Chánh cảnh sát Quận Cam Don Barnes trong cuộc họp báo tại Santa Ana ngày 16 Tháng Năm 2022 về vụ xả súng vào một nhóm người Đài Loan (ảnh: Leonard Ortiz/MediaNews Group/Orange County Register via Getty Images)
BẠO LỰC CHỐNG NGƯỜI CHÂU Á - NHIỀU NẠN NHÂN VẪN "TÀNG HÌNH" ĐỂ ĐƯỢC YÊN THÂN
Lê Tây Sơn
Chỉ có bảy trong 233 cuộc tấn công được báo cáo chống lại người Mỹ gốc châu Á ở New York City (NYC) vào năm 2021 bị kết án hình sự, ghi nhận trong báo cáo mới của Asian American Bar Association of New York (AABANY). Báo cáo ngày 31 Tháng Năm, 2022 là báo cáo thứ hai về bạo lực chống người châu Á do AABANY công bố. Theo Yang Chen, Giám đốc điều hành của tổ chức, báo cáo đầu tiên được công bố vào Tháng Hai, 2021.
Sốc nhưng không ngạc nhiên
Ngày 31 Tháng Năm, Elaine Chiu, Giáo sư luật tại Đại học St. John’s cho biết tại cuộc họp báo: “AABANY đã phân tích dữ liệu của Sở cảnh sat New York (NYPD) và hồ sơ từ hệ thống tòa án New York. Trong 233 vụ mà họ thống kê được, chỉ có 91 vụ dẫn đến bắt giữ. Và trong số 91 vụ bắt giữ, chỉ có 41 vụ bị các công tố viên địa phương khép vào tội danh thù hận. Nhưng trong số này chỉ có bảy vụ kết thúc bằng bản án tù với tội danh chính thức là thù hận” – dẫn lại từ CNN.
Theo Chiu, còn ít nhất 20 vụ bắt giữ đang chờ xử lý. “AABANY cũng sử dụng dữ liệu từ văn phòng Thị trưởng NYC và các bản tin từ truyền thông dòng chính trong báo cáo của họ, dù không nêu tên cụ thể hãng tin nào”. Phân tích của AABANY khác với thống kê nội bộ của NYPD, trong đó chỉ có 118 bị xếp vào tội danh căm thù chống người châu Á trong năm 2021. Tuy nhiên, số tội phạm căm thù được báo cho cảnh sát thấp hơn so con số thực tế. Một số chuyên gia ước tính có hơn một nửa số tội ác thù hận người châu Á được “cho qua” vì nhiều lý do khác nhau hoặc không được nạn nhân báo cáo.
Chiu nói: “Phân tích của AABANY cho thấy tại tất cả các quận ở NYC, hầu hết các vụ tấn công người châu Á được báo cáo xảy ra tại khu trung tâm Manhattan, trong đó nạn nhân nữ chiếm khoảng 55%. Còn những nơi khác rất ít”. Chiu cho biết thêm, chiếm tỷ lệ cao nhất trong các nạn nhân tại các cộng đồng AAPI (Asian American Pacific Islander) thuộc nhóm tuổi từ 29 đến 49.
New York ngày 21 Tháng Một 2022 – Một cuộc biểu tình được tổ chức ở góc đường nơi một nạn nhân tên Yao Pan Mo bị đánh và tử vong vài tháng sau (ảnh: Andrew Lichtenstein/Corbis via Getty Images)
Thực tế vượt xa báo cáo chính thức
Cựu Luật sư Hoa Kỳ Loretta Lynch khi tham gia cùng các đại diện AABANY tại cuộc họp báo công bố báo cáo đã gọi các cuộc tấn công gần đây chống lại người Mỹ gốc Á là “Làn sóng bạo lực chống người châu Á dai dẳng không biết bao giờ mới kết thúc trên khắp thành phố của chúng ta”.
Bà nói: “Đây là bản chất của tội ác thù hận. Nguy hiểm hơn là hành vi này thúc đẩy những kẻ bắt chước và dẫn đến các hành động bạo lực hơn nữa. Hậu quả là sự vô cảm bình thản nhìn người khác bị tấn công như nhiều người đã chia sẻ trải nghiệm đau thương của họ. Bạo lực chống người châu Á làm cho thế giới của chúng ta, đất nước của chúng ta, thành phố của chúng ta kém an toàn hơn, không chỉ cho người châu Á mà cho tất cả mọi người. Vì vậy, những công dân lương thiện cần góp sức để người châu Á cảm thấy được an toàn, được chào đón trong cộng đồng của mình, chứng minh là chúng ta có thể mang lại cho họ hòa bình và an ninh cho mọi người dân thành phố, loại bỏ sự thù ghét không dựa vào điều gì cả mà chỉ dựa vào những sự khác biệt mà thật ra cũng không có khác biệt nào cả!”.
Dân biểu nghị viện tiểu bang New York Ron Kim và Thượng nghị sĩ thượng viện tiểu bang John Liu cũng có mặt trong số các diễn giả. Ông Kim lưu ý: “Cuộc chiến chống lại sự căm ghét người châu Á cần phải gồm cả những cuộc thảo luận mạnh mẽ về cách làm sao để thu hẹp những cách biệt kinh tế khiến các cộng đồng da màu chống lại nhau. Chúng ta cũng cần tiếp tục tập trung vào một số giải pháp dài hạn và tháo gỡ bớt các khó khăn trong cuộc sống mà các cộng đồng da màu và người nhập cư đang phải chịu bên cạnh việc tìm ra các lý do thực sự dẫn đến cách biệt thu nhập, sức khỏe và hội nhập xã hội. Đó là cách phá vỡ chu kỳ bạo lực. Ngoài ra cần sớm thực hiện các chấn chỉnh pháp lý, luật lệ ngay bây giờ”.
Một công dân gốc Nepal tham gia cuộc biểu tình tại Tòa thị chính San Francisco, California (ảnh: Ray Chavez/MediaNews Group/The Mercury News via Getty Images)
Các khuyến nghị về giải pháp
Báo cáo của AABANY cho biết từ Tháng Ba 2020 đến Tháng Mười Hai 2021, có 10,905 vụ thù địch người châu Á được báo cáo cho “Stop AAPI Hate”, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên theo dõi các vụ nạn nhân tự báo cáo trong các cộng đồng AAPI, với 4,632 vụ ghi nhận trong năm 2020 và 6,273 trong năm 2021.
Báo cáo cũng lưu ý mức tăng 361% số tội phạm căm thù chống người châu Á ở NYC từ năm 2020 đến 2021, theo thống kê của NYPD. Chris Kwok, thành viên hội đồng quản trị AABANY và là đồng biên tập báo cáo đã đưa ra một số khuyến nghị như bước đầu để giải quyết nạn thù hận gia tăng. Đó là:
- Khuyến khích nạn nhân báo cáo tội ác thù hận;
- Công nhận cộng đồng người châu Á là nạn nhân thay vì bác bỏ và cải thiện hoạt động điều tra tội phạm thù hận;
- Cải cách luật tội ác thù hận;
- Tài trợ đầy đủ cho các chương trình nghiên cứu, phòng ngừa và truy tố tội ác thù hận;
- Đề cao sự công bằng cho mọi chủng tộc;
- Tư vấn hỗ trợ chấn thương; xoá các định kiến khiến nạn nhân ngại báo cáo;
- Cải thiện công tác điều tra và tăng cường nguồn lực điều tra;
- Xem lại chính sách tại ngoại.
Kwok nói: “Chúng tôi có cảm giác trong thời đại bạo lực chống người châu Á nhiều chưa từng thấy, vẫn còn rất khó khăn để các nạn nhân báo cáo và đòi hỏi công lý. Chính rào cản văn hóa và ngôn ngữ đã góp phần tạo ra khó khăn này. Chúng tôi cũng muốn làm cho luật lệ đứng về phía các nạn nhân”. Dù AABANY ủng hộ việc càng đưa ít người vào sau song sắt càng tốt, nhưng khuyến nghị cần nghiên cứu xử nặng hơn các tội phạm thù hận tái phạm. Không cho tại ngoại là một giải pháp. “Chúng ta thường nghe nói đi nói lại về việc người Mỹ gốc Á cảm thấy không an toàn trước pháp luật và cách họ chọn lựa là “tàng hình” để được yên thân. Chúng tôi nghĩ chọn lựa tiêu cực này đã có từ lâu vì nhiều lý do, kể cả ngại rắc rối với pháp luật. Chúng tôi hy vọng những hành động thù hận không bị xem nhẹ như suy nghĩ trong đầu của một số nhân viên thực thi pháp luật” – Kwok nói.
Lê Tây Sơn - Saigon Nhỏ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét