Thứ Tư, 16 tháng 2, 2022

Niềm Tin Vào Nước Mỹ

 

Những ngôi sao đã soi tỏ niềm kính ngưỡng sâu sắc của một nhóm nghệ sĩ và nghệ nhân dành cho bản Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ. 

NIỀM TIN VÀO NƯỚC MỸ
Minh Nguyên

Những ngôi sao đã soi tỏ niềm kính ngưỡng sâu sắc của một nhóm nghệ sĩ và nghệ nhân dành cho bản Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ. 

Trở lại năm 1992, nghệ sĩ José-María Cundín ở Xứ Basque, Tây Ban Nha, đã ‘trình làng’ một phiên bản điêu khắc thủ công của bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ. Tác phẩm là kết quả của ba năm làm việc cật lực của ông cùng với một nghệ nhân làm giấy kiêm nhà điêu khắc kim loại danh tiếng tại Tây Bay Nha. Tuy nhiên dự án này đã không thu hút được sự quan tâm rộng rãi từ công chúng Hoa Kỳ. 

(Từ trái qua phải) Ông Marcelo Bavaro, bà Sara Fattori, và ông Paul Fattori tại xưởng sản xuất khung của Bavaro tại Brooklyn, vào ngày 10/6/2021.

Bà Sara Fattori là chủ một phòng trưng bày mỹ thuật tại Palm Beach, tiểu bang Florida. Trước khi bắt đầu với sự nghiệp thiết kế nội thất, bà đã nghe về tác phẩm của ông Cundin, nhưng mãi sau khi cha bà qua đời bà mới suy ngẫm sâu sắc hơn về tác phẩm đã kiến tạo nên hình hài của đất nước và tính khả thi trong việc quảng bá các tác phẩm điêu khắc của Cundin. Cha của bà đã chiến đấu trong Đệ nhị Thế chiến, và tham gia lực lượng không quân trong Trận Normandie. “Sự thật của cuộc chiến,” bà nói, và cả những sự hy sinh của những bậc tiền nhân để bảo vệ nền độc lập, đã khiến bà xúc động.

Phần khung tranh hoàn hảo

Vào khoảng năm 2004, một cơ hội đã đến. Quỹ Học bổng Carson với sáng kiến thúc đẩy việc xóa mù chữ ở những vùng có thu nhập thấp lân cận đã tiến hành bán đấu giá tác phẩm điêu khắc của Cundin. Để tặng tác phẩm cho Quỹ học bổng phục vụ cho việc đấu giá, bà Fattori đã bắt đầu tìm kiếm một khung tranh đáng giá để đóng khung toàn bộ phần nội dung khắc chữ. Khi tìm kiếm trên mạng, bà đã tìm thấy ông Marcelo Bavaro, một nhà sản xuất khung hình lịch sử thế hệ thứ tư có trụ sở tại New York; gia đình người Ý của ông thừa hưởng nghề thủ công hàng thế kỷ trong nghề mộc và mạ vàng. Bản năng của Fattori mách bảo bà đây chính là người phù hợp. 


Khi họ gặp gỡ, ông Bavaro đã cho rằng bản Tuyên ngôn nên được đóng trong một chiếc khung với kiểu dáng mang phong cách Liên bang để phù hợp với giai đoạn lịch sử khi văn bản này được soạn thảo. Phong cách Liên bang hình thành vào thời điểm quốc gia mới được kiến lập, và đang nỗ lực để phân tách mình khỏi những khuôn mẫu trước đó. Và phong cách nhấn mạnh sự đơn giản, gọn ghẽ trong từng đường nét ấy đã trở nên thịnh hành vào thời điểm đó, đối lập hoàn toàn với phong cách Anh Quốc nhấn mạnh những chi tiết sắc sảo và hoa mỹ. “Tôi biết rằng mình đã tìm được đúng người khi nghe ông Marcelo nói, ‘Chà, phải là khung tranh phong cách Liên bang mới được’,” bà Fattori chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn gần đây tại công ty Quebracho Inc. của ông Bavaro ở Brooklyn, nơi đang thực hiện việc phục hồi và lồng khung cho các bảo tàng, phòng tranh, và những nhà đấu giá hàng đầu quốc gia.

Ông Bavaro đã bị dự án chinh phục: “Tôi đã luôn tự hỏi làm thế nào mà đất nước này được dẫn hướng với chỉ một tờ giấy trong hàng thế kỷ. Và mọi người đều dành tất cả sự tôn trọng cho văn bản đó. Đất nước của tôi là nơi mà chẳng ai tôn trọng bất cứ điều gì cả.” Ông muốn nói đến Argentina – cả gia đình ông đã di cư đến Argentina vào những năm đầu thế kỷ 20. Vào đầu những năm 1980, khi đất nước Argentina bị đặt dưới sự cai trị của quân đội, bản thân Bavaro cũng bị vướng vào tình trạng hỗn loạn chính trị và chịu sự giam giữ vì những bài báo chỉ trích chính phủ. Nhờ thế lực của gia đình, ông mới có thể trốn thoát và đã phải di chuyển liên tục trong 5 ngày mới đến được biên giới Brazil và đáp phi cơ tới Hoa Kỳ. Tại Hoa Kỳ, ông đã gặp lại cha mình, người đầu tiên trong gia đình định cư ở quốc gia này.

Khung tranh phong cách Liên bang đòi hỏi những kỹ năng xử lý gỗ đặc biệt; nghệ nhân cần định hình gỗ để cho ra hình dạng lõm và hẹp. Rất ít xưởng mộc trên thế giới có thể thực hiện được kỹ năng này. “Nghề thủ công đang chết dần chết mòn,” ông Bravo chia sẻ. “[Hiện nay] ngồi trước màn hình máy tính kiếm tiền thật quá dễ; vậy thì tại sao lại làm công việc [cực nhọc] đến nỗi có thể để tay mình bị gãy như công việc của chúng tôi?”

Một thợ thủ công đang dát vàng lên khung tranh tại xưởng của công ty Quebracho tại Brooklyn, thành phố New York

Một thợ thủ công đang điêu khắc họa tiết lên khung tranh

Khi đang thực hiện dự án về bản Tuyên ngôn Độc lập vào năm 2014, ông Bavaro cùng với bà Fattori và chồng của bà là ông Paul, đã cùng hợp sức để thành lập một công ty mới, công ty Fattori Fine Frames, cung cấp các khung tranh đặc chế được điêu khắc thủ công, phục vụ cho khách hàng tìm kiếm các tác phẩm khung tranh nghệ thuật và những chiếc gương [trang trí] cho ngôi nhà của họ.

Một bộ khung do xưởng của công ty Quebracho ở Brooklyn chế tác

Chương trình đấu giá thực hiện trong năm sau đó đã gặt hái được thành công. Một thành viên của tổ chức Daughters of the American Revolution (Tạm dịch: tổ chức Những người con gái của Cách mạng Hoa Kỳ) đã mua văn bản được lồng khung này.

Lịch sử

Phiên bản của ông Cundin là bản sao của tác phẩm điêu khắc được ông William J. Stone thực hiện – tác phẩm điêu khắc đã được Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ lúc bấy giờ là Ngài John Quincy Adams trao quyền thực hiện như một bản chính thức của chính phủ và được sử dụng suốt những năm 1820. Ngài Adams đã rất lo ngại với sự mỏng manh của bản Tuyên ngôn gốc. Dựa trên phiên bản của ông Stone, Cundin đã bắt tay thực hiện một bản điêu khắc bằng tay lên chiếc đĩa bằng đồng thau – đây là phiên bản điêu khắc đầu tiên của văn bản này từ thời của Stone. 

Ông Cundin đã luôn có sự liên thông riêng tư với Hoa Kỳ, thậm chí ngay cả trước khi ông trở thành công dân Hoa Kỳ năm 1971. Cha của ông chào đời vào ngày 04/07, và thường nói đùa về ngày sinh của mình trùng khớp với ngày khai sinh nước Mỹ. Ông Cundin đã vô cùng xúc động bởi nội dung của Tuyên ngôn Độc lập sau khi đã đọc toàn bộ văn bản. “Khát vọng tự do – đó chính là sợi dây kết nối khiến tôi rung cảm từ sâu thẳm trái tim mình,” ông chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại gần đây.

Chiếc đĩa đồng thau được khắc Tuyên ngôn Độc lập

Khi bắt đầu dự án điêu khắc này từ năm 1989, vì tò mò, ông đã bắt đầu tìm hiểu về những vị tổ phụ lập quốc – những người đã ký tên vào văn bản này. Ông Cundin nhận thấy rằng Ngài John Adams đã từng đến thăm Xứ Basque năm 1780, và hệ thống chính quyền địa phương tại đó đã truyền cho ngài một nguồn cảm hứng, và ngài đã lưu tâm đến điều ấy khi soạn thảo Hiến Pháp Hoa Kỳ nhiều năm về sau. Ngài Adams cũng đồng thời viết về chính quyền “Biscay” trong bài khái luận của mình có tên “Bản biện luận cho Hiến Pháp của Chính phủ Hoa Kỳ”, khẳng định rằng, “Trong khi những quốc gia láng giềng của họ từ lâu đã cam chịu khi tất cả những quyền lợi của người dân ở đó được đặt vào tay các vị vua và thầy tu, thì những người dân phi thường này vẫn bảo tồn ngôn ngữ cổ xưa, tài nghệ, pháp luật, chính phủ, và cách ứng xử của họ… tình yêu tự do của họ và mối ác cảm không thể chế ngự đối với sự áp bức ngoại bang.”

Nhà điêu khắc Pedro Aspiazu (Trái) và nghệ sĩ José-María Cundín nghiên cứu về một bản in thử của bản in của Tuyên ngôn

Mối liên hệ với quê hương của Cundin đã thuyết phục ông tìm kiếm những nghệ nhân đến từ quê hương mình tham gia vào dự án điêu khắc này. Ông Pedro Aspiazu sinh ra trong một gia đình có nhiều thế hệ làm nghề điêu khắc, đã thực hiện việc khắc đĩa thủ công, còn công ty xứ Basque đã sản xuất các sản phẩm giấy thủ công từ bông tinh khiết, và công ty xứ Madrid thực hiện phần in ấn.

Ông Cundin vẫn giữ nguyên kích thước giấy in như bản gốc, nhưng giảm kích thước chữ để giữ nhiều không gian trống – “một môi trường trực quan, để biến nó thành… một văn bản mà mọi người đều có thể nhận được qua thư, nhưng trong một kích thước tuyệt đẹp,” ông nói. Bản khắc trên khung hình giống như một bức tranh, nhưng lại khiêm nhường với vẻ nghiêm trang. Đội ngũ của ông Cundin đã thực hiện 1,200 bản sao – vài bản sao đầu tiên đã được gửi tặng tổng thống George H.W. Bush khi ông còn đương nhiệm, vua Tây Ban Nha, và Quốc hội Hoa Kỳ. Ngày nay, vẫn còn 1,000 bản sao đang được chào bán.

Ngày Quốc khánh


Ông Paul Fattori hy vọng những thế hệ trẻ có thể thật sự dành sự ngưỡng mộ cho nội dung trong bản Tuyên ngôn Độc lập và cho sự thật rằng những bậc tiền nhân đã ký tên vào Tuyên ngôn đã phải mạo hiểm cả tính mạng của họ để công khai phản kháng chế độ quân chủ Anh Quốc. “Bản Tuyên ngôn là biểu tượng cho những điều thuộc về nền tự do, thuộc về quyền tự do – tất cả đều xoay quanh con người…sự đồng thuận của người dân,” ông nói.

Bà Sara Fattori mong mỏi người dân Mỹ sẽ không xem quyền tự do họ có được này là đương nhiên cũng như không quên cán cân thăng bằng giữa các khối quyền lực trong chính phủ. “Tôi mường tượng mỗi đất nước như một gia đình; tức là, nếu ai đó nắm trong tay quá nhiều quyền lực và sự kiểm soát, thì những người khác sẽ không thể phát triển được… và không thể tạo nên sự hưng thịnh cho nhân loại.”

Annie Wu  _  Minh Nguyên - Báo Mai

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét