Một giáo sư Trung Quốc gần đây tiết lộ rằng, chính quyền Trung Quốc đang đẩy mạnh nỗ lực thách thức sự thống trị của đồng đô la Mỹ trên thị trường toàn cầu và lợi dụng đại dịch để tạo ra sự chuyển dịch kinh tế.
Trong thế giới thời kỳ hậu đại dịch, Trung Quốc phải là “quốc gia quyết định chuẩn mực giá trị”, Di Dongsheng, phó hiệu trưởng Trường Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh cho biết trong một video đăng trên mạng xã hội ở Trung Quốc ngày 4/2. "Đồng tiền định giá cuối cùng sẽ là đồng Nhân dân tệ", ông nói.
Tháng 4/2020, vị giáo sư mô tả đại dịch là một cơ hội "ngàn năm có một" để ĐCSTQ thực hiện mục tiêu khiến "tất cả bảy tỉ người trên thế giới phải trả tiền cho Trung Quốc".
Nếu đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đạt được quyền bá chủ toàn cầu, Bắc Kinh sẽ có khả năng in thêm tiền để làm loãng giá trị của đồng nhân dân tệ do dân số thế giới nắm giữ, theo đó, chuyển của cải sang Trung Quốc, ông nói.
Ông Di trở nên nổi tiếng vào cuối năm 2020 khi một đoạn video về bài phát biểu của ông được lan truyền rộng rãi ở Hoa Kỳ, nơi ông nói rằng trong nhiều thập kỉ, ĐCSTQ đã ảnh hưởng đến Hoa Kỳ thông qua “những người bạn cũ” ở Phố Wall.
Giáo sư là người đã đóng góp vào chính sách kinh tế đối ngoại của Trung Quốc, thường xuyên tham gia vào các cuộc thảo luận chính sách và các chuyến công du nước ngoài với nhiều cơ quan khác nhau của chính quyền Trung Quốc, chẳng hạn như Bộ ngoại giao, cơ quan Kế hoạch nhà nước, Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia, và Ban liên lạc đối ngoại Uỷ ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, theo sơ yếu lý lịch của ông trên trang web của Đại học Nhân Dân Bắc Kinh.
Di Dongsheng, phó hiệu trưởng Trường Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh, phát biểu tại một hội thảo được chia sẻ trên nền tảng chia sẻ video trực tuyến Trung Quốc Guan Video vào ngày 28/11/2020. (Ảnh chụp màn hình)
Nắm bắt cơ hội vàng
Chính quyền Trung Quốc là người hưởng lợi chính từ các chính sách lãi suất thấp của phương Tây, được đưa ra để gấp rút ngăn chặn sự suy thoái kinh tế do đại dịch. Các nhà đầu tư nước ngoài đã mua trái phiếu có lợi suất cao hơn của Trung Quốc, bơm 135 tỷ đô la vào trái phiếu Trung Quốc trong 12 tháng kết thúc vào ngày 30/9/2020, theo Bloomberg.
Lý thuyết kinh tế toàn cầu nói rằng, khi các nhà đầu tư gác mối quan ngại sang một bên, họ sẽ tự nhiên chuyển hướng đầu tư từ các nền kinh tế có lãi suất thấp (ví dụ như Hoa Kỳ) sang các nền kinh tế có lãi suất cao (như Trung Quốc). Và để mua trái phiếu Trung Quốc bằng đồng nhân dân tệ, nhà đầu tư sẽ chuyển đổi đồng đô la (tiền tệ của nền kinh tế lãi suất thấp) sang đồng nhân dân tệ. Hành động này, về lý thuyết, sẽ làm tăng giá trị của đồng nhân dân tệ và phá giá đồng đô la.
Ông Di đề nghị hồi tháng 4/2020 rằng, ĐCSTQ nên tận dụng các cơ hội do đại dịch mang lại để thu hút nhiều nhà đầu tư toàn cầu hơn, đồng thời phát hành đồng nhân dân tệ để hỗ trợ các quốc gia và công ty nước ngoài cần tiền mặt.
ĐCSTQ từ lâu đã bày tỏ mong muốn hủy bỏ đồng đô la Mỹ làm đồng tiền dự trữ thế giới. Vào năm 2009, Thống đốc Ngân hàng trung ương của Trung Quốc lúc bấy giờ là Zhou Xiaochuan đã kêu gọi thay thế đồng đô la Mỹ bằng đồng nhân dân tệ làm tiền dự trữ quốc tế để đồng nhân dân tệ có thể tạo ra nhiều ảnh hưởng hơn.
Theo dữ liệu do Viện tiền tệ quốc tế thuộc Đại học Nhân Dân Trung Quốc tổng hợp, tỉ trọng thanh toán toàn cầu của đồng nhân dân tệ Trung Quốc đã tăng từ 0,02% vào năm 2011 lên hơn 3% vào năm 2020.
Một nhân viên ngân hàng Trung Quốc kiểm tra tờ 100 đô la Mỹ cùng với những xấp tiền 100 nhân dân tệ tại quầy ngân hàng ở thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc, vào ngày 30 tháng 9 năm 2010. (Hình ảnh STR / AFP / Getty)
Tuy nhiên, đồng nhân dân tệ vẫn còn một con đường để theo đuổi sự thống trị và thay thế đồng đô la Mỹ.
Ông Di đề nghị ĐCSTQ cấp các khoản vay cho các nước đang phát triển, vốn không thể vay được các khoản vay từ các nước phát triển. Bằng cách này, Bắc Kinh có thể thu các khoản thanh toán lãi suất cao để bù đắp chi phí lãi suất tương đối cao mà Trung Quốc trả cho trái phiếu của mình. Nhưng mưu đồ này cũng sẽ phải đối mặt với rủi ro vỡ nợ cao hơn.
Tháng 4/2020, ông Di thúc giục ĐCSTQ “hết sức cống hiến” cho các nước đang phát triển, gợi ý rằng Bắc Kinh thậm chí có thể bán kho dự trữ ngoại hối khổng lồ của mình để cung cấp cho các khoản vay này.
Ông Di cho biết, mặt trái của việc sẵn sàng đối đầu một số lượng lớn các chủ nợ là nó có thể đẩy đồng nhân dân tệ mạnh lên quá mức và làm suy yếu khả năng kiểm soát tỉ giá hối đoái của Bắc Kinh. Điều này đặt ra một thách thức to lớn đối với ĐCSTQ, vốn dựa vào đồng tiền yếu để thúc đẩy xuất khẩu.
Trong nhiều thập kỉ, các nhà phê bình đã cáo buộc ĐCSTQ phá giá đồng tiền của mình một cách giả tạo để giúp các nhà sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu.
Một nhân viên chuyển các xấp nhân dân tệ của Trung Quốc cho một nhân viên khác tại một ngân hàng ở Bắc Kinh, Trung Quốc vào ngày 22/7/2005. (Ảnh Trung Quốc / Getty Images)
Hơn nữa, các chủ nợ sẽ tăng cường giám sát thị trường tài chính Trung Quốc, để lại ít cơ hội để ĐCSTQ thao túng hơn, ông Di nói.
Giáo sư cũng khuyến nghị Bắc Kinh thực hiện các thay đổi quy định để kích thích đầu tư nước ngoài hơn nữa.
Trong những thập kỉ qua, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã bị chính quyền cấm chuyển tiền thu được ra khỏi thị trường Trung Quốc (kiểm soát vốn). Nhiều doanh nhân phương Tây cũng đã bị các đối tác kinh doanh hoặc quan chức địa phương đánh cắp tài sản trí tuệ của họ và không có quyền truy đòi do thiếu pháp quyền trong nước.
“[Luật pháp của chúng ta] phải khiến các quốc gia khác tin rằng Trung Quốc sẽ không tịch thu tài sản của các quốc gia khác; làm cho họ tin rằng họ có thể mua bất cứ thứ gì họ muốn mua nếu họ chuyển tiền của họ sang Trung Quốc; khiến họ tin rằng họ có thể rút tiền bất cứ khi nào họ muốn”, ông Di nói vào tháng 4/2020.
Năm 2019, Bắc Kinh thông qua Luật Đầu tư nước ngoài, nhằm tạo điều kiện thuận lợi và bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư nước ngoài. Ông Di nói, những chính sách đó đã phát huy tác dụng, và đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc tăng vọt vào năm 2020.
Một nhân viên ngân hàng Trung Quốc đếm tiền 100 nhân dân tệ và các tờ đô la Mỹ tại quầy ngân hàng ở Nam Thông, tỉnh Giang Tô phía đông Trung Quốc vào ngày 28/8/2019. (Hình ảnh STR / AFP / Getty)
Sử dụng BRI làm đòn bẩy
Theo ông Di, một phần quan trọng khác trong kế hoạch của ĐCSTQ là tận dụng Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) để thúc đẩy lưu thông đồng nhân dân tệ ở các nước đang phát triển.
BRI, còn được gọi là Một vành đai, Một con đường, là một chiến lược đầu tư toàn cầu lớn do ĐCSTQ đưa ra vào năm 2013 nhằm tăng cường ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Trung Quốc trên khắp châu Á, châu Âu, châu Phi và Nam Mỹ.
Ông Di cho biết, mục tiêu là tạo ra sự tuần hoàn của đồng nhân dân tệ trong các quốc gia đối tác BRI, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển, đại diện cho hàng tỷ người: Trung Quốc sẽ sử dụng đồng nhân dân tệ để đầu tư vào các quốc gia này, trả nhân dân tệ cho những người họ thuê ở những quốc gia này và yêu cầu các quốc gia này mua hàng hóa từ Trung Quốc bằng đồng nhân dân tệ. Và vòng tuần hoàn này vẫn đang tiếp tục.
Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông đồng nhân dân tệ trong và giữa các quốc gia đối tác BRI, hợp pháp hóa đồng tiền Trung Quốc trong các thị trường ngách khác nhau như một hình thức trao đổi. Khi tài sản và hàng hóa được định giá bằng đồng nhân dân tệ gia tăng, nó sẽ tạo cơ sở tốt để gia tăng việc sử dụng đồng nhân dân tệ giữa các nước không thuộc BRI, đặc biệt nếu họ muốn kinh doanh hoặc thúc đẩy quan hệ thương mại với các nước đối tác BRI.
Một phụ nữ sử dụng máy rút tiền tự động (ATM) bên cạnh các biểu tượng nhân dân tệ (L) của Trung Quốc và đô la Mỹ ở Hồng Kông vào ngày 28/11/2012. (Philippe Lopez / AFP / Getty Images)
"Mục tiêu của chúng ta là cổ phiếu của các quốc gia đối tác BRI, không phải trái phiếu", ông Di phát biểu hồi tháng Hai. “Chúng ta có kế hoạch sử dụng những cổ phiếu này để phát triển thị trường thứ cấp toàn cầu bằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Khi đó các nguồn vốn trên thế giới sẽ bị thu hút vào thị trường này, vào các dự án BRI”.
Giáo sư nói rằng các nhà kinh tế nước ngoài đã sai khi nghĩ rằng, BRI là để săn đuổi tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản. Ngược lại, Bắc Kinh quan tâm đến việc tận dụng nguồn nhân lực của các nước đối tác.
Ông Di nói: “Nguồn gốc của sự giàu có là con người chứ không phải là đồ vật.
Nguyên Hương - NTD Việt Nam
Theo The Epoch Times
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét