫu mực Trung Hoa. Sự rập khuôn đường lối cai trị cho một vùng đất còn hoang sơ nhiều mặt vẫn cần thiết nhưng về lâu dài, một hệ thống chính trị tốt đẹp hơn, nêu cao tinh thần tự chủ sẽ là yếu tố quan trọng để phát triển và giữ gìn bờ cõi như thời nhà Lý, nhà Trần sau này. Mặt khác, thái độ của Hoa tộc luôn tự cao cho rằng chỉ có vùng trung nguyên mới thực sự văn minh nên họ xưng là Trung Hoa nghĩa là Hán tộc là tộc ưu việt của các thời kỳ lịch sử như nhà Hán, nhà Đường... Họ thường miệt thị các nước những vùng biên giới phía bắc, phía nam hay phía tây đều là những vùng của các "rợ" với nghĩa xấu. Với Hoa tộc, đây là những nơi có nền văn minh thấp kém, cuộc sống còn hoang sơ không như họ là dân tộc có "văn minh", có "văn hóa", có "văn học"... v.v... Hoa tộc gọi người vùng biên cương của họ là "di , địch , man di 蠻夷 (di là "rợ" ở phía đông, man là "rợ" phía nam như Văn Lang chúng ta!)... " đều là những từ miệt thị cả! Dẫu là người Hoa tộc ra cai trị vùng biên giới xa xôi nhưng triều đình Trung Hoa vẫn có sự xem thường! Chính Triệu Đà khi khi viết thư cho hoàng đế nhà Hán vẫn xưng mình là kẻ "man di": "Man di đại trưởng lão phu thần Triệu Đà, mạo muội đáng chết, lạy hai lạy dâng thư lên hoàng đế bệ hạ".  (ĐVSKTT, sđd tr. 89). Các sách sử quan trọng của nước ta từ Đại Việt Sử Ký của Lê Văn Hưu, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (do Ngô Sĩ Liên bổ sung và hiệu đính biên soạn của Lê Văn Hưu) hay truyện ký lịch sử Lĩnh Nam Chích Quái v.v... đề cập rất sơ sài cách thức cai trị và đối xử với người Việt đất Văn Lang của hai thời kỳ An Dương Vương và Triệu Vũ Vương. Tuy nhiên, Triệu Đà đã sử dụng văn học, văn hóa của Hoa tộc thông qua chữ Hán để dễ bề đồng hóa, dạy dỗ dân ta và tiện bề cho việc cai trị của ông ta! Ở đây lại có thêm một vấn đề nữa là sự hình thành chữ viết của người Việt, người Việt thời Triệu Đà dùng chữ Hán âm Việt mà sau này gọi là chữ Nho (viết như chữ Hán, đọc theo âm Việt). Đó là các vấn đề chúng ta sẽ mở rộng về sau. Các thời cai trị sau này của Hoa tộc từ nhà Tần cho đến nhà Tây Hán, Đông Hán, Đông Ngô, nhà Tấn, thời Nam Bắc triều với nhà Tống, nhà Tề, nhà Lương. Rồi thời Bắc thuộc sau cùng với nhà Tùy, kế tục là nhà Đường rồi triều Nam Hán... sử sách đã ghi rõ nhiều tội ác cụ thể đi kèm với nhiều hình thức đồng hóa mà bọn xâm lược phương bắc áp dụng đã gây ra biết bao đau khổ và tang thương cho dân Việt cũng như những hệ lụy kéo dài về sau tác động đến tinh thần tự chủ của dân tộc.

4. Các cuộc khởi nghĩa trong ba thời kỳ Bắc thuộc (111 TCN - 931 SCN).

Trong ba thời kỳ Bắc thuộc mà chúng ta đã biết đến, sử sách đã cho thấy sự tàn ác dã man của đoàn quân xâm lược phương bắc từ giặc Ân, giặc Tần và nhiều triều đại nhà Hán sau này đối với dân tộc Việt dẫn đến sự quật khởi với nhiều cuộc khởi nghĩa đã lần lượt nổ ra. Cuộc khởi nghĩa khởi đầu của Hai Bà Trưng thời Hán Quang Vũ (40-43 STN) là nguồn cảm hứng cho những cuộc khởi nghĩa sau này như của Triệu Quốc Đạt 國逹 và Triệu Ẩu (bà mẹ họ Triệu) (248), của Lý Bôn 李賁 (544-548)kế thừa là Triệu Quang Phục. Rồi tiếp nữa là các cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan 梅叔鸞, của Phùng Hưng (được dân chúng yêu mến kính trọng tôn là Bố Cái Đại Vương 布蓋大王), của Dương Diên Nghệ và Ngô Quyền sau này. Cuộc khởi nghĩa của Lý Bôn năm 544, kế tục là của tùy tướng Triệu Quang Phục đã thành công đem lại một giai đoạn ngắn ngủi cho đất Việt được độc lập với với tên nước là Vạn Xuân萬春 (544-602) rồi lại bị nhà Tùy, kế tục là nhà Đường phương bắc xâm chiếm đặt tên là An Nam Đô Hộ Phủ tương đương quận huyện bên nhà Đường, rồi chia nước ta thành 12 châu [từ Giao Châu phía bắc đến Hoan Châu, Diễn Châu (Nghệ An) ở phía nam]. Có thể xem cuộc khởi binh của Ngô Quyền (931-938) khi đánh tan được quân Nam Hán đã mở ra một thời kỳ tự chủ lâu dài cho dân tộc Việt. 

Đời nhà Đường với nhiều thành tựu đáng kể với một trào lưu mà chúng ta hâm mộ gọi là Thơ Đường với nhiều nhà thơ tài hoa như Lý Bạch, Thôi Hiệu, Vương Duy, Đỗ Phủ, Lý Thương Ẩn, Bạch Cư Dị, Đỗ Mục, Vương Xương Linh, Tống Chi Vấn... v.v... mà thơ văn của họ mang nhiều sắc thái văn học với đậm đà chất nhân bản được nhiều thế hệ xưa nay hâm mộ. Nhưng Đường Cao tổ (621), rồi Cao tông (679), lại là những kẻ đã cho thiết lập chế độ đô hộ thuộc loại tàn bạo nhất trong thời Bắc thuộc. Chính vì vậy, học giả Trần Trọng Kim đã phê phán :" Từ khi nước ta thuộc về nước Tàu, chỉ có nhà Đường cai trị là nghiệt hơn cả!" (sđd, tr. 66). Tên gọi "An Nam đô hộ phủ" không mấy tốt đẹp cũng ra đời từ thời thuộc Đường! Đó là mơ ước của giặc xâm lăng phương Bắc muốn phương Nam luôn yên ổn, không nổi dậy khởi nghĩa đánh lại bọn xâm lăng! Một bên là những cái hay ho của nền văn học nhân bản và một bên là chính quyền gây ra tội ác khi xâm lược nước ta. Sự lựa chọn cũng phải dứt khoát, rõ ràng khi phân tích về sau. Chúng ta có thể điểm qua một số nét chính của ba lần Bắc thuộc:

4. 1. Lần Bắc thuộc thứ nhất (111 TCN-39 SCN):

Triệu Đà từng làm quan nhà Tần trấn nhậm phía nam đã hùng cứ vùng này khi nhà Tần suy yếu. Đà đã dẹp được nhà Thục của An Dương Vương lấy được vùng đất Âu Lạc rộng lớn đổi tên là Nam Việt, tự xưng là Triệu Vũ Đế, chứng tỏ mình ngang bằng với Hán Vũ Đế (140 TCN) của Trung Hoa phía bắc! Khi nhà Hán đã bình định được hầu hết nước Trung Hoa, Triệu Đà phải nghe lời quan sứ Lục Giả do vua Hán Văn Đế cử xuống phương nam chiêu dụ nên chỉ còn xưng vương. Cháu đích tôn là Triệu Văn Vương kế vị (137-125 TCN), tiếp đến đời con là Triệu Minh Vương Anh Tề (125-113 TCN). Triệu Minh Vương mất, Triệu Ai Vương làm vua được một năm thì xảy ra biến loạn do mẹ Ai Vương là Cù Thị gốc người Hán muốn dâng nước Nam Việt cho nhà Hán nhưng bị Tể tướng Lữ Gia và quần thần giết chết cùng với sứ Hán rồi tôn Kiến Đức làm vua xưng là Triệu Dương Vương. Nhà Hán hay tin đã cử tướng giỏi là Lộ Bác Đức và Dương Bộc sang đánh chiếm, giết vua Triệu và Lữ Gia, cải tên nước là Giao Chỉ Bộ 交趾部 chia nước ta thành 9 quận và tiến hành đặt quan cai trị mở đầu cho lần Bắc thuộc thứ nhất kéo dài 40 năm (111 TCN-39 STN). Trong số quan lại nhà Hán sang cai trị đầu tiên có Tích Quang và Nhâm Diên có lòng muốn khai hóa cho dân bản xứ chỉ biết săn bắn và chài lưới để sinh sống. Nhâm Diên đã chỉ dạy cho dân Việt biết cách thức cày bừa, trồng trọt để có đủ lương thực, thóc lúa mà ăn. Cho nên, thái độ của người Việt ta cũng rất biết ơn lề lối cai trị nhẹ nhàng và đem đến lợi ích thiết thực cho người Việt. Tuy nhiên, đến thời của Hán Quang Vũ Đế (nhà Đông Hán) dẹp được loạn Vương Mãn lên làm vua (25 SCN) đã sai Tô Định xuống Giao Chỉ làm Thái Thú. Y là người tàn ác đã gây ra nhiều đau khổ và oán hận cho dân ta dẫn đến cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đánh đuổi được Tô Định phải chạy về nước. Hai Bà lên làm vua gọi là Trưng Vương đóng đô ở Mê Linh được 3 năm (40-43 STN).

4. 2. Lần Bắc thuộc thứ hai (43-544).

4. 21 Nhà Đông Hán năm 43 sai Mã Viện là một danh tướng với đội quân đông đảo, tinh nhuệ đối phó với hai chị em bà Trưng với quân lính ô hợp, chưa từng chiến chinh nên chiến thắng của Mã Viện rất dễ dàng và không đáng tự hào khiến Hai Bà phải tự vẫn ở sông Hát (chỗ sông Đáy chảy ra sông Hồng). Mã Viện hay Phục Ba tướng quân là người tái lập chế độ cai tri của nhà Đông Hán rất khắc nghiệt nhằm đàn áp, đe dọa tinh thần trỗi dậy của dân ta từ cảm hứng cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Chuyện cây trụ đồng của Mã Viện cho dựng nhiều nơi ở Giao Chỉ hay bắt đem nộp tất cả các loại trống đồng đem nấu chảy là những hình ảnh cho thấy con người của y đã đối phó với dân ta như thế nào. Mã Viện là danh tướng của Hoa tộc nhưng đối với người Việt chúng ta, y là một kẻ tàn bạo, là công cụ xâm lược cho Đông Hán và gây nhiều tang thương cho dân Việt thời Hai Bà Trưng. Chính vì vậy, khi nói đến Mã Viện, nhà thơ Nguyễn Du sau này khi đi sứ qua miếu thờ của Phục Ba tướng quân đã châm biếm:

"… Đồng trụ cận năng khi Việt nữ,
      Châu xa tất cánh lụy gia nhi.
      Tính danh hợp thướng Vân Đài họa,
      Do hướng Nam trung sách tuế thì? "
     (Giáp thành Mã Phục Ba miếu - Bắc hành tạp lục)


    

    

     

     (
- 行雜
)

Trụ đồng kia lừa được người đàn bà Việt. Chiếc xe chở ngọc ngà châu báu (từ phương nam) đã để lại những hệ lụy cho con cháu ông. Tên tuổi của ông xứng hợp để ghi trên Vân Đài, sao đòi hỏi nước Nam hàng năm phải dâng đồ cúng tế!? 

Tiếp đến, những quan thái thú qua trấn nhậm đất "Giao chỉ " theo sử sách thường rất tàn ác và tham lam như sử gia Lê Văn Hưu đã viết: "... những người làm thứ sử thấy đất các châu có các thứ ngọc trai, lông trả, tê, voi, hương xạ, gỗ tốt… phần nhiều không liêm khiết, vơ vét của cải cho đầy rồi lại xin đổi đi… thuế má nặng quá, trăm họ không ai là không khốn khổ..." (ĐVSKTT, sđd tr. 118). Thêm vào đó, triều đình bên Trung Hoa của bọn họ lại rất bạc đãi dân vùng bị đô hộ nên bọn quan lại đi trấn nhậm mặc sức đầy đọa dân ta và ra sức vơ vét của cải. Khi nhà Đông Hán suy yếu, Sĩ Nhiếp (187-226) đang làm thái thú Giao Chỉ, bấy giờ xin vua Hán cải tên thành Giao Châu, đã cai trị nước ta có khuôn phép và mở mang việc học theo lối nhà Hán ít nhiều cũng đem lại sự tốt đẹp và văn minh cho vùng Giao Châu. Trước đó, Lý Tiến (khoảng 168-189) người Giao Chỉ nhờ có vốn liếng Hán học cũng được bổ làm thứ sử ở Giao Chỉ. Điều đó cho thấy chữ Hán đã được du nhập trước đời Sĩ Nhiếp! Khi nhà Đông Hán mất, Sĩ Nhiếp vẫn tiếp tục triều cống triều đại mới có ảnh hưởng việc cai trị ở phương Nam là nhà Ngô của Tôn Quyền. Nhiếp mất, con là Sĩ Huy tự xưng thái thú nhưng đã bị thái thú mới được Tôn Quyền cử qua hợp cùng thứ sử Quảng Châu là Lữ Đại bắt giữ và bị chết chém (226). Lữ Đại được phong làm Giao Châu mục 交洲牧 (chăn dắt đất Giao Châu- chữ "mục" có hai nghĩa đáng lưu ý: chăn dắt súc vật và thống trị).

4. 22 Trước sự tàn ác của quan lại nhà Ngô, năm 248, Triệu Quốc Đạt và em là Nhụy Kiều tướng quân Triệu Ẩu đã tụ binh đánh phá quận Cửu Chân nhưng vì quân ít nên không đương cự được quân của thứ sử Giao Châu là Lục Dận, phải chạy đến xã Bồ Điền tự vẫn lúc 23 tuổi.

