Thứ Năm, 1 tháng 4, 2021

Thơ Chữ Hán Của Nguyễn Du

GIỚI THIỆU 

Xin hân hạnh giới thiệu đến quý Thầy, Cô, quý Đồng Môn và Thân Hữu: Thơ Chữ Hán của thi hào Nguyễn Du do thầy Dương Anh Sơn chuyển dịch. Đây là một công trình biên soạn rất công phu. Một tài liệu quí giá đóng góp cho nền văn học Việt Nam thêm phong phú.

Xin gửi đến BBT phần giới thiệu khái quát về THƠ CHỮ HÁN của Nguyễn Du và tổng quan về ba tập thơ đánh dấu 3 thời kỳ của Tố Như (gộp chung gọi là Thơ chữ Hán). Trước mỗi tập thơ sẽ có phần giới thiệu riêng cho từng tập thơ. Xin bắt đầu với tập THANH HIÊN THI TẬP và Bài 1: U CƯ. Chào thân ái. dương anh sơn.vn"

Trân trọng

NHHN



THƠ CHỮ HÁN CỦA NGUYỄN DU
Thầy Dương Anh Sơn Chuyển Dịch

Khái quát về THƠ CHỮ HÁN của Nguyễn Du: 

Sự nghiệp văn chương của Nguyễn Du được đánh dấu qua các tác phẩm Hán văn và được biết đến nhiều hơn cả là các tác phẩm quốc âm còn lan truyền cho đến ngày nay mà Truyện Kiều (tức Đoạn Trường Tân Thanh) là một điển hình. 

Khi tìm hiểu Nguyễn Du, hầu như người ta chỉ chú ý đặc biệt đến các tác phẩm quốc âm mà xao lãng những tác phẩm viết bằng Hán văn của tiên sinh. Điều này một phần  do các tác phẩm chữ Hán ít được phổ biến rộng rãi so với các tác phẩm quốc âm của Tố Như nên chưa được quan tâm đúng mức.

Trong khoảng thời gian 1920 trở về sau, có rất nhiều học giả như các ông: Bùi Kỷ, Lê Thước, Đào Duy Anh, Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh v.v... đã ra công sưu tập được một phần lớn và cho công bố rải rác trên các sách báo bấy giờ. Một phần nào đó, chúng ta đều công nhận cố gắng của Phạm Quỳnh khi đề xướng phong trào ca tụng Truyện Kiều. Nhờ thế, một số tác phẩm khác nhau của Nguyễn Du đã được lưu ý và phát hiện vào khoảng năm 1931đăng trên tạp chí Nam Phong. Đồng thời, trước đó các ông Lê Thước và Phan Sĩ Bàng đã xuất bản vào năm 1924 “Truyện cụ Nguyễn Du”, đến năm 1942, ông Đào Duy Anh cũng cho xuất bản “Nguyễn Du Văn Họa Phổ”  và năm 1943 “Khảo luận về Kim Vân Kiều”. Trong những sách xuất bản này, tác giả chỉ công bố một số ít thơ Hán văn mà thôi.

Khoảng thời gian sau này, thỉnh thoảng người ta lại thấy xuất hiện một số thơ chữ Hán của Tố Như đăng rải rác trên các báo bên cạnh những bài thơ đã được công bố từ lâu. Năm 1966, nhà thơ Thi Vũ ở Paris đã sao lục từ các thư viện Pháp được thêm một số lớn thơ chữ Hán nữa và đã gửi cho nhà thơ Quách Tấn cả thảy 245 bài (“Thanh Hiên thi tập” 75 bài, “Nam Trung tạp ngâm” 40 bài và Bắc Hành tạp lục” 130 bài). Mặc dầu số thơ này chưa phải toàn bộ là thơ chữ Hán của Nguyễn Du, nhưng nhà thơ Quách Tấn cho đến thời gian này (1973) mới chỉ diễn dịch được 104 bài thơ và cho xuất hiện trong số “Tố Như Thi” [1]. Chúng ta chờ đợi những công bố mới, dù ít dù nhiều sẽ là những tài liệu quí báu giúp ít cho việc khảo cứu Nguyễn Du và đặc biệt Đoạn Trường Tân Thanh. Mặt khác, việc hiệu đính của tác phẩm chữ Hán này cũng cần được chú trọng. Chúng ta mong đợi công trình của các bậc túc nho vậy. Trong thời gian này (trước 1975), ngoài Bắc các ông Trương Chính, Nguyễn Thạch Giang cũng có những công trình rất quan trọng, số lượng thơ của Nguyễn Du cũng được sưu tập nhiều hơn [2].

Thơ chữ Hán của Tố Như tương truyền xuất phát từ ba tập thơ Hán văn:

1/- Thanh Hiên Tiền Hậu Tập       (青 軒 前 後 集)

2/- Nam Trung Tạp Ngâm            (南 中 雜 吟)

3-/ Bắc Hành Tạp Lục                  (北 行 雜 録)

Bên cạnh còn có tập Lê Quý Kỷ Sự (黎 季 紀 事) tương truyền cũng là tác phẩm Hán văn của Nguyễn Du ghi chép những sự việc xảy ra từ cuối đời nhà Lê và trong cuộc đời làm quan của ông. Cho tới ngày nay người ta vẫn chưa biết rõ về tác phẩm thứ tư này, ngoài những thi phẩm chữ Hán kể trên.

Phân tích ba tập thơ chữ Hán, chúng ta nhận thấy Tố Như đã làm ra trong những thời kỳ khác nhau. Đồng thời chân nhận phần nào tâm trạng và tư tưởng của tiên sinh hầu như có thể soi sáng cho Truyện Kiều. Theo đó, chúng ta có thể tạm phân định như sau:

1.- Thanh Hiên Tiền Hậu Tập là những bài thơ làm ra từ trước và trong thời kỳ làm quan. Căn cứ vào việc tìm hiểu và phân tích ý tưởng của bài thơ nơi tập này, người ta thấy rõ Nguyễn Du tiên sinh đã sáng tác qua ba giai đoạn:

- Giai đoạn tha hương nơi đất khách, tiêu dao ở núi Hồng Lĩnh sông Lam (1786-1795).
- Giai đoạn trở về sinh sống ở quê nhà (1796-1802).
- Giai đoạn ra làm quan với nhà Nguyễn (1802-1820).

Tuy nhiên, sự phân định này không có gì là chắc chắn cả; các bài thơ chữ Hán thâu thập rải rác đã được xếp loại dựa vào phần lớn ý tưởng và các địa danh mà tiên sinh đề cập mà thôi. Chúng ta vẫn chưa thấy ai nêu rõ sự kiện này.

Dầu vậy, nhìn một cách tổng quát, chúng ta nhận thấy phần lớn những tư tưởng về đạo, những ý nghĩa về cuộc đời và thiên nhiên, những tình cảm dành cho bạn bè, gia đình và nhất là mối tâm sự chất ngất của tiên sinh hầu như đều nằm ở thi tập này. Mặt khác, ngay tên gọi của thi tập cũng cho thấy phần nào ý nghĩa của các bài thơ bên trong.

2. Nam Trung Tạp Ngâm là những bài thơ được sáng tác trong thời kỳ làm quan ở kinh đô Huế (1805-1808) và tại Quảng Bình (1809-1812) (vùng đất Nam Trung là địa danh chỉ giang sơn cũ trước kia của chúa Nguyễn nằm từ Hoành Sơn trở vào Nam, Bắc Hà thuộc vua Lê, chúa Trịnh nằm từ Hoành Sơn trở ra).

Phần lớn những bài thơ trong tập Nam Trung được công bố đã phản ánh tâm trạng của tiên sinh nơi chốn quan trường. Tiên sinh cảm thấy như bị giam hãm tù túng trong đời sống đầy sự tranh đua phiền toái này. Do đó tiên sinh đã tỏ vẻ luyến tiếc nhớ nhung về một thời thong dong “nghêu ngao vui thú yên hà ” của ngày tháng cũ. Dù muốn dù không, chúng ta cũng phải công nhận rằng thời kỳ làm quan của Nguyễn Du tuy hanh thông, nhưng tiên sinh có vẻ “bất đắc chí” là một điều hẳn nhiên. Những bài thơ trong tập này nếu được xét kỹ sẽ chứng thực rõ điều này.

3. Bắc Hành Tạp Lục gồm các bài thơ làm trong thời gian đi sứ triều cống Trung Hoa (1813-1815). Sắp xếp theo các địa danh và đầu đề của những bài thơ này, chúng ta sẽ vạch được con đường đi của ông từ kinh đô Phú Xuân cho đến khi sang Tàu và trở về. Đồng thời, con đường đi này cũng thể hiện phần nào tâm thức của tiên sinh biến chuyển theo từng chặng hành trình.

Từ Kinh đô đến thành Thăng Long và qua đến Bắc Kinh chất đầy bao nỗi ưu tư, khắc khoải về cuộc đời. Khi nhiệm vụ hoàn tất, trên đường về ghé đến Nam Kinh và dưới chân “Phân Kinh Thạch Đài ”, tiên sinh đã chứng ngộ được diệu nghĩa, giải đáp được nỗi lo nghĩ mà kinh điển và cuộc đời đem lại. Từ đây, cuộc hành trình của tiên sinh đã phần nào thoải mái hơn, tâm thức của tiên sinh cũng đã đổi khác.(xem thêm về tiểu sử Nguyễn Du : Ảnh hưởng đạo Phật trong Đoạn Trường Tân Thanh ,Dương Anh Sơn ,NXB VHTT,Saigon 2006, tr.44-60) ,)

_______________

   [1]  Quách Tấn, Tố Như Thi, Saigon, An Tiêm, 1971

   [2]  Dương Anh Sơn, Ảnh hưởng đạo Phật trong ĐTTT, soạn 1974, in NXBVHTT, Saigon 2006 


TẬP I 

THANH-HIÊN THI-TẬP                
(THANH HIÊN TIỀN HẬU TẬP - 清 軒 前 後 集)

1786- 1802                                                                   

VÀI NÉT VỀ THANH HIÊN THI TẬP

THANH HIÊN THI TẬP hay còn gọi là THANH HIÊN TIỀN HẬU TẬP là một trong ba tập thơ chữ Hán của Nguyễn Du còn để lại bên cạnh NAM TRUNG TẠP NGÂM và BẮC HÀNH TẠP LỤC gọi chung là THƠ CHỮ HÁN CỦA NGUYỄN DU.

Công việc sưu tầm thơ chữ Hán của Nguyễn Du khởi đầu từ đề xướng của Nam Phong Tạp Chí do Phạm Quỳnh làm chủ bút (1931). Sau đó các ông Đào Duy Anh, Bùi Kỷ, Phan Võ, Nguyễn Khắc Hanh, Lê Thước, Trương Chính, Nguyễn Thạch Giang, Vũ Tam Tập và nhiều người khác đã ra sức sưu tập cho đến nay được 249 bài.

Căn cứ vào hoàn cảnh sáng tác, nội dung, các bài thơ được tập hợp lại và sắp xếp đưa vào một trong ba tập thơ chữ Hán nêu trên. Thanh Hiên Thi Tập gồm 78 bài thơ được sáng tác ở nhiều giai đoạn khác nhau của một Nguyễn Du thời trẻ gặp thời buổi loạn ly, thay ngôi đổi chủ… Nam Trung Tạp Ngâm được làm ra khi làm quan triều Nguyễn ở Quảng Bình và Phú Xuân. Còn lại là Bắc Hành Tạp Lục làm khi đi sứ Trung Hoa (1813). 

***** 

Thanh Hiên Tiền Hậu Tập được sáng tác trong ba thời điểm chính khi ông phải đi lánh nạn ở quê vợ vùng Hải An, Quỳnh Côi, Thái Bình (1787), rồi lui trở về quê nhà ở vùng Hồng Lĩnh, sông Lam (1796) và bước đầu ra làm quan với nhà Nguyễn (1802). Căn cứ vào hoàn cảnh sáng tác, nhiều khuynh hướng đã xếp các bài thơ làm ở Quỳnh Côi, Thái Bình là phần “Thanh Hiên Tiền Tập”. Các bài thơ làm khi quay về vùng núi Hồng sông Lam và bắt đầu ra làm quan Tri huyện Phù Dung và Tri Phủ Thường Tín vùng Khoái Châu là "Thanh Hiên Hậu Tập". Sự phân định như thế cũng chỉ tạm thời để dễ dàng tìm hiểu bước đường đời và thơ văn của ông. Cho đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về điều này.

1Thời kỳ ở xã Hải An, huyện Quỳnh Côi, tỉnh Thái Bình đánh dấu một chặng đường mười năm phải xa quê nhà. 

MƯỜI NĂM GIÓ BỤI QUÊ XA (1786-1795)

Từ bài 1 đến bài 60

Thập tải phong trần khứ quốc xa,
Tiêu tiêu bạch phát ký nhân gia…”
(U CƯ)

十載風塵去國賒
蕭蕭白髮寄人家。。。
(幽居)  

 Năm 1787, vua Lê Chiêu Thống chạy sang Kinh Bắc ẩn trốn khi quân Tây Sơn ra Bắc Hà lần thứ hai và mưu việc cầu viện nhà Thanh giúp đánh quân Tây Sơn. Nguyễn Du, theo gia phả họ Nguyễn Tiên Điền, chạy theo không kịp phải đi lánh nạn ở quê vợ ở Quỳnh Côi, Thái Bình. Anh ông là Nguyễn Nễ và anh vợ là Đoàn Nguyễn Tuấn đã theo chiếu mời của vua Quang Trung ra giúp nhà Tây Sơn. Cũng thời gian này, ông nghe tin nhà cửa ở Tiên Điền bị phá, anh ruột Nguyễn Quýnh bị quân Tây Sơn sát hại.

Thời kỳ này là một chặng đường Nguyễn Du phải sống nơi quê người với cuộc sống rất khó khăn lại thêm bệnh đau nên tư tưởng buồn chán, hay than thân trách phận và luôn lo lắng cho sự an toàn:

“Thập tải phong trần khứ quốc xa,
Tiêu tiêu bạch phát ký nhân gia.
Trường đồ nhật mộ tân du thiểu,
Nhất nhất xuân hàn cựu bệnh đa…”
(U Cư – Kỳ nhất)

Tạm chuyển lục bát: 

Mười năm gió bụi quê xa,
Phơ phơ tóc trắng nương nhà của ai.
 Trời chiều bạn ít đường dài,
Mùa xuân bệnh cũ rét cài một gian…”
(Ở nơi vắng vẻ - Bài 1)

Cuộc sống nghèo nàn, phải luôn đề phòng người trong thời loạn lạc:

“Đào hoa, đào diệp lạc phân phân,
Môn yểm tà phi nhất viện bần.
… Dị hương dưỡng chuyết sơ phòng tục,
Loạn thế toàn sinh cửu úy nhân…”
(U Cư – Kỳ nhị)

Hoa đào và lá đào rơi rụng khắp nơi. Cánh cửa cổng nghiêng lệch với một căn nhà nghèo nàn… Ở chốn quê người phải làm vẻ vụng về để đề phòng những kẻ tầm thường tục tằn thô lổ; sống thời loạn lạc, muốn tính mạng lâu dài phải sợ người ta... (Ở nơi vắng vẻ - Bài 2)

Có thể xem bài thơ U CƯ là bức tranh tổng kết một giai đoạn Tố Như phải sống xa nhà do thời cuộc đổi thay. Hình ảnh của Nguyễn Du qua nhiều bài thơ, là hình ảnh một nhà nho buồn chán vì bế tắc và không làm gì được cho mình, cho đời:

… " Trù trướng lưu quang thôi bạch phát,
Nhất sinh u tứ vị tằng khai.”
(Thu Chí)

Tạm chuyển lục bát:

..." Buồn ngày trôi tóc bạc phơ,
Một đời ngẫm nghĩ bao giờ gỡ ra.”
(Mùa thu đến)

Và Nguyễn Du cũng hay than trách cho sự nghiệp của mình còn long đong hoặc cho rằng những khó khăn mình đang chịu đựng là do trời đất phú cho:

“Sinh vị thành danh thân dĩ suy,
… Thiên địa dữ nhân truân cốt tướng.”
(Tự Thán – Kỳ nhất)

Dẫu băn khoăn về sự nghiệp hay số phận của mình nhưng tự thân tâm, Nguyễn Du vẫn mong ngóng về một chốn an nhàn rời xa những danh lợi tranh chấp của cuộc sống:

“Hà năng lạc phát quy lâm khứ,
Ngọa thính tùng phong hưởng bán vân.”
(Tự Thán – Kỳ nhị)

Tạm chuyển lục bát:

Những mong gọt tóc vào rừng,
Nằm nghe thông lộng giữa chừng tầng mây.”
(Than Thân – Bài 2)

Khi nghĩ về gia đình, anh em ly tán, bản thân phải xa quê lánh nạn, cuộc sống hàng ngày phải ăn nhờ ở đậu, chí khí của kẻ sĩ phải cùn nhụt trải qua nhiều mùa xuân chẳng làm được gì, Nguyễn Du đã cảm khái:

“… Liêu lạc tráng tâm hư đoản kiếm,    
Tiêu điều lữ muộn đối thời ca.  

Bế môn bất ký xuân thâm thiển,            

Đãn kiến đường lê lạc tận hoa.”
(Tạp Ngâm)

Tạm chuyển lục bát:

… "Vắng tanh kiếm ngắn chí cùn,
 Trọ xa quạnh quẽ sánh buồn bài ca.
Cửa cài chẳng nhớ xuân qua,
Đường lê chỉ thấy rụng hoa hết rồi ”.
(Tạp Ngâm)

Những mùa xuân đã đi qua không mang lại cho ông niềm hy vọng mới nào. Và ông chỉ thấy đêm tối chập chùng và lòng thương nhớ quê nhà từ trong tâm khảm:

“Hắc dạ thiều quang hà xứ tầm?
Tiểu song khai xứ liễu âm âm.
... ”Ky lữ đa niên năng hạ lệ,
Gia hương thiên lý nguyệt trung tâm”…
(Xuân Dạ) 

 Đêm tối đen, nào tìm thấy đâu ánh sáng tươi đẹp của mùa xuân ? Chỉ thấy bóng cây liễu tối mờ qua khung cửa sổ nhỏ… Trọ nơi đất khách đã nhiều năm, lệ rơi dưới ánh đèn. Từ trong cõi lòng vẫn như thấy vầng trăng chốn quê hương xa ngàn dặm… (Đêm xuân).

Đó là tâm trạng bi quan, chán nản của Nguyễn Du. Và nhìn lại chặng đường mười năm xa nhà là mười năm của nỗi day dứt muộn phiền mà ông muốn xua cho tan đi, nhưng vẫn chưa thoát được. (“Thập tải trần ai ám ngọc trừ, … Bách chủy u hoài vị nhất sư.” – Bát muộn). Vì phải làm người khách ở lâu (trệ khách) nơi quê người nên ông đã quyết định phải trở lại với quê nhà ở vùng núi Hồng, sông Lam. 

2. Năm 1796, bây giờ Nguyễn Du đã 32 tuổi đã quyết định về quê cũ ở Tiên Điền. 

Cuối năm này, ông toan tính vào Gia Định theo giúp Nguyễn Ánh nhưng việc chuẩn bị không thành. Ông bị tướng Tây Sơn là Nguyễn Thận bắt giam giữ mười tuần; may nhờ Nguyễn Nễ có chỗ quen biết nên ông được tha ra (xem Mi trung mạn hứng). Nhìn chung hình ảnh Nguyễn Du giai đoạn này đã tìm được sự yên ổn và bình tĩnh trước những  thăng trầm, thay  đổi. Đó là bước đường để tiến đến tỏ ngộ về lẽ vô thường:  

“Diệp lạc hoa khai nhãn tiền sự,
Tứ thời minh kính tự như.”
(Tạp Thi-Kỳ nhị)

Tạm chuyển lục bát:

Lá rơi, hoa rụng mắt xem,
Gương lòng vẫn thế vẹn nguyên bốn mùa.
(Tạp Thi - Bài 2)

“Minh kính” hay “như như” là những thuật ngữ thường được sử dụng trong Thiền Trung Hoa, đặc biệt của phái Thần Tú. Nếu Nguyễn Du không từng đọc qua “Pháp Bảo Đàn Kinh” của ngài Huệ Năng thuộc phái thiền Trúc Lâm Trung Hoa để tìm hiểu về thiền thì ông không thể có những vần thơ gần với quan niệm thiền của ngài Thần Tú, chủ trương tu “tiệm” hay “tiệm ngộ” nghĩa là từng bước giữ gìn tu sửa cái tâm cho sáng sẽ dần dần giác ngộ :

“Minh nguyệt chiếu cổ tỉnh,
Tỉnh thuỷ vô ba đào.
Bất bị nhân khiên xả,
Thử tâm chung bất dao...”
(Đạo ý)

Tạm chuyển lục bát:

Sáng soi giếng cổ ánh trăng,
Giếng không gợn nước chẳng dâng sóng trào.
  Không người dẫn dắt buộc vào,
 Rốt cùng chẳng chút lao xao lòng này…”
 (Nói ý mình)

Tố Như đã khởi sự phương pháp tu thiền theo lối “tiệm” của Thần Tú. Nhiều người biết rằng “Pháp Bảo Đàn Kinh” của Huệ năng đã đề cập đến những giai thoại về Thần Tú là một thiền sư nổi tiếng với chủ trương tu tiệm, nghĩa là việc tu tập, giữ gìn cái tâm cho trong sáng sẽ dần dà giúp cho người tu hành làm cho tâm vững vàng và trong lắng. Phương pháp thiền của Thần Tú ảnh hưởng của  Tịnh Độ Tông lấy việc học hỏi, hiểu dần kinh điển  và niệm Phật để đạt giải thoát. Làm cho TÂM sáng rõ tức là thấy TÁNH (Minh tâm kiến tánh), và thấy được TÁNH tức là thấy rõ “Chân diện mục” (“Thái phác bất toàn chân diện mục” – Ký hữu – Bài 2). Giai đoạn này con đường tu tập của Nguyễn Du, qua bài thơ “Đạo ý” vẫn còn chấp vào một cái tâm để giữ đạo sao cho khỏi bị dao động tương tự quan niệm của Thần Tú:

“Thân thị bồ đề thọ
Tâm như minh kính đài.
Thời thời thường phất thức,
Mạc  khiển hữu trần ai”

Thân như cây bồ đề, tâm như đài gương sáng. Hàng ngày luôn chùi dọn, chớ để cho có bụi bặm [1]. Và Nguyễn Du cũng cùng một ý hướng đó:

“…Bất bị nhân khiên xả,
Thử tâm chung bất dạo…”
(Đạo ý)

Nguyễn Du lúc này vẫn theo cách của Thần Tú  nghĩa là cần giữ cho tâm không dao động như vầng trăng sáng trong lòng giếng xưa không có sóng lao xao. Sau này ông đã chịu ảnh hưởng sâu đậm  tư tưởng của thiền sư Huệ Năng dựa trên kinh căn bản là Kim Cương Kinh và phép tu lấy “đốn ngộ” (nghĩa là thấy ngay tức thì) để đánh giá thực chứng của con đường tu học:

“Nhân liễu thử tâm, nhân tự độ,
Linh Sơn chỉ tại nhữ tâm đầu.
Minh kính diệc phi đài,
Bồ đề bản vô thụ.
Ngã độc Kim Cương thiên biến linh,
Kỳ trung áo chỉ đa bất minh.
Cập đáo “Phân kinh” thạch đài hạ,
Tài tri vô tự thị chân kinh.”
(Lương Chiêu Minh Thái Tử Phân Kinh Thạch Đài - Bắc Hành Tạp Lục)

“Minh kính diệc phi đài,”… Đó là cách thế phủ định trong phương pháp thiền của Huệ Năng. Với hơn một ngàn lần đọc Kinh Kim Cương nên khi cơ duyên đến khi đi sứ Trung Hoa đã giúp ông nhận ra “Mới biết là Kinh không chữ mới là chân kinh” cũng như khi Huệ Năng “ngộ” từ câu kinh “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”.[2]

Và một Nguyễn Du giai đoạn này đã khác trước. Việc tìm hiểu đạo Phật đã giúp ông vượt lên những trăn trở của đời thường để có thể khẳng định: “Tứ thời tâm kính tự như như” (Tạp Thi - Kỳ Nhị). Đó là bước trở về và nhận ra:

“Đạt nhân tâm cảnh quang như nguyệt,”
(Tạp ngâm – Kỳ nhị)

“Đạt nhân" là người thấu lý đạt tình, thông hiểu nhiều về cuộc sống , về con người cũng như sự vật. Và hiểu rõ đức nhân tức là sẽ thấy tâm cảnh sáng như vầng trăng để xua tan những nghiệt chướng, trả lại cái tâm vắng lặng yên tĩnh:

 “Chướng tiêu thời giác túc tâm không”
 (Thôn dạ)

Một Nguyễn Du giai đoạn đầy bi quan ở quê vợ đã trở thành một Tố Như lòng thanh thản, tâm thức vững vàng trước mọi đổi thay. Chuyển biến của tâm thức ấy một phần lớn nhờ vào quá trình tu học đạo Phật, đặc biệt của Thiền tông. Mặt khác cũng như nhiều nhà nho khác khi ở ẩn hoặc chờ thời, tư tưởng Lão Trang cũng giúp cho Tố Như có được tư thái “an bần lạc đạo” nghĩa là sống yên ổn với cái nghèo và vui thú với lẽ đạo :

“Môn tiền yên cảnh cận như hà?
Nhàn nhật khai song sinh ý đa…”
(Khai song)

Trước cửa nhà ,cảnh sắc tươi đẹp gần đây như thế nào, ngày nhàn rỗi mở cửa sổ thấy niềm sống tràn trề !  Chỉ khi lòng thanh thản, ông mới có được niềm vui sống như thế:

“Vị hữu văn chương sinh nghiệt chướng,
Bất dung trần cấu tạp thanh hư.
Tam lan song hạ ngâm thanh tuyệt,
Điểm điểm tinh thần du thái sơ.”
(Ngọa bệnh – Kỳ nhất)

Chưa hề có việc văn chương sinh ra những nghiệt chướng, lụy phiền. Không được để cho bụi bặm xen lẫn vào cõi lòng trong lắng. Ba khóm lan bên dưới song và tiếng ngâm nga cũng đã dứt, tinh thần dần dần đến cõi ban sơ…Vào cõi thái sơ là trở về thuở ban đầu của chân diện mục (gương mặt đích thực), là con đường tìm đến cái tâm đích thực thuở nào vẫn trong sáng và không bị những tuế toái, phiền lụy của cuộc đời chi phối nữa.

Trở về yếu tố ban đầu như thuở nào (Tố Như) vừa là một khái niệm của nhà Phật và cũng là tư tưởng Lão Trang. Cõi “thanh hư” hay “thái sơ” xét cho cùng là nơi cõi lòng đã lắng đọng, cái tâm đã trở về với cội nguồn. Nguyễn Du đã đổi khác rất nhiều về nhận thức cuộc đời nhờ những tư tưởng ấy. Ông vẫn còn sống cảnh nghèo nàn nhưng không còn than thân như bao lần ở quê vợ mười năm trước:

“… Lam Giang đường thượng hữu hàn nho.
Nhất sinh từ phú tri vô ích,
Mãn giá cầm thư đồ tự ngu…”
(Mạn hứng)

Có nhà của nhà nho nghèo ở phía đầu dòng sông Lam, một đời người với từ phú, thơ văn, biết là chẳng ích gìTự mình làm cho mình ngu dẫu đầy sách và cây đàn trên giá…Như thế ông đã thấy rõ con đường sách vở là vô ích và chỉ có sự trở về với lòng mình, gần gũi với thiên nhiên mới giúp ông nhìn đời khác đi ở tầm mức lớn rộng và lạc quan hơn. 

*****

Không phải ngẫu nhiên mà ông có danh xưng “Hồng Sơn liệp hộ” và “Nam Hải điếu đồ” (Phường săn ở núi Hồng và Kẻ chài ở biển Nam). Tính cách tiêu dao và nhàn dật của tư tưởng Lão Trang đã giúp ông thanh thản  khi nhìn đời và trông lại mình:

“Y quan đạt giả chí thanh vân,
Ngô diệc lạc ngô mi lộc quần…”
(Liệp)

Tạm chuyển lục bát:

 “Làm quan chí đạt mây xanh,
Còn ta vui thú quanh bầy hươu nai…”
(Đi săn)

Tố Như vẫn hằng mong  nơi thoát ra được cuộc đời trôi nổi để làm người đạt được ý nguyện là vui thú, ngồi thong dong dưới cội tùng của kẻ đã thấu rõ được lẽ đời:

“Ná đắc khiêu ly phù thế ngoại,
Trường tùng thụ hạ tối nghi nhân.”
(Sơn thôn)

Chính  vì thế ông đã tự khuyên mình và khuyên người hãy nhìn thật kỹ vào cuộc đời để thấy sự biến đổi và vô thường của nó:

“Sơn thượng hữu đào hoa,
Xước ước như hồng ỷ.
Thanh thần lộng xuân nghiên,
Nhật mộ trước nê trĩ…”
(Hành lạc từ - Kỳ nhị)

Tạm chuyển lục bát:

“Trên non kia có hoa đào,
Lả lơi như lụa thắm màu hồng tươi.
Sáng cùng xuân đẹp giỡn cười,
Chiều hôm bám mãi vào nơi bùn lầy…”
(Bài từ về thú vui)

Đồng thời ông cũng chỉ ra tính cách bi đát và vô thường của đời người và người đời:

“Nhãn tiền phú quý như phù vân,
Lãng đắc kim nhân tiếu cổ nhân.
Cổ nhân phần dinh dĩ luy luy,
Kim nhân bôn tẩu hà phân phân.
Cổ nhân hiền ngu nhất khâu thổ,
Sinh tử quan đầu mạc năng độ…”
(Hành lạc từ - Kỳ nhị)

 Tạm chuyển lục bát:

 “Giàu sang trước mắt: mây bay!
Cười người xưa ấy, người nay buông tuồng!
Người xưa mồ mã chất chồng,
Người nay đi lại rối mòng lắm thay!
Hiền ngu: nấm đất xưa nay,
Cửa qua sống chết không ai vượt rồi…”
(Bài từ về thú vui-Bài 2)

Cùng nhận thức về đời người như thế, 350 năm trước Nguyễn Trãi trong bài thơ “Côn Sơn Ca” cũng từng chỉ rõ: “…Hiền ngu lưỡng giả bất tương mây, diệc các tự cầu kỳ sở dục. Nhân sinh bách tuế nội, tất cánh đồng thảo mộc. Hoan bi ưu lạc diệc vãng lai, nhất vinh nhất ta hoàn tương tục. Khâu sơn hoa ốc diệc ngẫu nhiên, tử hậu thùy vinh cánh thùy nhục…” (Ức Trai Thi Tập).

Tạm dịch thơ:

Hiền ngu hai kẻ đôi nơi,
Đều tìm ham muốn cho đời mình thôi!
Trong vòng trăm tuổi con người,
Rốt cùng giống như đời cỏ cây!
Vui buồn, lo sướng, đổi thay!
Vẻ vang, tàn tạ quay về nối nhau.
Thế rồi gò núi nhà cao,
Ai vinh, ai nhục mai sau qua đời?!...” [4]

Tư tưởng đạo Phật và tư tưởng Lão Trang đan quyện vào nhau để hình thành một Nguyễn Du có dáng dấp một nghệ sĩ lớn đứng nhìn về “tuồng ảo hóa đã bày ra đó” (Cung oán ngâm khúc – Nguyễn Gia Thiều), nhìn về một sân khấu đời người với đủ tấn tuồng “mua vui cũng được một vài trống canh” (Đoạn Trường Tân Thanh ,câu 3254). Có thể nhắc lại rằng giai đoạn ở núi Hồng sông Lam với việc tìm hiểu đạo Phật đã cho thấy cách thế nhìn đời của Nguyễn Du đã ở một tầm mức cao hơn, trải rộng hơn. Tố Như đã dần dần bước đến cánh cửa của sự giác ngộ dẫu là ở một cấp độ thấp (tục đế) để tiến tới cái nhìn sâu hơn  và thấy rõ ý nghĩa cuộc đời (chân đế) khi đi sứ Trung Hoa năm 1813.[5]

3 .  BƯỚC ĐẦU RA LÀM QUAN NHÀ NGUYỄN (1802-1804)

Từ bài 61-78 

Năm 1802, Nguyễn Du ra làm quan cho nhà Nguyễn cùng với nhiều cựu thần nhà Lê khác. Bước đầu Nguyễn Du được bổ làm Tri huyện Phù Dung ở Khoái Châu, rồi ba tháng sau được bổ làm Tri Phủ Thường Tín. Cuối năm 1803, ông được cử lên Trấn Nam Quan đón sứ nhà Thanh sang nhân dịp Gia Long lên ngôi xin cầu phong. Đức độ và tài năng của ông  đã được triều đình Huế nể trọng nên đường hoạn lộ của ông cũng hanh thông. Chỉ trong vòng hai năm ông đã là sứ giả thay mặt triều đình đón sứ nhà Thanh. Sự trọng dụng của triều đình đã cho ta thấy được một phần nào về tài năng của ông trong công việc. 

Nhìn lại những bài thơ của ông ở giai đoạn này, chúng ta cũng thấy việc ra làm quan cũng là chuyện chẳng đặng đừng. Nguyễn Du vẫn tiếc nhớ nhà Lê và khi Tây Sơn tung hoành ngang dọc từ nam ra bắc, ông đã từng có ý nguyện ra giúp Nguyễn Ánh nhưng âm mưu bị lộ và bị Tây Sơn giam giữ 10 tuần (xem bài thơ Mi Trung Mạn Hứng ở phần trên). Tuy nhiên, tự thân tâm ông vẫn thường nghĩ là mong ước sâu xa của đời người là được tự do, tự tại “ngoài vòng cương tỏa chân cao thấp” (Nguyễn Công Trứ), được làm bạn với thiên nhiên, thong dong làm kẻ ẩn dật:

“…Hữu sinh bất đai công hầu cốt,
Vô tử chung tầm thỉ lộc minh.
Tiễn sát bắc song cao ngọa giả,
Bình cư vô sự đáo hư linh.”
(Ký hữu-Kỳ nhị)

Tạm chuyển lục bát:

“Sinh ra chẳng cốt công hầu,
Nếu mà chưa chết bạn bầu hươu nai.
Mong ngồi cửa bắc như ai,
Sống yên chẳng bận miệt mài sâu xa.”
(Gửi bạn-bài 2)

Con đường hoạn lộ, con đường làm quan cũng lắm chông gai. Đó là một bãi chiến trường tranh dành danh lợi rất khốc liệt. Lòng dạ con người bị lợi danh chi phối sẽ trở nên tàn tệ, thâm độc. Áo mũ cân đai đẹp đẽ; chức tước, bổng lộc, miếng đỉnh chung v.v…của chốn quan trường đã biến nhiều người thành những kẻ xấu xa từ bên trong, được che dấu bằng bộ mã đẹp đẽ bên ngoài:

“Khổng tước phủ hoài độc,
Ngộ phục bất khả y.
Ngoại lộ văn chương thể,
Trung tàng sát phạt ky…”
(Khổng tước vũ)

Tạm chuyển lục bát:

“Chim công lòng dạ độc sao!
 Nuốt nhầm vào chẳng thể nào chữa cho.
Bề ngoài đẹp đẽ bầy phô,
Giết người giấu bẫy mưu mô trong này…”
(Chim công múa)

Sống giữa vòng danh lợi chốn quan trường, ông đã tỏ vẻ chán ngán, mệt mỏi: “Danh lợi doanh trường lụy tiếu tần; nhân tự tiêu điều, xuân tự hảo…” (Xuân tiêu lữ thứ) nghĩa là: “Chốn danh lợi nhiều phiền lụy làm cho mặt mày nhăn nhó; người thì xơ xác còn xuân vẫn tốt tươi…” Bước đường đầu tiên làm quan thái độ ông đã như thế nên sau này khi ở Huế giữ chức Đông Các học sĩ rồi Cần Chánh điện học sĩ, khi có việc ở triều đình  vua hỏi ông chỉ vâng dạ chứ ít khi có ý kiến(Đại Nam Chính Biên liệt truyện) .Cho nên Nguyễn Du đã tỏ vẻ nguội lạnh về việc làm quan: “Anh hùng tâm sự hoang trì sính.” (Xuân tiêu lữ thứ) và luôn luôn mơ ước về một chốn yên ổn, nhàn nhã, ung dung tự tại:

“… Tiện nhĩ dã âu tùy thủy khứ,
Phù sinh lao lục kỷ thời hưu.”
(Đồng Lung Giang)

hoặc:

“Ảnh lý tu my khan lão hỷ,              
Mộng trung tùng cúc ức qui dư…”
(Lạng Sơn đạo trung)

Tạm dịch:

“… Thèm như âu lượn theo dòng,
Đời bao lâu hết bềnh bồng nhọc thân?”
(Sông Đồng Lung)

 “Thấy già, soi bóng râu mày,
Cúc tùng trong mộng nhớ quay trở về…”
(Giữa đường đi Lạng Sơn)

Bài “Quỷ Môn đạo trung” làm thời kỳ này cũng là một bài thơ giàu ý nghĩa. Việc đi đón sứ nhà Thanh đi ngang qua đây gợi ra cho ông niềm tự hào về những chiến công của tiền nhân đã từng khiến kẻ thù phương bắc phải run sợ khi tiến đánh nước ta ở phương nam:

“Chinh khách nam qui dục đoạn hồn.”

Về phương nam khách đi xa hồn vía muốn lìa ra…Khách đi xa có thể là giặc khách, giặc phương bắc  và cũng có thể là sứ giả nhà Thanh đại diện cho một triều đình từng đem quân đánh phương nam và bị đại bại bởi Quang Trung. Khách đi xa về quê phương nam cũng có thể là bọn giặc phương bắc ngày trước như giặc Nam Hán, giặc Nguyên Mông, giặc nhà Minh v.v… Đó là những “chinh khách nam qui” phải khiếp sợ khi vào đất Việt qua ải Quỷ Môn này.

Nhưng có lẽ chuyển biến về mặt tư tưởng đạo Phật trong quá trình học hỏi của ông cũng cần được lưu ý. Khi đến Lạng Sơn, ông đã có dịp ghé Nhị Thanh Động là một trong ba động rất đẹp nằm ở dãy núi phía bắc. Từ việc thưởng thức vẻ đẹp khéo léo của thiên nhiên, ông đã thấu đạt được chân lý đức Phật vẫn thường nhắc nhở đệ tử trong “Kinh Kim Cương Bát Nhã” : “Sắc tức thị không, không tức thị sắc” hoặc “Chiếu kiến ngũ uẩn giai không”. Tánh của pháp giới, của thế giới hiện tượng đều mang tánh không. Đó là một vấn đề then chốt trong quá trình chứng ngộ của Thiền Tông:

“Mãn cảnh giai không hà hữu tướng,
Thử tâm thiền định bất ly thiền…”
(Đề Nhị Thanh động)

Mọi cảnh khắp cõi đều là không nào đâu là hình tướng? Lòng này thường vẫn an định và không rời con đường thiền. Đó là hai câu thơ cho thấy rõ Tố Như đã thực sự bước vào con đường tìm cầu lẽ đạo bằng sự tu học để giữ cho TÂM được ĐỊNH theo những pháp tu của thiền tông.

Giai đoạn bước vào chốn quan trường tranh nhau danh lợi, ông cảm thấy chán nản không ham thích vì con ngựa đem đóng móng sẽ mất ngay tính trời, tính tự nhiên theo quan niệm đạo Lão  (“Khắc lạc thiên chân thất mã đề” – Ngẫu hứng – Kỳ nhất ). Nhưng nhờ thấm đượm tinh thần thiền nên cách nhìn đời của Tố Như vững chãi hơn, rộng hơn. Sống giữa trường đua tranh danh lợi mà lòng ông không hề xao động như thói thường. 

Riêng về bài thơ “Độc Tiểu Thanh Ký” được tạm xếp ở giai đoạn này nhưng xem xét kỹ nội dung bài thơ đã cho thấy Nguyễn Du từng đến viếng nàng Tiểu Thanh ở vùng Tây Hồ bên Trung Hoa (“Độc điếu song tiền nhất chỉ thư” – câu 2) chứ không phải nhờ đọc những tài liệu hoặc những bài thơ nói về nàng Tiểu Thanh. Căn cứ vào câu thơ này, có lẽ nên xếp ĐTTK vào " Bắc Hành Tạp Lục " .  Đây chỉ là một ý kiến nêu ra căn cứ vào nội dung bài thơ để góp phần cho việc  sắp xếp sao cho hợp lý hơn mà thôi.(xem thêm chú thích bài 78: Độc Tiểu Thanh Ký ở cuối tập THTHT) 

***** 

Ba chặng đường của Nguyễn Du với 78 bài thơ trong Thanh Hiên Tiền Hậu Tập này đã đánh dấu ba hoàn cảnh sống, cùng với những biến chuyển tư tưởng của ông. Ngoài những tư tưởng nho học, hai tư tưởng thiền và Lão Trang đan quyện vào nhau để có thể giúp ông vượt qua những trăn trở về cuộc sống phải “xử ký tiếp vật” đối diện với chính mình và các mối giao tiếp với con người và vạn vật. Tố Như hẳn là một người đã từng đọc các sách vở đạo Phật, đặc biệt là “Kinh Kim Cang Bát Nhã ” nên mới thấm ngộ được lẽ đạo như đã đề cập trong hai bài thơ là “Đạo Ý” và “Đề Nhị Thanh Động”. Sau này, trong “Bắc Hành Tạp Lục” làm khi đi sứ Trung Hoa, Tố Như đã viết rằng: “Ngã độc Kim Cương thiên biến linh…” thì rõ ràng ông đã đi sâu vào tư tưởng của thiền tông. Và đó là ánh sáng dẫn dắt tinh thần ông để trở thành một nhà thơ tầm vóc lớn lao của một bậc thi hào. Việc tìm hiểu đoạn đường đời của Nguyễn Du ở thời kỳ Thanh Hiên Thi Tập này chỉ là những nét phác thảo còn nhiều thiếu sót về một nhà thơ lớn của dân tộc. Không phải bỗng dưng ông chọn tên hiệu là Tố Như. Đó là một dấu ấn của tư tưởng khi ông tìm đến với đạo Phật.

Chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu thêm về cuộc đời của ông qua thơ văn trong những phần kế tiếp khi đọc những bài thơ trong Nam Trung Tạp Ngâm và Bắc Hành Tạp Lục sau này để có cái nhìn xuyên suốt về chân dung của một bậc thi hào. Song song với các tác phẩm Hán văn thì các tác phẩm chữ Nôm như Đoạn Trường Tân Thanh và Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh (hay còn gọi là Chiêu Hồn Ca) cũng sẽ góp phần soi sáng về ảnh hưởng đạo Phật trong việc hình thành tư tưởng Nguyễn Du. Cho nên để nhìn về một tác giả, việc tìm hiểu toàn bộ tác phẩm là điều cần thiết hầu đưa ra những nhận định xác thực. Và để thực sự hiểu biết về Nguyễn Du thông qua cuộc đời và thơ văn của ông không phải là một công việc dễ dàng. Phải chăng đó là điều băn khoăn của Nguyễn Du khi ông viết:

“Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như.”
(Độc Tiểu Thanh Ký)
  ______________________
[1] Xem Daisetz T. Suzuki, Thiền Luận, quyển thượng, Trúc Thiên dịch, An Tiêm XB, Sài Gòn 1971, tr. 324.
[2] Xem Dương Anh Sơn, Ảnh hưởng đạo Phật trong ĐTTT, NXBVHTT, Sài Gòn 2006, tr. 200, 201, 202.
[3] Daisetz T. Suzuki, Thiền Luận, Bộ Trung, An Tiêm XB, Sài Gòn 1971, tr. 28,29 (phần phụ lục).
[4]  Nguyễn Trãi, Ức Trai Thi Tập, Dương Anh Sơn dịch thơ và chú giải, NXBVH Sài Gòn 2009, tr. 193.
[5]  Dương Anh Sơn, Sđd, tr. 206, 207

_____________________

 

Bài 1:     U CƯ  (Kỳ nhất )                      幽居(一)

 

Thập tải phong trần khứ quốc xa,           十載風塵去國

Tiêu tiêu bạch phát ký nhân gia.             蕭蕭白髮寄人

Trường đồ nhật mộ tân du thiểu,             長途日暮新遊少

Nhất thất xuân hàn cựu bệnh đa.             一室春寒舊病多 

Hoại bích nguyệt minh bàn tích dịch,     壞壁月明蟠蜥蜴

Hoang trì thủy hạt xuất hà ma.                荒池水涸出蝦蟆

Hành nhân mạc tụng “Đăng lâu phú”,     行人莫誦豋樓賦

Cưỡng bán xuân quang tại hải nha.         强半春光在海 

Tạm chuyển lục bát : 

Ở NƠI VẮNG VẺ (Bài 1) 

Mười năm gió bụi quê xa,

Phơ phơ tóc trắng nương nhà của ai!

Trời chiều bạn ít, đường dài,

Mùa xuân bệnh cũ rét cài một gian.

Sáng trăng vách nát mối, lằn,

Ao hoang cạn nước nhái giăng ra rồi.

Đời hơn nửa ở góc trời,

"Đăng lâu” chớ đọc hỡi người đi xa. 

Dịch nghĩa: 

Mười năm gió bụi, rời xa chốn quê hương. Mái tóc gió thổi vù vù, bạc trắng vẫn còn phải nương nhờ nhà người. Trời đã về chiều , đường còn dài, bạn mới quen thì ít ỏi, nhiều căn bệnh cũ giữa mùa xuân lạnh lẽo trong căn phòng nhỏ. Trên vách hư nát, trăng sáng (cho thấy) con sâu cuốn chiếu, con thằn lằn. Ao hoang khô cạn, nhảy ra những con ễnh ương. Người đi xa chớ nên đọc bài “Đăng lâu phú”. Hơn nửa đời người vẫn còn ở chân trời góc biển.

Chú thích: 

- Xa  賒: lâu dài, xa xôi, mua chịu. Khứ quốc xa: rời xa quê hương.

- Tiêu tiêu 蕭蕭 : gió thổi vù vù, tiếng ngựa hí the thé. 

-Ký 寄  : nương nhờ, gửi gắm

- Hoại bích 壞壁 :tường hư nát.

- Tích dịch 蜥蜴  tích dịch: con thằn lằn.

- Bàn 蟠 : con cuốn chiếu, con sâu nằm góc cột nhà.

- Hạt 涸 :nước cạn, hết, cạn ráo.

- Đăng Lâu Phú 豋 樓 賦: do Vương Xán đời Đông Hán làm ra khi lánh nạn ở Kinh Châu phải sống nhờ Lưu Biểu. Họ Vương làm bài này khi lên lầu ở Giang Lăng bày tỏ nỗi nhớ quê hương và nỗi niềm của kẻ có tài mà chưa được dùng đến. 

- Cưỡng bán xuân quang 强半春光:  hơn nửa ngày xuân, hơn nửa một đời người.

- Hải nha 海涯: góc biển (nha # nhai) tương tự như 天涯 (thiên nhai): chân trời, giới hạn đất và trời. 


Chuyển dịch: Thầy Dương Anh Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét