Một gia đình thích thú tạo dáng bên chiếc xích lô ở hội chợ “Xuân Văn Hóa và Tết Nhân Quyền.” (Hình: Trà Nhiên/Người Việt)
NGƯỜI VIỆT Ở SAN JOSE 'VUI TRỞ LẠI' VỚI 'XUÂN VĂN HÓA VÀ TẾT NHÂN QUYỀN'
Trà Nhiên/Người Việt
SAN JOSE, California (NV) – Sau gần hai năm đìu hiu vì COVID-19, năm nay cộng đồng người Việt ở San Jose “đã vui trở lại” với nhiều chương trình mừng Xuân Nhâm Dần ở các chùa và hội chợ. Đặc biệt nhất phải kể đến hội chợ “Xuân Văn Hóa và Tết Nhân Quyền” thu hút cả ngàn người ở Việt Museum tại San Jose. Đây là viện bảo tàng thuyền nhân và Việt Nam Cộng Hòa đầu tiên và duy nhất trên thế giới.
Hội chợ “Xuân Văn Hóa và Tết Nhân Quyền” khai mạc sáng Thứ Bảy, 29 Tháng Giêng, nhằm ngày 27 Tháng Chạp, và kéo dài đến Chủ Nhật, 30 Tháng Giêng, tại bảo tàng Việt Museum, trong khuôn viên công viên History Park, với nhiều chương trình và ca nhạc phong phú để phô diễn toàn diện văn hoá của người Việt từ Bắc, Trung đến Nam, để nối kết các thế hệ và cùng gìn giữ bản sắc dân tộc.
“Ba thế hệ một tấm lòng”
Đông đảo cư dân và du khách nô nức đến hội chợ Tết với những bộ trang phục đẹp mắt tràn ngập sắc Xuân, cùng các bộ áo dài thước tha đầy màu sắc.
Hội chợ có mấy chục gian lều của các thiện nguyện viên trong ban tổ chức để giới thiệu về văn hóa ba miền, cùng các gian hàng hoa mai, đào và lan, đồ trưng Tết, các sạp đồ ăn, thức uống để phục vụ khách du Xuân.
Nhiều bậc phụ huynh dẫn theo con em đến hội chợ Tết để các bé biết đến truyền thống dân tộc. (Hình: Trà Nhiên/Người Việt)
Ngoài ra, còn có các gian lều của một vài hội đoàn và các vị dân cử địa phương đến tham dự hội chợ Tết cũng như kết nối với cộng đồng.
Ông Vũ Văn Lộc, giám đốc Việt Museum, cựu đại tá QLVNCH, cho biết ông muốn giới thiệu bảo tàng đến mọi người.
“Vì dịch bệnh vẫn còn chưa hết hẳn nên chúng tôi tổ chức quy mô nhỏ hơn các hội chợ năm trước. Tuy việc vui Tết giới hạn nhưng điều quan trọng là lưu giữ kỷ niệm của mọi người khi tới viện bảo tàng về lịch sử thuyền nhân và Việt Nam Cộng Hòa,” ông tâm sự.
Việt Museum thành lập vào năm 2007, mà theo ông Lộc cho biết đó là “duyên hạnh ngộ.”
“Trong 30 năm qua, tôi may mắn sưu tập khoảng 150 di sản và tác phẩm để gìn giữ trong viện bảo tàng. Mục đích tổ chức hội chợ Tết kỳ này là để giới thiệu Việt Museum đến mọi người,” ông Lộc cho hay.
Nói về chủ đề của hội chợ, ông bộc bạch: “Xuân Văn Hóa và Tết Nhân Quyền có ý nghĩa to lớn. Cái Tết này không phải Tết hoàn hảo và vui vẻ cho tất cả mọi thứ nhưng làm thế nào để giữ được nét truyền thống và văn hóa Việt Nam là điều quan trọng hơn vui Xuân. Và, đồng thời mùa Xuân này kêu gọi mọi người trở về với nền văn hóa căn bản của dân tộc và nhớ về quê hương.”
Việt Museum tổ chức “Xuân Văn Hóa và Tết Nhân Quyền” để quảng bá truyền thống ba miền đến cộng đồng. (Hình: Trà Nhiên/Người Việt)
Vị giám đốc Việt Museum cho biết thêm rằng những năm đầu 1980, San Jose là nơi khởi sự những hội Tết đầu tiên của người Việt tị nạn, trước cả Little Saigon ở miền Nam California, để những người con tha hương hưởng một chút không khí Tết.
“Đồng bào ở miền San Jose rất náo nức hưởng Tết xa quê hương nên hình ảnh của Tết rất xúc động. Nhưng sau này, vào những năm 1990, hay 1995, những cái Tết thì liên quan đến thuyền nhân tị nạn, rồi các năm sau này thì bà con lại về Việt Nam ăn Tết nên những cái Tết dần thay đổi và khác đi.”
Điều đặc biệt là hội chợ Tết kỳ này là sự kết hợp giữa ba thế hệ để truyền bá Tết Việt, văn hóa Việt, và truyền thống Việt đến tất cả mọi người.
Ban tổ chức gồm các bậc cao niên có nhiều kinh nghiệm về cộng đồng và cuộc sống, giới trung niên tiếp nối bậc phụ lão, và giới trẻ, những “mầm non” đang tập tành gìn giữ truyền thống của thế hệ trước.
“Bậc cao niên chúng tôi có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống nên xây dựng ý niệm về vấn đề nhân quyền, còn giới trung niên và giới trẻ thì xây dựng lại nền văn hóa cổ truyền và điều tốt nhất của dân tộc,” ông Lộc cho hay.
Ông Vũ Văn Lộc, giám đốc bảo tàng Việt Museum, nguyên là cựu đại tá QLVNCH. (Hình: Trà Nhiên/Người Việt)
Ông Hoàng Thượng, thành viên ban tổ chức, một cựu quân nhân và cũng là cựu Sĩ Quan Thủ Đức QLVNCH, tại San Jose, cho biết hội chợ được chuẩn bị chu đáo trong một thời gian ngắn.
“Ban tổ chức chúng tôi không đại diện bất cứ hội đoàn nào, chúng tôi chỉ là những cá nhân muốn truyền tải nền văn hóa của Việt Nam chúng ta cho cộng đồng và nhất là thế hệ trẻ đang sinh sống tại hải ngoại để chúng ta cùng hướng về quê hương,” ông Thượng nói.
Ông thêm: “Những cựu sĩ quan như chúng tôi phụ với các em trong ban tổ chức như lứa trung niên, và còn các em sinh viên, học sinh làm thiện nguyện nữa. Chúng tôi hướng đến ý nghĩa ba thế hệ một tấm lòng để cùng đóng góp cho thành quả của cộng đồng chúng ta trên toàn thế giới.”
Ông Thượng cũng nói thêm về chương trình gồm có rước Quốc Kỳ và chào cờ, và thiết lập bàn thờ tổ quốc để đồng hương đến cúng và “dâng một nén hương về cho đất nước.”
Thấy Tết là thấy mùa Xuân
Càng về trưa hội chợ ngày càng nhộn nhịp. Nhiều gia đình thích thú với những tiểu cảnh được sắp đặt ý tứ và hào hứng kể cho các con về lịch sử cũng như văn hóa Việt Nam.
Khách đến hội chợ cũng được chiêm ngưỡng áo tứ thân và nón quai thao theo đúng truyền thống Bắc bộ Việt Nam. (Hình: Trà Nhiên/Người Việt)
Nào là xích lô, nào là đòn gánh, nào là cây cầu tre “lắc lẻo gập ghềnh” làm tiểu cảnh, rồi đến các đòn bánh tét, bánh chưng, thêm các sạp bầu cua cá cọp… tất cả đều khơi gợi Tết ở quê hương.
Thêm vào đó, “Xuân Văn Hóa và Tết Nhân Quyền” còn tái hiện truyền thống ba miền, nổi bật nhất là phụ nữ Bắc bộ trong chiếc áo tứ thân và nón quai thao truyền thống gợi lại nhiều hoài niệm về miền Bắc xa xưa.
Bà Ái Chủng, sinh hoạt trong hội Người Việt Cao Niên, một thiện nguyện viên hóa trang thành người Bắc với chiếc áo tứ thân ba màu, để dâng hương bàn thờ tổ.
Điều thú vị bà là phụ nữ gốc Huế. Bà cho biết chuẩn bị Tết năm nay “vui lắm vì hai năm rồi đại dịch nên không được ra ngoài nhiều.”
“Xin chúc mọi người nhiều sức khỏe, vạn sự bình an và gặp nhiều may mắn,” bà vui vẻ nói.
Các em bé thích thú khám phá Việt Museum, bảo tàng thuyền nhân và Việt Nam Cộng Hòa đầu tiên và duy nhất trên thế giới. (Hình: Trà Nhiên/Người Việt)
Đứng ở trước cửa Việt Museum, Nhạc sĩ Nam Lộc bận rộn chụp hình với người hâm mộ cùng giải thích về món quà “quý giá và duy nhất” mà ông mang từ miền Nam California lên San Jose tặng bảo tàng.
Đó là tấm poster đại nhạc hội khánh thành tượng đài chiến sĩ Việt Mỹ, thành phố Westminster. Poster gồm có chữ ký của các ca nhạc sĩ, nghệ sĩ gạo cội ở hải ngoại.
Nhắc đến chợ Tết, nhạc sĩ Nam Lộc hào hứng: “Chợ Tết lúc nào cũng mang lại ý nghĩa và sự nôn nao giống nhau. Tôi đã 77 tuổi mà Tết đến thì tôi cử tưởng là mình trở về lúc 7 tuổi.”
“Tôi rất hân hạnh được tham dự hội Tết này. Sau hai năm trời vướng đại dịch, chúng ta mới có cơ hội sinh hoạt với nhau. Lòng tôi luôn nôn nao nhớ về những kỷ niệm, văn hóa cổ truyền của dân tộc, và được nhìn thấy áo dài, bánh chưng, pháo nổ là niềm an ủi lớn lao của chúng ta. Đặc biệt, ‘Xuân Văn Hóa và Tết Nhân Quyền’ là hai chủ đề rất quan trọng và luôn luôn thao thức với người Việt hải ngoại.”
Rất nhiều khách thập phương ghé thăm hội chợ Tết năm nay để vui Xuân “xả stress” sau hai năm buồn hiu không pháo, không lân do ảnh hưởng của COVID-19.
Trong chiếc áo dài đỏ, chị Oanh Lê, cư dân Texas, cho biết bồi hồi khi lần đầu tiên đến hội chợ Tết ở Việt Museum.
“Những hình ảnh nơi đây gợi nhớ không khí Tết ở Việt Nam, khiến tôi rất nhớ quê. Những hình ảnh về người lính rất quan trọng vì tôi lớn lên trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa nên thấy rất thân thương và cảm động,” chị Oanh nói.
Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng đưa con đến đây tìm hiểu về cội nguồn, đặc biệt là lịch sử người Việt tị nạn.
Nhiều gia đình nán lại chỗ những chiếc thuyền lịch sử, phương tiện đưa thuyền nhân vượt biển đến với bến bờ tự do.
Chị Oanh Lê (trái), ở Texas, cùng bạn là chị Nga Đặng, ở Minnesota, cùng đến California du Xuân. (Hình: Trà Nhiên/Người Việt)
Chị Nhung Nguyễn, cư dân San Jose, thích thú chỉ cho con gái về cây câu tre tượng trưng cho thôn quê miền Tây.
“Hội chợ Tết năm nay thì có không khí hơn năm ngoái. Đa số người Việt không được về Việt Nam trong hai năm qua nên tổ chức hội chợ thì mình cảm thấy ấm cúng hơn, đỡ nhớ quê hương hơn,” chị tâm sự.
“Tôi dẫn bé đến đây cũng để bé biết thêm về phong tục tập quán của người Việt, để sau này bé luôn nhớ về truyền thống Việt Nam. Tết Việt Nam vẫn là vui nhất,” chị Nhung hào hứng nói. [kn]
Trà Nhiên/Người Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét