ẢNH HƯỞNG ĐẠO PHẬT TRONG ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH - PHẦN 2, CHƯƠNG I, MỤC 6
Thầy Dương Anh Sơn
PHẦN HAI (Tiếp theo)
VỊ TRÍ TƯ TƯỞNG ĐẠO PHẬT TRONG ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH
CHƯƠNG I
Mục 6
VẤN ĐỀ BÁO ÂN BÁO OÁN
1/- Dễ dàng là thói hồng nhan (c.2361)
Mặt khác, bên cạnh một vài điểm tương hợp
nêu trên, thiết tưởng chúng ta cũng cần minh định một sự kiện được nhiều người
xem là đi ngược lại giáo lý nhà Phật trong Truyện Kiều trong việc báo ân, báo
oán .
Thật vậy, trong khi khi chung sống với Từ Hải, Thúy Kiều đã có cơ hội báo ân ,báo oán những người đã có thời cứu giúp hoặc hành hạ, đày ải nàng. Đây là đoạn được nhiều người xem là đi ngược lại tinh thần từ bi của nhà Phật khi Thúy Kiều đã xuống lệnh xử trảm Bạc Hạnh, Bạc Hà, Ưng, Khuyển, Sở Khanh, Tú Bà cùng Mã Giám Sinh. Đức Phật vẫn thường dạy các đệ tử: "Lấy từ bi để thắng sự nóng giận, thù hận , lấy sự hiền lành lòng tốt dể thắng sự hung dữ, xấu xa..." [1] Dưới cái nhìn khe khắt, người ta cho rằng Tố Như tiên sinh hay nàng Kiều phát biểu: “Lồng lộng trời cao!/ Hại nhân, nhân hại sự nào hại ta!" (c.2381) hoặc “Mình làm mình chịu kêu mà ai thương” (c.2394) đã đứng trên quan niệm nhân quả 因果 nhà Phật để viết đoạn này! Thực ra ,nguyên lý nhân quả của đạo Phật cũng dựa trên tự nhiên nhưng nối kết với nguyên lý duyên sinh.
Thuyết duyên khởi cũng được gọi là Nhân duyên sinh (因 緣 生) là tố chất tạo nên nhân và quả. Duyên khởi nối kết với nhân: nếu cái này tồn tại sẽ hình thành nên cái kia .Nếu cái này phát sinh thì cái kia sẽ phát sinh. Nếu cái này không có thì cái kia cũng không thể có. Nếu cái này diệt thì cái kia cũng bị diệt .Và duyên sẽ sinh ra quả. Thiện duyên sẽ sinh ra nhân tốt và sẽ có quả tốt ,nghịch duyên sẽ sinh ra quả xấu theo chuỗi NHÂN -- DUYÊN -- QUẢ. Cho nên, việc ân oán đó không được đúng đắn lắm, vì trái với tôn chỉ từ bi của đạo Phật. Từ đó, chúng ta sẽ thấy rằng ý nghĩa của ba câu thơ trên không phải là quan niệm nhân quả nhà Phật như nhiều người lầm tưởng. Trong quan niệm của người bình dân và cũng là cái lý nhân quả tự nhiên của đời sống với bao nhiêu đua tranh, bao nhiêu ân oán, thì kẻ nào hại người khác tất người bị hại sẽ tìm cách báo thù lại (lồng lộng trời cao) và khó lòng tránh thoát được.