4. 23 Năm 280, nhà Ngô mất vào tay nhà Tấn. Giao Châu lại bị lệ thuộc nhà Tấn. Giai đoạn này vùng Giao Châu lại bị người Chiêm Thành của nước Lâm Ấp phía nam thường sang cướp phá quận Nhật Nam và Cửu Chân gây nhiều đau thương cho người Việt.

4. 24 Khi nhà Đông Tấn mất (420) thời Nam Bắc triều, Giao Châu bị lệ thuộc vào Nam triều với nhà Tống, nhà Tề, nhà Lương thay nhau cai trị. Đất Trung Hoa loạn lạc nên nhiều người qua Giao Chỉ lánh nạn lâu năm cũng hòa nhập với người bản xứ. Các quan lại người Hoa tranh giành nhau để dành thế độc lập hùng cứ một phương. Thời nhà Lương, quan thứ sử Tiêu Tư rất tàn ác khiến lòng dân nam oán hận lại thêm phải lo sợ bị quân Lâm Ấp cướp phá. Lý Bôn 李賁 nhân cơ hội ấy đã nổi dậy (541) đuổi được Tiêu Tư về nước và chiếm được thành Long Biên lên ngôi vua xưng là Nam Việt Đế 南越 hay còn gọi là Lý Nam Đế 李南帝, đặt tên nước là Vạn Xuân , đóng đô ở Long Biên龍編. Lý Bôn tuy là người gốc gác Hoa tộc ở đời Tây Hán qua Giao Châu lánh nạn sinh sống nơi đây đã bảy đời nên xem như người bản địa đứng lên dẹp chế độ cai trị nhà Lương tàn bạo được sự ủng hộ của các tộc trưởng và dân Việt. Khi nhà Lương cho Dương Phiêu sang làm thứ sử Giao Châu (545) để bình định vùng này. Lý Nam Đế đương cự với quân nhà Lương không lại phải rút về động Khuất Liêu(vùng Hưng Hóa) rồi giao binh quyền lại cho Triệu Quang Phục 趙光復 là một tướng giỏi nhiều mưu kế. Triệu Quang Phục đã dùng chiến thuật du kích ở đầm Dạ Trạch để dụ quân địch đến đánh và làm tiêu hao quân nhà Lương do Trần Bá Tiên chỉ huy nhằm cướp lương thực và làm cho chúng mỏi mệt. Nhân khi bên Lương có loạn Hầu Cảnh phải rút tướng Trần Bá Tiên về, Triệu Quang Phục đã đánh đuổi được quân Lương do tì tướng của Bá Tiên là Dương Sàn chỉ huy và lấy lại thành Long Biên. Trước đó, Lý Nam Đế bị bệnh mất ở vùng Khuất Liêu (548) nên Triệu Quang Phục thế ngôi vua xưng là Triệu Việt Vương.

Về sau, Lý Phật Tử là người họ hàng với Lý Nam Đế đem quân từ Lào về đánh không lại với Triệu Việt Vương nên xin giảng hòa. Quang Phục nghĩ tình người nhà Lý Bôn nên chia đất vùng Ô Diên (làng Đại Mỗ, Hà Đông) và gả con gái cho Lý Phật Tử. Năm 571, Phật Tử bất ngờ đem quân đánh long Biên khiến Triệu Việt Vương thua chạy đến dòng sông Đại Nha (đại An, Nam Định) tự vẫn. Lý Phật Tử xưng vua, đóng đô ở Phong Châu. Nhưng đến năm 602, nhà Tùy dẹp được các nước Nam Bắc triều, thống nhất được Trung Hoa đã sai Lưu Phương sang đánh Nam Việt. Lý Phật Tử nhắm không đương cự được đã xin hàng và Giao Châu lại rơi vào thời kỳ Bắc thuộc lần thứ ba ròng rả thêm 336 năm nữa!

4. 3 Lần Bắc thuộc thứ ba (603-939).

4. 31 Nhà Tùy thống nhất Trung Hoa vỏn vẹn được 26 năm (581-617) nhưng khi nghe tin quân Lâm Ấp thường sang quấy nhiễu Giao Châu và lại nghe Lâm Ấp là nước giàu có nhiều của cải nên vua Tùy lại sai Lưu Phương tiến đánh. Phương dùng kế đánh đuổi được quân Lâm Ấp nhưng cũng phải rút về, nửa đường bị bệnh mất.

4. 32 Năm 618, Đường Cao tổ Lý Uyên dẹp được nhà Tùy, sai Khâu Hòa sang cai trị Giao Châu, đổi tên là An Nam Đô Hộ Phủ 安南都護府 với mười hai châu trải dài từ Lục Châu (Quảng Yên, Lạng sơn) đến Diễn Châu (Nghệ An), sau thêm một châu nữa là Man Châu thuộc các bộ tộc Mường vùng tây bắc. Cũng như các thời cai trị trước của các vương triều Hoa tộc, quan lại nhà Đường cũng gây ra biết bao điều tàn ác khiến dân Nam phải khổ sở. Năm 722, Mai Thúc Loan 梅叔鸞 nổi lên chiếm vùng Hoan Châu, xưng đế mà dân gian thường gọi là Mai Hắc Đế do nước da mặt ngăm đen của ông. Ông đã giao thiệp với Lâm Ấp và Chân Lạp để liên kết chống quân nhà Đường. Đường Huyền tông sai quan nội thị Dương Tư Húc đem quân hợp với quân sở tại đánh Mai Thúc Loan. Quân nam thế yếu nên thua chạy rồi sau đó nhà vua họ Mai bị bệnh mất trên đường bôn tẩu.

Năm 791, đời Đường Đại tông, quan đô hộ Cao Chính Bình áp đặt sưu cao thuế nặng dân chúng rất khổ cực, lòng dân oán hờn, Phùng Hưng người quận Đường Lâm (Phúc Thọ, Sơn Tây) nổi lên đem quân đánh phá phủ đường của quan đô hộ khiến Cao Chính Bình lo sợ mà chết. Họ Phùng chiếm giữ phủ đường được vài tháng bị bệnh mất. Con là Phùng Huy lên thay nhưng xin hàng vì không chống nổi quân nhà Đường do Triệu Xương qua làm đô hộ thống lĩnh. Dân chúng cảm mến Phùng Hưng lập đền tôn là Bố Cái Đại Vương布蓋大王 để tỏ lòng tôn kính.

Tuy nhiên, trong khoảng thời gian từ năm 713 cho đến năm 866, dân Nam không những chịu khổ vì ách cai trị của quan lại nhà Đường lại thường xuyên bị quân quân Nam Chiếu ở phía tây bắc và quân Lâm Ấp phía nam quấy phá liên tục gây nhiều chết chóc thiệt hại cho dân ta. Nhân khi các quan cai trị nhà Đường lên vùng người Mạn ở phía tây mua sắm sản vật với cung cách mua ép khiến các tộc người Man (sát lãnh thổ Lào) sinh lòng oán hận dẫn đường cho quân Nam Chiếu gồm các bộ tộc đóng vùng Vân Nam, phía tây bắc Giao Châu tiến đánh phá nhiều phủ thành gây nhiều thiệt hại lớn cho người Giao châu. Sách ĐVSKTT của Lê Văn Hưu đã ghi nhận: "Nam Chiếu hai lần đánh Giao Châu, vừa giết vừa bắt gần mười lăm vạn người" (sđd tr. 179) trong hơn mấy năm trời ! Còn ở phía nam, quân Lâm Ấp ( sau đổi tên là Chiêm Thành )nhờ ở xa hơn nước Trung Hoa nên sớm lập nước, xây thành vững vàng thường xua quân quấy phá và chiếm giữ Hoan Châu và Ái Châu, gây nhiều thiệt hại về người về của rất lớn không kém những gì quân Nam Chiếu gây ra cho người Giao châu ! Về sau, nhà Đường cử Cao Biền là tướng giỏi sang Giao Châu mới dẹp yên hai nhóm quân giặc này.

4. 33 Sang đời Ngũ Quí (hay còn gọi là Ngũ Đại) bên Trung Hoa với năm thế lực tranh giành nhau là Hậu Hán, Hậu Lương, Hậu Chu, Hậu Đường và Hậu Tấn. Nhà Đường đã suy yếu nên chấp nhận cho Khúc Thừa Dụ 曲承裕 người bản xứ, quê ở Hải Dương làm Tĩnh Hải Tiết độ sứ để cai trị Giao Châu. Khi nhà Đường chấm dứt, nhà Hậu Lương lại có ý dòm ngó đất Giao Châu. Khúc Thừa Dụ làm Tiết độ sứ được hơn một năm thì mất, con là Khúc Hạo lên thay. Khi Hạo mất (917), con là Khúc Thừa Mỹ nhận chức Tiết độ sứ từ nhà Hậu Lương thay vì của nhà Hậu Hán tức Nam Hán cũng đang dòm ngó Giao Châu! Năm 923, Nam Hán sai tướng Lý Khắc Chính đem quân đánh Giao Châu, bắt được Khúc Thừa Mỹ. Nam Hán cử Lý Tiến sang làm thứ sử hợp cùng Lý Khắc Chính giữ Giao Châu.

Năm 931, Dương Diên Nghệ 揚延藝 trước đây là tướng của Khúc Hạo đã mộ quân đứng lên đánh đuổi được Lý Khắc Chính và Lý Tiến lên làm Tiết độ sứ được sáu năm thì bị Kiều Công Tiện là viên tướng thuộc quyền làm phản giết Nghệ cướp quyền nhưng lại bị thuộc tướng khác của Dương Diên Nghệ là Ngô Quyền, quê ở Đường Lâm đem quân từ Ái Châu về đánh khiến y phải cầu viện quân Nam Hán. Vua Nam Hán sai con là thái tử Hoằng Thao đưa quân đi trước còn mình tiếp ứng phía sau. Năm 938, Ngô Quyền đã giết được tên phản bội Kiều Công Tiện và đã chuẩn bị đối phó với quân của Hoằng Tháo trên cửa sông Bạch Đằng. Ngô Quyền cho dùng thuyền nhẹ dụ quân Nam Hán đuổi theo kịp lúc thủy triều hạ xuống nhô cọc bịt sắt đã chôn từ trước khiến tàu thuyền của quân Nam Hán bị đâm thủng gây rối loạn. Thừa cơ, quân Ngô Quyền quay lại phá tan được thủy quân của giặc, bắt sống Hoằng Thao và giết đi. Vua Nam Hán nghe tin không dám tiến đánh và rút về Phiên Ngung.

Có thể xem chiến thắng trên sông Bạch Đằng của Ngô Quyền đã chấm dứt được hơn một ngàn năm Bắc thuộc và mở ra một thời kỳ tự chủ mới cho dân tộc.

*****

Trải qua ba lần Bắc thuộc (207 TCN - 939 SCN), người dân Việt đã chịu sự đô hộ tàn bạo của phương Bắc hơn 1000 năm trời! Suốt chặng đường sau thời nước Văn Lang bị tiêu diệt, các cuộc tranh giành quyền lực, lãnh thổ của những nhóm Hán tộc mạnh yếu của phương Bắc với nhau xảy ra trên vùng đất Giao Châu của người Việt chắc chắn cũng đã gây ra bao nhiêu tang thương cho người dân Việt bị cai trị. Các tộc lân bang như Nam Chiếu, Lâm Ấp, Chân Lạp nhân khi quân Tàu đô hộ yếu thế cũng xâm lấn và gây nhiều thiệt hại cho dân ta. Hơn một một ngàn năm bị phương bắc cai trị đã làm cho các tộc Việt của Văn Lang không thể nào thoát khỏi những ảnh hưởng nhất định về các mặt chính trị, văn học, văn hóa, giáo dục, tôn giáo, phong tục tập quán... v.v... của người Trung Hoa. Chính vì vậy sử gia Trần Trọng Kim đã nhận định: "Thời đại Bắc thuộc dai dẳng đến hơn một ngàn năm, mà trong thời đại ấy dân tình thế tục ở nước mình thế nào, thì bấy giờ ta không rõ lắm, nhưng có một điều ta nên biết là từ đó trở đi, người mình nhiễm cái văn minh của Tàu một cách sâu xa..." (Việt Nam Sử Lược, Lời tựa, tr. 9, sđd, chữ bôi đen của người viết). Chúng ta sẽ tìm hiểu thêm những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực do bị "nhiễm" đó trong các phần sau.

Trong những lần đất nước ta gặp nguy nan sau thời tự chủ của Ngô Quyền, nhờ có vua giỏi tướng tài như thời vua Lê Đại Hành phá Tống bình Chiêm (981), thời Lý Nhân tông, nhà vua và quần thần đã thấy trước âm mưu muốn chiếm nước ta nên đã cử danh tướng Lý Thường Kiệt, Tôn Đản đem quân sang đánh châu Khâm, châu Liêm của nhà Tống mà thuở xa xưa là đất đai của tộc Việt (1075).

Rồi trận đánh tan quân Tống ở sông Như Nguyệt (1076) lại tiến đánh hai châu Khâm, châu Liêm bên Tống lần nữa (1077) đã cho thấy các vua quan triều đình nhà Lý rất uy dũng luôn đề cao tinh thần tự chủ trước những mưu toan thôn tính của phương bắc! Tiếp đến vào thế kỷ 13, nhà Trần với ba lần giặc Nguyên Mông xâm lấn nước ta(1258, 1285, 1287) đã sớm bị vương triều nhà Trần đánh đuổi khỏi bờ cõi! Đến thời Hồ Quý Ly lật đổ nhà Trần lên làm vua đã tạo dịp cho quân Minh sang đánh và đô hộ nước ta (1414-1427). Đây là một thời kỳ đen tối của dân tộc khi bọn Trương Phụ, Hoàng Phúc, Mộc Thạnh, Trần Hiệp là các viên tướng nhà Minh được giao phó thiết lập guồng máy đô hộ bằng những biện pháp đồng hóa khắc nghiệt đối với dân ta. Chẳng hạn"... nhà Minh cấm con trai con gái không được cắt tóc; đàn bà con gái thì mặc áo ngắn quần dài, hóa theo phong tục phương bắc "(ĐVSKTT, sđd, tr 794). Việc vơ vét sách vở quý giá, bắt các nho sĩ hay những người giỏi nghề đem sang Tàu hay "khai thác các xưởng mỏ vàng bạc, đem phu đãi lấy, bắt voi trắng, mò trân châu, đánh thuế nặng, bóc lột nhiều..." (ĐVSKTT, sđd tr. 795) đều là cung cách của bọn đô hộ phương bắc tiến hành như những thời kỳ Bắc thuộc nhưng tàn tệ hơn trước!

Chính sách đồng hóa và thâu tóm nhân tài, vét sạch của cải hay di sản văn hóa... v.v... được quân Minh thi hành mạnh mẽ. Đặc biệt, việc quân Minh lấy đi rất lớn tài liệu sách vở lưu trữ của nhiều triều đại nước Việt đã làm thiệt hại rất lớn di sản văn học, nghệ thuật, văn hóa... v.v... vốn không đồ sộ của nước ta!

Thời nhà Thanh sang xâm lược cũng như bao đời các triều Hán tộc trước đây, cứ nghĩ đơn giản đất đai tiên tổ của chúng ta mà bọn họ đã từng đánh chiếm trong các thời Bắc thuộc xưa kia là "lãnh thổ" của họ. Chính vì thế, tổng đốc Lưỡng Quảng của triều Thanh khi dâng biểu lên vua Càn Long đã viết với đầu óc của những kẻ muốn đi chiếm đoạt nước ta: "... Vả lại nước Nam vốn là đất cũ của nước Tàu, nếu sau khi cứu được nhà Lê và lấy lại được đất An Nam thực là lợi cả đôi đường" (Trần Trọng Kim, VNSL, sđd tr. 396).                                                                        

Tựu trung ,chủ nghĩa bành trướng đã ăn sâu trong đầu óc các triều đại phong kiến Trung Hoa từ xa xưa cho đến bây giờ với ĐCSTQ hung hãn, lại được tuyên truyền, nhắc nhở "giáo dục" thường xuyên trong mọi tầng lớp dân chúng của họ từ đời này sang đời khác để họ luôn luôn cứ nghĩ là ".... nước Nam vốn là đất cũ của nước Tàu... !!!". Và khi họ đi cướp đất của người Tây Tạng, đất Tân Cương của người Duy Ngô Nhĩ, Nội Mông từng là của người Mông Cổ...v.v... biến thành lãnh thổ của họ chắc rằng vẫn với giọng điệu "Đất Tây Tạng, đất Tân Cương, vùng Nội Mông vốn dĩ là của Trung Hoa !!!" Chưa có nước nào trên thế giới nhà cầm quyền vẫn thường dạy dân bằng giọng điệu mù quáng, bịp bợm của kẻ cướp gian dối như thế khi họ luôn tự hào đất nước họ là văn minh, là trung tâm của thế giới! Họ đã đi ngược lại những gì những người thầy của họ đã dạy về nhân, nghĩa, lễ, trí, tín! Những bản đồ mà họ đưa lên Wikipedia hoặc dùng trong giáo dục trong nước nói về các triều đại của họ bao giờ cũng xem những vùng của Văn Lang xưa thời Bắc thuộc và những triều đại sau này đi xâm chiếm nước ta cũng bị sáp nhập vào lãnh thổ trên bản đồ của họ dầu là đây là vùng đất họ xua quân xâm chiếm và rốt cùng bị dân ta đẩy bật ra khỏi nước. Của ăn cướp, đất ăn cướp chẳng bao giờ là ngay chính cả như lời dạy của các tiền nhân của họ, sao họ vẫn cứ tuyên truyền giáo dục con cháu là "đất Việt này xưa vốn là của Trung Hoa"!??. Đó là giọng điệu gian trá của những kẻ lưu manh, mưu mô, lắm thủ đoạn, nhiều xấu xa của bọn cầm quyền Trung Hoa xưa nay vẫn dối gạt dân chúng của họ. Ông bộ trưởng Giác ngộ quần chúng và Tuyên truyền Joseph Goebbels thời Fasciste Đức của Hitler vẫn thường nói: "Nói một lần không nghe nhưng nói đi nói lại cả trăm lần thì người ta sẽ đinh ninh là thật" hoặc: "Nếu nói dối đủ lớn và cứ tiếp tục lặp đi lặp lại lời dối trá của mình, quần chúng rồi sẽ tin vào lời dối đó”, hoặc nữa: "Bằng tuyên truyền khôn ngoan và dai dẳng, người ta có thể khiến cho quần chúng nghĩ rằng thiên đường là địa ngục, địa ngục là thiên đường"... v.v... Kiểu tuyên truyền dối trá ấy đã được phương Bắc áp dụng triệt để trong nhiều lĩnh vực khác nhau trong đó có vấn đề lãnh thổ của nước ta như các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, vùng của Ải Nam Quang, Bản Giốc... v.v... bị bọn họ cướp đoạt và tuyên truyền dối trá đó là lãnh thổ của tổ tiên họ từ xưa! Nhiều du khách Trung Hoa lục địa khi qua Việt Nam vẫn nhai lại kiểu tuyên truyền đó nói là Việt Nam từng là của họ! Quả là cách hành xử và tuyên truyền của nhà cầm quyền Trung Hoa không khác gì Fasciste Đức thuở nào đã tác hại sâu xa đến nhận thức sai lệch trong suy nghĩ của người dân nước họ! Đó cũng là sự hình thành tư tưởng bành trướng độc địa tạo nên bản sắc Trung Hoa không mấy tốt đẹp mà các nước trên thế giới hiện nay đang đánh giá về họ. Một Trung Hoa đầy tham vọng, nhiều thủ đoạn cùng đủ cách hành xử gian trá sẽ là mối nguy hại cho nền hòa bình của nhân loại.

Dương Anh Sơn

Tài liệu tham khảo:

1/ Trần Trọng kim, Việt Nam Sử Lược, NXB VHTT & NS Trẻ Saigon 2002 (in lại theo bản in NXB Tân Việt trước 1975).
2/ Dương Quảng Hàm, Việt Nam Văn Học Sử Yếu, BGD (Trung tâm học liệu )XB, Saigon 1968.
3/ Lê Văn Hưu, Phan Phù Tiên và nhóm Ngô Sĩ Liên thời Hồng Đức (chỉnh lý & bổ sung), Đại Việt Sử Ký Toàn Thư I&II, NXB VHTT, Hà Nội 2004.
4/ Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (dịch: Viện Sử Học VN 1957-1960, NXB GD Hà Nội, 1998.
5/ Lê Văn Siêu, Văn Học Sử Việt Nam, NXB Văn Học & NS Văn Lang in lại, Saigon 2006.
6/ Kim Định, Triết Lý Cái Đình, Nguồn Sáng XB, Saigon 1971.
7/ Kim Định, Vấn Đề Quốc Học, Nguồn Sáng XB, Saigon 1971.
8/ Kim Định, Việt Lý Tố Nguyên, NXB An Tiêm, Saigon 1970.
9/ Phạm Văn Diêu, Văn Học Việt Nam, NXB Tân Việt, Saigon 1960.
10/ Trần Thế Pháp (Vũ Quỳnh & Kiều Phú nhuận chính), Lĩnh Nam Chích Quái Liệt Truyện, bản in lại của NXB Trẻ& NXB Hồng Bàng, Tân Bình, Saigon, 2016.
11/ Will Durant, Lịch sử văn minh Trung hoa (Nguyễn Hiến Lê dịch), bản in lại sau 75 NXB Văn hóa-Thông tin tại Saigon.
12/ Lê Mạnh Thát, Tổng Hợp Văn Học Phật Giáo Việt Nam, q. 1, Viện NCPHVN & NXBTPHCM, Saigon 2001
13/ Lê Thành Khôi, Lịch Sử Việt Nam (từ nguồn gốc đến thế kỷ XX), NXB Nhã Nam&Thế Giới, Saigon 2014

 Trang mạng tổng hợp tham khảo (wthtk):

1- https://vi. wikipedia. org/wiki/Việt_Vương_Câu_Tiễn
2- https://www. rfa. org/vietnamese/. . . /Get-out-of-cn-culture-how-ml-08152014191808. ht. . .
3- http://nghiencuuquocte. org/2015/09/07/viet-nam-khong-bi-dong-hoa-1000-nam-bac-thuoc/
4- https://vi. wikipedia. org/wiki/%C4%90%E1%BA%BF_Minh
5- https://viwikipedia.org/wiki/T%E1%BA%ADp_tin:B%E1%BA%A3n_  %C4%91%E1%BB%93_
c%C3%A1c_qu%E1%BA%ADn_ph%C3%ADa
_%C4%90%C3%B4ng_B%E1%BA%AFc_n%
C6%B0%E1%BB%9Bc_Nam_Vi%E1%BB%87t. png
6- https://vi. wikipedia. org/wiki/%C4%90%E1%BB%93ng_
h%C3%B3a_th%E1%BB%9Di_B%E1%BA%AFc
_thu%E1%BB%99c
7- https://www. youtube. com/watch?v=aC0GdhVQF88
8- https://vi. wikipedia. org/wiki/Văn_hóa
 

(Xem phần tiếp theo: Tác động của Trung Hoa đối với công cuộc đồng hóa từ thời Bắc thuộc cho đến các thời đại sau này)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét