Thứ Hai, 14 tháng 2, 2022

Câu Chuyện Đầu Năm

 

Tháp Nhạn Tuy Hòa, Phú Yên


CÂU CHUYỆN ĐẦU NĂM 
Thầy Dương Anh Sơn

Tháng ba năm 2019 trước khi xảy ra đại dịch Covid Vũ Hán, tôi đã có dịp ra Ninh Hòa cùng người bạn thân cũng là đồng nghiệp cũ từng dạy Trung Học Ninh Hòa/Khánh Hòa trước 1975 để thăm các đồng nghiệp một thời nào và gặp lại một số học sinh cũ. Do việc ra Ninh Hòa hơi gấp gáp và không dự tính trước nên chúng tôi chỉ gặp được vài đồng nghiệp cũ. Còn các em học sinh cũ chỉ gặp được một số em của hai lớp trước và sau 75 mà thôi.

Sau một đêm nghỉ lại một nhà nghỉ ngoài Hòn Khói, sáng hôm sau hai đứa tôi lại quyết định đi ra Tuy Hòa thay vì về lại Nha Trang để vào Sài Gòn. Tôi và người bạn thân vào năm 1976 đều bị đổi ra trường Trung Học Phổ thông Nguyễn Huệ ở thị xã Tuy Hòa. Bây giờ, thị xã Tuy Hòa đã là thành phố khang trang hơn trước nhiều với qui mô xây dựng đường phố và nhà cửa nhất là vùng đất gần biển càng ngày càng nhiều. Còn Ninh Hòa bây giờ đã là thị xã nhưng qui mô còn nhỏ so với thị xã Tuy Hòa trước 75!

Những con đường từ trường THPT Nguyễn Huệ đi lên quốc lộ và ga xe lửa với nhà cửa, đường xá có sửa sang nhưng vẫn còn giữ nguyên nét của thị xã trước và sau mốc điểm 75. Nhưng khi đi lên phía đông ra gần biển, nhiều con đường mới làm kèm theo nhà cửa hai bên đường có kiến trúc kiểu mới làm cho thành phố này có hai mảnh cũ mới ghép chung nhau lấy đường Hùng Vương chạy dọc từ phía bắc xuống phía nam làm ranh phân chia. Một bên vẫn còn nhiều những kiểu nhà xây từ trước 1975 và phía bên kia rất nhiều nhà kiểu mới hoàn thành mấy chục năm nay. Dĩ nhiên, khu vực kế bên bờ biển chạy song song theo đường Nguyễn Huệ tính từ đường Hùng Vương chạy ra biển trông khác nhiều so với hình ảnh thị xã cũ lấy khu chợ làm trung tâm.....

Chúng tôi rất vui khi gặp lại các đồng nghiệp một thời nào như thầy Nguyễn Đảm, một trong những giáo sư toán kỳ cựu ra trường từ 1958. Chúng tôi cũng gặp người bạn thân là thầy Tr. T trước đây cùng dạy Trung Học Vạn Ninh trước 75 với cô Thi, thầy Sinh... cùng các đồng nghiệp khác sau 75 như anh H., chị L., Chị H., Chị Tr., anh Ph., anh Ch., anh Th., cô V... Lớp bạn bè cũ này giờ đã nghỉ hưu cả chỉ có tôi xin thôi dạy sớm thôi!

Đón tiếp chúng tôi có các cựu học sinh cũ thân tình thuở nào. Đó là những lớp học sinh có được sự dạy dỗ của nền giáo dục tương đối hoàn chỉnh trước 75. Họ có những tố tính cần thiết để trở thành người công dân sống trong xã hội qui củ với cung cách rất lễ độ, nói năng phép tắc và nhiều đức tính khác. Khi rời Trường TH Nguyễn Trãi Ninh Hòa đổi ra Tuy Hòa, chúng tôi tiếp xúc được những người bạn miền Trung nói năng mộc mạc và chân thành. Người Tuy Hòa cũng như người Ninh Hòa có tâm hồn chơn chất, dễ thân thiện. Nhiều nam đồng nghiệp Phú Yên rất thích tranh luận cốt để làm rõ một vấn đề nào đó được bàn bạc nhưng họ tranh luận không phải đề cao cái tôi của mình mà chỉ cốt cho ra chân lý theo cách suy nghĩ của họ bất cứ vấn đề nào. 

Có lẽ đó là bản tính từ cuộc sống gần gũi với nghề nông nên sinh ra như thế chăng? Phú Yên vẫn nổi tiếng tứ lâu là vựa lúa của miền Trung! Cuộc sống sau 75 gặp rất nhiều khó khăn nhưng các sinh hoạt của người dạy học trong nhà trường nhờ gần gũi nhau nên thân thiện hơn. Đặc biệt, những người Phú Yên tập kết ra Bắc trở về địa phương sinh sống hầu như rất dễ làm quen chứ không mấy giữ khoảng cách.... Họ rất khác những người Nghệ An, Hà Tĩnh vào "chi viện" "tiếp thu" Trung Học Ninh Hòa thuở sau 75 ở tính tình bộc trực ít thấy mưu mô thủ đoạn như các giáo viên ngoài Bắc khi ở trường cũ.

Sau khi thăm nhiều đồng nghiệp cũ, chúng tôi ghé lại thăm anh H. một giáo viên tập kết về lại quê hương Tuy Hòa của mình. Chúng tôi trên hai mươi năm mới gặp lại nên rất vui. Ngồi hàn thuyên chuyện này chuyện kia, anh H. mới kể lại một câu chuyện khiến bốn đồng nghiệp miền Nam tới thăm anh giật cả mình. Anh H. nói rằng, sau khi tốt nghiệp sư phạm ngoài Bắc, anh được "tổ chức" (cách nói tổ chức đảng) lựa chọn sắp xếp cho đi học "biệt phái" để biết thêm về tình báo hầu theo dõi những người tập kết ra bắc xem có kẻ "gián điệp" của Sài Gòn cài đưa ra bắc không! Hóa ra danh từ "giáo chức sĩ quan biệt phái" mà họ tiếp xúc khi vào miền Nam sau 75 được rất nhiều người của họ đinh ninh nghĩ là loại giáo chức làm ngành "tình báo " tương tự như họ được đào luyện có tổ chức hẳn hoi. 

Vì bị ghép tội "giáo sư biệt phái" thường là "sĩ quan dự bị" nên đầu óc Tào Tháo đa nghi của những người như anh H. sau hơn bốn mươi bốn năm vẫn còn "gà mờ" chẳng hiểu ất giáp gì về các "giáo chức biệt phái" miền Nam là cái gì cả! Và có lẽ họ cũng chưa thể nào hiểu được nền giáo dục miền Nam có ba triết lý giáo dục căn bản là dân tộc, nhân bản, khai phóng nối kết với nhau để làm gì, nhất là họ cứ thắc mắc về nghĩa của "khai phóng"! May ra chỉ có những người ngoài ấy có đầu óc tỉnh táo mới có thể hiểu được và đánh giá đúng về thực trạng nền giáo dục trong này, trong đó "giáo chức biệt phái" có nghĩa đích thực là gì. Một khi không hiểu được dân tình miền Nam, không tìm hiểu cho rõ về nền giáo dục ấy với tấm lòng cởi mở và hiểu biết, họ sẽ nhìn mọi thứ của miền Nam trong đó nền giáo dục thời chiến và các "giáo sư biệt phái" bằng cặp kính đen thui! 

Dưới cái nhìn đen thui ấy, đa số người làm cán bộ đi dạy, làm tình báo, làm cán bộ "cài cắm gì đó" đủ thứ của chế độ miền Bắc "lấy bụng ta suy ra bụng người" nhìn các giáo chức biệt phái của miền Nam là "ác ôn", làm "công tác địch tình" vớ vẩn gì đó trong hàng ngũ giáo chức đi dạy. Cho nên một là chỉ biết "một chiều" từ trên dội xuống nên không thể hiểu về "giáo chức biệt phái " là cái gì; hai là cố tình không chịu hiểu để gạt phăng những giáo chức biệt phái này ra khỏi hệ thống giáo dục XHCN của họ cho khỏi bận tâm! Cũng may mắn ở nhiều nơi như Sài Gòn, Đà Lạt... v... v... nhờ có những người tuy chịu sự giáo dục của miền Nam, ăn lương của miền Nam nhưng làm công việc "nằm vùng" gì đó nên biết rõ về chuyện này. 

Những người bạn của chúng tôi là các giáo sư trung học bị động viên đi Thủ Đức rồi được trả về trường cũ dạy ở Sài Gòn sau 75 có đi "học tập" nhưng có những "cán bộ bên trên" xưa là "nằm vùng" hiểu chuyện thông báo cho các ông bên ngành giáo dục biết rõ nên "được" đi dạy trở lại. Cũng có mấy người bạn tôi trên Đà Lạt phải mất 5-7 năm cho các ông trên núi về suy nghĩ,hỏi han ,rồi dò la mới được cho đi dạy lại, nhưng cho đi dạy loại trường học sinh cá biệt! Nghĩ về chuyện đời anh Hoàng Song, anh Tòng, anh Nhàn... v... v... ở Trung Học Ninh Hòa ngày nào mới thấy sự tàn nhẫn của sự thiếu hiểu biết và hiểu cho rõ đã làm điêu đứng biết bao nhiêu con người.......

* * * * *

Trong thời buổi này của đất nước, hằng ngày đã xảy ra biết bao nhiêu chuyện xấu xa, vô luân, phi đạo đức..... trong xã hội, Ngay trong hàng ngũ "trí thức" có ăn học đàng hoàng trong Nam các lớp sau 75 cũng xảy ra biết bao nhiêu chuyện kỳ cục từ chuyện mua bằng, chạy chức đến chuyện háo danh và dùng từ sai bét. Một anh đã đề như thế này trên danh thiếp: Giáo Sư Tiến sĩ N.V.A. Tôi mới hỏi lại là anh là tiến sĩ chuyên ngành gì. Anh ấy trả lời: "Tôi là bác sĩ". Tôi mới nói với anh: "Sao anh không ghi: Bác sĩ N.V.A, Trưởng khoa tiêu hóa BVCR vừa nói đúng chuyên môn của mình hơn, vừa khiêm tốn vì một người trưởng khoa bệnh viện lớn thường là học vị cao! Anh ấy cười nhẹ và nói rằng thời này phải đạt danh hiệu GS kèm thêm học vị tiến sĩ, treo bảng phòng mạch tư, bệnh nhân mới tin tưởng. 

Một vị khác cũng đề trong danh thiếp "GSTS T.V.T". Tôi hỏi anh ta: "Anh chuyên ngành nào, cơ khí hay IT, hay nông nghiệp hoặc Luật!?." Anh ấy nói: "Tôi làm nghề bác sĩ, có học hàm tiến sĩ". Tôi nói với anh ta: "Sao anh không đề cho rõ là: "GS Y khoa TVT". Viết như thế ai cũng biết anh làm nghề y lại là hàng GS. Chữ GS Y khoa đã hàm ngụ anh là bác sĩ y khoa rồi! Có một anh khác thích khoe danh và chơi "trội" nhưng trình độ ngữ văn hạn chế nên đề trong danh thiếp: "GS Tiến sĩ Bác sĩ L.V.N." thay vì thu gọn: "GS Y khoa L.V.N". 

Hãy nhìn xem cung cách của Bác sĩ Trần Ngọc Ninh của ĐHYK Saigon trước 75 là Thạc sĩ Y khoa (sau tiến sĩ, học ở Pháp) nhưng bao giờ cũng chi xưng tên đơn giản và khiêm tốn: BS Tr.N.N! Các ngành chuyên khoa như y, dược, kỹ thuật... ở những trường đại học lớn có uy tìn thì chuyện bằng cấp và khả năng hy vọng là thực. Các trường văn chương chữ nghĩa có thể biến hóa dễ dàng sẽ có bằng cấp đại học và sau đại học xào nấu, biến hóa bằng đủ thứ "phép thuật". Dĩ nhiên, có nhiều người có thực học và khả năng trong mớ hỗn độn ấy! 

Tôi rất vui mừng khi ra thăm lại Tuy Hòa gặp anh học sinh cũ do nhà tôi, rồi đến tôi làm "chủ nhiệm" năm lớp 11 và năm lớp 12, giờ đang làm giám đốc bệnh viện lớn của tỉnh. Ngoài việc chu đáo lo đón tiếp thầy cũ, đức tính ôn hòa, trọng thầy cô cũ rất đáng quý vẫn như thuở học sinh ngày nào. Tôi hơi ngạc nhiên khi ghé phòng mạch của người học trò cũ. Anh học sinh cũ của vợ chồng tôi đề ngoài cửa: " Bác sĩ T. V.P" . Dòng chữ đơn giản như các bác sĩ trước 75 không kèm theo chức vị, không kèm theo học vị dù anh ấy là chuyên khoa cấp II tương đương tiến sĩ y khoa lại là giám đốc bệnh viện tỉnh. 

Giữa thời buổi có biết bao nhiêu kẻ háo danh kỳ cục, anh ấy là người biết mình. Những lời căn dặn khi còn dạy các em về sự khiêm tốn giờ được thấy thể hiện trong cuộc sống thực tế của họ. Cách sống không khoa trương, không khoe danh của người học trò cũ trong thời buổi mà trên mọi nơi đất nước này, cái danh và cái lợi cùng nhiều thứ khác nữa là lối sống của biết bao nhiêu người "trí thức" rất phức tạp quả là hiếm hoi!. "Hạnh phúc thay cho những ai sống và biết sống để giữ gìn nhân cách trong thiên đường mù mịt kia....". Xin mượn cách nói của Thánh Kinh Cơ Đốc để kết thúc câu chuyện đầu năm này!

Saigon,12/2/2022
Dương Anh Sơn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét