Tổng thống Joe Biden tại Tòa nhà Văn phòng Điều hành Eisenhower ở Washington vào ngày 8/2/2022. (Ảnh Getty Images)
Câu chuyện lạm phát: KHI CÁC CHÍNH TRỊ GIA VÀ TRUYỀN THÔNG Ở MỸ 'CHỈ HƯƠU BẢO NGỰA'
Trà Nguyễn
Thật ngạc nhiên khi phát ngôn rất phi kinh tế, phi khoa học có thể đĩnh đạc xuất hiện trên miệng của các chính trị gia đang lãnh đạo nền kinh tế tri thức lớn nhất toàn cầu: Mỹ; điều tưởng như chỉ xuất hiện ở thế giới thứ ba hoặc các quốc gia chuyên chế. Trong một quốc gia hàng đầu thế giới về giáo dục, đi đầu về kinh tế học, công nghệ, nơi có đồng tiền dự trữ lớn nhất toàn cầu, các khái niệm về tiền tệ đang bị đảo lộn.
"Khi lần đầu đọc bản tin của NTDVN, dẫn nguồn từ Fox Business về phát biểu của Bộ Trưởng Bộ Tài chính Mỹ, bà Janet Yellen, tôi đã nghĩ mình đọc nhầm. Tôi thậm chí phải xem lại video clip về lời phát biểu của bà. Thật kinh ngạc, đó chính xác là những gì mà bà Janet Yellen nói: 'Gói chi tiêu 1,75 nghìn tỷ USD của ông Biden sẽ giúp chống lạm phát' " - Trích thư gửi tới NTDVN của một đọc giả.
Chỉ hươu bảo ngựa: Chính phủ đầu tư và chi tiêu khủng để ngăn lạm phát
Trong giới chính trị gia và quản trị tiền tệ tầm cỡ quốc gia ở Mỹ, bà Janet Yellen chính xác là một chuyên gia dày dặn kinh nghiệm với hồ sơ học thuật và kinh nghiệm hàng đầu về quản trị đồng tiền cũng như nền tài chính hùng mạnh nhất thế giới.
Nói về tiền tệ, về lạm phát, về thấu hiểu cấu trúc và hướng đi của dòng tiền USD, không chỉ ở nước Mỹ mà trên khắp thế giới, có lẽ bà Yellen nên phải là người đáng tin cậy nhất; thực tế mỗi lời nói, nhận định của Bà Yellen vẫn luôn được săn đón và tham chiếu ở hầu hết các diễn đàn kinh tế - tài chính và các chính phủ. Bà Yellen đã từng là chủ tịch Fed (Ngân hàng Trung ương Mỹ) dưới thời các cựu Tổng thống Barack Obama và Donald Trump và giờ là Bộ Trưởng Tài chính Mỹ. Giới tài chính có câu nói rằng, 'chỉ cần Fed hắt hơi, thị trường tài chính toàn cầu lập tức cảm lạnh'.
Một người phụ nữ xuất sắc đến mức đảm nhiệm các vị trí chủ chốt nhất trong nội các Mỹ, mỗi lời nói, nhận định đều trở thành tham chiếu hoặc chủ đề để các chuyên gia thảo luận và nghiên cứu, bà Yellen hẳn không thể lỡ lời khi khẳng định "gói chi tiêu 1,75 ngàn tỷ của ông Biden sẽ giúp ngăn lạm phát".
Kinh ngạc hơn là lập luận bà Yellen khi cố gắng thuyết phục rằng lạm phát có thể 'sửa chữa' nhanh chóng bằng chi tiêu khổng lồ hơn từ chính phủ: Chính phủ trả tiền cho dịch vụ chăm sóc y tế, chăm sóc trẻ em. Điều này làm giá giảm và như vậy giúp lạm phát giảm!
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama bắt tay Janet Yellen trong cuộc họp báo đề cử bà làm người đứng đầu Cục Dự trữ Liên bang tại Phòng ăn Nhà nước tại Nhà Trắng vào ngày 9/10/2013 tại Washington, DC. (Ảnh: Getty Images)
Vào thứ Sáu (29/10/2021), Bà Yellen cho rằng gói chi tiêu 1,75 nghìn tỷ USD do Tổng thống Biden đề xuất sẽ làm giảm lạm phát nếu nó được Quốc hội thông qua.
"Những gì gói này sẽ làm là giảm một số chi phí quan trọng nhất, những gì họ phải trả cho chăm sóc sức khỏe, chăm sóc trẻ em", bà Yellen nói với CNBC trong một cuộc phỏng vấn riêng ngày 29/10/2021.
Lập luận này thoạt nghe có vẻ đúng, đặc biệt với những người chưa từng quan tâm tìm hiểu nguồn gốc của lạm phát, giá trị của tiền tệ đến từ đâu hay quan tâm tới tiền mà chính phủ chi tiêu được lấy từ đâu. Nhưng nó trở nên nực cười trước bất kỳ ai có hiểu biết chút ít hoặc chỉ cần có kinh nghiệm mất mát tài sản bởi lạm phát do chính phủ chi tiêu khủng khiếp, tham nhũng và in tiền bừa bãi phục vụ cho mục tiêu của họ.
Nếu chính phủ chi tiêu và trả tiền cho các dịch vụ công có thể giúp điều tiết lạm phát thì lạm phát sẽ không bao giờ xuất hiện ở các nước nhiệt thành với chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Nhưng chúng ta đều biết là lạm phát đã trở thành thất bại kinh tế kinh hoàng nhất của các nước xã hội chủ nghĩa; ví dụ ngày nay lạm phát tại Venezuela là 2.700%, Cuba là 77,3% hay như Triều Tiên là 55% vào tháng 6/2013 (sau đó, thế giới không còn số liệu của quốc gia này). Việt Nam từng chứng kiến lạm phát lên tới 774,7% vào năm 1986. Sau đó, Việt Nam buộc phải thực hiện 'đổi mới', từ bỏ bớt đi việc chính phủ chi tiêu và áp đặt giá cả thì tình trạng lạm phát mới thuyên giảm, nền kinh tế dần dần đi vào chính thường.
Đó là thực tiễn. Còn lý thuyết thì sao? Chính phủ chi tiêu nhiều, nợ công càng phình to, nghĩa vụ nợ gốc và lãi càng lớn, hiệu quả đầu tư càng thấp, nền kinh tế đó càng trì trệ, càng thiếu hiệu quả và là nguyên nhân đóng góp vào lạm phát (Buiter, 1999; Niepelt, 2004; Sims, 1994; Woodford, 1994 và 2001; Loyo, 1999; Christiano và Fitzgerald, 2000; Canzoneri và cộng sự, 2001; Cochrane, 2001 và 2005; Gordon và Leeper, 2002). Các kết quả nghiên cứu nghiêm túc và cẩn trọng mối liên hệ giữa sự phình to của nợ công, chi tiêu công và lạm phát luôn được làm mới, bổ sung và phát hiện không ngừng theo thời gian, dù dùng mô hình kinh tế lượng nào, dùng lý thuyết kinh tế nào tiếp cận đi chăng nữa.
Dĩ nhiên, lạm phát không phải do một mình chi tiêu, đầu tư thiếu hiệu quả của chính phủ tạo ra. Lạm phát đương nhiên xuất hiện theo chu kỳ còn bởi chính sách tiền tệ, còn bởi chiến tranh giữa các đồng tiền mạnh; khi đồng tiền không còn bản vị vững chãi như vàng, nó tuỳ ý bị định giá bởi các cuộc chiến tiền tệ không có hồi dứt giữa các quốc gia, bị thao túng không chỉ bởi chính quyền còn bởi các tay buôn tiền, đầu cơ khắp toàn cầu.
Ngạc nhiên trước phát ngôn của bà Janet Yellen, trả lời phỏng vấn trang Fox Busines về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Stephen Moore, một thành viên cấp cao tại FreedomWorks, người từng là cố vấn kinh tế cho cựu Tổng thống Trump, cho biết: “Các khoản trợ cấp của chính phủ luôn dẫn đến giá cả cao hơn". Ông Moore cho biết, "không nghi ngờ gì" rằng việc thông qua kế hoạch cơ sở hạ tầng con người của Tổng thống Biden sẽ "làm trầm trọng thêm lạm phát và làm cho chi phí chăm sóc trẻ em và chăm sóc sức khỏe tăng lên".
Không phải một mình ông Moore, hầu khắp các nhà kinh tế học, chuyên gia kinh tế, các chính trị gia tận tâm, đều biết điều đó. Và nước Mỹ, nơi người dân có tri thức cao hẳn có một tỷ lệ lớn ngạc nhiên trước lập luận của chính quyền: Vay nợ khủng để chi tiêu khủng nhằm bù đắp giá cho dịch vụ công như một phương tiện để giảm lạm phát.
Gốc rễ là số tiền 1,75 nghìn tỷ USD từ đâu mà ra? Đó không phải là tiền túi của bà Yellen hay ông Powell hoặc ông Biden, đó là tiền chính phủ Mỹ đi vay. Tiền vay thì phải trả, phải lấy từ thuế của người Mỹ hiện nay hoặc sau này để trả; gồm cả gốc và lãi. Cách lấy tiền nhanh nhất từ người dân là tăng thuế; điều này làm tăng chi phí sử dụng vốn và đương nhiên giảm hiệu quả đầu tư. Kết quả luôn là lãi suất tăng. Tất cả vòng luẩn quẩn này đều khiến giá cả tăng - mà đó chính là lạm phát!
Cuồng nhiệt kêu gọi chính phủ chi tiêu khổng lồ để đánh bại... lạm phát
Đầu tiên, các chính trị gia và các nhà làm chính sách ở Mỹ nhất quyết nhận định rằng lạm phát chỉ là câu chuyện tạm thời do đứt gãy chuỗi cung ứng năm 2021. Tất nhiên rồi, không chính trị gia nào muốn chứng kiến lạm phát - bóng ma kinh tế khó trị - ám ảnh quốc gia khi họ đang dẫn dắt đất nước. Lạm phát đánh cắp tài sản trong túi của người dân, đặc biệt tầng lớp trung lưu và nghèo, làm lãi suất tăng vọt, làm chi tiêu đình trệ, làm nợ xấu dâng cao và nền kinh tế có để sụp đổ.
Nhưng theo thời gian, lạm phát ở Mỹ đã tăng cao nhất trong vòng 20 năm, rồi 30 năm và giờ (vào tháng 2/2022) đã đạt đến mức cao nhất trong 40 năm qua. Lạm phát lỳ lợm ở lại Mỹ suốt 12 tháng qua, tháng sau cao hơn tháng trước khiến các chính trị gia, nhà kinh tế học thiên tả buộc phải thừa nhân: Lạm phát là vấn đề trung hạn.
Xung đột địa chính trị gia tăng căng thẳng khắp toàn cầu thúc đẩy chạy đua vũ trang, dự trữ nguyên nhiên liệu, hàng hóa đầu vào cho sản xuất, dự trữ lương thực, thậm chí là các đòn trừng phạt kinh tế cũng tạo tác động tai hại tới lạm phát 2022. (Ảnh: Getty Images)
Dù vậy, các chính trị gia nhất định không chịu thừa nhận lạm phát đến từ chính sách tiền tệ rẻ do chính họ đặt qua trong hơn một thập kỷ, do nợ chính phủ phình to... Lạm phát bị đổ lỗi cho các yếu tố khách quan: COVID-19, đứt gãy chuỗi cung ứng.
Công bằng mà nói, lạm phát ngày nay ở Mỹ và khắp toàn cầu một phần do yếu tố khách quan từ chuỗi cung ứng. Nhưng rõ ràng, các khoản nợ công phình lên kỷ lục mà IMF, WB cảnh báo là sự thật. Nợ công rõ ràng là công cụ tạo ra lạm phát. Nợ công và các khao khát chi tiêu của chính phủ đã buộc chính phủ phải theo đuổi chính sách tăng thuế. Một khi có sự dính líu cuả nợ công thì lạm phát không bao giờ là tạm thời - lý thuyết kinh tế và thực tế kinh tế đã chứng minh điều đó.
Vấn đề ở chỗ, các chính trị gia cuồng nhiệt kêu gọi chi tiêu như một giải pháp duy nhất để ngăn ngừa lạm phát và bất kỳ vấn đề xã hội nào của nền kinh tế.
Mọi giải pháp cho mọi vấn đề đều được chính quyền ông Biden giải quyết bằng cách chi tiêu, bao gồm cả vấn đề hóc búa là nghiện ma túy. Theo báo cáo, chính phủ dường như sẽ chi tiêu để cung cấp "bộ dụng cụ hút thuốc an toàn" cho những người nghiện ma tuý để giảm tình trạng sốc thuốc. Gần đây nhất, Nhà Trắng cũng có kế hoạch mới nhất của ông là tăng lương cho các quan chức liên bang để đánh bại lạm phát - được tài trợ bằng cách in tiền. Giải pháp thay thế khó tin duy nhất khác là tăng thuế. Như phân tích ở trên, tăng thuế chính là con đường ngắn nhất, nhanh nhất, ép giá cả tăng.
Lịch sử lạm phát của Mỹ, đồ thị được đăng trên tài khoản Twitter của TNS Ted Cruz bang Texas, Mỹ. (Ảnh chụp màn hình bởi NTDVN)
Cây bút Monica Showalter trên trang American Thinker đã giải thích cách mà chính quyền ông Biden hiện đang kiềm chế lạm phát bằng hình ảnh: "Về cơ bản, [chính quyền] ông Biden đang chạy xung quanh một ngôi nhà đang cháy với một khẩu súng phun lửa và nói với chúng ta [người Mỹ] rằng đó là một vòi phun nước cứu hoả".
CNN giải thích lý do vì sao lạm phát tốt cho người nghèo và có hại cho người giàu
Tiêu đề bài báo của CNN chính xác là như vậy: vì sao lạm phát tốt cho người nghèo và có hại cho người giàu!
Có vô số bình luận về bài báo này của CNN trên chuyên trang kinh tế của họ. Hầu hết đều mỉa mai, kinh ngạc hoặc phẫn nộ. Nhưng khớp với các chính trị gia cánh tả ở Mỹ, tờ báo thiên tả cũng chỉ hoà thêm một giọng, đồng điệu trong dàn đồng ca rằng lạm phát là tốt và chi tiêu chính phủ khổng lồ sẽ ngăn giá cả tăng, tốt cho người nghèo và có hại cho người giầu.
CNN không nói gì ngược với lợi ích đảng phái, phe phái mà tờ báo đó đang cổ vũ. Rốt cuộc, thì ai cũng có sứ mệnh của mình. Sứ mệnh của họ là cổ vũ 'phe phái' bất chấp thực tế, bất chấp khoa học, bất chấp quy luật...Dù vậy, nếu CNN vẫn tồn tại và kiếm được tiền bởi những bài báo như thế này trên đất Mỹ thì có nghĩa là có một bộ phận đọc giả của họ chính là thừa nhận thế, họ muốn nghe điều đó. Cái gì tồn tại hẳn là cái có lý.
Rốt cuộc, chúng ta chỉ là một kẻ ngoại cuộc. Rất nhiều trong số chúng ta vẫn hàng ngày nhìn về nước Mỹ, có thể bằng sự tò mò, bằng lòng ngưỡng mộ hoặc giả bằng tình yêu. Nhưng rõ ràng, những gì chúng ta đang chứng kiến, tỉnh táo mà nói, nước Mỹ đang xoay mình chuyển hướng kinh ngạc: phi ranh giới, phi khoa học, phi lợi ích quốc gia...
ĐCSTQ đã nói: "Một lời nói dối được lặp đi lặp lại một nghìn lần sẽ trở thành sự thật". Có phải một nhóm tinh hoa của Mỹ, một thế lực nào đó của nền kinh tế tri thức hàng đầu thế giới này đang học tập ĐCSTQ? Và nếu một bộ phận số đông người Mỹ lắng nghe hàng ngàn lời nói dối và mỗi lời nói dối được lặp lại hàng ngàn lần, thì đến một ngày họ sẽ thành một quốc gia như ĐCSTQ hay không?
Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.
Trà Nguyễn - NTD Việt Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét