Thứ Ba, 22 tháng 2, 2022

"Tình Đồng Chí" Giữa Tập Cận Bình Và Vladimir Putin "Thắm Thiết" Cỡ Nào?

 

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (ảnh: Alexei Druzhinin/TASS/Getty Images)

"TÌNH ĐỒNG CHÍ" GIỮA TẬP CẬN BÌNH VÀ VLADIMIR PUTIN "THẮM THIẾT" CỠ NÀO?
Mỹ Anh 

Vladimir Putin chứ không ai khác đang quan sát kỹ nhất mọi động thái và phát biểu của Tập Cận Bình. Màn động dao động thớt của Putin đang gây nhốn nháo thế giới là phép thử có một không hai để kiểm nghiệm “mức độ thành thực” của cáo già Tập Cận Bình. Ngày 4 Tháng Hai 2022, trước khi diễn ra lễ khai mạc Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh 2022, Putin đã đến Bắc Kinh. Cuộc họp thượng đỉnh giữa hai đồng minh “cắt máu ăn thề” kết thúc với bản tuyên bố trong đó nhấn mạnh quan hệ hai bên là “không giới hạn” và những lĩnh vực mà hai bên hợp tác là “không có vùng cấm”.

Bắc Kinh đang làm xiếc, biểu diễn kỹ năng thành thục: Đi dây. Hôm thứ hai 21 Tháng Hai 2022, đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc – Trương Quân (Zhang Jun) – bắt đầu kêu gọi “tất cả các bên” hạ hỏa. Họ Trương “chào đón và khuyến khích mọi nỗ lực tìm kiếm một giải pháp ngoại giao”, rằng tất cả các mối quan tâm cần được xử lý trên “cơ sở bình đẳng” (CNN ngày 22-2-2022). Quan điểm Bắc Kinh, thông qua Trương Quân, cho thấy Trung Quốc không công khai ủng hộ Vladimir Putin trong cuộc khủng hoảng Ukraine và chắc chắn cũng không muốn Putin chơi rắn bằng một chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine.

Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đêm thứ hai 21 Tháng Hai, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng bày tỏ “quan ngại” về tình hình Ukraine, rằng “Trung Quốc lo ngại diễn biến tình hình ở Ukraine”, vì “các mối quan tâm an ninh chính đáng của bất kỳ quốc gia nào cũng cần được tôn trọng”, và “những mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc phải cần được tôn trọng”… Trước đó, Wall Street Journal ngày 20 Tháng Hai cho biết, tại hội thảo trực tuyến an ninh (Munich Security Conference), họ Vương cũng nói: “Chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của bất kỳ quốc gia nào luôn cần được tôn trọng và bảo vệ. Ukraine không là ngoại lệ”. Trước đó ba ngày, trong cuộc điện đàm ngày 16 Tháng Hai với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tập nói: “Tất cả các bên liên quan nên tuân thủ định hướng chung trong việc giải quyết chính trị, tận dụng đầy đủ các nền tảng đa phương… và tìm kiếm một giải pháp toàn diện cho vấn đề Ukraine thông qua đối thoại và tham vấn”.

Bằng vào việc thể hiện quan điểm rõ rệt, Trung Quốc cho thấy mức độ “ủng hộ” cuộc chiến của Putin như thế nào. Việc Bắc Kinh chuyển hướng biến Moscow từ cựu thù thành “bằng hữu” (lời của Tập Cận Bình) để xây dựng liên minh đối trọng với Mỹ và tái định hình “trật tự thế giới” là điều rõ ràng nhưng đó chỉ là một phần nổi của tảng băng. Đằng sau những cánh cửa đóng kín trong Bộ Chính trị Trung Quốc, những nhân vật chóp bu Trung Quốc vẫn thì thào với nhau việc làm sao có thể dùng lá bài Moscow để làm khó Mỹ theo cách “vừa phải” để không làm tổn hại lợi ích kinh tế mà chỉ có Mỹ mới có thể duy trì sự ổn định an ninh kinh tế trong nước của họ – một cách gián tiếp, thông qua mối quan hệ kinh tế song phương. Chẳng phải tự nhiên mà Bắc Kinh thực hiện loạt sự kiện kỷ niệm 50 năm chuyến công du lịch sử năm 1972 của cặp Nixon-Kissinger. Một trong những sự kiện như vậy là cuộc họp bàn tròn với sự tham dự của hơn 20 nhà điều doanh nghiệp quốc tế do tổ chức Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa mà chính Ngoại trưởng Vương làm sếp.

Moscow, với Bắc Kinh, chỉ là quân cờ, tùy cơ ứng biến mà đi nước nào vào thời điểm nào. Washington, với Bắc Kinh, mới là đối thủ ngồi đối diện bàn cờ.

Không phải tự nhiên Bắc Kinh đang xua “chiến lang” ra như thường lệ, dồn hỏa lực truyền thông vào Mỹ thay vì nói theo ngôn ngữ chính thức của giới ngoại giao như Vương ngoại trưởng. Đó là cách đánh cờ, vừa làm mát lòng Moscow vừa gây xốn xang tâm can Washington. Báo chí Trung Quốc những ngày gần đây “bình luận” rằng cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine sở dĩ “leo thang” là do “dưới sự khiêu khích của Mỹ” (Washington Post ngày 22 Tháng Hai). Lập luận nhồi nhét này là một mũi tên bắn hai đích: cuộc khủng hoảng Trung Quốc-Đài Loan hoặc cuộc khủng hoảng Trung Quốc-khu vực biển Đông tranh chấp sau này nếu xảy ra thì hẳn cũng “leo thang dưới sự khiêu khích của Mỹ”. Việc Trung Quốc “phản đối” Mỹ và NATO “bành trướng” tại châu Âu “đe dọa an ninh Nga” là thái độ thật tâm ủng hộ Moscow? Chắc là không. Bắc Kinh nói như vậy là nói cho họ, khi họ cay cú trước cách mà Mỹ đang “rù quến” các nước Đông Nam Á kìm hãm sự hung hăng của họ.

Bắc Kinh không dại gì bênh Nga đến mức hất sạch ly nước và cạn tàu ráo máng với Mỹ và châu Âu. Thị trường Mỹ và châu Âu lớn đến mức Trung Quốc không thể vì “tình bạn” với Putin mà khiến họ bị chặn cửa. Bắc Kinh khó có thể “liều chết” theo Moscow để tạo ra một “trật tự mới” trong đó thế giới phân cực thành một bên là Trung Quốc-Nga và bên kia là Mỹ-châu Âu. Xét ở bất kỳ góc độ nào, từ trọng lượng chính trị đến trọng lượng kinh tế, khối Mỹ-châu Âu hiển nhiên nặng ký hơn.

Ngay với Ukraine, Trung Quốc cũng đang làm ăn tốt với nước này. Mậu dịch song phương Trung Quốc-Ukraine đạt hơn $15 tỉ năm 2020 – theo Foreign Affairs ngày 21 Tháng Hai. Ukraine là cửa ngõ quan trọng vào châu Âu và là đối tác chính thức của Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường, nỗ lực địa chính trị hàng đầu của Tập Cận Bình. Mới tháng trước, nhân kỷ niệm 30 năm hai nước thiết lập quan hệ, Tập Cận Bình đã gửi lời chào “thân ái và đoàn kết” đến Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, nhấn mạnh rằng “kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 30 năm, Trung Quốc và Ukraine luôn duy trì đà phát triển ổn định và hợp lý”.

Thế giới hiện tại gần như không có cường quốc nào hơn Nga và phù hợp chiến lược đối ngoại của Trung Quốc hơn Nga. Tuy nhiên, nếu Moscow tin Bắc Kinh thì có mà “bán lúa giống”. Điều quan tâm lớn nhất của Tập bây giờ là quan sát cách ứng xử của Mỹ và châu Âu đối với Nga nếu chẳng may xảy ra cuộc chiến xâm lược Ukraine của Nga; và dựa vào đó để lập kịch bản đối phó cho một cuộc xâm lược Đài Loan của chính họ.

Mỹ Anh - Saigon Nhỏ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét