Chị Anna Nguyễn chỉ góc đặt chậu bonsai quý bị kẻ trộm cắt hàng rào vào “bưng” mất. (Hình: Anna Nguyễn cung cấp)
TRỘM CẮP HOÀNH HÀNH Ở LITTLE SAIGON
Đoan Trang
LITTLE SAIGON, California (NV) – “Thời buổi bây giờ ‘loạn lạc,’ đi đâu cũng nghe bị trộm cắp,” là lời than thở của nhiều cư dân sống trong vùng Little Saigon, California – nơi có cộng đồng người Việt đông nhất hải ngoại đang sinh sống.
Anh Tommy Hoàng, cư dân Westminster, vẫn “tức anh ách” khi kể lại với chúng tôi chuyện mình bị mất chiếc Toyota Camry: “Tối hôm đó, tôi ra ‘đề’ máy xe vì sợ để lâu không làm việc thì cái bình sẽ bị hư. Mở máy xong, vừa vô nhà vài phút quay ra, chiếc xe của tôi ‘không cánh mà bay.’”
Hở cái gì, mất cái đó
Chiếc xe chỉ đậu cách cửa nhà anh Tommy bốn, năm bước chân, theo như lời anh kể, nhưng vì có hàng rào che chắn, nên anh không thấy được người lạ lên xe mình vọt mất.
“Thiệt ra tôi cũng hơi sơ suất. Khu nhà này từ trước đến nay an toàn lắm, ở góc Bushard-Bolsa, gần trường tiểu học đó mà, có bị ăn cắp ăn trộm gì đâu,” anh Tommy nói thêm.
Bị mất xe, anh Tommy gọi ngay cho cảnh sát. Không lâu sau, anh tìm thấy chiếc xe của mình đậu ở góc đường Moran, gần nhật báo Người Việt.
Tuy nói khu nhà mình an toàn, nhưng theo anh Tommy, đấy là “chuyện xưa rồi,” chứ thời gian gần đây không còn được như thế.
“Không chỉ mất xe, cách đây vài tuần, xóm tôi có người bị mất hơn hai chục chậu lan. Còn nhà kế bên, hôm trước Tết Nguyên Đán, kẻ trộm vô bê mất chậu ngò gai thiệt là bự, rất quý. Mà ban ngày ban mặt đó nhen!,” anh kể.
“Xóm tôi có ba, bốn nhà bị mất đồ rồi. Có vẻ như ‘kẻ trộm’ là một nhóm người chuyên đi ăn cắp vặt, cứ thấy gì hở ra là lấy. Hàng xóm cho tôi xem camera, nhìn rõ ràng cặp vợ chồng với đứa con nhỏ chạy chiếc xe hạng sang, vô nhà người ta lấy đồ tỉnh bơ,” anh Tommy kể thêm.
Chiếc xe Toyota Camry của anh Tommy Hoàng. (Hình: Facebook Tommy Hoang)
Nhà chị Anna Nguyễn ở Westminster có hàng rào hẳn hoi. Hôm 14 Tháng Hai, kẻ trộm vào sân vườn, lấy mất của chị chậu bonsai rất quý, được chăm chút, cắt tỉa rất đẹp.
“Cứ khoảng 4, 5 giờ sáng là có một nam, một nữ người Mễ rình nhà tôi,” chị Anna cho biết. “Họ tới hai lần rồi, đeo cái ba lô thiệt bự và cái kềm để cắt hàng rào. Tôi chạm mặt họ một lần, họ nói sẽ không quay lại, nhưng vẫn chứng nào tật nấy. Khi thấy trộm, chó nhà tôi sủa inh ỏi, mà họ vẫn… tỉnh bơ à. Tức ghê luôn!”
Hàng rào kẽm gai nhà chị Anna Nguyễn bị kẻ trộm cắt đứt. (Hình: Anna Nguyễn cung cấp)
Cũng trong khu Little Saigon, chị Ngọc Nguyễn sống ở gần trường tiểu học Carrillo Elementary School kể, vào ngày 8 Tháng Giêng vừa qua, cha chị bị kẻ gian lấy mất sợi dây chuyền.
Theo lời chị, buổi sáng hôm đó có một chiếc xe Chevrolet màu đen chạy qua nhà chị. Thấy cha của chị đứng trước nhà, chiếc xe dừng lại.
Hai người, một đàn ông, một đàn bà cùng đứa trẻ khoảng 3 tuổi bước xuống xe. Họ trò chuyện với cha chị Ngọc. Rất nhanh sau đó, hai người và cháu bé kia lên xe vọt đi. Còn cha chị “mất hồn” vì sợi dây chuyền vàng đang đeo… biến mất.
Chị Ngọc nhờ hàng xóm cho xem lại camera, nhưng vì camera đặt xa quá, nên không thể nhìn rõ bảng số xe của những người, mà theo chị, đã “bỏ bùa” để cha chị tháo sợi dây chuyền đưa họ.
Chuyện sơ hở, hay lơ đãng bị mất của đã đành, có nhiều trường hợp xe khóa, nhà khóa cẩn thận mấy lớp, mà vẫn bị… bẻ khóa.
Vài ngày trước Tết Nguyên Đán, bà Minh Phùng ở thành phố Westminster đi làm với gương mặt thiểu não, kể: “Hôm qua Chủ Nhật, mình vừa ra ngoài đi chợ có chừng một tiếng đồng hồ, về đến nhà thấy cửa nẻo toang hoang. Chân tay tôi lạnh ngắt, bước vô từng phòng, phòng nào cũng bị cạy cửa, đồ đạc bị xáo trộn tùm lum.”
Bà Minh không hiểu bằng cách nào mà chỉ trong thời gian ngắn, bọn trộm có thể lục tung nhà bà lên như thế. Bà bị mất hộp nữ trang, chiếc laptop của con gái, và vài thứ nữa mà trong cơn hoảng loạn, bà chưa nhớ hết. Nhưng quan trọng hơn cả, là bà cảm thấy vô cùng bất an, vì “kẻ lạ mặt” đã lọt vào nhà bà, vô được tới phòng ngủ.
Mới đây, hôm 20 Tháng Giêng vừa qua, anh Đăng Khoa rầu rĩ nhắn tin trong nhóm Facebook: “Em bị mất chiếc xe đạp trên đường Moran, dù có khóa quấn mấy vòng, mà vẫn bị ‘chôm.’ Có ai ‘lấy nhầm’ xe đạp thì cho em xin lại ạ.”
Bị mất xe đạp là chuyện xảy ra… “như cơm bữa” ở khu có đông người Việt như Little Saigon.
Chiếc xe đạp thường để trước nhà “không cánh mà bay.” (Hình: Facebook Đăng Khoa)
Cô Hannah Trần thuê nhà ở Garden Grove, nói đã lâu rồi cô không đi xe đạp nữa, mà sử dụng “BMW,” trong đó B là “xe buýt,” M là “Motocycle” (xe gắn máy), và W là “Walk” (đi bộ).
Cô Hannah nói cho vui, chứ xe máy không có, cô chỉ đi xe buýt hoặc đi bộ. Lý do, cô đã mất ba chiếc xe đạp chỉ trong vòng một năm.
“Một chiếc tôi để ngoài sân khóa lại. Mất! Chiếc thứ hai cũng khóa cẩn thận, để ở chỗ làm, đi làm ra không thấy ‘nó’ đâu. Tôi ‘bấm bụng’ mua chiếc thứ ba, cũng bị bọn trộm ‘bẻ khóa’ một cách… không thương tiếc,” cô Hannah chán nản kể.
Từ giữa năm 2021, “rộ” lên tình trạng xe bị mất bộ lọc khí thải (catalytic converter) khiến nhiều chủ xe “hao tài tốn của” vì phải mua bộ khác thay vào.
Một trường hợp bị mất đồ trên xe, máy ghi hình quay được cảnh kẻ trộm lẻn vào sân nhà và bước đi một cách thản nhiên. (Hình: Facebook Rồng Vàng)
Anh Nhân Phạm, ở Garden Grove, có chiếc Honda Accord, bị trộm lấy mất bộ lọc khí thải và phần “censor,” tức tối kể: “Xe tôi cũ mèm, có điều số mile còn thấp, và máy còn tốt, nên tôi tiếc, muốn giữ lại chạy. Mà giữ lại thì phải bỏ ra số tiền lớn, hơn ngàn đồng, ngoài kế hoạch chi tiêu hằng tháng của tui.”
“Dạo này bị mất trộm mấy cái này nhiều lắm,” anh Nhân nói. “Giờ tôi cũng không biết phải đề phòng bằng cách gì. Ít nhà nào có được garage để đem xe cất vô trong, mà hầu như xe phải đậu ở bên ngoài hoặc dưới lề đường. Tôi ráng bỏ tiền đi mua về thay cũng được, nhưng sẽ vẫn hồi hộp, vì không biết gắn cái mới được bao lâu, hay vài bữa lại bị gỡ tiếp.”
Lý do mà bộ lọc khí thải bị đánh cắp nhiều là vì phụ tùng này chứa các kim loại quý, như bạch kim, palladium và rhodium.
Theo anh Louis Lê, một người am hiểu về phụ tùng xe hơi, người bị mất sẽ phải tốn từ $2,000 đến $2,500 để mua bộ lọc khí mới mà gắn vào.
Cần cẩn thận, cảnh giác hơn!
Nói với phóng viên nhật báo Người Việt, Trung Sĩ Phương Phạm thuộc Sở Cảnh Sát Westminster cho biết: “Tình hình ăn cắp vặt lúc nào cũng có, thành phố nào cũng có, đặc biệt là vào mùa lễ, Tết. Hằng ngày tôi đều nghe cảnh sát lập biên bản mấy vụ này.”
“Năm nay dường như ít hơn những năm trước, vì số người báo cho cảnh sát không nhiều,” anh nói thêm.
Về tình hình kẻ trộm cậy cửa vào nhà, Trung Sĩ Phương cho biết, trong thời gian dịch bệnh COVID-19, số vụ trộm giảm, vì cư dân không đi ra ngoài nhiều. Nhà có người, kẻ trộm không dám vô… “viếng thăm.”
Có thể khi cuộc sống trở lại bình thường sau dịch bệnh, mọi người đi làm, sẽ cần phải cảnh giác, cẩn thận hơn.
“Cảnh sát thường đến nhà làm biên bản nhiều là mấy vụ mất đồ trên xe,” Trung Sĩ Phương nói thêm. “Thật đáng trách, nhiều người cứ để đồ đắt tiền trên xe, như mắt kiếng, bóp,… nhưng khi bước ra khỏi xe thì không chịu khóa.”
“Mấy vụ mất đồ trên xe không khóa xảy ra nhiều hơn là xe bị đập kiếng. Để đồ trên xe được, nhưng để ở chỗ nào không đập vào mắt kẻ gian. Ngay từ bây giờ, tôi khuyên mọi người lúc nào cũng phải cẩn trọng, khóa xe cẩn thận.”
Về tình trạng kẻ gian đột nhập vào xe, vào nhà lấy đồ, nhiều người cho rằng, “an ninh” nhất vẫn là có được những người hàng xóm tốt, coi nhà coi cửa lẫn nhau. Video camera, hay hệ thống báo động, nếu có, cũng khó tìm ra thủ phạm.
Hình ảnh qua camera kẻ trộm chui vào xe, nhưng khó tìm ra thủ phạm. (Hình: Facebook Mai Ly)
Để tránh bị tốn một khoản tiền mua bộ lọc khí mới cho xe, anh Louis Lê đưa ra các giải pháp, trong đó, tốt nhất nên đậu xe trong garage.
Nhưng không phải ai cũng có garage để đậu xe. Trường hợp này, nên đậu ở những khu vực có nhiều ánh sáng và gần lối vào của mỗi tòa nhà. Cách thứ hai là đặt máy báo động, khi xe bị rung chuyển. Hoặc một cách nữa, là nhờ thợ hàn luôn bộ lọc khí vào khung xe để khó bị gỡ.
Một cách khác để “gây khó khăn” cho kẻ trộm bộ lọc khí, là chụp lưới cáp vào phụ tùng này. Làm như thế, kẻ gian sẽ rất khó để cắt ống.
Chụp lưới cáp vào bộ lọc khí sẽ khiến kẻ gian khó lòng cưa cắt. (Hình: Facebook NaNos Neyugn)
Ngoài ra, nếu khắc số nhận dạng xe (số VIN) trên bộ lọc khí, kẻ gian sẽ không dám thường xuyên làm liều, vì khi đem bán, đại lý mua đồ phế liệu biết ngay đó là đồ ăn cắp.
Trung Sĩ Phương Phạm khuyên, những ai bị mất trộm, mất cắp, đừng ngại ngần báo ngay cho cảnh sát.
“Cảnh sát không có đủ nhân lực để đi tuần tra các nơi suốt đêm. Nếu bị mất cắp, bất cứ mất gì, mọi người cũng nên báo cho cảnh sát, để cảnh sát biết khu vực kẻ gian thường xuyên hoạt động, sẽ đi tuần tra chỗ đó vào buổi tối nhiều hơn,” Trung Sĩ Phương nói. [qd]
Đoan Trang/Người Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét