Một người đi bộ ngang qua logo Meta trước trụ sở Facebook ở Menlo Park, California, ngày 28/10/2021. (Ảnh: Justin Sullivan / Getty Images)
CÓ NÊN CẢNH GIÁC THUNG LŨNG SILICON KHI HỌ ĐANG SỞ HỮU SỨC MẠNH KIỂM SOÁT CON NGƯỜI?
Bảo Nguyên
Theo dõi con người, gián điệp quốc gia - đó là những cảnh quay mà chúng ta vẫn thường xem trong nhiều bộ phim truyền hình và điện ảnh. Vậy sự thực có như vậy không? Thực tế là, chúng ta đang bị theo dõi hàng ngày bởi chính chiếc điện thoại di động - đồ vật trung thành mà con người hiện đại luôn mang theo mọi lúc mọi nơi, chưa kể đến các công nghệ tiên tiến khác. Liệu những công ty công nghệ với sức mạnh khổng lồ có đang sử dụng các nguồn lực của họ cho mục đích đúng đắn?
Công nghệ đang bị lạm dụng để kiểm soát con người?
Nếu bạn từng lo lắng khi hậu quả của ngày 11/9 là nhiều công dân vô tội bị theo dõi, danh tiếng của họ bị hủy hoại bởi những cáo buộc sai trái, và những hạn chế đối với quyền tự do ngôn luận chính trị, thì tin tức hiện nay có thể khiến bạn suy nhược thần kinh. Điều đó đặc biệt đúng khi người kiểm soát bạn (được gọi là Big Brother - những ông lớn) sử dụng công nghệ thông tin được vũ khí hóa. Big Brother có thể là doanh nghiệp tư nhân chứ không phải là chính phủ, hoặc là liên minh giữa doanh nghiệp và chính phủ.
Một sự kiện đáng chú ý nhất thời gian gần đây là việc FBI đã mua, nhưng có vẻ đã không sử dụng trên thực tế, phần mềm gián điệp điện thoại di động Pegasus khét tiếng từ công ty chủ sở hữu thuộc Israel, NSO Group. Phần mềm này từng được dùng để giám sát chính trị trong nội bộ đất nước Israel.
Vào thứ Hai (07/02), Sở Thuế vụ Mỹ đã tạm dừng việc buộc người nộp thuế phải chịu sự kiểm tra của phần mềm nhận dạng khuôn mặt của công ty tư nhân ID.me trước khi truy cập trang web của Sở Thuế vụ.
Một tin khác: Chương trình bí mật có chức năng giám sát hàng loạt của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã thu thập dữ liệu (có tính chất chưa được xác định) của người Mỹ, theo thông tin trong một lá thư gửi CIA vào tháng 04/2021 từ 2 thành viên đảng Dân chủ thuộc Ủy ban Tình báo Thượng viện là ông Ron Wyden của bang Oregon và ông Martin Heinrich của bang New Mexico. Bức thư đã được giải mật một phần vào thứ Năm (10/02). Chương trình (cho đến nay vẫn chưa được biết đến này) bổ sung cho cơ sở dữ liệu của CIA về các giao dịch tài chính quốc tế, bao gồm dữ liệu tài chính của hàng triệu người Mỹ - được thu thập từ Western Union và các công ty tư nhân khác. Hoạt động thu thập này được cho phép bởi Tòa án Giám sát Tình báo Nước ngoài (FISA).
Thêm vào đó, chính quyền Biden đang thay thế việc giam giữ một số lượng lớn người nhập cư bất hợp pháp bằng việc giám sát điện tử mở rộng, bao gồm vòng đeo chân, vòng đeo tay, điện thoại di động và đồng hồ thông minh GPS. Các nhóm ủng hộ người nhập cư bất hợp pháp đã lên án việc “chi hàng triệu USD tiền liên bang cho các công ty tư nhân để cung cấp các thiết bị giám sát”.
Trong khi đó, vào cuối tháng trước, Tổng thanh tra của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đã phát hiện ra rằng, cơ quan này mắc nhiều sơ suất trong việc tuân theo quy trình nội bộ của chính cơ quan này mà đã được tòa án phê duyệt - quy trình được thiết kế để ngăn chặn việc giám sát bất hợp pháp thông tin liên lạc của người Mỹ. Công ty Palantir, được đồng sáng lập bởi Peter Thiel - người đồng sáng lập theo chủ nghĩa tự do chính trị của PayPal, được cho là phục vụ các khách hàng không chỉ gồm NSA mà còn gồm CIA, Bộ An ninh Nội địa, FBI, Thủy quân lục chiến và Không quân Mỹ, cùng với tình báo Anh. Các chương trình “Kite” và “XKEYSCORE Helper” của Palantir tỏ ra rất có giá trị trong việc giúp chính phủ thực hiện các hoạt động giám sát.
Nhưng chính ông Thiel cách đây không lâu đã cảnh báo về công nghệ “trí tuệ nhân tạo dùng cho giám sát”, gọi nó là “công nghệ độc tài cộng sản” mà các chính phủ sẽ sử dụng — cụ thể là công nghệ nhận dạng khuôn mặt do AI hỗ trợ — để kiểm soát con người. Ông Thiel hiểu rõ những gì ông ta đã phát biểu. Một bài báo điều tra xuất bản năm 2018 của Bloomberg có tựa đề “Palantir Knows Everything About You (Palantir biết mọi thứ về bạn)” cho biết phần mềm Palantir sàng lọc các tài liệu tài chính, thông tin đặt vé máy bay, hóa đơn điện thoại di động và các bình luận trên mạng xã hội, và tìm ra các kết nối mà sẽ bị bỏ lỡ bởi một người quan sát thông thường.
Gián điệp điện tử được cho là điều mà chính phủ làm, nhưng chính các công ty tư nhân — không chỉ ở Mỹ — đã sản xuất ra những công cụ gián điệp vượt ra ngoài mọi giấc mơ khó tưởng tượng nhất. Và hiện nay, các công ty công nghệ có tiếng nói rất lớn. Chẳng hạn như việc Bill Gates phàn nàn rằng “thế giới ngày nay có 6,8 tỷ người… sắp sửa lên tới khoảng 9 tỷ người”, nhưng “nếu chúng ta thực hiện tốt công việc cung cấp vaccine mới, chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ sức khỏe sinh sản, chúng ta có thể giảm con số đó xuống, có lẽ, 10 hoặc 15%”; hay như việc Twitter của Jack Dorsey đã khóa tài khoản của cựu Tổng thống Donald Trump và ngăn chặn việc lan truyền những câu chuyện mới về vấn đề tham nhũng của Hunter Biden và mối liên hệ của những tham nhũng đó với cha anh ta, điều có thể làm ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020.
Hãy suy nghĩ về vụ việc xảy ra hôm thứ Ba tuần trước (01/02): Thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki đã bình luận về việc Spotify đính kèm tuyên bố từ chối trách nhiệm vào các bài phát biểu như của siêu sao podcast Joe Rogan. Ông là người đã lên tiếng về thực tế rằng khẩu trang không ngăn chặn sự lây truyền Covid-19. Bà Psaki nói: “Chúng tôi muốn mọi nền tảng tiếp tục làm nhiều hơn nữa để xử lý các thông tin sai lệch, đồng thời thúc đẩy các thông tin chính xác”.
Việc kiểm soát truyền bá thông tin và việc giám sát hoạt động của người dân bằng phương tiện điện tử là hai công cụ mạnh mẽ, sẽ trở thành vũ khí không thể ngăn cản nếu được kết hợp lại.
Googleplex - Trụ sở của Google đặt tại Mountain View, California, Mỹ, ngày 06/2019. (Ảnh: Gregory Varnum/Wikimedia Commons)
Những tranh cãi về công nghệ giám sát đã xuất hiện từ nhiều năm trước đây
Những tranh cãi liên quan đến việc công nghệ được phát triển để hỗ trợ giám sát không còn là điều mới lạ. Ví dụ, vào năm 1979, bất đồng với kết quả bỏ phiếu 5-3 trong vụ Michael Lee Smith kiện bang Maryland về quyền riêng tư qua điện thoại, Thẩm phán Tối cao Pháp viện Thurgood Marshall, với sự ủng hộ của William Brennan - người theo chủ nghĩa tự do, đã cảnh báo rằng: “Nhiều cá nhân, bao gồm thành viên của các tổ chức chính trị ít danh tiếng hoặc các nhà báo với nguồn tin bí mật, có thể muốn tránh tiết lộ thông tin liên lạc cá nhân của họ một cách hợp pháp. Do đó, việc cho phép nhân viên chính phủ tiếp cận hồ sơ điện thoại với lý do không chính đáng có thể gây khó khăn cho một số hình thức liên kết chính trị và nỗ lực báo chí, vốn là dấu hiệu nhận biết của một xã hội thực sự tự do". (Michael Lee Smith là tình nghi của một vụ cướp tại thành phố Baltimore bang Maryland. Cảnh sát đã tìm được chứng cứ sau khi thu thập thông tin ghi lại bằng chiếc điện thoại tại nhà Smith. Smith đã kiện chính quyền bang Maryland vì đã vi phạm Tu Chính án Thứ 4. Cuối cùng, Smith bị xử thua kiện với tỉ lệ bỏ phiếu 5-3).
Tuy nhiên, sự tiếp cận của chính phủ có thể không còn là vấn đề chính nữa. Như Thẩm phán Clarence Thomas đã cho biết khi phản đối kết quả ở vụ Carpenter kiện chính phủ Mỹ vào năm 2018: Dữ liệu về vị trí điện thoại di động không phải là tài sản của người dùng điện thoại di động. (Carpenter bị tình nghi đồng phạm trong một chuỗi các vụ cướp vũ khí. Cảnh sát đã thu thập thông tin về Carpenter thông qua dữ liệu trên điện thoại di động của anh này và đã chứng minh được Carpenter có liên quan tới vụ cướp. Carpenter đã kiện chính phủ Mỹ vì vi phạm Tu Chính án Thứ 4. Carpenter đã được xử thắng kiện với tỷ lệ sít sao 5-4). “Anh ta không tạo ra các dữ liệu, anh ta không duy trì chúng, anh ta không thể kiểm soát chúng, và anh ta không thể phá hủy chúng. Cả các điều khoản trong hợp đồng của anh ta cũng như bất kỳ điều khoản nào của luật pháp đều không cho thấy các dữ liệu thuộc về anh ta. Dữ liệu thuộc về công ty MetroPCS và công ty Sprint".
Chưa hết, như Chánh án John Roberts đã chỉ ra trong quyết định của mình đối với vụ Carpenter, “điện thoại di động - gần như là một 'bộ phận của con người', - theo dõi gần như chính xác hoàn toàn sự di chuyển của chủ nhân của nó ... theo chân một cách trung thành người chủ của nó từ ngoài đường phố công cộng và tới khu vực nhà ở riêng tư, văn phòng bác sĩ, trụ sở chính trị và các địa điểm nhạy cảm khác. … Theo đó, khi chính phủ theo dõi vị trí của điện thoại di động, chính phủ sẽ đạt được sự giám sát gần như hoàn hảo, như thể chính phủ đã gắn thiết bị theo dõi vào mắt cá chân của người dùng điện thoại… Chính phủ hiện có thể truy tìm tung tích của một người trong quá khứ, tất cả chỉ phụ thuộc vào chính sách lưu trữ của các nhà cung cấp dịch vụ không dây; các công ty này hiện đang lưu trữ dữ liệu trong tối đa 5 năm".
Thung lũng Silicon đang sử dụng sức mạnh giám sát cho mục đích đúng đắn?
Kết hợp quan điểm của ông Thomas và ông Roberts thì những dữ liệu “giám sát gần như hoàn hảo” là thuộc sở hữu của các công ty công nghệ. Họ đã và đang sử dụng chúng cho mục đích tiếp thị và các mục đích kinh doanh khác. Trong tương lai, đặc biệt khi Thung lũng Silicon và những người nắm quyền ở Washington có chung kẻ thù chính trị, họ có thể sử dụng chúng để trấn áp phe đối lập.
Google, Facebook, Amazon và Twitter đều đã sử dụng sức mạnh công nghệ của họ để chống lại những người sẽ có thể rút cạn đầm lầy Washington. Họ đã giúp "ngăn chặn" việc tái đắc cử của Tổng thống Donald Trump; họ có thể hủy hoại một ứng cử viên, một phong trào và một đảng phái chính trị nếu người dân Mỹ để họ làm như vậy.
Bất chấp nạn diệt chủng tại nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bất chấp các quy định về quyền làm mẹ và việc đàn áp các bất đồng chính trị, các tập đoàn khổng lồ của thế giới tự do như Coca-Cola, Intel, Procter & Gamble và Visa sẵn sàng tài trợ cho Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh. Làm sao các công ty này có thể tự nguyện chống lại bạo quyền và áp bức khi chúng xuất hiện ở quê nhà? Nếu người Mỹ nghĩ rằng giám sát công nghệ cao, phát tán thông tin sai lệch và hủy hoại tên tuổi chỉ là công cụ của những công ty con rối của chính quyền cộng sản Trung Quốc, như Huawei, chứ không phải của các doanh nghiệp hùng mạnh hoạt động vì lý tưởng của Mỹ, thì người Mỹ sẽ phải trả giá đắt cho sự ngây thơ của mình.
Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.
Tác giả Thomas McArdle từng là người viết bài phát biểu tại Tòa Bạch Ốc cho Tổng thống George W. Bush. Ông hiện đang viết bài cho IssuesInsights.com.
Bảo Nguyên
Theo The Epoch Times
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét