Thứ Hai, 28 tháng 2, 2022

Nga - Ukraine Bắt Đầu Đàm Phán Ngừng Bắn

 

Các quan chức Nga và Ukraine tham gia cuộc đàm phán tại khu vực Gomel, Belarus, hôm 28/02/2022.

NGA - UKRAINE BẮT ĐẦU ĐÀM PHÁN NGỪNG BẮN
Báo Mai 

Các cuộc đàm phán giữa các quan chức Nga và Ukraine đã bắt đầu ở biên giới Belarus hôm thứ Hai (28/02), khi Nga đối mặt với sự cô lập kinh tế ngày càng nghiêm trọng, bốn ngày sau khi xâm lược Ukraine trong cuộc tấn công lớn nhất nhắm vào một quốc gia Âu Châu kể từ Đệ nhị Thế Chiến.

Hôm thứ Hai (28/02), hãng thông tấn Interfax cho biết các lực lượng Nga đã chiếm giữ hai thành phố nhỏ ở phía đông nam Ukraine và khu vực xung quanh một nhà máy điện hạt nhân, nhưng đã vấp phải sự kháng cự gay gắt ở những nơi khác.

Văn phòng tổng thống Ukraine cho biết các cuộc đàm phán bắt đầu với mục đích ngừng bắn ngay lập tức và rút các lực lượng của Nga, sau khi bước tiến của Nga diễn ra chậm hơn so với một số người dự đoán.

Nga tỏ ra dè dặt về các cuộc đàm phán, trong khi Điện Kremlin từ chối bình luận về mục tiêu của Moscow.

Không rõ liệu có thể đạt được tiến triển nào hay không sau khi Tổng thống Vladimir Putin phát động cuộc tấn công hôm thứ Năm (24/02) và đặt lực lượng răn đe hạt nhân của Nga vào tình trạng báo động cao hôm Chủ Nhật (27/02).

Các cuộc đàm phán đang được tổ chức ở biên giới với đồng minh mạnh mẽ của Nga là Belarus, nơi một cuộc trưng cầu dân ý hôm Chủ Nhật (27/02) đã thông qua một hiến pháp mới từ bỏ quy chế phi hạt nhân của Belarus vào thời điểm nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ này trở thành một bệ phóng cho quân đội Nga xâm lược Ukraine.

Tổng thống Ukraine ký đơn chính thức yêu cầu gia nhập EU


Một cố vấn hàng đầu của tổng thống Ukraine cho biết, vòng đàm phán đầu tiên với Nga về việc chấm dứt giao tranh ở Ukraine đã kết thúc và nhiều cuộc đàm phán hơn có thể sẽ sớm diễn ra.

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine đã ký đơn xin gia nhập Liên minh Âu Châu của Ukraine, nhằm củng cố mối quan hệ của nước này với phương Tây.

Tổng thống Volodymyr Zelensky đã đăng những bức ảnh ghi lại cảnh ông ký đơn và văn phòng của ông cho biết thủ tục giấy tờ đang được chuyển đến Brussels, nơi đặt trụ sở chính của 27 quốc gia EU.

Ukraine ‘không sẵn sàng đầu hàng’ Nga

Ukraine tuyên bố sẽ không đầu hàng Nga trong bối cảnh các đại biểu của cả hai nước đang có các cuộc đàm phán dọc biên giới.

“Ukraine sẵn sàng tiếp tục tìm kiếm một giải pháp ngoại giao, nhưng Ukraine không sẵn sàng đầu hàng có điều kiện hoặc vô điều kiện,” Ngoại trưởng Dmytro Kuleba nói với CNBC hôm thứ Hai (28/02), vài ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố xâm lược Ukraine.

Ông Kuleba nói với hãng thông tấn này rằng ông không chắc liệu các cuộc đàm phán sẽ thành công hay không. Hôm Chủ Nhật (27/02), các quan chức Ukraine xác nhận sẽ có các cuộc đàm phán dọc theo biên giới Ukraine-Belarus.

“Tôi là một nhà ngoại giao, tôi phải tin vào sự thành công của các cuộc đàm phán, nhưng đồng thời mục tiêu chính của tôi với tư cách là một nhà ngoại giao bây giờ là áp đặt nhiều lệnh trừng phạt hơn đối với Nga, đưa nhiều vũ khí hơn đến Ukraine, và cô lập Nga nhiều nhất có thể trong khả năng của chúng tôi trên trường quốc tế, vì vậy tôi tập trung vào phần này của ngoại giao,” ông nói và cho biết thêm rằng “chúng tôi không chỉ đại diện cho bản thân mà còn cho trật tự thế giới như tất cả chúng ta đều biết.”

Báo Mai

Chiến Tranh Nga Ukraine: 3 Sai Lầm Của Tổng Thống Putin

 

Cuộc chiến Ukraine được phát động hôm 21/02 có thể được coi là sự tiếp nối của Sự kiện Crimea năm 2014.

Chiến Tranh Nga Ukraine: BA SAI LẦM CỦA TỔNG THỐNG PUTIN
Báo Mai

Cách đây 8 năm, trong vòng vài ngày, quân đội Nga đã thành công trong việc né tránh sự điều tra của phương Tây bằng “Chiến tranh hỗn hợp” (Hybrid Warfare), gần như không đánh mà thắng, nhất cử đánh chiếm được Crimea mà không gây thiệt hại cho quân đội và cơ sở hạ tầng xã hội.

Đây được coi là một “tác phẩm” kinh điển của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc chiến Ukraine như hiện nay, cách làm của ông Putin là có vấn đề.

Thứ nhất, cứng rắn chống lại xu thế

Năm đó, sở dĩ việc đánh chiếm Crimea thành công nhanh lẹ chưa từng có như vậy, mấu chốt ở một chữ “kỳ”: “xuất kỳ bất ý, công kỳ bất bị” [nhân lúc đối phương không chuẩn bị, không nghĩ tới mà bất ngờ xung kích giành thắng lợi], mục tiêu có giới hạn, rõ ràng, cụ thể, hành động nhanh gọn lẹ. Tuy nhiên, loại sự việc này thành công lần một, sang lần “hai” liền sẽ gặp khó khăn. 

Điều quan trọng hơn là, việc chiếm Crimea là một thất bại chiến lược đối với cam kết trước đây của Nga trong việc bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, vi phạm các quy tắc của luật pháp quốc tế và đối đầu với phương Tây, được không bù mất.

Ví dụ, Hoa Kỳ và Âu Châu áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, điều này đã tạo thành những hậu quả nghiêm trọng và ảnh hưởng sâu rộng. Đầu tiên, nền kinh tế Nga bị tổn thất lớn, với GDP giảm từ hơn 2 nghìn tỷ USD (2011-2014) xuống còn hơn 1 nghìn tỷ USD kể từ năm 2015 (lần lượt là 1.687 nghìn tỷ USD, 1.4 nghìn tỷ USD và 1.775 nghìn tỷ USD từ năm 2019 đến năm 2021). Tiếp theo, không gian và khả năng chiến lược của Nga đã bị suy giảm đáng kể, xung đột trong nước leo thang và địa vị quyền lực cá nhân của nhà lãnh đạo Vladimir Putin cũng bị thách thức.

Trong hoàn cảnh như vậy, ông Putin vẫn không nghĩ đến việc quay đầu, ngược lại vẫn tiếp tục đi theo quỹ đạo đánh chiếm Crimea, lần thứ hai phát động cuộc chiến Ukraine, đồng thời nâng cao mức độ đối đầu với phương Tây một cách toàn diện. Điều này sẽ chỉ khiến Nga và cá nhân nhà ông Putin rơi vào khốn cảnh sâu hơn.

Thứ hai, thiếu sự kiềm chế

Kể từ năm 2021, tình hình Nga và Ukraine trở nên căng thẳng, ông Putin đã triển khai một số lượng lớn quân đội ở biên giới Nga và Ukraine. Theo cách này, Nga đã tiến hành một trò chơi chiến lược với Ukraine, Âu Châu, Mỹ và NATO, yêu cầu NATO ngừng mở rộng về phía đông và rút khỏi các nước thuộc Liên Xô cũ đã mở rộng, cung cấp cho Nga “bảo đảm an ninh”, song phương đạt được một văn kiện ràng buộc có hiệu lực về mặt pháp lý.

Từ khách quan mà nói, mối lo ngại về an ninh của Nga là chính đáng và cần được tôn trọng, còn sự mở rộng về phía đông của NATO không phải là không có chỗ để thảo luận. Từ góc độ chiến lược, với nhận thức của phương Tây về lịch sử nước Nga và tính cách của nhà lãnh đạo Vladimir Putin, ông Putin chỉ cần gây sức ép ở biên giới, giương cung mà không bắn (phối hợp nhiều loại chiến lược khác nhau), liền có thể răn đe Ukraine, Mỹ và Âu Châu ở một mức độ nhất định và đạt được một phần mục đích của mình.

Trên thực tế, việc NATO mở rộng về phía đông có những nguyên nhân phức tạp; theo đó, cuộc đối đầu chiến lược giữa Nga và Hoa Kỳ (phương Tây) cũng không thể giải quyết triệt để cùng một lúc. Điều ông Putin cần là một kế hoạch dài hạn và cách tiếp cận từng bước ổn định. Tuy nhiên lần này, ông Putin chỉ trong một bước đã vượt qua ranh giới chiến tranh, chí ít đã phạm hai sai lầm.

Thứ nhất, không giống như “cuộc chiến kỳ lạ” năm 2014, việc phô trương sức mạnh quân sự trong thời gian dài trước cuộc chiến lần này thiếu sự phối hợp với nhiều kế hoạch chiến lược khác nhau. Trên thực tế, thế chủ động và tính đột biến chiến lược đã bị mất, và hiệu quả uy hiếp đã giảm đi nhiều, hơn nữa còn khiến bản thân mình bị dồn đến góc tường.

Thứ hai, chiến lược “leo thang dần dần” đã không được sử dụng để kiểm soát hiệu quả diễn biến của cuộc chiến, nhằm đạt được kết quả lớn nhất với chi phí thấp nhất.

Cụ thể, cuộc tiến quân vào hai nước “cộng hòa” ly khai và “gìn giữ hòa bình” ở Donbass vào ngày 21/02, đây là một bước trong cuộc chiến tranh, vượt quá dự kiến của rất nhiều người và có tác dụng răn đe mạnh mẽ – “Tôi thực sự đã động thủ”. Vào lúc này, lẽ ra phải dừng lại và phát huy hết tác dụng, nhưng ông Putin chỉ dừng lại trong ba ngày. Đến ngày 24/2, ông tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” đối với Ukraine và tiến hành cuộc tấn công bằng hỏa tiễn tầm xa. Lúc này, Nga nên hạn định các mục tiêu tác chiến của mình nhằm gây thiệt hại nặng nề cho các cơ sở quân sự chính, hệ thống chỉ huy tác chiến và khả năng tác chiến của quân đội Ukraine – “Tôi đánh trọng thương quý vị”, buộc Ukraine cầu hòa, thay vì mục đích gây sát thương hoặc chiếm đóng quân sự.

Bởi vì khoảng cách về sức mạnh quân sự giữa Nga và Ukraine là rất lớn, và NATO sẽ không trực tiếp tham gia vào cuộc chiến cứu Ukraine, chỉ cần “khẩu vị” của Nga không quá lớn thì khả năng đàm phán thành công giữa Nga và Ukraine là rất cao.

Nga không nên ngay lập tức bước vào giai đoạn chiến đấu trên bộ; tuy nhiên, vào ngày 24, các lực lượng mặt đất của Nga đã tấn công theo nhiều đường, nóng lòng muốn hạ gục Kyiv chỉ trong một lần đối đầu.

Binh sĩ Ukraine tìm kiếm và thu gom đạn pháo chưa nổ ở Kyiv, thủ đô Ukraine, hôm 26/02/2022. Sáng sớm cùng ngày, nhiều trận giao tranh ác liệt đã diễn ra giữa Ukraine và Nga ở ngoại ô Kyiv.

Theo góc độ này, không phải ông Putin kiểm soát cuộc chiến, mà cuộc chiến kiểm soát ông Putin. Đây là điều tối kỵ đối với nhà binh.

Thứ ba, “phát huy sở đoạn, tránh sở trường”

Tại thời điểm viết bài này, cuộc chiến Nga-Ukraine đã bước sang ngày thứ tư, nhưng tiến trình chiến tranh rõ ràng đã không diễn ra theo như kỳ vọng của Nga. Phía Nga đã đánh giá sai nghiêm trọng ý chí chiến đấu và hiệu quả chiến đấu của quân đội Ukraine, điều này cũng thể hiện rõ chiến lược và chiến thuật không phù hợp của phía Nga, đồng thời bộc lộ một số vấn đề của quân đội Nga.

Ví dụ: 

- Thứ nhất, cuộc tấn công bằng hỏa tiễn dẫn đường chính xác của quân đội Nga có cường độ quá thấp; Đối với hơn 80 mục tiêu của quân đội Ukraine, chỉ có hơn 200 hỏa tiễn được phóng đi, trung bình ba hỏa tiễn cho mỗi mục tiêu (cần phải biết rằng, quân đội Mỹ đã phóng hơn 60 hỏa tiễn hành trình khi tấn công một phi trường ở Syria). Bởi vậy, không có gì lạ khi hệ thống chỉ huy thông tin liên lạc của Ukraine vẫn hoạt động hiệu quả;

- Thứ hai, phi cơ không người lái của Nga đã không thực hiện các nhiệm vụ giám sát chiến trường và chiến đấu quy mô lớn (trong cuộc xung đột Naqqa 2020, màn trình diễn của phi cơ không người lái của Azerbaijan đặc biệt bắt mắt);

- Thứ ba, không quân Nga không tham chiến quy mô lớn;

- Thứ tư, quân đội Nga đồn trú gần 200,000 quân ở biên giới Nga-Ukraine, nhưng chỉ 1/3 tiến vào Ukraine, quân chia làm năm tuyến, rất khó phối hợp với nhau, không tập trung binh lực thực sự. 

Về phần quân đội Ukraine, họ là đang chiến đấu trên lãnh thổ của mình, lại là chống lại sự xâm lược, có thể gọi là “ai binh” [đội quân bi phẫn]. Từ Tổng thống Ukraine, trong một cuộc gọi video với các nhà lãnh đạo EU vào ngày 24/2, ông đã nói rằng “đây có thể là lần cuối cùng các vị thấy tôi còn sống”, cho đến các binh sĩ ở Ukraine đã xả thân mình làm nổ tung cây cầu nhằm ngăn cản bước tiến của quân đội Nga, đều thể hiện một ý chí chiến đấu mạnh mẽ. 

Hôm 26/02, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Malyar cho biết, trong vòng hai ngày Nga đã tổn thất hơn 100 xe tăng, hơn 3,000 binh sĩ, 14 khung phi cơ, 8 phi cơ trực thăng và hệ thống hỏa tiễn phòng không “Buk”. Có thể nói, quân đội Nga đã bị tổn thất nghiêm trọng.

Cổ nhân Trung cộng có câu thành ngữ rằng “ai binh tất thắng”, không phải là không có đạo lý.

Phần kết

Hôm 26/02/2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đăng một video mới trên tài khoản Facebook của mình, làm rõ thông tin giả mạo rằng ông đã ra lệnh cho quân đội đầu hàng hoặc bỏ chạy.

Từ tình hình hiện tại, có lẽ không dễ để phía Nga có thể “tốc chiến tốc thắng”. Hôm 26/02, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cảnh báo rằng, thế giới cần phải sẵn sàng chuẩn bị cho một cuộc chiến kéo dài giữa Nga và Ukraine.

Đồng thời, tiếng nói phản đối chiến tranh ở bên trong nước Nga, các lệnh trừng phạt ngày càng leo thang của phương Tây đối với Nga và các nhân sự quan trọng của nước này, dòng viện trợ liên tục cho Ukraine từ Hoa Kỳ và Âu Châu, và sự lên án mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế… tất cả đều gây áp lực không nhỏ đối với Nga và Tổng thống Vladimir Putin.

Ông Putin và Nga cần phải xem xét kỹ lại, cuộc chiến Nga-Ukraine này có thực sự đáng giá để đánh hay không? Giáo sư khoa học chính trị người Mỹ gốc Nga và là cháu gái của cựu lãnh đạo Liên Xô Khrushchev, bà Nina L. Khrushcheva cho rằng ông Putin chỉ căn bản là mắc vào cái bẫy của Đảng Cộng sản Trung cộng (ĐCSTC), Nga sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào ĐCSTC sau khi bị phương Tây trừng phạt hoàn toàn, và từ cuộc khủng hoảng quân sự Nga-Ukraine mà ĐCSTC sẽ ngồi hưởng lợi giống như “ngư ông đắc lợi” vậy.

Ông Putin là người đến từ Liên Xô cũ, biết rất rõ những gì đã xảy ra với Đảng Cộng sản, bản thân ông cũng lên án mạnh mẽ tai họa của Đảng Cộng sản đối với đất nước Nga. Và nếu như trong cuộc chiến Nga-Ukraine lần này, ông thực sự đã bị ĐCSTC mê hoặc, thì đối mặt với tình hình thực tế hiện nay, ông nên kịp thời quay đầu, dừng lại mọi tổn thất, thay vì “được ăn cả, ngã về không”, không nên bất chấp mọi giá khiến sai một ly đi một dặm.

Ông Vương Hách (Wang He) có bằng thạc sĩ về luật và lịch sử. Ông đã nghiên cứu về phong trào cộng sản quốc tế. Ông từng là giảng viên đại học và là viên chức điều hành của một công ty tư nhân lớn ở Trung cộng. Ông Vương hiện sống ở Bắc Mỹ và đã xuất bản các bài bình luận về các vấn đề thời sự và chính trị của Trung cộng kể từ năm 2017. 

Wang He  _  Mai Thanh

Báo Mai


Tình Hình Nga - Ukraine

 

Hình minh họa 

TÌNH HÌNH NGA - UKRAINE 
Báo Mai 

Ukraine cho biết cho đến nay đã có 352 thường dân thiệt mạng trong chiến tranh

Bộ Nội vụ Ukraine cho biết 352 thường dân Ukraine đã thiệt mạng trong cuộc xâm lược của Nga, trong đó có 14 trẻ em. Bộ cho biết thêm rằng 1,684 người, trong đó có 116 trẻ em, đã bị thương.

Tuyên bố của bộ hôm Chủ Nhật (28/02) không đưa ra bất kỳ thông tin nào về thương vong trong các lực lượng vũ trang của Ukraine.

Nga tuyên bố rằng quân đội của họ chỉ nhắm vào các cơ sở quân sự của Ukraine và nói rằng dân thường của Ukraine sẽ không gặp nguy hiểm.

Nga chưa công bố bất kỳ thông tin nào về thương vong của quân đội nước này. Hôm Chủ Nhật (28/02), Bộ Quốc phòng Nga chỉ thừa nhận rằng các binh sĩ Nga đã thiệt mạng và bị thương mà không đưa ra bất kỳ con số nào.

Hình ảnh vệ tinh của Maxar: Đoàn xe gồm các lực lượng trên bộ, xe nhiên liệu, xe tăng của Nga đang di chuyển về phía Kyiv

Một công ty tư nhân của Hoa Kỳ cho biết, các bức ảnh vệ tinh chụp hôm Chủ Nhật (28/02) cho thấy Nga đang khai triển hàng loạt các lực lượng trên bộ, bao gồm cả xe tăng, di chuyển về phía thủ đô Kyiv của Ukraine từ khoảng cách khoảng 40 dặm (64 km).

Maxar Technologies Inc. cho biết, các bức ảnh do công ty công bố cho thấy một cuộc khai triển gồm hàng trăm phương tiện quân sự kéo dài hơn 3.25 dặm (khoảng 5 km).

Theo Maxar, đoàn xe nằm ở phía đông bắc thành phố Ivankiv của Ukraine và có nhiên liệu, hậu cần, và các phương tiện bọc thép gồm xe tăng, xe chiến đấu bộ binh, và pháo tự hành.

Các hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy thiệt hại do các cuộc không kích gần đây vào phi trường Antonov ở Hostomel và giao tranh ác liệt ở bên trong và xung quanh phi trường, Maxar cho biết.

Hoa Kỳ kêu gọi người Mỹ cân nhắc rời Nga ngay lập tức

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết hôm Chủ Nhật (28/02) rằng công dân Mỹ nên cân nhắc rời Nga ngay lập tức trên các chuyến bay thương mại, vì ngày càng có nhiều hãng hàng không hủy chuyến và các quốc gia đóng cửa không phận của họ với Nga sau cuộc xâm lược Ukraine.

“Công dân Hoa Kỳ nên cân nhắc rời Nga ngay lập tức thông qua các lựa chọn thương mại vẫn có sẵn,” một cảnh báo an ninh đăng ngày 27/02 trên trang web của Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Moscow cho biết.

Đại sứ quán đã yêu cầu công dân Hoa Kỳ có “một kế hoạch dự phòng không dựa vào sự trợ giúp của chính phủ Hoa Kỳ.”

BP rút khỏi Nga sau cuộc xâm lược Ukraine

BP đang từ bỏ cổ phần của mình trong tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Rosneft của Nga trong một hành động kết thúc đột ngột và tốn kém cho ba thập niên hoạt động tại quốc gia giàu năng lượng này, đánh dấu bước đi quan trọng nhất của một công ty phương Tây nhằm đáp trả cuộc xâm lược của Moscow vào Ukraine.

Rosneft chiếm khoảng một nửa trữ lượng dầu khí và một phần ba sản lượng của BP và việc rút lui 19.75% cổ phần sẽ dẫn đến khoản phí lên tới 25 tỷ USD, công ty Anh này cho biết, nhưng không cho biết họ dự định rút lui bằng cách nào.

“Tôi vô cùng chấn động và đau buồn trước tình hình diễn ra ở Ukraine và trái tim của tôi hướng đến tất cả những ai bị ảnh hưởng. Điều này đã khiến chúng tôi phải suy nghĩ lại lập trường của BP đối với Rosneft về mặt căn bản,” Giám đốc Điều hành Bernard Looney của BP cho biết.

Ukraine kiện Nga tại Tòa án Công lý Quốc tế

Hôm Chủ Nhật (28/02), tòa án cao nhất của Liên Hiệp Quốc xác nhận rằng Ukraine đã đệ đơn kiện Nga, cho biết tuyên bố của Nga rằng cuộc xâm lược Ukraine là để ngăn chặn một cuộc diệt chủng là sai sự thật và yêu cầu các thẩm phán ra lệnh “các biện pháp tạm thời” để bảo vệ Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã cho biết trước đó vào cùng ngày rằng ông đã đệ đơn kiện tại Tòa án Công lý Quốc tế, còn được gọi là Tòa án Thế giới. Trong một tuyên bố, tòa án xác nhận đã nhận được đơn kiện của Ukraine. Tòa không cho biết khi nào vụ án sẽ được xét xử.

EU cấm các cơ quan truyền thông nhà nước Nga, tất cả các chuyến bay của Nga

Liên minh Âu Châu sẽ đóng cửa không phận của khối đối với tất cả các phi cơ Nga và sẽ cấm các hãng thông tấn nhà nước Nga Russia Today và Sputnik, theo người đứng đầu Ủy ban Âu Châu.

Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen cho biết EU sẽ đóng cửa đối với các phi cơ do Nga kiểm soát, sở hữu, hoặc đăng ký, bao gồm cả “các phản lực cơ riêng của các nhà tài phiệt.”

Đồng thời, EU sẽ đình chỉ “bộ máy truyền thông của Điện Kremlin ở EU” bằng cách cấm các hãng thông tấn thuộc sở hữu nhà nước Russia Today, Sputnik, và các công ty con của họ. Bà nói trên Twitter rằng những công ty này sẽ “không còn có thể truyền bá những lời dối trá của họ để biện minh” cho cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine.

Báo Mai

Cuộc Chiến Tranh Vệ Quốc Của Người Ukraine

 

Hình minh họa

CUỘC CHIẾN TRANH VỆ QUỐC CỦA NGƯỜI UKRAINE
Tran Hung

Điều tồi tệ nhất với Ukraine không phải là họ phải đơn độc chiến đấu và sẽ bị chiến bại nhanh chóng trước cỗ máy chiến tranh xâm lược của tên côn đồ máu lạnh Putin mà điều tồi tệ nhất với người dân Ukraine là tổng thống của họ sẽ bỏ rơi đất nước của mình hoặc ông sẽ bị thế lực đối lập với ông là lực lượng thân Nga chớp thời cơ vùng lên cướp Chính quyền như tên Hán tặc hồ chí minh đã cướp Chính quyền của thủ tướng Trần Trọng Kim.

Bốn mươi tám giờ đầu của cuộc chiến tranh vệ quốc ở Ukraine là quãng “giờ vàng” cho kẻ xâm lược La Sát Nga nếu như một trong hai tình huống tồi tệ trên xảy ra nhưng rất mừng là nó đã không xảy ra mà ngược lại quân xâm lược La Sát Nga lại vấp phải một tình huống ngoài dự tính của tên độc tài máu lạnh Putin đó là quân xâm lược của hắn đã vấp phải một cuộc chiến tranh mà cộng sản gọi là “chiến tranh nhân dân”, đây chính là nhân tố tạo nên bước ngoặt làm phá sản ván bài bịp ba lá MONTE mà côn đồ máu lạnh Putin, côn đồ quốc tế Tập Cận Bình, Mỹ cộng Joe Biden và EU thân cộng sản đã bày ra ở Ukraine.

Mục tiêu cốt lõi của cuộc xâm lược Ukraine mà tên côn đồ máu lạnh Putin phát động là đánh phủ đầu Kyiv để tạo thế ngoại công song song với nội kích là sự nổi dậy của lực lượng thân Nga nằm vùng tại Ukraine. Về mặt trận tâm lý chiến tranh thì côn đồ máu lạnh Putin phùng mang trợn má uy hiếp binh sĩ Ukraine buông súng đầu hàng và dọa nạt các quốc gia chớ can dự vào “chuyện nội bộ” của Nga và Ukraine.

Hòa theo côn đồ máu lạnh Putin, 27 nước EU đã khước từ lời kêu gọi của tổng thống Zelensky, Mỹ cộng Joe Biden thì đề nghị ông Zelensky lưu vong,… các cơ quan tình báo thì hạ thấp tinh thần chiến đấu của quân dân Ukraine nhưng lại hà hơi khoa trương sức mạnh của quân xâm lược Nga trên chiến trường. Phía Tàu cộng thì tuyên bố ủng hộ côn đồ máu lạnh Putin về mặt ngoại giao và kinh tế,… tất cả đều hướng tới mục đích giúp côn đồ máu lạnh Putin giành chiến thắng trong 48 giờ Vàng.

Rất may là tổng thống Zelensky cùng quân dân của ông ta đã ngoan cường chiến đấu vượt qua 48 giờ vàng khắc nghiệt buộc mọi toan tính của côn đồ máu lạnh Putin và sòng bài bịp ba lá MONTE phá sản, các nước EU đã thay đổi thái độ với Ukraine từ tuyên bố không can dự đã quay sang hỗ trợ và Mỹ cộng Joe Biden cũng vậy.

Nhưng bất ngờ nhất vẫn là thái độ của Tàu cộng, kẻ chủ trò của ván bài bịp ba lá MONTE đã có thái độ tiền hậu bất nhất tại cuộc xâm lược Ukraine này sau khi quân xâm lược của tên côn đồ máu lạnh Putin vấp phải cuộc chiến tranh vệ quốc của người dân Ukraine. 

Từ việc tuyên bố sẽ ủng hộ côn đồ máu lạnh Putin trong hành động xâm lược Ukraine, Tàu cộng đã “bỏ phiếu trắng” tại cuộc họp của UNGA, từ việc tuyên bố sẽ mua lúa mì của La Sát Nga và các hoạt động tài chánh khác nhằm hậu thuẫn cho tên côn đồ máu lạnh Putin thì nay Tàu cộng có hành động bất thường khi hai nhà băng quốc doanh của Tàu cộng tuyên bố “sẽ hạn chế tài chánh” cho các giao dịch mua hàng hóa của Nga.

Trong Chính trị thì những gì họ nói nơi công cộng hoàn toàn khác với những gì họ nói và làm nơi hậu trường, cho nên cá nhân cũng không vội tin vào những gì đang diễn ra từ miệng của họ trong lúc này. Tuy nhiên, xét về tâm lý chiến tranh thì những hành động và tuyên bố của Tàu cộng về cuộc xâm lược Ukraine của côn đồ máu lạnh Putin sau khi quân dân Ukraine đã vượt qua 48 giờ vàng khắc nghiệt có thể xem là một liều thuốc khích lệ tinh thần cho quân dân Ukraine và là cú đánh “vô tình có chủ đích” của Tàu cộng trong cuộc tranh giành ảnh hưởng tại bàn đàm phán hòa bình sắp tới với Hoa Kỳ và Phương Tây. 

Cũng rất dễ hiểu thôi vì sau khi quân dân Ukraine vượt qua 48 giờ vàng khắc nghiệt, EU và Mỹ cộng Joe Biden đã hứa hẹn sẽ viện trợ tài chánh cho Ukraine với số tiền tổng cộng có thể vượt qua chục tỷ Mỹ kim và hơn thế nữa. Là một kẻ khoái mùi tiền cũng như không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào để giành ngôi số một trong lãnh vực địa Chánh trị, Tàu cộng ngay lập tức tỏ vẻ là kẻ yêu chuộng hòa bình bằng những động tác đầy kỹ xảo trên như bỏ phiếu trắng ở tại nghị quyết lên án Nga ở UNGA, nhà băng quốc doanh của Tàu cộng tuyên bố “sẽ hạn chế tài chánh” cho các giao dịch mua hàng hóa của Nga,… Mà mục đích sẽ giành quyền chủ sự đàm phán hòa bình và tiến tới giành phần tái thiết Ukraine hậu xâm lược của tên côn đồ máu lạnh Putin.

Tới đây cũng đủ để khẳng định mọi bất ổn chánh trị kể từ ngày Mỹ cộng Joe Biden tiếm Bạch Cung tới nay đều xuất phát từ Tàu cộng và liên minh ma quỷ cấu kết với nó từ côn đồ máu lạnh Putin tới EU và đảng Dân chủ Hoa Kỳ và RINOS phản quốc. Đó là lý do mà Tổng thống Trump không được EU ưa thích, Tổng thống Trump tuyên bố tát cạn đầm lầy nước Mỹ, tuyên bố đánh sập nền kinh tế của Tàu cộng,… để làm cho nước Mỹ vĩ đại.

Bởi vì Tàu cộng đã dùng tiền bẩn để tài trợ cho khủng bố, chống lưng cho La Sát Nga, Iran, Venezuela, Bắc Hàn,… kể cả Việt cộng, Cam cộng và Lào cộng. Cho nên để thế giới được bình yên thì phải xóa sổ độc tài và khối chủ nghĩa xã hội quái thai mà tiên chinh là giật sập nền kinh tế của Tàu cộng. 

Khi giật sập nền kinh tế của Tàu cộng thì đám sát thủ đánh thuê cho Tàu cộng kể trên sẽ như âm binh bị pháp sư Tàu cộng bỏ đói, chúng sẽ tan rã và không còn nguy hiểm cho nhân loại nữa vì không còn đủ sức để sống chớ nói gì tới chuyện phá xóm phá làng. Muốn giật sập nền kinh tế của Tàu cộng thì phải sòng phẳng và lạnh lùng với EU và phải tát cạn đầm lầy nước Mỹ vì EU và Đầm lầy nước Mỹ là cứu cánh của nền kinh tế Tàu cộng.

Ngông cuồng xâm lược Ukraine theo lời xúi giục của Tàu cộng chắc chắn côn đồ máu lạnh Putin sẽ chết trong ô nhục và cay đắng vì đã biến mình thành con cua rước con Ếch Tàu cộng vào hang tránh nắng hạn để rồi khi mưa rào rải hạt thì con Ếch Tàu cộng không cần tới nước bọt của cua nữa mà nó sẽ nuốt luôn con cua vào bụng rồi rời hang tắm táp dưới mưa rào.

Tran Hung - Báo Mai

"Cuộc Tấn Công Của Nga Vào Ukraine Thật Kinh Khủng..."

 

Ông Donald Trump, Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, trình bày trong Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ tại The Rosen Shingle Creek ở Orlando, Florida, hôm 26/02/2022.

Donald Trump: "CUỘC TẤN CÔNG CỦA NGA VÀO UKRAINE THẬT KINH KHỦNG..."
Mimi Nguyen  _  An Nhiên

Cựu Tổng thống (TT) Donald Trump nói với Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ (CPAC) rằng tình hình đang diễn ra ở Ukraine là một “cuộc tấn công vào nhân loại.”

“Cuộc tấn công của Nga vào Ukraine thật kinh khủng. … Chúng tôi đang cầu nguyện cho dân tộc Ukraine đáng tự hào, Chúa phù hộ cho tất cả bọn họ, Chúa phù hộ cho họ. Họ thực sự dũng cảm,” ông nói với đám đông tại CPAC 2022, bắt đầu từ ngày 24/02 và kết thúc vào ngày 27/02.

Cựu TT Trump gọi tình hình tại Ukraine là “một hành động gây phẫn nộ, một hành động tàn bạo mà lẽ ra không bao giờ được phép xảy ra” và nói rằng điều đó sẽ không xảy ra nếu ông ở cương vị tổng thống. Trong bài diễn văn của ông Trump, đám đông đã đồng thanh hô vang “bốn năm nữa”.

Khách tham dự Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ được tổ chức tại The Rosen Shingle Creek ở Orlando, Florida, hôm 26/02/2022.

Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ nói với hội nghị: “Dưới thời Tổng thống Bush, Nga đã xâm lược Georgia. Dưới thời Tổng thống Obama, Nga đã chiếm Crimea. Dưới thời Tổng thống Biden, Nga xâm lược Ukraine. Tôi là tổng thống duy nhất của thế kỷ 21 mà nước Nga không xâm lược nước khác.”

Ông nói rằng trong nhiệm kỳ và sự lãnh đạo của mình, “thế giới là một nơi hòa bình vì nước Mỹ hùng mạnh.”

“Tôi tự hào là tổng thống đầu tiên trong nhiều thập niên đã không đẩy đất nước chúng ta vào bất kỳ cuộc chiến tranh nào — tôi đã đưa quý vị thoát khỏi các cuộc chiến tranh,” ông nói.

Tổng thống Joe Biden bị cho là “yếu đuối”, ông Trump nói và khẳng định rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ quyết định tấn công Ukraine sau khi chứng kiến Hoa Kỳ rút quân khỏi Afghanistan vào năm 2021.

“Tôi không nghi ngờ gì về việc Tổng thống Putin đã đưa ra quyết định tấn công một cách tàn nhẫn vào Ukraine chỉ sau khi chứng kiến cuộc rút quân thảm hại khỏi Afghanistan, nơi quân đội bị tiêu diệt đầu tiên [và] binh lính của chúng ta bị sát hại, đồng thời người Mỹ bị bắt làm con tin cộng với các quân bị tốt nhất trên thế giới trị giá 85 tỷ USD bị bỏ lại phía sau,” ông nói. “Ông Putin đang chơi ông Biden như một cái trống.”

“Vấn đề không phải là ông Putin thông minh. … Tất nhiên ông ta thông minh. Nhưng vấn đề thực sự là các nhà lãnh đạo của chúng ta khờ dại. Thật khờ dại. Cho đến nay, họ đã để ông ta thoát với tội ác này và tấn công nhân loại.”

Các quốc gia NATO và phần còn lại của thế giới “không quá thông minh [và] đang trông trái với sự thông minh,” cựu tổng thống nhận xét.

“Họ nói, ‘Nếu các vị chiếm Ukraine, chúng tôi sẽ trừng phạt các vị.’ Trừng phạt! Chà, đó là một tuyên bố khá yếu ớt,” ông nói về các quốc gia thành viên NATO.

“Còn ông Putin thì đang nói: ‘Ồ, họ sẽ trừng phạt tôi, họ đã trừng phạt tôi trong suốt 25 năm qua. Ý quý vị là, tôi có thể chiếm lấy cả một quốc gia và họ sẽ trừng phạt tôi? Ý quý vị là, họ sẽ không thổi bay chúng tôi thành từng mảnh, ít nhất là về mặt tâm lý?’”

Ông Donald Trump, tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, trình bày tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ ở Orlando hôm 26/02/2022.

Ông Putin càng leo thang vấn đề và càng khiến nhiều người thiệt mạng cũng như tàn phá càng nhiều, thì ông ấy càng kiếm được nhiều tiền hơn, “bởi vì giá dầu cứ ngày càng cao hơn,” ông Trump nói.

Nga là nước xuất cảng dầu thô nhiều thứ hai và là nước xuất cảng khí đốt tự nhiên nhiều nhất thế giới, chiếm 17% lượng khí đốt tự nhiên và 12% lượng dầu của thế giới. Ông Trump cho biết, cuộc tấn công vào Ukraine đã ảnh hưởng nặng nề đến giá dầu và lưu ý rằng khi ông rời nhiệm sở, giá dầu đã ở mức 36 USD/thùng, nhưng hiện giá đã chạm mức 100 USD. “Và họ nghĩ rằng giá [cuối cùng sẽ chạm mức] 150 USD,” ông nói thêm.

“Thật kinh khủng vì giá tăng không phải là điều khuyến khích [ông Putin] rút lui.”

Ông Trump lưu ý rằng dưới thời chính phủ ông, chi phí năng lượng và giá khí đốt đã xuống mức thấp kỷ lục và Mỹ lần đầu tiên trở thành nước xuất cảng ròng năng lượng sau 70 năm.

“Với ông Biden, quý vị sẽ có một cuộc chiến ở Âu Châu và một cuộc chiến chống lại năng lượng của Hoa Kỳ. Với Đảng Cộng Hòa, quý vị có được sự độc lập về năng lượng và thống trị về năng lượng,” ông Trump nói.

Ngoài ra, cựu tổng thống cho biết Đảng Dân Chủ đã nói rằng “chủ quyền của Ukraine phải được bảo vệ bằng mọi giá, ngay cả khi họ đang phá hủy biên giới của chính chúng ta và từ bỏ chủ quyền của chúng ta.”

Ông nói: “Chúng ta có một biên giới mà hiện đã là một thảm họa rồi.”

“Nhiệm vụ quan trọng nhất của mọi nhà lập pháp được bầu chọn là bảo vệ và phòng thủ cho nước Mỹ. Và điều đó bắt đầu với việc bảo vệ và phòng thủ biên giới của Hoa Kỳ. … Chính phủ ông Biden đã mất hàng tháng trời ám ảnh về việc làm thế nào để ngăn chặn một cuộc xâm lược của một quốc gia xa lạ cách xa hàng ngàn dặm.”

Tôi tin rằng người Mỹ xứng đáng có một tổng thống, người cũng sẽ ngăn chặn cuộc xâm lược vào đất nước của chúng ta. Và chúng ta đã ngăn chặn được cuộc xâm lược đó một năm trước, chúng ta đã làm được. Quý vị không thể bảo vệ nền văn minh phương Tây nếu quý vị không thể bảo vệ nền văn minh của chính mình.”

“Và điều đó có nghĩa là chúng ta cần các biên giới hoạt động tốt… chúng ta phải ngay lập tức ngăn chặn dòng người ngoại quốc nhập cư bất hợp pháp. Đất nước chúng ta đang bị đầu độc từ bên trong. Chính phủ ông Biden quan tâm nhiều hơn đến việc giúp đỡ công dân của một quốc gia xa lạ hơn là đối với chính công dân của chúng ta.”

Ông Trump nói rằng nếu Đảng Dân Chủ “thực sự” muốn đấu tranh cho dân chủ ở ngoại quốc, họ nên bắt đầu với Canada, nơi những tài xế xe tải và các công dân khác đã phản đối các hạn chế và quy định COVID-19 của nước này. Ông Trump đã gọi tình huống này là một “chế độ chuyên chế” “gây phản cảm và khiến mọi người trên toàn thế giới thất vọng.”

“Một giới hạn đã bị vượt qua. Quý vị đứng về phía các tài xế xe tải ôn hòa hoặc quý vị đứng về phía những kẻ phát xít cánh tả,” ông nói.

“Chúng tôi sát cánh với các tài xế xe tải và chúng tôi sát cánh với người dân Canada trong tình cảnh khó khăn đáng khâm phục của họ để đòi lại tự do cho họ.”

Mimi Nguyen  _  An Nhiên 
Báo Mai

Chủ Nhật, 27 tháng 2, 2022

Hai Nước Việt Nam

 

Trong khi hàng triệu thanh niên thế giới tại nhiều nước đang sôi sục xuống đường biểu tình phản đối cuộc xâm lược Ukraine của một Vladimir Putin trơ tráo thì giới trẻ Việt Nam nói riêng và dư luận nói chung lại chia phe “đánh nhau” trên mạng (ảnh: Cuộc biểu tình của giới trẻ nước Anh với kế hoạch dự định kéo nhau đến trước Phủ Thủ tướng số 10 Downing Street mỗi ngày – Hesther Ng/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)

HAI NƯỚC VIỆT NAM 
Hiếu Chân

Cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine của chính quyền Vladimir Putin tuy xảy ra cách nửa vòng Trái đất nhưng đang làm người dân Việt Nam chia rẽ sâu sắc.

Kể từ khi tiếng súng nổ ra ở Ukraine sáng ngày 24 Tháng Hai vừa qua, đề tài nóng trong các cuộc đàm luận của người Việt là chiến tranh Nga-Ukraine. Tin tức chiến sự được phát đi phát lại trên truyền thông. Trong các buổi tụ tập, bên bàn cà phê, bàn nhậu, trên mạng xã hội, thậm chí trong các bữa cơm gia đình, người ta hỏi nhau ủng hộ ai, đứng về phía nào, Nga hay Ukraine… Đã có những cuộc cãi vã, đốp chát, bạn bè “nghỉ chơi” nhau, chặn nhau trên Facebook chỉ vì bất đồng quan điểm… Người Việt đã từng chia phe cãi nhau nảy lửa chung quanh nhân vật Donald Trump, cũng như trong nhiều đề tài khác, nhưng có lẽ chưa bao giờ sự bất đồng và chia rẽ diễn ra rộng rãi và sâu sắc như chuyện chiến tranh xâm lược ở Ukraine hiện nay.

Theo quan sát có phần phiến diện của chúng tôi, dư luận Việt Nam xung quanh cuộc chiến chia thành hai phe rõ rệt: Phe ủng hộ cuộc chiến đấu của nhân dân Ukraine phản đối cuộc xâm lược của Nga chiếm tuyệt đại đa số trong dân chúng bình thường; trong khi phe ủng hộ Nga, ủng hộ Putin chiếm thế thượng phong trong các cơ quan đảng Cộng sản, chính quyền và truyền thông nhà nước. Phe ủng hộ Nga còn có lực lượng dư luận viên đông đúc, rất to tiếng trên mạng xã hội và có ảnh hưởng không nhỏ tới dư luận chung.

Xem ra, cứ như vì cuộc chiến tranh mà Việt Nam bị chia thành hai nước, một Việt Nam của các thành phần dân chúng lao động, phản đối chiến tranh xâm lược, lên án Vladimir Putin và bày tỏ sự ủng hộ nhân dân Ukraine; một nước Việt Nam khác của đảng Cộng sản và chính quyền, vừa cố giữ thái độ “trung lập” không đứng hẳn về phía nào trong cuộc chiến nhưng qua bộ máy tuyên truyền đã thấy rõ họ không dám phản đối Nga xâm lược như dư luận chung của công chúng.

Có người nhận định người dân Việt Nam ở miền Bắc có thiện cảm với Nga hơn, không phản đối xâm lược; trong khi người dân miền Nam lên án mạnh mẽ hành động của Putin. Nhưng sự phân biệt Nam-Bắc như vậy chỉ có ý nghĩa tương đối. Rất nhiều trí thức, công chúng miền Bắc đã lên tiếng chống Nga, một số người từng học tập, làm việc ở Nga và Đông Âu trước đây thậm chí còn nhận xét Nga tàn ác hơn cả phát-xít Đức. Cùng lúc, không thiếu người miền Nam lại ủng hộ hành động hiếu chiến của Putin, đề cao kẻ sát nhân này như một chính trị gia mưu lược và mạnh mẽ.

Người dân Việt Nam chống Nga xâm lược là điều dễ hiểu. Hành động tấn công quân sự vào một quốc gia độc lập, có chủ quyền là hoàn toàn không thể chấp nhận được – một cuộc chiến tranh “phi lý và vô nghĩa” mà những ai có lương tri đều phản đối. Người Việt đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh tàn khốc, núi xương sông máu, nên hiểu rõ nỗi đau thương vô cùng tận khi bom rơi đạn nổ. Từ đó, người dân Việt có tư tưởng chuộng hòa bình, tránh mọi sự đổ máu không cần thiết. Khi đạn pháo và hỏa tiễn Nga trút xuống các thành phố Ukraine ngày hôm qua còn yên bình thì phản ứng tự nhiên của người dân Việt là lên án chiến tranh, phản đối xâm lược, bất chấp các nhà chính trị có tuyên bố đúng sai gì đi nữa.

Nhưng cuộc chiến đẩy đảng Cộng sản cầm quyền ở Việt Nam vào thế khó. Chính quyền Hà Nội không thể công khai lên án hành động quân sự của Nga vì Nga là một trong ba quốc gia có quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện” với Việt Nam (hai nước còn lại là Trung Quốc và Ấn Độ). Nga còn là nhà cung cấp hàng đầu các loại vũ khí tân tiến để giúp Việt Nam hiện đại hóa không quân và hải quân; là đối tác hàng đầu của ngành thăm dò, khai thác dầu khí của Việt Nam. Về phương diện địa chính trị, Việt Nam kết thân với Nga như một cách để cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc. Quan hệ giữa Việt Nam và Ukraine thì không được mật thiết như vậy.

Tuy nhiên, cùng lúc, Việt Nam lại không dám lên án Nga còn vì cái bóng của Trung Quốc. Cho đến nay, Bắc Kinh vẫn cương quyết không gọi cuộc tấn công quân sự của Nga vào Ukraine là hành động xâm lược và bỏ phiếu trắng khi Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ra nghị quyết yêu cầu chấm dứt cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Ukraine. Mặt khác, Trung Quốc vu cáo Hoa Kỳ và phương Tây là nhân tố gây ra xung đột Nga-Ukraine khi tỏ ý thu nhận Ukraine vào Minh ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), phớt lờ “những mối quan ngại hợp lý” của Nga về an ninh quốc gia. Tuy vậy, Bắc Kinh đã không công khai lên tiếng ủng hộ hành động của Nga dù chỉ mới ba tuần trước, các ông Vladimir Putin và Tập Cận Bình đã long trọng cam kết hợp tác “không giới hạn” giữa hai nước độc tài chuyên chế này.

Trung Quốc hành động vì quyền lợi của họ là lôi kéo Nga lập thành một liên minh chống lại sự bao vây của Hoa Kỳ và phương Tây. Nhưng đảng Cộng sản Việt Nam vì sợ Trung Quốc mà hành động theo cây gậy chỉ đường của Bắc Kinh là chuyện lợi bất cập hại. Chính quyền Hà Nội im lặng trước hành vi xâm lược của Nga ở Ukraine mà không nghĩ tới ngày Trung Quốc xua quân xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam, chiếm các đảo ở Trường Sa chẳng hạn, và tái diễn một “cuộc phản kích tự vệ” như cuộc chiến tranh biên giới Tháng Hai 1979 thì ai sẽ lên tiếng phản đối nữa? Chưa kể rằng cuộc xâm lược đang diễn ra của Nga, và các biện pháp cấm vận của Hoa Kỳ và phương Tây, có những tác động xấu đáng kể tới tình hình kinh tế, an ninh quốc phòng của Việt Nam, khiến Việt Nam lệ thuộc nặng nề hơn vào Trung Quốc như nhận định của giáo sư Carl Thayer ở Úc.

Putin mang đạn bom tới Ukraine chỉ vì Kiev muốn gia nhập NATO. Một mai, vì an ninh quốc gia mà Việt Nam quyết định gia nhập các liên minh phòng thủ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương do Hoa Kỳ dẫn dắt, như trở thành thành viên của Bộ Tứ QUAD hay liên minh AUKUS mở rộng thì rất có thể Tập Cận Bình sẽ làm theo sách của Putin, xua quân vượt biên giới sang “dạy cho Việt Nam một bài học” như tên đồ tể Đặng Tiểu Bình đã làm bốn mươi ba năm về trước.

Cách ứng xử của đảng Cộng sản và chính quyền Hà Nội trước cuộc chiến ở Ukraine còn đi ngược với ý nguyện của đa số người dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình và công lý, phản đối chiến tranh phi nghĩa. Nước Việt Nam dường như đã chia làm đôi, đảng một bên và dân một bên. Vì quyền lợi ích kỷ “trường trị thiên thu, nhất thống giang hồ” của mình mà đảng Cộng sản Việt Nam đã chọn đứng về phía sai lầm của lịch sử (wrong side of the history), đối lập với nhân dân, với lợi ích của đất nước và biến thành chướng ngại lớn nhất trên con đường tiến hóa của dân tộc.

Sự phân liệt lớn nhất, trầm trọng nhất trong nội bộ dân tộc và đất nước Việt Nam không phải là chia rẽ giữa người miền Nam và người miền Bắc; giữa bên thắng cuộc và bên thua trận trong cuộc nội chiến đã kết thúc hơn bốn mươi năm trước mà đó là sự đối lập giữa dân và đảng Cộng sản cầm quyền – cần phải giải quyết càng sớm càng tốt.

Hiếu Chân - Saigon Nhỏ

Putin Chưa Thể "Làm Gỏi" Ukraine

 

Một dân quân tình nguyện; Kyiv, Ukraine, ngày 26 Tháng Hai (ảnh: Chris McGrath/Getty Images)

Cuộc Chiến Ukraine: PUTIN CHƯA THỂ "LÀM GỎI" UKRAINE
Mạnh Kim 

Loạt ảnh phóng sự của các hãng tin và tờ báo lớn – với cảnh nhiều cô gái trẻ lẫn phụ nữ lớn tuổi ôm AK-47 sẵn sàng liều mạng bảo vệ tổ quốc – không khỏi không gây xúc động. Dẫu cho ngày mai họ có buông súng đầu hàng vì bất lực xuôi tay trước hỏa lực điên cuồng của kẻ thù thì hình ảnh hiên ngang của họ hôm nay cũng đủ khiến vô số kẻ hèn nhát phải hổ thẹn…

Nga đã “xẻ” Ukraine với các mũi tấn công chủ lực vào ba thành phố – Kyiv ở phía Bắc, Kharkiv ở Đông Bắc và Kherson ở phía Nam. Đã và tiếp tục xảy ra giao tranh dữ dội trên đường phố khắp các thành phố lớn Ukraine. Ghi nhận của các hãng tin nước ngoài cho thấy có nhiều tiếng súng và tiếng nổ to khắp Kyiv vào Thứ Bảy 26 Tháng Hai. Chiều Thứ Bảy 26 Tháng Hai, tốc độ tiến công của quân đội Nga bắt đầu chậm lại khi kẻ xâm lược đối mặt “sự kháng cự mạnh mẽ của Ukraine” – như tin của Bộ Quốc phòng Anh. Một quan chức Ngũ Giác Đài cho biết hầu hết trong hơn 150,000 quân Nga đã hiện diện gần như “đủ quân số” trên đất Ukraine nhưng họ “ngày càng thất vọng vì thiếu động lực” khi đối mặt sự kháng cự gay gắt và quyết liệt. Hóa ra Ukraine không dễ “xơi” như được tưởng.

Dân quân dựng lưới ngụy trang tại các chốt phòng thủ; Lviv, Ukraine; ngày 26 Tháng Hai 2022 (Mykola Tys/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)

Khắp Ukraine, người dân tập trung trong hầm trú ẩn; và trong khi hơn 150,000 người tị nạn Ukraine đã chạy sang Ba Lan, Moldova, Romania…, nhiều người khác can đảm chọn việc ở lại và sẵn sàng cầm súng quyết tử cho tổ quốc quyết sinh. Washington Post thuật: Trong một tòa nhà văn phòng chính phủ ở trung tâm thành phố, người ta thấy nhiều đàn ông trung niên lẫn phụ nữ cầm AK-47 lưng đeo lựu đạn. Bao cát chèn dọc cửa sổ. Một chiếc xe bus vừa đỗ xịch. Bên trong có hàng trăm hộp tiếp đạn… Tất cả sẵn sàng một mất một còn. Khi cuộc chiến vừa bắt đầu, Tổng thống Volodymyr Zelensky tweet: “Chúng tôi sẽ trao vũ khí cho bất kỳ ai muốn bảo vệ đất nước”. Ngay sau “thông báo” của tổng thống, riêng tại Kyiv, hàng đoàn người xếp hàng trước các đồn cảnh sát để nhận súng ống đạn dược. Hiện có khoảng 130,000 dân quân tình nguyện. Bất kỳ ai từ 18 đến 60 tuổi đều có thể gia nhập.

Trong một video, Bộ trưởng Nội vụ Denis Moosystemrsky cho biết, chỉ riêng lực lượng dân quân tình nguyện ở Kyiv đã được cấp hơn 25,000 khẩu súng trường tự động, khoảng 10 triệu viên đạn, chưa kể lựu đạn và súng phóng. Tại một nơi nào đó ở Kyiv trong thời khắc cái chết cận kề, giữa mùi khét lẹt của đạn pháo lẫn mùi nồng nặc của tử thi còn đẫm máu tươi, người ta thấy những nhóm ẩn nấp trong hầm để chế bom xăng, từ những vỏ chai rượu. Rào chắn đang được dựng khắp Kyiv, với hàng đống lốp xe và bao cát. Người ta cũng lập các nhóm chat trên ứng dụng Telegram để nhắn tin cho nhau. Một trong những tin nhắn gần đây là kêu mọi người gỡ các biển báo giao thông để xe tăng Nga không thể dò đường…

Một tòa nhà bị quân Nga pháo kích; Kyiv, ngày 26 Tháng Hai (ảnh: Anastasia Vlasova/Getty Images)

Tại thành phố Sumy phía Đông Bắc, cách Kharkiv 90 km về phía Bắc, một toán dân quân đã vây bắt được một xe bọc thép Nga. Họ lôi tên lính ra thẩm vấn – theo video quay được và đưa lên mạng xã hội. Tại Kharkiv, số người ghi danh vào lực lượng dân quân tình nguyện ngày càng đông. Một chỉ huy tất bật tuyển nhận, dặn: Ai từng đi nghĩa vụ quân sự làm ơn đứng qua bên phải; những người khác đứng bên trái… Một phụ nữ nói: Tôi yếu, không cầm súng được, nhưng tôi muốn đóng góp. Tôi có thể giúp lau chùi vệ sinh…

Xếp hàng đăng ký làm dân quân (Getty Images)

Chưa ai biết chiến cuộc sẽ đưa đến kết quả như thế nào nhưng diễn biến hiện tại cho thấy sự ngoan cố của Putin đang đối mặt sự lì lợm dũng cảm của người Ukraine. Nếu sự phản kháng quyết liệt của người Ukraine dẫn đến một cuộc chiến kéo dài và đẫm máu, Putin sẽ sa lầy. Khó có thể tưởng tượng Putin có thể ra lệnh oanh tạc thảm sát hàng loạt, và nếu quân bộ Nga cù cưa đọ súng trong một cuộc chiến tranh đô thị thì chiến dịch quân sự Nga sẽ lún sâu và Putin có thể tìm cách kết thúc cuộc chiến một cách xôi hỏng bỏng không. Giấc mơ khôi phục hình ảnh nước Nga như một cường quốc toàn cầu không chỉ tan biến mà thất bại trong cuộc động binh có thể đe dọa quyền lực của Putin ở Moscow.

Chế bom xăng (Getty Images)

Mục tiêu Putin là dọa bằng nắm đấm để chính phủ đương nhiệm Ukraine đầu hàng nhằm có thể dựng lên chính phủ bù nhìn thân Nga. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, Tổng thống Volodymyr Zelensky không phải là “thằng hèn”. Trang Twitter của Tòa đại sứ Ukraine tại Anh vừa loan tin vào hôm nay (26 Tháng Hai): Zelensky đã từ chối đề nghị của Mỹ việc di tản ông khỏi Kyiv. “Trận chiến đang diễn ra ở đây. Tôi cần đạn dược chứ không cần quá giang” – Zelensky nói.

Tính đến chiều Thứ Bảy 26 Tháng Hai (giờ địa phương), chưa có thành phố Ukraine nào hoàn toàn thất thủ. Theo tường thuật Wall Street Journal, phía Nam Kyiv, lính dù Nga đã cố đổ bộ vào thị trấn chiến lược Vasylkiv, nơi có một sân bay quân sự Ukraine. Loạt giao tranh nổ ra trong đêm nhưng đến sáng 26 Tháng Hai, người ta đã thấy hàng trăm lính Ukraine cùng nhiều tình nguyện quân ôm súng tuần tra trên trục đường chính của Vasylkiv. Dọc cao tốc giữa Kyiv và Odessa gần Vasylkiv, lực lượng an ninh và tình nguyện viên địa phương đeo băng tay túa ra đi tìm lính Nga trốn trong rừng. Trước đó, một máy bay vận tải Il-76 của Nga chở đầy lính dù gần Vasylkiv đã bị bắn cháy…

Dân quân sát cánh cùng quân đội; Kyiv (ảnh: Anastasia Vlasova/Getty Images)

Chưa ai dám khẳng định Putin hoàn toàn cháy túi trong canh bạc lớn nhất sự nghiệp nhưng uy tín chính trị Putin trên sân khấu thế giới đang cạn đến đáy. Ván bài của Putin phút chốc đưa Mỹ và phương Tây trở nên đoàn kết gần như chưa từng có kể từ sau Thế chiến thứ hai, đặc biệt khi rạn nứt đồng minh trở nên cực kỳ nghiêm trọng vài năm gần đây. Mỹ vẫn tiếp tục “hà hơi tiếp sức” cho Volodymyr Zelensky.

Hôm nay, 26 Tháng Hai, Ngoại trưởng Antony Blinken loan bố cung cấp viện trợ quân sự bổ sung với $350 triệu và chính quyền Joe Biden yêu cầu Quốc hội cấp thêm 6.4 tỷ viện trợ cho Ukraine. Một tình huống tồi tệ nhất đối với Putin có thể xảy ra: NATO kết nạp Ukraine. Nếu điều này trở thành sự thật, một trật tự mới sẽ hình thành, khác với kịch bản mà Putin hình dung và muốn vẽ ra ban đầu, khi quyết định bước ra sân khấu quốc tế thể hiện sức mạnh gân cốt của mình.

Cục diện dù thế nào vẫn chỉ mới bắt đầu. Không ai biết kết thúc ra sao. Có một điều chắc chắn: Không lịch sử nào đủ sức mạnh biện minh để có thể băng bó cho vết thương Ukraine của Putin.

Mạnh Kim - Saigon Nhỏ