Người ta có thể báo thù, báo oán bằng nhiều cách, nhưng ở đây nàng Kiều có lẽ đã thiếu sự bao dung đối với kẻ đã làm hại mình và cũng vì nghiệp duyên của nàng còn nặng nề! Đó là việc làm rất khó nếu bất cứ ai là nam hay nữ nếu chưa đạt đến hạnh từ bi của hàng thanh văn, duyên giác hay bồ tát sẽ khó thể hiện lòng từ bi đúng nghĩa khi hành xử. Thêm vào đó, Thúy Kiều đã phải trải qua biết bao khổ nhục, cùng với sự lừa đảo, hành hạ của đám người vô lại, giang hồ hay độc ác đó gây ra cho nàng! Nhưng cũng nên xét kỹ hơn từ lý nhân quả và lý nhân duyên, những nghịch duyên của kiếp trước cũng là những nguyên nhân gây ra nỗi đoạn trường cho đời Kiều. Những gì mà bọn Ưng, Khuyển, Sở Khanh, Mã Giám sinh, Tú bà... v.v... phải nhận lấy không chỉ là nguyên nhân trực tiếp từ trong kiếp hiện tại mà được nối kết từ quá khứ như là nguyên nhân gián tiếp. Đó cách lý giải vấn đề theo cách nhìn từ thuyết nhân quả của đạo Phật mà Duyên là bước khởi đầu.Cứ theo câu chuyện như TTTT đã viết trong Kim Vân Kiều Truyện chúng ta thấy, dầu sao nàng Kiều cũng chỉ là kẻ như Từ Hải đã nhận xét qua lời thơ tài hoa của Nguyễn Du:
Từ rằng: “Tâm phúc tương tri (c. 2219)
Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình”
Nghĩa là Thúy Kiều vẫn chỉ là một kẻ nữ nhi như bao người khác với những đức tính tự nhiên sẵn có. Và rồi chính Kiều cũng đã nhận thấy điều đó:
"Dễ dàng là thói hồng nhan (c. 2361)
Càng cay nghiệt lắm càng oan trái nhiều”
Hoặc:
“Lỡ làng chút phận thuyền quyên” (c.1881)
Thúy Kiều dưới hình ảnh “nữ nhi thường tình” phải chịu "phận thuyền quyên", phận người con gái đẹp gian truân phai đi vào con đường đoạn trường, như thế sẽ dễ dàng được tha thứ hơn. Và cũng dưới cái nhìn ấy, nhân vật Giác Duyên cũng chỉ là một “bà vãi” tuy đứng vào cửa nhà Phật nhưng lại đa mang lòng dạ đàn bà. Đó cũng là những điều mà ngày xưa Đức Phật há không từng do dự khi cho phụ nữ xuất gia, vì ngài e ngại phẩm chất và căn cơ của họ hay sao?
2/- Nho giáo : Lấy đức báo oán hay lấy trực báo oán?
Ngoài ra, đứng trên quan niệm đạo Nho, vấn đề này sẽ dễ phê phán hơn. Nguyễn Du khi phóng bút qua lời Từ Hải: “Ân oán hai bên,/ Mặc nàng xử quyết, báo đền cho minh ” (c.2319-2320) đã cho thấy sự ân oán cần phải rõ ràng, minh bạch và ít nhiều có lẽ tiên sinh đã chịu ảnh hưởng quan niệm “dĩ trực báo oán” của nhà Nho. Trong thiên Hiến Vấn (Luận Ngữ, XIV, mục 36) đã ghi lại một câu chuyện của một người môn đệ hỏi Khổng Tử (孔子):
“Dĩ đức báo oán hà như?”
以 德 報 怨 何 如?
(Lấy đức báo oán thì sao?)
Khổng Tử đã trả lời:
“Hà dĩ báo đức? Dĩ trực báo oán, lấy đức báo đức”
何 以 報 德,以 直 報 怨,以德 報 德
(Lấy gì báo đức? Phải lấy trực báo oán, lấy đức báo đức.)
(憲問,論語,第十四) [2]
Lấy Đức báo Đức ,lấy trực báo oán như đạo Nho chủ trương! Và Thúy Kiều đã “lấy trực để báo oán”, cách hành xử trông có vẻ quá đáng nhưng vẫn không ra ngoài khuôn khổ ấy. Thêm vào đó, có lấy "thẳng" mà báo oán như quan niệm này, Nguyễn Du tiên sinh mới đặt bút viết: “Hại nhân, nhân hại sự nào hại ta”. Nhân và quả , “hại nhân” và “nhân hại” là hai tố tính tự nhiên của cuộc đời với bao ân oán chồng chất và cũng là cách báo đáp thẳng thắn và tất nhiên phải xảy ra ("Cho hay muôn sự tại người,/Phụ người chẳng bỏ khi người hại ta "- c. 2391). Thêm vào đó, quan niệm xưa kia “trọng nam khinh nữ”, ngoài vấn đề xem người phụ nữ có nhiệm vụ sinh con đẻ cái để nối dõi tông đường cũng cho thấy phần nào tính khí "nhi nữ thường tình", thường bị hạn chế trong những công việc liên quan đến việc tiếp cận và giải quyết thỏa đáng những vấn đề từ cuộc sống xã hội bên ngoài.
Qua lối nhìn này, ít nhiều chúng ta đã tách biệt sự lẫn lộn quan niệm nhân quả tự nhiên (lý nhân quả) và nguyên lý nhân quả của nhà Phật trong mối mâu thuẫn nêu trên. Quan niệm nhân quả trong nhà Phật được xây dựng trên nhiều thành tố khác nữa chứ không phải giản dị, đơn thuần như ở đây. Mặt khác, nếu có thể được, chúng ta nên xét đoán bằng lối nhìn Nho giáo vấn đề sẽ sáng tỏ và hợp lý hơn, cũng như tránh được thành kiến về ảnh hưởng đạo Phật trong Đoạn Trường Tân Thanh.
3/- Sự khác biệt của câu chuyện mà Nguyễn Du đã mượn để sáng tác ĐTTT từ Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân [3]
Đồng thời. chúng ta cũng nên nhớ rằng câu chuyện Kim Vân Kiều là câu chuyện có từ trước bên Trung Hoa đã được Nguyễn Du mượn lại qua tác phẩm của Thanh Tâm Tài Tử.(TTTT). Vì thế, các tình tiết, diễn biến câu chuyện hầu như giữ nguyên. Việc sáng tạo câu chuyện không phải là của Tố Như tiên sinh và cũng đừng đòi hỏi tiên sinh nên viết như thế này hoặc thế kia theo những sắp xếp của mình ! Một câu chuyện đã có từ lâu như thế, nếu thay đổi tình tiết hoặc kết cấu của truyện sẽ đi ngược lại ý đồ của câu chuyện và làm đảo lộn bố cục của nó. Một bậc văn tài như Nguyễn Du chắc chắn nắm rõ điều ấy hơn ai hết. “Âm thanh mới” (tân thanh) mà Tố Như đặt tên cho tác phẩm nói về nỗi đau đoạn trường này (Đ.T.T.T) rất khác với câu chuyện gốc ban đầu nhất là về mặt tư tưởng là nhằm mô tả sự chuyển biến trong con người và tâm thức của một Thúy Kiều đã thay đổi hoàn toàn “hơn mười rằm xưa” ở các đoạn về sau, kể từ khi Kiều nhảy xuống sông Tiền Đường. Bên cạnh đó trước lối diễn đạt rườm rà sự việc của Thanh Tâm Tài Nhân trong bất cứ chương hồi hay đoạn nào, Tố Như tiên sinh chỉ cần bốn năm câu thơ đã thâu tóm ý chính của diễn tiến câu chuyện với văn từ điêu luyện, giàu biểu cảm và gọn ý.
Đọc ĐTTT, chúng ta sẽ thấy ngay phong cách thanh tao, nhẹ nhàng, nghệ thuật mà sâu sắc khác với lối trình bày dài dòng cùng nhiều chỗ dung tục trong Kim Vân Kiều Truyện! Nhìn chung , Nguyễn Du chỉ mượn câu chuyện của TTTT để đưa vào những cái mới mẻ và có giá trị như tư tưởng, triết lý, nghệ thuật tả cảnh, tả tình, nghệ thuật sử dụng từ ngữ, điển cố... vv... hơn hẳn Kim Vân Kiều Truyện của TTTN. Đồng thời, việc đọc kỹ và tìm hiểu Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Tử rất cần thiết để từ đó thấy rõ văn tài của Nguyễn Du khi ông dùng thơ lục bát để vừa thu gọn các chương hồi của K.V.K., vừa diễn đạt các chương hồi mang đậm màu sắc văn chương rất sâu sắc so với những gì Thanh Tâm Tài Tử diễn dạt dài dòng và thô thiển... Cứ lấy Hồi thứ 18 làm ví dụ, (Vương Thúy Kiều giết phường bất nghĩa, Từ Minh Sơn (Từ Hải) vàng tặng kẻ có ơn) [3] ta sẽ thấy ngay văn tài của Nguyễn Du khi vừa giản lược câu chuyện báo ơn, báo oán dài dòng của Thanh Tâm Tài Tử, vừa bỏ đi những đoạn mô tả cách xử tội với lối hành hình tội đồ rất tàn ác và ghê sợ từ Vương Thúy Kiều (Vương phu nhân) của TTTT. Vì là một chuyện viết lại với tinh thần mới nên ĐTTT của Tố Như cũng giữ chương báo ân ,báo oán nhưng cách diễn đạt tương đối nhẹ nhàng nhiều lần so với nguyên tác! Trong KVKT, Thanh Tâm Tài Tử đã tả cảnh Sở Khanh và Mã Bất Tiến (Mã giám sinh) bị Vương phu nhân xử tội và hành hình theo cách rất dã man: "..... Lại nấu một vạc dầu nhựa thông lẫn với vỏ cây gai cho chảy tan ra, một bên để một thùng nước lã rồi cho lột sạch quần áo Sở Khanh, sai một người tưới nước lã vào.......
Tú bà bị đốt như cây sáp lớn, phía dưới để lòi đầu ra Mã Bất Tiến thì bị đem căng ra trên giàn. Sở Khanh bị nhựa bọc cứng như sắt..... Lại sai quân sĩ bóc những cây gai ở trên mình Sở Khanh, đem dao nhọn nhằm chỗ nhiều gân trên mình Mã Bất Tiến mà cắt da ra...v.v..." [3]. Rất nhiều chương hồi khác nữa chứ không riêng câu chuyện hành hình, Nguyễn Du không viết rườm rà dài dòng hoặc dùng những hình ảnh tàn bạo như TTTT, tiên sinh đã thâu gọn:
..."Trước là Bạc Hạnh, Bạc Bà, (c.2383
Bên là ưng Khuyển bên là Sở Khanh.
Tú bà với Mã Giám sinh,
Các tên tội ấy đáng tình còn sao!
Lệnh quân truyền xuống nội đao,
Thề sao thì lại cứ sao gia hình.
Máu rơi thịt nát tan tành,
Ai ai trông thấy hồn kinh phách rời..... (c.2390)
Cốt truyện của TTTT lấy từ câu chuyện dân gian về Vương Thúy Kiều của Trung Hoa vẫn giữ nguyên nhưng chất tàn bạo ghê sợ đã giảm đi rất nhiều, chưa nói đến nghệ thuật miêu tả của Tố Như chỉ tập trung vào các chi tiết chính yếu! Ngay thời Nguyễn Gia Long ,thời của Nguyễn Du ,cách hành hình tàn bạo như thế đã từng thi hành với gia đình dòng họ Tây Sơn cũng như trong hình pháp. Cho nên, chúng ta không lấy làm lạ khi mở đầu ĐTTT, ông đã viết: "Trăm năm trong cõi người ta ... Những điều trông thấy mà đau đớn lòng " .... Nếu tìm hiểu đầy đủ và cụ thể hơn nữa , so sánh giữa bản K.V.K. và ĐTTT, chúng ta sẽ thấy văn tài của Tố Như dàn trải đều khắp nhiều trang của ĐTTT.....
Nhưng xét cho cùng, tư tưởng đạo Phật cũng như của đạo Nho đã được Tố Như đưa vào ĐTTT có lớp lang ngay từ tiền đề cho đến hậu kết mới là những tư tưởng chủ đạo để đánh giá thân phận con người nói chung và Thúy Kiều nói riêng. Đó là những chi tiết không hề có trong KVKT của TTTN.
* * * * *
Với những điều trình bày bên trên, chúng ta nhận thấy cuối cùng cả hai nguồn ảnh hưởng quan trọng trong Truyện Kiều là đạo Nho và đạo Phật quả thật đã có rất nhiều điểm tương hợp nhằm giải quyết câu hỏi được Tố Như tiên sinh đặt ra từ đầu là “Tài mệnh tương đố”. Chỉ dưới cái nhìn “vô phân biệt” theo quan điểm của Thiền học, chúng ta mới dễ đàng nhận ra cuối cùng cả hai đạo giáo đã được Nguyễn Du tiên sinh mang vào Truyện Kiều hầu khai sáng thân phận của một kiếp người. Đồng thời, cả hai đều cùng hướng về một đích điểm là truy tầm ý nghĩa đời sống bằng cách khai ngộ chính bổn tâm của mỗi người mà cuộc đời Kiều là biểu tượng. Và bổn tâm mà đạo Nho hay Phật, về mặt nền tảng, chỉ là một. Nhận ra"cõi lòng" là nguồn gốc của đau khổ và hạnh phúc, của mệnh bạc và an vui chính là bước vào cõi đạo trong chính cuộc sống hiện thực.
Nói như Khổng Tử: "Đạo bất viễn nhân, nhân chi vi đạo nhi viễn nhân, bất khả dĩ vi đạo" (Trung Dung ch.13). Đạo không xa người, người làm cho đạo xa con người, không còn là đạo nữa! [4] Tâm không phân biệt là tâm theo nghĩa đạo Phật hay đạo Nho? Lẽ đạo theo đạo Nho là con đường đi đến sự bộc lộ của "Tâm thành" ("Tâm thành đã thấu đến trời/Bán mình là hiếu, cứu người là nhân" c.2717, 2718). Nhưng đạo Phật mở ra một bước đi rộng hơn nữa để cái "tâm thành" chuyển hóa khi nhận ra: "Thiện căn ở tại lòng ta,/Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài"(c.3247, 3248) Nói khác đi, chữ tâm chỉ có thể nhận biết rốt ráo khi nó vươn lên khỏi số mệnh, vượt khỏi được nghiệp lực. Vả lại, "Nghiệp thân" ("Đã mang lấy nghiệp vào thân/Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa" " c.3245, 3246)) đã bao trùm lên tất cả đời Kiều. Vì thế, chớ nên"trách lẫn trời gần trời xa", trách cho số mệnh, trách "Thiên mệnh"! "Nghiệp thân" hay "mệnh trời" cũng chỉ là cách nói, là thuật ngữ của mỗi đạo giáo, nhưng thực tại vẫn là thực tại.
Thực tại ấy chính là sự khổ đau, là nỗi đoạn trường mà nàng Kiều từng trải và bắt buộc phải nếm mùi của chặng đường mười lăm năm! Chỉ khi nào cái tâm của Kiều đã giác ngộ, đã trở lại trạng thái bổn lai như khi chưa “mất nết”. Sau khi đã sống tận cùng mọi khổ đau dành sẵn cho thân phận người với bản tánh cố hữu, nó mới hòa giải, hòa hợp được với các mối tương tranh. Bằng tư tưởng đạo Phật thông qua cái nhìn của Thiền học, Tố Như đã đưa ra một cách giải quyết kiếp đoạn trường của Thúy Kiều. Và cũng với cái tâm chứng đắc ấy nàng Kiều của Nguyễn Du mới được an hưởng hạnh phúc bình thường như tôn chỉ của Thiền học:
“Bình thường tâm thị đạo” (平常心是道)
Thành thử, thiết nghĩ chúng ta nên xét đoán Truyện Kiều chỉ dưới nhãn quan “bình thường” nghĩa là cố gắng vượt khỏi thành kiến nhìn từ khuôn thước Nho giáo hoặc Phật giáo, hầu có thể dung thông những bất đồng ý kiến, giải quyết những mâu thuẫn tất phải có trong một cuốn truyện khá nhiều tình tiết, nhiều nguồn ảnh hưởng khác nhau như Đoạn Trường Tân Thanh. Thiền học nói chung và Thiền học Trung Hoa nói riêng từ thời Lục tổ Huệ Năng đã đưa đạo Phật gần gũi với con người hơn khi chỉ rõ ai cũng có Tánh Phật nhưng phải trải qua chặng đường Kiến tánh, thấy được chân tánh là thành Phật.
Đó không phải là việc hạ thấp về chân lý hay Niết Bàn mà là một phương pháp tạo sự khai mở trong "cõi lòng" cho phù hợp với căn cơ của từng con người. Đồng thời cũng nên lưu ý, tránh cái nhìn lầm lạc hay ngộ nhận ý nghĩa các từ dùng của Nguyễn Du nếu không tìm đọc Thơ Chữ Hán của ông để hiểu rõ hành trạng của Tố Như với cơ duyên để đến với đạo Phật cũng như sụ am tường về đạo Phật của Nguyễn Du .
Cho nên, việc Nguyễn Du đã tiếp nhận tinh thần Thiền và ít nhiều đã đưa vào ĐTTT, xây dựng chặng đường giải thoát khỏi phong ba, triền phược của Thúy Kiều gần gũi với chúng ta hơn . Nếu chúng ta cứ đòi hỏi phải phân tích cho chi tiết chuyện "Chẳng tu mà cũng như tu mới là" hoặc tại sao "Hoa tàn mà lại thêm tươi /Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa" .Đó là công việc chẻ một bông hoa đẹp ra để ráng tìm xem nó đẹp chỗ nào! (xem thêm ở Mục 3 và 4 bên trên) Nói theo cách của người Nhật là chỉ nên tặng thơ cho người hiểu thơ hay nhà thơ, tặng kiếm cho kiếm sĩ, tặng trà cho người biết thưởng thức trà... v.v... Đây là một vấn đề chúng ta sẽ đào sâu thêm trong những phần sau.
Dương Anh Sơn
[1] Dhammapada, Kinh Pháp Cú, sđd tr.54, c.223
[2] Tứ thư / Luận ngữ, sđd tr.230.
[3] Xem Kim Vân Kiều Truyện, Tô Nam Nguyễn Đình Diệm dịch ,Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa XB, Saigon 1971
[4] Tứ thư / Trung dung, sđd tr.56
(Lần đến: Phần 2, Chương II: Sự tương hợp giữa tư tưởng đạo Lão và tư tưởng đạo Phật trong ĐTTT)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét